Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 46/2006/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ HỌC VIÊN VÀ NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY VI PHẠM KỶ LUẬT TẠI CƠ SỞ QUẢN LÝ

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 5676/TT-LĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2005, ý kiến của Sở Tư pháp tại các Văn bản số 4404/STP-VB ngày 28 tháng 11 năm 2005, số 134/STP-VB ngày 13 tháng 01 năm 2006 và số 883/STP-VB ngày 16 tháng 3 năm 2006;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xử lý học viên và người sau cai nghiện ma túy vi phạm kỷ luật tại cơ sở quản lý.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tài

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ HỌC VIÊN VÀ NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TUÝ VI PHẠM KỶ LUẬT TẠI CƠ SỞ QUẢN LÝ
(Kèm theo Quyết định số: 46/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Bản quy định này quy định về các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật; các hình thức xử lý kỷ luật; trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với học viên và người sau cai nghiện ma tuý có hành vi vi phạm nội quy, quy định của Nhà nước tại cơ sở quản lý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần, nhiều người thực hiện một hành vi vi phạm thì xử lý kỷ luật từng người về hành vi mà người đó vi phạm, một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm.

2. Việc xử lý kỷ luật nhằm mục đích giáo dục học viên và người sau cai nghiện khắc phục, sửa chữa không tái phạm và ngăn ngừa, răn đe những người khác có nguy cơ vi phạm.

3. Trong quá trình xử lý, thi hành kỷ luật, nghiêm cấm dùng những hình thức nhục hình xâm phạm đến sức khoẻ, thân thể, xúc phạm đến nhân phẩm người vi phạm.

4. Ngoài hình thức xử lý kỷ luật, người vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử lý bổ sung để tăng cường tính chất giáo dục và ngăn ngừa tái phạm.

5. Học viên và người sau cai nghiện có hành vi vi phạm gây thiệt hại đến tài sản của cơ sở quản lý, tài sản, sức khoẻ của người khác thì ngoài việc bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định của pháp luật.

6. Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Giám đốc cơ sở quản lý có trách nhiệm báo ngay cho các cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định pháp luật tố tụng hình sự.

Trong thời gian chờ cơ quan điều tra đến làm việc, Giám đốc cơ sở quản lý được quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Mục I phần C của Thông tư liên tịch số 22/2004/TTLT-BLĐTBXH-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2004 để chấm dứt hành vi vi phạm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở quản lý: là cơ sở chữa bệnh, cơ sở giải quyết việc làm được thành lập theo Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ và Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội khoá 11 kỳ họp thứ 3.

2. Trốn viện: là hành vi của học viên, người sau cai nghiện rời khỏi bệnh viện, cơ sở y tế khi được chuyển tuyến để điều trị mà không được sự đồng ý của Giám đốc cơ sở quản lý.

3. Trốn phép: là hành vi của học viên, người sau cai nghiện không trở lại cơ sở quản lý sau khi hết thời gian được giải quyết về phép theo khoản 1 Điều 17 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 246/2003/QĐ-UB ngày 06 tháng 11 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Điều 4. Các hành vi bị xử lý kỷ luật

Bao gồm những hành vi vi phạm sau:

1. Vi phạm nội quy chung của cơ sở quản lý và các quy định về sinh hoạt, học tập, học nghề, lao động, xây dựng nếp sống văn hoá của đơn vị, khu (đội) thuộc cơ sở quản lý.

2. Vi phạm quy định cấm hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia.

3. Che dấu người vi phạm.

4. Nhận, giữ, sử dụng các chất ma tuý, chất gây nghiện, tân dược không được phép lưu hành tại cơ sở quản lý.

5. Đánh nhau, gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm của người khác.

6. Cho vay nặng lãi, ức hiếp người khác để được hầu hạ, cung phụng vật chất.

7. Xâm phạm tài sản của cơ sở quản lý, của người khác.

8. Trốn cơ sở quản lý, trốn viện, trốn phép.

9. Tổ chức, tham gia gây rối trật tự, bạo động.

10. Không chấp hành, chống đối cán bộ quản lý, chống người thi hành công vụ.

11. Nhận, lưu giữ, mua bán tiền mặt, ngoại tệ, kim loại quý trái quy định.

12. Hối lộ cho cán bộ quản lý.

13. Đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

14. Trộm cắp vặt.

15. Lưu giữ, sao chép, phổ biến tranh, ảnh, văn hoá phẩm có nội đung trái quy định của cơ sở quản lý và pháp luật.

16. Những vi phạm khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 5. Các hình thức xử lý kỷ luật

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm, người vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật dưới đây:

a) Phê bình;

b) Khiển trách;

c) Cảnh cáo;

d) Giáo dục tại phòng kỷ luật;

e) Buộc cai nghiện lại từ đầu khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 4 mà tái sử dụng ma túy; vi phạm lần 2 đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 4 của Quy định này;

f) Kéo dài thời gian áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đến 36 tháng đối với người sau cai nghiện.

2. Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung sau:

a) Buộc công khai xin lỗi;

b) Hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân;

c) Lao động công ích tại cơ sở quản lý;

d) Bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục;

e) Chuyển cơ sở quản lý;

f) Chuyển sang cơ sở giáo dục.

Điều 6. Các tình tiết tăng nặng

Người vi phạm thực hiện hành vi trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý ở mức cao nhất:

1. Vi phạm có tổ chức.

2. Dùng hung khí để đe dọa, cưỡng bức hoặc hành hung người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Trong thời gian đang chấp hành hình thức xử lý kỷ luật, tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại Điều 4 của Quy định này.

Điều 7. Thời hiệu xử lý kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với học viên, người sau cai nghiện vi phạm kỷ luật là 6 tháng kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm cuối cùng.

2. Đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 8 và 9 Điều 4 Quy định này, thời hiệu xử lý được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh.

Chương II

CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ KỶ LUẬT

Mục 1. ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY

Điều 8. Vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở quản lý

1. Người vi phạm bị đưa ra phê bình, kiểm điểm trước tập thể và chịu sự quản lý giáo dục và thử thách rèn luyện tại khu (đội) hàng ngày trong thời gian 30 ngày.

2. Nếu qua thời gian giáo dục, rèn luyện mà người vi phạm không có tiến bộ thì bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục trong thời gian từ 30 đến 40 ngày.

Điều 9. Vi phạm quy định cấm hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia

1. Vi phạm lần đầu: Khiển trách nghiêm khắc trước tập thể khu (đội). Ban quản lý khu đội) có trách nhiệm tăng cường biện pháp quan tâm giáo dục người vi phạm trong các buổi sinh hoạt nhóm.

2. Vi phạm từ lần thứ hai trở lên (thời gian giữa 2 lần vi phạm không quá 01 tháng): giáo dục tại phòng kỷ luật thời gian 07 ngày để tăng cường giáo dục cảm hoá. Nếu tiếp tục vi phạm thì tiếp tục giáo dục tại phòng kỷ luật thời gian 07 ngày, sau đó bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục trong thời gian 30 ngày; đồng thời, hạn chế số lần thăm nuôi, gặp người thân trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý kỷ luật.

Điều 10. Đánh nhau, gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm người khác; xâm phạm tài sản của cơ sở quản lý, của người khác

1. Tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phòng kỷ luật thời gian 07 ngày; sau đó được bố trí nơi ở riêng để quản lý giáo dục trong thời gian từ 01 đến 03 tháng. Trong thời gian thi hành kỷ luật, người vi phạm bị hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân.

2. Vi phạm lần thứ hai, hình thức xử lý kỷ luật như khoản 1 Điều này; thời gian bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục từ 03 đến 06 tháng.

3. Trong quá trình vi phạm, nếu người vi phạm gây thiệt hại tài sản của cơ sở quản lý tài sản sức khoẻ của người khác thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

Điều 11. Trốn cơ sở quản lý, trốn viện, trốn phép

Học viên có hành vi trốn cơ sở quản lý, trốn viện, trốn phép (gọi chung là người bỏ trốn) được đưa trở lại cơ sở quản lý, Giám đốc cơ sở quản lý phải cho tiến hành xét nghiệm Heroin ngay khi được đưa trở lại. Tùy vào sự tự giác trở lại cơ sở quản lý thời gian trốn và kết quả xét nghiệm Heroin mà bị xử lý kỷ luật như sau:

1. Người bỏ trốn được đưa trở lại cơ sở quản lý không tái sử dụng ma túy:

a) Người bỏ trốn tự giác hoặc được gia đình đưa trở lại cơ sở quản lý:

- Thời gian bỏ trốn dưới 06 tháng: Cảnh cáo.

- Thời gian bỏ trốn trên 06 tháng nhưng chưa đến 01 năm: Cảnh cáo và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Thời gian trốn trên 01 năm: Cảnh cáo và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 03 tháng đến 06 tháng.

b) Người bỏ trốn bị cưỡng chế đưa trở lại cơ sở quản lý:

- Thời gian bỏ trốn dưới 06 tháng: Cảnh cáo và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 03 tháng đến 06 tháng.

- Thời gian bỏ trốn trên 06 tháng nhưng chưa đến 01 năm: Bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục thời gian từ 01 đến 03 tháng; đồng thời, hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 03 tháng đến 06 tháng.

- Thời gian trốn trên 01 năm: chuyển cơ sở quản lý; đồng thời hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 03 tháng đến 06 tháng.

c) Thời gian trốn khỏi cơ sở quản lý không được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Giám đốc cơ sở quản lý có trách nhiệm xác định thời gian bỏ trốn để thực hiện kéo dài thời gian chấp hành quyết định tương ứng với thời gian bỏ trốn.

2. Người bỏ trốn bị bắt lại có sử dụng ma túy:

a) Đối với người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh:

- Vi phạm lần 1: Giám đốc cơ sở quản lý lập hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố xử lý buộc cai nghiện lại từ đầu.

- Vi phạm lần thứ 2 trở lên: Giám đốc cơ sở quản lý lập hồ sơ và chuyển cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Đối với người tự nguyện cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh:

- Vi phạm lần 1: Chính quyền địa phương nơi cư trú của đương sự hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

- Vi phạm lần thứ 2 trở lên: Giám đốc cơ sở quản lý lập hồ sơ và chuyển cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự."

Điều 12. Hành vi nhận, giữ, sử dụng ma túy, chất gây nghiện, tân dược không được phép lưu hành tại cơ sở quản lý

1. Vi phạm lần 1: Giáo dục tại phòng kỷ luật thời gian 07 ngày, sau đó bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục thời gian từ 01 đến 03 tháng. Trong thời gian chấp hành kỷ luật, người vi phạm bị hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân.

2. Vi phạm lần 2: Giám đốc cơ sở quản lý họp Hội đồng kỷ luật để đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố xử lý buộc cai nghiện lại từ đầu.

3. Trường hợp tái phạm mang tính chất nghiêm trọng, Giám đốc cơ sở quản lý chuyển vụ việc sang cơ quan Công an điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời gian tiến hành tố tụng, người vi phạm bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phòng kỷ luật thời gian 07 ngày, sau đó bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục đến khi cơ quan tố tụng tiến hành di lý.

4. Người có hành vi che dấu người vi phạm sử dụng ma tuý thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 12 của Quy định này.

Điều 13. Hành vi cho vay nặng lãi, ức hiếp người khác để được hầu hạ, cung phụng vật chất; tổ chức gây rối trật tự hoặc cầm đầu âm mưu bạo động, trốn cơ sở quản lý

1. Học viên có hành vi cho vay nặng lãi, ức hiếp người khác để được hầu hạ, cung phụng vật chất; tổ chức gây rối trật tự hoặc cầm đầu âm mưu bạo động, trốn cơ sở quản lý thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phòng kỷ luật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, Giám đốc cơ sở quản lý đề xuất chuyển cơ sở quản lý hoặc chuyển về Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá để quản lý, giáo dục.

2. Trường hợp bạo động có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, Giám đốc cơ sở quản lý phối hợp với cơ quan Công an tiến hành lập hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 14. Các hành vi vi phạm khác quy định tại Điều 4 của Quy định này

Học viên thực hiện các hành vi vi phạm khác quy định tại Điều 4, tùy theo mức độ vi phạm mà Giám đốc cơ sở quản lý quyết định áp dụng biện pháp xử lý được quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Mục 2. ĐỐI VỚI NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN

Điều 15. Vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở quản lý

1. Người vi phạm bị đưa ra phê bình, kiểm điểm trước tập thể và chịu sự quản lý giáo dục, rèn luyện chặt chẽ tại khu (đội) hàng ngày trong thời gian 01 tháng.

2. Nếu qua thời gian giáo dục, rèn luyện mà vẫn tiếp tục vi phạm, không tiến bộ thì người vi phạm bị áp dụng biện pháp bố trí nơi ở riêng để quản lý giáo dục từ 01 đến 03 tháng.

Điều 16. Vi phạm quy định cấm hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia

1. Vi phạm lần đầu: Phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc trước tập thể khu (đội).

2. Vi phạm lần thứ hai: Khiển trách, hạ hạnh kiểm và hạ điểm thi đua.

3. Vi phạm lần thứ ba trở lên: Cắt tiêu chuẩn thi đua và không xét thưởng phép trong thời gian 06 tháng hoặc bị áp dụng biện pháp kéo dài thời gian quản lý sau cai nghiện đến 36 tháng.

Điều 17. Trốn cơ sở quản lý, trốn viện, trốn phép

Người sau cai nghiện có hành vi trốn cơ sở quản lý, trốn viện, trốn phép (gọi chung là người bỏ trốn) được đưa trở lại cơ sở quản lý, Giám đốc cơ sở quản lý phải cho tiến hành xét nghiệm Heroin ngay khi được đưa trở lại. Tùy vào sự tự giác trở lại cơ sở quản lý, thời gian trốn và kết quả xét nghiệm Heroin mà bị xử lý kỷ luật như sau:

1. Người bỏ trốn được đưa trở lại cơ sở quản lý không sử dụng ma túy:

a) Người bỏ trốn tự giác hoặc được gia đình đưa trở lại cơ sở quản lý:

- Thời gian bỏ trốn dưới 06 tháng: Cảnh cáo và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Thời gian trốn từ 6 tháng trở lên: Kéo dài thời gian áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đến 36 tháng và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 01 tháng đến 03 tháng.

b) Người bỏ trốn bị cưỡng chế đưa trở lại cơ sở quản lý:

- Thời gian bỏ trốn dưới 6 tháng: Kéo dài thời gian áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đến 36 tháng và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Thời gian trốn từ 06 tháng trở lên: Kéo dài thời gian áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đến 36 tháng và hạn chế số lần thăm nuôi, gặp mặt người thân từ 03 tháng đến 06 tháng; bố trí nơi ở riêng để quản lý, giáo dục từ 01 tháng đến 03 tháng.

c) Thời gian trốn khỏi cơ sở quản lý không được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Giám đốc cơ sở quản lý có trách nhiệm xác định thời gian bỏ trốn để thực hiện kéo dài thời gian chấp hành quyết định tương ứng với thời gian bỏ trốn.

2. Người bỏ trốn bị bắt lại cỏ sử dụng ma túy:

a) Vi phạm lần 1: Giám đốc cơ sở quản lý lập hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố xử lý buộc cai nghiện lại từ đầu.

b) Vi phạm lần thứ 2 trở lên: Giám đốc cơ sở quản lý lập hồ sơ và chuyển cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 18. Các hành vi vi phạm khác quy định tại Điều 4 của Quy định này

Người sau cai nghiện thực hiện các hành vi vi phạm khác quy định tại Điều 4 bản Quy định này thì bị xử lý theo quy định tại Điều 10, 12, 13 và 14 - Mục 1 - Chương II của Quy định này.

Chương III

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ VI PHẠM KỶ LUẬT

Điều 19. Thẩm quyền xử lý kỷ luật

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định hình thức xử lý quy định tại điểm e, f khoản 1 và điểm e, f khoản 2 Điều 5 của Quy định này.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong quyết định đối với hình thức xử lý được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 5 của Quy định này trong trường hợp chuyển người sau cai nghiện vi phạm giữa các cơ sở giải quyết việc làm do mình quản lý và phải báo cáo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân thành phố.

3. Giám đốc cơ sở quản lý quyết định đối với các hình thức xử lý kỷ luật khác theo quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Điều 20. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật

1. Khi phát hiện học viên hoặc người sau cai nghiện có hành vi vi phạm kỷ luật, đơn vị hoặc cá nhân có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản vi phạm.

a) Nội dung biên bản ghi rõ: ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên người lập biên bản; họ, tên người vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.

b) Biên bản lập thành ba bản: đương sự giữ 01 bản, Ban quản lý khu (đội) giữ 01 bản và 01 bản gửi về Giám đốc cơ sở quản lý. Biên bản phải được người lập biên bản và người vi phạm ký hoặc điểm chỉ. Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại thì họ phải cùng ký vào biên bản. Nếu người vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản, Giám đốc cơ sở quản lý họp Hội đồng kỷ luật xem xét quyết định hình thức, mức độ và thời gian xử lý kỷ luật cụ thể đối với người vi phạm.

Trường hợp người vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của người khác, tài sản và an ninh trật tự tại cơ sở quản lý, Giám đốc cơ sở quản lý được quyền quyết định đưa ngay đối tượng vào cách ly tại phòng kỷ luật để xử lý.

3. Đơn vị, cá nhân có thẩm quyền lập biên bản là Ban quản lý khu (đội), giáo dục viên, nhân viên bảo vệ khu, của cơ sở quản lý.

4. Trường hợp hành vi vi phạm là nhận, giữ và sử dụng ma tuý, Giám đốc cơ sở quản lý phối hợp với Công an địa phương hoặc Công an cấp huyện nơi cơ sở quản lý trú đóng ghi lời khai và lập hồ sơ ban đầu để có cơ sở áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

5. Các trường hợp xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc cơ sở quản lý hệ thống hồ sơ vi phạm, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi cục phòng chống tệ nạn xã hội là nơi tiếp nhận để báo cáo ra Hội đồng tư vấn thành phố thẩm định trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định.

Trường hợp áp dụng biện pháp xử lý buộc cai nghiện lại từ đầu địa phương nơi phát hiện hoặc Giám đốc cơ sở quản lý có trách nhiệm lập hồ sơ vi phạm, họp Hội đồng kỷ luật để đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố hủy quyết định xử lý đang áp dụng, để thi hành quyết định buộc cai nghiện lại từ đầu.

6. Giao Hội đồng tư vấn thành phố thẩm định những hồ sơ đề nghị xử lý thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố.

Điều 21. Thành lập Hội đồng kỷ luật của cơ sở quản lý

1. Giám đốc cơ sở quản lý quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét quyết định hình thức kỷ luật. Thành phần của Hội đồng kỷ luật bao gồm Giám đốc cơ sở quản lý hoặc Phó Giám đốc được Giám đốc cơ sở quản lý uỷ quyền là Chủ tịch hội đồng, các thành viên là Trưởng các phòng chuyên môn nghiệp vụ của cơ sở quản lý. Hội đồng kỷ luật làm việc theo chế độ tập thể, xem xét và biểu quyết từng trường hợp cụ thể, kết luận theo đa số. Trường hợp số phiếu biểu quyết bằng nhau thì bên có ý kiến của Chủ tịch hội đồng là ý kiến quyết định.

2. Căn cứ vào bản tự kiểm điểm và hành vi vi phạm do người vi phạm trình bày và biên bản vi phạm, các thành viên Hội đồng kỷ luật phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật.

3. Sau khi có kết luận của Hội đồng kỷ luật, Giám đốc cơ sở quản lý ra quyết định xử lý kỷ luật người vi phạm. Trường hợp vượt thẩm quyền thì Giám đốc cơ sở quản lý chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chỉ huy trưởng Lực lượng thanh niên xung phong xử lý theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Quy định này.

Điều 22. Tổ chức thi hành quyết định xử lý kỷ luật

1. Khi có quyết định kỷ luật, Giám đốc cơ sở quản lý công bố và giao cho Ban quản lý khu (đội), Phòng Bảo vệ thi hành quyết định.

2. Việc thi hành quyết định phải được công khai trong toàn cơ sở quản lý nhằm mục đích giáo dục các học viên và người sau cai nghiện khác.

3. Trong thời gian thi hành quyết định, Ban quản lý khu (đội) quản lý chặt chẽ và tăng cường các biện pháp giáo dục, tổ chức lao động nhằm cảm hoá, chuyển hoá nhận thức của người vi phạm để họ thay đổi hành vi, từng bước hoàn thiện nhân cách.

4. Sau khi hết thời hạn thi hành kỷ luật, người vi phạm viết bản kiểm điểm và cam kết không tái phạm. Bảng kiểm điểm có sự nhận xét của Ban quản lý khu (đội) trình cho Hội đồng kỷ luật của cơ sở quản lý, Giám đốc cơ sở quản lý ra quyết định công nhận học viên, người sau cai nghiện đã thi hành xong kỷ luật và chuyển trở lại khu (đội) để lao động, sinh hoạt bình thường.

5. Quyết định xử lý kỷ luật, biên bản, tài liệu vi phạm được lưu vào hồ sơ quản lý của người vi phạm.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Khen thưởng

Cá nhân đơn vị có thành tích trong việc phát hiện hành vi vi phạm, quản lý, giáo dục người vi phạm, giúp họ nhận thức, chuyển hoá hành vi, không để tái phạm thì được xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 24. Xử lý vi phạm

Cá nhân, đơn vị có trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý kỷ luật, giáo dục học viên, người sau cai nghiện nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; sử dụng nhục hình khi thi hành kỷ luật hoặc bao che cho người vi phạm; hoặc chính bản thân vi phạm các điều trong quy định này, tuỳ theo mức độ mà cá nhân, người đứng đầu và người có trách nhiệm của đơn vị sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Tổ chức thực hiện

1. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều quy định nêu trên.

2. Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn Công an các quận huyện, phường - xã - thị trấn thực hiện quy định này.

3. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân thành phố phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân các quận huyện thực hiện quy định này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung Quy định này cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 46/2006/QĐ-UBND về Quy định xử lý học viên và người sau cai nghiện ma túy vi phạm kỷ luật tại cơ sở quản lý do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 46/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản