Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4516/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM.

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 04/2008/UBTVQH 12 ngày 02/4/2008;

Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;

Căn cứ Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại;

Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ Quy định về xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính;

Căn cứ Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18/01/2006 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004;

Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/03/2007 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá;

Căn cứ Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 796/TTr- STC ngày 19/12/ 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, áp dụng cho cả các vụ việc hiện đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ nhưng chưa xử lý; thay thế các Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 31/03/2006, số 2812/QĐ-UBND 03/10/2006, số 2952/QĐ-UBND ngày 21/9/2007, số 2111/QĐ-UBND ngày 26/6/2008 và các văn bản khác của UBND tỉnh có liên quan trái với Quyết định này đều không còn hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (báo cáo);
- TTTU, TTHĐND, UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, NC, KTN, KTTH(Mỹ).
(D:\My\Quyet dinh\Chau_QD-_Tri_ch_khoan_hang_tich_thu_18_12_2008.doc)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM.
( Ban hành kèm theo Quyết định số 4516 /QĐ-UBND ngày 30/12/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Điều 1. Về khoán chi phí trực tiếp trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả:

1. Các cơ quan nhà nước thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền ra quyết định hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả [Bao gồm: tiền phạt vi phạm hành chính (tiền phạt có tiền bán tài sản tịch thu và tiền phạt không có tiền bán tài sản tịch thu); tiền bán hàng hóa, tài sản, lâm sản, tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ Nhà nước (gọi chung là tài sản tịch thu)] trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm các cơ quan: Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Cảnh sát biển; Đội kiểm tra, kiểm soát Liên ngành của tỉnh, huyện, thành phố được Quyết định thành lập và các lực lượng khác (của tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn) được Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định hiện hành của Pháp luật.

2. Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố (gọi chung là Cơ quan Tài chính) được giao nhiệm vụ quản lý, xử lý và bán tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và xử lý, quản lý thu, chi tiền phạt, bán tài sản tịch thu theo quy định pháp luật.

3. Cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp chủ trì bán đấu giá tài sản tịch thu (trường hợp không hợp đồng thuê doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản Nhà nước).

Riêng đối với việc quản lý, sử dụng tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính và tiền thu từ các vụ án hình sự không thuộc lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì không thực hiện khoán, trích chi phí theo quy định này, mà thực hiện theo chế độ hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Mức khoán chi phí trực tiếp:

Được xác định theo tỷ lệ % (phần trăm) trên số thu từ tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu và các khoản thu khác nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước để khoán chi phí cho các công việc của các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như sau:

- Cơ quan Tài chính: 4%.

- Cơ quan được giao trực tiếp chủ trì bán đấu giá (trường hợp không hợp đồng thuê doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước): 2%.

- Cơ quan Kiểm lâm; Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành của tỉnh, huyện, thành phố:  35%.

Trường hợp đối với tài sản tịch thu do cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,... phát hiện bắt giữ, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu thì tỷ lệ 35% nêu trên được phân phối như sau: cơ quan trực tiếp bắt giữ được thanh toán 32%, cơ quan Kiểm lâm 3%.

- Cơ quan Quản lý thị trường:  23%.

- Cơ quan Công an: 23%.

- Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển: 40%.

- Cơ quan Hải quan:  20%.

- Các cơ quan trực tiếp bắt giữ xử lý khác: 15%.

Riêng tài sản tịch thu bàn giao cho doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản Nhà nước, thì phí bán đấu giá, chi phí bảo quản,…(nếu có) được thanh toán theo hợp đồng uỷ quyền và biên bản thanh lý hợp đồng (khoản chi phí này không được tính trong mức khoán chi phí của các cơ quan trên).

Mức khoán chi phí cho các cơ quan quản lý, xử lý tài sản tịch thu được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) nêu tại khoản 4, Điều 1, nhưng tổng mức khoán tối đa không quá 150 triệu đồng/01 vụ việc. Riêng mức khoán cho Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành tỉnh, huyện, thành phố được cấp phát, quản lý thông qua tài khoản của cơ quan làm Thường trực của Đội do UBND tỉnh hoặc UBND các huyện, thành phố quy định.

Điều 2. Nội dung chi phí đối với tiền khoán:

Mức khoán chi phí cho các cơ quan tại Điều 1 dùng để đảm bảo cho các khoản chi phí trong quá trình điều tra, phát hiện, quản lý, xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; gồm:

1. Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ.

2. Chi phí mua tin (nếu có).

3. Chi phí cho việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã từ thời điểm tạm giữ cho đến khi hoàn thành việc thả vào môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao cho vườn thú, trung tâm thí nghiệm, tổ chức khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Chi phí giao, nhận, khai quật, trục vớt, kiểm kê, bốc dỡ, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, bảo quản; chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá tài sản tạm giữ, tài sản tịch thu đến khi hoàn thành xử lý; chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có).

5. Các chi phí phát sinh trong quá trình xử lý bán tài sản bị tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự như: chi phí định giá khởi điểm; chi thuê giám định, thuê sửa chữa tài sản (nếu có); phí bán đấu giá trả cho doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản Nhà nước, chi phí bán đấu giá do Hội đồng định giá, bán đấu giá thực hiện (trong trường hợp bán đấu giá thông qua Hội đồng định giá, bán đấu giá tài sản tịch thu).

6. Các khoản chi phí trực tiếp khác theo quy định.

Điều 3. Nội dung chi phí ngoài mức khoán:

Sau khi trừ chi phí nêu tại Điều 2; cơ quan, đơn vị chống buôn lậu chủ trì xử lý vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được sử dụng 30% tổng số tiền đã thu, nộp còn lại, số kinh phí này coi như 100%. Riêng đối với các Ban Quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm,… thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số tiền được sử dụng 30% ngoài mức khoán tại Điều 2 chuyển về Chi cục Kiểm lâm tỉnh để điều hòa phân bổ phục vụ hoạt động chung của ngành Kiểm lâm trong lĩnh vực chống chặt phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

Kinh phí này được quản lý, sử dụng, như sau:

1. Sử dụng 40% để chi:

- Khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

- Bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho các cán bộ, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị chống buôn lậu bị tai nạn, bị thương hoặc bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ.

- Bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Hội nghị, hội thảo, khảo sát chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên (nếu có).

2. Dành 60% để chi đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động phục vụ cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Điều 4. Quản lý, sử dụng, hạch toán, kế toán và thanh quyết toán nguồn kinh phí khoán, trích chi phí:

1. Căn cứ số thu từ tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính (kể cả số dư trên tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính đến ngày quy định này có hiệu lực thi hành) nhưng chưa xử lý, theo đề nghị của cơ quan xử phạt, bắt giữ, tịch thu; chậm nhất trong vòng 30 ngày cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm xem xét, thanh toán kịp thời cho các cơ quan để quản lý, sử dụng theo mức tại quy định này (cả khoán và ngoài khoán).

2. Các cơ quan đơn vị quản lý, sử dụng thực hiện:

- Sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và tự cân đối cho từng vụ việc có số thu và các vụ việc không có số thu (như hàng giả, hàng kém phẩm chất phải tiêu hủy,…) hoặc số thu thấp.

- Hạch toán thu, chi đầy đủ nguồn chi phí chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như các nguồn kinh phí khác được ngân sách cấp, không được thanh toán nguồn kinh phí này trùng với nguồn kinh phí chi thường xuyên và kinh phí khác. Thủ trưởng cơ quan căn cứ vào các chế độ, định mức hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để xây dựng quy chế chi tiêu (cơ quan thực hiện khoán chi hành chính thì nguồn kinh phí này được bổ sung vào quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan), chịu trách nhiệm về các khoản chi tiêu theo quy định và mở sổ sách kế toán, tổ chức hạch toán, kế toán nguồn kinh phí và hạch toán thu, chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Cuối năm cơ quan không sử dụng hết nguồn kinh phí thì được chuyển sang năm sau để phục vụ công tác quản lý, xử lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

- Trường hợp đặc biệt về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng không có nguồn thu hoặc thu không đủ bù đắp chi phí nêu trên. Cơ quan Tài chính kiểm tra chứng từ và nguồn kinh phí; nếu tài khoản tạm giữ theo dõi riêng đối với cơ quan, đơn vị chống buôn lậu còn số dư thì sẽ trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, thanh toán; nếu thiếu thì đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành.

- Nội dung chi, các mức chi phí cụ thể, các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng theo Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính.

3. Hồ sơ, chứng từ gốc thanh toán các chi phí từ mức khoán, trích chi phí này được bảo quản, lưu trữ tại các cơ quan theo chế độ Nhà nước quy định và có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Tài chính và cơ quan pháp luật khi có yêu cầu.

4. Hằng năm, cơ quan được thanh toán chi phí có trách nhiệm quyết toán sử dụng kinh phí này cùng với quyết toán sử dụng kinh phí của cơ quan với cơ quan Tài chính theo niên độ ngân sách Nhà nước quy định.

5. Riêng các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương, hằng năm có báo cáo riêng về nguồn và kết quả thực hiện chi phí nguồn chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả về Sở Tài chính để theo dõi, quản lý chậm nhất ngày 31/01 năm sau./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4516/QĐ-UBND năm 2008 Quy định quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 4516/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản