Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2003/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ, BÃO, THIÊN TAI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão;
Căn cứ Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 6037/QĐ-UB ngày 29/8/2002 của UBND Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lỹ, bão, thiên tai Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 162/TTr/LĐTBXH, ngày 11 tháng 3 năm 2003,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Thường trực Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ, BÃO, THIÊN TAI THÀNH PHỐ HÀ NỘi
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 45/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 4 năm 2003 của UBND Thành phố )
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
1. Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 6037/QĐ-UB ngày 29/8/2002 của UBND Thành phố Hà Nội gồm :
- Đ/c Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban.
- Đ/c Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội làm Phó ban thường trực.
Các đồng chí đại diện các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giao thông Công chính, Khoa học và Công nghệ, Ban chỉ huy PCLB Thành phố; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Hội chữ thập đỏ Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Nông dân Thành phố.
2. Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai quận, huyện thành lập với thành phần tương tự.
Điều 2: Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố có nhiệm vụ:
Căn cứ mức độ thiệt hại của vùng bị nạn và chế độ cứu trợ đột xuất quy định tại Nghị định 07/2000/NĐ-CP , ngày 09/3/2000 của Chính phủ, Thông tư 18/2000/TT-BLĐTBXH , ngày 28/7/2000 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chỉ đạo việc:
- Xây dựng phương án cứu trợ đột xuất trên tinh thần chủ động nguồn lực, trường hợp thiệt hại vượt quá khả năng của quận, huyện thì Ban chỉ đạo Thành phố sẽ trình Chủ tịch UBND Thành phố sử dụng kinh phí đảm bảo xã hội và dự phòng để hỗ trợ cho các vùng bị nạn. Nếu thiệt hại vượt quá khả năng cứu trợ của Thành phố thì Ban Chỉ đạo sẽ có phương án trình Chính phủ.
- Tổ chức vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ cho nhân dân vùng bị nạn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, sớm khắc phục hậu quả về đời sống dân sinh.
- Theo dõi, kiểm tra việc cấp phát tiền hàng cứu trợ.
- Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả vận động và phân phối tiền, hàng cứu trợ cho các quận, huyện.
Chương 3:
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 3: Truởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về chỉ đạo lập phương án cứu trợ, điều hành, phân phối tiền, hàng cứu trợ và phân công các thành viên Ban chỉ đạo đảm nhận những công việc của Ban. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố.
Điều 4: Phó ban thường trực - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội được Trưởng ban uỷ quyền trực tiếp điều hành, giải quyết công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo, thực hiện:
- Nắm chắc tình hình và thu thập thông tin, thống kê tình hình đời sống người dân vùng bị thiên tai, hoả hoạn (do thiên tai gây ra) theo quy định tại văn bản số 2131/CV-BLĐTB&XH ngày 04/7/2002 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
- Chủ động xây dựng phương án và kế hoạch triển khai cứu trợ đột xuất trình Ban Chỉ đạo.
- Phối hợp các hoạt động theo sự chỉ đạo của Trưởng ban.
- Hướng dẫn, theo dõi việc tổ chức thực hiện cứu trợ đột xuất ở các quận, huyện và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo về các hoạt động cứu trợ đột xuất.
- Dự toán, thanh quyết toán kinh phí được cấp cho hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chế độ tài chính hiện hành.
Điều 5: Các thành viên của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm:
1. Đại diện lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Thành phố trực tiếp chỉ đạo:
- Vận động tiền, hàng cứu trợ.
- Thống nhất tập trung tiếp nhận, quản lý và phân phối tiền, hàmg ciứi trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, của các quận, huyện, cơ quan, đoàn thể …
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả vận động và cứu trợ đột xuất.
2. Đại diện Lãnh đạo Hội Chữ thập đổ Thành phố trực tiếp chỉ đạo việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế, của Trung ương và các tổ chức, cá nhân trong nuớc, ngoài nước chuyển đến.
3. Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo cân đối nguồn ngân sách Thành phố để hỗ trợ cho người dân vùng bị nạn theo đúng chế độ hiện hành.
4. Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Vật giá chỉ đạo thực hiện:
- Dự kiến bố trí nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ nhân dân vùng bị nạn.
- Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và theo dõi, đôn đốc thanh quyết toán tiền, hàng cứu trợ ở các quận, huyện.
5. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện: nắm diễn biến, thống kê tình hình thiệt hại và phối hợp triển khai phương án cứu trợ.
6. Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông công chính chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện và thực hiện vận chuyển hàng cứu trợ tới các quận, huyện, cơ sở, khu vực bị nạn.
7. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, thuốc, dụng cụ y tế tham gia phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả trong khu vực xảy ra lũ, bão, thiên tai, hoả hoạn (do thiên tai gây ra).
8. Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công ngệ phối hợp chỉ đạo và thực hiện phương án cứu trợ của UBND Thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường trong và sau khi lũ, bão, thiên tai xảy ra.
9. Đại diện Ban chỉ huy PCLB Thành phố trực tiếp theo dõi tình hình diễn biến của lũ, bão, thiên tai, báo cáo kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo về lũ bão với Thường trực Ban Chỉ đạo.
10. Đại diện Lãnh đạo Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm, tăng cường phối hợp, chỉ đạo công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân, nông dân, phụ nữ tham gia công tác cứu nạn, cứu trợ đột xuất, khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai.
11. Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện:
- Báo cáo kịp thời, thường xuyên tình hình thiệt hại khi lũ, bão thiên tai xẩy ra (kể cả hoả hoạn do thiên tai ) với Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố.
- Chủ động xây dựng phương án cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai trên địa bàn mình quản lý, trình Ban Chỉ đạo Thành phố để xem xét, tổng hợp chung báo cáo UBND Thành phố.
Điều 6: Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố có bộ phận chuyên viên giúp việc, các chuyên viên này do các thành viên Ban chỉ đạo ở các sở, ngành, đoàn thể cử ra. Bộ phận chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện:
- Chuẩn bị nội dung và kế hoạch triển khai phương án cứu trợ để báo cáo Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình Ban Chỉ đạo.
- Lập kế hoạch cụ thể để phối hợp các hoạt động của các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện phương án theo sự phân công của Ban Chỉ đạo.
- Hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án cứu trợ.
- Tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo về kết quả hoạt động cứu trợ của ngành.
Chương 3:
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 7: Các thành viên Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề quan trọng của Ban Chỉ đạo, cụ thể:
- Nội dung, phương án cứu trợ, kế hoạch thực hiện và dự kiến phân bổ nguồn tiền, hàng cứu trợ cho các nơi bị nạn thông qua Ban Chỉ đạo quận, huyện.
- Các hoạt động có liên quan để thực hiện tốt phương án cứu trợ đột xuất.
- Đánh giá chung về kết quả thực hiện của Ban Chỉ đạo.
Điều 8: Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường để xử lý những công việc cấp bách, cần thiết của Ban Chỉ đạo hoặc có thể uỷ nhiệm cho Phó ban thường trực triệu tập và chủ trì phiên họp.
Các thành viên có trách nhiệm bố trí thời gian dự họp đầu đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, trường hợp vắng mặt phải có lý do và uỷ quyền cho chuyên viên giúp việc.
Điều 9: Ban Chỉ đạo tổ chức kiểm tra tình hình thiệt hại, đời sống nhân dân vùng bị nạn và tình hình phân phối, sử dụng tiền, hàng cứu trợ ở các quận, huyện theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Điều 10: Các quận, huyện được phân bổ tiền hàng cứu trợ cho nhân dân vùng bị nạn có trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và nhân dân vùng bị nạn.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11: Quy chế này có hiệu lực theo Quyết định ban hành của UBND Thành phố.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ban Chỉ đạo tổng hợp ý kiến, đề nghị UBND Thành phố bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
- 1Công văn số 2131/LĐTBXH-BTXH ngày 04/07/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định 63/2002/QĐ-TTg
- 2Chỉ thị 14/2003/CT-UB về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2003 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3Pháp lệnh Phòng chống lụt bão năm 1993
- 4Nghị định 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội
- 5Thông tư 18/2000/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 6Quyết định 63/2002/QĐ-TTg về công tác, phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 45/2003/QĐ-UB ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cứu trợ khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 45/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/04/2003
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Lê Quý Đôn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/04/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra