Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4407/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 30 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2015 – 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi; Quyết định số 802/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/4/2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Công văn số 1638/BNN-TCTL ngày 26/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 171/TTr-SNN&PTNT ngày 20/8/2015 (kèm theo Kế hoạch) và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 3220/SKHĐT-KTNN ngày 28/9/2015 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4407/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2015 nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo định hướng phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 2015 - 2017:

- Chủ động tưới, tiêu ổn định cho 330.000ha đất gieo trồng cây hàng năm, trong đó trồng lúa cả năm đạt 250.000ha, màu và cây công nghiệp ngắn ngày 80.000ha.

- Tạo nguồn cấp nước nuôi trồng thủy sản mặn - lợ các vùng cửa sông, ven biển 5.500ha.

- Cấp nước cho sinh hoạt nông thôn đạt 95% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 55% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu là 60l/người/ngày.

b) Giai đoạn 2018 - 2020:

- Chủ động tưới, tiêu ổn định cho 331.000ha đất gieo trồng cây hàng năm, trong đó trồng lúa cả năm đạt 220.000ha, màu và cây công nghiệp ngắn ngày 111.000ha.

- Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý khai thác tưới, tiêu, tưới tiết kiệm nước nhất là trên cây trồng cạn; công nghệ cấp nước, lọc nước; đảm bảo an toàn đập và phòng, chống lũ cho vùng hạ du.

- Tạo nguồn cấp nước nuôi trồng thủy sản mặn - lợ các vùng cửa sông, ven biển 6.000ha.

- 100% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu là 60l/người/ngày.

- Đảm bảo chống lũ trên các triền sông theo định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009:

+ Lưu vực sông Mã chống được lũ xảy ra với tần suất: Trên sông Mã P = 1% và sông Chu P = 0,6%.

+ Các lưu vực sông còn lại đảm bảo chống được lũ xảy ra với tần suất đảm bảo P = 5÷10%.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa:

- Tổ chức phổ biến và quán triệt nội dung Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc lĩnh vực thủy lợi trong Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

- Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này trong từng nội dung cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của từng địa phương.

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch:

- Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để phù hợp với các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

- Tổ chức lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch thủy lợi đang triển khai:

+ Quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Nam sông Chu, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

+ Quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Bắc sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

+ Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch: Công khai rộng rãi quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và đình chỉ các hành vi vi phạm quy hoạch được duyệt.

3. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách:

- Phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Xây dựng Luật Thủy lợi; Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Xây dựng hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi; đảm bảo an toàn đập.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực thủy lợi; một số cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; củng cố, phát triển tổ chức thủy nông cơ sở.

- Xây dựng phương án tổ chức quản lý các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi khi công trình kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã hoàn thành đi vào sử dụng.

- Ban hành Quyết định Quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để các tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện.

- Thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; rà soát, điều chỉnh Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật Phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

4. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thực hiện các Chương trình:

a) Sắp xếp, điều chỉnh dự án đầu tư:

Trên cơ sở các quy hoạch thủy lợi được phê duyệt, rà soát lập kế hoạch lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đến năm 2020 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nghị quyết, chương trình hành động về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; cụ thể như sau:

- Ưu tiên đầu tư mới, cải tạo nâng cấp bổ sung các công trình thủy lợi đầu mối, công trình trọng điểm của tỉnh như tập trung hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động hệ thống kênh Bắc hồ Cửa Đạt, nâng cấp kênh Bái Thượng, hệ thống thủy lợi sông Lèn, trạm bơm tưới Yên Tôn, Vĩnh Hùng, Hoằng Khánh, các dự án tiêu úng như vùng III Nông Cống, nâng cấp các hệ thống tiêu Quảng Châu, sông Lý, sông Hoàng, sông Nhơm, tiêu thủy Thọ Xuân và trạm bơm tiêu Quang Hoa; ưu tiên đầu tư hệ thống đê sông, nâng cấp và cứng hóa các tuyến đê biển, các dự án an toàn hồ đập; ưu tiên nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng, nâng cấp, củng cố hệ thống thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại hóa áp dụng công nghệ mới trong kiên cố hóa kênh nội đồng phù hợp với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng phương thức canh tác tiên tiến.

b) Rà soát, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung, áp dụng cơ chế, chính sách:

- Áp dụng tiêu chí phân loại các dự án đầu tư sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn ODA, tín dụng ưu đãi, nguồn xã hội hóa (vốn tư nhân, PPP); cụ thể hóa cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn.

- Rà soát, phân loại và lập danh mục các dự án thủy lợi, nước sạch nông thôn có khả năng khuyến khích thực hiện cơ chế công tư kết hợp (PPP).

c) Tăng cường công tác quản lý đầu tư:

Thực hiện đầu tư theo quy hoạch; lấy hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường làm tiêu chí cơ bản để quyết định lựa chọn dự án đầu tư; tăng cường công tác công khai, minh bạch; giám sát, đánh giá trong đầu tư; bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, không đồng bộ; phân bổ, quản lý và giám sát sử dụng vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, hiệu quả công trình, công tác nghiệm thu, bàn giao chủ thể quản lý, khai thác công trình, quy trình bảo trì, bảo dưỡng, vận hành công trình.

d) Thực hiện hiệu quả các Chương trình:

- Chương trình mục tiêu đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

- Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững.

- Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

- Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

5. Đẩy mạnh ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi của các cơ quan nghiên cứu:

- Phối hợp thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trên lĩnh vực thủy lợi của các cơ quan nghiên cứu:

+ Các giải pháp công nghệ, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thực hiện tưới nông lộ phơi cho lúa, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng cạn như tưới phun mưa, nhỏ giọt, chủ yếu cho vùng trồng rau sạch.

+ Các giải pháp công nghệ cấp nước, lọc nước, cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung.

+ Các giải pháp công nghệ tiên tiến về vật liệu xây dựng phục vụ thiết kế, thi công các công trình thủy lợi.

- Thực hiện dự án tưới mía cho vùng mía thâm canh công nghệ cao tại các huyện Thạch Thành, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Nông Cống, phấn đấu đến năm 2020 có 13.000ha mía được tưới.

6. Công tác đào tạo, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý về thủy lợi:

- Củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước lĩnh vực thủy lợi; đảm bảo ở cấp huyện có ít nhất một cán bộ có chuyên môn kỹ sư thủy lợi; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ưu tiên cán bộ thủy lợi ở cấp huyện, cấp xã, nâng cao năng lực chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi.

- Củng cố, kiện toàn, tổ chức bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến huyện, xã, trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành.

- Phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là đội ngũ quản lý, vận hành công trình ở các Tổ chức hợp tác dùng nước.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát viên đê điều.

(Có phụ lục chi tiết kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết. Định kỳ hàng năm, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, đơn vị có liên quan:

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình và Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa được duyệt, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bố trí danh mục đầu tư các công trình thủy lợi theo lộ trình và sự cần thiết, cấp bách, nguồn vốn đầu tư, các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm thực hiện tốt công tác tưới, tiêu, cấp nước, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước và an toàn công trình.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức, tuyên truyền, phổ biến và quán triệt thực hiện nội dung Kế hoạch nhằm giúp nhân dân hiểu được tầm quan trọng, yêu cầu và nhiệm vụ của kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy lợi.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung được giao trong Kế hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng và phù hợp với thực tế địa phương.

- Định kỳ hàng quý, tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời báo cáo UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ./.

 

PHỤ LỤC:

CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4407/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nhiệm vụ

Sản phẩm

Thời gian hoàn thành

Tổ chức thực hiện

Đơn vị thực hiện

Đơn vị phối hợp

I

Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa

 

 

 

 

1

Tổ chức phổ biến và quán triệt nội dung Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc lĩnh vực thủy lợi trong Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

Hội nghị

Quý IV/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

II

Nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

 

 

 

 

1

Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể thủy lợi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để phù hợp với các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Các dự án, công trình, quy hoạch chi tiết từng vùng và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

2017-2020

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

2

Hoàn thành, trình phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Nam sông Chu, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Báo cáo Quy hoạch

Quý IV/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

nt

3

Hoàn thành, trình phê duyệt Quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Bắc sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Báo cáo Quy hoạch

Quý IV/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

4

Hoàn thành, trình phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Báo cáo Quy hoạch

Quý IV/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

nt

III

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách

 

 

 

 

1

- Phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Xây dựng Luật Thủy lợi; Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Xây dựng hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi; đảm bảo an toàn đập.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực thủy lợi; một số cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; củng cố, phát triển tổ chức thủy nông cơ sở.

Báo cáo, văn bản đóng góp

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

2

Xây dựng phương án tổ chức quản lý các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi khi công trình kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã hoàn thành đi vào sử dụng.

Phương án tổ chức

Quý IV/2016

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

nt

3

Ban hành Quyết định Quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Quyết định của UBND tỉnh

Quý IV/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

4

Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Kế hoạch

Quý IV/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

nt

IV

Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thực hiện các Chương trình

 

 

 

 

1

Trên cơ sở các quy hoạch thủy lợi được phê duyệt, rà soát lập kế hoạch lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đến 2020 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết, Chương trình hành động về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Kế hoạch, danh mục dự án và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư từ 2015-2020

Quý III/2015

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

2

Chương trình mục tiêu đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Kế hoạch thực hiện, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

3

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững.

Kế hoạch thực hiện, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố

nt

4

Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

Kế hoạch thực hiện, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

5

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Kế hoạch thực hiện, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm

Hàng năm

Các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

nt

V

Đẩy mạnh ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi của các cơ quan nghiên cứu

 

 

 

 

1

Phối hợp thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trên lĩnh vực thủy lợi của các cơ quan nghiên cứu:

- Các giải pháp công nghệ, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thực hiện tưới nông lộ phơi cho lúa, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng cạn như tưới phun mưa, nhỏ giọt, chủ yếu cho vùng trồng rau sạch.

- Các giải pháp công nghệ cấp nước, lọc nước, cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung.

- Các giải pháp công nghệ tiên tiến về vật liệu xây dựng phục vụ thiết kế, thi công các công trình thủy lợi.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

2

Thực hiện dự án tưới mía cho vùng mía thâm canh công nghệ cao tại các huyện Thạch Thành, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Nông Cống.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm

2015-2020

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

nt

VI

Công tác đào tạo, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý về thủy lợi

 

 

 

 

1

Phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi, ưu tiên là cán bộ ở cấp huyện, cấp xã.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là đội ngũ quản lý, vận hành công trình ở các Tổ chức hợp tác dùng nước.

Văn bản báo cáo, tập huấn

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND các huyện, thị xã, thành phố

2

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát viên đê điều.

Văn bản báo cáo, các lớp tập huấn

Hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các hạt Quản lý đê tổ chức thực hiện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4407/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2020

  • Số hiệu: 4407/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/10/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản