Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4400/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT CẢNG HÀNH KHÁCH QUỐC TẾ PHÚ QUỐC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét các văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam: Tờ trình số 3804/TTr-CHHVN ngày 15 tháng 9 năm 2014 xin phê duyệt Quy hoạch chi tiết cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, văn bản số của Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định, các Bộ, ngành, địa phương; trên cơ sở Biên bản Hội nghị thẩm định ngày 23 tháng 10 năm 2014 và Kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch chi tiết Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu, quan điểm quy hoạch

1. Mục tiêu

- Quy hoạch xây dựng cảng hành khách quốc tế, tiếp nhận tàu hành khách du lịch và tàu hàng tổng hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

- Quy hoạch xây dựng cảng mang tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đảm bảo tiếp nhận được tàu biển du lịch quốc tế có sức chở đến 5.000 - 6.000 hành khách và tàu hàng tương đương.

2. Quan điểm quy hoạch

- Đảm bảo thuận lợi, an toàn cho các hoạt động của tàu biển, hành khách và hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng, phù hợp với quy hoạch xây dựng chung của đảo Phú Quốc.

- Sử dụng quỹ đất hợp lý, đảm bảo tính kinh tế, tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững.

- Các hạng mục công trình được thiết kế phù hợp với vai trò, nhiệm vụ, tính chất của từng khu chức năng, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại. Giao thông thuận tiện và kết nối hài hòa, đồng bộ với hệ thống giao thông chung của đảo.

II. Nội dung quy hoạch

1. Vị trí quy hoạch: Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc được xây dựng tại khu vực Dương Đông.

2. Quy mô, năng lực thông qua

a) Quy mô: Tiếp nhận tàu hành khách có sức chở 5000 - 6000 hành khách (trọng tải 225.000 GT), tàu hàng có trọng tải đến 15.000 tấn.

b) Năng lực thông qua:

- Giai đoạn đến 2020 là 105.000 - 190.000 hành khách/năm.

- Giai đoạn đến 2030 là 350.000 - 550.000 hành khách/năm.

3. Quy hoạch phân khu chức năng

a) Khu bến tàu:

- Bến cảng là dạng bến nhô, cầu chính được bố trí ở khu vực có độ sâu tự nhiên -11,0m, nối với bờ bằng cầu dẫn. Cầu chính là bến liên tục, bố trí cập tàu ở cả mặt trong và mặt ngoài, phù hợp với chức năng kết hợp tiếp nhận tàu hàng và bốc xếp hàng hóa; chiều dài phải đảm bảo để tiếp nhận tàu khách trọng tải đến 225.000 GT.

- Cầu dẫn nối bến với khu hành khách, có chiều rộng đủ để xe chở hành khách di chuyển thuận lợi, hai chiều từ khu hành khách ra bến và ngược lại.

- Cao trình đỉnh bến: + 4,0 m (hệ cao độ Quốc gia tại Dương Đông);

- Cao trình đáy bến: - 11,0 m.

b) Đê chắn sóng: Đê chắn sóng gồm 02 đoạn tạo thành hình chữ L với tổng chiều dài khoảng 850 m. Cao trình đỉnh đê: +4,5 m (Hệ cao độ Quốc gia Dương Đông). Bề rộng đỉnh đê 6,6 m. Nghiên cứu xây dựng các đê chắn sóng phía gần bờ tạo thành bể cảng cho du thuyền.

c) Luồng và vũng quay tàu

- Luồng vào cảng: 1 làn, bề rộng luồng 250 m. Cao độ đáy luồng -10,0 m;

- Vũng quay tàu: Đường kính D = 720 m;

- Tĩnh không thông thuyền yêu cầu: Hk = 72 m.

d) Khu hành khách:

- Khu đất xây dựng nhà ga hành khách.

- Khu đất bố trí các công trình phụ trợ (nhà bảo vệ, cấp điện, cấp nước...).

- Khu bãi đỗ xe, sân, đường, cảnh quan.

4. Quy hoạch sử dụng đất

Toàn bộ khu đất quy hoạch phát triển khu nhà ga và các công trình phụ trợ được định hướng cho giai đoạn phát triển sau năm 2030 là 2,8 ha. Trong đó giai đoạn trước năm 2030 là 0,45 ha.

5. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật

a) Cao độ san nền: đến cao độ +4,0 m (hệ cao độ Dương Đông).

b) Giao thông

- Giao thông đối ngoại: Cầu dẫn kết nối thẳng với đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Trần Phú thông qua đoạn đường dẫn dài khoảng 140 m, 2 làn xe.

- Giao thông nội bộ: Đường nội bộ, sân bãi trước nhà ga, bãi đậu xe được thiết kế đồng nhất, phân chia bằng sơn định tuyến.

c) Cấp điện

- Tổng nhu cầu dùng điện của cảng là 240,98KVA.

- Nguồn cung cấp cho Cảng sẽ được lấy từ đường dây trung thế 22kV dự kiến lắp đặt theo quy hoạch đến năm 2030 của điện lực địa phương.

d) Thông tin liên lạc

Cảng sử dụng mạng viễn thông và thông tin liên lạc của đảo.

đ) Cấp, thoát nước

- Tổng nhu cầu dùng nước của khu nhà ga dự kiến là 810 m3/ngày.đêm.

- Nguồn nước được dự kiến lấy từ ống D300 của trạm cấp nước từ hồ chứa Dương Đông.

- Thoát nước mưa: được thiết kế riêng biệt với hệ thống thoát nước bẩn theo nguyên tắc tự chảy; bố trí dọc theo hàng rào, tuyến đường vào cảng và khu nhà ga. Các tuyến thoát nước xây dựng bằng cống bê tông cốt thép chịu tải trọng H30.

- Thoát nước thải: Lưu lượng nước thải dự kiến là 6,64 (m3/ngày.đêm). Nước thải được thiết kế tách biệt với hệ thống thoát nước mưa, được thu gom và chở đến trạm xử lý tập trung bằng thiết bị chuyên dụng.

6. Chi phí thực hiện quy hoạch khoảng 1.500 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

7. Cơ chế, chính sách đầu tư:

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc;

- Tuân thủ, áp dụng các cơ chế ưu đãi quy định tại Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTg. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, XD, QP, CA, NT&PTNT;
- Các Thứ trưởng;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, KHĐT (5b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4400/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 4400/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/11/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản