Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/2013/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN ĐẢO PHÚ QUỐC, TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang,

Điều 1. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với các nội dung sau:

1. Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư:

Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào đảo Phú Quốc được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo mức cao nhất quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

2. Về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại

Người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại đảo Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Trường hợp người nước ngoài vào một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam (kể cả đường hàng không và đường biển), lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đi đảo Phú Quốc cũng được miễn thị thực theo quy định này.

3. Về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định việc thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước để xây dựng Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thay thế Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004.

4. Về đầu tư các công trình trọng điểm trên đảo Phú Quốc:

a) Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác trong giai đoạn từ 2014 đến 2015, tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm sau:

- Hệ thống giao thông đường bộ (đường trục chính Bắc - Nam và đường vòng quanh đảo); các đường nhánh quan trọng nối từ trục chính đến đường vòng quanh đảo hoặc đấu nối với các khu du lịch, khu đô thị - dân cư trọng điểm.

- Nguồn và hệ thống cấp điện, nguồn và hệ thống cấp nước.

- Sân bay, cảng biển, các công trình kết nối.

- Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù di dân tái định cư, đầu tư các dự án nhà ở tái định cư, các công trình phúc lợi công cộng.

- Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, môi trường đô thị...

Việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm theo thứ tự ưu tiên và căn cứ trên nhu cầu phát triển thực tế theo hướng tập trung vốn để hoàn thiện đồng bộ, dứt điểm vào một khu vực để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

b) Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đảo:

Xây dựng hệ thống xử lý rác thải và nước thải, bệnh viện chất lượng cao, hệ thống thương mại, xây dựng các trung tâm đào tạo nhân lực cho các ngành du lịch, thương mại, khu phi thuế quan gắn với sân bay quốc tế Phú Quốc...

5. Về sử dụng vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm:

a) Tập trung bố trí tối đa từ các nguồn ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn 2014 - 2015 để đảm bảo theo tiến độ các công trình, dự án trọng điểm phát triển đảo Phú Quốc.

b) Hàng năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bố trí từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương cho các công trình trọng điểm phát triển đảo Phú Quốc.

c) Tạm ứng trước vốn kế hoạch từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ của năm sau và giai đoạn 2014 - 2015 theo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng trên đảo.

d) Được sử dụng quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật về đất đai vào mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung cho đảo Phú Quốc.

đ) Ưu tiên thu hút, vận động các nguồn vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết trên đảo Phú Quốc.

e) Huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật.

g) Khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, BTO, PPP... đối với các công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

h) Vận động các nguồn vốn ngoài nước đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quốc.

6. Về một số cơ chế chính sách khác:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang được phép chỉ định thầu các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quốc phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được thu theo chênh lệch giá giữa giá đất theo mục đích sử dụng mới với giá đất theo mục đích sử dụng trước khi chuyển mục đích sử dụng đất tại cùng thời điểm được chuyển mục đích sử dụng đất. Giá đất theo mục đích sử dụng mới và giá đất theo mục đích trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để tính chênh lệch tiền sử dụng đất nêu trên là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (là giá đất thị trường trong điều kiện bình thường, không phải là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Bảng giá đất). Trường hợp giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (cho mục đích cũ) thấp hơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất khi nhà nước thu hồi tại cùng thời điểm thì được tính theo giá bồi thường, hỗ trợ về đất, các khoản hỗ trợ khác theo chính sách về bồi thường, hỗ trợ để khấu trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp tại cùng một thời điểm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Giá đất để giao cho nhà đầu tư được áp dụng chung cho cả khu vực (theo bãi, không áp dụng riêng cho từng dự án cụ thể), được Ủy ban nhân dân tỉnh xác định, công bố hàng năm trong trường hợp giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hàng năm để xác định tiền sử dụng đất trên đảo Phú Quốc đã sát giá thị trường.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2014.

2. Bãi bỏ Điều 2 Quy chế nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định số 229/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên Tổ công tác nghiên cứu, phát triển đảo Phú Quốc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, V.III (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 80/2013/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 80/2013/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 10/01/2014
  • Số công báo: Từ số 69 đến số 70
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản