Hệ thống pháp luật

Điều 5 Quyết định 439/QĐ-UBND quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước địa phương năm 2024 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Điều 5. Tổ chức quản lý, điều hành ngân sách nhà nước

1. Về quản lý điều hành thu ngân sách nhà nước

Thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật Ngân sách nhà nước đồng thời lưu ý triển khai một số nội dung sau:

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về thuế có hiệu lực thi hành. Chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, chi thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định; nộp kịp thời vào ngân sách nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty.

- Cơ quan Thuế và Hải quan tiếp tục cải cách hành chính về Thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế; việc khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, giá trị, số lượng... để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế. Tăng cường công tác chống thất thu, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai, khoáng sản; thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

- Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ban Quản lý dự án, UBND các huyện tập trung hoàn tất các thủ tục và đôn đốc việc đầu tư hoàn chỉnh các khu quy hoạch đấu giá đất để tăng thu cấp quyền sử dụng đất; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tập trung giải quyết nhanh nhất các thủ tục về đất đai để triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

- Các sở, ban, ngành địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Tổ chức việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản công.

- Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục phối hợp trong việc hạch toán phân cấp nguồn thu đảm bảo phù hợp với quy định phân cấp hiện hành.

- Tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra.

2. Về tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước

a) Về chi đầu tư

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 26/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về đầu tư công năm 2024, trong đó lưu ý:

- Yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng, đấu thầu... tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ dự án. Việc chi chuyển nguồn thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành, chất lượng công trình; các dự án phải thực hiện theo mức kế hoạch vốn đã thông báo; tập trung, quyết liệt tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và yêu cầu chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Kết quả giải ngân của các chủ đầu tư là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của lãnh đạo đơn vị.

- Đối với dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu phí tham quan di tích cần căn cứ dự toán đã giao và tiến độ thực hiện thu thực tế; trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán thì phải chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.

- Trường hợp trong năm có phát sinh số tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất được khấu trừ tương ứng với số tiền nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc các khoản viện trợ cần được ghi thu, ghi chi nhưng chưa được giao dự toán thu chi đầu năm, đề nghị UBND các cấp trình Thường trực HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để làm cơ sở hạch toán thu, chi.

b) Về chi thường xuyên

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện trong phạm vi quản lý của mình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Căn cứ nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách tỉnh đã giao cho các cơ quan, đơn vị dự toán cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công và mua sắm máy móc, trang thiết bị (phần kinh phí không tự chủ); nguồn bổ sung mục tiêu đã phân bổ chi tiết từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện cho từng dự án, nhiệm vụ mua sắm máy móc, trang thiết bị trong năm 2024, Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện có trách nhiệm khẩn trương tổ chức phê duyệt dự án (hoặc kế hoạch sửa chữa) theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; phê duyệt quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định hiện hành chậm nhất trước ngày 30/6/2024 (trừ vốn bổ sung mục tiêu đầu tư theo tiêu chí đã phân cấp theo quy định, tài sản công mua sắm theo phương thức tập trung trên địa bàn theo quy định).

Trường hợp các dự án, nhiệm vụ triển khai các thủ tục nêu trên sau thời điểm 30/6/2024, giao Sở Tài chính không thực hiện cấp phát (đối với đơn vị dự toán cấp tỉnh) và thông báo dừng rút bổ sung mục tiêu (đối với ngân sách các huyện) kinh phí cho các nhiệm vụ nêu trên. Trên cơ sở đó, giao Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phương án giảm dự toán đã giao hoặc điều chuyển cho các địa phương, đơn vị khác (trừ các dự án, nhiệm vụ có nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép).

- Điều hành chi trong phạm vi dự toán được giao; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; các ngành, các địa phương liên quan trước khi trình phê duyệt đề án, nhiệm vụ cần dự kiến nguồn lực kinh phí thực hiện và phải lấy ý kiến của cơ quan tài chính về khả năng đảm bảo nguồn kinh phí; chỉ trình phê duyệt đề án, nhiệm vụ khi đảm bảo được nguồn kinh phí để thực hiện.

- Trong quá trình điều hành chi ngân sách, các địa phương cần lưu ý lượng thu để chi, dự phòng ngân sách đủ lớn để ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh. Khi có nhu cầu chi cho các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh phát sinh ngoài dự toán, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách huyện, xã và các nguồn vốn khác để thực hiện; trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách huyện thì mới đề nghị tinh xem xét, hỗ trợ. Đối với các chế độ, chính sách chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2024 hoặc các chế độ chính sách đã tính trong định mức nhưng trong năm phát sinh thêm kinh phí do nâng mức hỗ trợ hoặc mở rộng đối tượng thụ hưởng, các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện đảm bảo chi trả đủ cho các đối tượng thụ hưởng, không để phát sinh tình trạng chậm, nợ tiền chế độ, chính sách.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài; tiết kiệm thêm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán đã được giao theo đúng Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục cải cách hành chính và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý chi ngân sách nhà nước.

- Các sở, ban, ngành chủ động sắp xếp, bố trí các nhiệm vụ phát sinh trong phạm vi dự toán được giao để xử lý các nhiệm vụ đột xuất trong năm; cần đẩy nhanh việc giải ngân kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ đầu năm, tránh tập trung thanh toán vào cuối năm.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt chẽ các nhiệm vụ chi phát sinh mới và chỉ xem xét bổ sung chi thường xuyên cho các đơn vị khi có nhu cầu chi thật cấp thiết nhằm thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được tỉnh giao; hạn chế tối đa việc chi chuyển nguồn. Trường hợp kinh phí đã bố trí nhưng không giải ngân hết phải hủy dự toán theo quy định. Thủ trưởng các ngành, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

- Kho bạc Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm soát chi, từ chối thanh toán các khoản chi ngân sách không đủ điều kiện chi, sử dụng kinh phí sai quy định.

Quyết định 439/QĐ-UBND quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước địa phương năm 2024 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 439/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/02/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH