Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4365/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 27 tháng 09 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BỘ TIÊU CHÍ CÔNG NGHỆ - MÔI TRƯỜNG - KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỂ ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI KHU LIÊN HỢP XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN, PHƯỜNG HÒA KHÁNH NAM, QUẬN LIÊN CHIỂU, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ Quyết định, số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông tư số 09/2018/TT-BKHĐT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;

Căn cứ Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của HĐND thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Theo nội dung Công văn số 826/SKHCN-QLCN ngày 01/8/2019 của Sở Khoa học và Công nghệ; Công văn số 5907/SXD-HTKT ngay 02/8/2019 của Sở Xây dựng; Công văn số 2192/SKHĐT-DN ngày 31/7/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Công văn số 1291/SCT-KTATMT ngày 31/7/2019 của Sở Công thương; Công văn số 2671/STC-ĐT ngày 01/8/2019 của Sở Tài chính;

Căn cứ Công văn số 2792/BKHCN-ĐTG ngày 06/9/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ; Công văn số 4459/BTNMT-TCMT ngày 10/9/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công văn số 2954/TCMT-QLCT ngày 09/7/2019 của Tổng cục Môi trường;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 762/TTr-STNMT ngày 24 tháng 9 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Bộ tiêu chí Công nghệ - Môi trường - Kinh tế - Xã hội để đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

Lựa chọn được Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi và hiệu quả cao nhất để triển khai đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, xây dựng, công nghệ.

II. TIÊU CHÍ CHUNG

1. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm đều được khuyến khích tham gia đầu tư.

2. Địa điểm: tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

3. Diện tích: ≤ 07ha. Ưu tiên công nghệ sử dụng tiết kiệm đất.

4. Công suất xử lý: 1.000 tấn/ngày; có khả năng tăng công suất, mở rộng quy mô trong trường hợp cần thiết.

5. Hình thức đầu tư: hình thức đối tác công tư (PPP). Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành dự án từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

6. Thời gian hoạt động của Dự án: không quá 25 năm, kể từ ngày Nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

III. TIÊU CHÍ VỀ CÔNG NGHỆ - MÔI TRƯỜNG

1. Công nghệ xử lý :

- Phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực thực hiện.

- Phù hợp với đặc điểm, tính chất, thành phần chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại hoặc chưa qua phân loại).

- Dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị bảo đảm mới 100%; ưu tiên các công nghệ có nguồn gốc, xuất xứ ở các nước phát triển (G7, EU) thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao của Việt Nam hoặc công nghệ phải được tổ chức, đơn vị có chức năng chứng nhận.

- Dây chuyền công nghệ, thiết bị tự động và hạn chế tối đa sử dụng lao động thủ công.

- Khuyến khích các công nghệ có tính chất tuần hoàn tài nguyên (tận thu những giá trị của chất thải để tái tạo tài nguyên) và hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất (điện, nước...).

- Khuyến khích công nghệ có khả năng nội địa hóa thiết bị của nhà máy và thay thế bằng các thiết bị nội địa.

- Tỷ lệ chất thải đem chôn lấp ≤ 5% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa đến nhà máy.

- Có phương án công nghệ xử lý các loại chất thải thứ cấp phát sinh và sản xuất sản phẩm đầu ra đảm bảo các quy định hiện hành, hạn chế chôn lấp. Thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhưng không bao tiêu bất kỳ chất thải thứ cấp, sản phẩm đầu ra của Nhà đầu tư.

- Tuần hoàn tái sử dụng toàn bộ nước thải sau thu gom, xử lý.

- Thực hiện chuyển, giao công nghệ theo quy định.

2. Môi trường:

- Đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam, khuyến khích tiệm cận các quy chuẩn về môi trường thông dụng ở cấp quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy.

- Có phương án bảo đảm phòng ngừa, khắc phục ngay khi xảy ra sự cố kỹ thuật, sự cố môi trường.

- Có khả năng lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt tại nhà máy đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong thời gian bảo dưỡng, bảo trì hệ thống.

3. Việc tổ chức vận hành xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nhà máy phải đảm bảo liên tục, ổn định (kể cả trong thời gian bảo dưỡng, bảo trì hệ thống).

IV. TIÊU CHÍ VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

2. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: ≤ 25 USD/1 tấn rác (tỷ giá ngoại tệ được xác định theo tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank), đã bao gồm thuế VAT và chi phí xử lý các chất thải thứ cấp phát sinh.

V. TIÊU CHÍ NĂNG LỰC, KINH NGHIỆM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

1. Nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi.

2. Nhà đầu tư phải có kinh nghiệm đầu tư xây dựng, khai thác vận hành các dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất trên 500 tấn/ngày đêm tại Việt Nam hoặc các nước trên thế giới.

3. Nhà đầu tư là chủ công nghệ hoặc có hợp đồng chuyển giao công nghệ.

4. Thời gian xây dựng dự án (kể từ khi Nhà đầu tư ký kết hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho đến khi dự án đi vào hoạt động chính thức): ≤ 2 năm.

VI. TIÊU CHÍ VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

Nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được hưởng các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành.

Điều 2. Bộ tiêu chí này là cơ sở để UBND thành phố tổ chức lựa chọn đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, UBND thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Chủ tịch UBND các phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./,

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Thành ủy (báo cáo);
- TT HĐND thành phố (báo cáo);
- CT và các PCT UBND thành phố;
- Chủ tịch UBMT TQVN TP. Đà Nẵng;
- Các tổ chức chính trị xã hội, hội Đoàn thể;
- Lưu: VT, ĐTĐT, STNMT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Việt Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4365/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Bộ tiêu chí Công nghệ - Môi trường - Kinh tế - Xã hội để đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 4365/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2019
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Đặng Việt Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản