Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4310/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 26 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KÊ KHAI, KIỂM TRA, ĐỐI CHIẾU VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản các dự án sử dụng vốn nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 184/2014/TT-BTC ngày 01/12/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 722/TTr-STC ngày 19/10/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp kê khai, kiểm tra, đối chiếu và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 3982/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh Lào Cai về việc ban hành Quy chế phối hợp trong việc nhập, kiểm tra, đối chiếu và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lào Cai.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- TT. UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Như Điều 3 QĐ;
- Lưu: VT, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Doãn Văn Hưởng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP KÊ KHAI, KIỂM TRA, ĐỐI CHIẾU VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 4310/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân (sau đây gọi tắt là UBND) các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với cơ quan Tài chính trong việc cung cấp thông tin để kiểm tra, đối chiếu thông tin và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (sau đây gọi tắt là CSDL) và tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chủ đầu tư, chủ dự án trong trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án) liên quan đến việc báo cáo kê khai, đăng nhập chuẩn hóa dữ liệu trong Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước (sau đây gọi chung là Phần mềm) và khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể các tài sản sau:

a) Tài sản nhà nước phải thực hiện báo cáo kê khai và nhập dữ liệu kê khai về tài sản nhà nước vào Phần mềm gồm:

+ Tài sản về nhà, đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

+ Xe ô tô.

+ Tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên /01 đơn vị tài sản.

b) Tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước phải thực hiện báo cáo kê khai và nhập dữ liệu vào Phần mềm gồm:

+ Trụ sở làm việc của Ban quản lý dự án;

+ Ô tô các loại;

+ Các tài sản khác đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc, mục đích phối hợp

1. Việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Quy chế này phải tuân theo nguyên tắc chặt chẽ, kịp thời, thống nhất, đảm bảo tính chính xác số liệu của cả tỉnh, từng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong CSDL.

2. Quy chế phối hợp này làm căn cứ cho các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sử dụng tài sản sử dụng vào mục đích:

- Đảm bảo công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được công khai, minh bạch;

- Đảm bảo tính thống nhất, chính xác về số liệu liên quan đến tài sản nhà nước và tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước;

- Thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, và các báo cáo liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Lập dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, nâng cấp cải tạo, sửa chữa tài sản nhà nước;

- Thu hồi, bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản nhà nước;

- Cung cấp thông tin cho các việc kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 3. Trách nhiệm các bên trong quan hệ phối hợp

1. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước của Bộ Tài chính cho các đơn vị trong toàn tỉnh;

b) Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý những đơn vị vi phạm quy định trong việc lập Báo cáo kê khai, nhập dữ liệu, duyệt dữ liệu, khai thác, sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật;

c) Tổng hợp, dự thảo các báo cáo liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý có trong Phần mềm, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo định kỳ, đúng thời gian quy định;

d) Tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định phân cấp thực hiện đăng nhập dữ liệu cho các đơn vị có số lượng tài sản lớn, biến động;

e) Thực hiện phân quyền khai thác thông tin tài sản nhà nước, tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

f) Duyệt xác nhận thông tin cơ sở dữ liệu trong Phần mềm sau khi các cơ quan, đơn vị được phân cấp nhập xong dữ liệu;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định cụ thể tại Quy chế này;

h) Đăng nhập, khai thác và cung cấp thông tin về tài sản trong CSDL cho các đơn vị chưa được phân cấp đăng nhập, phân quyền khai thác thông tin.

2. Trách nhiệm của cơ quan Sở, ban, ngành chủ quản:

a) Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc báo cáo, rà soát, đối chiếu và xác nhận số liệu về tài sản của các đơn vị trực thuộc đảm bảo thời gian và chất lượng theo yêu cầu.

b) Đăng nhập, khai thác và cung cấp thông tin về tài sản trong CSDL cho các đơn vị trực thuộc (trường hợp được UBND tỉnh phân cấp đăng nhập; Sở Tài chính phân quyền khai thác thông tin).

3) Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, đơn vị chủ quản được phân cấp quản lý tài chính, tài sản theo ngành:

a) Xác nhận báo cáo kê khai của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổng hợp, báo cáo biến động của tài sản nhà nước theo đúng thời hạn và chất lượng theo yêu cầu;

c) Đăng nhập, khai thác và cung cấp thông tin về tài sản trong CSDL cho các đơn vị trực thuộc (trường hợp được UBND tỉnh phân cấp đăng nhập; Sở Tài chính phân quyền khai thác thông tin).

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản phải báo cáo, kê khai có trách nhiệm:

a) Lập báo cáo kê khai tài sản nhà nước theo quy định.

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Phân cấp quyền nhập dữ liệu, xác nhận dữ liệu, khai thác dữ liệu trong Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước.

1. Nhập dữ liệu, xác nhận dữ liệu vào Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước:

a. Các đơn vị phân cấp nhập số liệu vào phần mềm:

- Căn cứ các báo cáo kê khai của các cơ quan đơn vị trực thuộc, đơn vị được phân cấp nhập dữ liệu thực hiện việc đăng nhập số liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước;

- Danh sách các đơn vị thực hiện phân cấp nhập dữ liệu (theo phụ biểu đính kèm).

b. Việc xác nhận dữ liệu trong phần mềm:

Trên cơ sở nhập dữ liệu của các đơn vị, Sở Tài chính thực hiện kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và xác nhận dữ liệu tài sản trong phần mềm.

2. Về khai thác dữ liệu trong Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước:

a. Căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu khai thác thông tin của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính thực hiện phân cấp quyền khai thác thông tin về tài sản trong cơ sở dữ liệu để phục vụ quản lý theo quy định;

b. Khi Quy chế này ban hành có hiệu lực, đề nghị các cơ quan, đơn vị có nhu cầu khai thác thông tin về tài sản trong cơ sở dữ liệu gửi văn bản đề nghị về Sở Tài chính để xem xét thực hiện phân quyền khai thác;

c. Sau khi được Sở Tài chính phân quyền khai thác thông tin (mỗi đơn vị được cấp 01 quyền khai thác thông tin và đăng ký 01 người để quản lý quyền khai thác thông tin) các cơ quan, đơn vị được quyền truy cập để kiểm tra, đối chiếu dữ liệu tài sản có trong cơ sở dữ liệu và được in phiếu xác nhận thông tin về tài sản của đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc đơn vị mình quản lý.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Phối hợp trong việc lập, xác nhận Báo cáo kê khai, cập nhật dữ liệu tài sản nhà nước vào CSDL

1. Phối hợp trong việc lập báo cáo:

a. Hình thức báo cáo kê khai lần đầu:

- Đối với tài sản nhà nước:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô; tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản có trách nhiệm lập báo cáo kê khai đăng ký theo đúng mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính; cụ thể như sau:

+ Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thực hiện kê khai theo Mẫu số 01-ĐK/TSNN; mỗi trụ sở lập riêng một báo cáo kê khai;

+ Đối với xe ô tô thực hiện kê khai theo Mẫu số 02-ĐK/TSNN; mỗi đơn vị lập một báo cáo kê khai;

+ Đối với tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản thực hiện kê khai theo Mẫu số 03-ĐK/TSNN; mỗi đơn vị lập một báo cáo kê khai.

- Hình thức báo cáo kê khai lần đầu đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước:

Ban quản lý dự án được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là trụ sở làm việc, xe ô tô các loại, các tài sản khác đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm lập báo cáo kê khai đăng ký theo đúng biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

+ Đối với trụ sở làm việc của Ban quản lý dự án thực hiện kê khai theo Mẫu số 01a-ĐK/TSDA,

+ Đối với xe ô tô thực hiện kê khai theo Mẫu số 01b-ĐK/TSDA

+ Đối với các tài sản khác đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện kê khai theo Mẫu số 01c-ĐK/TSDA.

b. Trường hợp kê khai bổ sung:

- Báo cáo kê khai bổ sung đối với tài sản nhà nước:

Khi có sự thay đổi về tài sản nhà nước do đầu tư xây dựng, mua sắm mới, tiếp nhận từ đơn vị khác về sử dụng, thanh lý, điều chuyển, bị thu hồi, tiêu hủy hoặc bán theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thay đổi mục đích sử dụng tài sản hoặc cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thay đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có các thông tin thay đổi nêu trên lập báo cáo kê khai bổ sung theo đúng mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi. Cụ thể như sau:

+ Những tài sản được đầu tư xây dựng mới, mua sắm hoặc tiếp nhận về sử dụng tại đơn vị: Thực hiện kê khai theo Mẫu số 01-ĐK/TSNN, Mẫu số 02-ĐK/TSNN, Mẫu số 03-ĐK/TSNN;

+ Thay đổi thông tin về đơn vị sử dụng tài sản theo Mẫu số 04a-ĐK/TSNN;

+ Thay đổi thông tin về tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Mẫu số 04b-ĐK/TSNN;

+ Thay đổi thông tin về tài sản là xe ô tô theo Mẫu số 04c-ĐK/TSNN;

+ Thay đổi thông tin về tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên theo Mẫu số 04d-ĐK/TSNN;

+ Xóa thông tin về tài sản trong Cơ sở dữ liệu theo Mẫu số 04đ-ĐK/TSNN.

- Báo cáo kê khai bổ sung đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước:

Khi có sự thay đổi về tài sản phục vụ công tác quản lý dự án do đầu tư xây dựng, mua sắm mới, tiếp nhận từ đơn vị khác về sử dụng; thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Ban quản lý dự án có các thông tin thay đổi nêu trên lập báo cáo kê khai bổ sung trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

+ Đối với tài sản được đầu tư xây dựng mới, mua sắm hoặc tiếp nhận về sử dụng sau khi đã thực hiện báo cáo kê khai lần đầu: Thực hiện theo Mẫu số 01a-ĐK/TSDA, Mẫu số 01b-ĐK/TSDA, Mẫu số 01c-ĐK/TSDA.

+ Thay đổi thông tin về tài sản theo Mẫu số 02a-ĐK/TSDA, Mẫu số 02b-ĐK/TSDA, Mẫu số 02c-ĐK/TSDA;

+ Xóa thông tin về tài sản trong Cơ sở dữ liệu theo Mẫu số 03/TSDA;

c. Báo cáo kê khai đăng ký tài sản nhà nước được lập thành 03 bộ, gửi 02 bộ đến Sở, ban, ngành, chủ quản, đơn vị chủ quản được phân cấp quản lý tài chính, tài sản theo ngành hoặc UBND cấp huyện (thông qua Phòng Tài chính - Kế hoạch), 01 bộ lưu tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Phối hợp xác nhận báo cáo kê khai:

Cơ quan chủ quản đối với đơn vị cấp tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch đối với đơn vị cấp huyện thực hiện xác nhận hồ sơ báo cáo kê khai tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án trực thuộc; gửi 01 bộ hồ sơ báo cáo kê khai tài sản đã có xác nhận đến Sở Tài chính, 01 bộ lưu tại cơ quan chủ quản, Phòng Tài chính - Kế hoạch.

3. Phối hợp trong việc cập nhật dữ liệu:

Sở Tài chính hoặc cơ quan được phân cấp nhập dữ liệu thực hiện việc đăng nhập dữ liệu tài sản vào Phần mềm theo quy định.

Điều 6. Phối hợp cung cấp thông tin để kiểm tra, đối chiếu kết quả kê khai đăng ký tài sản nhà nước

1. Sở Tài chính và các cơ quan được phân cấp nhập liệu có trách nhiệm cập nhật, kiểm tra, đối chiếu số liệu đã nhập vào Phần mềm với hồ sơ báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án.

2. Sở Tài chính và các cơ quan được phân cấp quản lý sau khi đối chiếu số liệu trong CSDL với hồ sơ báo cáo kê khai có trách nhiệm:

a) In và gửi “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án có tài sản để rà soát, kiểm tra và xác nhận về tính chính xác của số liệu đã đăng nhập vào CSDL theo phân cấp;

b) In và gửi thông tin về đất đến Sở Tài nguyên & Môi trường để Sở Tài nguyên & Môi trường căn cứ hồ sơ địa chính đối chiếu, kiểm tra các thông tin có liên quan.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án và Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận thông tin nêu trên và gửi về Sở Tài chính và cơ quan được phân cấp quản lý trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị. Cơ quan được phân cấp xác nhận và gửi kết quả rà soát, đối chiếu tài sản của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý về Sở Tài chính sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản xác nhận của các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Điều 7. Phối hợp trong công tác lập dự toán đầu tư xây dựng, mua sắm, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tài sản nhà nước

1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án khi xây dựng kế hoạch mua sắm, đầu tư xây dựng phải trình kèm thông tin về hiện trạng và số lượng tài sản nhà nước hiện có trong CSDL hoặc các thông tin cần thiết khác, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, tổng hợp, phê duyệt dự toán.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án khi xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tài sản nhà nước trong quá trình lập dự toán ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm cho hoạt động này phải trình kèm theo “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” của tài sản từ thời điểm hình thành đến thời điểm lập dự toán, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, tổng hợp, phê duyệt dự toán.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng và số lượng tài sản đã được trang cấp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án đã đăng ký trong CSDL quốc gia về tài sản nhà nước. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa kê khai, đăng ký tài sản theo quy định, Sở Tài chính hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố đề nghị đơn vị kê khai bổ sung đầy đủ trước khi thực hiện thẩm định dự toán. Từ ngày văn bản này có hiệu lực, không xem xét kế hoạch đầu tư xây dựng, mua sắm, nâng cấp, cải tạo sửa chữa tài sản đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án có tài sản phải đăng ký nhưng không thực hiện kê khai vào Phần mềm.

4. Trường hợp cần thiết, các cơ quan thẩm định kiểm tra thực tế tài sản tại đơn vị. Nếu số liệu trong CSDL quốc gia không phản ánh đúng thực tế hiện trạng kiểm tra thì đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải báo cáo điều chỉnh số liệu gửi cơ quan chủ quản, Sở Tài chính, để thực hiện điều chỉnh trong CSDL.

5. Trách nhiệm việc cung cấp “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án như sau:

- Đối với trường hợp được phân cấp việc khai thác dữ liệu tài sản nhà nước: Các cơ quan, đơn vị được phân quyền khai thác thông tin có trách nhiệm in “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý.

- Đối với trường hợp chưa được phân cấp khai thác dữ liệu tài sản nhà nước: Sở Tài chính chịu trách nhiệm in “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án.

6. Kể từ 01/01/2016 Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố sẽ không xem xét trình cấp có thẩm quyền việc đầu tư xây dựng, mua sắm, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tài sản nhà nước khi thông tin về tài sản trong CSDL không có hoặc thông tin không chính xác.

Điều 8. Phối hợp trong công tác xử lý (thu hồi, bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy) tài sản nhà nước

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước khi đề nghị xử lý tài sản nhà nước (thu hồi, bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy) gửi kèm theo danh mục tài sản nhà nước đề nghị xử lý và “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” của các tài sản đề nghị xử lý.

2. Trách nhiệm việc cung cấp “Phiếu xác nhận thông tin trong CSDL về tài sản nhà nước” cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự thực hiện như khoản 5 Điều 7 Quy chế này.

3. Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố sẽ không xem xét trình cấp có thẩm quyền việc thu hồi, bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản nhà nước khi khi thông tin về tài sản trong CSDL không có hoặc không chính xác.

Điều 9. Phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sử dụng thông tin trong CSDL để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý tài chính, tài sản theo ngành chịu trách nhiệm cung cấp hồ sơ về tài sản in trực tiếp từ CSDL khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Điều 10. Phối hợp trong công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm lập, gửi Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Điều 32, Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và Điều 18 Thông tư 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính gửi về Sở Tài chính trước ngày 31/01.

2. Để đảm bảo số liệu báo cáo được thống nhất, Sở Tài chính thực hiện việc khóa toàn bộ số liệu tài sản thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia và Phần mềm quản lý tài sản để báo cáo vào ngày 30/01. Các cơ quan/tổ chức, đơn vị chưa nhập dữ liệu tăng, giảm tài sản của năm báo cáo vào Phần mềm phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Sở Tài chính tổng hợp và trình dự thảo Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý trình UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 15/3 hàng năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, Ban quản lý dự án thực hiện tốt những nội dung của bản Quy chế này thì được khen thưởng. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, Ban quản lý dự án vi phạm các quy định tại Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính:

- Tổ chức hướng dẫn thực hiện bản Quy chế này; định kỳ hàng năm tổng hợp, tình hình báo cáo UBND tỉnh;

- Đề xuất với UBND tỉnh xem xét phân cấp việc đăng nhập dữ liệu tài sản nhà nước cho một số đơn vị có khối lượng tài sản lớn;

- Căn cứ vào nhu cầu khai thác thông tin của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính sẽ phân quyền khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước cho các cơ quan, đơn vị.

2. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Lào Cai có trách nhiệm triển khai, thực hiện những quy định của quy chế này.

3. Quy chế này đồng thời được áp dụng để đánh giá kết quả mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của tỉnh Lào Cai.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để hướng dẫn xử lý. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, giao Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

DANH SÁCH

ĐƠN VỊ PHÂN QUYỀN ĐĂNG NHẬP PHẦN MỀM QLTSNN 3.0
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4310/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh)

STT

TÊN ĐƠN VỊ

GHI CHÚ

1

Ban Quản lý khu kinh tế và các đơn vị trực thuộc

Quản lý tài chính theo đơn vị dự toán cấp 1, cấp 3

2

Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc:

Quản lý tài chính theo đơn vị dự toán cấp 1, cấp 3

3

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Sa Pa

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Sa Pa

 

4

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bát Xát

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Bát Xát

 

5

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Văn Bàn

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Văn Bàn

 

6

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Khương

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Mường Khương

 

7

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Si Ma Cai

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Si Ma Cai

 

8

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bảo Thắng

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Bảo Thắng

 

9

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bảo Yên

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Bảo Yên

 

10

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Hà

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND huyện Bắc Hà

 

11

Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Lào Cai

 

 

các đơn vị trực thuộc UBND thành phố Lào Cai

 

12

Phòng Tài chính Đảng - Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

 

 

các đơn vị thụ hưởng ngân sách Đảng cấp phát qua phòng Tài chính Đảng