Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 43-LĐ/ĐT | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1974 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Căn cứ vào Nghị định số 187-CP ngày 20-12-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Lao động và Nghị định số 200-CP ngày 09-10-1969 của Hội đồng Chính phủ thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động:
Căn cứ vào nghị quyết số 42-CP ngày 10-3-1970 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng công nhân kỹ thuật;
Căn cứ vào điều 11 của quy chế tạm thời về trường dạy nghề của Nhà nước;
Theo đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh các trường dạy nghề, trường giáo viên dạy nghề, và lớp đào tạo trong sản xuất ở các xí nghiệp của Nhà nước.
Điều 2: Ông Tổng cục trưởng Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy chế này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
Bộ Lao động căn cứ vào những quy định của Quy chế trường dạy nghề của Nhà nước; căn cứ vào điều lệ về kỷ luật lao động của Hội đồng Chính phủ, ban hành quy chế khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh các trường dạy nghề, trường giáo viên dạy nghề và lớp đào tạo trong sản xuất ở các xí nghiệp Nhà nước nhằm khuyến khích học sinh phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa khắc phục mặt tiêu cực; chăm lo rèn luyện tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chứ kỷ luật, xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn; tích cực học tập và cải tiến phương pháp học tập để đạt kết quả cao nhất, phấn đấu toàn diện để trở thành người con của giai cấp công nhân.
Điều 1: Khen thưởng và kỷ luật phải bảo đảm công bằng, hợp lý, dân chủ, tự giác, kịp thời và đạt được tác dụng giáo dục.
Khen thưởng phải chú trọng cả cá nhân và tập thể, chú trọng việc rèn luyện toàn diện nhưng chủ yếu khuyến khích tinh thần, kết quả học tập, thực tập.
Điều 2: Tặng danh hiệu thi đua Học sinh ưu tú, Học sinh tiên tiến, Tổ học tập tiên tiến, Lớp học tiên tiến cho học sinh và tổ, lớp học sinh đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, thực tập và đóng góp xây dựng nhà trường.
Điều 3: Tiêu chuẩn học sinh ưu tú – tiên tiến.
a) Học sinh ưu tú:
- Tư cách đạo đức được xếp loại tốt.
- Học tập đạt loại giỏi,
- Không vi phạm kỷ luật,
- Có thành tích trong các mặt công tác và các hoạt động khác của trường.
b) Học sinh tiên tiến:
- Tư cách đạo đức được xếp loại tốt.
- Học tập đạt loại khá,
- Không vi phạm kỷ luật,
- Có thành tích trong các mặt công tác và hoạt động khác của trường.
Đối với những học sinh thuộc các dân tộc ít người thì tuỳ theo trường hợp cụ thể mà xét chọn học sinh ưu tú, học sinh tiên tiến.
Đối với học sinh tham gia công tác lãnh đạo ở lớp hay các đoàn thể ở trường không được châm chước các tiêu chuẩn trên và phải thật sự gương mẫu.
Điều 4: Tiêu chuẩn tổ, lớp tiên tiến
a) Tổ tiên tiến:
- Có 30% học sinh trong tổ đạt tiêu chuẩn tiên tiến trở lên, không có học sinh phải thi lại,
- Có phong trào thi đua liên tục trong học tập và thực tập,
- Các mặt công tác và các hoạt động khác đạt thành tích khá,
- Không có học sinh phạm kỷ luật.
b) Lớp tiên tiến:
- Có 30% học sinh trong lớp hoặc một phần ba (1/3) số tổ đạt tiêu chuẩn tiên tiến; các tổ khác phải đạt loại khá.
- Có phong trào thi đua liên tục trong học tập và thực tập.
- Các mặt công tác và các hoạt động khác đạt thành tích khá.
- Không có học sinh phạm kỷ luật.
Điều 5: Hình thức và mức độ khen thưởng
a) Biểu dương cá nhân và tổ, lớp được xếp loại khá trong học tập, các mặt khác không phạm kỷ luật,
b) Cấp giấy khen cho học sinh ưu tú, tiên tiến, tổ, lớp tiên tiến (có thể kèm theo tặng phẩm nếu có chế độ),
c) Những học sinh ưu tú: tổ, lớp tiên tiến có nhiều thành tích tiêu biểu cho phong trào thi đua của trường thì có thể đề nghị cấp trên trực tiếp của trường cấp bằng khen, giấy khen và tặng phẩm.
d) Học sinh ưu tú trong toàn khoá: có thành tích xuất sắc về nhiều mặt, ngoài những hình thức trên, còn được xét một trong những hình thức sau:
- Xét cho đi bồi dưỡng thêm,
- Được giảm thời gian tập sự (nhưng trong thời gian tập sự cũng phải đạt xuất sắc về mọi mặt).
- Hết tập sự được thi tay nghề để nâng bậc do xí nghiệp sắp xếp và tổ chức.
Điều 6: Đơn vị và cá nhân có thành tích đột xuất như: phát huy sáng kiến có giá trị hoặc áp dụng tốt thao tác kỹ thuật tiên tiến trong thực tập sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chống bão lụt, cứu người…thì cần được khen thưởng kịp thời; không phải chờ đến cuối học kỳ hay năm học.
Những phát minh sáng kiến…được Nhà nước công nhận thì được xét và đề nghị khen thưởng theo Nghị định số 20-CP ngày 8-2-1965 của Hội đồng Chính phủ.
Điều 7: Những học sinh vi phạm các điều sau đây, đã giáo dục nhiều lần nhưng không chuyển biến, tuỳ theo mức độ phạm lỗi đều phải xét thi hành kỷ luật:
a) Không nghiêm túc thực hiện chương trình, kế hoạch học tập, thực tập sản xuất, kế hoạch hợp đồng kèm cặp; gây ảnh hưởng xấu đến việc học tập của tổ, lớp; bản thân lười học nên kết quả ngày một sút kém.
b) Vi phạm các chính sách của Nhà nước và nội quy nhà trường. Thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, mất đoàn kết nghiêm trọng, tự ý bỏ học, không chịu nhận công tác do tổ chức phân công; tiết lộ bí mật của Nhà nước, của trường; liên hệ với phần tử xấu và có hành vi phạm pháp.
c) Thiếu tinh thần bảo vệ của công, làm hư hỏng tài sản của Nhà trường …
d) Trong tình hình hiện nay, bất kỳ học sinh nào phạm những lỗi sau đây dù xảy ra chỉ một lần cũng nhất thiết phải xử lý buộc thôi học; ăn cắp, ăn trộm, móc ngoặc, buôn lậu, phao tin đồn nhảm có tính chất khích động chính trị, lôi kéo người khác phá hoại kỷ luật nhà trường, phá phách của công.
Điều 8: Căn cứ vào mức độ phạm lỗi mà áp dụng một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
- Khiển trách,
- Cảnh cáo,
- Hạ tầng công tác (đối với học sinh đang đảm nhận các nhiệm vụ phụ trách tổ, lớp),
- Buộc thôi học.
Học sinh nào phạm lỗi hình sự thì bị truy tố trước pháp luật. Trường hợp học sinh phải buộc thôi học thì phải bồi thường toàn bộ hay một phần sinh hoạt phí (do bố mẹ hoặc người đỡ đầu cam kết cho con cháu mình trước khi vào học phải bồi thường), thu hồi bằng tốt nghiệp hay giấy chứng nhận nghề nghiệp (nếu đã được cấp) và các khoản cung cấp trang bị cho cá nhân.
Điều 9: Tổ chức hội đồng khen thưởng và kỷ luật.
Mỗi trường thành lập hội đồng khen thưởng và kỷ luật để giúp hiệu trưởng nghiên cứu, xét và đề nghị những hình thức khen thưởng và kỷ luật như quy định ở điều 5, điều 8.
Hiệu trưởng ra quyết định thành lập hội đồng và báo cáo lên cấp trên trực tiếp của trường chuẩn y.
Hội đồng gồm có:
- Hiệu trưởng hay hiệu phó, chủ tịch,
- Trưởng phòng tổ chức, uỷ viên thường trực,
- Giáo viên chủ nhiệm, uỷ viên,
- Một đại diện Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh nhà trường có học lực xuất sắc, uỷ viên,
- Một đại biểu học sinh xuất sắc ở lớp của người được khen, hoặc người phạm lỗi, uỷ viên.
Điều 10: Lề lối làm việc của hội đồng.
1. Trách nhiệm của uỷ viên thường trực:
- Theo dõi việc thi hành quy chế khen thưởng kỷ luật và các quyết nghị về khen thưởng và kỷ luật của hội đồng;
- Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho hội đồng họp thường kỳ và bất thường;
- Nghiên cứu và kiến nghị cách giải quyết các đơn khiếu tố;
- Liên hệ với cấp uỷ Đảng, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh nhà trường để tham khảo ý kiến;
- Triệu tập nhân chứng và đương sự đến trình bày ý kiến (nhất thiết phải có mặt đương sự).
2. Trách nhiệm của hội đồng:
Cuối học kỳ và năm học, hội đồng họp để xét và đề nghị những hình thức khen thưởng và kỷ luật quy định ở điều 5, điều 8.
Trường hợp khen thưởng và kỷ luật đột xuất cần xét kịp thời, hội đồng có thể họp bất thường theo yêu cầu của hiệu trưởng.
Ngay, thời gian họp thường kỳ hay bất thường do chủ tịch hội đồng quyết định.
Họp hội đồng do chủ tịch chủ trì, uỷ viên thường trực trình bầy nội dung: phải có biên bản phiên họp (nếu thi hành kỷ luật, biên bản phải có chữ ký và ý kiến của đương sự ghi. Trường hợp đương sự được triệu tập mà không đến dự, không có lý do chính đáng thì biên bản phiên họp vẫn hợp lệ) và phải có 2/3 số uỷ viên có mặt; biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Những biểu quyết về kỷ luật trái với điều 7 và điều 8 đều không có giá trị.
Những quyết định khen thưởng và kỷ luật mà không có ý kiến của hội đồng, coi như không hợp lệ.
Cuối học kỳ, năm học nhà trường phổ biến ý nghĩa, mục đích, tiêu chuẩn để xét chọn cá nhân và đơn vị có thành tích. Cá nhân tự báo công trong tổ học tập.
Họp tổ để xét chọn học sinh khá, tiên tiến, ưu tú và tự bình chọn tổ tiên tiến.
Họp lớp thông qua danh sách cá nhân tiên tiến, ưu tú và tự bình chọn lớp tiên tiến đề nghị khen thưởng và báo cáo kết quả lên trường.
Giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu, lấy ý kiến của những giáo viên, hướng dẫn viên… của lớp đó và đề nghị ý kiến của mình lên Hội đồng khen thưởng và kỷ luật của nhà trường.
Khi xét chọn phải bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng tiêu chuẩn và đoàn kết trong tổ, lớp.
Cá nhân, đơn vị được đề nghị khen thưởng phải có thành tích và ý kiến nhận xét, đề nghị hình thức khen thưởng.
Hội đồng họp xét duyệt, đề nghị lên hiệu trưởng quyết định và công bố vào đầu kỳ mới, năm học mới hoặc lễ tốt nghiệp khoá học.
- Học sinh phạm kỷ luật làm kiểm điểm,
- Họp tổ, lớp căn cứ vào quy định ở điều 7 và 8 để góp ý kiến, có biên bản, ý kiến nhận xét và đề nghị hình thức kỷ luật. (Nếu là đoàn viên Thanh niên lao động Hồ Chí Minh thì tham khảo ý kiến của Đoàn trường; nếu là đảng viên thì tham khảo ý kiến của cấp ủy trước khi xét.
- Hội đồng họp xét, đề nghị hình thức kỷ luật (thành phần Hội đồng phải thi hành đúng như điều 9)
Điều 13: Quyền hạn ra quyết định khen thưởng và kỷ luật
Căn cứ vào đề nghị của hội đồng khen thưởng và kỷ luật, hiệu trưởng có quyền ra quyết định khen thưởng và kỷ luật như quy định ở điều 5 và điều 8.
Trường hợp buộc thôi học, hiệu trưởng phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của trường duyệt y trước khi quyết định. Cấp trên không có quyền làm trái với quy định ở các điều 7 và 8.
Điều 14: Học sinh có quyền khiếu nại về hình thức khen thưởng và kỷ luật của mình lên hiệu trưởng hay cấp trên. Khi chờ xét, học sinh đó vẫn phải chấp hành quyết định phải công bố.
Những trường hợp mà cấp trên xét thấy không thoả đáng, có thể chỉ thị để xét lại hoặc huỷ bỏ quyết định, không phải chờ đương sự có đơn khiếu nại; nhưng cũng không được trái với điều 7 và 8.
Học sinh có quyền phát hiện và báo cáo lên cấp trên đối với những cán bộ, công nhân viên trong nhà trường có hành đông vi phạm pháp luật Nhà nước, đường lối chính sách chủ trương của Đảng, vi phạm quyền lợi của học sinh và nội quy nhà trường.
Những trường hợp trấn áp người tố giác đúng sự thật đều bị nghiêm trị.
Điều 15: Các quyết định khen thưởng và kỷ luật sẽ sao gửi đương sự, gia đình, địa phương hoặc cử đi học. Nếu học sinh là công nhân viên chức được cử đi học mà phạm kỷ luật bị thôi học thì trả về xí nghiệp, cơ quan cũ từ đây nhà trường không chịu trách nhiệm về thời gian sau của học sinh ấy nữa.
Các trường phải lưu hồ sơ khen thưởng và kỷ luật. Hàng năm phải thống kê để theo dõi và báo cáo lên cấp trên.
Điều 16: Quy chế này áp dụng cho tất cả các trường dạy nghề, trường giáo viên dạy nghề và lớp đào tạo trong sản xuất ở các xí nghiệp của Nhà nước.
Các trường không được tuỳ tiện quyết định những hình thức khen thưởng và kỷ luật trái với những điều đã quy định trong quy chế này.
Điều 17: Tại các xí nghiệp có lớp đào tạo trong sản xuất, hội đồng khen thưởng và kỷ luật của xí nghiệp sẽ đảm nhận phần quyền hạn, nhiệm vụ của hội đồng đã quy định cho trường. Giám đốc xí nghiệp đảm nhận phần quyền hạn của hiệu trưởng.
Điều 18: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày được ban hành. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
- 1Nghị định 20-CP năm 1965 điều lệ khen thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến nghiệp vụ công tác do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 39/BGDĐT-GDTH năm 2015 về tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT do Bộ giáo dục Đào tạo ban hành
- 1Nghị định 20-CP năm 1965 điều lệ khen thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến nghiệp vụ công tác do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 42-CP về việc tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng công nhân kỹ thuật do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 187-CP năm 1963 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 39/BGDĐT-GDTH năm 2015 về tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT do Bộ giáo dục Đào tạo ban hành
Quyết định 43-LĐ/ĐT năm 1974 ban hành quy chế khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh các trường dạy nghề và lớp đào tạo trong sản xuất ở các xí nghiệp của Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Lao động
- Số hiệu: 43-LĐ/ĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/06/1974
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Thọ Chân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 13
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra