Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2015/QĐ-UBND

Long An, ngày 08 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ, Y TẾ, THỂ THAO, MÔI TRƯỜNG, GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

n cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật giám định Tư pháp ngày 20/6/2012;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực; giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008;

Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Căn cứ Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008;

Căn cứ Nghi quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 16/7/2015 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1744/SKHĐT-TH ngày 12/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 41/2011/QĐ-UBND ngày 25/10/2011

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An, Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./. 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: GD&ĐT, Y tế, LĐ-TB&XH, VH,TT&DL, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT, Tư pháp;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh Long An;
- Ban KTNS và VHXH HĐKD tỉnh;
- TT. UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở,ngành thuộc UBND tỉnh;
- Quỹ Đầu tư PT Long An;
- Như Điều 3;
- Phòng NCVX;
- Lưu: VT, MT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Lâm

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA CÁC LĨNH VỰC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ THAO, MÔI TRƯỜNG, GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 43/2015/QĐ-UBND ngày 08/9/2015 của UBND tỉnh )

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh

Lĩnh vực xã hội hóa bao gồm: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường và giám định tư pháp.

2. Đối tượng điều chỉnh

a) Các cơ sở ngoài công lập được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa, bao gồm:

- Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm cơ sở dân lập và cơ sở tư nhân (hoặc tư thục đối với giáo dục - đào tạo, dạy nghề), hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa.

- Các cơ sở ngoài công lập đã được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

b) Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c) Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (Sau đây gọi tắt là cơ sở thực hiện xã hội hóa).

3. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xã hội hóa: Việc áp dụng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP thực hiện theo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan.

Điều 2. Điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa

Để được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa, các dự án xã hội hóa phải đáp ứng các điều kiện như sau:

1. Dự án phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định (hiện nay đang thực hiện theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Dự án phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nằm trong danh mục xã hội hóa đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh quyết định ban hành hàng năm. Đối với các dự án xã hội hóa có tính chất quan trọng, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng không nằm trong danh mục hàng năm do UBND tỉnh ban hành, sẽ do UBND tỉnh quyết định về chính sách ưu đãi sau khi đã thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh và sau đó báo cáo lại tại kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất.

3. Các dự án xã hội hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ sở thực hiện xã hội hóa phải có cam kết bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đúng mục đích, có hiệu quả.

4. Riêng cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp thì điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trên các lĩnh vực

1. Chính sách về đất đai

a) Cơ sở thực hiện dự án xã hội hóa đủ điều kiện theo quy định tại Mục II của Quy định này được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất và được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong suốt thời hạn được thuê đất của dự án.

b) Trường hợp dự án được UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian thuê đất thì không được hưởng ưu đãi về đất đai theo quy định.

c) Đối với cơ sở công lập, bán công chuyển sang loại hình cơ sở thực hiện xã hội hóa nếu đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này thì được tiếp tục sử dụng diện tích đất đang sử dụng dưới hình thức cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian thuê còn lại, tính từ thời điểm UBND tỉnh có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất để thực hiện dự án xã hội hóa.

d) Xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng:

Việc xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án xã hội hóa thuộc danh mục tại Mục II của Quy định này như sau:

- Dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao:

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ: Sử dụng ngân sách tỉnh 70%, nhà đầu tư đóng góp 30% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa, Châu Thành và thị xã Kiến Tường: sử dụng ngân sách tỉnh 60%, nhà đầu tư đóng góp 40% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc: Sử dụng ngân sách tỉnh 50%, nhà đầu tư đóng góp 50% để thực hiện bồi thường;, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa và thành phố Tân An: Sử dụng ngân sách tỉnh 40%, nhà đầu tư đóng góp 60% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

- Dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực văn hóa (ngoại trừ văn hóa cơ sở):

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ: sử dụng ngân sách tỉnh 90%, nhà đầu tư đóng góp 10% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa, Châu Thành và thị xã Kiến Tường: Sử dụng ngân sách tỉnh 80%, nhà đầu tư đóng góp 20% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc: Sử dụng ngân sách tỉnh 70%, nhà đầu tư đóng góp 30% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

+ Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa và thành phố Tân An: Sử dụng ngân sách tỉnh 60%, nhà đầu tư đóng góp 40% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư.

Trường hợp dự án xã hội hóa nằm trên địa bàn liên huyện (thị xã, thành phố) thì mức đóng góp của nhà đầu tư được tính theo diện tích địa bàn của từng huyện (thị xã, thành phố).

- Dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực môi trường, văn hóa cơ sở (theo quy định tại Điểm 4 Mục A Phần IV Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013)), dự án đầu tư khai thác các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh: Sử dụng 100% ngân sách tỉnh thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án xã hội hóa.

Kinh phí do nhà đầu tư đóng góp để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được cân đối trong Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm,

2. Về chính sách ưu đãi tín dụng

a) Dự án xã hội hóa đủ điều kiện theo quy định tại Mục II của Quy định này được Quỹ Đầu tư Phát triển của tỉnh ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của Quỹ.

Mức vốn được Quỹ Đầu tư Phát triển của tỉnh cho vay tối đa không quá 60% vốn đầu tư của dự án và không vượt trần mức vay tối đa cho 01 dự án theo quy định của Quỹ Đầu tư phát triển. Tiến độ giải ngân vốn vay của Quỹ Đầu tư Phát triển theo tiến độ thực hiện dự án.

b) Nếu chủ đầu tư có yêu cầu và tùy theo tính chất của từng dự án, sau khi đánh giá hiệu quả của dự án, UBND tỉnh cho phép Quỹ Đầu tư Phát triển tham gia góp vốn với tỷ lệ thích hợp để thực hiện dự án.

3. Một số chính sách khác

a) Khuyến khích lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thực hiện xã hội hóa sân bãi, thiết bị học tập của các trường học theo hướng cho tư nhân đầu tư vào sân chơi, bãi tập hiện có của các trường để phục vụ học tập, rèn luyện thể dục, thể thao của học sinh theo giờ chính khóa, thời gian còn lại cho nhà đầu tư khai thác. Trong trường hợp này, Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc UBND các huyện, thị xã, thành phố (tùy theo phân cấp quản lý) chịu trách nhiệm quy định cụ thể về điều kiện sử dụng hạ tầng, sửa chữa hư hỏng, thời gian khai thác...

b) Khuyến khích thực hiện xã hội hóa bằng nhiều loại hình phù hợp và đạt hiệu quả ở các lĩnh vực như: Trang thiết bị khám chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, trang thiết bị dạy nghề trường dạy nghề công lập, các dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao,.., do sở ngành liên quan hoặc UBND huyện, thị xã, thành phố đề xuất và được UBND tỉnh xem xét, quyết định chính sách ưu đãi cụ thể.

c) Các dự án xã hội hóa được tỉnh tạo điều kiện thông tin miễn phí trên Cổng thông tin điện từ của tỉnh và website của các sở quản lý chuyên ngành.

Điều 4. Trách nhiệm của các sở ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với công tác xã hội hóa

1. Trên cơ sở Quy định này, các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch xã hội hóa cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương mình (xây dựng danh mục kêu gọi xã hội hóa, mỗi dự án trong danh mục bao gồm các thông tin: Sự cần thiết kêu gọi xã hội hóa, nhu cầu sử dụng đất, tổng vốn đầu tư, lộ trình đầu tư, dự kiến tiền thuê đất được miễn, dự kiến kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng), gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 10 hàng năm để điều chỉnh, bổ sung danh mục của năm trước đã ban hành để làm cơ sở kêu gọi xã hội hóa cho năm sau. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trên lĩnh vực mà mình quản lý để bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả.

Định kỳ ngày 20/5 và ngày 01/11 hàng năm báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Trách nhiệm của các sở ngành, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An và nhà đầu tư

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Là đầu mối xử lý các đề nghị của nhà đầu tư có liên quan đến các dự án xã hội hóa.

Căn cứ danh mục kêu gọi xã hội hóa của các ngành, địa phương đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng danh mục kêu gọi xã hội hóa hàng năm của tỉnh, trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân, đề xuất UBND tỉnh cơ chế đấu thầu dự án thực hiện xã hội hóa.

Tổng hợp nhu cầu kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để tạo quỹ đất sạch phục vụ hoạt động xã hội hóa thông qua HĐND tỉnh. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành chức năng liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định về việc sử dụng nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn ngân sách địa phương... để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tạo quỹ đất sạch phục vụ hoạt động xã hội hóa đối với các dự án do tỉnh quản lý.

Phối hợp với Sở Tài Chính và các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho từng dự án thực hiện xã hội hóa.

b) Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối vốn hàng năm để hỗ trợ thực hiện các dự án xã hội hóa, đồng thời theo dõi việc thực hiện các chính sách về thuế, phí đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa.

c) Cục Thuế tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở quản lý chuyên ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành giám sát việc thực hiện của các dự án xã hội hóa theo đúng điều kiện và tiêu chí đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp phát hiện, cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bãi bỏ các ưu đãi theo quy định của pháp luật.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tham mưu UBND tỉnh: Xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó chú ý đảm bảo bố trí quỹ đất dành cho hoạt động xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về đất đai; công bố công khai về quy hoạch sử dụng đất dành cho các lĩnh vực xã hội hóa; các vấn đề có liên quan đến việc công bố công khai quy trình, thủ tục giải quyết việc cho thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với các sở quản lý chuyên ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa về việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả.

đ) Sở Xây dựng:

Hệ thống hóa các quy định về qui hoạch xây dựng; tham mưu UBND tỉnh trong xây dựng quy hoạch, phê duyệt quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có dành quỹ đất theo quy hoạch để đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

e) Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

Tham mưu UBND tỉnh trong việc giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu theo các chính sách tại Quy định này.

Phối hợp với Cục thuế tỉnh, các sở quản lý chuyên ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa về việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả đối với các dự án xã hội hóa nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

g) Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh:

Xem xét ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa. Đồng thời, tham gia góp vốn với tỷ lệ thích hợp để thực hiện các dự án xã hội hóa trên cơ sở đánh giá hiệu quả của dự án.

h) Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, các đoàn thể tỉnh:

Xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường để mọi tầng lớp nhân dân quán triệt và tích cực tham gia.

i) UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An:

Chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa để bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả.

Cân đối vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tạo quy đất sạch phục vụ hoạt động xã hội hóa đối với các dự án do huyện, thành phố quản lý.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ sở thực hiện xã hội hóa

Ngoài các trách nhiệm theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, cơ sở thực hiện xã hội hóa còn phải có những trách nhiệm sau:

- Phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước.

- Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở quản lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án.

Điều 6. Quy định chuyển tiếp

1. Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất ở, đất đô thị thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định đang áp dụng chính sách ưu đãi về sử dụng đất theo Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 03/10/2011 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Long An thì chuyển sang áp dụng quy định này kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2014.

2. Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa đã được Nhà nước giao đất mà được miễn tiền sử dụng đất hoặc được giảm tiền sử dụng đất và đã nộp phần tiền sử dụng đất không được giảm theo quy định tại pháp luật về khuyến khích xã hội hóa trước ngày Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng đất còn lại mà không phải chuyển sang thuê đất. Trường hợp chuyển sang thuê đất thì không phải nộp tiền thuê đất trong thời hạn đã được giao đất.

3. Cơ sở thực hiện xã hội hóa đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hưởng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 03/10/2011 của HĐND tính từ ngày Nghị định số 69/2008/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01 tháng 8 năm 2014 mà Nhà nước không yêu cầu nộp tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì cơ sở thực hiện xã hội hóa không phải hoàn trả Nhà nước số tiền này.

4. Các nội dung khác không được đề cập tại Quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP , Nghị định số 59/2014/NĐ-CP , Thông tư số 135/2008/TT-BTC, Thông tư số 156/2014/TT-BTC và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Các vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện dự án xã hội hóa không được đề cập trong quy định này thì thực hiện theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 và Thông tư số 156/2014/TT- BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

2. Đối với các dự án xã hội hóa không đáp ứng điều kiện tại Điều 2 của quy định này được hưởng các chính sách được quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 và Thông tư số 156/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính nhưng không được hưởng các ưu đãi về chính sách đất đai theo quy định này.

3. Đối với các dự án xã hội hóa đã được cho chủ trương thực hiện trước ngày quy định này có hiệu lực thì không điều chỉnh theo quy định này.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện quy định này; định kỳ 6 tháng báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 43/2015/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An

  • Số hiệu: 43/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Đỗ Hữu Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản