Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4292/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 05 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai trong ba năm 2013 - 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 3480/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Thanh Hóa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3076/SKHĐT-KTNN ngày 12/11/2014 về việc ban hành Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU TÁI CƠ CẤU KINH TẾ

1. Quan điểm tái cơ cấu kinh tế

- Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tiếp tục lựa chọn mô hình tăng trưởng với tốc độ cao trước năm 2020 và đạt mức tăng trưởng hợp lý sau năm 2020; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực; trên cơ sở đó từng bước đầu tư trở lại để thu hẹp trình độ phát triển và thu nhập giữa các vùng miền, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển.

- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu theo chiều rộng (dựa vào tài nguyên, lao động, vốn...) sang mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu để sau năm 2020 tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu.

- Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của cả nước và vùng Bắc Trung bộ; nhưng phải tạo ra một số sản phẩm khác biệt với cả nước và vùng Bắc Trung bộ để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Thực hiện tái cơ cấu kinh tế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề phức tạp, khó khăn và lâu dài nên trong quá trình thực hiện phải thường xuyên đánh giá để bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

2. Mục tiêu tái cơ cấu kinh tế

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo chiều sâu, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế biển, các vùng kinh tế động lực; phấn đấu đến năm 2020 có sản phẩm, lĩnh vực sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh có nền công nghiệp; dịch vụ hiện đại với tốc độ đô thị hóa cao và trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế nằm trong tốp đầu của cả nước.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Về tái cơ cấu ngành kinh tế

- Về tốc độ tăng trưởng (%):

Giai đoạn 2014 - 2015: tăng trưởng kinh tế đạt 11,4%, trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 3,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,9%; dịch vụ tăng 12,9%.

Giai đoạn 2016 - 2020: tăng trưởng kinh tế đạt 14,7%, trong đó: nông, lâm, thủy săn tăng 4%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,2%; dịch vụ tăng 14,8%.

Giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng kinh tế đạt 12%, trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,5%; dịch vụ tăng 13,1%.

- Về cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP (%)

Năm 2015: Nông, lâm, thủy sản chiếm 16,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43%; dịch vụ chiếm 40,5%.

Năm 2020: Nông, lâm, thủy sản chiếm 9,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 48%; dịch vụ chiếm 42,5%.

Năm 2025: Nông, lâm, thủy sản chiếm 7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 48,5%; dịch vụ chiếm 44,5%.

b) Về tái cơ cấu kinh tế vùng

- Về tốc độ tăng trưởng:

Giai đoạn 2014 - 2015: Vùng đồng bằng tăng trưởng 10,9%; vùng ven biển 12,6%; vùng miền núi 12%;

Giai đoạn 2016 - 2020: Vùng đồng bằng tăng trưởng 12,7%; vùng ven biển 19%; vùng miền núi 13,5%;

Giai đoạn 2021 - 2025: Vùng đồng bằng tăng trưởng 10,8%; vùng ven biển 13,9%; vùng miền núi 11,6%;

- Cơ cấu các vùng kinh tế trong tổng GDP toàn tỉnh

Năm 2015: Vùng đồng bằng chiếm 60%, vùng ven biển chiếm 26%, vùng miền núi chiếm 14%;

Năm 2020: Vùng đồng bằng chiếm 46,5%, vùng ven biển chiếm 39%, vùng miền núi chiếm 14,5%;

Năm 2025: Vùng đồng bằng chiếm 44%, vùng ven biển chiếm 41%, vùng miền núi chiếm 15%;

c) Về tái cơ cấu đầu tư

- Giai đoạn 2014 - 2015: Tổng vốn đầu tư đạt 165.000 tỷ đồng; trong đó cơ cấu vốn đầu tư theo lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản chiếm 9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 63,1%, dịch vụ chiếm 27,9%; cơ cấu đầu tư theo địa bàn: vùng đồng bằng chiếm 35,2%, vùng ven biển chiếm 51,5%, vùng miền núi chiếm 13,3%.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng vốn đầu tư đạt 600.000 tỷ đồng; trong đó cơ cấu vốn đầu tư theo lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản chiếm 11,2%, công nghiệp - xây dựng chiếm 59,6%, dịch vụ chiếm 29,2%; cơ cấu đầu tư theo địa bàn: vùng đồng bằng chiếm 32%, vùng ven biển chiếm 56%, vùng miền núi chiếm 12%.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tổng vốn đầu tư đạt 750.000 tỷ đồng; trong đó cơ cấu vốn đầu tư theo lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản chiếm 18%, công nghiệp - xây dựng chiếm 47%, dịch vụ chiếm 35%; cơ cấu đầu tư theo địa bàn: vùng đồng bằng chiếm 38%, vùng ven biển chiếm 42%, vùng miền núi chiếm 20%.

II. ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU KINH TẾ

1. Định hướng tái cơ cấu các ngành kinh tế

1.1. Tái cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản

a) Về nông nghiệp

- Trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; giảm dần diện tích gieo trồng cây hàng năm có hiệu quả thấp sang trồng các loại cây công nghiệp, nguyên liệu phục vụ chế biến, thức ăn chăn nuôi; từ nay đến năm 2020, chuyển 32.000 ha đất lúa sang trồng cỏ, thức ăn gia súc, ngô và nuôi trồng thủy sản.

- Xây dựng cơ chế chính sách và lộ trình để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt và sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

- Đẩy mạnh cơ giới hóa trên tất cả các khâu từ trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản. Đến năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 95%; tỷ lệ cơ giới hóa của khâu gieo trồng, chăm bón 70%, khâu thu hoạch là 70%, khâu chế biến 80%. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, các hợp tác xã, cũng như tạo điều kiện cho nông dân đầu tư trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trước mắt, ưu tiên đầu tư hệ thống thủy nông đảm bảo nguồn nước tưới; xây dựng lộ trình chuyển đổi máy bơm trục ngang sang trục đứng để tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, phấn đấu diện tích được tưới, phun bằng máy bơm nước từ giếng khoan hoặc tưới tiết kiệm nước năm 2015 đạt 50%, năm 2020 đạt 70%. Cơ giới hóa khâu gieo trồng và chăm sóc theo hướng công nghiệp, sử dụng máy cấy lúa, hàng tra hạt (ngô, đậu đỗ, lúa nương…), đào hố trồng cây; tăng cường đầu tư máy phun thuốc trừ sâu chạy bằng động cơ để bảo đảm năng suất, chất lượng phun thuốc, giảm sức lao động và độc hại cho nông dân; cơ giới hóa khâu thu hoạch, làm khô, bảo quản theo hướng trang bị các loại máy gặt lúa, máy đập lúa, máy gặt đập liên hợp... Trong bảo quản, chế biến, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản giống và sản phẩm cây màu, cây vụ đông, lúa giống.

- Chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức cạnh tranh, hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y... đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ) gắn với thị trường, song song với con nuôi có giá trị cao; bố trí các trang trại chăn nuôi ở vùng bán sơn địa, khu vực xa khu dân cư nhằm hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường. Giảm dần mô hình chăn nuôi nông hộ; song, sẽ tập trung công tác khuyến nông để giúp các hộ chăn nuôi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Đẩy mạnh cơ cấu các vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn: gia cầm, bò sữa, bò thịt; khuyến khích chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đặc sản, như: dê, lợn đen, gà thả vườn, nhím, thỏ... Khai thác thế mạnh về đất đai và đồng cỏ để phát triển đàn bò sữa, bò thịt; đối với chăn nuôi bò thịt chất lượng cao: bố trí ở vùng trung du và một số nơi vùng đồng bằng để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đối với đàn bò sữa, trọng tâm là phát triển các trang trại bò sữa theo quy mô, tập trung ở các huyện: Thọ Xuân, Như Thanh, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Hà Trung, Yên Định, Như Xuân, Nông Cống; hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung do Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa và Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đầu tư theo phương thức mới, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, quy mô lớn. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn quy mô nhỏ trong dân để làm nòng cốt phát triển nhân rộng ra toàn tỉnh.

b) Về lâm nghiệp

Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng tăng diện tích rừng kinh tế; chú trọng nâng cao chất lượng rừng, sớm hình thành vùng sản xuất rừng gỗ lớn, vùng luồng, quế thâm canh tập trung, gắn với chế biến sâu theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu, thay thế dần các sản phẩm thô (dăm gỗ, nhựa thông, nứa thanh) như hiện nay. Tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý đất lâm nghiệp, nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, chăm sóc và quản lý rừng; khai thác có hiệu quả lâm đặc sản (nhựa thông, cánh kiến, cao su trên đất lâm nghiệp, sở, trẩu,...); mở rộng diện tích rừng kinh tế để trồng các cây gỗ lớn (Lát hoa, Xoan, Keo tai tượng, Sao đen...) ở những nơi có điều kiện, tạo nguồn cung để phát triển các sản phẩm và thị trường đồ mộc cao cấp; giảm diện tích trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Chú trọng thâm canh, tăng năng suất, đảm bảo nguyên liệu cho các cơ sở đã đi vào hoạt động, trong đó ưu tiên nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu, các cơ sở chế biến gắn với đầu tư và thu mua nguyên liệu theo hợp đồng với nông dân; hạn chế sản xuất dăm gỗ.

c) Về thủy sản

- Tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản ở tất cả các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ và chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Giảm dần đánh bắt gần bờ, tăng đánh bắt xa bờ; giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng, trong đó giảm diện tích nuôi trồng quảng canh cải tiến, tăng diện tích nuôi trồng công nghiệp chất lượng cao.

+ Về khai thác: Chuyển đổi mạnh cơ cấu khai thác thủy sản ven bờ sang khai thác xa bờ để nâng cao giá trị kinh tế gắn với bảo vệ nguồn lợi tài nguyên biển. Chú trọng cải hoán, đóng mới tàu cá công suất từ 90 CV trở lên. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đặc biệt sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn.

+ Về nuôi trồng thủy sản: Phát triển toàn diện nuôi trồng thủy sản cả 3 loại hình: nước mặn, nước lợ và nước ngọt theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả, bền vững, trong đó chú trọng đầu tư phát triển 4 loại chủ lực là tôm sú, tôm chân trắng, ngao Bến Tre và cua. Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân chuyển một số diện tích đất lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản.

* Đối với nuôi thủy sản nước lợ, mặn: Cơ cấu đối tượng nuôi chủ yếu của vụ 1 (xuân hè) là: tôm sú, tôm he chân trắng; vụ 2 là: cua, tôm he chân trắng, tôm sú. Ngoài các đối tượng nuôi chủ lực có thể phát triển nuôi tôm rảo, cá vược, bống bớp, cá rô phi đơn tính, trồng rau câu... ở những nơi có điều kiện.

* Đối với nuôi thủy sản nước ngọt: Đa dạng hóa các đối tượng và hình thức nuôi trồng phù hợp với trình độ, điều kiện tự nhiên của từng vùng miền. Tiếp tục chuyển dịch diện tích ruộng trũng năng suất thấp sang nuôi thủy sản, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt, chăn nuôi phát triển trang trại tổng hợp.

- Về chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản: Phát triển và hoàn thiện các dịch vụ hậu cần thủy sản như: các cảng cá, bến cá, Hòn Mê, Lạch Hới, Hòa Lộc, Hải Châu, Lạch Trường, Hoằng Trường, Quảng Nham, Hoằng Phụ, Nga Bạch, Nghi Sơn, các khu neo đậu nghề cá Lạch Trường, Sông Lý, kênh Sao Sa; Phát triển các khu dịch vụ - đô thị nghề cá ở Ngư Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Ghép (Quảng Xương), Lạch Bạng (Tĩnh Gia), Lạch Hới (Sầm Sơn). Đầu tư nâng cấp hệ thống chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Hậu Lộc; xây dựng mới chợ chuyên doanh hải sản Nga Tiến, Hoằng Trường, Quảng Nham, Hải Nhân, Quảng Tiến. Khuyến khích phát triển các đội tàu hậu cần dịch vụ hoạt động trên biển, tạo điều kiện cho tàu hoạt động dài ngày trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.

d) Về đẩy mạnh liên kết, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm

Phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp kiểu mới để đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ nông nghiệp, làm đầu mối đón nhận và triển khai dịch vụ công ở cộng đồng, như khuyến nông, tín dụng, hỗ trợ marketing, quản lý chất lượng, kiểm soát bảo vệ thực vật, bảo vệ rừng, quản lý mặt nước... Khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu hỗ trợ các HTX, các doanh nghiệp xây dựng nhà kho, kho trữ lạnh, sân phơi, xưởng sơ chế, chế biến... để bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị của sản phẩm. Khuyến khích các HTX, các doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản với nông dân, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các chủ thể tham gia; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tạo điều kiện và xây dựng chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư, nâng cấp toàn diện về công nghệ, máy móc thiết bị, nhân lực, mở rộng sản xuất... để chế biến sâu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu; phấn đấu đến năm 2020, có trên 15 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; xây dựng 9 cụm công nghiệp (CCN) và điểm công nghiệp CBTS có quy mô từ 1-3 ha, phục vụ cho các cơ sở thu mua, CBTS và dịch vụ hậu cần nghề cá. Xây dựng mới 1 nhà máy thức ăn gia súc phục vụ phát triển chăn nuôi bò sữa, công suất 100 tấn/ngày, tương ứng khoảng 350 nghìn tấn/năm. Đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến thức ăn gia súc có công suất 50-100 tấn ngày/cơ sở tại các huyện như Nông Cống, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Đông Sơn, Yên Định, Thạch Thành, Quan Hóa với tổng công suất khoảng 300 nghìn tấn/năm. Kêu gọi đầu tư mới 2 nhà máy chế biến thịt lợn, thịt gà, cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cải tạo và mở rộng Nhà máy sữa Lam Sơn giai đoạn 1, nâng công suất từ 22,5 triệu lít sữa/năm lên công suất: 60 triệu lít sữa/năm (tương ứng 200.000 lít sữa/ngày). Đầu tư nâng cấp 04 cơ sở chế biến rau quả hiện có, để nâng công suất lên 34 ngàn tấn/năm (XN chế biến rau quả Hoằng Hóa, NM chế biến rau quả Hà Trung, NM chế biến măng Bá Thước, NM chế biến rau quả Thống Nhất); xây dựng mới 2 NM tai Bỉm Sơn và Thạch Thành để nâng công suất chế biến lên 54.000 tấn/năm; xây dựng mới 04 cơ sở chế biến lúa gạo với quy mô tối thiểu 80.000 tấn lúa/1 cơ sở/năm và 1 cơ sở chế biến ngô với quy mô tối thiểu 50.000 tấn ngô/năm gắn với vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa chất lượng cao.

1.2. Tái cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng

a) Về công nghiệp

- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, thay thế dần công nghệ cũ, lạc hậu; ưu tiên các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh; nâng cao chất lượng lao động, kỹ năng quản lý, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

- Đối với nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt (xi măng, gạch xây, bia, sữa, súc sản, thủy sản, điện sản xuất, sản phẩm gỗ...): tiếp tục phát triển theo hướng cải tạo, nâng cấp dây chuyền công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để giữ vững thị trường, tăng sản lượng.

- Đối với nhóm sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao (dầu mỏ tinh chế (xăng, dầu và các sản phẩm sau dầu), ngành sản xuất điện năng, sản xuất ô tô, kim loại, sản xuất thiết bị điện; linh kiện và thiết bị điện tử...): sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp có quy mô lớn như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Thép Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn II, các Nhà máy thủy điện Bá Thước I, Trung Sơn, Hồi Xuân, các Nhà máy ferocrom. Tăng cường xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm sau lọc hóa dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, cao su, plastic; cơ khí, thiết bị điện; linh kiện và thiết bị điện tử, tin học, phần mềm tin học...

- Đối với nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ không cao nhưng tạo ra nhiều việc làm (dệt may, da giày), xác định giai đoạn từ nay đến năm 2020 vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất nhằm giải quyết việc làm, đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu; giai đoạn sau năm 2020, sẽ không mở rộng và nâng quy mô cho ngành này (các nhà máy may gia công) để ưu tiên các nguồn lực (lao động, đất đai,...) cho phát triển các ngành công nghiệp khác có giá trị gia tăng cao hơn.

- Đối với nhóm sản phẩm hạn chế phát triển (thuốc lá bao, đá khai thác, đá ốp lát xây dựng, quặng secpentine): chỉ duy trì quy mô hiện có, gắn với tăng cường đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả, bảo đảm môi trường và an toàn lao động.

- Xác định 2 điểm đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh:

+ Tại Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: lọc hóa dầu, hóa chất (lọc dầu, polypropylen, sợi tổng hợp, chất dẻo, phân bón tổng hợp, chất tẩy rửa tổng hợp); luyện kim, cơ khí, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút để sản xuất thép cao cấp phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất thiết bị phục vụ vận chuyển, bốc xếp hàng hóa ở các cảng biển (cầu, xe nâng hàng,...).

+ Tại khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng: phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp điện tử, công nghiệp thông tin, viễn thông, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN tập trung, sớm hoàn thành các hạ tầng thiết yếu (giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải...) để đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp thuê đất phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN.

- Đẩy mạnh quá trình hình thành các cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa với ngành nghề đa dạng, nhất là ở nông thôn; khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống, làng nghề mới gắn với việc du nhập, nhân rộng nghề phù hợp nhằm thu hút lực lượng lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

b) Về xây dựng

- Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng; nhất là trong việc đấu thầu các dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng cạnh tranh lành mạnh.

- Tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp mạnh trong ngành xây dựng với trang thiết bị tiên tiến, tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ hiện đại trong thi công xây lắp, đảm bảo thực hiện được các dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp; nâng cao chất lượng, thẩm mỹ các công trình kiến trúc. Tiến tới có các doanh nghiệp mạnh trong ngành xây dựng có thể vươn ra hoạt động ở trong và ngoài nước.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản, trước hết là thị trường nhà ở xã hội, văn phòng cho thuê, các cao ốc hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị.

1.3. Tái cơ cấu ngành dịch vụ

- Ưu tiên phát triển 6 loại hình dịch vụ là: du lịch, vận tải, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, giáo dục, y tế:

+ Về phát triển dịch vụ du lịch: Xây dựng cơ chế khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, resort, nhà hàng có quy mô lớn, sân golf…; đồng thời, thu hút có chọn lọc các công ty lữ hành có danh tiếng thiết lập hiện diện thương mại trên địa bàn Thanh Hóa. Đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa; xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện các khu, điểm thuộc địa bàn du lịch trọng điểm gồm: Sầm Sơn, Hàm Rồng, Bến En, Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Suối cá Cẩm Lương, Hồ Cửa Đạt, Nghi Sơn; chuẩn bị và tổ chức thành công năm du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa. Ban hành nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch, để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và sớm đưa Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia.

+ Về phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi: Phát triển đa dạng các loại hình vận tải; kết hợp phát triển đồng bộ, hợp lý giữa vận tải đường bộ với đường sắt và đường thủy; khai thác thế mạnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn và các cảng sông để mở rộng vận tải biển và vận tải thủy nội địa; phát triển các tuyến vận tải hành khách kết hợp với phát triển du lịch; mở rộng và phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, mở thêm các tuyến bay nội địa mới đi Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt; tuyến bay quốc tế đi Viêng Chăn (Lào) tại sân bay Thọ Xuân. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng vận tải biển lớn thiết lập trụ sở, chi nhánh tại tỉnh.

+ Về phát triển thông tin và truyền thông: tập trung phát triển nhanh dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ hiện đại, chất lượng cao. Ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin và nội dung số (chứng thực chữ ký số cho các doanh nghiệp, tổ chức...). Mở rộng phủ sóng mạng thông tin di động 3G, internet băng thông rộng đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

+ Phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản: rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo dành đủ quỹ đất cho xây dựng và phát triển nhà ở, nhất là khu vực đô thị. Quan tâm phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong khu kinh tế và các KCN. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương.

+ Về phát triển dịch vụ y tế, giáo dục: ưu tiên nguồn lực nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ y tế, giáo dục; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; tiến tới có một số trường học, bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm dịch vụ y tế, khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đồng thời đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập cung ứng dịch vụ công cộng theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán thu - chi không vì lợi nhuận.

- Tiếp tục duy trì và phát triển các ngành dịch vụ khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó: xác định đi tắt đón đầu đối với dịch vụ logistic; ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số trong các dịch vụ logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại tiến tới phát triển thương mại điện tử và logistics điện tử (e-logistics). Thu hút các doanh nghiệp logistics có thương hiệu nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Đẩy mạnh phát triển viễn thông và công nghệ thông tin, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Khuyến khích phát triển mạnh các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn, các thị xã, đô thị Ngọc Lặc và một số đô thị có sức lan tỏa rộng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vào tỉnh như: Metro, Daiso, Lottemart, Familymart, E-mart... Xúc tiến việc hình thành Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo làm trung tâm giao thương hàng hóa với nước bạn Lào. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu Tén Tằn, cửa khẩu Khẹo; nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tiến hành đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý chợ theo hướng chuyển sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ.

Đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng hình thành các nguồn hàng có quy mô lớn, ổn định, chất lượng cao, có thương hiệu; tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thay thế nhập khẩu; đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại; đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu; đầu tư phát triển các hoạt động xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ.

2. Định hướng tái cơ cấu kinh tế vùng

2.1. Đối với vùng đồng bằng

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp: lắp ráp ô tô, xi măng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Từng bước ưu tiên thu hút và tạo điều kiện phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như: công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y tế; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử; công nghệ tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ phần mềm tin học; công nghệ phục vụ hóa dầu.

- Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vị trí và các điều kiện cần thiết khác để thu hút và phát triển mạnh các ngành dịch vụ cơ bản như: thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông; dịch vụ đào tạo, dạy nghề, y tế kỹ thuật cao...

- Ưu tiên nguồn lực phát triển các trọng điểm kinh tế của vùng đồng bằng, gồm: TP. Thanh Hóa, TX. Bỉm Sơn, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng và hệ thống các đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng các KCN để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN như: KCN Lam Sơn - Sao Vàng, KCN Hoàng Long, KCN Nam TP. Thanh Hóa, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Đông Nam TP. Thanh Hóa, KCN Bỉm Sơn.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tăng ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp để có khối lượng nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao phục vụ cho các khu đô thị, khu du lịch và xuất khẩu. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp, cây thực phẩm và các vùng chăn nuôi tập trung như: vùng chuyên canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng ngô trọng điểm, vùng chuyên canh cây mía, sắn; vùng chăn nuôi bò sữa; chăn nuôi lợn, gia cầm... tạo nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.

2.2. Đối với vùng ven biển

- Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung nguồn lực để phát triển vùng này thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, trong đó hạt nhân phát triển là KKT Nghi Sơn, TX. Sầm Sơn.

- Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, gồm: công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp xi măng, nhiệt điện, luyện thép, ferocrom; công nghiệp chế biến thủy, hải sản.

- Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để khai thác lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ có liên quan. Khai thác có hiệu quả thế mạnh của các đảo, bờ biển để phát triển du lịch biển như: Sầm Sơn, Nghi Sơn, Hải Tiến…; trong đó tập trung xây dựng TX Sầm Sơn là trọng điểm du lịch quốc gia.

- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải biển, hàng hải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xuất nhập khẩu. Xây dựng các khu phi thuế quan trong KKT Nghi Sơn theo quy hoạch, làm trung tâm giao lưu và hội nhập quốc tế của cả tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

- Phát triển thủy sản cả về đánh bắt và nuôi trồng, gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; duy trì nghề muối ở những nơi có điều kiện gắn với nâng cao hiệu quả nghề muối, bảo đảm đời sống cho diêm dân. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh lúa, cói, lạc, đậu tương, rau đậu, hoa, cây cảnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng huyện trong vùng; Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại và công nghiệp, gắn với chế biến.

2.3. Đối với vùng miền núi

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư để phát triển các trọng điểm kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng như: Bá Thước, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bãi Trành - Như Xuân và hình thành 3 trục phát triển dọc các tuyến quốc lộ: đường Hồ Chí Minh; đường Thường Xuân - Bót Mọt - cửa khẩu Khẹo thông thương với tỉnh Hủa Phăn (Lào); Quốc lộ 217.

- Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng; tiếp tục bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng hiện có; đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng các vùng nguyên liệu luồng, gỗ, mây, cao su, mía, sắn, dứa.

- Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, nhất là chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao gắn với chế biến. Duy trì và phát triển hợp lý mô hình chăn nuôi nông hộ để tận dụng diện tích đất vườn đồi.

- Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện phù hợp với quy hoạch và bảo đảm môi trường; công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Xây dựng một số cụm công nghiệp làng nghề gắn với bố trí lại dân cư và các điểm đô thị. Đẩy mạnh thu hút các dự án may mặc, da giày để tạo việc làm cho người lao động tại chỗ.

- Phát triển kinh tế cửa khẩu, trước mắt đẩy mạnh giao thương, buôn bán qua các cửa khẩu: cửa khẩu Na mèo, Tén Tần, Khẹo, Méng... để tiến tới hình thành và phát triển các đô thị, khu kinh tế cửa khẩu.

- Khai thác tiềm năng, lợi thế Vườn quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu - Pù Luông, Hồ Yên Mỹ, Hồ Cửa Đạt, Suối cá Cẩm Lương để phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

3. Định hướng tái cơ cấu đầu tư

3.1. Về huy động vốn cho đầu tư phát triển

- Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và Chương trình hành động của UBND tỉnh về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đặc biệt chú trọng đến các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng, thành lập doanh nghiệp, thuế...

- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư đối với từng doanh nghiệp; thông qua việc tiếp cận và nghiên cứu chiến lược đầu tư của từng tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để chủ động làm việc, mời gọi đầu tư vào tỉnh những dự án mà các đối tác đang quan tâm. Lựa chọn các dự án có quy mô lớn, dự án ưu tiên đầu tư vào các khu vực trọng điểm của tỉnh để tổ chức xúc tiến đầu tư ở các nước có tiềm năng về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp và một số nước Trung Đông.

- Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, KEXIMBANK, JICA,... để tranh thủ nguồn vốn ODA đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BT, BOT... Trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

- Các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, bàn giao đất cho các nhà đầu tư đúng tiến độ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp, kiên quyết thu hồi các dự án không chấp hành các quy định của pháp luật; dự án thực hiện chậm so với cam kết mà không có lý do chính đáng, để tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng cho các nhà đầu tư.

3.2. Về phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước

- Đối với vốn NSNN do địa phương quản lý:

+ Nghiên cứu, xây dựng quy trình đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, từ khâu xác định chủ trương, trình duyệt, giao kế hoạch và triển khai thực hiện để sử dụng thực sự hiệu quả nguồn vốn này.

+ Trong bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm, nguồn vốn ngân sách tỉnh chỉ giành để đầu tư các công trình trọng điểm được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xác định trong từng thời kỳ; không đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ.

+ Ưu tiên bố trí vốn ngân sách, vốn TPCP để phát triển các lĩnh vực: vùng kinh tế động lực, các sản phẩm chủ lực, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch.

+ Xúc tiến, vận động vốn ODA và các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư các công trình lớn, quan trọng như: đường nối sân bay Thọ Xuân - Nghi Sơn, đường ven biển đoạn qua Thanh Hóa; cầu Hoằng Khánh (Hoằng Hóa), cầu Thiệu Khánh (Thiệu Hóa), đường vành đai phía Tây Thành phố Thanh Hóa;... Đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA trên địa bàn như: dự án phát triển toàn diện TP. Thanh Hóa; Kênh bắc sông Chu - Nam sông Mã...

+ Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định quản lý nhà nước về đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án về đầu tư công để chống lãng phí, thất thoát, nâng cao chất lượng công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với sở Tài chính, các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn TPCP, vốn sự nghiệp kinh tế,... để tập trung nguồn vốn bố trí đầu tư đồng bộ, phát huy cao nhất hiệu quả của các chương trình, dự án.

- Đối với vốn NSNN do Trung ương quản lý:

Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn ODA do trung ương quản lý để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi,... Trong đó, cần tập trung để hoàn thành đầu tư một số công trình trọng điểm như: nâng cấp, mở rộng các quốc lộ: 1A, 47, 45, 10, 15A, 217; nâng cấp các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ, kéo dài Quốc lộ 10 đến Ghép, Quốc lộ 47 đến cửa khẩu Khẹo, Quốc lộ 45 sang Nghệ An; nâng cấp hạ tầng, mở rộng quy mô sân bay Sao Vàng; kênh bắc Hồ Cửa Đạt, xây dựng trạm biến áp 220 KV Bỉm Sơn; nâng công suất các trạm biến áp 220 KV Thanh Hóa, 220 KV Nghi Sơn; cải tạo đường dây 110 KV Bỉm Sơn - Núi Một - Ba Chè. Tiếp tục cải tạo, mở rộng mạng lưới điện đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề; cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện thành phố Thanh Hóa, các thị xã và đô thị huyện lỵ. Các công trình hạ tầng xã hội.

b) Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách

Đây là nguồn lực có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo đó, trong thời gian tới sẽ hướng nguồn vốn này đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, như:

- Công nghiệp sản xuất hóa chất, sau lọc hóa dầu, phụ trợ lọc hóa dầu;

- Công nghiệp luyện kim; công nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo; công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và lắp ráp ô tô;

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng;

- Đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh cảng biển;

- Công nghiệp sản xuất các thiết bị điện, điện lạnh;

- Đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử viễn thông.

- Đầu tư sản xuất thiết bị y tế, thuốc đông dược, tây dược.

- Xây dựng khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí...

- Sản xuất phát triển giống cây, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản.

- Sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.

- Chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

4. Định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp

4.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước

a) Tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong 02 năm 2014 - 2015, hoàn thành cổ phần hóa 03 DNNN (Công ty TNHH MTV cấp nước Thanh Hóa; Công ty môi trường và công trình đô thị; Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Hóa); Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa. Kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực, sai trái trong định giá, đấu giá tài sản của doanh nghiệp, xác định tỉ lệ giá trị tài sản của Nhà nước trong giá trị tài sản doanh nghiệp cổ phần. Nâng cao chất lượng lãnh đạo tổ chức điều hành của cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo ra bước đột phá trong phát triển sản xuất, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; theo đó, sẽ chuyển đổi 03 doanh nghiệp là các công ty TNHH 1 thành viên Lam Sơn, Sông Âm, Yên Mỹ sang hoạt động theo mô hình các công ty TNHH nhiều thành viên; theo hướng hợp tác với các công ty chế biến, tiêu thụ sản phẩm để phát triển vùng nguyên liệu.

b) Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Đổi mới quy trình, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước. Mở rộng diện để tiến tới áp dụng bắt buộc chế độ thi tuyển, hợp đồng có thời hạn tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh đối với các chức danh quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước.

- Nhóm doanh nghiệp hoạt động công ích (quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi): Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, đảm bảo tưới tiêu ổn định, đáp ứng yêu cầu nước phục vụ nông nghiệp và cho các hoạt động khác. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Phát triển các hình thức kinh doanh theo hướng mở rộng ngành nghề kinh doanh, phù hợp với quy mô, năng lực như: cấp nước công nghiệp, sinh hoạt; nuôi trồng thủy sản, phát điện, kinh doanh điện lực, hoạt động xây lắp công trình... nhằm tăng nguồn thu, bảo toàn và phát triển vốn, chủ động trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

- Nhóm doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh: Rà soát để cập nhật, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định nội bộ trên cơ sở chính sách pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của doanh nghiệp làm cơ sở để các đơn vị tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát để công tác quản lý, tổ chức sản xuất có hiệu quả. Phát huy mọi nguồn lực để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản xuất; tiếp tục mở rộng thị trường và tăng cường kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu. Phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân bậc cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến đổi mới thay thế máy móc, thiết bị kém hiệu quả gắn với tăng cường công tác quản lý theo hướng tiết kiệm để hạ giá thành sản phẩm.

- Các Ban quản lý rừng phòng hộ, các lâm trường

Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý rừng, bảo vệ rừng của các Ban quản lý Rừng phòng hộ, các lâm trường, nhất là các lâm trường đã bàn giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam; xác định hiện trạng sử dụng đất đai trên bản đồ và thực địa, thu hồi diện tích sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả của các Ban quản lý Rừng phòng hộ giao lại cho chính quyền địa phương để cho các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, chú trọng công tác tuyển chọn giống, biện pháp đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, từng bước áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và khai thác sản phẩm rừng trồng. Xây dựng các phương án nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp như: xây dựng mô hình chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, phương án điều chế rừng, phương án cấp chứng chỉ rừng, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh lâm nghiệp.

Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở các đơn vị quản lý rừng phòng hộ, nhất là các đơn vị có diện tích rừng phòng hộ có độ dốc lớn, vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

4.2. Đối với doanh nghiệp dân doanh

- Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, phải thay đổi tư duy nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình CNH-HĐH và tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Song, từng doanh nhân cũng phải xác định việc tái cơ cấu doanh nghiệp là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mình. Trên cơ sở đó, từng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để có những điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới; trong đó, phải đặc biệt quan tâm tới việc tái cơ cấu nhân lực, tái cơ cấu tài chính; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật,... để không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng các DN để biến thách thức thành cơ hội, vững bước đi lên trong quá trình hội nhập và phát triển. Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn cho DN để thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh; hàng năm sẽ kịp thời phân bổ và giải ngân sớm các nguồn vốn đầu tư phát triển ngay từ đầu năm, tập trung giải quyết nợ đọng XDCB theo đúng lộ trình, coi trọng xử lý nợ xấu đi đôi với việc tạo thuận lợi tốt nhất cho các DN được tiếp cận nguồn vốn có lãi suất thấp; triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, góp phần giải quyết những khó khăn cho DN. Nghiên cứu thành lập trung tâm phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ cho DN về khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường chỉ đạo, bảo đảm thực hiện hiệu quả, thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt Nam và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời UBND tỉnh để xử lý các khó khăn, vướng mắc cho DN và nhà đầu tư.

- Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp dân doanh như: Chương trình hỗ trợ đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình đào tạo và nâng cao năng lực quản lý cho các chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp; Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu lực quản trị công ty; Chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm; Chương trình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, kết nối trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa,... Tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia thực hiện cung cấp các dịch vụ công mà các cơ quan nhà nước không cần nắm giữ hoặc không có khả năng cung cấp.

- Tiếp tục triển khai các giải pháp khuyến khích thành lập doanh nghiệp đi đôi với nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đến năm 2020. Thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp.

- Xây dựng các tiêu chí chất lượng nhà đầu tư và dự án đầu tư nước ngoài theo hướng sử dụng ít tài nguyên hơn, ít đất đai hơn, hướng đầu tư nước ngoài vào các ngành, sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ dưới các hình thức thích hợp. Không cấp đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư và dự án đầu tư không đáp ứng tiêu chí về chất lượng theo quy định.

III. CÁC GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU KINH TẾ

1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, các huyện, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế

Khẩn trương xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất, bảo đảm phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững; quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất theo hướng sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo sự thống nhất và liên kết giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữa quy hoạch chi tiết và quy hoạch tổng thể theo hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đất đai cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với các chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện lồng ghép, quản lý chặt chẽ yêu cầu bảo vệ môi trường vào các quy hoạch.

Trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch phải lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, công bố công khai quy hoạch, nhất là quy hoạch thuộc các lĩnh vực: xây dựng, sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất VLXD... tại nơi được quy hoạch và tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.

Các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ở các ngành, các cấp; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý trường hợp vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của các quy hoạch. Xác định danh mục các quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu phải rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới.

2. Xây dựng mới các cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu kinh tế

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách của trung ương về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, gồm:

Về lĩnh vực nông; lâm, thủy sản

- Cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản.

- Cơ chế, chính sách phát triển nuôi tôm chân trắng thâm canh.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh rừng trồng gỗ lớn.

- Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vùng thâm canh luồng tập trung.

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới, thay máy tàu cá có công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản xa bờ.

Về lĩnh vực công nghiệp - xây dựng

- Chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Về lĩnh vực dịch vụ:

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các ngành dịch vụ ưu tiên phát triển, gồm: dịch vụ vận tải; du lịch; giáo dục, y tế; viễn thông, công nghệ thông tin; chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại).

- Đề án cải cách thủ tục hành chính tại các cảng, trọng tâm là cảng Nghi Sơn để rút ngắn thời gian thông quan, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tới làm các thủ tục thông quan tại Thanh Hóa.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu.

- Nghiên cứu thành lập “Trung tâm kinh doanh” để thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp lớn; các dự án đầu tư lớn và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng các doanh nhân.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát triển mở rộng mạng lưới các cơ sở giáo dục và dạy nghề phù hợp với quy hoạch điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề và loại hình đào tạo; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng theo ngành nghề và trình độ đào tạo; tránh tình trạng đào tạo tràn lan, gây dư thừa lao động qua đào tạo ở ngành này và thiếu hụt lao động qua đào tạo ở ngành khác. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề cho lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% lao động làm việc trong nền kinh tế.

Hoàn thành đầu tư xây dựng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tập trung đầu tư xây dựng một số khoa của Trường Đại học Hồng Đức đạt chất lượng cao; tích cực đấu mối với các Bộ, ngành trung ương, các trường Đại học lớn để sớm đưa phân hiệu trường Đại học Y Hà Nội vào hoạt động; thành lập phân hiệu của một số trường Đại học lớn khác ở Hà Nội tại Thanh Hóa, như: trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội,... Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý theo ngành, nghề và trình độ đào tạo; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao của các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; tranh thủ chương trình đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh; Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đảm bảo đủ tỷ lệ tiến sỹ theo quy định.

Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp thu có chọn lọc những chương trình đào tạo tiên tiến, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đổi mới phương pháp đào tạo nhằm phát huy tính chủ động của người học. Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Anh ở các trường THPT, tạo tiền đề tốt cho các em học sinh khi học ở các trường Đại học, cao đẳng, THCN.

Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng cơ chế, chính sách liên kết các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động. Trong đó, đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân; ưu tiên đào tạo lao động cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như: lọc hóa dầu, sản xuất thép, quản lý và vận hành các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, sản xuất, lắp ráp linh kiện thiết bị điện tử, sản xuất phần mềm, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao; du lịch.... đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực về số lượng, chất lượng cho các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn, các KCN, Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành như chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; chính sách thu hút cán bộ có trình độ đại học trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn,... để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng tỷ lệ đầu tư hàng năm từ ngân sách tỉnh cho đào tạo nguồn nhân lực. Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, vốn ngân sách Trung ương đầu tư để phát triển giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, đào tạo; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho giáo dục và đào tạo, dạy nghề.

4. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ

Xác định phát triển khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng; là tiêu chí nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; là một trong những khâu đột phá để tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo đó, sẽ tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách của tỉnh hàng năm. Tiếp tục đổi mới các cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ từ hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, đào tạo; trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nghiên cứu, xem xét thành lập Viện nghiên cứu phát triển Thanh Hóa trực thuộc UBND tỉnh; Xây dựng và phát triển Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh thành sàn giao dịch trung tâm của vùng Bắc trung bộ. Khuyến khích, hỗ trợ thành lập và phát triển các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ thông tin để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục tập trung đầu tư đồng bộ một số phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và các nước trong khu vực ở trường Đại học Hồng Đức, Trường Cao đẳng y tế, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng... để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng kết quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống theo hướng tạo môi trường thuận lợi, gắn kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp trên cơ sở phân chia lợi ích để nâng cao tính thực tiễn theo cơ chế thị trường.

Tập trung đầu tư cho các chương trình trọng điểm nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới, triển khai ứng dụng các quy trình công nghệ mới tạo chuyển biến mạnh về ứng dụng tiến bộ công nghệ, trong đó trọng tâm là: sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, mía đường, rau an toàn, thủy sản, bò sữa, lợn, gia cầm; cơ khí chế tạo; điện tử, điện lạnh, tin học; công nghiệp hóa chất, lọc, hóa dầu; nhiệt điện; luyện kim, cán thép; vật liệu xây dựng; dệt - may, giầy dép. Tiến tới hình thành được một số sản phẩm có thương hiệu mạnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, có tâm huyết, trung thực, tận tụy; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong các doanh nghiệp. Nghiên cứu đề xuất các chính sách đào tạo, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực khoa học và công nghệ.

5. Giải pháp về bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên

- Trong quá trình xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, chương trình, dự án phục vụ tái cơ cấu và phát triển các ngành kinh tế cần phải đặc biệt coi trọng nội dung bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các bãi rác hợp vệ sinh; tăng cường kiểm tra, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phục hồi môi trường sau khai thác, chế biến khoáng sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý và tái chế chất thải. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản; đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện trong việc quản lý và cấp phép khai thác một số khoáng sản thông thường như cát, đá, sỏi…; thực hiện thí điểm đấu giá quyền thăm dò và khai thác một số mỏ khoáng sản để nhân rộng; tiếp tục chấn chỉnh việc khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi ra ngoài tỉnh; xây dựng lộ trình hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác đá xuất khẩu, đá ốp lát ở những nơi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các dự án triển khai chậm trễ, không đúng cam kết.

- Đẩy mạnh công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất ở. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi đất của những dự án không triển khai thực hiện, triển khai chậm hoặc sử dụng không đúng mục đích.

- Tăng cường quản lý tài nguyên nước, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác nguồn nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép. Rà soát quy hoạch các dự án thủy điện trên các hệ thống sông; đình chỉ triển khai những dự án không có hiệu quả, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, điều hành tưới tiêu, gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp; đặc biệt đối với các cơ sở xuất ở vùng đầu nguồn sông, suối.

6. Bảo đảm an ninh - quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

- Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế; trong đó chú trọng đến an ninh, an toàn trật tự tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp; khu vực tập trung các doanh nghiệp FDI.

- Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức can dự vào các hoạt động kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế. Kịp thời nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm, phá hoại các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo sự an tâm, tin tưởng của các doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư của tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, doanh nghiệp, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội; mở rộng hình thức đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, doanh nghiệp.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng lấy doanh nghiệp và nhân dân làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Chú trọng rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và mẫu hóa tối đa các hồ sơ, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho tổ chức, công dân.

- Đổi mới, chấn chỉnh phương thức chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên rà soát mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả thực hiện, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, kịp thời bổ sung, điều chỉnh các giải pháp trong chỉ đạo điều hành, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

- Tăng cường kiểm tra các cấp, các ngành trong việc ban hành và thực hiện quy định về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành và xếp loại cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các đơn vị không ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức của đơn vị mình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 không: không gây phiền hà, sách nhiễu; không trả hồ sơ quá 1 lần trong quá trình tiếp nhận, thẩm định và trình duyệt dự án; không trễ hẹn.

- Hiện đại hóa trang thiết bị của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả hơn nữa cơ chế giải quyết công việc liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của tất cả các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước theo hướng trở thành chính quyền điện tử.

8. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế

Các cấp ủy Đảng phải xác định tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ và thấm nhuần quan điểm tái cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ có tính chiến lược, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công chức chuyên nghiệp, hiện đại với số lượng và cơ cấu hợp lý. Chỉ đạo sát sao công tác tuyển dụng công chức, viên chức, đảm bảo công khai, cạnh tranh và theo vị trí công tác, nhu cầu công việc; đồng thời, thực hiện nghiêm việc rà soát, sàng lọc loại bỏ những cán bộ quản lý, những công chức yếu kém, không đủ năng lực và phẩm chất đạo đức ra khỏi bộ máy nhà nước.

Tăng cường lãnh, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ máy.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện và tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chung để triển khai thực hiện đề án, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền và đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.

3. Trên cơ sở đề án này, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở đề án này hoàn chỉnh và trình duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025; Sở Công thương xây dựng đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2025.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, tình hình và kết quả tái cơ cấu kinh tế.

5. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp theo dõi, giám sát để đảm bảo các cơ chế chính sách, đề án, văn bản QPPL phục vụ tái cơ cấu kinh tế được soạn thảo theo đúng tiến độ; chủ trì thẩm tra, thẩm định nội dung dự thảo các cơ chế, chính sách, đề án... phù hợp với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế thể hiện trong Đề án này và quy định của pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ (để thực hiện);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, THKH (02).

CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Chiến

 

PHỤ LỤC

ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NỘI BỘ CÁC NGÀNH KINH TẾ, CƠ CẤU SẢN PHẨM CHỦ YẾU, CƠ CẤU KINH TẾ VÙNG, CƠ CẤU ĐẦU TƯ, CƠ CẤU DOANH NGHIỆP.
(Kèm theo Quyết định số: 4292/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NỘI BỘ CÁC NGÀNH KINH TẾ

1. Ngành nông, lâm, nghiệp

- Về nông nghiệp:

TT

Ngành

TH 2013

Mục tiêu

So với năm 2013

2015

2020

2025

Năm 2020

Năm 2025

-

Trồng trọt

64,1

60,5

48,0

40,0

Giảm 16,1%

Giảm 24,1%

-

Chăn nuôi

32,5

35,5

45,0

50,0

Tăng 12,5 %

Tăng 17,5%

-

Dịch vụ

3,4

4,0

7,0

10,0

Tăng 3,6 %

Tăng 6,6%

 

Tổng số

100

100

100

100

 

 

- Về lâm nghiệp:

TT

Ngành

TH 2013

Mục tiêu

So với năm 2013

2015

2020

2025

2020

2025

-

Trồng và chăm sóc rừng.

8,0

8,0

8,0

8,0

Ổn định

Ổn định

-

Khai thác lâm sản.

85,7

85,5

85,0

85,0

Giảm 0,7%

Giảm 0,7%

-

Dịch vụ lâm nghiệp.

6,3

6,5

7,0

7,0

Tăng 0,7%

Tăng 0,7%

- Về thủy sản:

TT

Ngành

TH 2013

Mục tiêu

So với năm 2013

2015

2020

2025

2020

2025

-

Khai thác

60,8

58,7

53,0

47,0

Giảm 7,8 %

Giảm 13,8%

-

Nuôi trồng

35,6

37,0

40,0

43,0

Tăng 4,4 %

Tăng 7,4%

 

Dịch vụ

3,6

4,3

7,0

10,0

Tăng 3,4%

Tăng 6,4%

 

Tổng số

100

100

100

100

 

 

- Về các sản phẩm chủ lực của ngành nông, lâm, thủy sản

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm 2013

Năm 2020

Năm 2025

Số lượng

Tỷ trọng

Số lượng

Tỷ trọng

Số lượng

Tỷ trọng

I

Nhóm SP có khả năng cạnh tranh tốt

 

 

17,2

 

48,7

 

52,4

1

Trồng trọt

 

 

 

 

 

 

 

-

Lúa năng suất, chất lượng cao

-nt-

31.572

 

150.000

 

150.000

 

-

Ngô thâm canh

-nt-

3.000

 

20.000

 

30.000

 

-

Mía thâm canh

-nt-

3.780

 

20.000

 

20.000

 

-

Rau an toàn tập trung

-nt-

160

 

12.130

 

30.000

 

-

Cây ăn quả (cam, bưởi, chuối, dứa)

-nt-

2.500

 

7.000

 

10.000

 

-

Hoa cây cảnh

-nt-

40

 

100

 

150

 

-

Cây làm thức ăn chăn nuôi

-nt-

2.521

 

12.700

 

15.000

 

2

Chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

 

-

Bò sữa

1.000 con

1,5

 

50

 

75

 

-

Bò thịt chất lượng cao

-nt-

 

 

30

 

50

 

-

Lợn hướng nạc

-nt-

246,7

 

520

 

780

 

-

Gà thịt lông màu

-nt-

350

 

8.000

 

10.000

 

-

Con nuôi đặc sản

 

 

 

 

 

 

 

+

Lợn sữa xuất khẩu

1.000 con

108

 

350

 

350

 

+

Gà ri

-nt-

162

 

1.100

 

1.800

 

+

Lợn mán, lợn rừng

-nt-

7,1

 

18

 

26

 

+

Vịt

-nt-

5

 

700

 

1.200

 

3

Lâm nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

-

Rừng gỗ lớn

Ha

3.385

 

55.932

 

55.932

 

-

Luồng thâm canh

-nt-

14.167

 

29.982

 

40.000

 

-

Quế

-nt-

400

 

15000

 

20.000

 

-

Cây dược liệu

1000 ha

65

 

104,5

 

104,5

 

-

Cây mắc ca

Ha

32

 

5.000

 

7.000

 

4

Thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

-

Tôm sú

Ha

3.943

 

3.573

 

3.323

 

-

Tôm chân trắng

-nt-

130

 

500

 

750

 

-

Ngao

-nt-

1.129

 

1.500

 

1.500

 

-

Cá rô phi đơn tính

-nt-

15

 

1.000

 

1.500

 

-

Sản phẩm khai thác xa bờ

-nt-

33.234

 

86.200

 

104.000

 

II

Nhóm SP có hàm lượng KHCN cao

 

 

6,8

 

26,0

 

30,6

1

Trồng trọt

 

 

 

 

 

 

 

-

Lúa năng suất, chất lượng cao

Ha

1.572

 

150.000

 

150.000

 

+

Sản xuất lúa giống

-nt-

534

 

6.000

 

6.000

 

-

Ngô thâm canh

-nt-

3.000

 

20.000

 

30.000

 

+

Ngô biến đổi gen

-nt-

 

 

1.000

 

5.000

 

-

Mía thâm canh

-nt-

3.780

 

20.000

 

20.000

 

-

Rau an toàn tập trung

-nt-

160

 

12.130

 

30.000

 

-

Hoa công nghệ cao

 

 

 

100

 

150

 

2

Chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

 

-

Bò sữa

1.000 con

1,5

 

50

 

75

 

-

Bò thịt chất lượng cao

-nt-

 

 

30

 

50

 

-

Lợn hướng nạc

-nt-

246,7

 

520

 

780

 

-

Gà thịt lông màu

-nt-

350

 

8.000

 

10.000

 

3

Lâm nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

-

Luồng thâm canh

Ha

14.167

 

29.982

 

40.000

 

-

Rừng gỗ lớn

-nt-

3.385

 

55.932

 

55.932

 

-

Cây mắc ca

-nt-

32

 

5.000

 

7.000

 

4

Thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

-

Thủy đặc sản nước ngọt (cá rô phi)

Ha

15

 

1.000

 

1.500

 

-

Cá rô phi đơn tính

-nt-

15

 

1.000

 

1.500

 

-

Tôm he chân trắng

-nt-

130

 

500

 

750

 

III

Nhóm sản phẩm nông nghiệp hạn chế phát triển

 

 

7,5

 

2,3

 

1,7

1

Trồng trọt

 

 

 

 

 

 

 

-

Lúa

1000 ha

256,33

 

223,0

 

223,0

 

-

Sắn

-nt-

16,1

 

13,0

 

13,0

 

-

Mía

-nt-

36,5

 

28,0

 

28,0

 

2

Chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

 

-

Chăn nuôi bò vàng

1000 con

117,1

 

95,2

 

85

 

3

Lâm nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

-

Rừng gỗ nhỏ

Ha

71.203

 

53.915

 

48.322

 

4

Thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

+

Tôm sú

Ha

3.943

 

3.573

 

3.323

 

+

Sản phẩm khai thác gần bờ

Tấn

47.126

 

35.000

 

32.000

 

2. Ngành công nghiệp

- Về cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp:

TT

Ngành

TH 2013

Mục tiêu 1

So với năm 2013

2015

2020

2025

2020

2025

-

Công nghiệp chế biến chế tạo

91,89

87,8

94

95,5

Tăng 2,11%

Tăng 3,61%

-

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí.

4,78

9,6

5,0

3,8

Tăng 0,22%

Giảm 0,98%

-

Khai khoáng.

2,87

2,0

0,5

0,3

Giảm 2,37%

Giảm 2,57%

-

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

0,46

0,6

0,5

0,4

Tăng 0,04%

Giảm 0,06%

- Về các sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp

TT

Nhóm sản phẩm

Đơn vị tính

Năm 2013

Năm 2020

Năm 2025

Số lượng

Tỷ trọng (%)

Số lượng

Tỷ trọng (%)

Số lượng

Tỷ trọng (%)

I

Nhóm sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt

 

 

44,46

 

32,42

 

28,5

1

Xi măng

Tr.tấn

7,6

22,68

11

5,61

15

4,8

2

Đá phụ gia xi măng

1.000 tấn

490

0,03

800

0,01

1.000

0,01

3

Clinker

1.000 tấn

1.555

3,06

3.000

0,93

3.500

0,69

4

Gạch Vicenza

1.000 m2

4.000

0,88

7.500

0,25

8.000

0,17

5

Gạch xây

Tr.viên

1.027

0,87

2.000

1,02

2.200

0,71

6

Cát xây dựng

1.000 m3

10.750

0,79

15.000

0,42

20.000

0,36

7

Tinh bột sắn

Tấn

30.000

0,44

40.000

0,18

50.000

0,14

8

Đường kết tinh

Tấn

212.880

4,32

280.000

1,43

280.000

0,90

9

Bia các loại

1.000 lít

70,575

1,30

130.000

0,37

150.000

0,27

10

Sữa tươi

1.000 lít

8.500

0,17

30.000

0,14

40.000

0,11

11

Phân bón các loại

1.000 tấn

185,2

0,68

550

1,56

600

1,07

12

Súc sản đông lạnh xuất khẩu

Tấn

2.100

0,13

4.000

0,23

5.000

0,18

13

Thủy sản đông lạnh chế biến

Tấn

25.500

2,35

50.000

0,34

70.000

0,30

14

Điện sản xuất

Tr.Kwh

1.001

1,29

12.000

6,80

15.000

5,36

15

Điện thương phẩm

Tr.Kwh

2.620

1,22

7.500

0,42

8.000

0,29

16

Giấy bìa các loại

Tấn

29.000

0,49

50.000

0,72

55.000

0,50

17

Thức ăn gia súc

1.000 tấn

192

2,12

320

0,54

350

0,38

18

Bao bì PP các loại

1.000 bao

73.200

0,27

180.000

0,51

230.000

0,41

19

Chiếu cói nội địa

1.000 lá

7.600

0,70

12.000

0,24

15.000

0,19

20

Cồn tinh chế

1.000 lít

8.500

0,19

20.000

0,11

25.000

0,09

21

Nước máy sản xuất

1.000 m3

26.200

0,14

45.000

10,02

50.000

11,11

22

Sản phẩm gỗ (ván ép)

1.000 m3

30

0,34

150

0,55

200

0,46

II

Nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao

 

 

0,93

 

37,09

 

42,18

1

Thép cán

Tấn

2.600

0,04

10.000

0,50

10.000

0,31

2

Gang luyện

Tấn

10.000

0,15

35.000

0,18

35.000

0,11

3

Ô tô tải các loại

Xe

1.900

0,74

15.000

1,27

15.000

0,80

4

Ferocrom

Tấn

 

 

40.000

0,34

40.000

0,21

5

Xăng các loại

-nt-

 

 

1.990

14,10

1.990

8,88

6

Dầu diesel các loại

-nt-

 

 

2.520

16,56

2.520

10,44

7

Khí hóa lỏng (LPG)

-nt-

 

 

22

0,26

30

0,23

8

Polypropylen

-nt-

 

 

256

1,45

270

0,96

9

Benzen

-nt-

 

 

167

1,04

190

0,75

10

Lưu huỳnh rắn

-nt-

 

 

175

1,39

190

0,95

11

Máy móc cơ khí sản xuất, lắp ráp

Sản phẩm

 

 

 

 

22.000

0,02

12

Máy phát điện, động cơ điện các loại

-nt-

 

 

 

 

15.000

0,02

13

Thiết bị điện tử văn phòng (máy fax, photo...)

-nt-

 

 

 

 

10.000

0,02

14

Linh kiện điện tử, bảng vi mạch điện tử

1.000 bộ

 

 

 

 

300

0,11

15

Paraxylene

1.000 tấn

 

 

 

 

470

4,95

16

Sản xuất PVC

-nt-

 

 

 

 

210

1,35

17

Sản xuất LAB

-nt-

 

 

 

 

140

0,90

18

Sản xuất xơ, sợi PET

-nt-

 

 

 

 

7

0,08

19

Sản xuất ống nhựa U.PVC; PE; PTA

-nt-

 

 

 

 

14

0,25

20

Sản xuất Etylen; PP; EDO; MEG

-nt-

 

 

 

 

1.550

9,96

21

Sản xuất nhựa đường

-nt-

 

 

 

 

140

0,85

III

Nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ không cao nhưng tạo ra nhiều việc làm

 

 

19,98

 

3,04

 

2,24

1

Giầy xuất khẩu

1.000 đôi

43.500

11,23

70.00

2,09

80.000

1,51

2

Quần áo may sẵn

1.000 cái

67.810

8,75

90.000

0,95

110.000

0,73

IV

Nhóm sản phẩm hạn chế phát triển

 

 

5,45

 

1,83

 

1,15

1

Thuốc lá bao

1.000 bao

115.000

1,26

120,00

0,41

120.000

0,26

2

Đá khai thác

1.000 m3

12.160

1,57

20.000

0,91

20.000

0,57

3

Đá ốp lát xây dựng

1.000 m2

11.660

2,58

15.000

0,51

15.000

0,32

4

Quặng secpentin

1.000 tấn

218

0,04

375

0,002

375

0,001

3. Ngành dịch vụ

TT

Ngành

TH 2013

Mục tiêu

So với năm 2013

2015

2020

2025

2020

2025

1

Vận tải kho bãi

10,5

11,0

12,5

14,5

Tăng 2%

Tăng 4 %

2

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

3,1

3,5

5,0

6,5

Tăng 1,9%

Tăng 3,4%

3

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

8,6

9,0

10,5

12,0

Tăng 1,9%

Tăng 3,4%

4

Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội

10,7

9,3

6,8

5,5

Giảm 3,9%

Giảm 5,2%

5

Giáo dục và Đào tạo

14,8

13,5

11,0

8,5

Giảm 3,8%

Giảm 6,3%

6

Thông tin và truyền thông

5,6

6,0

7,0

8,0

Tăng 1,4%

Tăng 2,4%

7

Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị, quản lý Nhà nước, ANQP và bảo đảm XH

14,7

13,5

11,0

7,0

Giảm 3,7%

Giảm 7,7%

8

Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ

1,0

1,2

2,0

2,5

Tăng 1%

Tăng 1,5%

9

Hoạt động kinh doanh bất động sản

12,3

12,5

13,0

13,5

Tăng 0,7%

Tăng 1,2%

10

Bán buôn, bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

15,2

16,0

17,0

18,5

Tăng 1,8%

Tăng 3,3%

11

Dịch vụ khác

3,5

3,5

3,5

3,5

Ổn định

Ổn định

 

Tổng số

100

100

100

100

 

 

II. ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ TRONG NỘI BỘ CÁC VÙNG

- Cơ cấu các ngành trong GDP vùng đồng bằng

Số TT

Chỉ tiêu

Thực hiện năm 2013

Mục tiêu

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2025

 

Vùng đồng bằng

100

100

100

100

-

Nông, lâm, thủy sản

14

11,6

7,0

4,8

-

Công nghiệp - xây dựng

42,2

45,8

46,0

45,5

-

Dịch vụ

43,8

42,6

47,0

49,7

- Cơ cấu các ngành trong GDP vùng ven biển

Số TT

Chỉ tiêu

Thực hiện năm 2013

Mục tiêu

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2025

 

Vùng ven biển

100

100

100

100

-

Nông, lâm, thủy sản

24,3

19,5

7,9

5,7

 

Công nghiệp - xây dựng

38,2

45,5

55,2

55,0

-

Dịch vụ

37,5

35

36,9

39,3

- Cơ cấu các ngành trong GDP vùng miền núi

Số TT

Chỉ tiêu

Thực hiện năm 2013

Mục tiêu

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2025

 

Vùng miền núi

100

100

100

100

-

Nông, lâm, thủy sản

35,7

31,8

21,7

16,7

-

Công nghiệp - xây dựng

23,7

26,3

35

39,3

-

Dịch vụ

40,6

41,9

43,3

44

III. ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU CÁC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Chỉ tiêu

Đơn vị

Ước TH 2013

Giai đoạn 2014-2015

Giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2021-2025

Tổng vốn đầu tư

Tỷ đồng

51.353

165.000

600.000

750.000

- Ngân sách nhà nước

%

37,2

23,9

20,8

20,0

- Vốn ngoài nhà nước

%

45,2

34,8

46,7

51,0

- Vốn FDI

%

17,6

41,3

32,5

29,0

- Đối với vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý:

STT

Chỉ tiêu

Giai đoạn 2014 - 2015

Giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2021 - 2025

Tỷ đồng

Tỷ trọng (%)

Tỷ đồng

Tỷ trọng (%)

Tỷ đồng

Tỷ trọng (%)

1

Tổng vốn NSNN do địa phương quản lý

11.222

100,0

33.000

100,0

40.000

100

 

Tr.đó: - Vốn NSNN

5.336

47,5

15.790

47,8

19.200

48

 

- Vốn TPCP

3.686

32,8

8.810

26,7

9.800

24,5

 

- ODA

2.200

19,7

8.400

25,5

11.000

27,5

2

Chia theo ngành, lĩnh vực

11.222

100,0

33.000

100,0

40.000

100

-

Nông nghiệp.

3.025

27

9.225

28

11.400

28,5

 

Trong đó: thủy lợi.

1.031

9,2

3.890

11,8

5.000

12,5

-

Hạ tầng kỹ thuật.

6.420

57,2

18.810

57,0

23.200

58

 

Trong đó: giao thông.

4.240

37,8

12.520

37,9

15.600

39

-

Hạ tầng xã hội và quốc phòng - an ninh.

1.124

10

3.167

9,6

3.400

8,5

-

Khác (quản lý nhà nước, du lịch, thương mại...).

653

5,8

1.798

5,4

2.000

5

3

Chia theo vùng miền

11.222

100,0

33.000

100,0

40.000

100

-

Đồng bằng.

3.290

29,3

9.562

29,0

11.400

28,5

-

Miền biển.

3.320

29,6

10.730

32,5

14.600

36,5

-

Miền núi.

4.612

41,1

12.708

38,5

14.000

35

IV. ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ KINH DOANH

TT

Chỉ tiêu

Năm 2013

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2025

Số doanh nghiệp

Tỷ trọng (%)

Số doanh nghiệp

Tỷ trọng (%)

Số doanh nghiệp

Tỷ trọng (%)

Số doanh nghiệp

Tỷ trọng (%)

1

Tổng số doanh nghiệp

6.733

100

8.700

100

15.000

100

22.000

100

2

Số doanh nghiệp/1 vạn dân

18

 

25

 

46

 

57

 

3

Số doanh nghiệp có vốn từ 50 tỷ đồng trở lên

249

3,7

415

4,5

1.500

10

2.600

12

4. Cơ cấu doanh nghiệp theo thành phần kinh tế

-

Doanh nghiệp nhà nước

49

0,7

36

0,4

36

0,2

36

0,1

-

Doanh nghiệp dân doanh

6.640

98,6

8.599

98,9

14.764

98,5

21.614

98,3

-

Doanh nghiệp FDI

44

0,7

65

0,7

200

1,3

350

1,6

5. Cơ cấu doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh

-

Nông, lâm, thủy sản

542

8,0

736

7,9

1.005

6,7

1.210

5,5

-

Công nghiệp

1.514

22,5

2.052

23,6

3.705

24,7

5.588

25,4

-

Xây dựng

1.101

16,4

1.384

13,9

2.070

13,8

3.014

13,7

-

Dịch vụ

3.576

53,1

4.528

52,6

8.220

54,8

12.188

55,4

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4292/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Thanh Hóa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 4292/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Trịnh Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản