Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4251/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 48/2014/QH13;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương cấp xã, huyện và tỉnh;

2. Các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới và đặc biệt phù hợp với các điều kiện đặc thù của các vùng, miền trong cả nước; ưu tiên thực hiện các giải pháp có chi phí thấp, hiệu quả cao;

3. Huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông khu vực nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường giao thông nông thôn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nông thôn nhằm giảm 5 ÷ 10% số người chết do tai nạn giao thông trên đường giao thông nông thôn hàng năm một cách bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về tuyên truyền: 100% người tham gia giao thông khu vực nông thôn được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

b) Về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm: 100% xã có tổ tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo thẩm quyền quy định.

c) Về kết cấu hạ tầng:

- Xóa bỏ 100% các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến đường huyện và đường xã đang khai thác.

- 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm; tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu 70%; các đường thôn xóm tối thiểu 50% và 45% các đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện.

- Đưa dần hệ thống đường giao thông nông thôn vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI theo TCVN 4054:2005 ; tối thiểu 50% các đường thôn xóm đạt loại A theo tiêu chuẩn 22TCN 2010-92 trở lên.

- Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn: 100% đường huyện và tối thiểu 45% đường xã được bảo trì.

- 100% các huyện có bến xe khách tại trung tâm, tối thiểu đạt loại 4. Bố trí điểm dừng, đỗ tại trung tâm xã dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải hành khách công cộng.

- Đảm bảo an toàn giao thông và từng bước xây dựng các bến, bến ngang, bến cảng tại các vùng có thể sử dụng vận tải thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, đặc biệt ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

d) Về phương tiện

- Loại bỏ 100% xe ô tô và phương tiện đường thủy nội địa quá niên hạn sử dụng.

- 100% phương tiện đường thủy nội địa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

- Kiểm soát, loại bỏ dần các phương tiện tự chế không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật.

đ) Về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe

- 100% người điều khiển xe gắn máy ở khu vực nông thôn có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật.

- 80% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa có chứng chỉ chuyên môn.

e) Về sơ cấp cứu sau tai nạn: 100% xã có đội sơ cấp cứu tai nạn giao thông.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn với các nội dung như sau:

- Tập trung tuyên tuyền, phổ biến về đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định, đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chạy quá tốc độ quy định và các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chăn thả gia súc trên lòng và lề đường theo hướng tăng cường bằng hình ảnh trực quan, sinh động;

- Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến vào chương trình xây dựng Nông thôn mới, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào các chương trình khác;

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến trong các dịp ngày lễ, hội, ngày tết, các phiên chợ, tại các thị trấn, thị tứ, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và khu chế xuất, khu tập trung đông người;

- Phối hợp với các tổ chức tôn giáo (Phật Giáo, Công Giáo ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc; Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến vào các sự kiện, các buổi sinh hoạt tôn giáo ở địa phương;

- Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến vào các buổi sinh hoạt của chi bộ, các tổ chức đoàn thể, làng, bản, thôn, xóm, các tổ dân phố;

- Xây dựng các chương trình truyền hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông bằng tiếng dân tộc trên các đài truyền hình Trung ương và địa phương, phát sóng vào thời gian phù hợp với điều kiện sinh hoạt người dân khu vực nông thôn;

- Xây dựng tài liệu và thực hiện tuyên truyền an toàn giao thông bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Tày, Mường, Nùng, Thái, H’Mông ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; dân tộc Chăm ở vùng Nam Trung Bộ; dân tộc Gia Rai, Ê Đê ở Tây Nguyên và dân tộc Khơ Me ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long);

- Xây dựng và cung cấp cho các xã, bản, làng “Cẩm nang tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nông thôn”;

- Lồng ghép tuyên truyền vào các sinh hoạt văn hóa truyền thống, các loại hình nghệ thuật phù hợp với các vùng miền (loại hình cải lương đối với khu vực vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; Bài chòi đối với vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Chèo đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và các loại hình nghệ thuật khác của các dân tộc thiểu số ở các vùng);

- Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào các hương ước, quy ước của thôn, làng, bản và khu dân cư; hàng năm, các hộ dân cư ký cam kết thực hiện;

- Thông tin các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông về các thôn, xóm, bản, làng, các tổ dân phố và trên hệ thống loa phát thanh, đài phát thanh và truyền hình địa phương;

- Đẩy mạnh giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và kỹ năng của học sinh về các chủ đề đi bộ an toàn, đi xe đạp an toàn, ngồi trên xe máy an toàn, đi tàu thuyền an toàn (vùng Đồng bằng sông Cửu Long), an toàn giao thông vào ban đêm trong trường học, chú trọng cung cấp kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh;

- Tăng cường các nội dung giáo dục bằng hình ảnh trực quan, sinh động và lồng ghép trong các sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường;

- Tiến hành tuyên truyền cho học sinh vào buổi chào cờ đầu tuần;

- Hàng ngày, trước khi tan học, giáo viên giành 2 ÷ 3 phút nhắc nhở các em học sinh chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt không tụ tập ở lòng đường, không đi xe đạp thành hàng 2, hàng 3..., không đi ngược chiều, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy; in các nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông vào vở của học sinh.

2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

- Lực lượng nòng cốt là Cảnh sát giao thông, Công an xã phối hợp với dân phòng, dân quân và các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh...tập trung tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn tại các giao cắt, các khu dân cư, thị trấn, thị tứ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học vào các giờ cao điểm, tan tầm và đặc biệt vào các ngày lễ (ngày 30/4 và 1/5, ngày 2/9...), ngày tết, các ngày hội ở địa phương theo các chủ đề về đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn và chạy quá tốc độ quy định.

- Xây dựng Tổ tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo thẩm quyền quy định tại mỗi xã với lực lượng nòng cốt là Công an xã, dân phòng, dân quân và các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm trên các đường xã, đường thôn, xóm, tập trung xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định, và các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

- Tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

3. Quản lý nhà nước

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nông thôn.

- Ban hành hướng dẫn và thiết kế định hình các loại dầm cầu, cầu treo, các thiết kế điển hình về các loại kết cấu mặt đường phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền trong cả nước.

- Bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông nông thôn vào Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới; bổ sung an toàn giao thông nông thôn là một tiêu chí đánh giá xếp loại danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Thôn văn hóa ... trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Thực hiện Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Thực hiện Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách.

- Xây dựng và ban hành cơ chế bổ sung kinh phí từ ngân sách huyện và xã cho các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra, xử lý vi phạm trong các đợt cao điểm như ngày lễ, ngày tết và các ngày hội của địa phương.

- Xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo, già làng, trưởng bản và gắn trách nhiệm của người đứng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nông thôn.

- Có chính sách khen thưởng định kỳ (hàng quý, 6 tháng và tổng kết hàng năm) hoặc đột xuất đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn

a) Đường bộ

- Các công trình cầu, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo, trước khi đưa vào khai thác phải có đầy đủ hệ thống bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2014 và Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải.

- Ưu tiên cải tạo xóa bỏ các điểm đen, các điểm tiềm ẩn gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường giao thông nông thôn.

- Cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các giao cắt, các khu thị trấn, thị tứ, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực đồng bằng thông qua việc ưu tiên xây dựng gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính và lắp đặt hệ thống báo hiệu đầy đủ theo quy định.

- Cải tạo điều kiện an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã ở khu vực miền núi thông qua việc ưu tiên cắm cọc tiêu và trồng cây tại taluy âm; cải tạo các đường tràn trên đường huyện và đường liên xã ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

- Đẩy mạnh công tác bảo trì đường giao thông nông thôn với sự tham gia đóng góp của người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; nhân rộng mô hình xã hội hóa “Phụ nữ tham gia bảo dưỡng đường giao thông nông thôn”.

- Thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; cải tạo, nâng cao điều kiện an toàn giao thông tại các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt bằng việc tăng cường xây dựng hàng rào, gác chắn, xóa các lối đi dân sinh trái phép vượt qua đường sắt.

- Đầu tư xây dựng bến xe khách, tối thiểu đạt loại 4 cho các huyện hiện chưa có bến xe; bố trí các điểm dừng, đỗ tại trung tâm xã dọc theo các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng.

- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn, các chương trình, đề án phát triển giao thông nông thôn đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư, xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã, xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông cho vùng có đồng bào các dân tộc ít người sinh sống.

b) Đường thủy nội địa

- Các bến phà, bến khách ngang sông phải có đầy đủ hệ thống bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BGTVT ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải.

- Cải tạo điều kiện an toàn giao thông cho các bến phà, bến khách ngang sông trên hệ thống đường bộ giao thông nông thôn, đặc biệt tại hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

- Kết hợp với hệ thống thủy lợi nâng cấp, cải tạo các tuyến vận tải thủy nội địa.

5. Phương tiện giao thông và vận tải

a) Đường bộ

- Siết chặt công tác quản lý phương tiện ôtô, xe gắn máy, đặc biệt các loại xe công nông khu vực Tây Nguyên, xe lôi và xe ba gác máy vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đồng thời có phương án loại bỏ dần theo Chỉ thị số 1405/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Loại bỏ hoàn toàn các phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm hoạt động các cơ sở sản xuất xe tự chế theo quy định của pháp luật.

- Phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt kết nối từ các trung tâm xã đến trung tâm huyện và tỉnh.

b) Đường thủy nội địa

- Siết chặt công tác quản lý phương tiện thủy nội địa, loại bỏ các phương tiện quá niên nạn theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định.

6. Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe

- Đẩy mạnh việc thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Biên soạn giáo trình đào tạo theo hướng trực quan bằng hình ảnh và tăng cường giáo viên làm mẫu các tình huống.

- Đơn giản hóa nội dung sát hạch, kiểm tra lý thuyết theo hướng bằng hình ảnh, các tình huống phù hợp với đặc thù của vùng, miền.

- Tăng cường đào tạo và sát hạch lưu động đến trung tâm các xã hoặc các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa và miền núi.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe tại khu vực nông thôn.

7. Sơ cấp cứu sau tai nạn

- Xây dựng Tổ sơ cấp cứu sau tai nạn ở mỗi xã với lực lượng nòng cốt là nhân lực và trang thiết bị của trạm y tế xã với sự tham gia của các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, các tổ chức đoàn thể và đội xe gắn máy cấp cứu do người dân tự nguyện hoặc từ các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ứng trực trên các địa bàn trọng điểm thường xảy ra tai nạn.

- Thành lập đường dây nóng cấp cứu, xử lý tai nạn giao thông nông thôn.

8. Nguồn nhân lực

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn, sơ cấp cứu cho các cán bộ cấp huyện, xã, thôn bản, bao gồm: cán bộ phụ trách về giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Công an xã, Dân phòng, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, các già làng, trưởng bản, trưởng thôn và các chức sắc tôn giáo ở địa phương.

- Huy động người dân và các đoàn viên, hội viên là lực lượng chủ chốt trong công tác bảo trì đường giao thông nông thôn và gác trực bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang đường sắt.

- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông nông thôn đến từng gia đình, từng đối tượng; giám sát, theo dõi và phát hiện kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

9. Nguồn vốn

- Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động ... để đầu tư phát triển giao thông nông thôn.

- Tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn địa phương lồng ghép trong các Chương trình 135, Chương trình phát triển nông thôn, quản lý tài sản đường nông thôn, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới... để phát triển giao thông nông thôn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ An toàn giao thông:

- Chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về công tác triển khai thực hiện Đề án; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án;

- Chủ trì, đề xuất phối hợp lồng ghép các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông nông thôn vào các chương trình, dự án tuyên truyền an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải;

- Chủ trì, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông vào Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Phối hợp với các Ban An toàn giao thông và Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án;

- Định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Vụ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề xuất Bộ Tài chính xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

3. Vụ Tổ chức cán bộ:

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn biên soạn giáo trình đào tạo lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương trong công tác đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực bảo đảm an toàn giao thông nông thôn.

4. Vụ Vận tải: Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt kết nối từ các trung tâm xã đến trung tâm huyện và tỉnh.

5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

- Hướng dẫn Sở Giao thông vận tải biên soạn giáo trình đào tạo, nội dung và hình thức sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

- Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý và bảo trì đường giao thông nông thôn.

6. Cục Đường sắt Việt Nam: Chủ trì, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020.

7. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Hướng dẫn các địa phương tăng cường điều kiện an toàn giao thông cho các bến phà, bến đò ngang sông trên hệ thống đường bộ giao thông nông thôn.

8. Cục Đăng kiểm Việt Nam: Tăng cường công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa ở khu vực nông thôn; rà soát phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm loại bỏ các phương tiện quá niên hạn sử dụng.

9.) Ban An toàn giao thông và Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hàng năm; định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo về Bộ Giao thông vận tải về kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban ATGTQG (để phối hợp);
- Bộ Công an, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Ban ATGT và Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ GTVT;
- Văn phòng Đảng ủy Bộ GTVT;
- Viện Chiến lược và Phát triển GTVT;
- Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT;
- Lưu: VT, ATGT.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”
(Kèm theo Quyết định số 4251/QĐ-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì, phối hợp

Dự kiến thời gian thực hiện

I

Tuyên truyền, giáo dục

 

 

1

Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông nông thôn tại các lễ hội truyền thống và các phiên chợ ...

Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2020

2

Xây dựng tài liệu và thực hiện tuyên truyền an toàn giao thông bằng tiếng dân tộc thiểu số

Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2020

3

Xây dựng “Cẩm nang tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nông thôn”

Vụ ATGT

2016

II

Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

 

 

4

Tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các đường huyện, đường xã và các tuyến đường thủy nội địa

Công an huyện, xã; Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2020

III

Quản lý nhà nước

 

 

5

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông nông thôn vào Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới

Vụ ATGT

2016

6

Xây dựng và ban hành cơ chế bổ sung kinh phí cho các hoạt động bảo đảm ATGT trong các đợt cao điểm

Ban ATGT các tỉnh, huyện

2016

7

Xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội...

Ban ATGT các tỉnh, huyện

2016

8

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông

Công an tỉnh, Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2020

IV

Kết cấu hạ tầng giao thông

 

 

9

Cải tạo các giao cắt của đường giao thông nông thôn và giao cắt giữa đường giao thông nông thôn với quốc lộ và đường tỉnh đang khai thác ở khu vực đồng bằng

Sở GTVT, Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2020

10

Cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các khu vực thị trấn, thị tứ trên các đường huyện và đường xã

Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh

2016 - 2020

11

Cải tạo điều kiện an toàn giao thông cho các bến phà, bến đò ngang sông trên hệ thống đường bộ giao thông nông thôn

Cục Đường thủy nội địa VN, Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh

2016 - 2020

V

Phương tiện giao thông và vận tải

 

 

12

Kiểm tra, rà soát loại bỏ các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa quá niên hạn sử dụng theo quy định

Cục Đăng kiểm VN, Sở GTVT các tỉnh

2016 - 2020

13

Phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt kết nối từ các trung tâm xã đến trung tâm huyện và tỉnh cho khu vực các tỉnh vùng đồng bằng

Vụ Vận tải, Sở GTVT các tỉnh

2016 - 2020

VI

Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe

 

 

14

Biên soạn giáo trình đào tạo, nội dung và hình thức sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc có trình độ quá thấp và triển khai thực hiện

Vụ TCCB, TC ĐBVN, Sở GTVT các tỉnh

2016 - 2020

VII

Sơ cấp cứu sau tai nạn

 

 

15

Xây dựng Tổ sơ cấp cứu sau tai nạn

Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2020

VIII

Nguồn nhân lực

 

 

16

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn, sơ cấp cứu cho các cán bộ cấp huyện, xã, thôn bản

Vụ TCCB, Tổng cục Đường bộ VN, Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh

2016 - 2020

17

Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên

Ban ATGT các tỉnh

2016 - 2018

IX

Nguồn vốn

 

 

18

Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho địa phương kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT

Vụ Tài chính

2016

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4251/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 4251/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/12/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản