Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 424/QĐ-SNN-VP

TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG THƯỜNG TRỰC PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ

GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Quyết định số 90/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 06 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, về việc ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng chống lụt bão đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn  cứ  Quyết định số 166/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 09 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ban hành quy định về công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-UB ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về bổ sung nhiệm vụ báo tin động đất, cảnh báo sóng thần cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão thành phố;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Sở,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công trách nhiệm chung và tổ chức thực hiện:

1. Tất cả đơn vị trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố phải quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ"(chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các sở - ban - ngành, chính quyền địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp kịp thời, đồng bộ, chủ động phòng, tránh và đối phó với các tình huống bất lợi nhất khi lũ, bão, triều cường, xả lũ, thiên tai,... xảy ra, hạn chế tổn thất, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở phải tổ chức trực ban liên tục 24/24 giờ khi có bão, lụt; dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại địa phương, đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng các trang thiết bị sẳn có tại đơn vị như tàu, thuyền, ca nô, ô tô, thiết bị thông tin và các trang thiết bị chuyên dùng khác; vật tư về nhà bạt, cứu sinh; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do ảnh hưởng của bão, mưa to, thủy triều dâng cao; bổ sung lực lượng để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo điều động của ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương.

3. Sau khi cơn bão kết thúc, các đơn vị trực thuộc sở theo chuyên ngành có trách nhiệm cử cán bộ trực tiếp xuống các địa bàn để phối hợp với địa phương và bà con nhân dân nắm chắc tình hình thiệt hại và có biện pháp hỗ trợ khắc phục. tổ chức rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và khắc phục hậu quả của cơn bão.

Điều 2. Phân công các đơn vị trực thuộc sở thực hiện một số nhiệm vụ tập trung (ngoài nhiệm vụ chung nói trên):

1. Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão (kiêm văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố) có nhiệm vụ:

- Tổ chức thường trực 24/24 giờ từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 30 tháng 11 hàng năm và tổ chức thường trực khi có tin báo động đất, sóng thần.

- Tiếp nhận và truyền phát kịp thời tin bão, tin áp thấp nhiệt đới của đài khí tượng thủy văn khu vực nam bộ, công điện của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho trưởng ban, phó trưởng ban thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố, chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bộ đội biên phòng thành phố, bộ chỉ huy quân sự thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện để theo dõi và xử lý.

- Phối hợp chặt chẽ với chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bộ đội biên phòng và ủy ban nhân dân các địa phương nắm rõ vị trí của các tàu đánh bắt xa bờ, số lượng thuyền viên trên mỗi tàu, tình trạng hoạt động của tàu và thiết bị liên lạc trước và trong bão.

- Thường xuyên theo dõi, thu thập, xử lý các thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới (tâm bão, hướng di chuyển, tốc độ, cấp độ) để tham mưu cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố ban hành các quyết định (văn bản, công điện) chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục hậu quả do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra đối với ngành nông nghiệp và thủy sản thành phố.

- Trước khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: kiểm tra toàn diện công tác phòng chống lụt bão trong phạm vi toàn thành phố; đôn đốc các sở ngành, địa phương lập kế hoạch phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; kiểm tra xây dựng cơ bản các công trình thủy lợi và công trình phòng chống lụt bão.

- Trong và sau khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: tổng hợp và báo cáo hàng ngày về tình hình thiên tai, thông tin về úng, ngập; ban hành các công điện cảnh báo và chỉ đạo; tham mưu, đề xuất cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố về phòng tránh, đối phó và khắc phục; dự thảo các báo cáo về diễn biến và tình hình thiệt hại của từng đợt thiên tai, công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có nhiệm vụ:

- Tổ chức thường trực 24/24 giờ khi có tin báo áp thấp nhiệt đới và bão.

- Tổ chức đăng kiểm, thống kê về số tàu, thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền; nắm chắc tọa độ, tần số liên lạc của các tàu cá xa bờ đang hoạt động trên biển và các tàu chưa xuất bến.

- Phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển; chủ động phối hợp với bộ đội biên phòng thành phố thực hiện công tác thường trực tìm kiếm cứu nạn thủy sản.

- Thống kê các đơn vị, cá nhân có nuôi trồng thủy sản dọc các sông, rạch lớn để tham mưu cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố khuyến cáo các địa phương có phương án ứng phó khi có sự cố bể bờ bao hoặc nước tràn bờ, tránh thất thoát vật nuôi.

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước trong công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.

- Trước khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: thường xuyên báo cáo vị trí, số lượng tàu thuyền, thuyền viên theo quy định; thông báo và hướng dẫn chủ tàu cá, thuyền trưởng vào nơi trú ẩn an toàn theo chỉ đạo của ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương và thành phố.

- Trong và sau khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: tổng hợp thông tin về tình hình tàu, thuyền và các phương tiện hoạt động nghề cá, khu nuôi trồng thủy, hải sản; cung cấp thông tin về tàu thuyền gặp nạn và phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển; chỉ đạo khắc phục hậu quả, hướng dẫn các biện pháp phục hồi sản xuất thủy, hải sản.

3. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc sở có nhiệm vụ:

- Trước khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra:

+ Tăng cường giám sát các công trình đang thi công xây dựng, đặc biệt là công trình thủy lợi bờ hữu sông sài gòn có liên quan đến việc xả lũ hồ dầu tiếng, triều cường và mưa.

+ Báo cáo tiến độ xây dựng các công trình.

+ Yêu cầu các nhà thầu lập bảng tiến độ thi công chi tiết cho từng hạng mục công trình, từng công việc cụ thể và thực hiện nghiêm ngặt kế hoạch, tiến độ đã được chủ đầu tư thông qua.

- Trong và sau khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra:

+ Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình; tập kết lực lượng nhân công, thiết bị, xe máy, vật tư để kịp xử lý khi có sự cố xảy ra đối với các công trình đang thi công của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

+ Yêu cầu các đơn vị thi công, tư vấn, giám sát phải thường xuyên có mặt tại công trường trong thời gian xảy ra lũ, bão, triều cường để chủ động xử lý khắc phục sự cố (nếu có).

+ Tăng cường giám sát của chủ đầu tư trong việc kiểm tra giám sát các đơn vị thi công trong thời gian xảy ra lũ, bão, triều cường.

+ Báo cáo tổng hợp thiệt hại các công trình và kết quả khắc phục.

4. Công ty quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi có nhiệm vụ:

- Phối hợp với các quận, huyện trong công tác kiểm tra, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp đầu tư công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt bão trên địa bàn các quận, huyện; hỗ trợ các quận, huyện chống úng, chống hạn.

- Phối hợp với ủy ban nhân dân huyện củ chi, xã bình mỹ, phú mỹ hưng, phú hoà đông, trung an, hoà phú, tân thạnh đông, an phú thường xuyên kiểm tra các công trình ven sông sài gòn và phối hợp với ban giám đốc công ty khai thác thủy lợi dầu tiếng theo dõi diễn biến mực nước trên sông (nhất là hồ dầu tiếng xả lũ khi có mưa ở thượng nguồn).

- Phối hợp với ủy ban nhân dân các xã phước hiệp, thái mỹ, tân phú trung, tân an, tân thông hội kiểm tra trục tiêu thoát lũ thầy cai, rạch tra và các địa bàn xung yếu khác.

5. Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn có nhiệm vụ:

- Trước khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: hướng dẫn các trạm cấp nước xây dựng phương án phòng chống, khắc phục hậu quả của lụt, bão, thiên tai đối với việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn; tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật trong xử lý nước, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

- Trong và sau khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: tổng hợp tình hình thiệt hại đối với lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xử lý các sự cố, khắc phục hậu quả.

6. Chi cục kiểm lâm và chi cục lâm nghiệp có nhiệm vụ:

- Trước khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: phối hợp chặt chẽ với ủy ban nhân dân huyện cần giờ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các hộ giữ rừng chồng chắn nhà cửa để phòng chống bão đi qua.

- Trong và sau khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: thường xuyên theo dõi diễn biến các cơn bão để kịp thời phối hợp di dời các hộ giữ rừng đến vùng an toàn; kiểm tra tình hình ngã, đỗ cây rừng khi cơn bão đi qua để có biện pháp khôi phục nhanh sau cơn bão.

7. Trung tâm khuyến nông có nhiệm vụ:

Tổng hợp thông tin về tình hình thiệt hại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các quận, huyện; phối hợp với ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo khắc phục hậu quả, hướng dẫn các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp.

8. Chi cục phát triển nông thôn có nhiệm vụ:

Tổng hợp, báo cáo đánh giá thiệt hại của các hộ dân, doanh nghiệp trong vùng ảnh hưởng của lũ bão.

9. Chi cục thú y có nhiệm vụ:

Tổng hợp thông tin về tình hình chăn nuôi, thú y trong vùng ảnh hưởng của lũ bão; phối hợp với ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo khắc phục hậu quả, hướng dẫn các biện pháp phục hồi chăn nuôi, phòng trị dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

10. Văn phòng sở có nhiệm vụ:

- Trước khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: giúp giám đốc sở chỉ đạo các phòng ban, đơn vị thuộc khối liên cơ quan 176 hai bà trưng triển khai các phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

- Trong và sau khi bão, lũ hoặc thiên tai xảy ra: tổ chức thường trực tại cơ quan văn phòng sở, chuẩn bị phương tiện phục vụ công tác thông tin, giao ban, chỉ đạo phòng chống lụt bão khi cần thiết; huy động nhân lực, phương tiện của khối liên cơ quan tại 176 Hai Bà Trưng phục vụ cho việc ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách do lụt bão và thiên tai gây ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Sở, Trưởng các phòng ban sở và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
-Như điều 4;
-TT.BCH PCLB TP (để báo cáo);
-Ban Giám đốc Sở;
-Lưu: VT, TVM.

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Phước Thảo