Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42/2000/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ KHUNG THU HỌC PHÍ VÀ NỘI DUNG CHI TỪ NGUỒN THU HỌC PHÍ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN LẬP CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Quy chế trường Phổ thông dân lập ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ ngày 20/8/1991 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 36/1999/QĐ-UB ngày 11/5/1999 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành Qui định tạm thời về Tổ chức và quản lý các trường Phổ thông dân lập của Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Liên ngành Tài chính Vật giá - Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 122/LN ngày 17/1/2000 và Tờ trình số 722/LN TCVG-GD&ĐT ngày 24/3/2000;
Căn cứ ý kiến của Thường trực HĐND Thành phố tại công văn số 59 CV/HĐ ngày 14/4/2000.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về khung thu học phí và nội dung chi từ nguồn thu học phí của các trường Phổ thông dân lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 01/4/2000.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Trưởng ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính Vật giá, Cục trưởng Cục Thuế Hà nội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Hiệu trưởng các Trường Phổ thông dân lập trên địa bàn Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu

 

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ KHUNG THU HỌC PHÍ VÀ NỘI DUNG CHI TỪ NGUỒN THU HỌC PHÍ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN LẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2000/QĐ-UB ngày 25/4/2000 UBND Thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Khung thu học phí quy định trong văn bản này là căn cứ cho các trường Phổ thông dân lập (PTDL) trên địa bàn Thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí cho từng năm học của trường mình

Điều 2: Các trường Phổ thông dân lập khi thu học phí phải sử dụng biên lai thu do Cục Thuế Thành phố Hà Nội phát hành.

Điều 3: Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng các trường PTDL chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan quản lý nhà nước về việc thu - chi học phí, công tác quản lý tài chính và tài sản của các trường PTDL.

Điều 4: Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các trường PTDL trong việc thực hiện quản lý tài chính theo chế độ quy định của Nhà nước.

Chương 2:

NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Khung thu học phí áp dụng cho các trường PTDL của Thành phố học đủ theo số tiết, chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định như sau:

- Khối Trung học phổ thông (THPT): mức thu tối đa 150.000đ/hs/ tháng (Một trăm năm mươi nghìn đồng/một học sinh/một tháng).

- Khối Trung học cơ sở (THCS): mức thu tối đa 110.000đ/hs/ tháng (Một trăm mười nghìn đồng/một học sinh/một tháng).

- Khối Tiểu học: mức thu tối đa 90.000đ/hs/ tháng (Chín mươi nghìn đồng/một học sinh/một tháng).

Đầu năm học, trước khi thu học phí, các trường căn cứ vào khung thu học phí, điều kiện cụ thể của từng trường và thoả thuận của cha mẹ học sinh, đề xuất mức thu học phí cụ thể của trường mình báo cáo bằng văn bản để Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Điều 6: Chế độ ưu đãi đối với nhũng học sinh trong diện chính sách:

Đối tượng thu và miễn, giảm học phí đối với những học sinh trong diện chính sách trong các trường PTDL như quy định tại Điều 2 của Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Mức học phí làm căn cứ để miễn, giảm bằng mức học phí cao nhất được quy định cho hệ chính quy, tập trung ở cơ sở giáo dục đào tạo công lập tại điểm 1.1 mục 1 Điều 3 - Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

- Mẫu giáo: 80.000đ/hs/tháng (tám mươi nghìn đồng/một học sinh/một tháng)

- Tiểu học, Trung học cơ sở: 20.000đ/hs/tháng (Hai mươi nghìn đồng/một học sinh/một tháng)

 - Phổ thông trung học: 35.000đ/hs/tháng (Ba mươi năm nghìn đồng/một học sinh/một tháng)

Điều 7: Các khoản thu khác:

* Thu tiền học bán trú, nội trú đối với các trường tổ chức học bán trú, nội trú.

* Các trường được thu hộ các khoản như sau:

- Tiền ăn (nếu có)

- Tiền thuê xe ô tô đưa đón học sinh (nếu có)

- Quỹ Hội cha mẹ học sinh (tối đa 50.000đ/1 học sinh/cả năm học).

- Tiền hỗ trợ hoạt động Đoàn, Đội. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố hướng dẫn thu chi khoản này.

* Ngoài các khoản thu được quy định nêu trên, các trường không được thu thêm bất cứ một các khoản thu nào khác.

Điều 8: Nội dung chi từ nguồn thu học phí của các Trường PTDL

- Chi trả lương giáo viên trực tiếp giảng dạy, các cán bộ quản lý và các nhân viên phục vụ nhà trường;

- Chi hỗ trợ cơ sở vật chất như thuê địa điểm, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, khấu hao tài sản cố định (nếu có) hoặc trả lãi vay ngân hàng (nếu có).

- Chi cho các hoạt động phục vụ giảng dạy, học tập như: tiền điện, nước, bưu chính viễn thông, tuyên truyền quảng cáo, văn phòng phẩm, khai giảng, bế giảng, coi thi chấm thi, kể cả việc tổ chức thi thử (nếu có).

- Chi phúc lợi tập thể của giáo viên, học sinh bao gồm: trợ cấp khó khăn, học bổng khuyến khích, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích, phúc lợi cơ quan.

- Chi nộp cơ quan quản lý giáo dục cấp trên (Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo) theo phân cấp tại điều 19 Quy định tạm thời ban hành theo Quyết định số 36/1999/QĐ-UB ngày 11/5/1999 của UBND Thành phố Hà Nội. Mức nộp bằng 2% tổng số thu học phí của trường.

Hội đồng quản trị các trường PTDL tuỳ theo tình hình thực tế của từng trường để quy định các mức chi cụ thể cho từng năm học theo nội dung hướng dẫn trên.

Điều 9: Quản lý và sử dụng nguồn trích nộp 2% tổng số thu học phí của các trường PTDL cho cơ quan quản lý giáo dục cấp trên:

* Đốí với việc quản lý nguồn trích nộp:

Hàng quý, các trường PTDL trích 2% tổng số thu học phí thực tế của trường nộp cơ quan quản lý giáo dục cấp trên:

+ Các trường Tiểu học và THCS nộp phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện.

+ Các trường THPT nộp Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn thu trích nộp này như đối với khoản kinh phí cấp phát của ngân sách Nhà nước, lập dự toán thu - chi từ khoản trích nộp của các trường PTDL gửi cơ quan tài chính đồng cấp phê duyệt làm căn cứ chi tiêu và quyết toán.

* Nội dung sử dụng nguồn trích nộp 2% tổng số thu học phí của các trường PTDL: phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo khối trường PTDL và các hoạt động chung của khối trường PTDL, bao gồm:

- Bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, giáo viên và cán bộ đoàn đội.

- Hoạt động chuyên môn ngành: Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn; tổ chức thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi; tổ chức hội thao, hội diễn, sơ kết, tổng kết, hội nghị chuyên đề, khen thưởng thi đua; tổ chức vui chơi giải trí và hoạt động hè cho học sinh.

- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, in ấn tài liệu chỉ đạo theo chuyên đề, thẩm tra hồ sơ thi các lớp cuối cấp, hoà mạng vi tính trong khối trường PTDL.

- Chi phí thẩm định thành lập, giải thể trường PTDL.

Điều 10: Quản lý tài chính trong các trường PTDL: .

- Các Trường PTDL có trách nhiệm:

+ Sử dụng biên lai thu học phí do Cục thuế phát hành.

+ Đăng ký kê khai nộp thuế với Cục thuế Thành phố Hà Nội theo quy định của Luật thuế hiện hành.

- Hàng năm, vào đầu năm học mới, các trường PTDL phải thực hiện công khai thu - chi học phí và các khoản thu khác đối với tập thể cán bộ giáo viên nhà trường và các phụ huynh học sinh của trường.

- Các Trường PTDL phải thực hiện việc quản lý tài chính theo chế độ quy định của Nhà nước và theo sự hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính - Vật giá, cụ thể:

+ Các Trường PTDL mở sổ sách và thực hiện chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị Hành chính sự nghiệp theo quy định hiện hành.

+ Mỗi Trường PTDL phải có cán bộ làm công tác kế toán chuyên trách. Kế toán nhà trường phải trình độ Trung học tài chính - kế toán trở lên và không được phép kiêm nhiệm thêm công tác thủ quỹ.

+ Các trường PTDL nộp báo cáo quyết toán tài chính định kỳ quý, năm cho cơ quan quản lý giáo dục cấp trên (Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục và Đào tạo)

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Quy định tạm thời này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2000.

Điều 12: Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính Vật giá, Cục Thuế Hà Nội, UBND quận, huyện hướng dẫn các trường PTDL thực hiện Quy định tạm thời này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc vượt quá thẩm quyền cho phép, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính - Vật giá thống nhất đề xuất trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2000/QĐ-UB ban hành Quy định tạm thời về khung thu học phí và nội dung chi từ nguồn thu học phí của các trường Phổ thông dân lập Thành phố Hà nội của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 42/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/04/2000
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản