Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 415-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989; Pháp lệnh Thanh tra ngày 29 tháng 3 năm 1990 và các văn bản pháp luật có liên quan;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực từ ngày ban hành. Mọi quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trần Đức Lương

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 415-TTg ngày 10-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là tổ chức thanh tra chuyên ngành, thực hiện chức năng thanh tra về: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, thú y đối với động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản, và về an toàn kỹ thuật các phương tiện, thiết bị nghề cá, đã phân cấp cho ngành thuỷ sản.

Điều 2. Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức thống nhất trong cả nước, bao gồm:

- Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương, thuộc Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản).

- Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) thuộc Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh hoặc thuộc Sở Thuỷ sản, Sở Nông - lâm - thuỷ sản (đối với tỉnh không có Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản).

- Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương và Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh được sử dụng con dấu riêng.

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định chi tiết tổ chức bộ máy của Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở gọn nhẹ, có hiệu quả thiết thực.

Điều 3. Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có nghĩa vụ thực hiện công vụ một cách kịp thời, trung thực, khách quan và đúng pháp luật.

Điều 4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản phải tuân theo Quy chế này và tạo điều kiện để các hoạt động Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 5. Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có nhiệm vụ:

1- Giúp Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xây dựng các văn bản hướng dẫn, các quy định cụ thể về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, trình Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ban hành theo thẩm quyền, hoặc để Bộ trình Chính phủ ban hành.

2- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo hiệu lực thi hành trong cả nước.

3- Tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong nhân dân và các tổ chức kinh tế, xã hội.

4- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Cụ thể là các quy định về:

- Nghề nghiệp, công cụ, phương pháp, mùa vụ, ngư trường và đối tượng thuỷ sản cho phép khai thác.

- Chế độ đăng ký, an toàn kỹ thuật các phương tiện, thiết bị nghề cá đã phân cấp cho ngành thuỷ sản.

- Kiểm dịch và phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, vệ sinh và thuộc thú y thuỷ sản.

- Tiêu chuẩn, chất lượng các giống, loài thuỷ sản được phép nuôi trồng, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến, xuất nhập khẩu và môi trường sống của thuỷ sản.

5- Phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo quy định. Đề xuất các biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 6. Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có các quyền hạn sau đây:

1- Được yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, trả lời chất vấn hoặc cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra.

2- Trưng cầu giám định chuyên môn phục vụ cho công tác thanh tra.

3- Tạm thời đình chỉ hoạt động của người và phương tiện, thiết bị, nếu xét thấy có hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, hoặc phương tiện, thiết bị không có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định.

4- Kết luận, kiến nghị hoặc quyết định xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

5- Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Nhà nước.

6- Chuyển hồ sơ tài liệu sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Điều 7. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nêu tại các Điều 5, 6 Quy chế này, quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Trung ương và Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh.

Điều 8. Hoạt động của Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được tiến hành bằng cách tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc do thanh tra viên tiến hành theo từng lĩnh vực chuyên môn nhất định.

Chương 3:

TỔ CHỨC THANH TRA BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN VÀ THANH TRA VIÊN

Điều 9. Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gồm có:

- Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương.

- Phó Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương.

- Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh.

- Phó Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh.

- Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Ngoài thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, còn có thêm một số kiểm soát viên để giúp thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cấp nào chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cấp đó và sự hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Nhà nước cùng cấp.

Điều 10. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Chánh, Phó Thanh tra các cấp:

1- Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản bổ nhiệm và miễn nhiệm Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Cục trưởng Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bổ nhiệm và miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương, theo đề nghị của Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương.

2- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm và miễn nhiệm Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, theo đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản.

Giám đốc Sở Thuỷ sản bổ nhiệm và miễn nhiệm Phó Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh và Chánh Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh.

Điều 11. Thanh tra viên: Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là công chức, biên chế chính thức trong Cục và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, có đủ tiêu chuẩn nêu tại Điều 12 của Quy chế này, được giao nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện Pháp lệnh về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 12. Tiêu chuẩn thanh tra viên:

- Có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan.

- Có trình độ đại học trong các ngành kinh tế - kỹ thuật thuỷ sản, có kiến thức pháp luật.

- Có nghiệp vụ thanh tra.

- Có thời gian công tác trong ngành thuỷ sản ít nhất là 3 năm.

- Có đủ sức khoẻ, có khả năng đi biển.

Điều 13. Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gồm có:

- Thanh tra viên (cấp 1)

- Thanh tra viên chính (cấp 2)

- Thanh tra viên cao ấp (cấp 3).

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước quy định cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, cấp và thu hồi thẻ đổi với thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên, thực hiện theo quy định hiện hành về Quy chế Thanh tra viên ban hành kèm theo Nghị định số 191-HĐBT ngày 18-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 14. Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được trang cấp: phù hiệu, cấp hiệu, quần áo đồng phục, áo mưa, mũ Kêpi, mũ cứng, thắt lưng, giầy da, bít tất, ủng cao su, cặp đựng tài liệu và các trang bị làm việc thật cần thiết, phục vụ cho công tác thanh tra.

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Nhà nước để quy định cụ thể về phù hiệu, cấp hiệu thanh tra viên; với Bộ trưởng Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, chế độ sử dụng các loại trang phục, trang bị trên đây, đảm bảo nghiêm túc khi thi hành công vụ, sử dụng nguyên liệu trong nước và tiết kiệm.

Các chế độ đãi ngộ khác về vật chất, tinh thần áp dụng cho thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản làm việc với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính để vận dụng, trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 15. Khi thực hiện công vụ, thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phải sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ thanh tra viên.

Điều 16. Thanh tra viên bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khi tiến hành các hoạt động thanh tra chỉ được phép thanh tra các việc thuộc thẩm quyền chuyên môn đã được quy định.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 17. Người bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản có thể khiếu nại, tố cáo với cơ quan Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có thẩm quyền theo Điều 36 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989.

Điều 18. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, được thực hiện theo Điều 37 và 38 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989.

Điều 19. Các khiếu nại, tố cáo khác của công dân liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản được giải quyết theo Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 2 tháng 5 năm 1991.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 20. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 21. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân; người nào cản trở, mua chuộc, trả thù người làm công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hoặc vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật về thanh tra, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 415-TTg năm 1994 về Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 415-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/08/1994
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Đức Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản