Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 415/TCHQ/QĐ/TCCB

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CHI CỤC HẢI QUAN CỬA KHẨU, CHI CỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH, LIÊN TỈNH, THÀNH PHỐ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 15/2003/QĐ-BTC ngày 10/02/2003 của Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Hải quan;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chi cục Hải quan cửa khẩu và chi cục hải quan ngoài cửa khẩu (sau đây gọi chung là Chi cục Hải quan) là đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục Hải quan tỉnh) có chức năng trực tiếp thực hiện các quy định quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tổ chức thực hiện pháp luật về thuế và thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động Hải quan.

Điều 2. Chi cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ quyền hạn cụ thể sau đây:

1- Tiến hành thủ tục hải quan, thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy đỉnh của pháp luật;

2- Tiến hành kiểm soát hải quan để phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động của Chi cục Hải quan.

Phối hợp với các lực lực lượng chức năng khác để thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới ngoài phạm vi địa bàn hoạt động  Hải quan.

3- Tiến hành thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện theo dõi đốc thu thuế nợ đọng, cưỡng chế thuế và phúc tập hồ sơ hải quan; đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.

4- Thực hiện thống kê Nhà nước về Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Hải quan.

5- Thực hiện việc lập biên bản, ra quyết định tạm giữ hàng hoá, tang vật phương tiên vi phạm hành chính về hải quan và xử lý vi phạm hành chính về Hải quan; giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và giải quyết tố cáo theo thẩm quyền Chi cục Hải quan được pháp luật quy định.

6- Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về chính sách quản lý Nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, các quy định, quy trình thủ tục hải quan và những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Chi cục Hải quan.

7- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan trên địa bàn hoạt động Hải quan để thực hiện nhiệm vụ được giao.

8- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về Hải quan cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

9- Thực hiện hợp tác quốc tế về Hải quan theo phân cấp hoặc uỷ quyền của Tổng cục Hải quan tỉnh.

10- Thực hiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức và quản lý tài chính, tài sản, các trang bị của Chi cục Hải quan theo phân cấp.

11- Thực hiện các chế độ báo cáo và cung cấp thông tin về hoạt động của Chi cục Hải quan theo quy định của Cục Hải quan tỉnh và Tổng cục Hải quan.

12- Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp trên giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Chi cục Hải quan:

1- Tại Chi cục Hảiquan, tuỳ khối lượng, tính chất công việc  và biên chế mà được thành lập các Đội Nghiệp vụ, Tổ kiểm soát Hải quan thuộc Chi cục Hải quan do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh quyết định sau khi được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt.

2- Nhiệm vụ cụ thể và biên chế của Chi cục Hải quan do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh quyết định trong tổng biên chế của Cục Hải quan tỉnh được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 4. Chi cục Hải quan có Chi cục trưởng và một số Phó Chi cục trưởng.

- Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh về toàn bộ hoạt động của Chi cục.

- Phó chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng về nhiệm vụ được Chi cục trưởng phân công.

Điều 5. Chi cục Hải quan có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu hành chính và tài khoản tại kho bạc nhà nước theo quy định của Pháp luật, có các loại dấu nghiệp vụ theo quy định của ngành Hải quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 6. Mối quan hệ công tác của Chi cục Hải quan:

1- Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh.

2- Chịu sự kiểm, hướng dẫn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các Vụ, Cục chức năng thuộc Tổng cục Hải quan thông qua Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh.

3- Đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan tỉnh là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; bãi bỏ quyết định số 321/TCHQ-TCCB ngày 11/10/1994 của Tổng cục Hải quan quy định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hải quan cửa khẩu.

Điều 8. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải quan và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN




Trương Chí Trung