Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4128/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2009 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1)
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1)”.
Điều 2. “Hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1)” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trên toàn quốc.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 1846/QĐ-BYT ngày 27/5/2009 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Viện trưởng các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, Giám đốc các Viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 28/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Bệnh cúm H1N1 đại dịch 2009 là bệnh truyền nhiễm do vi rút cúm H1N1 đại dịch 2009 (sau đây gọi chung là cúm A(H1N1)) đang gây đại dịch trên toàn thế giới.
Triệu chứng của người mắc bệnh cúm A(H1N1) giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi khởi phát.
Bệnh cúm A(H1N1) là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.
Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 700C và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh.
II. HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT BỆNH CÚM A(H1N1)
2.1. Định nghĩa và phân loại ca bệnh trong giám sát
2.1.1. Hội chứng cúm: là trường hợp bệnh có các dấu hiệu sau:
- Sốt đột ngột > 380C
- Ho và/hoặc đau họng
- Chưa có chẩn đoán nào khác
2.1.2. Trường hợp nghi ngờ: Là ca bệnh có biểu hiện sốt (thường trên 38oC) vµ một trong các triệu chứng về hô hấp như: viêm long đường hô hấp, đau họng, ho và có yếu tố dịch tễ liên quan: khởi bệnh trong vòng 7 ngày có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định, hoặc đã đến hoặc sống tại vùng có một hay nhiều trường hợp bệnh đã được xác định nhiễm vi rút cúm A(H1N1).
(Tiếp xúc gần là sống cùng hoặc tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp có thể nhiễm hoặc đã được xác định cúm A(H1N1) trong thời kỳ lây truyền).
2.1.3. Ca bệnh có thể: Là ca bệnh có hội chứng cúm, có xét nghiệm dương tính với cúm A, nhưng không xác định được phân típ bằng các xét nghiệm phát hiện nhiễm các vi rút cúm thường.
2.1.4. Ca bệnh xác định: Là ca bệnh dương tính với cúm A(H1N1) bằng xét nghiệm Real-time RT-PCR hoặc RT-PCR
2.1.5. Ổ dịch: một nơi được gọi là ổ dịch khi ghi nhận 1 trường hợp khẳng định trở lên ở một địa điểm (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/đơn vị…). Một ổ dịch được gọi là chấm dứt khi trong vòng 14 ngày liên tục không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A(H1N1).
2.2 Các giai đoạn của dịch trong giám sát
Dịch có thể diễn biến rất khác nhau ở các tỉnh/thành phố trong toàn quốc. Một số tỉnh/thành phố dịch đã lây lan ở mức cộng đồng, một số tỉnh/thành phố khác dịch chưa xuất hiện hoặc mới chỉ giới hạn ở những ca bệnh xâm nhập. Diễn biến của dịch tại từng tỉnh/thành phố có thể được chia ra thành 3 giai đoạn như sau:
a) Giai đoạn 1: Chưa có trường hợp bệnh: chưa ghi nhận trường hợp dương tính với cúm A(H1N1).
b) Giai đoạn 2: Lây truyền hạn chế tại cộng đồng: ghi nhận một số trường hợp rải rác, xuất hiện dưới 5 chùm ca bệnh lây truyền hạn chế tại cộng đồng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị … . (Một chùm ca bệnh được định nghĩa là khi có ít nhất 2 trường hợp xác định là cúm A(H1N1) trong vòng 7 ngày và ở trong cùng một địa điểm (thôn xóm, tổ dân phố, đơn vị…), có liên quan dịch tễ học. )
d) Giai đoạn 3: Lây truyền rộng rãi tại cộng đồng: khi trong cùng một thời điểm xuất hiện từ 5 chùm ca bệnh trở lên tại cộng đồng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị … .. trong đó sự lây truyền không xác định được nguồn lây.
2.3 Các phương cách giám sát
Tuỳ theo tình hình dịch cụ thể của từng tỉnh/thành phố, áp dụng các phương cách giám sát phù hợp theo từng giai đoạn của dịch, cụ thể như sau:
2.3.1. Giai đoạn 1: Chưa có trường hợp bệnh:
Mục đích giám sát của giai đoạn này là nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh cúm A(H1N1) đầu tiên, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan trong cộng đồng.
Phương cách giám sát trong giai đoạn này là xét nghiệm và điều tra dịch tễ học tất cả các trường hợp nghi ngờ.
2.3.2. Giai đoạn 2: Lây truyền hạn chế tại cộng đồng:
Mục đích giám sát của giai đoạn này là nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, các chùm ca bệnh cúm A(H1N1), xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan rộng trong cộng đồng.
Phương cách giám sát trong giai đoạn này cụ thể như sau:
- Xét nghiệm và điều tra dịch tễ học các trường hợp nghi ngờ.
- Điều tra dịch tễ học và xét nghiệm 3-5 ca bệnh đầu tiên các chùm ca bệnh cúm trong cộng đồng, trường học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị ... .
- Khi số ca bệnh tăng lên, cần xem xét giảm dần việc xét nghiệm các ca nghi ngờ, chuyển dần sang việc giám sát các nhóm người có nguy cơ cao và bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện.
2.3.3. Giai đoạn 3: Lây truyền rộng rãi tại cộng đồng:
Mục đích giám sát của giai đoạn này là phát hiện sớm các chùm ca bệnh để xử lý dịch và phát hiện sớm bệnh ở bệnh nhân thuộc nhóm người có nguy cơ cao và bệnh nhân nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp nặng nhập viện nhằm hạn chế tử vong; theo dõi sự thay đổi độc lực của vi rút và sự kháng thuốc.
Phương cách giám sát trong giai đoạn này cụ thể như sau:
- Điều tra dịch tễ học và xét nghiệm 3-5 ca bệnh đầu tiên các chùm ca bệnh cúm trong cộng đồng, trường học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị ... .
- Xét nghiệm những bệnh nhân thuộc nhóm người có nguy cơ cao (bệnh hen phế quản, những người mắc các bệnh phổi mãn tính, bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn chuyển hoá mãn tính, bệnh thận mãn tính, bệnh rối loạn huyết cầu tố, bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh thần kinh mãn tính, phụ nữ mang thai, bệnh béo phì) và bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện.
Trong tất cả các giai đoạn của dịch, việc giám sát cúm trọng điểm quốc gia là cần thiết và phải duy trì liên tục nhằm theo dõi sự tiến triển của dịch, và sự biến đổi của vi rút.
2.4. Thu thập, vận chuyển và bảo quản bệnh phẩm: các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế công bố đạt tiêu chuẩn phòng xét nghiệm chẩn đoán cúm A(H1N1) (theo Quyết định số 2895/QĐ-BYT ngày 12/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế) có thể xét nghiệm chẩn đoán xác định cúm A(H1N1), việc lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A(H1N1) thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 1847/QĐ-BYT ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2.5. Thông tin, báo cáo
- Thực hiện việc giám sát, thông tin, báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ban hành ngày 26/11/2007; Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản khác về thông tin, báo cáo dịch.
- Báo cáo ca bệnh theo mẫu quy định (kèm theo).
III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH
3.1. Phòng bệnh cúm A(H1N1)
3.1.1. Giáo dục sức khỏe về vệ sinh cá nhân và phòng lây truyền bệnh qua đường hô hấp
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1 m; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.
- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng.
- Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;
- Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
3.1.2. Biện pháp dự phòng đặc hiệu
Tiêm phòng vắc xin (nếu có) là biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao.
3.2. Các biện pháp xử lý dịch
3.2.1. Giai đoạn 1: Chưa có trường hợp bệnh:
Khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp phòng bệnh sau:
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1 m; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.
- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng.
- Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;
- Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
3.2.2. Giai đoạn 2: Lây truyền hạn chế tại cộng đồng:
Thực hiện các biện pháp xử lý như giai đoạn 1 và thêm các biện pháp sau:
a) Đối với người bệnh:
- Cách ly, điều trị trường hợp xác định, nghi ngờ, trường hợp khẳng định tại cơ sở y tế. Thời gian cách ly ít nhất là 7 ngày sau khi khởi phát. Nếu sau 7 ngày vẫn còn triệu chứng lâm sàng thì tiếp tục phải cách ly cho đến 1 ngày sau khi hết hẳn các triệu chứng.
- Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách khi tiếp xúc với người khác để hạn chế lây truyền sang người chưa mắc bệnh.
- Điều trị bệnh nhân theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Xử lý tử thi theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng.
b) Đối với người tiếp xúc
- Tư vấn cho người tiếp xúc về các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng, chống. Nếu có xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cúm thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Người chăm sóc bệnh nhân cúm A(H1N1) phải đeo khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh như trong mục 3.1.1.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác trong vòng 7 ngày kể từ lần tiếp xúc gần nhất với người bệnh.
c) Đối với môi trường
Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng, và các dung dịch khử khuẩn khác.
d) Đối với hộ gia đình, cộng đồng, trường học, xí nghiệp, công sở.
- Thực hiện các biện pháp phòng bệnh như trong mục 3.1.1.
- Biện pháp đóng cửa trường học, công sở, xí nghiệp, … do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) của tỉnh quyết định dựa trên cơ sở tình hình dịch cụ thể của từng nơi có cân nhắc tính hiệu quả làm giảm lây truyền bệnh tại cộng đồng và các ảnh hưởng xã hội và kinh tế khác.
3.2.3. Giai đoạn 3: Lây truyền rộng rãi tại cộng đồng:
a) Đối với người bệnh:
- Áp dụng các biện pháp như đối với giai đoạn 2.
- Các bệnh nhân sau phải được điều trị càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế không cần đợi kết qủa xét nghiệm:
+ Bệnh nhân có nguy cơ cao như: bệnh hen phế quản, những người mắc các bệnh phổi mãn tính, bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn chuyển hoá mãn tính, bệnh thận mãn tính, bệnh rối loạn huyết cầu tố, bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh thần kinh mãn tính, phụ nữ mang thai, bệnh béo phì).
+ Người bệnh nếu có ít nhất một trong các triệu chứng sau :
. Khó thở
. Có biểu hiện tím tái.
. Ho có đờm đặc hoặc có máu.
. Đau ngực
. Rối loạn ý thức (chậm đáp ứng, li bì, lơ mơ, hôn mê, … )
. Sốt cao (trên 38,5oC) liên tục từ 3 ngày trở lên.
. Tụt huyết áp
b) Đối với người tiếp xúc, môi trường, hộ gia đình, cộng đồng, trường học, công sở thực hiện như ở giai đoạn 2
Tùy theo diễn biến của dịch cúm do vi rút cúm A(H1N1), hướng dẫn này sẽ điều chỉnh cho phù hợp./.
- 1Quyết định 4880/2002/QĐ-BYT về Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 3Nghị định 188/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 4Thông tư 02/2009/TT-BYT hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng do Bộ Y tế ban hành
Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1) do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4128/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/10/2009
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Trịnh Quân Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra