Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1846/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2009 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1)
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Hướng dẫn Giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1)” .
Điều 2. “Hướng dẫn Giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1)” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trên tòan quốc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường và Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Viện trưởng Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT.BỘ TRƯỞNG |
GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1846/QĐ-BYT ngày 27/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Bệnh cúm A(H1N1) là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A, bệnh do một vi rút cúm A(H1N1) mới. Đây là một vi rút mới chưa từng được ghi nhận trước đây. Vi rút cúm mới này có các vật liệu di truyền do sự tái tổ hợp của vi rút cúm lợn, vi rút cúm gia cầm (không phải H5) và vi rút cúm người.
Triệu chứng của người mắc bệnh do vi rút cúm mới giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi khởi phát.
Bệnh cúm A(H1N1) là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây đại dịch. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Vắc xin cúm mùa hiện nay không chứa thành phần của vi rút cúm mới này. Hiện chưa có bằng chứng liệu vắc xin cúm mùa hiện nay có tác dụng bảo vệ chéo chống lại vi rút cúm A(H1N1) này hay không. Tổ chức Y tế thế giới đang nghiên cứu để bổ sung thành phần của vắc xin cúm để có thể dự phòng được vi rút cúm mới này. Vi rút mới này đã kháng với thuốc kháng vi rút Rimantadine và Amantadine, nhưng còn nhạy cảm với Oseltamivir và Zanamivir. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.
Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 700C và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh.
2. Hướng dẫn giám sát bệnh cúm A(H1N1)
2.1. Giám sát ca bệnh
2.2. Đối tượng giám sát
a. Các ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A(H1N1) và người tiếp xúc.
b. Các trường hợp hô hấp cấp tính nặng nghi do vi rút.
c. Các ca hội chứng cúm tại các điểm giám sát của chương trình giám sát trong điểm cúm quốc gia.
2.1.1. Định nghĩa và phân loại ca bệnh trong giám sát
2.1.1.1. Ca bệnh nghi ngờ: Là ca bệnh có biểu hiện sốt (thường trên 38oC) và một trong các triệu chứng về hô hấp như: viêm long đường hô hấp, đau họng, ho và có yếu tố dịch tễ liên quan: khởi bệnh trong vòng 7 ngày có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định, hoặc đã đến hoặc sống tại vùng có một hay nhiều trường hợp bệnh đã được xác định nhiễm vi rút cúm A(H1N1).
(Tiếp xúc gần là sống cùng hoặc tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp có thể nhiễm hoặc đã được xác định cúm A(H1N1) trong thời kỳ lây truyền).
2.1.1.2. Ca bệnh có thể: Là ca bệnh có hội chứng cúm, có xét nghiệm dương tính với cúm A, nhưng không xác định được phân típ bằng các xét nghiệm phát hiện nhiễm các vi rút cúm thường.
2.1.1.3. Ca bệnh xác định: Là ca bệnh dương tính với cúm A(H1N1) bằng một trong các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm Real-time RT-PCR
- Nuôi cấy vi rút
2.1.1.4. Chùm ca bệnh: Một chùm ca bệnh được định nghĩa là khi có ít nhất 2 trường hợp nghi ngờ hoặc xác định là cúm A(H1N1) mới trong vòng 14 ngày và ở trong cùng một địa điểm (thôn xóm, tổ dân phố, đơn vị…) hoặc có liên quan dịch tễ học.
2.3. Thu thập, vận chuyển và bảo quản bệnh phẩm: theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn thu thập, vận chuyển và bảo quản bệnh phẩm cúm A(H1N1).
2.4. Thông tin, báo cáo
- Thực hiện việc giám sát, thông tin, báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ban hành ngày 26/11/2007; Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản khác về thông tin, báo cáo dịch.
- Báo cáo ca bệnh theo mẫu 1.
- Báo cáo tổng hợp theo mẫu 2, mẫu 3.
3. Các biện pháp phòng chống dịch
3.1. Phòng bệnh cúm A(H1N1)
3.1.1. Giáo dục sức khỏe về vệ sinh cá nhân và phòng lây truyền bệnh qua đường hô hấp
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
- Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;
- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng.
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét.
- Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
3.1.2. Biện pháp dự phòng đặc hiệu
Tiêm phòng vắc xin (nếu có) là biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao.
3.1.3. Kiểm dịch y tế biên giới
Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy trình giám sát, cách ly và xử lý y tế tại cửa khẩu đối với bệnh cúm A(H1N1).
3.2. Các biện pháp xử lý ổ dịch
Một nơi được gọi là ổ dịch khi ghi nhận ít nhất 1 ca có thể hoặc ca khẳng định.
3.2.1. Đối với ca bệnh (bao gồm ca nghi ngờ, ca có thể, ca xác định)
- Cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị, tùy theo tình trạng bệnh.
- Thời gian cách ly là 7 ngày sau khi khởi phát.
- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi.
- Che miệng và mũi bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
- Tăng cường thông khí trong khu vực điều trị và nhà có bệnh nhân bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;
- Điều trị bệnh nhân và phòng lây nhiễm theo Quyết định số 1440/QĐ-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người.
- Người bệnh tử vong phải được khâm liệm, mai táng theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm.
3.2.2. Đối với môi trường
Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng, nước Javel, cồn Ethanol 70 độ.
3.2.3. Đối với cán bộ y tế
- Sử dụng phương tiện phòng hộ đúng cách và khi cần thiết: khẩu trang ngoại khoa, khẩu trang N95, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng giấy dùng một lần, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng.
- Rửa tay thường xuyên trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn như cồn Ethanol 70 độ.
- Theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện lâm sàng hàng ngày của nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, nhân viên làm việc tại khoa có người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm.
- Những nhân viên y tế mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Dự phòng bằng thuốc kháng vi rút cho nhân viên y tế và những người trực tiếp chăm sóc người bệnh nhiễm cúm A(H1N1) theo quy định tại Quyết định số 1440/QĐ-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người.
3.2.4. Đối với người tiếp xúc
- Người nhà chăm sóc người bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh phải được hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm như nhân viên y tế.
- Theo dõi những người sống ở vùng có dịch hay đã từng đến vùng có dịch, hay tiếp xúc với ca bệnh từ vùng có dịch trong vòng 7 ngày.
- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Khi có các triệu chứng đường hô hấp cấp tính thì nghỉ tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, thông báo cho cán bộ y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.
3.2.5. Đối với hộ gia đình
- Khi trong gia đình có ca bệnh (bao gồm ca nghi ngờ, ca có thể, ca xác định) , thì người bệnh phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị, tùy theo tình trạng bệnh, trong vòng 7 ngày kể từ khi có biểu hiện bệnh. Tránh tiếp xúc với thành viên khác trong gia đình, trong trường hợp cần thiết phải tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ít nhất trong khoảng cách 1m.
- Những người trong gia đình phải thực hiện việc phòng lây nhiễm bệnh đường hô hấp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; Che miệng và mũi bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay; hạn chế tiếp xúc với cộng đồng.
3.2.6. Đối với cộng đồng
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân (như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn), vệ sinh môi trường (thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường…).
- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Hạn chế tập trung đông người nơi công cộng khi có dịch xảy ra.
- Việc sử dụng kháng vi rút theo quy định tại Quyết định số 1440/QĐ-BYT ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người.
Tùy theo diễn biến của dịch cúm do vi rút cúm A(H1N1) mới, hướng dẫn này sẽ điều chỉnh cho phù hợp./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 4880/2002/QĐ-BYT về Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 3Nghị định 188/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 4Quyết định 1440/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Quyết định 1846/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn Giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1) do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 1846/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/05/2009
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Trịnh Quân Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra