Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4125 /QĐ-UBND

Huế, ngày 07 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ SÁNG TẠO KHOA HỌC KỸ THUẬT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số: 4124/QĐ-UBND ngày 06/12/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và Giám đốc Sở Tài chính tỉnh tại tờ trình số 2281/CVLN/TC-LHH ngày 22 tháng 8 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TVTU; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ, CV: TC, CN, VX, TH;
- Lưu VT, LT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ SÁNG TẠO KHOA HỌC KỸ THUẬT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Kèm theo Quyết định số:4125/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2005 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Quỹ hỗ trợ Sáng tạo KHKT) là quỹ xã hội, được thành lập tại Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2005 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: ThuaThienHue Fund For Supporting Technological Creations. Viết tắt là TT-HUE FOTEC.

Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động. Tài khoản của Quỹ được mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại Ngân hàng Thương mại. Chủ tài khoản là Trưởng ban quản lý Quỹ hoặc người được Trưởng ban quản lý Quỹ ủy quyền.

Trụ sở của Quỹ đặt tại Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế số 26 đường Hà Nội, thành phố Huế.

Điều 2. Mục đích hoạt động của Quỹ hỗ trợ Sáng tạo KHKT:

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ có chức năng xây dựng và phát triển nguồn tài chính nhằm: hỗ trợ một phần vật chất đối với các tài năng sáng tạo khoa học kỹ thuật đang công tác, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp phải hoàn cảnh, điều kiện khó khăn trong việc phát triển nguồn lực trí tuệ trong hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống.

Điều 3. Quỹ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước và Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ Sáng tạo KHKT do UBND tỉnh ban hành.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA QUỸ

Điều 4. Quỹ có nhiệm vụ:

1. Khai thác, vận động sự đóng góp tài chính của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và ngoài nước để tạo nguồn tài chính cho Quỹ đảm bảo phục vụ cho mục đích hoạt động của Quỹ.

2. Hỗ trợ các tài năng sáng tạo khoa học kỹ thuật theo đúng mục đích hoạt động của Quỹ.

3. Quản lý, sử dụng Quỹ theo quy định của pháp luật và Quy chế của Quỹ, đúng mục đích và có hiệu quả.

Điều 5. Quyền hạn của Quỹ hỗ trợ Sáng tạo KHKT:

1. Chủ động tổ chức hoạt động của Quỹ: tuyên truyền, tiếp xúc, vận động các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và ngoài nước hỗ trợ về tài chính, vật chất, tinh thần, trí tuệ và các hình thức khác cho hoạt động của Quỹ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Đề nghị với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng Quỹ cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan đến đối tượng sáng tạo.

3. Được quyền vận động và tổ chức mạng lưới cộng tác viên để tạo nguồn tài chính cho Quỹ và hỗ trợ các đối tượng sáng tạo.

4. Thông tin về các hoạt động sáng tạo trong tỉnh, trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức nhân sự của Quỹ hỗ trợ Sáng tạo KHKT gồm: Hội đồng Bảo trợ và Quản lý Quỹ và Ban Quản lý Quỹ.

1. Hội đồng Bảo trợ và Quản lý Quỹ :

a. Thành phần Hội đồng gồm:

Chủ tịch do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm, Phó Chủ tịch thường trực do Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đảm nhiệm, các Ủy viên được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận theo đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

b. Hội đồng có nhiệm vụ:

- Chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về việc tuyên truyền, vận động gây Quỹ.

- Đề ra chương trình, kế hoạch, phương hướng hoạt động của Quỹ.

- Quyết định các biện pháp huy động nhằm tạo nguồn vốn của Quỹ.

- Lựa chọn cá nhân, đơn vị cần hỗ trợ, các giải pháp kỹ thuật cần áp dụng để có kế hoạch hỗ trợ.

- Giám sát, kiểm tra các hoạt động của Ban quản lý Quỹ.

c. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, các quyết định của Hội đồng phải có quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành. Quy chế làm việc của Hội đồng do Hội đồng xây dựng, có hiệu lực sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

d. Hội đồng họp định kỳ 06 tháng một lần, khi cần thiết có thể triệu tập họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng hoặc quá nửa số thành viên Hội đồng đề nghị.

2. Ban Quản lý Quỹ:

a. Ban Quản lý Quỹ là bộ máy giúp việc cho Hội đồng Bảo trợ và Quản lý Quỹ, cơ quan thường trực của Ban Quản lý Quỹ là Văn phòng Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Tỉnh, thành phần gồm: Giám đốc Quỹ và các thành viên, do Hội đồng Bảo trợ và Quản lý Quỹ quyết định.

b. Ban Quản lý Quỹ có nhiệm vụ:

- Thực hiện các công việc hành chính của Quỹ.

- Giúp Hội đồng thực hiện chương trình, kế hoạch và phương hướng hoạt động của Quỹ.

- Giúp Hội đồng quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Quỹ theo đúng quy định.

- Tập hợp, kiểm tra hồ sơ các đối tượng cần hỗ trợ trình Hội đồng xét duyệt.

- Tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng theo quyết định của Hội đồng.

- Tổ chức mạng lưới cộng tác viên để triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động của Quỹ.

- Đề xuất Hội đồng xét khen thưởng những tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đóng góp xây dựng Quỹ.

- Giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể theo sự ủy quyền của Hội đồng.

Điều 7. Tạm đình chỉ, đình chỉ, giải thể hoạt động của Quỹ, thủ tục giải thể:

1. Chủ tịch UBND Tỉnh tạm đình chỉ, đình chỉ, giải thể hoạt động của Quỹ tuỳ theo mức độ đối với các trường hợp sau:

a. Vi phạm pháp luật Nhà nước.

b. Hoạt động của Quỹ sai mục đích, không hiệu quả, không đúng Điều lệ.

c. Vi phạm các quy định về quản lý tài chính của Quỹ.

2. Thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật.

Chương III

TÀI CHÍNH CỦA QUỸ

Điều 8. Tài chính của Quỹ:

1. Nguồn thu của Quỹ:

a. Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

b. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước (nếu có).

c. Từ các hoạt động khác được pháp luật cho phép.

2. Nội dung chi của Quỹ:

a. Chi hỗ trợ cho các tác giả tham gia các Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ của Tỉnh và của quốc gia nếu xét thấy cần thiết;

b. Chi hỗ trợ cho các tác giả đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ của Tỉnh và của quốc gia đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc áp dụng rộng rãi vào thực tiễn.

c. Chi hỗ trợ các tài năng sáng tạo trong đội ngũ trí thức, công nhân, nông dân, người lao động, thanh thiếu niên gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo khoa học kỹ thuật, áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

d. Chi tổ chức các cuộc trao đổi về khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật.

e. Chi cho các hoạt động phục vụ cho việc quản lý Quỹ gồm:

Chi hành chính quản lý Quỹ theo định mức và tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước. Tỷ lệ chi hành chính quản lý Quỹ căn cứ vào nguồn thu, nhưng không vượt quá 10% tổng nguồn thu. Hàng năm Quỹ chi hành chính theo dự toán được Hội đồng Bảo trợ và Quản lý Quỹ phê duyệt.

3. Quản lý tài chính của Quỹ:

a. Nguồn tài chính của Quỹ được quản lý, sử dụng và báo cáo quyết toán theo Luật ngân sách Nhà nước và theo Luật kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước. Quỹ phải tổ chức công tác kế toán theo dõi toàn bộ hoạt động thu, chi của Quỹ theo đúng quy định hiện hành.

b. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

c. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của Hội đồng Bảo trợ và Quản lý Quỹ và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thu nhận, quản lý và sử dụng Quỹ.

d. Đối với nguồn viện trợ quốc tế: Quỹ phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ.

Chương IV

QUY TRÌNH VÀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ CỦA QUỸ

Điều 9. Quy trình xét duyệt và hỗ trợ:

1. Tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng Quỹ gửi đến. Hồ sơ bao gồm: giới thiệu và cung cấp thông tin về sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật, đơn đề nghị hỗ trợ từ Quỹ (trong đó ghi rõ: hoàn cảnh, điều kiện khó khăn cần hỗ trợ từ Quỹ; mục đích sử dụng từ hỗ trợ của Quỹ).

2. Phát hiện sơ bộ các sáng tạo, các giải pháp mới có giá trị về khoa học kỹ thuật cần hỗ trợ từ Quỹ.

3. Tham khảo ý kiến nhận xét và đánh giá của các cơ quan chức năng có liên quan; tổ chức các Hội đồng khoa học chuyên sâu để xem xét, đánh giá tính khoa học và tính thực tiễn của các sáng tạo, các giải pháp khoa học kỹ thuật.

4. Trên cơ sở đó Hội đồng quyết định về phương thức và hình thức hỗ trợ theo khả năng của Quỹ và giá trị của sản phẩm sáng tạo.

Điều 10. Hình thức hỗ trợ:

1. Hỗ trợ về tài chính.

2. Hỗ trợ về thông tin khoa học kỹ thuật, tuyên truyền phổ biến cho các giải pháp kỹ thuật.

3. Hỗ trợ xem xét đánh giá các giải pháp kỹ thuật và tác dụng các sáng tạo vào thực tiễn.

4. Hỗ trợ về phương pháp luận sáng tạo và giới thiệu các chuyên gia, các nhà khoa học giúp đỡ tác giả hoàn thiện giải pháp kỹ thuật sáng tạo được đề xuất.

5. Hỗ trợ việc đưa các giải pháp sáng tạo tham gia Hội thi sáng tạo, triển lãm trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.

Điều 11. Phương thức hỗ trợ:

1. Khen thưởng (bằng tiền, hiện vật, bằng khen, giấy khen và các hình thức tôn vinh khác).

2. Hỗ trợ không hoàn lại hoặc hoàn lại một phần.

3. Cho vay không lãi hoặc có lãi suất ưu đãi.

4. Góp cổ phần phát triển công nghệ.

Chương V

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 12. Tổ chức, cá nhân có thành tích, nhiệt tình trong việc đóng góp hoặc vận động xây dựng Quỹ đều được xem xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Quỹ có “Sổ vàng danh dự” và “Bằng danh dự” để ghi nhận công lao, thành tích của các tổ chức, cá nhân đã hảo tâm đóng góp xây dựng Quỹ.

Điều 13. Tất cả các tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở các hoạt động của Quỹ, sử dụng Quỹ trái mục đích, để xảy ra thất thoát, tham nhũng...tùy theo mức độ vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Quỹ Hỗ trợ sáng tạo khoa học kỹ thuật Thừa Thiên Huế, các cá nhân và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh cần sửa đổi, bổ sung thì Hội đồng quản lý Quỹ tập hợp báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.