Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 41/2010/QĐ-UBND

Huế, ngày 12 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “HUẾ” CHO SẢN PHẨM NÓN LÁ Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 467 ngày 27 tháng 8 năm 2010 và Báo cáo thẩm định số 546/BC-STP ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Giao cho Hội Nón lá Huế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 10 năm 2010.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Hội Nón lá Huế; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế và thị xã Hương Thủy; Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN;
- Cục KTVBQPPL – Bộ Tư pháp;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- VP: CVP, PCCP Mai Hùng Tuân;
- Cổng TTĐT TT Huế;
- Lưu: VT, CN;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “HUẾ” CHO SẢN PHẨM NÓN LÁ Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về quản lý (bao gồm quản lý nhà nước và quản lý nội bộ việc sử dụng) đối với chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Huế” cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế”; các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá; các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm nón lá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. “Chỉ dẫn địa lý” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý được đề cập trong Quy chế này là Chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên Huế, gọi tắt là chỉ dẫn địa lý “Huế”.

2. “Vùng địa danh tương ứng với CDĐL Huế” là khu vực địa lý đáp ứng các điều kiện của vùng nguyên liệu lá nón, vùng sơ chế nguyên liệu lá nón, vùng sản xuất các vật liệu phụ và vùng sản xuất sản phẩm nón lá Huế phù hợp với tính đặc thù và các chỉ tiêu chất lượng theo quy định, được xác định và thể hiện trên bản đồ kèm theo quyết định đăng bạ CDĐL “Huế”.

3. “Sản phẩm nón lá” bao gồm nguyên liệu lá nón; lá nón đã sơ chế; sản phẩm nón lá 2 lớp, 3 lớp, nón bài thơ được làm từ lá nón; các sản phẩm phụ khác như khuôn chằm, vành nón.

4. “Hội Nón lá Huế” là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người trực tiếp khai thác, sản xuất, gia công, trao đổi mua bán nón lá và những người yêu nón lá Huế tự nguyện, đoàn kết, hợp tác cùng nhau giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị, hình ảnh của chiếc nón lá Huế.

5. “Cơ quan kiểm soát chất lượng” là tổ chức được ủy quyền, đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, có chức năng kiểm soát chất lượng sản phẩm nón lá mang CDĐL “Huế”.

Điều 3. Hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế”

Hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế” bao gồm các tổ chức chịu trách nhiệm về quản lý và kiểm soát nội bộ; xác nhận và kiểm soát chất lượng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL. Trong đó:

1. Hoạt động quản lý nội bộ do Hội Nón lá Huế đảm nhận.

2. Hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm do Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh Thừa Thiên Huế đảm nhận.

3. Hoạt động kiểm tra xác nhận đủ điều kiện sử dụng CDĐL do Hội Nón lá Huế đảm nhận.

4. Hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Huế” do UBND tỉnh ủy quyền cho Hội Nón lá Huế đảm nhận.

Điều 4. Điều kiện được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Huế”

Để được cấp quyền sử dụng CDĐL “Huế”, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1. Có hoạt động sản xuất (bao gồm một, một số công đoạn của quá trình sản xuất), kinh doanh nón lá trong khu vực địa danh tương ứng với CDĐL đã được xác định theo quyết định đăng bạ CDĐL “Huế”;

2. Cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm nón lá Huế và các quy định về tem, nhãn sản phẩm trong quá trình sử dụng CDĐL “Huế”;

3. Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận sản phẩm sản xuất (nếu là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất nón lá) đạt mức chất lượng theo quyết định đăng bạ CDĐL “Huế”.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý

1. Chỉ dẫn địa lý “Huế” là tài sản của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý “Huế”.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh trao quyền quản lý CDĐL “Huế” cho Hội Nón lá Huế. Hội Nón lá Huế có các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy chế này.

3. Mọi tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng CDĐL “Huế” có quyền và nghĩa vụ sau:

a) Khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ CDĐL;

b) Tuân thủ đúng các quy định liên quan đến việc sử dụng CDĐL nhằm duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với CDĐL.

c) Ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 6. Sản phẩm của nón lá Huế

1. Sản phẩm nón lá mang CDĐL “Huế” gồm: lá nón nguyên liệu; lá nón đã được sơ chế; nón lá các loại: 2 lớp, 3 lớp, nón bài thơ; các sản phẩm phụ như khuôn chằm, vành nón.

2. Sản phẩm của nón lá Huế có tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm và quy trình sản xuất được công bố theo Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL.

Chương 2.

QUẢN LÝ NỘI BỘ VIỆC SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “HUẾ”

Điều 7. Dấu hiệu xác nhận Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

1. Dấu hiệu xác nhận CDĐL được bảo hộ là biểu tượng chứng minh CDĐL đã được đăng bạ tại Cục Sở hữu trí tuệ và được gắn trên nhãn sản phẩm nguyên liệu lá, nhãn sản phẩm nón lá và các tài liệu giao dịch liên quan khác.

2. UBND tỉnh quản lý thống nhất việc sử dụng dấu hiệu CDĐL “Huế” được bảo hộ cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 8. Hội Nón lá Huế

1. Hội Nón lá Huế là tổ chức được UBND tỉnh trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý, quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng CDĐL (sau đây gọi tắt là thành viên) trong quá trình sử dụng CDĐL “Huế” nhằm đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng, danh tiếng và giá trị kinh tế của nón lá Huế.

2. Hội có nhiệm vụ sau:

a) Trực tiếp quản lý chỉ dẫn địa lý theo ủy quyền của UBND tỉnh;

b) Cấp quyền sử dụng CDĐL “Huế” cho các thành viên;

c) Cấp và quản lý việc sử dụng tem, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm mang CDĐL “Huế” cho các sản phẩm nón lá của các thành viên;

d) Thống kê, lập, quản lý hồ sơ và theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh nón lá mang CDĐL “Huế” của các thành viên;

đ) Quản lý và giám sát quá trình khai thác, sơ chế nguyên liệu lá nón; sản xuất bảo quản và kinh doanh nón lá mang CDĐL “Huế” của các thành viên;

e) Xây dựng và tổ chức hệ thống thương mại nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nón lá Huế;

g) Thực hiện quyền sử dụng, quản lý đối tượng sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 2 Điều 123, Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 9. Thống kê, theo dõi hiện trạng sản xuất và kinh doanh nón lá Huế

1. Hàng năm, các Tổ hội hướng dẫn các thành viên có nhu cầu sử dụng CDĐL tại các thôn, làng lập bản kê khai hiện trạng sản xuất, kinh doanh nón lá Huế theo mẫu. Bản kê khai được nộp cho Chi hội.

2. Các Chi hội tập hợp số liệu kê khai, kiểm tra, xác nhận số liệu và báo cáo Ban Kiểm soát Hội.

3. Ban Kiểm soát Hội tổng hợp số liệu, tổ chức kiểm tra, xác nhận hiện trạng sản xuất, kinh doanh và lập báo cáo.

Chương 3.

CẤP QUYỀN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “HUẾ” VÀ CẤP TEM, NHÃN SẢN PHẨM MANG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Điều 10. Yêu cầu cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng CDĐL “Huế” (sau đây gọi tắt là người yêu cầu) Giấy đề nghị cấp quyền sử dụng CDĐL “Huế” đến Hội Nón lá Huế (theo mẫu) và gửi mẫu sản phẩm đến Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh.

Điều 11. Tổ chức kiểm soát chất lượng và năng lực sản xuất kinh doanh

1. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng phải có văn bản xác nhận về chất lượng sản phẩm của người yêu cầu theo tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm nón lá Huế. Văn bản xác nhận về chất lượng sản phẩm nêu trên là căn cứ cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Huế”.

Người yêu cầu phải nộp phí, lệ phí theo quy định.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hội Nón lá Huế có trách nhiệm kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu và căn cứ văn bản xác nhận về chất lượng sản phẩm của Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh để quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Huế”. Trong trường hợp từ chối cấp, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 12. Cấp quyền sử dụng CDĐL và mã số thành viên

1. Nếu người yêu cầu cấp quyền sử dụng CDĐL đáp ứng các quy định nêu tại Điều 4 quy chế này thì Hội Nón lá Huế ra quyết định cấp quyền sử dụng CDĐL và mã số thành viên.

Mã số thành viên được ghi như sau: A/XY/ab/xyz, trong đó: A là mã số của huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là cấp huyện); XY là mã số của xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thuộc cấp huyện; ab là mã số của thôn/làng thuộc cấp xã; xyz: là mã số của thành viên thuộc thôn.

2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Huế” là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ cấp phát và sử dụng tem nhãn của các tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL.

Điều 13. Yêu cầu cấp tem, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm

1. Hàng quý, các Tổ hội hướng dẫn các thành viên lập Phiếu yêu cầu cấp tem, nhãn sản phẩm tương ứng với số lượng lá nguyên liệu dự kiến được khai thác, sơ chế hoặc sản phẩm nón lá dự kiến sản xuất trong quý nộp cho Chi hội.

2. Các Chi hội tổng hợp số liệu của các thành viên, xác nhận thông tin và lập báo cáo gửi Ban Thường vụ Hội.

3. Ban Thường vụ Hội căn cứ đề xuất và kết quả kiểm tra thực tế để ra quyết định cấp tem, nhãn sản phẩm cho mỗi thành viên.

Các thành viên phải nội các khoản chi phí cho việc in tem, nhãn sản phẩm và các chi phí liên quan khác theo quy định của Hội.

Khi có quyết định cấp tem, nhãn sản phẩm, Hội phải tổ chức ghi (đóng) mã số sản phẩm lên nhãn sản phẩm trước khi chuyển đến Chi hội để cấp cho các thành viên.

Mã số sản phẩm được ghi như sau: A/XY/ab/xyz/1234, trong đó: A/XY/ab/xyz: là mã số thành viên; 1234 là số của sản phẩm (theo số thứ tự tương ứng với sản phẩm đã sản xuất được gắn mã số trong năm).

Điều 14. Công bố về số lượng tem, nhãn sản phẩm được cấp

Hội phải thông báo công khai trên trang Web của Hội và niêm yết tại trụ sở của các Chi hội về số lượng tem, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm được cấp cho mỗi thành viên theo từng đợt trong năm.

Điều 15. Sử dụng tem, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm

1. Việc khai thác, sơ chế nguyên liệu, sản xuất sản phẩm nón lá mang CDĐL “Huế” phải tuân thủ các quy trình sản xuất sản phẩm nón lá Huế và chịu sự giám sát của bộ phận kiểm soát cùng đại diện nhóm thành viên.

2. Sản phẩm nón lá mang CDĐL “Huế” phải được gắn tem, nhãn sản phẩm và đóng gói, trước khi đưa ra thị trường. Các thành viên phải chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình gắn tem, nhãn.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

1. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với CDĐL theo quy định của pháp luật;

2. Hội Nón lá Huế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này;

3. Mọi hành vi vi phạm Quy chế sẽ bị xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan.

Điều 17. Sửa đổi Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về UBND tỉnh thông qua Hội Nón lá Huế, để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.