Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2007/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 26 tháng 11 năm 2007 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 301/2005/QĐ-TTg ngày 21/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 925/2006/QĐ - UBND ngày 06/10/2006 của UBND tỉnh Tây Ninh về ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, thời kỳ ổn định ngân sách năm 2007 - 2010;
Xét Tờ trình số 1114/SLĐTBXH-BTXH ngày 11/9/2007 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc ban hành Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007 - 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
HÀNH ĐỘNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2007/QĐ-UBND ngày 26/11/2007 của UBND tỉnh Tây Ninh)
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2001 - 2005
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 74.114 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 7,09 % dân số của tỉnh, trong đó có trên 1.000 cụ từ 90 tuổi trở lên, 03 cán bộ lão thành cách mạng, 25 cán bộ tiền khởi nghĩa, 415 bà mẹ Việt Nam Anh hùng (53 mẹ còn sống), 4.286 thân nhân liệt sĩ, 1.425 gia đình có công giúp đỡ cách mạng, 5.776 thương bệnh binh, 4.298 cán bộ hưu trí, mất sức lao động được hưởng các chế độ chính sách hiện hành, có mức sống ổn định. Đa số người cao tuổi sống cùng con cháu, một số ít phải tự lực cánh sinh. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phụng dưỡng, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Đặc biệt là sau khi Pháp lệnh Người cao tuổi có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý, chuẩn mực đạo đức để mọi người dân, gia đình người cao tuổi, cộng đồng xã hội và Nhà nước cùng tham gia chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, trên thực tế vẫn còn một số người cao tuổi, nhất là người cao tuổi ở nông thôn, vùng sâu đời sống của nhiều gia đình còn nhiều khó khăn, nên phần đông người cao tuổi phải cùng con cháu lao động, như: Chăn nuôi, làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ,… còn một số người cao tuổi cô đơn, đời sống không ổn định, khó khăn, thiếu sự chăm sóc, phải tự kiếm sống.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH NGƯỜI CAO TUỔI TỪ NĂM 2001 - 2005:
1. Tình hình triển khai thực hiện Pháp lệnh:
Thực hiện Pháp lệnh Người cao tuổi và Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 của Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Pháp lệnh, Nghị định số 30/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương sau khi có Pháp lệnh Người cao tuổi như: Thông tư số 16/2002/TT-BLĐTBXH ngày 09/12/2002 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ và nhiều văn bản khác cũng đã được triển khai thực hiện đầy đủ cho các ngành, đoàn thể, địa phương từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời thông qua các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương đã được quán triệt đầy đủ đến hầu hết các tầng lớp cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
2. Thực hiện chính sách trợ cấp, nuôi dưỡng:
Thực hiện các Nghị định của Chính phủ số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 về chính sách cứu trợ xã hội, số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP và số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên từ ngân sách địa phương với mức trợ cấp tối thiểu là 120.000 đồng/người/tháng cho hơn 800 người cao tuổi tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa sinh sống tại cộng đồng; 5 cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh thực hiện chức năng này cho 304 người cao tuổi, trong đó có 33 cụ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội từ ngân sách tỉnh, mức nuôi dưỡng 240.000 đồng/người/tháng (chưa kể các khoản sinh hoạt khác). Số người cao tuổi còn lại được một số cơ sở dưỡng lão của các tôn giáo nhận nuôi dưỡng, chăm sóc ổn định đời sống, như: Trại dưỡng lão ở chùa Cẩm Phong, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu; Trại dưỡng lão Vinh Sơn, thị trấn Châu Thành; Trại dưỡng lão Trí Giác Cung và Trường Tây; cơ sở dưỡng lão Phước Thiện xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, kinh phí phụng dưỡng các cụ được huy động từ sự đóng góp của xã hội và bản thân người cao tuổi tự lực.
3. Thực hiện chế độ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe:
Người cao tuổi thuộc diện chính sách ưu đãi người có công, cán bộ hưu trí, người nghèo chuẩn Trung ương, đối tượng bảo trợ xã hội, nhân dân xã thuộc Chương trình 135 và người cao tuổi từ đủ 85 tuổi trở lên được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được ưu tiên trong khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế của Nhà nước. Đến nay, tỉnh đã cấp 3.120 thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 90 tuổi trở lên và người cao tuổi sống ở các xã thuộc Chương trình 135. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh tại nhà cho các cụ cao tuổi ốm đau nặng; đồng thời phát triển phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh, các môn thể thao phù hợp, giữ gìn sức khỏe cho người cao tuổi.
4. Tình hình tổ chức và hoạt động của Hội người cao tuổi:
Tổ chức Hội Người cao tuổi vững mạnh là yếu tố quan trọng để phát huy vai trò người cao tuổi. Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh luôn được quan tâm củng cố và kiện toàn. Đến nay, các cấp Hội Người cao tuổi từ tỉnh đến huyện, xã đều đã thành lập (1 Ban đại diện tỉnh, 9 Ban đại diện huyện, thị xã và 95 Ban chấp hành Hội Người cao tuổi ở xã, phường, thị trấn). Hoạt động Hội Người cao tuổi ở cơ sở hàng năm đều có sơ kết, đánh giá theo các chỉ tiêu đăng ký đầu năm, chất lượng từng năm có nâng lên rõ rệt, đa số Hội Người cao tuổi các cấp hoạt động tốt, có hiệu quả, góp phần chăm sóc đời sống người cao tuổi trong tỉnh. Qua 5 năm hoạt động nhiều tập thể được các cấp, các ngành khen thưởng.
- Một số quy định trong Pháp lệnh Người cao tuổi chưa được các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn, nên hầu hết ở cơ sở còn lúng túng trong quá trình thực hiện.
- Một số huyện, thị xã và các cơ quan chức năng có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi đôi lúc chưa thật sự quan tâm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương mình đối với việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi. Việc phối hợp trong hoạt động chăm lo cho người cao tuổi giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, chủ yếu tập trung nhiều vào các dịp lễ, tết và Ngày Người cao tuổi 01/10 hàng năm.
- Hoạt động Hội Người cao tuổi cấp cơ sở ở một số nơi còn hạn chế về phương tiện làm việc, thiếu kinh phí hỗ trợ hoạt động, cán bộ hội đa số là cao tuổi, tuy rất nhiệt tình nhưng sức khỏe có hạn nên công tác thông tin, báo cáo đôi lúc chưa kịp thời, chưa phát huy hiệu quả; công tác quản lý hội viên để đề xuất hướng giúp đỡ cụ thể chưa đảm bảo chặt chẽ nên thực tế còn người cao tuổi thuộc diện trợ cấp xã hội chưa được hưởng sự trợ giúp kịp thời. Các hoạt động văn hóa tinh thần dành cho người cao tuổi nhìn chung còn hạn chế, thường chỉ tập trung vào một số hoạt động câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ giải trí và các hoạt động tình nghĩa như thăm bệnh, mừng thọ, tấn táng, tham quan, nghỉ mát,… chưa đề ra được những nhiệm vụ cụ thể, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương.
- Một số xã, phường, thị trấn chưa nắm chắc số liệu, danh sách, đời sống người cao tuổi ở địa phương; chưa cân đối được ngân sách nên chưa thực hiện kịp thời các chế độ trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi theo quy định.
- Việc phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn còn hạn chế nhất định, chưa khai thác hết khả năng, kinh nghiệm của người cao tuổi; nhiều người cao tuổi chưa gắn bó với tổ chức hoặc chưa mạnh dạn tham gia tổ chức Hội (còn hơn 16% người cao tuổi chưa tham gia tổ chức Hội).
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát huy vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi về vật chất và tinh thần phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trợ giúp người cao tuổi.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Phát huy vai trò và kinh nghiệm của người cao tuổi trong các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phù hợp với nhu cầu, khả năng; thực hiện bình đẳng trong thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển.
- Tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của người cao tuổi; nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
- Xây dựng môi trường thuận lợi cho sinh hoạt của người cao tuổi.
- Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi theo quy định hiện hành.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010:
- 95% người cao tuổi được cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần.
- 100% người cao tuổi khi ốm đau được khám, chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình, cộng đồng; nếu người cao tuổi thuộc diện nghèo thì được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
- 100% người cao tuổi cô đơn, không nguồn thu nhập được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được khám, chữa bệnh miễn phí.
- 100% người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được khám, chữa bệnh miễn phí.
- 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm.
- 80% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Quỹ chăm sóc người cao tuổi và hoạt động có hiệu quả.
- 95% người cao tuổi của tỉnh tham gia Hội Người cao tuổi.
Để thực hiện đạt mục tiêu, Chương trình hành động về người cao tuổi đến năm 2010 được triển khai theo phương hướng và giải pháp cơ bản sau đây:
1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về Pháp lệnh Người cao tuổi:
- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức và người dân về thực hiện Pháp lệnh Người cao tuổi, Nghị định số 30/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người cao tuổi của Trung ương.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo thành các chuyên mục, chuyên đề với nội dung thông tin về hoạt động của người cao tuổi, về gương sáng “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
- Tuyên truyền giáo dục truyền thống “Kính lão đắc thọ”, kính trọng, biết ơn người cao tuổi.
- Phổ biến, truyền đạt những thông tin, kiến thức khoa học nhằm hạn chế các nguy cơ gây bệnh ở người cao tuổi, tăng cường an toàn trong sử dụng thuốc, chống lạm dụng thuốc chữa bệnh đối với người cao tuổi.
- Thiết lập kênh thông tin hai chiều từ cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh và ngược lại.
2. Hoạt động phát huy vai trò của người cao tuổi:
Các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, ban ngành, gia đình và cộng đồng động viên và tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, tham gia học tập nâng cao trình độ, đóng góp kinh nghiệm và hiểu biết của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chủ yếu ở các nội dung sau:
- Tạo môi trường và điều kiện để người cao tuổi phát huy tài năng, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp trong việc tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội. 100% Hội Người cao tuổi cơ sở có phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” theo 5 nội dung của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
- Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế như: Khôi phục nghề và truyền dạy nghề truyền thống, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm,… theo điều kiện và khả năng cụ thể.
- Tạo môi trường thuận lợi cho người cao tuổi được tham gia học tập suốt đời và truyền thụ những kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, gương mẫu đi đầu và làm nồng cốt trong phong trào xây dựng xã hội học tập; xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học.
- Tạo điều kiện để người cao tuổi được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật nhất là những vấn đề liên quan đến người cao tuổi; tư vấn chuyên môn, kỹ thuật và nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ,…
3. Về xây dựng Quỹ:
- Quỹ toàn dân chăm sóc người cao tuổi: 80% Hội Người cao tuổi cơ sở xây dựng được Quỹ toàn dân chăm sóc người cao tuổi, bình quân từ 50.000 đồng trở lên/hội viên/năm, góp phần chăm sóc người cao tuổi ở cơ sở.
4. Về các hoạt động chăm sóc:
- 100% Hội Người cao tuổi cơ sở đảm bảo các hoạt động như thăm hỏi hội viên khi ốm đau, hoạn nạn, mừng thọ khi lên lão, tấn táng khi qua đời.
- 100% Hội Người cao tuổi ở cơ sở có phong trào vận động người cao tuổi giữ gìn sức khỏe và rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.
- Hội Người cao tuổi các cấp phối hợp ngành Y tế và các cơ quan chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi qua việc làm sổ y bạ, theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ cho người cao tuổi.
5. Về chăm sóc sức khỏe:
- Ngành Y tế tổ chức việc khám, chữa bệnh thuận tiện cho người cao tuổi. Ở các bệnh viện đa khoa dành một số giường cho người bệnh cao tuổi tại các khoa lâm sàng, tổ chức việc khám, chữa bệnh thuận tiện cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh. Tổ chức quản lý sức khỏe và thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi ở địa phương và thực hiện khám, chữa bệnh tại nhà đối với người cao tuổi bị bệnh nặng, không có điều kiện đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế.
- Ngành Y tế có kế hoạch phòng bệnh và điều trị cho người cao tuổi bệnh mãn tính, từng bước tổ chức quản lý bệnh mãn tính cho người cao tuổi theo các chương trình, dự án để có thể phát hiện và xử lý kịp thời khi có diễn biến bất thường xảy ra. Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, tăng cường các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, nhất là tuyến cơ sở đối với người bệnh cao tuổi.
- Nâng cao vai trò của ngành Thể dục thể thao trong công tác hướng dẫn và tạo điều kiện cho người cao tuổi tập luyện theo sức khỏe tại các câu lạc bộ, điểm tập thể dục thể thao phù hợp. Hướng dẫn và tổ chức các cuộc thi, hội diễn, hội thao người cao tuổi.
- Xúc tiến thành lập Hội thể dục dưỡng sinh tỉnh Tây Ninh để tổ chức và hướng dẫn phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
6. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi:
Tổ chức rà soát, kiểm tra và thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi theo Pháp lệnh Người cao tuổi, Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/03/2002 và Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ.
7. Kiện toàn, củng cố tổ chức Hội Người cao tuổi:
- Xây dựng, chuẩn y quy chế hoạt động của các cấp Hội theo Điều lệ Hội Người cao tuổi nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội ở địa phương.
- Thường xuyên kiểm tra, kiện toàn tổ chức hoạt động Hội Người cao tuổi từ tỉnh đến hyện, xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với Hội.
Được bố trí trong dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể là:
- Huy động từ cộng đồng xã hội;
- Quỹ chăm sóc người cao tuổi;
- Vận động tài trợ từ các tổ chức quốc tế;
- Ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện và xã):
+ Trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 750 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa và 4.500 người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên (theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP), mức trợ cấp là: 37.800.000.000 đồng (5.250 người x 120.000 đồng/người/tháng x 12 tháng x 5 năm);
+ Cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 6.500 cụ (kể cả các cụ cao tuổi sống ở các xã thuộc Chương trình 135), kinh phí là: 2.600.000.000 đồng (6.500 cụ x 80.000 đồng/cụ/năm x 5 năm).
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền:
- Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải luôn đặt mục tiêu chăm sóc người cao tuổi theo quy định của Pháp lệnh Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng.
- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi; Tăng cường kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện để đảm bảo chế độ, chính sách được đến với người cao tuổi đúng, đầy đủ và kịp thời.
2. Trách nhiệm của các sở, ngành:
a) Sở Y tế:
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế. Triển khai các hình thức giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về tập luyện, tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho người cao tuổi.
- Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Giáo dục cộng đồng tạo điều kiện cho người cao tuổi được học tập suốt đời; được tham gia các hoạt động giáo dục - đào tạo thường xuyên, giáo dục ngoài công lập, giáo dục không chính quy và khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập theo khả năng, điều kiện có thể.
c) Sở Văn hóa Thông tin:
Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, cơ quan liên quan thông tin, tuyên truyền về các nội dung hoạt động liên quan đến người cao tuổi gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tổ chức các diễn đàn, chuyên mục, chuyên đề dành riêng cho người cao tuổi vì người cao tuổi; phối hợp các tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của người cao tuổi.
đ) Sở Thể dục - Thể Thao:
- Chủ trì, phối hợp với cc cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người cao tuổi tham gia các hoạt động thể dục - thể thao. Hướng dẫn hoạt động và mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ thể dục - thể thao cho các câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi; thường xuyn tổ chức các cuộc hội thao dành cho người cao tuổi.
- Ký kết kế hoạch liên tịch với Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh về tổ chức các hoạt động thể dục thể thao đối với người cao tuổi.
e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, tạo điều kiện để người cao tuổi còn đủ sức khỏe tham gia các hoạt động tạo thu nhập và việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chỉ đạo, hỗ trợ các hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp như: Hội Hoa lan cây cảnh, Hội Làm vườn,… nơi có đông người cao tuổi tham gia sinh hoạt.
g) Ban Tôn giáo và Dân tộc:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi ở vùng tôn giáo, vùng sâu, vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc ít người.
h) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí hợp lý hàng năm cho Chương trình.
m) Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc thành lập Quỹ Chăm sóc người cao tuổi theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
n) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu về trợ cấp xã hội hàng tháng và bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh kiểm tra, theo di việc thực hiện Chương trình hành động và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tạo thêm việc làm phù hợp giúp người cao tuổi tại các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh có thêm điều kiện hoạt động chân tay tăng cường sức khỏe.
- Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm việc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; quan tâm tu bổ, đầu tư cơ sở vật chất các Trung tâm Bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập.
3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
Căn cứ Chương trình hành động của tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tiến hành xây dựng chương trình hành động cho địa phương mình, tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thị xã hàng năm và 5 năm; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các chế độ đối với người cao tuổi và hỗ trợ hoạt động của Hội Người cao tuổi ở địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Hội Người cao tuổi tỉnh:
Xây dựng kế hoạch chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các Hội ở địa phương huy động sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi gắn với xây dựng “Gia đình văn hóa”, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới, quan tâm tới người cao tuổi cô đơn, tàn tật, người cao tuổi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và thực hiện chỉ tiêu xóa nhà tạm, “Áo ấm mùa đông”, cho người cao tuổi.
5. Tổ chức thực hiện:
Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về phần công tác thuộc lĩnh vực đơn vị, địa phương mình phụ trách; có trách nhiệm cụ thể hóa Chương trình hành động hàng năm đối với người cao tuổi, đồng thời có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 301/2005/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về người cao tuổi Việt Nam giai đọan 2005 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 3Nghị định 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội
- 4Nghị định 30/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh người cao tuổi
- 5Thông tư 16/2002/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 30/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Người cao tuổi do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Nghị định 168/2004/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội
- 8Quyết định 1363/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 9Quyết định 1261/QĐ-UBND năm 2013 Chương trình hành động người cao tuổi tỉnh Sơn La giai đoạn 2013 - 2020
Quyết định 41/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- Số hiệu: 41/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/11/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Người ký: Phạm Văn Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/12/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra