Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4017/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 08 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 748/TTr-SNV ngày 31/10/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đánh giá, phân loại thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 263/QĐ-CTUBND ngày 14/02/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy định đánh giá, xếp loại việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Cao Thắng

 

QUY ĐỊNH

ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4017/QĐ-UBND ngày 4017/11/2016 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định nguyên tắc, nội dung, trình tự việc đánh giá, phân loại thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh: Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế.

3. Các chi cục quản lý nhà nước trực thuộc sở, ban, ngành tỉnh.

4. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

5. Các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc đánh giá, phân loại kết quả thực hiện dân chủ hàng năm phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị.

2. Bảo đảm công khai, khách quan, chính xác, trung thực, phản ánh đúng tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ (sau đây gọi tắt là QCDC), góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung đánh giá

Đánh giá việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện với các nội dung cụ thể sau:

1. Nội dung đánh giá:

a. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện;

b. Kết quả thực hiện các nội dung thực hiện dân chủ:

- Dân chủ trong nội bộ cơ quan;

- Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với tổ chức và công dân.

2. Quy định về đánh giá:

Việc chấm điểm đối với từng nội dung, tiêu chí được căn cứ theo thang điểm và kết quả tổ chức triển khai thực hiện, hồ sơ, tài liệu chứng minh của cơ quan, đơn vị. Tổng số điểm theo thang điểm chuẩn quy định cho các nội dung tiêu chí là 100 điểm. Cách chấm điểm đối với từng nội dung, tiêu chí được thực hiện như sau:

a. Đối với các nội dung, tiêu chí được cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt, đúng theo quy định, có đầy đủ tài liệu chứng minh được chấm điểm tối đa theo thang điểm;

b. Đối với các nội dung, tiêu chí chưa được cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hoặc chưa thực hiện hoàn thành theo quy định thì tùy theo mức độ, kết quả thực hiện để chấm điểm theo tỷ lệ tương ứng với mức độ, kết quả thực hiện (dưới 50%, từ 50 đến 75%, trên 75%);

c. Đối với các nội dung, tiêu chí mà theo quy định cơ quan, đơn vị không phải thực hiện thì được ghi đủ số điểm tối đa và ghi chú vào bảng chấm điểm.

(Tiêu chí đánh giá có Phụ lục kèm theo Quy định này)

Điều 5. Trình tự đánh giá, phân loại

1. Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 hàng năm, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phối hợp với Chủ tịch công đoàn, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá và chấm điểm đối với từng nội dung tiêu chí theo quy định.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thông báo, lấy ý kiến tham gia của tập thể cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thiện đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện dân chủ ở cơ quan; báo cáo Cấp ủy cơ quan để thẩm định, quyết định kết quả và gửi về cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp.

3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ Quy định này, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đánh giá, chấm điểm kết quả thực hiện dân chủ phù hợp với quy định chung và thực tế của ngành; tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá, phân loại của đơn vị mình và đơn vị trực thuộc quản lý (nếu có) gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp.

Điều 6. Xếp loại kết quả thực hiện

1. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được, các cơ quan, đơn vị xếp loại kết quả thực hiện hàng năm ở cơ quan, đơn vị như sau:

a. Loại xuất sắc: đạt từ 90 đến 100 điểm;

b. Loại tốt:   đạt từ 80 đến dưới 90 điểm;

c. Loại khá:   đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm;

d. Loại trung bình: đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;

đ. Loại yếu:  đạt dưới 50 điểm.

2. Trường hợp trong năm đánh giá nếu cơ quan, đơn vị để xảy ra một trong các trường hợp sau thì bị hạ bậc hoặc xếp loại yếu:

a. Có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc không đạt 50% tiêu chí bắt buộc theo mục A của Phụ lục tiêu chí đánh giá kèm theo Quy định này thì xếp hạ một bậc;

b. Vi phạm dân chủ, để xảy ra mất đoàn kết kéo dài hoặc không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao thì xếp loại yếu.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị

Người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh căn cứ quy định này có trách nhiệm triển khai thực hiện đến cơ quan, đơn vị trực thuộc; đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy định này, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) chậm nhất là ngày 10 tháng 01 của năm kế tiếp năm được đánh giá để tổng hợp.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; tổng hợp kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh theo quy định.

2. Xây dựng kế hoạch sơ, tổng kết và thi đua khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có thành tích thực hiện dân chủ theo quy định.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy định cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
(Kèm theo Quy định được ban hành theo Quyết định số 4017/QĐ-UBND ngày 08/11/2016 của UBND tỉnh)

Số TT

NỘI DUNG

Điểm chuẩn

Điểm tự chấm của cơ quan, đơn vị

Điểm chấm của BCĐ, cấp ủy cấp trên

A

CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

 

 

 

1

Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC, Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị. Ban Chỉ đạo có quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.

5

 

 

2

Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả QCDC, Quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị.

4

 

 

3

Phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, những nội dung cơ bản của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP , những điểm mới của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP so với Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

3

 

 

4

Có kế hoạch tổ chức thực hiện, kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện QCDC tại cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc. Thực hiện sơ kết, tổng kết theo định kỳ. Kịp thời thông tin, báo cáo định kỳ cho Ban Chỉ đạo cấp trên và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp trên theo đúng thời gian quy định

5

 

 

5

Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Chính quyền với cấp ủy Đảng, Công đoàn và các tổ chức khác trong việc thực hiện QCDC.

3

 

 

B

DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

 

 

 

I

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1

Thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC theo quy định.

2

 

 

2

Có quy định và thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban định kỳ, hàng tháng, 6 tháng, 1 năm. Tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động của cơ quan, đơn vị hàng năm theo quy định của pháp luật.

2

 

 

3

Chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức tốt hội nghị CBCCVC của cơ quan, đơn vị hàng năm theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ.

2

 

 

4

Lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của CBCCVC. Xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của CBCCVC và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và xử lý những người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị.

2

 

 

5

Có hình thức phù hợp để thông báo công khai cho CBCCVC trong cơ quan, đơn vị biết những việc phải công khai quy định tại Điều 7 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP .

9

 

 

6

Có hình thức phù hợp để CBCCVC trong cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định những việc được quy định tại Điều 9 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP .

8

 

 

7

Có hình thức phù hợp để tổ chức cho CBCCVC trong cơ quan, đơn vị giám sát, kiểm tra những việc được quy định tại Điều 11 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP .

5

 

 

8

Ban hành Quy chế quản lý trang thiết bị làm việc; Quy chế chi tiêu nội bộ; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí được cấp; thực hiện đúng các quy định về công khai tài chính, quản lý tài sản công.

2

 

 

9

Có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn hành vi tham nhũng, lãng phí và phối hợp tốt với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí (nếu có) trong cơ quan, đơn vị.

2

 

 

10

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện việc đánh giá CBCCVC thuộc quyền quản lý và chỉ đạo người phụ trách các bộ phận đánh giá đối với CBCCVC do mình phụ trách.

2

 

 

II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

 

 

 

1

CBCCVC nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; các quy định của pháp luật về đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm; phục tùng sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

3

 

 

2

CBCCVC thực hiện tốt phê bình và tự phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản, đề án của cơ quan, đơn vị.

3

 

 

C

DÂN CHỦ TRONG GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC VỚI CÔNG DÂN, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

 

 

 

I

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

 

 

 

1

Kịp thời chỉ đạo thống kê và thực hiện đầy đủ các loại dịch vụ hành chính, dịch vụ công của cơ quan, đơn vị có liên quan với tổ chức và công dân.

4

 

 

2

Tổ chức, chỉ đạo niêm yết và đăng tải trên trang thông tin điện tử đầy đủ, rõ ràng các thủ tục hành chính, mẫu đơn, hồ sơ, phí và lệ phí, thời gian giải quyết từng loại công việc.

2

 

 

3

Lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra CBCCVC trong việc giải quyết công việc của tổ chức và công dân. Phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của CBCCVC theo quy định của pháp luật.

4

 

 

4

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho tổ chức và công dân trong thực thi công vụ.

4

 

 

5

Có Quy chế tiếp dân, bố trí nơi tiếp dân, công khai lịch tiếp dân, tổ chức hòm thư góp ý và thực hiện việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân kịp thời, đúng quy định.

6

 

 

6

Có thông báo để tổ chức, công dân địa phương biết, tham gia ý kiến những chương trình, dự án do cơ quan, đơn vị xây dựng hoặc tổ chức thực hiện có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3

 

 

7

Thực hiện chế độ báo cáo, triển khai các nhiệm vụ do cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, hiệu quả.

6

 

 

II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

 

 

 

1

Thực hiện tốt văn hóa công sở trong cơ quan, đơn vị và trong giao tiếp công vụ với tổ chức và công dân

3

 

 

2

CBCCVC có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, phục vụ và quan hệ tốt với các tổ chức và công dân đến liên hệ công tác

3

 

 

3

Kịp thời giải quyết công việc của tổ chức, công dân theo đúng quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

3

 

 

 

Tổng cộng

100