Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 401/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ, SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH VÙNG NUÔI CÁ BÈ TRÊN HỒ TRỊ AN”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về Quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường của hồ chứa thủy điện, thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về Quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về Sửa đổi một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản.

Căn cứ Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ngày 14/4/2015 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành quy chuẩn quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản.

Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 03/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 110/TTr-SNN-TS ngày 09/01/2020 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An” với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đề án, Chủ đầu tư

- Tên đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”.

- Chủ đầu tư: Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

- Địa điểm và quy mô: Toàn bộ khu vực thuộc hồ Trị An.

2. Quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển

- Quan điểm phát triển

Phát triển nuôi thủy sản trên hồ Trị An phải phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, và các quy định về phát triển nuôi cá lồng bè theo Luật Thủy sản; đồng thời nuôi thủy sản phải đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác.

- Định hướng phát triển

+ Phát triển nghề nuôi thủy sản hồ chứa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó lấy kinh tế hộ gia đình là chính.

+ Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý tài nguyên đất, mặt nước cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Nâng cao vai trò sở hữu nhằm thúc đẩy tính tự chủ trong phát triển.

+ Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất, xây dựng và tổ chức kiểm soát môi trường và nguồn lợi trên hồ.

+ Phát triển nghề cá hồ chứa đa dạng, nhiều hình thức, nhiều đối tượng, nhiều mặt hàng và phục vụ đa mục đích.

+ Cho phép và xây dựng cơ chế chính sách phát triển thủy sản hồ chứa tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế (cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp,...) đầu tư phát triển sản xuất.

+ Khai thác tốt tiềm năng về mặt nước để phát triển nuôi thủy sản có định hướng thị trường, tạo năng suất sản lượng và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo môi trường trong sạch và bền vững.

- Mục tiêu

+ Mục tiêu chung

Phát triển nuôi thủy sản lồng, bè trên cơ sở khai thác, tận dụng tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước hồ thủy điện Trị An nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển du lịch và đáp ứng đa mục tiêu trong việc sử dụng hồ chứa.

+ Mục tiêu cụ thể

Khai thác một cách tối ưu nguồn lợi thủy sản từ việc nuôi cá lồng, bè, khai thác tổng hợp tiềm năng mặt nước hồ Trị An;

Xác định phạm vi nuôi trồng thủy sản và khả năng nuôi trồng trong giai đoạn lâu dài.

3. Vùng sắp xếp, quản lý nuôi cá bè trên hồ Trị An

- Các vùng nuôi trên hồ:

Căn cứ vào quy hoạch phân khu chức năng Khu Dịch vụ hành chánh của hồ Trị An và số liệu bản đồ số GIS tại mức nước thấp nhất (cote 50) của hồ Trị An, vùng sắp xếp, quản lý làng cá lồng bè tại hồ Trị An tổng chiều dài của bờ sông, hồ tại cote 50 là 34.186 m và được chia thành 08 vùng nuôi lồng bè, với chiều rộng dao động 40 - 1.200 m bao gồm các khu vực với tọa độ tương ứng điểm đầu, điểm giữa, điểm cuối cụ thể:

Vùng nuôi 1 - Khu vực Thị trấn Vĩnh An (tọa độ: 424,269.E 1,226,885. N- 424,111.E1,226,976.N - 424,883.E 1,226,560.N),

Vùng nuôi 2 - Thị trấn Mã Đà (tọa độ: 422,928.E1,228,080. N- 424,306.E1,227,642.N - 424,962.E1,227,962.N),

Vùng nuôi 3 - Suối Tượng (tọa độ: 431,265.E1,237,775. N - 431,594.E1,238,866.N - 429,702.E1,238,455.N),

Vùng nuôi 4 - Phú Lý (tọa độ: 434,338.E1,243,336. N - 433,738.E1,243,348.N - 433,157.E1,243,368.N),

Vùng nuôi 5 - Sa mách (tọa độ: 434,338.E1,243,336. N - 433,738.E1,243,348.N - 433,157.E1,243,368.N),

Vùng nuôi 6 - Đoạn sông Đồng Nai (tọa độ: 448,680.E1,240,015. N - 447,156.E1,239,232.N - 445,449.E1,238,431.N),

Vùng nuôi 7 - Đoạn sông La Ngà (tọa độ: 447,377.E1,234,674. N - 447,709.E1,237,979.N - 444,507.E1,236,989.N),

Vùng nuôi 8 - Khu vực hồ (tọa độ: 445,449.E1,238,431. N - 440,692.E1,238,809.N - 437,783.E1,235,995.N).

Phân chia chỉ tiêu sắp xếp theo các xã:

Tổng số lồng bè trên hồ Trị An được bố trí sắp xếp 618 bè kèm theo 1.236 lồng phân chia chỉ tiêu số bè, lồng sắp xếp theo điều kiện thực tế tại từng xã. Cụ thể:

Khu vực nuôi thuộc địa bàn xã La Ngà: Thuộc tọa độ vùng nuôi số 7 (Đoạn sông La Ngà) được phân bổ sắp xếp là 38 bè kèm theo 76 lồng sắp xếp theo sắp xếp theo 1 hàng và theo cụm bè, sắp xếp song song 2 bên bờ sông.

Khu vực thuộc địa bàn xã Phú Ngọc thuộc tọa độ vùng nuôi số 7 (Đoạn sông La Ngà) phân bổ 40 bè kèm theo 80 lồng, sắp xếp theo 1 hàng và theo cụm bè, sắp xếp song song 2 bên bờ sông.

Khu vực TT.Vĩnh An thuộc tọa độ vùng nuôi số 2 (Khu vực Thị trấn Vĩnh An) được phân bổ sắp xếp là 48 bè kèm theo 96 lồng kèm theo, sắp xếp theo 2 hàng song song hoặc so le và theo cụm bè, sắp xếp so le cùng 1 bên bờ sông.

Khu vực nuôi tại xã Mã Đà được bố trí 02 vùng nuôi: Tọa độ vùng nuôi số 2 (Khu vực Thị trấn Mã Đà) và tọa độ vùng nuôi số 3 (Khu vực Sưối Tượng).

Khu vực vùng nuôi tại Thị trấn Mã Đà được phân bổ sắp xếp là 52 bè kèm theo 104 lồng kèm theo, sắp xếp theo 2 hàng song song hoặc so le và theo cụm bè, sắp xếp so le cùng 1 bên bờ sông;

Khu vực vùng nuôi Suối Tượng được phân bổ sắp xếp là 32 bè kèm theo 64 lồng kèm theo, sắp xếp theo 2 hàng song song hoặc so le và theo cụm bè, sắp xếp so le cùng 1 bên bờ sông.

Khu vực nuôi thuộc xã Ngọc Định thuộc tọa độ vùng nuôi số 6 (đoạn sông Đồng Nai) được phân bổ sắp xếp là 34 bè kèm theo 68 lồng, sắp xếp theo 1 hàng và theo cụm bè, sắp xếp song song hai bên bờ sông.

Khu vực nuôi thuộc địa bàn xã Thanh Sơn gồm 2 vùng nuôi cá lồng bè thuộc tọa độ vùng nuôi số 5 (Khu vực Sa Mách) và tọa độ vùng nuôi số 6 (đoạn sông Đồng Nai)

Tại khu Sa Mách phân bổ 28 bè kèm theo 56 lồng sắp xếp theo 2 hàng song song hoặc so le và theo cụm Sắp xếp So le cùng 1 bên bờ sông/hồ.

Vùng nuôi tại sông Đồng Nai phân bổ 34 bè kèm theo 68 lồng sắp xếp theo 1 hàng và theo cụm, Sắp xếp song song 2 bên bờ sông/hồ.

Khu vực thuộc địa bàn xã Phú Lý thuộc tọa độ vùng nuôi số 4 (Khu vực Phú Lý) phân bổ chỉ tiêu sắp xếp 16 bè kèm 32 lồng. Các lồng bè đặt tại vùng nuôi thuộc địa bàn xã Phú Lý sắp xếp theo 2 hàng song song hoặc so le và theo cụm, sắp xếp so le cùng 01 bên bờ sông/hồ.

Khu vực thuộc địa bàn xã Phú Cường thuộc tọa độ vùng nuôi số 8 (KV Hồ) phân bổ chỉ tiêu 296 bè kèm theo 592 lồng các lồng bè đặt tại vùng nuôi sắp xếp theo 2 hàng song song hoặc so le và theo cụm, sắp xếp so le cùng 01 bên bờ sông/hồ.

Vị trí đặt lồng bè đạt các tiêu chí:

1) Đảm bảo khoảng cách giữa hai cụm bè sắp nối đuôi nhau là 200m.

2) Khoảng cách giữa hai cụm bè xếp song song hoặc xếp so le là 10m.

3) Mỗi cụm bè có 2 bè và 4 lồng nuôi cá; chiều dài 1 cụm là 25,64m và diện tích là 247,58 m2/cụm.

4) Đảm bảo lộ giới giao thông thủy: Chừa đường giao thông thủy tối thiểu là 50m.

5) Đảm bảo lộ giới đường bộ, thủy: Cách cầu ít nhất là 150m; cách bến phà, cầu phao ít nhất là 150m ra mỗi phía; và cách kè bảo vệ đường bộ 20m.

6) Tổng diện tích lồng bè chiếm 0,121% diện tích mặt nước lúc mức nước thấp nhất.

7) Đảm bảo an toàn trong vận hành đập thủy điện: Cách chân đập ít nhất là 1,5km.

8) Không được đặt tại Cống xả của Cty CP Mía đường La Ngà, Cty TNHH AB Mauri Việt Nam.

9) Tránh nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ.

Kết cấu, cơ sở vật chất bè, lồng.

Trước mắt vẫn tiếp tục duy trì như hiện trạng về kết cấu bè các thông số trung bình bè (8,0m x 4,4m), lồng (8,8m x 5,0m) để giảm bớt đầu tư mới lồng bè cho người dân. Sau khi ổn định và hết khấu hao, lồng bè phải đầu tư mới kết cấu thiết kế bè và lồng phải bắt buộc tuân thủ theo 02 quy định: Tại Điều 34, Mục 2 (yêu cầu Cơ sở vật chất đối với cơ sở NTTS bằng lồng bè) của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản, và quy định tại mục 2.3 (yêu cầu về vật liệu làm lồng bè, thiết bị, dụng cụ trong quá trình nuôi) và mục 2.4 (yêu cầu về công trình phụ trợ) của QCVN 02-22:2015/BNNPTNT để đáp ứng về cảnh quan phục vụ thêm cho mục đích phát triển du lịch trên hồ Trị An.

Hình thức sắp xếp bè, cụm bè trên sông, hồ

Bố trí sắp xếp đặt bè theo 2 dạng: Sắp xếp so le cùng 1 bên bờ sông/hồ và sắp xếp song song 2 bên bờ sông/hồ. Kích thước bè khi triển khai sắp xếp thì cần linh động trong việc bố trí vì sẽ có những hộ có nhiều hơn 4 lồng và cũng có những hộ có ít hơn 4 lồng. Vì vậy, trong quá trình sắp xếp vị trí đặt lồng, có thể đan xen các cụm bè + số lồng ít (<4 lồng) và số lồng nhiều (>4 lồng) nhưng phải đảm bảo 3 cụm bè liền kề có tổng số lồng là 12 và phải đảm bảo về khoảng cách quy định (cụm bè phải cách bờ 5m, khoảng cách giữa 2 cụm bè xếp so le là 10m, khoảng cách giữa hai cụm liền kề nối tiếp nhau là 200m và phải đảm bảo lộ giới đường giao thông thủy ít nhất là 50m).

Tiêu chí để đánh giá và phân loại những lồng bè được xét theo thứ tự như sau:

1) Những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương thuộc vùng đang nuôi hiện trạng.

2) Những hộ có đất, nhà tại chỗ.

3) Những hộ có thời gian nuôi cá lâu năm.

4) Những hộ có con em đang theo học. Tiêu chí dự phòng

5) Các hộ thuộc những gia đình chính sách của địa phương như: Gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ và những hộ neo đơn không đủ nhân lực để di dời và phát triển sản xuất.

6) Các hộ được địa phương hỗ trợ sắp xếp theo chính sách xóa đói, giảm nghèo của địa phương (xét theo tiêu chí hộ nghèo tiếp cận đa chiều hiện hành).

4. Các giải pháp

4.1. Giải pháp về chính sách

- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của UBND tỉnh về triển khai đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”;

- Ban hành các tiêu chí phù hợp để triển khai đề án, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, các cơ sở nuôi cá lồng bè, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương về sự cần thiết phải thực hiện đề án.

- Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở đang nuôi cá lồng bè thực hiện tốt các quy định trong đề án.

- Tăng cường công tác quản lý khi triển khai thực hiện đề án, ngăn chặn việc phát triển sản xuất tự phát. Ban hành các biện pháp chế tài cần thiết để xử lý vi phạm so với đề án đã phê duyệt nhằm hạn chế tác động xấu đến sản xuất.

- Quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở di dời về vùng nuôi cá bè mới, nhất là giao thông và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ cho công tác sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè dôi dư khi thực hiện đề án.

- Có chủ trương hỗ trợ việc thực hiện nghiên cứu thí điểm bảo hiểm cho nuôi cá lồng bè, và qua đó sẽ đề xuất chính sách bảo hiểm nuôi trồng thủy sản cho các đối tượng liên quan đến nuôi lồng bè trên hồ Trị An.

- Hiện thực hóa và triển khai thực hiện các Nghị định, Quyết định của Chính phủ liên quan đến cơ chế chính sách về tín dụng cho phát triển sản xuất.

4.2. Giải pháp về khoa học công nghệ và công tác khuyến nông

- Cần tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến và phù hợp với điều kiện nuôi cá lồng bè hồ Trị An.

- Thực hiện các lớp đào tạo cho công tác viên, cán bộ địa phương theo phương pháp tập huấn ToT (Training for Trainers).

- Thực hiện các lớp học hiện trường áp dụng phương pháp FFS (Fish Farm School) cho vùng nuôi.

- Triển khai thử nghiệm các mô hình nuôi cá lồng bè theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có chứng nhận như quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP hoặc tiêu chuẩn khác có liên quan để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm; hạn chế rủi ro do môi trường và thời tiết để tiến tới duy trì vùng nuôi cá bè hồ Trị An ổn định và hiệu quả.

- Giới thiệu và hướng dẫn để hộ nuôi áp dụng một số phương pháp tăng cường hàm lượng oxy và dòng chảy cho lồng bè nuôi cá như: Ứng dụng hệ thống sục khí tăng cường oxy (hệ thống đĩa thổi khí, sục khí bằng công nghệ bọt khí siêu nhỏ Micro-nano Bubble Oxygen), ứng dụng máy airlift pumd để tạo dòng chảy và cung cấp oxy.

- Tuyên truyền và hướng dẫn để hộ nuôi thực hiện sản xuất theo quy định trong QCVN 02-22: 2015/BNNPTNT.

4.3. Giải pháp về phát triển nguồn giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản

Giải pháp về thức ăn:

+ Sử dụng thức ăn cần tuân thủ các quy định QCVN 02-22: 2015/BNNPTNT. Sử dụng thức ăn công nghiệp cần được áp dụng chính cho nuôi cá lồng bè do hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

+ Phối hợp với các Viện nghiên cứu, các Trường, các Công ty để thử nghiệm và sản xuất các loại thức tổng hợp phù hợp cho từng đối tượng nuôi, giá thành phù hợp với sức mua của dân và đạt yêu cầu dinh dưỡng theo quy định.

Giải pháp về con giống:

+ Lựa chọn cá giống thả nuôi cũng cần tuân thủ các quy định trong QCVN 02-22: 2015/BNNPTNT.

+ Cơ quan quản lý Nhà nước về giống có trách nhiệm quản lý chất lượng giống khi đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước.

+ Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm dịch con giống; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, nguồn giống nhập từ bên ngoài vào và cấp giấy chứng nhận cho những cơ sở sản xuất giống đạt yêu cầu chất lượng theo quy định.

- Dịch vụ cung ứng thuốc, hóa chất:

+ Thực hiện tốt các văn bản liên quan đến việc quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi cá đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

+ Giám sát chặt chẽ trong khâu nhập thuốc, hóa chất và thuốc thú y thủy sản sử dụng trong nuôi cá theo quy định của nhà nước.

4.4. Giải pháp về tổ chức sản xuất và quản lý

- Rà soát đánh giá lại điều kiện cơ sở nuôi cá lồng bè của tất cả các hộ nuôi theo quy định Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ và Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ngày 10/4/2019 ban hành QCVN 02-22: 2015/BNNPTNT). Qua đó, thực hiện việc phân loại đánh giá và cấp giấy phép cơ sở đủ điều kiện nuôi cá lồng bè, công việc này cần được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ.

- Tuyên truyền và phổ biến đến các cơ sở nuôi cá lồng bè các quy định khi triển khai đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”.

- Tiến hành sắp xếp lại vùng nuôi cá theo phương án đề xuất, có giải pháp hỗ trợ về tài chính cho công tác sắp xếp, di dời và giải tỏa.

- Tổ chức lại sản xuất các mô hình nuôi cá bè theo chuỗi giá trị, quan tâm cả hình thức “liên kết ngang” và “liên kết dọc”. Dựa trên cách tiếp cận đồng quản lý để tạo được sự đồng thuận của cộng đồng người dân và các bên liên quan và tăng hiệu quả sản xuất chuỗi giá trị. Trước mắt cần thực hiện:

+ Thí điểm thành lập các THT, HTX nuôi cá bè theo từng khu vực nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phổ biến kinh nghiệm kỹ thuật nuôi và quản lý lồng bè.

+ Thí điểm xây dựng các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa THT, HTX với đơn vị thu mua và tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện việc giao mặt nước, đăng ký hoạt động lồng bè để hướng đến các cơ sở nuôi cá bè được ổn định và lâu dài. Xây dựng các mức thu phí thuê mặt nước; nghiên cứu xây dựng cơ chế thu phí môi trường liên quan đến sử dụng mặt nước và dùng mức phí này để điều chỉnh số lượng lồng bè theo kết quả quan trắc chất lượng nước hàng năm của các cơ quan quản lý nhà nước;

- Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn môi trường, hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế cho vùng nuôi cá lồng bè.

4.5. Giải pháp về vốn

- Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nuôi cá bè thuộc diện phải sắp xếp, di dời theo đề án tiếp cận các nguồn vốn để di chuyển lồng bè nuôi và tiếp tục sản xuất.

- Chính quyền địa phương cần xem xét bố trí một gói tín dụng ưu đãi 3 - 5 năm cho các cơ sở nuôi cá lồng bè thuộc diện sắp xếp lại và di dời vay để phục vụ công tác xây dựng và di dời đến nơi mới, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

- Triển khai thực hiện các Nghị định, Quyết định của Chính phủ liên quan đến cơ chế chính sách về tín dụng cho phát triển sản xuất, qua đó sẽ tạo thêm nguồn vốn phù hợp cho các hộ nuôi cá trong diện sắp xếp lại và di dời được vay vốn để ổn định sản xuất.

4.6. Giải pháp về thị trường

- Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giảm tổn thất sau thu hoạch trong nuôi cá bè; khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng; áp dụng chính sách phát triển vùng sản xuất gắn với liên kết chuỗi.

- Có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở nuôi cá lồng bè, nhất là các cơ sở trong diện phải di dời sắp xếp lồng bè theo đề án.

- Xây dựng và phát triển mối liên kết giữa người nuôi cá với người tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế. Hạn chế tình trạng nậu vựa thu mua ứng vốn cho người nuôi sau đó ép giá, hạ loại sản phẩm gây thiệt hại cho người nuôi.

- Các bên có liên quan trong mối liên kết sản xuất cần đứng ra xây dựng quy chế điều phối, hoạt động cho các bên, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong chuỗi sản xuất về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

4.7. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Thiết lập hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường ở một số vùng nuôi cá bè tập trung (nhất là khu vực đầu nguồn sông La Ngà) để kiểm tra chất lượng môi trường nước từ đầu nguồn đưa vào các vùng nuôi cá bè. Ngoài ra, cần thiết lập mạng lưới thu nhận thông tin từ các trung tâm cảnh báo môi trường ở khu vực nhằm thông tin kịp thời cho người nuôi có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại xảy ra.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi cá lồng bè đối với cộng đồng.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng của các cơ sở hoạt động sản xuất kinh tế khác, nhất là các khu vực đầu nguồn đưa nước vào các vùng nuôi cá bè.

- Thực hiện thường xuyên công tác kiểm soát nguồn thải và xử lý vi phạm các Công ty, Doanh nghiệp, Cơ sở sản xuất dịch vụ liên quan quanh khu vực ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Trị An.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp liên ngành ngăn chặn và xử lý các vi phạm về môi trường kịp thời để hạn chế thiệt hại xảy ra cho vùng nuôi cá bè.

- Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động nuôi cá bè, thì người dân cần tuân thủ theo các quy định trong QCVN 02-22: 2015/BNNPTNT. Việc nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Trị An khuyến cáo nên dùng thức ăn công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra hoạt động nuôi lồng bè và xử lý vi phạm trong việc sử dụng thuốc, hóa chất và thức ăn tươi sống.

- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cộng đồng nuôi cá lồng bè.

- Những vùng nuôi áp dụng các hình thức sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản, áp dụng thực hành nuôi thủy sản tốt (VietGAP), thực hành quản lý tốt (BMP), nuôi có trách nhiệm CoC để hướng tới một ngành thủy sản “phát triển xanh”.

5. Các dự án ưu tiên triển khai thực hiện đề án

5.1. Dự án Sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa số bè và lồng nuôi cá dôi dư trên hồ Trị An.

5.2. Dự án Thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nước tự động tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An.

5.3. Dự án Xây dựng và triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu vực Hồ (KV nuôi mới) trên hồ Trị An.

5.4. Dự án Xây dựng và triển khai các mô hình nuôi cá bè cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An.

5.5. Dự án Xây dựng mô hình và áp dụng vùng nuôi theo quy phạm nuôi tốt (VietGAP) tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An.

5.6. Dự án Xây dựng mô hình nuôi lồng bè theo THT và HTX gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An.

5.7. Dự án Bồi dưỡng, đào tạo tăng cường nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật phục vụ cho nuôi cá.

5.8. Dự án Thí điểm bảo hiểm cho nuôi cá lồng bè tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An.

(Chi tiết từng dự án tại Phụ lục)

6. Lộ trình thực hiện đề án quản lý, sắp xếp ổn định vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An

Lộ trình thực hiện phương án đề xuất thì gắn liền với việc thực hiện các dự án ưu tiên, nhưng tập trung vào 03 mốc thời gian chính, cụ thể:

(1) Tháng 12/2019:

- Bắt đầu thực hiện Dự án 1, một số công việc chính:

+ Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phân loại lồng bè nuôi cá.

+ Xây dựng chính sách hỗ trợ sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè.

+ Xây dựng phần mềm quản lý và cập nhật số liệu

(2) Từ tháng 1/2020 – tháng 4/2020:

- Tiếp tục thực hiện và kết thúc Dự án 1

+ Tập trung cho việc rà soát đánh giá và xác định hộ ở lại, di dời, giải tỏa.

+ Thực hiện sắp xếp, di dời và giải toả lồng bè theo phương án đề xuất.

+ Thực hiện cắm mốc vùng nuôi, cấp mã số bè và cấp phép hoạt động,

Ưu tiên sắp xếp lồng bè ở vùng nuôi 1 (Đoạn sông La Ngà, thuộc xã La Ngà và xã Phú Ngọc) trước tháng 4/2020 để tránh thời điểm giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết.

- Thực hiện và kết thúc Dự án 2.

- Bắt đầu thực hiện Dự án 3, một số công việc chính.

- Khảo sát đánh giá và xác định khối lượng công trình cần thực hiện. (3) Từ tháng 5/2020- tháng 12/2021:

- Tiếp tục thực hiện và kết thúc Dự án 3, một số công việc chính:

+ Xây dựng đường giao thông nối đường hiện hữu đến khu vực xếp lồng bè tại khu vực Hồ.

+ Xây dựng 01 khu làm cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Bến cá, thức ăn, thú-y thủy sản, trang thiết bị phụ trợ)

- Bắt đầu thực hiện và kết thúc Dự án 4, 5, 6, 7 và Dự án 8.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ban, ngành và UBND huyện, xã liên quan trong việc công bố, triển khai thực hiện Đề án; Tổ chức quản lý kiểm tra, giám sát theo các quy định việc nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc triển khai đánh giá điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP , ngày 08/3/2019 của Chính phủ.

- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc xây dựng định mức phí thuê mặt nước hồ Trị An và tiến hành các hợp đồng giao mặt nước với cơ sở /hộ nuôi cá lồng bè để làm cơ sở cho việc tiến hành đăng ký cơ sở nuôi trồng thủy sản theo Nghị định Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 về hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản.

- Thực hiện việc kiểm kê, quản lý số liệu về tình hình nuôi bè trên hồ Trị An thuộc quyền quản lý của Khu Bảo tồn. Hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của kết quả, sản phẩm kèm theo của đề án trong hồ sơ kết quả thực hiện lập đề án theo quy định;

- Triển khai các dự án liên quan như: Dự án Sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa số bè và lồng nuôi cá dôi dư trên hồ Trị An, Dự án Xây dựng và triển khai các mô hình nuôi cá bè cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An; Xây dựng mô hình và áp dụng vùng nuôi theo quy phạm nuôi tốt (VietGAP) tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An; Dự án Bồi dưỡng, đào tạo tăng cường nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật phục vụ cho nuôi cá.

7.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thực hiện hướng dẫn tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè cho các cơ sở nuôi nằm trong vùng sắp xếp đủ điều kiện nuôi cá lồng bè theo quy định;

- Thẩm định các dự án, đề án đầu tư trong lĩnh vực thủy sản, thực hiện đánh giá tác động của các dự án quy hoạch trong lĩnh vực thủy sản trên hồ Trị An;

- Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân về nuôi và phòng chống dịch bệnh trên cá lồng, bè;

- Giám sát môi trường nuôi, dịch bệnh khu vực nuôi để kịp thời thông báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các giải pháp phòng tránh khi có sự biến động của môi trường nước, dịch bệnh. Triển khai áp dụng VietGap và các quy phạm nuôi tốt vào nuôi trồng thủy sản và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định;

- Hướng dẫn mùa vụ, đối tượng và cơ cấu thủy sản nuôi trồng tại địa phương, quy trình sản xuất, thu hoạch,….

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT về vốn, khoa học – công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại; tài trợ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho Đề án triển khai có hiệu quả.

- Định kỳ tham gia rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời Đề án cho phù hợp với điều kiện thực tế và trên cơ sở xử lý tốt các mâu thuẫn giữa Đề án với các hoạt động khác trên địa bàn hồ Trị An.

7.3. Các sở, ngành liên quan

- Sở Kế hoạch & Đầu tư: Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án theo chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành.

- Sở Tài chính: Phối hợp với Khu Bảo tồn, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện của địa phương nhằm thúc đẩy quá trình sắp xếp và di dời các lồng bè khu vực hồ Trị An nhanh chóng và thuận lợi. Phối hợp với Khu Bảo tồn và Sở Nông nghiệp và PTNT để xây dựng chính sách hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho những hộ thuộc diện giải tỏa. Ngoài ra, Sở Tài chính phối hợp với Khu Bảo tồn và Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành định mức phí thuê mặt nước hồ Trị An để làm cơ sở cho việc tiến hành đăng ký cơ sở NTTS theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 về hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản.

- Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Khu Bảo tồn và Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai chính sách đổi mới công nghệ chế biến thủy sản, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của Đề án; phối hợp và hỗ trợ các địa phương quy hoạch, phát triển các khu vực bến cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá phù hợp để phát triển vùng nuôi mới (Khu vực Hồ). Phối hợp với Khu Bảo tồn trong việc xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời tránh trùng lắp giữa dự án với Đề án này.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa ĐN và Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung nhu cầu đất các công trình, dự án đề xuất trong Đề án vào Quy hoạch chung của tỉnh; tăng cường hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019; Triển khai giám sát chặt chẽ chất lượng nước hồ Trị An, nhất là các khu vực đầu nguồn của các vùng nuôi cá lồng bè tập trung.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong ngành thủy sản xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các giải pháp khoa học công nghệ đề xuất trong Đề án.

- Công An tỉnh Đồng Nai:

Hỗ trợ và đảm bảo an ninh trong quá trình sắp xếp, di dời, giải tỏa các lồng bè nuôi trên hồ Trị An theo Đề án đã phê duyệt.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai công tác kiểm soát nguồn thải và xử lý vi phạm các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dịch vụ liên quan quanh khu vực ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Trị An.

Các Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các ngành có liên quan khác trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Khu Bảo tồn, UBND các huyện trong việc tổ chức thực hiện Đề án.

7.4. Ủy ban nhân dân các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu và UBND các xã có liên quan

Chủ động triển khai và cụ thể hóa Đề án; định hướng sắp xếp, di dời và giải tỏa các lồng bè trên hồ Trị An theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu có liên quan trong đề án.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT và Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai trong tổ chức thực hiện, kiểm tra thực hiện đề án và phát triển nuôi lồng bè trên địa bàn.

Chỉ đạo, bố trí cán bộ chuyên trách thủy sản trong các Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trọng điểm nghề cá bố trí cán bộ, cộng tác viên Hỗ trợ triển khai đề án trên địa bàn thuộc huyện và xã quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với tổ chức đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Đề án. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án và các dự án cụ thể trên địa bàn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành tỉnh: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán; Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Công ty thủy điện Trị An, Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.
(Khoa.Ktn/21.Qddeancabe)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Chánh

 

PHỤ LỤC

CÁC DỰ ÁN ĐỀ XUẤT ƯU TIÊN ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUẢN LÝ, SẮP XẾP VÙNG NUÔI CÁ LỒNG BÈ TRÊN HỒ TRỊ AN
(Đính kèm Quyết định số:     /QĐ-UBND ngày    tháng 02 năm 2020).

STT

Tên đề án

Nội dung

Quy mô

Thời gian thực hiên

Dự trù kinh phí

1.

Dự án Sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa số bè và lồng nuôi cá dôi dư trên hồ Trị An

1) Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phân loại bè, lồng nuôi cá.

2) Xây dựng chính sách hỗ trợ sắp xếp, di dời và giải tỏa lồng bè.

3) Đánh giá phân loại và xác định hộ ở lại, di dời, giải tỏa.

4) Thực hiện sắp xếp, di dời và giải toả bè, lồng theo phương án đề xuất.

5) Thực hiện cắm mốc vùng nuôi, cấp mã số bè và cấp phép hoạt động.

6) Xây dựng phần mềm quản lý và cập nhật số liệu.

Các vùng nuôi cá lồng bè hiện nay thuộc địa bàn 8 xã liên quan

Tháng 12/2019 – Tháng 4/2020

2,49 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 2,49 tỷ đồng.

2

Dự án Thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nước tự động tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An

1) Khảo sát xác định điểm đặt các trạm quan trắc môi trường nước tự động.

2) Tập huấn và tuyên truyền sử dụng theo dõi kết quả trên Điện thoại Smart-phone.

3) Đào tạo cán bộ quản lý để quản trị số liệu hệ thống QTTĐMTN.

4) Kiểm tra và bảo trì hệ thống QTTĐMTN.

16 trạm quan trắc môi trường nước tự online 24/24 tại các vùng nuôi cá lồng bè (mỗi vùng 2 trạm).

Tháng 1/2020 – Tháng 4/2020.

1,11 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 1,11 tỷ đồng.

3

Dự án Xây dựng và triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu vực Hồ (KV nuôi mới) trên hồ Trị An

1) Khảo sát đánh giá và xác định khối lượng công trình cần thực hiện.

2) Xây dựng đường giao thông nối đường hiện hữu đến khu vực xếp lồng bè tại KV Hồ.

3) Xây dựng 01 khu làm cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Bến cá, thức ăn, thú-y thủy sản, trang thiết bị phụ trợ).

thực hiện tại Khu vực nuôi mới (KV Hồ).

Tháng 1/2020 – Tháng 12/2021.

7,99 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 7,99 tỷ đồng.

4

Dự án Xây dựng và triển khai các mô hình nuôi cá bè cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An

1) Khảo sát lựa chọn hộ nuôi cá lồng bè tham gia dự án.

2) Tổng hợp xây dựng quy trình nuôi cá lồng bè theo 4 đối tượng nuôi chính.

3) Thực hiện mô hình kiểm chứng các quy trình nuôi cá lồng bè áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới.

4) Hội thảo tổng kết và tập huấn nhân rộng mô hình.

8 mô hình tại 8 vùng nuôi trên hồ Trị An.

Tháng 5/2020 – Tháng 4/2021.

3,49 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 1,79 tỷ đồng, nguồn đối ứng của hộ dân: 1,70 tỷ đồng.

5

Dự án Xây dựng mô hình và áp dụng vùng nuôi theo quy phạm nuôi tốt (VietGAP) tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An

1) Khảo sát lựa chọn vùng nuôi và nhóm hộ nuôi cá lồng bè tham gia dự án.

2) Đánh giá thực trạng sản xuất so với yêu cầu của VietGAP.

3) Thực hiện hiệu chỉnh theo hướng dẫn VietGAP.

4) Tư vấn đánh giá và cấp chứng nhận.

5) Hội thảo tổng kết và tập huấn nhân rộng mô hình.

02 vùng nuôi (08 cụm bè) tại KV nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà và sông Đồng Nai.

Tháng 5/2020 – Tháng 12/2021.

4,49 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 1,91 tỷ đồng, nguồn đối ứng của hộ dân: 2,57 tỷ đồng.

6

Dự án Xây dựng mô hình nuôi lồng bè theo THT và HTX gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An.

1) Khảo sát lựa chọn vùng nuôi và nhóm hộ nuôi cá lồng bè tham gia dự án.

2) Hình thành và vận hành hoạt động tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi cá lồng bè.

3) Xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

4) Hội thảo tổng kết và tập huấn nhân rộng mô hình.

01 THT và 01 HTX tại KV nuôi cá lồng bè tại TT. Vĩnh An và Mã Đà.

Tháng 5/2020 – Tháng 12/2021.

1,5 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 1,22 tỷ đồng, nguồn đối ứng của hộ dân: 280 triệu đồng.

7

Dự án Bồi dưỡng, đào tạo tăng cường nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật phục vụ cho nuôi cá

1) Đào tạo, tập huấn lực lượng lao động trực tiếp tham gia nuôi cá lồng bè.

2) Thực nghiệm phương pháp lớp học hiện trường cho người dân.

3) Đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật địa phương tham gia công tác quản lý và hỗ trợ kỹ thuật cho nuôi cá lồng bè.

4) Tham quan học hỏi, chia sẻ mô hình ở địa phương khác.

10 lớp cho người dân nuôi cá lồng bè, 2 lớp cho CB kỹ thuật/quản lý địa phương có vùng nuôi cá lồng bè trên hồ.

Tháng 5/2020 – Tháng 4/2021.

580 triệu đồng, nguồn vốn NSNN: 580 triệu đồng.

8

Dự án Thí điểm bảo hiểm cho nuôi cá lồng bè tại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An

1) Xây dựng khung tiêu chí lựa chọn hộ tham gia thí điểm bảo hiểm.

2) Khảo sát lựa chọn hộ nuôi cá lồng bè tham gia dự án.

3) Xây dựng đề xuất khung bảo hiểm đối với nuôi cá lồng bè.

4) Triển khai thí điểm về bảo hiểm với các hộ tham gia dự án.

5) Đánh giá tổng kết và đề xuất chương trình bảo hiểm cho nghề nuôi cá lồng bè.

04 hộ nuôi cá lồng bè tại KV nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà và sông Đồng Nai.

Tháng 5/2020 – Tháng 12/2021.

1,0 tỷ đồng, nguồn vốn NSNN: 1,0 tỷ đồng.