Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3993/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu của đề án

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành điều bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng có chất lượng mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh điều.

2. Muc tiêu cụ thể đến năm 2020

- Ổn định diện tích điều khoảng 300 nghìn ha, năng suất 15 tạ hạt/ha, sản lượng 400 nghìn tấn hạt điều.

- Nâng tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều lên 20 % và dầu vỏ hạt điều lên 50 %.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu điều trên năm đạt 2,5 tỷ USD.

II. Nội dung của đề án

1. Đối với sản xuất

1.1. Rà soát quy hoạch phát triển điều

Rà soát, điều chỉnh vùng quy hoạch trồng điều phù hợp với điều kiện tự nhiên, kết hợp thâm canh và xen canh, trồng tái canh bằng giống điều mới, đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Đến năm 2020, tổng diện tích điều cả nước ổn định khoảng 300 nghìn ha, trong đó:

- Vùng trọng điểm phát triển điều gồm 4 tỉnh, khoảng 200 nghìn ha: Bình Phước 135 nghìn ha, Đồng Nai 40 nghìn ha, Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành) 8 nghìn ha và Bình Thuận (huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân) 17 nghìn ha.

- Các vùng khác khoảng 100 nghìn ha: Gia Lai 27 nghìn ha, Đắk Lắk 21,5 nghìn ha, Đắk Nông 9 nghìn ha, Lâm Đồng 9 nghìn ha, các huyện còn lại của Bình Thuận 9 nghìn ha, Bình Định 15 nghìn ha, Phú Yên 3 nghìn ha, Khánh Hòa 3,5 nghìn ha, Ninh Thuận 02 nghìn ha; 03 tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh) khoảng 01 nghìn ha.

Rà soát, phân loại diện tích điều già cỗi, năng suất thấp để trồng tái canh, trồng dặm, ghép cải tạo bằng giống điều mới khoảng 60 nghìn ha tại Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định.

1.2. Xây dựng vùng sản xuất điều thâm canh

Xây dựng vùng sản xuất điều tập trung trong vùng quy hoạch áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh khoảng 150 nghìn ha ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành) và Bình Thuận (huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân), trong đó:

- Khoảng 60 % diện tích áp dụng kỹ thuật tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả nhất là ở vùng chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu.

- Khoảng 50 % diện tích điều dưới 20 năm tuổi nhưng cây sinh trưởng kém, năng suất thấp do thiếu dinh dưỡng được chăm sóc phục hồi.

1.3. Trồng cải tạo thay thế giống điều

Diện tích điều trong vùng quy hoạch, tùy điều kiện cụ thể áp dụng trồng tái canh, trồng dặm và ghép cải tạo bằng giống mới khoảng 60 nghìn ha, tại tỉnh Bình Phước 30 nghìn ha, Đồng Nai 10,8 nghìn ha, Bà Rịa- Vũng Tàu 2 nghìn ha, Bình Thuận 12,5 nghìn ha; Đắk Nông 0,7 nghìn ha, Gia Lai 4 nghìn ha, trong đó:

- Diện tích trồng tái canh khoảng 45 nghìn ha: Bình Phước 25 nghìn ha, Đồng Nai 9 nghìn ha, Bình Thuận 5 nghìn ha, Gia Lai 4 nghìn ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 2 nghìn ha.

- Diện tích trồng dặm và ghép cải tạo bằng giống mới khoảng 15 nghìn ha:

+ Đối với diện tích điều không đảm bảo mật độ, diện tích lẫn giống cho năng suất thấp (dưới 30 % mật độ trồng), được phân loại đốn bỏ cây lẫn giống để trồng dặm bằng giống điều mới;

+ Đối với diện tích điều ở vùng kín gió, sinh trưởng tốt, nhưng giống có năng suất thấp, chất lượng kém, tiến hành ghép thay thế bằng giống điều mới.

1.4. Trồng xen

- Trồng xen hợp lý, kết hợp tưới nước tiên tiến và hiệu quả trên diện tích điều có điều kiện phù hợp. Diện tích điều xen cây ca cao khoảng 20 nghìn ha, tại Bình Phước 10,9 nghìn ha, Đồng Nai 02 nghìn ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 02 nghìn ha, Bình Thuận 0,6 nghìn ha, Đắk Lắk 01 nghìn ha, Đắk Nông 02 nghìn ha, Lâm Đồng 1,5 nghìn ha, chủ yếu trên đất trồng điều có nước tưới bổ sung.

- Trên đất trồng điều có điều kiện giữ ẩm khuyến khích trồng xen cây ưa bóng (cây công nghiệp, cây gia vị, cây dược liệu...); trên đất dốc, sườn đồi, ven biển khuyến khích kết hợp nuôi ong lấy mật và gà thả vườn.

1.5. Chuyển đổi cơ cấu giống điều

Sử dụng 100 % giống điều mới (cây ghép) có năng suất, chất lượng cao trong tái canh, trồng dặm, ghép cải tạo và trồng mới; đưa tỷ lệ diện tích điều sử dụng giống mới lên 65 % diện tích điều cả nước.

2. Thu mua, chế biến điều

2.1. Quản lý hệ thống thu mua

Hình thành chuỗi liên kết trong ngành hàng điều. Ban hành hợp đồng mẫu để đưa hệ thống đại lý thu mua hạt điều thô vào hoạt động có sự kiểm soát; Hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh điều làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân.

2.2. Chế biến điều

a) Phát triển công nghiệp chế biến nhân điều

- Quy hoạch, sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, giảm cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

- Đến năm 2020, có 100 % cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu cắt tách vỏ cứng hạt điều và bóc vỏ lụa nhân điều, các khâu khác được cơ giới hóa và tự động hóa khép kín; có 95 % cơ sở chế biến hạt điều được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn: ISO, HACCP, GMP....

- Chế biến sâu nhân điều: Đến năm 2020, có 20 % sản phẩm nhân điều được chế biến sâu (nhân điều chế biến thành thực phẩm ăn liền) trong đó tiêu thụ trong nước 50 %.

b) Chế biến dầu vỏ hạt điều

- Đầu tư xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp các cơ sở chế biến dầu vỏ hạt điều với thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến đạt 125 nghìn lít sản phẩm trên năm.

- Xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở tinh luyện dầu vỏ hạt điều nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

c) Chế biến khác

- Chế biến 100 nghìn lít nước ép quả điều để sản xuất cồn khô tại các vùng trồng điều tập trung.

- Chế biến ván ép từ gỗ điều và bã vỏ điều khoảng 10 nghìn m3 góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất điều.

3. Thương mại sản phẩm điều

3.1. Xúc tiến thương mại và xuất khẩu

- Đề xuất Chính phủ ban hành điều kiện đối với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều thô chế biến, xuất khẩu để kiểm soát các đầu mối xuất khẩu và chất lượng sản phẩm.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo quốc tế về điều, xây dựng website của doanh nghiệp để tham gia bán hàng trực tiếp với các nhà tiêu thụ điều hàng đầu thế giới.

3.2. Xây dựng hệ thống tiêu thụ điều hiện đại

- Đẩy mạnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm điều trong nước.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, phân phối, giá cả các mặt hàng điều, chủ động áp dụng thương mại điện tử trong giao dịch mua, bán sản phẩm điều trong nước và quốc tế.

- Xây dựng phát triển hệ thống thương mại thích ứng với mua, bán sản phẩm điều ở từng vùng trong nước và quốc tế.

III. GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Về công tác quy hoạch

Trên cơ sở định hướng quy hoạch điều cả nước, các địa phương lập quy hoạch chi tiết các vùng trồng điều trên địa bàn, chỉ đạo thực hiện và quản lý quy hoạch theo quy định hiện hành.

Rà soát, phân loại, xác định diện tích điều tái canh, thâm canh, trồng xen, trồng dặm và ghép thay thế giống mới, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện.

2. Về khoa học công nghệ

- Tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống điều năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Chuẩn bị tốt nguồn giống điều đảm bảo chất lượng cho tái canh, trồng dặm và ghép cải tạo.

- Tiếp tục hoàn thiện quy trình thâm canh, tái canh, trồng dặm và trồng xen điều kết hợp tưới nước tiên tiến phù hợp với từng điều kiện cụ thể; xây dựng mô hình và tập huấn chuyển giao cho người sản xuất.

- Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái điều; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến sâu sản phẩm điều phục vụ xuất khẩu.

- Nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ điều trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến.

- Ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm về điều phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

- Tăng cường công tác khuyến nông và khuyến công đối với lĩnh vực trồng tái canh, thâm canh, cơ giới hóa một số khâu chăm sóc, thu hái và chế biến điều, nhất là trồng xen canh trong điều để tăng hiệu quả sản xuất.

3. Về cơ chế chính sách

- Tiếp tục triển khai một số chính sách đã ban hành: Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 (Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009); Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013); Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013); Chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012); Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013); chính sách tín dụng phục vụ xuất khẩu...

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách mới: hỗ trợ kinh phí mua giống cây điều tái canh hoặc chồi ghép cải tạo; xây dựng quy hoạch, kế hoạch thâm canh và tái canh điều bằng giống mới; đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng tái canh theo quy định; chính sách tín dụng cho trồng tái canh và thâm canh cây điều...

4. Về tổ chức sản xuất

- Liên kết các cơ sở chế biến nhỏ thành nhà máy có công suất từ 5 đến 10 nghìn tấn hạt/năm.

- Khuyến khích thành lập Chi hội người trồng điều ở 50 % các địa phương trồng điều trong cả nước, tiến tới thành lập Hội người trồng điều Việt Nam.

- Tạo điều kiện hình thành hệ thống giao dịch sản phẩm điều đảm bảo công khai, minh bạch và đầy đủ tính pháp lý, mang lại nhiều giá trị hơn cho người trồng điều.

- Tạo cơ chế xuất khẩu để thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ quốc tế, không qua khâu trung gian.

- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều thành lập Quỹ xúc tiến thương mại, Quỹ bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình quảng cáo kích cầu sản phẩm điều trong nước và khắc phục rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

5. Về đào tạo nguồn nhân lực

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ sinh học chọn tạo giống, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm điều, nâng cao năng lực cán bộ quản lý để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển bền vững ngành hàng điều.

- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân sản xuất điều, nhất là kỹ thuật tái canh cây điều, kỹ thuật thâm canh, trồng xen, nuôi xen trong diện tích trồng điều. Đào tạo công nhân kỹ thuật trực tiếp vận hành dây chuyền thiết bị chế biến sâu các sản phẩm điều.

6. Về hợp tác quốc tế

- Thúc đẩy hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học công nghệ cho ngành điều: Chọn tạo giống, kỹ thuật tái canh, thâm canh, trồng xen, nuôi xen và chế biến sâu các sản phẩm điều.

- Tăng cường hợp tác với các nước tổ chức các hội chợ, các sự kiện nhằm giới thiệu sản phẩm điều Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

7. Đổi mới công tác quản lý

- Tiếp tục thúc đẩy hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều trong nước, nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm điều xuất khẩu.

- Thí điểm mô hình hợp tác công tư trong ngành điều như: sản xuất giống điều và chế biến sâu các sản phẩm điều.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tái canh, thâm canh, trồng xen và chế biến điều được nêu trong Đề án.

2. Cục Trồng trọt:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án.

- Chủ trì đề xuất các giải pháp thực hiện Đề án, trình Bộ trưởng Đề án trồng thay thế giống điều mới giai đoạn 2014 - 2020.

- Đề xuất các đề tài nghiên cứu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt để thực hiện Đề án.

3. Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối:

- Chủ trì, phối hợp các địa phương quy hoạch, rà soát hệ thống nhà máy chế biến cho phù hợp với nội dung phát triển sản xuất điều; đề xuất chính sách hỗ trợ chế biến sâu và xúc tiến thương mại các sản phẩm điều xuất khẩu.

- Đề xuất các đề tài nghiên cứu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, dự án thuộc lĩnh vực chế biến, thương mại để thực hiện Đề án.

4. Các đơn vị khác thuộc Bộ: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối thực hiện các nội dung có liên quan trong Đề án.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh:

- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án.

- Đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án về Bộ Nông nghiệp và PTNT.

6. Hiệp hội Điều Việt Nam

- Tổ chức, vận động các doanh nghiệp tham gia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm;

- Tham gia cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất; đề xuất hình thành Quỹ Bảo hiểm ngành hàng và lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp phải liên kết với vùng nguyên liệu.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND và Sở NN&PTNT các tỉnh có trồng điều;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ trực thuộc Bộ;
- Hiệp hội Điều Việt Nam;
- Website Bộ NN & PTNT;
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Lê Quốc Doanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3993/QĐ-BNN-TT năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3993/QĐ-BNN-TT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản