Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 393/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Pháp lệnh số 01/2018/QH14 ngày 22 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng quy hoạch, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 6046/TTr-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2019 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (sau đây viết tắt là Quy hoạch) với nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước.

2. Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới, nhất là việc xây dựng chính quyền đô thị và phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

3. Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

2. Mục tiêu cụ thể (Chi tiết tại Phụ lục I đính kèm)

a) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Về kinh tế: Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8-9%/năm. Cơ cấu kinh tế: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 64-65%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm từ 33-34%; khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 1-2%.

- Về văn hóa - xã hội: Dự báo dân số khoảng 1,6 triệu người (cả quy đổi), trong đó dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,17 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm từ 4-5%/năm, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2020.

- Về môi trường: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 95% (riêng huyện Hòa Vang đạt 80%); tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 95-97%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43-44%.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%. Dự báo dân số khoảng 2,5 triệu người (cả quy đổi), trong đó dự báo dân số chính thức (không bao gồm khách vãng lai) khoảng 1,5 triệu người. Tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 80%, tỷ lệ cây xanh đô thị 6- 8m2/người; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Dịch vụ

- Phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng Vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics;

+ Các nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch biển với các mô hình nghỉ dưỡng đa dạng; du lịch MICE thúc đẩy bởi việc tổ chức sự kiện quốc tế và môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao và du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng; loại hình dịch vụ vui chơi giải trí có hoạt động cá cược theo quy định.

+ 4 trọng tâm đầu tư du lịch chính: (1) Sơn Trà thành khu du lịch sinh thái cao cấp; gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học; (2) Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; (3) Khu trung tâm thành phố (downtown), phố mua sắm và nhà hàng truyền thống và (4) Các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng.

- Duy trì phát triển hài hòa các hoạt động thương mại, tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản, thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu đa dạng trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ du lịch.

- Trong nhóm ngành dịch vụ, ngành (1) Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế; (2) Dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí; và (3) Vận tải, kho bãi có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trên 10%, đóng góp 37-38% cho tăng trưởng và chiếm 34-36% trong cơ cấu GRDP của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2030. Những ngành dịch vụ khác như thương nghiệp, hoạt động tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản và thông tin, truyền thông cũng có tốc độ tăng trưởng khá cao, tạo thành sự phát triển hài hòa, đồng bộ nhưng vẫn có tính ưu tiên trong các ngành dịch vụ của thành phố Đà Nẵng.

- Với nhóm ngành thương mại, sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trên 8% trong giai đoạn đến năm 2020 và được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 8,4-11,0%; chiếm tỷ trọng trong GRDP của thành phố khoảng 12,9% vào năm 2020 và 15,4% vào năm 2030.

2. Công nghiệp - Xây dựng

- Chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và du lịch. Thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các dự án công nghiệp sạch, phù hợp với thế mạnh của thành phố. Đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái; chú trọng phân khu chức năng để tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, hướng tới gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia thuộc top 500 của thế giới. Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; tạo lập cơ chế cho sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên hơn giữa doanh nghiệp kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

- Đến năm 2020, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 33-34% trong cơ cấu GRDP và đến năm 2030 đóng góp 31-32% trong cơ cấu GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Đà Nẵng tiếp tục là ngành kinh tế có tỷ trọng GRDP lớn nhất của Đà Nẵng, tăng trưởng mạnh trong suốt giai đoạn 2021-2030, với 13,6%/năm, đóng góp khoảng 30,7% cho tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 21,3% trong GRDP vào năm 2030.

3. Nông nghiệp

- Hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Tập trung quản lý, bảo vệ diện tích 3 loại rừng, triển khai thực hiện đúng quy định về chính sách trồng rừng thay thế và phát triển trồng rừng kinh tế.

- Phát triển toàn diện và bền vững hoạt động đánh bắt xa bờ để có thể khai thác hết tiềm năng biển, đặc biệt là gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, hoàn thành mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm thủy sản vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Đến năm 2020, khu vực nông nghiệp đóng góp khoảng từ 1-2% trong cơ cấu GRDP, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt bình quân 1,5%/năm. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,2%, chiếm khoảng 1% trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030.

4. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị

a) Giao thông vận tải

- Giao thông đối ngoại: di dời Ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố và tuyến đường sắt mới gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nâng cấp tuyến Quốc lộ 14B; tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây 2 (quốc lộ 14D); mở rộng quốc lộ 14G; tiếp tục đầu tư hoàn thiện đường vành đai phía Tây; tuyến đường trục I Tây Bắc; đường và cầu qua sông Cổ Cò; tuyến đường quy hoạch dọc theo tuyến đường sắt mới. Sớm triển khai xây dựng Cảng Liên Chiểu thành cảng loại IA theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia. Mở rộng và chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành Cảng du lịch quốc tế. Sớm hoàn thành các dự án đường bộ kết nối khu vực: các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Quảng Trị (trước mắt đoạn La Sơn - Túy Loan). Phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn), xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum thuộc tuyến đường sắt Tây Nguyên từ Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột - Chơn Thành đến Thành phố Hồ Chí Minh. Kết nối Đà Nẵng - Hội An theo tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Cổ Cò và tuyến Liên Chiểu - Cù Lao Chàm vừa phục vụ vận tải hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa 28-30 triệu hành khách/năm.

- Giao thông nội thị: Nghiên cứu lại tổng thể việc tổ chức giao thông nội thị trong đó sớm nghiên cứu giải pháp tổ chức hệ thống giao thông ngầm đô thị. Xây dựng đường hầm qua sân bay Đà Nẵng; nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trục đô thị và đường liên khu vực và đầu tư xây dựng mới đối với một số đường trục đô thị, đường liên khu vực. Xây dựng một số nút giao thông ở trung tâm thành phố theo hình thức giao thông khác mức; xây dựng hệ thống giao thông tỉnh theo quy hoạch; xây dựng trung tâm điều khiển tích hợp hệ thống giao thông thông minh ITS và các bãi đỗ xe thông minh. Nghiên cứu vị trí đầu tư xây dựng công trình vượt sông trên toàn tuyến sông Hàn; nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường sông, cải tạo các cảng trên sông Hàn phục vụ giao thông và du lịch, mở thêm một số tuyến vừa phục vụ vận tải hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch.

b) Viễn thông

- Phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông đồng bộ, phục vụ tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh (Smart City) Đà Nẵng. Đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu về dịch vụ của người dân; phủ sóng toàn thành phố đối với thông tin di động 3G, 4G và các công nghệ tiếp theo.

- Phát triển mạng truyền dẫn tốc độ Gigabit/Terabit kết nối giữa khu công viên phần mềm, các khu công nghệ thông tin... trên cơ sở chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp; hình thành xa lộ thông tin tới tất cả các quận, huyện, phường, xã trong thành phố bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác; 100% hộ gia đình được kết nối băng rộng; ngầm hóa mạng ngoại vi trong trung tâm thành phố.

c) Mạng lưới cấp điện: Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, ngầm hóa lưới điện trung, cao thế trong khu vực nội thị.

d) Cấp nước: Triển khai xây dựng các dự án nhà máy nước Hòa Liên với công suất đến trên 250.000 m3/ngày và nhà máy nước hồ Hòa Trung với công suất khoảng 20.000 m3/ngày.

đ) Thoát nước và xử lý nước thải: Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường. Đầu tư mở rộng, nâng cao công suất và chất lượng xử lý nước thải đô thị tại 05 trạm xử lý nước thải đô thị; nâng cấp, cải tạo các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp. Nâng cấp và đầu tư mới hệ thống (trạm) xử lý nước thải tại các bệnh viện, trung tâm y tế...

e) Hạ tầng xã hội: Quy hoạch quỹ đất phục vụ cho giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa; xã hội hóa trong đầu tư phát triển giáo dục, y tế và văn hóa. Xây dựng Khu đô thị Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch; rà soát, sắp xếp và di chuyển các trường cao đẳng, đại học trong nội đô ra khu vực quy hoạch. Nâng cấp, hiện đại hóa theo hướng chuyên sâu các bệnh viện trên địa bàn; thu hút đầu tư xây dựng các bệnh viện quốc tế. Triển khai tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Thành Điện Hải và di dời Bảo tàng Đà Nẵng. Xây dựng Trung tâm văn hóa thành phố; Nhà hát lớn thành phố... Liên kết, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế để tu bổ, tôn tạo di tích Hải Vân Quan.

5. Các vấn đề xã hội

a) Lao động, việc làm: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong các ngành khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ... Hình thành và phát triển thị trường lao động đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

b) Giáo dục và đào tạo: Tập trung phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo hiện đại và toàn diện hướng tới xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu mới cho thành phố Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng kịp thời với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong thời kỳ đến năm 2030.

c) Y tế và chăm sóc sức khỏe: Xây dựng và phát triển ngành y tế Đà Nẵng thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cao cấp, phục vụ cho khách quốc tế trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Kiểm soát và làm tốt công tác y tế dự phòng trên địa bàn thành phố.

d) Phát triển văn hóa, thông tin, thể thao: Hình thành lối sống văn hóa của cư dân thành phố, xây dựng thành phố sống tốt, an bình, thân thiện. Kiện toàn hệ thống thiết chế thể thao cơ sở để đạt được mục tiêu đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng có 80% xã, phường có Trung tâm văn hóa, thể thao. Quy hoạch đất cho đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại các địa phương cấp phường/xã, quận/huyện. Khuyến khích phát triển phong trào luyện tập thể dục thể thao trong mọi tầng lớp dân cư, phát triển thể thao trong trường học; đẩy mạnh thể thao thành tích cao, chú trọng, tập trung đầu tư nhóm các môn chủ lực, cơ bản. Kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển mới một số môn thể thao như: thể thao golf, thể thao biển, thể thao trên không, phù hợp với điều kiện của thành phố để phục vụ nhân dân và thu hút khách du lịch (bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, bóng ném bãi biển, thuyền buồm, dù lượn không động cơ, lướt ván, rowing biển, kayak biển...).

đ) Các lĩnh vực xã hội khác

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong các các ngành khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ.... Tiếp tục thực hiện các chính sách đối với người có công; duy trì, phát huy và xây dựng mô hình thành phố “5 không” (không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đề án của chương trình thành phố “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị), đặc biệt là chương trình có nhà ở cho mọi người dân. Kiểm soát tốt các tệ nạn xã hội trên địa bàn, thực hiện tốt thành phố “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) hướng đến phấn đấu trở thành đô thị được xếp hạng trên các bảng bình chọn “thành phố đáng sống” (liveable/livable city) của thế giới, để Đà Nẵng là điểm đến tin cậy và tuyệt đối an toàn của bạn bè trong và ngoài nước.

e) Phát triển khoa học và công nghệ: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Chỉ số đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP (phần giá trị tăng trưởng do hoạt động khoa học và công nghệ) vào tăng trưởng GRDP đạt 40-45% vào năm 2025 và trên 45% vào năm 2030.

g) Quan trắc, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Nâng cấp hoàn thiện các trạm quan trắc môi trường (không khí, nước biển, nước mặt) tự động trên địa bàn thành phố; thành lập trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh tại Đà Nẵng để phát hiện sớm và cung cấp kịp thời các thông tin về thiên tai, quản lý thông tin bão lũ, ngập lụt, liên kết với các cơ quan để cung cấp dịch vụ cứu nạn, cứu hộ trong lúc có thiên tai.

h) Đảm bảo an ninh - quốc phòng: Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, quy hoạch hoàn chỉnh kinh tế quốc phòng trên địa bàn thành phố. Xây dựng thành phố an bình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

IV. ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN LÃNH THỔ

1. Định hướng phân bố sản xuất công nghiệp

Gồm 08 khu công nghiệp (KCN) tập trung: KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Cầm giai đoạn 1, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh; 05 cụm công nghiệp (CCN): CCN Thanh Vinh mở rộng, CCN Cẩm Lệ, CCN Hòa Nhơn, CCN Hòa Khánh Nam và CCN Hòa Hiệp Bắc; 04 khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu phụ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Khu công nghệ thông tin tập trung.

2. Định hướng phân bố sản xuất nông nghiệp

Tập trung các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp chủ yếu ở huyện Hòa Vang; hoạt động khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá ở quận Sơn Trà; các hoạt động nông nghiệp đô thị ở các quận còn lại.

3. Định hướng tổ chức lãnh thổ các ngành du lịch

Trung tâm dịch vụ du lịch gồm có: Dịch vụ du lịch biển (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch) bố trí từ khu vực bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam, vịnh Đà Nẵng - mỏm Nam Ô - sông Trường Định - đèo Hải Vân; du lịch sinh thái sông, hồ bố trí dọc các sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê, hồ Đồng Nghệ. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên núi bố trí tại quần thể khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ; phía nam đèo Hải Vân, khu du lịch Làng Vân, khu vực phía Tây. Du lịch di tích lịch sử tập trung ở khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu di tích K20, Bảo tàng điêu khắc Chăm, khu di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, khu di tích thành Điện Hải. Quy hoạch các sân golf ở khu Vực Hòa Vang, vùng bãi cát ven biển Ngũ Hành Sơn và các khu vực trọng điểm du lịch của thành phố.

4. Định hướng phát triển đô thị

Mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận để tạo không gian phát triển đô thị. Xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao, có diện mạo quy hoạch kiến trúc đặc sắc và nhân văn. Phát triển hệ thống không gian xanh, hệ thống quảng trường, phố đi bộ gắn với các trung tâm, cửa hàng mua sắm, chợ đêm và các không gian công cộng. Xây dựng hình ảnh đô thị hài hòa, sinh động, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên của một đô thị có sông, núi, biển, đảo. Thực hiện tái thiết khu trung tâm đô thị cũ theo hướng mô hình đô thị nén. Quy hoạch Vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc.

Các chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng:

- Phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị miền Trung; bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững, với quy hoạch xanh và kiến trúc xanh; phát triển Đà Nẵng thành đô thị văn minh hiện đại, đại diện cho phát triển đô thị Việt trong thế kỷ 21.

- Phát triển Đà Nẵng thành đô thị đáng sống (Livable city).

- Phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị thông minh (Smart City).

- Phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị toàn cầu (Global City).

- Phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo.

5. Định hướng sử dụng quỹ đất

Quy hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển không gian thành phố Đà Nẵng về lâu dài, đồng thời phù hợp các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, các địa phương cụ thể đến năm 2030. Chú trọng nguồn đất dự trữ phát triển. Khoanh định, quản lý các loại đất hiện trạng, đề ra các giải pháp sử dụng đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất hiện tại và tương lai của các ngành, các cấp. Phân bố đất đai sử dụng cho các ngành các cấp theo quy hoạch, kế hoạch phù hợp với vị trí và không gian đô thị trong tương lai, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc giao đất, thu hồi đất, sử dụng đất đúng pháp luật, đúng mục đích, có hiệu quả. Bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa khai thác sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng đất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, chú trọng quỹ đất tại các khu vực nhạy cảm như bờ biển, vùng đệm các dòng sông, các triền đồi núi...

V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ (Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

VI. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp vốn và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác kêu gọi đầu tư; đồng thời có giải pháp huy động cụ thể đối với từng nguồn vốn, cũng như định hướng sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

2. Giải pháp đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố; xem công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là việc làm thường xuyên. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên 3 lĩnh vực: Cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ khoa học, công nghệ; đội ngũ trí thức và công nhân, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, phát triển.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, liên kết có hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo; thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao nền tảng kiến thức chung và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

- Đối với trường cao đẳng nghề Đà Nẵng, cần quán triệt quan điểm đào tạo nghề phải gắn với chiến lược phát triển của thành phố, chú trọng đào tạo lao động phục vụ các dự án động lực và nhu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường đào tạo nghề.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

- Xây dựng và phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ đồng bộ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao mà thành phố đã thu hút và cử đi đào tạo.

- Tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ với các nước, hội nhập sâu về kinh tế và khoa học - công nghệ, nhất là với các nước trong khu vực; hợp tác với các địa phương trong vùng nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học và công nghệ trọng điểm của thành phố. Đẩy nhanh tốc độ hình thành và phát triển một số cơ quan khoa học - công nghệ của thành phố như: Trung tâm công nghệ sinh học, các công viên phần mềm, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư ít gây ô nhiễm môi trường. Từng bước sử dụng công nghệ sạch trong các ngành kinh tế - xã hội; đảm bảo cân bằng hệ sinh thái; nâng cấp phát triển hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải các đô thị, khu công nghiệp, các làng nghề.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời ngăn chặn các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, áp dụng những hình phạt nặng và nghiêm khắc đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường.

4. Giải pháp về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế

- Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển 4 lĩnh vực chủ yếu: phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng giao thông kết nối; đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường chung.

- Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, trong đó lấy thành phố Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống các cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

- Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai; xây dựng đường ven biển chiến lược từ Thừa Thiên Huế đến Quy Nhơn tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế biển và phục vụ cho mục tiêu an ninh - quốc phòng.

5. Giải pháp tổ chức thực hiện

- Tổ chức công bố, công khai, tuyên truyền quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phổ biến, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện quy hoạch.

- Cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Thường xuyên cập nhật, rà soát quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết, bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Nghiên cứu triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

- Tăng cường công tác phối hợp thực hiện quy hoạch. Các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ được nghiên cứu, xem xét để lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm của thành phố, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), các dự án đầu tư trên địa bàn đến khi Quy hoạch thành phố Đà Nẵng được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng căn cứ nội dung điều chỉnh Quy hoạch được phê duyệt, chỉ đạo việc lập, duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

1. Công bố công khai điều chỉnh Quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

2. Lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng, đô thị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch kinh tế - xã hội 05 năm, hàng năm và các dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định.

3. Cân đối nguồn lực và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể vào kế hoạch hàng năm của thành phố để tập trung bố trí nguồn lực ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.

4. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và luật pháp của Nhà nước trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Điều 4. Các bộ, ngành trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong quá trình thực hiện điều chỉnh Quy hoạch; trường hợp cần thiết phối hợp với Thành phố nghiên cứu xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu trong điều chỉnh Quy hoạch.

2. Hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong việc bố trí và huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục đơn vị trực thuộc, Công báo;
Lưu: VT, QHĐP (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

PHỤ LỤC I

MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)

Chỉ tiêu

Mục tiêu 2020 (QĐ1866/ QĐ-TTg)

TH

11-15

TH

2016

TH

2017

Mục tiêu 2020

Tầm nhìn 2030

Ghi chú (NQ ĐH XXI 2016-2020)

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP, %/năm)

12-13

8,56

8,92

7,03

8-9

12%

8-9

2. Cơ cấu kinh tế (%)1

 

 

 

 

 

 

 

- Dịch vụ

55,6

60,6

64,2

69,8

64-65

67-68

62-65

- Công nghiệp - xây dựng

42,8

37,0

33,8

28,4

33-34

31-32

35-37

- Nông nghiệp

1,6

2,4

2,0

1,8

1-2

1

1-3

3. Tỷ trọng GRDP /cả nước (%)

2,8

 

1,55

 

 

2,9

 

4. Kim ngạch XK (%/năm)

19-20

13,36

14,2

12,4

12-13

18-19

15-16

5. Dân số (1000 người)

1.380

1.028,8

1.046,3

1.066,4

1.300

2.300

 

- Tốc độ tăng trưởng (%)

4,25%

2,2%

1,9%

1,93%

6,8%

5,8%

 

+ Tăng tự nhiên

 

1,21%

1,05%

1,06%

 

 

 

+ Tăng cơ học

 

0,95%

0,85%

0,87%

 

 

 

6. Giải quyết việc làm (vạn lao động/năm)

3,0

3,1

3,2

3,25

3,4

 

 

- Tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm (%)

 

 

4,05

4,4

4-5

5-5,5

 

7. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo (%)

70%

61,7

63,0

66,0

70,0

>70

 

- Tỷ lệ qua đào tạo nghề (%)

 

45,0

47,0

49,0

55,0

>55

 

8. Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi SDD (về cân nặng)

<10%

4,6%

3,8%

3,8%

3,65%

<3%

 

9. Tỷ lệ y tế phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (%)

100

100

100

100

100

100

 

10. Bác sĩ/vạn dân (bác sĩ)

13-14

15,1

16,8

17,1

20

>20

 

11. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia

 

 

 

 

 

 

 

- Mầm non

60,3%

23,3%

 

23,4%

30%

50%

 

- Tiểu học

85%

70%

 

72%

80%

95%

 

- Trung học cơ sở

75%

46,4%

 

41,9%

60%

80%

 

- Trung học phổ thông

80,6%

21,7%

 

18,5%

25%

50%

 

12. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn thành phố*, %)

0

0

5,09

2,86

Đề án mới giai đoạn 2019-2023

0

 

13. Tỷ lệ thoát nước vệ sinh môi trường (%)

100

50

55

60

60

80

 

14. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom (%)

70

95

97

97

95-98

100

 

15. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch (%)

 

 

 

 

 

 

 

- Thành thị

90%

100

100

100

100

100

 

- Nông thôn (sử dụng nước hợp vệ sinh)

70%

88,4

90,0

94,0

95-100%

100

 

16. Tỷ lệ cây xanh đô thị (m2/người)

9-10

 

7,3

 

6-8

6-8

 

17. Tỷ lệ che phủ rừng (%)

50,6%

42,4

43,6

43,6

43-44

>44

 

* Ghi chú: Chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2013-2017 thành thị < 800.000 đồng/người/tháng, nông thôn < 600.000 đồng/người/tháng; giai đoạn 2016-2020 thành thị < 1.300.000 đồng/người/tháng, nông thôn < 1.100.000 đồng/người/tháng

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

TÊN DỰ ÁN

NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

I

GIAO THÔNG

 

1

Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Bắc)

- Ngân sách Trung ương, Ngân sách thành phố: phần hạ tầng dùng chung, đê chắn sóng...

- Vốn nhà đầu tư (PPP và các nguồn vốn khác): bến cảng, logisstic

2

Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị

- Hình thức đầu tư: BT, phần vốn nhà nước tham gia để bù giải tỏa tái định cư (Ngân sách Trung ương, Ngân sách thành phố).

3

Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng); Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của Âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát nước lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng

- Ngân sách Trung ương

- Ngân sách thành phố

4

Tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh

- Vốn Trái phiếu Chính phủ

- Ngân sách thành phố đối ứng

5

Dự án cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng - OFID (Đường vành đai phía Tây 2, Đường và cầu qua sông Cổ Cò)

- Vốn vay OFID

- Vốn đối ứng từ Ngân sách thành phố

6

Đầu tư tuyến kết nối giao thông sân bay về phía Tây và nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng khai thác của cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng

- Vốn Ngân sách Trung ương

- PPP và các nguồn vốn khác

7

Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601

- Ngân sách thành phố và

- Ngân sách Trung ương

8

Tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông Ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung thư, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1A đến đường sắt)

Ngân sách thành phố

9

Đường ven sông Tuyên Sơn  - Túy Loan (đoạn Km5+226, 59KM10 + 501 - từ Cầu Đỏ - QL14B)

Ngân sách thành phố

10

Mở rộng các lối xuống biển và Tuyến đường đi bộ ven biển

Ngân sách thành phố

11

Nút giao thông phía Tây Cầu Rồng

Ngân sách thành phố

12

Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý

Ngân sách thành phố

13

Đường Bạch Đằng nối dài tại nút giao thông phía Tây Cầu Trần Thị Lý về phía Đông khu vực nhà hàng tiệc cưới

Ngân sách thành phố

14

Nâng cấp cải tạo các tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh

Ngân sách thành phố

15

Tuyến đường số 1 nối từ đường ĐH4 đến đường Hòa Thọ Tây-Hòa Nhơn

Ngân sách thành phố

16

Tuyến đường số 2 nối từ đường vành đai phía Nam đến đường Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn

Ngân sách thành phố

17

Cầu Bồ Bản - Phú Hòa (Cầu số 2)

Ngân sách thành phố

18

Dự án cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông

Ngân sách thành phố

19

Đầu tư các đoạn của Tuyến đường 45m (đoạn phía Nam đường Nguyễn Công Trứ, từ đường Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định, từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại, từ đường Ngô Thì Sỹ đến Phan Tứ)

Ngân sách thành phố

20

Xây dựng các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố

Ngân sách thành phố, PPP

21

Đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn như: xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm (metro), tàu điện (tramway) v.v..

Ngân sách thành phố, ODA, PPP

22

Tuyến Tramway giữa Đà Nẵng và Hội An

- Ngân sách thành phố, PPP

- Ngân sách Trung ương, ODA

23

Các dự án đường bộ kết nối khu vực: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cao tốc Túy Loan - Cam Lộ, Nâng cấp tuyến QL14D đi cửa khẩu Đăck Ốc...

Ngân sách Trung ương

24

Mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân

Ngân sách Trung ương

25

Tuyến đường Hành lang Kinh tế Đông Tây 2 (Quốc lộ 14D)

Ngân sách Trung ương

26

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14G

Ngân sách Trung ương

27

Mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (g/đ 2)

Ngân sách Trung ương

28

Các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 14B và các xã thuộc huyện Hòa Vang

Ngân sách Trung ương

29

Trung tâm Logictics Cảng Liên Chiểu

Vốn nhà đầu tư

30

Trung tâm Logictics Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng

Vốn nhà đầu tư

31

Trung tâm Logictics Khu Công nghệ cao

Vốn nhà đầu tư

32

Trung tâm Logictics ga hàng hóa Kim Liên

Vốn nhà đầu tư

33

Mở rộng trung tâm Logictics kho bãi tại khu vực phía nam Trung tâm Logictis- Cảng Đà Nẵng

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

34

Kho xăng dầu tại khu vực tiếp giáp nhà máy xi măng Hải Vân

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

II

CÁC HẠNG MỤC TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THUỘC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngân sách thành phố, ODA

III

GIÁO DỤC

 

1

Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trường học đảm bảo phục vụ công tác dạy và học

- Ngân sách thành phố

- Các nguồn vốn khác

2

Đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng; Khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Làng Đại học

- Ngân sách Trung ương

- Đầu tư theo hình thức PPP

3

Khu ký túc xá tập trung phục vụ cho học sinh, sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

- Vốn Trái phiếu Chính phủ

- Ngân sách thành phố

4

Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Dự án đầu tư các nghề trọng điểm giai đoạn 2018-2022 của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng

- Ngân sách thành phố

- Ngân sách Trung ương, ODA

- Các nguồn vốn khác

5

Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật

Ngân sách thành phố

6

Trường đào tạo liên cấp quốc tế

Vốn nhà đầu tư

7

Trung tâm đào tạo kỹ năng sống quốc tế

Vốn nhà đầu tư

8

Trường mầm non thuộc Khu Công nghệ cao

Vốn nhà đầu tư

9

Trường Đại học quốc tế

Vốn nhà đầu tư

10

Dự án Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe Răm

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

IV

Y TẾ

 

1

Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và Bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng

Ngân sách thành phố

2

Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng

Ngân sách thành phố

3

Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (g/đ 2)

Ngân sách thành phố

4

Nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (cơ sở 1)

Ngân sách thành phố

5

Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 2, Hòa Quý)

Ngân sách thành phố

6

Nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (từ 600 giường lên 1.000 giường)

Ngân sách thành phố

7

Mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (quy mô 1.000 giường)

Ngân sách thành phố

8

Trung tâm Tầm soát ung thư thuộc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Ngân sách thành phố

9

Bệnh viện đa khoa Hải Châu (g/đ 1,2,3)

Ngân sách thành phố

10

Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Thanh Khê...

Ngân sách thành phố

11

Bệnh viện Bắc Hòa Vang

Ngân sách thành phố

12

Bệnh viện Nhi Trung ương tại Đà Nẵng

Vốn Nhà đầu tư

13

Trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng cao

Vốn Nhà đầu tư

14

Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa chất lượng cao

Vốn Nhà đầu tư

15

Trung tâm điều trị Ung bướu Quốc tế chất lượng cao

Vốn Nhà đầu tư

16

Trung tâm chăm sóc người cao tuổi

Vốn Nhà đầu tư

V

THƯƠNG MẠI DU LỊCH

 

1

Chợ Đầu mối Hòa Phước

- Ngân sách thành phố

- Đầu tư theo hình thức PPP

2

Trung tâm thương mại chợ Cồn

Đầu tư theo hình thức PPP

3

Khu du lịch Làng Vân

Vốn Nhà đầu tư

4

Công viên Đại Dương

Vốn Nhà đầu tư

5

Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, sân golf tại huyện Hòa Vang

Vốn Nhà đầu tư

6

Dự án Câu lạc bộ cưỡi ngựa Việt Nam tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang

Vốn Nhà đầu tư

7

Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái

Vốn Nhà đầu tư

8

Khu đô thị phía Đông đường tránh Nam hầm Hải Vân

Vốn Nhà đầu tư

9

Khu đô thị phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân

Vốn Nhà đầu tư

10

Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông

Vốn Nhà đầu tư

11

Khu thương mại dịch vụ khu vực phía Đông Nam Khu ký túc xá sinh viên

Vốn Nhà đầu tư

12

Bến du thuyền Quốc tế

Vốn Nhà đầu tư

13

Chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành Cảng du lịch

Vốn Nhà đầu tư

14

Làng ẩm thực Quốc tế

Vốn Nhà đầu tư

15

Công viên Bách Thảo

Vốn Nhà đầu tư

16

Trung tâm mua sắm giải trí ngầm

Vốn Nhà đầu tư

17

Khu phức hợp cao tầng dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt

Vốn Nhà đầu tư

18

Khu phí thuế quan và các dịch vụ đi kèm

Vốn Nhà đầu tư

VI

N HÓA - THỂ THAO

 

1

Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn

- Ngân sách thành phố

- Vốn Nhà đầu tư, PPP

2

Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng

Vốn Nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất

3

Dự án thu hồi các lô đất (Khu đất bên cạnh Công viên APEC; các khu đất I.V.C đường Trường Sa; Danang Center; Lối xuống biển Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu; Lối xuống biển Khu đất DAP-DAP1-DAP2; Nhà hàng và Bến du thuyền)

Ngân sách thành phố

4

Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2)

Ngân sách thành phố

5

Cải tạo tòa nhà 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng

Ngân sách thành phố

6

Công viên 02 đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi

Vốn Nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất

7

Khu Công viên Safari (công viên Bách Thảo - Bách Thú, khu vực Hồ Đồng Xanh, Đồng Nghệ)

Vốn Nhà đầu tư, Dự án đầu tư có sử dụng đất

8

Khu công viên Bách Thảo (khu vực giáp dự án Bà Nà)

Vốn Nhà đầu tư, Dự án đầu tư có sử dụng đất

9

Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân

Vốn Nhà đầu tư

10

Nhà hát lớn thành phố

Vốn Nhà đầu tư

11

Trường quay Đà Nẵng

Vốn Nhà đầu tư

VII

THỦY SẢN NÔNG LÂM

 

1

Xây dựng hạ tầng Khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao

- Ngân sách thành phố

- Vốn Nhà đầu tư

- Đầu tư theo hình thức PPP

2

Nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang thành phố Đà Nẵng

- Ngân sách Trung ương

- Ngân sách thành phố

- Nguồn vốn khác

3

Trung tâm giết mổ tập trung gia súc, gia cầm tập trung

Vốn Nhà đầu tư

4

Kè chống sạt lở tả ngạn sông Cu Đê trên địa bàn quận Liên Chiểu

- Ngân sách thành phố

- Ngân sách Trung ương

5

Kè chống sạt lở sông Yên (đoạn từ hạ lưu đập An Trạch - cầu Sông Yên - ngã ba sông Cẩm Lệ)

- Ngân sách thành phố

- Ngân sách Trung ương

6

Kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố

- Ngân sách thành phố

- Ngân sách Trung ương

VIII

KHOA HỌC, MÔI TRƯỜNG

 

1

Dự án Cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông Q. Sơn Trà

Ngân sách thành phố

2

Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (g/đ 2)

Ngân sách thành phố

3

Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn

Ngân sách thành phố

4

Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Bãi rác Khánh Sơn

Ngân sách thành phố

5

Dự án đầu tư các Trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố

Ngân sách thành phố

6

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và HTKT Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn

- Ngân sách thành phố

- Đầu tư theo PPP

7

Dự án xử lý phân bùn bể phốt và sản xuất phân hữu cơ

- Ngân sách thành phố

- Đầu tư theo PPP

8

Dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ

- Ngân sách thành phố

- Ngân sách Trung ương

- Nguồn vốn khác

9

Trạm trung chuyển rác thải tại khu vực đường Lê Thanh Nghị, khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ

Ngân sách thành phố

10

Xây dựng mới Trạm xử lý nước thải 5.000m3/ng.đ và nâng cấp cải tạo Trạm xử lý nước thải hiện trạng KCN Hòa Khánh

- Ngân sách thành phố

- Các nguồn vốn khác

IX

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

 

1

Khu Công nghệ thông tin tập trung tại Hòa Liên giai đoạn 1

- Vốn Nhà đầu tư

2

Khu Công nghệ thông tin tập trung tại Hòa Liên giai đoạn 2

- Vốn Nhà đầu tư

3

Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước)

- Ngân sách thành phố

- Vốn Nhà đầu tư

4

Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng mở rộng

- Ngân sách thành phố

- Vốn Nhà đầu tư

5

Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030

- Ngân sách nhà nước

- Vốn vay ODA, các nguồn vốn khác (vốn Nhà đầu tư, PPP)

 

Khu dịch vụ liên kết nhà ở phục vụ Khu Công viên phần mềm số 2

Vốn Nhà đầu tư

X

CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP, KHU ĐÔ THỊ

1

Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng

- Ngân sách Trung ương

- Ngân sách thành phố

- Nguồn vốn khác

2

Mở rộng Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng

- Ngân sách Trung ương

- Ngân sách thành phố

- Nguồn vốn khác

3

Khu phụ trợ phục vụ Khu công nghệ cao

Ngân sách thành phố

4

Cụm công nghiệp Cẩm Lệ

Ngân sách thành phố

5

Cụm công nghiệp Hòa Nhơn

- Ngân sách thành phố

- Vốn Nhà đầu tư, PPP

6

Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc

- Ngân sách thành phố

- Vốn Nhà đầu tư, PPP

7

Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2

Vốn Nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

8

Khu Công nghiệp Hòa Nhơn

Vốn Nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

9

Khu Công nghiệp Hòa Ninh

Vốn Nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

10

Các khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường Vành đai phía Tây tại các xã thuộc huyện Hòa Vang (Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương Hòa Khương 2, Hòa Nhơn 2...)

Ngân sách thành phố

11

Khu tái định cư số 1 thuộc dự án Sử dụng đất tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương

Ngân sách thành phố

12

Khu tái định cư tại các thôn Đại La, Phú Hạ, Phước Hưng, xã Hòa Sơn

Ngân sách thành phố

14

Khu đô thị khu vực xung quanh Di tích thành Điện Hải (Quảng trường Thành Điện Hải)

Ngân sách thành phố

15

Các khu tái định cư phục vụ giải tỏa cho các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang

Ngân sách thành phố

16

Khu dân cư chỉnh trang phía Tây Khu du lịch sinh thái Nam Ô và các khu vực quy hoạch đưa vào phục vụ cộng đồng

Ngân sách thành phố

17

Các khu đô thị nén để chỉnh trang các Khu dân cư có cơ sở hạ tầng xuống cấp trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê...

Ngân sách thành phố

18

Chung cư phục vụ bố trí tái định cư dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn (Xử lý ngập úng khu vực lân cận hạ lưu tuyến cống Khe Cạn)

Ngân sách thành phố

19

Chung cư thu nhập thấp Tân Trà

Ngân sách thành phố

20

Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm

- Ngân sách thành phố

- Vốn nhà đầu tư

21

Khu dân cư Nam đường Lê Trọng Tấn

Vốn nhà đầu tư

22

Khu Đô thị An Đồn

Vốn nhà đầu tư

23

Khu Đô thị FPT Đà Nẵng

Vốn nhà đầu tư

24

Khu Đô thị Đại học thuộc phường Hòa Quý

Vốn nhà đầu tư

25

Khu công nghiệp Hòa Ninh

Vốn nhà đầu tư

26

Khu đô thị ven sông phía Tây Nam Nhà máy nước Cầu Đỏ

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

27

Khu đô thị Phong Bắc 4 (khu đất dự trữ để phát triển và cây xanh)

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

28

Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn Thái

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

29

Khu đô thị phía Đông đường tránh Nam hầm Hải Vân

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

30

Khu đô thị phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

31

Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

32

Khu đô thị Hòa Quý Mở rộng

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

33

Khu Đô thị Phước Lý 5

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

34

Khu dân cư đầu tuyến Hoàng Văn Thái

Vốn nhà đầu tư, dự án đầu tư có sử dụng đất

XI

CÔNG NGHIỆP, CẤP ĐIỆN, CẤP NƯỚC

 

1

Đầu tư mới nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1, giai đoạn 2

Ngân sách thành phố

2

Dự án mở rộng hệ thống Cấp nước TPĐN g/đ 2012-2018 và các dự án Nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ, Đầu tư mới nhà máy nước Hòa Trung

- Ngân sách thành phố

- Vốn của Công ty Cổ phần cấp nước

3

Đầu tư nâng công suất của Nhà máy Bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng

Vốn Nhà đầu tư

4

Nhà xưởng cho thuê

Vốn Nhà đầu tư

5

Các dự án điện năng lượng mặt trời

Vốn Nhà đầu tư

6

Sản xuất điện từ năng lượng mặt trời

Vốn Nhà đầu tư

 



1 Đã quy đổi không bao gồm phần thuế sản phẩm trong cơ cấu GRDP của ba khu vực kinh tế.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 393/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 393/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 325 đến số 326
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản