Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3908/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2024 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Nghị quyết 268/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định nội dung, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 5840/TTr-SNNPTNT ngày 06/12/2023 và Tờ trình số 01/TTr-HĐTĐ ngày 05/12/2023 của Hội đồng thẩm định thành lập theo Quyết định của 3264/QĐ-UBND ngày 25/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2024 - 2025 (Có chương trình chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định; tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2024 - 2025.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Ông, (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, P4 UBND tỉnh (b/c);
- Trung tâm Khuyến nông QG;
- V0, V1, V2, NLN1, 3, TM3;
- Lưu: VT, NLN3 (05b, QĐ170).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Văn Diện

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2024 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3908/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của UBND Quảng Ninh)

I. MỤC TIÊU

Tổ chức 155 lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho khoảng 5.000 lượt học viên là khuyến nông viên các cấp, các cộng tác viên khuyến nông, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nòng cốt trên địa bàn tỉnh;

Xây dựng 20 chuyên đề khoa giáo, phim tư liệu, tài liệu bằng hình ảnh, video về các mô hình khuyến nông; 30 tin bài, phóng sự trên báo; tổ chức 20 chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, phương thức hoạt động khuyến nông có hiệu quả trong và ngoài tỉnh; tổ chức 02 hội nghị về nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động khuyến nông;

Xây dựng 85 mô hình, dự án chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh;

Hỗ trợ tư vấn thành lập, củng cố hiệu quả hoạt động từ 10 - 12 hợp tác xã, tổ hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp;

Thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế hỗ trợ kết nối 01 - 03 doanh nghiệp, Hợp tác xã tiếp cận và nhận chuyển giao các công nghệ mới trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

II. NỘI DUNG

1. Công tác bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo

Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông, bồi dưỡng kiến thức về cơ chế chính sách, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho đối tượng chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng và đối tượng nhận chuyển giao công nghệ (Chi tiết tại phụ lục số 01 kèm theo).

2. Công tác Thông tin tuyên truyền

Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khuyến nông; phổ biến các thông tin, kiến thức về quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, mô hình điển hình và cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động khuyến nông (Chi tiết tại phụ lục số 02 kèm theo).

3. Công tác xây dựng và nhân rộng mô hình

Xây dựng mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp với từng địa phương, nhu cầu của sản xuất và định hướng phát triển của ngành; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng (Chi tiết tại phụ lục số 03 kèm theo).

4. Công tác tư vấn và dịch vụ khuyến nông

Tư vấn cơ chế chính sách và pháp luật, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Dịch vụ Chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; cung ứng giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp;

Tư vấn và dịch vụ khác phù hợp với quy định của pháp luật, nhu cầu của người sản xuất và năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến nông.

(Chi tiết tại phụ lục số 04 kèm theo)

5. Hợp tác quốc tế về khuyến nông

Tổ chức trao đổi kinh nghiệm khuyến nông, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ với các tổ chức, chuyên gia quốc tế thông qua hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế theo phân công của cấp có thẩm quyền.

III. PHƯƠNG THỨC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phương thức thực hiện

Thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ. Lý do: Chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ công trong hoạt động khuyến nông theo Điều 9 Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị trực thuộc sở tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình; hướng dẫn lập, tổng hợp kế hoạch khuyến nông hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện; tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện chương trình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2.2. Các sở, ban, ngành liên quan

- Sở Tài chính: Căn cứ Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2024-2025 chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh cho hoạt động khuyến nông để triển khai thực hiện; đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

- Sở Khoa học và Công nghệ: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến, chuyển giao kết quả các đề tài, dự án đã nghiên cứu thành công, các công nghệ mới, tiên tiến để áp dụng vào sản xuất; hướng dẫn đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, tập huấn cho nông dân kiến thức về ứng dụng công nghệ số trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp hiện đại cho nông dân, cho doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền các mô hình điển hình, tiên tiến có hiệu quả để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã biết, triển khai.

- Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia tích cực trong công tác khuyến nông và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Vận động các hợp tác xã, xã viên hợp tác xã tham gia các lớp đào tạo tập huấn, thực hiện các mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, củng cố các hợp tác xã phát triển bền vững.

- Các sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung Chương trình.

2.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Xây dựng, phê duyệt Kế hoạch khuyến nông hàng năm; ưu tiên bố trí ngân sách để triển khai chương trình khuyến nông giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, thiết thực;

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp xã và các phòng, ban liên quan triển khai thực hiện Chương trình;

- Bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia được phân bổ để thực hiện Chương trình;

- Ưu tiên hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho tổ khuyến nông cộng đồng;

- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình bằng nguồn ngân sách của địa phương về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng hợp./.


PHỤ LỤC 01:

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2024 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 3908/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Nội dung

Mục tiêu tổng quát

Phạm vi thực hiện

Các nhóm bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn khuyến nông

Kết quả cần đạt được

Ghi chú

1

Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông cho đối tượng chuyển giao công nghệ

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sản xuất trong các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công tác viên khuyến nông các cấp, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng để tổ chức triển khai thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại địa phương. Bồi dưỡng kiến thức về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, các kiến thức về thị trường, chuyển đổi số; phương thức liên kết chuỗi sản xuất và tiếp cận thị trường cho đối tượng chuyển giao công nghệ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp tại các địa phương.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Tập huấn TOT về các tiến bộ kỹ thuật mới, phương thức tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường;

- Tập huấn kỹ năng, phương pháp khuyến nông;

- Khảo sát học tập các mô hình tiên tiến và kỹ năng tổ chức sản xuất;

- Các nội dung đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng khác đáp ứng theo nhu cầu thực tế.

- Tổ chức 35 lớp đào tạo cho 1.050 học viên;

- 100% học viên nắm bắt được những kiến thức cơ bản để về áp dụng tại địa phương và tuyên truyền hướng dẫn người dân áp dụng.

 

2

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đối tượng nhận chuyển giao công nghệ.

Tập huấn cho đối tượng nhận chuyển giao công nghệ về tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách làm hay và hiệu quả, cơ chế chính sách, thị trường, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, dịch hại. Chú trọng đến việc bồi dưỡng thay đổi về tư duy tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ thông minh, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn từng bước hình thành, duy trì và phát triển đội ngũ “nông dân thông minh, chuyên nghiệp”, cho phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại. Đào tạo nông dân nòng cốt trực tiếp sản xuất, nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Tập huấn tại hiện trường (FFS) về các tiến bộ kỹ thuật mới trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp;

- Tập huấn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, chuỗi giá trị ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp;

- Tập huấn một số mô hình nông nghiệp đô thị cho hội viên Hội sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh;

- Tập huấn vận hành máy móc và thiết bị ứng dụng cơ giới hóa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp;

- Khảo sát học tập các mô hình tiên tiến và kỹ năng tổ chức sản xuất;

- Tập huấn theo nhu cầu các tổ, nhóm nông dân; các nội dung đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng khác đáp ứng theo nhu cầu thực tế.

- Tổ chức 120 lớp đào tạo cho 3.600 học viên;

- 100% học viên tham gia lớp tập huấn đều áp dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình và là nhân tố nòng cốt để phổ biến rộng rãi các kiến thức, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân khác trong vùng, hình thành một mạng lưới liên kết nông dân với nhau để trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn.

 

 

PHỤ LỤC 02:

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2024 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 3908/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Nội dung

Mục tiêu tổng quát

Phạm vi thực hiện

Các nhóm Nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền

Kết quả cần đạt được

Ghi chú

1

Tuyên truyền các hoạt động về nông nghiệp, khuyến nông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng internet; tài liệu và các loại ấn phẩm khuyến nông.

Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khuyến nông; phổ biến các thông tin, kiến thức về tiến bộ kỹ thuật, mô hình điển hình và cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động khuyến nông;

Giới thiệu các đối tượng cây con chủ lực, vùng trọng điểm và sản xuất hàng hóa nhằm thực hiện mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị; tri thức hóa nông dân, chuyên nghiệp hóa nông nghiệp phục vụ công cuộc tái cơ cấu ngành và đổi mới tư duy sản xuất.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền: Nông lịch; Ấn phẩm quảng bá nông sản chủ lực, phòng chống dịch bệnh, cháy rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

- Tuyên truyền trên Đài Truyền hình tỉnh qua chương trình khoa giáo, tin, phóng sự về sản xuất nông nghiệp và hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh;

- Sản xuất các phim, video clip làm tài liệu tuyên truyền, tập huấn; phối hợp với các đơn vị báo chí viết các tin bài trên báo điện tử, báo giấy. Các nội dung thông tin tuyên truyền khác trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng theo nhu cầu thực tế.

Xây dựng 20 chuyên đề khoa giáo, phim tư liệu; 30 tin bài, phóng sự;

Đảm bảo 100% nông dân trong tỉnh đều được thông tin chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước, được tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách, được thông tin các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình hiệu quả, cách làm hay để học hỏi và áp dụng vào thực tế sản xuất.

 

2

Tổ chức và tham gia các sự kiện khuyến nông: hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm, tham quan học tập, diễn đàn, tọa đàm và các phương thức truyền thông khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phổ biến, nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã được chứng minh có hiệu quả. Chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, cách làm hay của nông dân đến các địa phương trong và ngoài tỉnh để ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Đánh giá, thảo luận, chia sẻ và học tập về quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, mô hình điển hình và cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động khuyến nông; Thông tin về thị trường và giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; lịch nông vụ, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, dịch hại.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn khuyến nông và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển; tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp với các tỉnh, thành phố đến tham quan, học tập tại Quảng Ninh;

- Tham quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các tỉnh bạn; tham gia hội nghị câu lạc bộ Khuyến nông đô thị tại các tỉnh và thành phố nhằm đánh giá hoạt động Khuyến nông đô thị, đề xuất các giải pháp, mô hình hiệu quả với khu vực đô thị;

- Các hoạt động thông tin tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá khác trong lĩnh vực nông nghiệp theo nhu cầu thực tế.

Tổ chức 02 hội nghị về nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động khuyến nông; 20 chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm;

Giúp nông dân trong tỉnh được thông tin, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc trong sản xuất. Góp phần chuyển mục tiêu sản xuất nông nghiệp từ gia tăng sản lượng sang nâng cao chất lượng, tăng thêm giá trị nông sản. Đồng thời nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh; góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.

 

 

PHỤ LỤC 03:

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRÌNH DIỄN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2024 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3908/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Nội dung

Mục tiêu tổng quát

Phạm vi thực hiện

Các nhóm nhiệm vụ xây dựng mô hình trình diễn

Kết quả cần đạt được

Ghi chú

I

LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT

 

1

Phát triển bền vững một số đối tượng cây trồng chủ lực.

Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống (giống mới chất lượng, giá trị kinh tế cao), quy trình kỹ thuật mới, tiên tiến tập trung vào sản phẩm lợi thế tại các vùng sản xuất tập trung của tỉnh (lúa gạo, cây ăn quả, dong riềng, chè, rau, hoa), nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh sản xuất lúa; Liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị;

- Sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ...) gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc và sản phẩm OCOP địa phương;

- Sản xuất các loại hoa, cây cảnh tại một số vùng sản xuất tập trung phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị;

- Sản xuất rau màu an toàn theo chuỗi giá trị.

Xây dựng 04 - 05 mô hình sản xuất đưa các giống lúa chất lượng, có năng suất cao, chất lượng tốt; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất một số giống lúa chất lượng cao;

Xây dựng được 9-10 mô hình các cây ăn quả chủ lực tại các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng chuyên canh. Các mô hình xây dựng theo hướng tuần hoàn, bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng ít nhất 10%-15% so với ngoài mô hình. Kết thúc chương trình sẽ mở rộng thêm diện tích ≥50% so với diện tích triển khai.

 

2

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất.

Đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả, mô hình trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu (canh tác giảm phát thải, tưới nước tiết kiệm) nâng cao giá trị sản xuất.

- Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (ngô, lạc, đậu tương, trồng cỏ và thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc...);

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Xây dựng được 06 - 08 mô hình chuyển đổi từ đất lúa hoặc các cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (như: ngô, lạc, đậu tương, có và thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc...). Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế các cây trồng chuyển đổi cao hơn sản xuất đại trà so với cây trồng trước khi chuyển đổi tăng ít nhất từ 15-20%;

Mô hình canh tác mới có nhiều ưu việt so với chế độ canh tác cũ; đất và môi trường canh tác, được cải tạo theo hướng bền vững;

Kết thúc chương trình sẽ mở rộng thêm diện tích ≥50% so với trước khi triển khai.

 

3

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, chế phẩm sinh học cho cây trồng và sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ.

Tăng cường xây dựng các mô hình ứng dụng đồng bộ về giống, các biện pháp kỹ thuật, phân bón chế phẩm sinh học và sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng cơ giới hóa, thiết bị công nghệ cao (quan trắc dịch bệnh tự động, máy bay không người lái, robot làm cỏ, phun thuốc BVTV...) vào sản xuất.

- Sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất, thâm canh một số cây trồng. Áp dụng các phương thức bón phân tiên tiến, tiết kiệm cho cây trong; các tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh một số loại cây trồng theo hướng sử dụng phân hữu cơ;

- Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng 06 - 08 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học cho các cây trồng. Mô hình triển khai có nhiều ưu việt so với chế độ canh tác, bón phân đang phổ biến ngoài sản xuất; đất và môi trường canh tác, sản xuất được cải tạo theo hướng bền vững;

Năng suất, chất lượng sản phẩm tăng so với ngoài mô hình; hiệu quả sản xuất tăng từ ít nhất từ 10%.

 

II

LĨNH VỰC CHĂN NUÔI

1

Phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn khép kín, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; ứng dụng các giải pháp về vi sinh, công nghệ biogas, tách ép ủ phân, xử lý môi trường chăn nuôi nhằm giúp người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi an toàn và hiệu quả; giảm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao, an toàn dịch bệnh; gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị;

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh có kiểm soát, giảm thiểu sử dụng kháng sinh;

- Xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc ăn có tuần hoàn khép kín;

- Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái tuần hoàn, khép kín;

- Ứng dụng một số công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Xây dựng được 03 - 05 mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn dịch bệnh, chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao có liên kết sản xuất theo hướng xuất khẩu;

Xây dựng được 02 - 03 mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín gắn với các giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi;

- Khả năng nhân rộng mô hình trên 10%; tăng giá trị chăn nuôi trên 10% - 15%.

 

2

Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gia cầm; cải tạo tầm vóc đàn trâu, bò địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn (khu chăn nuôi tập trung, trang trại...); chuyển giao quy trình chăn nuôi có kiểm soát, an toàn dịch bệnh.

- Chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao gắn với chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu; Cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo;

- Chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại các vùng chăn nuôi tập trung; Xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa đạt chứng nhận VietGAHP.

Xây dựng được 01 - 02 mô hình cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh trâu, bò đực ngoại có năng suất, chất lượng cao để nâng cao chất lượng đàn bò cái nền địa phương. Xây dựng được mô hình chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng 02 - 03 mô hình nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại các vùng chăn nuôi tập trung, chứng nhận VietGAHP. Gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo ra sản phẩm an toàn;

Tăng giá trị chăn nuôi trên 10% tại các vùng chăn nuôi tập trung; khả năng nhân rộng mô hình trên 10% so với quy mô triển khai; kiểm soát dịch bệnh trên 90%.

 

3

Phát triển vật nuôi bản địa và các vật nuôi khác có tiềm năng thị trường.

Phục tráng, bảo tồn, phát triển vật nuôi đặc sản, bản địa, phát huy lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường; Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và khả năng chống chịu dịch bệnh.

Trên địa bàn toàn tỉnh

 

- Chăn nuôi lợn Móng Cái theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh và nâng tầm sản phẩm OCOP;

- Xây dựng mô chăn nuôi các vật nuôi bản địa (gà Tiên Yên, gà râu, ngan đen, gà H’Mông...) nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cho người chăn nuôi.

- Xây dựng được 02 - 03 mô hình chăn nuôi lợn Mỏng Cái theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh;

- Xây dựng được 02 - 03 mô hình vật nuôi địa phương đặc thù nâng cao giá trị kinh tế;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20% so với quy mô triển khai.

 

4

Phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị.

Góp phần nâng cao năng suất chất lượng thịt, trứng gia cầm, tăng giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường; xây dựng được mô hình chăn nuôi hiệu quả gắn với chuỗi giá trị ngành hàng.

- Chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP trên đệm lót sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị;

- Chăn nuôi gà sinh sản hướng trứng có năng suất chất lượng cao;

- Chăn nuôi vịt thương phẩm an toàn sinh học; vịt sinh sản hướng lấy trứng theo VietGAHP nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP;

- Chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, có kiểm soát, giảm thiểu sử dụng kháng sinh.

- Xây dựng được 03 - 05 mô hình liên kết chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo quy trình VietGAHP, gà sinh sản bố mẹ an toàn dịch bệnh, chất lượng cao;

- Xây dựng được 02 - 03 mô hình liên kết chăn nuôi, vịt thương phẩm, vịt sinh sản bố mẹ an toàn dịch bệnh;

- Tăng giá trị chăn nuôi trên 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

III

LĨNH VỰC THỦY SẢN

1

Phát triển các đối tượng thủy sản chủ lực hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng các đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản gắn với các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng thức ăn công nghiệp, ứng dụng kỹ thuật nuôi thủy sản biển tiên tiến. Áp dụng các quy trình nuôi thủy sản tốt.

Trên địa bàn toàn tỉnh

Xây dựng mô hình tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ nuôi nhiều giai đoạn, Biofloc đảm bảo an toàn dịch bệnh; Xây dựng mô hình nuôi cá biển sử dụng thức ăn công nghiệp bằng lồng trên biển gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ vật liệu mới theo tiêu chuẩn địa phương trong nuôi nhuyễn thể, cá biển; từng bước gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm.

- Xây dựng được 03 - 05 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều giai đoạn, áp dụng giải pháp vi sinh, biofloc;

- Xây dựng được 03 - 05 mô hình liên kết sản xuất trong nuôi cá biển, nhuyễn thể bằng lồng trên biển;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu trên 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

2

Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, đặc hữu, nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường

Xây dựng mô hình khoanh nuôi, bảo tồn đối tượng thủy sản đặc hữu, có giá trị kinh tế. Phát triển mô hình nuôi cá cảnh biển; mô hình nuôi thủy sản kết hợp du lịch. Phát triển một số đối tượng cá nước ngọt là đặc sản có giá trị kinh tế.

Khoanh nuôi một số đối tượng thủy sản đặc hữu, đặc sản tại các địa phương (sá sùng, ngán, rươi, cà ra, cá tầm, cá cảnh biển...);

Mô hình nuôi cá nước lợ, ngọt tập trung, quy mô hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Xây dựng được 02 - 03 mô hình nuôi đối tượng thủy sản đặc hữu, đặc sản;

- Xây dựng được 02 - 03 mô hình nuôi cá nước lợ trong ao tại một số vùng nuôi tôm kém hiệu quả;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

3

Phát triển khai thác thủy sản bền vững và bảo quản sản phẩm trên biển.

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản; nâng cao hiệu quả và phát triển nghề khai thác có tính bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường, giảm áp lực khai thác ven bờ, giúp ngư dân bám biển.

Ứng dụng một số công nghệ trong khai thác thủy sản: đèn LED, máy dò cá, thiết bị kỹ thuật số, pin năng lượng mặt trời trên tàu khai thác thủy sản;

Mô hình ứng dụng phù hợp trong bảo quản sản phẩm khai thác: sử dụng hầm bảo quản làm bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu cá, công nghệ đá sệt, công nghệ lạnh kết hợp, công nghệ Nano trong bảo quản.

- Xây dựng được 01 mô hình ứng dụng công nghệ trong khai thác thủy sản;

- Xây dựng được 01 mô hình bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản bằng công nghệ mới;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15-20%; khả năng nhân rộng mô hình trên 15%.

 

IV

LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP

1

Phát triển trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa, mô hình mô hình trồng cây phân tán, phát triển không gian xanh, đô thị xanh, bảo vệ sinh cảnh.

Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật để xây dựng mô hình trồng một số loài cây bản địa có giá trị nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình trồng cây phân tán, phát triển không gian xanh, đô thị xanh bằng các loài cây bản địa phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Trên địa bàn toàn tỉnh

- Mô hình trồng rừng tập trung bằng các loài cây bản địa có giá trị;

- Mô hình trồng cây bản địa theo chuỗi giá trị;

- Mô hình trồng cây bản địa theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu;

- Mô hình trồng cây phân tán, phát triển không gian xanh, đô thị xanh.

Xây dựng 01-02 mô hình trồng rừng tập trung bằng các loài cây bản địa có giá trị; gắn với liên kết chuỗi giá trị;

- Xây dựng 01-02 mô hình trồng cây bản địa theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu;

- Xây dựng 01-02 mô hình trồng cây phân tán, phát triển không gian xanh, đô thị xanh;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

2

Phát triển trồng rừng cây lâm sản ngoài gỗ, mô hình kinh tế dưới tán rừng.

Phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ cây lâm sản ngoài gỗ và cây đặc sản; phát triển kinh tế dưới tán rừng, quản lý rừng, đất rừng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái.

- Mô hình trồng thâm canh cây lâm sản ngoài gỗ (quế, hồi, sở...) gắn với chuỗi giá trị;

- Mô hình trồng xen cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cây bản địa.

- Xây dựng 02-03 mô hình trồng thâm canh cây lâm sản ngoài gỗ (quế, hồi, sở...);

- Xây dựng 01-02 mô hình trồng xen cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cây bản địa;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

3

Xây dựng mô hình trồng và phát triển cây dược liệu đặc sản, bản địa của tỉnh Quảng Ninh.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu theo tiêu chuẩn tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm sản phẩm OCOP.

- Mô hình trồng thâm canh cây dược liệu (ba kích, cát sâm, sâm cau...) theo tiêu chuẩn;

- Mô hình trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng cây bản địa; tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm OCOP.

- Xây dựng 02 - 03 mô hình trồng thâm canh cây dược liệu (ba kích, cát sâm, sâm cau...) theo tiêu chuẩn;

- Xây dựng 02 - 03 mô hình trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng cây bản địa; tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm OCOP;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

V

ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ, CÔNG NGHỆ CAO VÀ CƠ GIỚI HÓA VÀO SẢN XUẤT

1

Ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao trong sản xuất

Thực hiện chuyển đổi số sản xuất nông nghiệp nhằm dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, quản lý dịch bệnh, quản trị sản xuất.

Trên địa bàn toàn tỉnh

Ứng dụng các công nghệ thiết bị thông minh trong trồng một số loại rau quả, hoa có giá trị kinh tế cao;

Mô hình ứng dụng công nghệ số trong các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm;

Mô hình sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến, kiểm soát sâu bệnh. Sử dụng thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật;

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt có các thiết bị quan trắc và cảnh báo môi trường, nuôi tôm theo công nghệ RAS.

Xây dựng 03 - 05 mô hình chuyển đổi số, công nghệ cao trong sản xuất;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

2

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất

Đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân.

Mô hình ứng dụng một số máy móc, thiết bị trong trồng trọt (máy bơm, máy cấy, máy phun thuốc sâu, phân bón, máy gặt đập liên hợp...);

Mô hình ứng dụng hệ thống chuồng nuôi kín điều tiết nhiệt bằng hệ thống điện trong chuồng nuôi; máy cắt cỏ và trộn thức ăn chủ động trong chăn nuôi gia súc; 

Ứng dụng một số máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong quá trình đánh bắt như: Máy dò ngang, máy tời thủy lực, máy thu lưới vây tang treo, hệ thống căng tăng gông và thu thả lưới cho nghề lưới chụp, trên tàu khai thác thủy sản.

- Xây dựng 03 - 05 mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất;

- Hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15%; khả năng nhân rộng mô hình trên 20%.

 

 

PHỤ LỤC 04:

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TƯ VẤN VÀ DỊCH VỤ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH QUẢNG NINH, GIAI ĐOẠN 2024 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3908/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Nội dung

Mục tiêu tổng quát

Phạm vi thực hiện

Các nhóm nhiệm vụ Tư vấn và dịch vụ

Kết quả cần đạt được

Ghi chú

1

Phát triển hoạt động tư vấn

Chủ động tiếp cận tư vấn hỗ trợ tư vấn ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, giới thiệu các kiến thức; thành lập liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã

Trên địa bàn toàn tỉnh

Tư vấn cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản sản phẩm;

Tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; hỗ trợ các tổ, nhóm nông dân thông qua việc thiết kế, in logo, bao bì, tem nhãn, mã QR-CODE nhãn hiệu nông sản, hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản; tư vấn thúc đẩy ứng dụng cơ giới hoá và các thiết bị thông minh trong nông nghiệp;

Các hoạt động tư vấn và dịch vụ nông nghiệp khác đáp ứng yêu cầu thực tế theo quy định.

Người dân được tư vấn, cung cấp các gói dịch vụ khuyến nông kịp thời để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Nhiều loại nông sản có cơ hội được giới thiệu, quảng bá và liên kết đầu ra. Thúc đẩy việc ứng dụng cơ giới hoá và các thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

 

2

Phát triển hoạt động dịch vụ

Đẩy mạnh cung cấp và dịch vụ cho các tổ chức nông dân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từng bước phát triển dịch vụ khuyến nông cung cấp các loại giống, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất nông nghiệp cho người sản xuất.

Trên địa bàn toàn tỉnh

Dịch vụ chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; dịch vụ cung ứng giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y trong sản xuất nông nghiệp đến với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

Cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại các địa phương;

Dịch vụ khác phù hợp với quy định của pháp luật, nhu cầu của người sản xuất và năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến nông.

Các dịch vụ khuyến nông cung cấp đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật; mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân. Từng bước đảm bảo nguồn thu hợp pháp cho đơn vị sự nghiệp hoạt động khuyến nông trong điều kiện được giao tự chủ kinh phí.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3908/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025

  • Số hiệu: 3908/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Vũ Văn Diện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản