ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 390/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 9 năm 1990 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ HÀNH CHÁNH ĐỐI VỚI CÁC VI PHẠM TRONG KINH DOANH THƯƠNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
- Căn cứ Pháp lệnh xử phạt các vi phạm hành chánh được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1989, pháp lệnh kế toán thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Để đấu tranh phòng và chống các vi phạm hành chánh trong họat động thương nghiệp dịch vụ, giữ vững trật tự, tăng cường kỷ luật Nhà nước, pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 .- Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về xử lý hành chánh đối với các vi phạm trong kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Điều 2 .- Giám đốc Sở Thương nghiệp kiêm Trưởng ban quản lý thị trường thành phố chịu trách nhiệm triển khai việc thực hiện bản quy định này
Điều 3 .- Bản quy định có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các văn bản pháp quy của thành phố trước đây có liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chánh trong kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ đều bãi bỏ.
Điều 4 .- Các đồng chíChánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp kiêm Trưởng ban quản lý thị trường thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ XỬ LÝ HÀNH CHÁNH ĐỐI VỚI CÁC VI PHẠM TRONG KINH DOANH THƯƠNG NGHIỆP, DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.
(Ban hành kèm theo quyết định số 390/QĐ-UB ngày 22 tháng 9 năm 1990 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Để góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, đấu tranh phòng và chống các vi phạm hành chánh trong kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ; góp phần thiết thực trong việc thi hành pháp luật Nhà nước về chống buôn lậu, chống thất thu thuế, ổn định thị trường, đưa hoạt động kinh doanh vào nền nếp, bảo hộ người kinh doanh hợp pháp, Ủy ban nhân dân thành phố quy định:
Điều 1.- Tất cả các tổ chức và cá nhân của bất cứ ngành nào, cấp nào quản lý có hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước về chế độ đăng ký kinh doanh, chế độ kế toán, thống kê, sổ sách, chứng từ, hóa đơn; chấp hành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng của thành phố.
Điều 2.- Các cơ quan quản lý Nhà nước được Ủy ban nhân dân thành phố phân công có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện những vi phạm về mặt pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ, của các tổ chức và cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý, nhằm từng bước đưa hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ của thành phố vào nền nếp pháp luật.
Điều 3.- Các vi phạm do các tổ chức và cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định về quản lý Nhà nước, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đều phải được xử lý bằng biện pháp hành chánh theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 4.- Các hình thức xử phạt vi phạm hành chánh trong kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thành phố bao gồm:
1- Hình thức phạt chính:
- Cảnh cáo nếu vi phạm nhỏ, lần đầu.
- Phạt tiền từ 1.000 đến 500.000đ và từ 1 đến 3 lần trị giá hàng phạm pháp hoặc số thu lợi bất chính.
- Thu hồi giấy ĐKKD tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Tịch thu tang vật hoặc phương tiện vi phạm.
- Buộc tiêu hủy hàng hóa có thể gây hại cho sức khỏe nhân dân.
- Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Điều 5.- Các vi phạm hành chánh trong hoạt động kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ bao gồm:
1- Kinh doanh không giấy phép hoặc không đúng nội dung giấy phép (địa điểm, mặt hàng, diện tích, phương thức…).
2- Không chấp hành hoặc chấp hành không đúng việc lập sổ sách, chứng từ, hóa đơn theo hướng dẫn của ngành tài chánh.
3- Không chấp hành hoặc khai man, chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ thuế.
4- Kinh doanh hàng lậu thuế, hàng gian, hàng giả, hàng cấm.
5- Sử dụng dụng cụ cân, đong, đo không chính xác, không kiểm định theo quy định của Nhà nước.
6- Các vi phạm khác về vệ sinh thực phẩm, trật tự kinh doanh, ô nhiễm môi trường…
Điều 6.- Tùy tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra được áp dụng tất cả các hình thức xử phạt hành chánh được quy định tại điều 4 trên đây theo các thủ tục đã được pháp lệnh xử ký các vi phạm hành chánh của HĐND đã ban hành.
1-Hình thức cảnh cáo và phạt tiền đến 20.000đ được áp dụng đối với các vi phạm nhỏ, đơn giản, rõ ràng, lần đầu.
2- Hình thức phạt tiền từ trên 20.000đ và các hình thức phạt bổ sung khác, tổ kiểm tra lập biên bản vi phạm đề xuất mức phạt và các biện pháp cần thiết cho cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Trong bất cứ trường hợp nào biên bản vi phạm cũng phải lập làm 04 bản, do đại diện tổ kiểm tra và tổ chức hay người vi phạm cùng ký, 01 bản giao cho tổ chức hay người vi phạm giữ.
Điều 7.-
1- Đối với vi phạm là kinh doanh không giấy phép hoặc kinh doanh sai nội dung cho phép thì ngoài các hình thức cảnh cáo và phạt tiền. Việc kinh doanh trái phép hoặc phần kinh doanh ngoài giấy phép phải bị đình chỉ tức khắc. Quyết định xử lý này chỉ được giải tỏa khi tổ chức hay cá nhân kinh doanh xuất trình được giấy ĐKKD hợp pháp.
2- Đối với vi phạm là việc không chấp hành chế độ sổ sách chứng từ, hóa đơn, ngoài việc cảnh cáo và phạt tiền , quyết định xử lý phải ghi rõ thời hạn tối đa và cá nhân vi phạm chấn chỉnh sai phạm. Hết thời hạn nêu trên nếu sai phạm chưa được khắc phục, việc kinh doanh phải bị đình chỉ.
3- Đối với vi phạm là khai man trốn lậu thuế hoặc kinh doanh hàng lậu thuế, tổ kiểm tra phải báo ngay cho cơ quan thuế để xử lý theo pháp luật.
4- Đối với vi phạm là kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng cấm ngoài hình thức xử lý cảnh cáo và phạt tiền, tổ kiểm tra phải kiểm kê, niêm phong và lập biên bản đề xuất tiêu hủy nếu chắc chắn hàng gian, hàng giả đó có hại cho sức khỏe của nhân dân.
5- Đối với các vi phạm khác, ngoài việc áp dụng hình thức cảnh cáo và phạt tiền, tổ kiểm tra cần buộc tổ chức hay cá nhân vi phạm khắc phục ngay việc vi phạm hoặc cho người vi phạm một thời hạn để khắc phục. Thời hạn này phải ghi rõ trong biên bản vi phạm
Điều 8.- Thẩm quyền xử phạt.
1- Trưởng phòng Thương nghiệp kiêm Trưởng ban quản lý thị trường quận huyện được áp dụng các hình thức xử lý cảnh cáo, phạt tiền đến 150.000 đồng, thu hồi giấy ĐKKD do Phòng thương nghiệp cấp theo sự phân công của thành phố có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
2- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện được áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp hành chánh khác quy định tại điều 4 trên đây và phạt tiền đến 200.000 đồng.
3- Giám đốc Sở Thương nghiệp kiêm Trưởng ban quản lý thị trường thành phố được áp dụng tất cả các hình thức xử lý hành chánh theo quy định, phạt tiền đến 500.000 đồng, được quyết định thu hồi các giấy ĐKKD do bất cứ cơ quan nào cấp có thời hạn hoặc vĩnh viển.
4- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được áp dụng tất cả các hình thức xử lý hành chánh theo quy định.
Điều 9.-
- Ngoài biện pháp xử lý tại chỗ, các biện pháp xử lý khác, cơ quan có thẩm quyền theo điều 8 trên đây phải ban hành quyết định xử lý trong hạn 15 ngày. Quyết định này phải gởi cho tổ chức hay cá nhân vi phạm trễ nhất 3 ngày kể từ ngày ký.
- Khi xét việc vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền.
Điều 10.-
Quyết định xử phạt phải được thi hành ngay. Trong vòng 05 ngày nếu tổ chức hay cá nhân vi phạm chưa thi hành, lực lượng CSND có trách nhiệm phối vợp với cơ quan ra quyết định xử lý tổ chức cưỡng chế thi hành. Mọi chi phí về cưỡng chế thi hành do tổ chức hay cá nhân vi phạm chịu.
- Tiền phạt nộp vào ngân sách Nhà nước cùng cấp với cơ quan ra quyết định .
- Tang vật nếu không phải là loại phải hủy bỏ, giao cho ngành Tài chánh xử lý theo pháp luật.
Điều 11. Nếu tổ chức hay cá nhân vi phạm không nhất trí với biện pháp xử lý thì có thể khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan ra quyết định xử lý trong hạn 10 ngày nhận quyết định xử phạt.
Việc khiếu nại này không có hiệu lực đình chỉ việc thi hành quyết định.
Cơ quan nhận khiếu nại phải giải quyết khiếu nại trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận khiếu nại. Quyết định của cơ quan giải quyết khiếu nại phải được cơ quan ra quyết định xử lý và tổ chức hay cá nhân vi phạm chấp hành nghiêm túc.
Điều 12. Khen thưởng, kỷ luật
Người có công phát hiện vi phạm được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước đồng thời được thưởng tiền theo tỷ lệ 3% số tiền phạt và giá trị tang vật bị tịch thu.
Người có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chánh vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vi phạm quy định xử lý hành chánh hoặc lạm quyền, xử lý tùy tiện, thì tùy tính chất, mức độ mà xử lý kỷ luật. Trường hợp nghiêm trọng có thể đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, tổ chức hoặc công dân thì phải bồi thường.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 2441/QĐ-UB năm 1992 bổ sung bản quy định về xử lý hành chánh đối với các vi phạm trong kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thành phố kèm theo Quyết định 390/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 390/QĐ-UB năm 1990 ban hành bản quy định về xử lý hành chánh đối với các vi phạm trong kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 390/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/09/1990
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Vương Hữu Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/09/1990
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực