Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1979 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀNG, BẠC, BẠCH KIM, KIM CƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Vàng, bạc, bạch kim, kim cương là tài sản quý của nước nhà. Để quản lý chặt chẽ các tài sản đó, trước đây Nhà nước đã quy định thành chế độ, nhưng đến nay, nhiều cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội vẫn còn giữ vàng, bạc chưa tập trung vào Ngân hàng Nhà nước. Có nơi đã xảy ra tình trạng lợi dụng, tham ô, mất mát, gây ra những hậu quả xấu về nhiều mặt khác.

Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nghiêm chỉnh thực hiện những điều quy định dưới đây:

Điều 1. Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang phải giao nộp hết các loại vàng, bạc, bạch kim, kim cương (dưới đây gọi tắt là vàng bạc) cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và chỉ được phép giữ lại:

- Các dụng cụ chuyên dùng bằng vàng, bạc cần thiết cho sản xuất và nghiên cứu khoa học kỹ thuật;

- Các loại vàng, bạc được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chỉ tiêu được duyệt để dùng vào sản xuất và khoa học kỹ thuật trong năm kế hoạch.

Điều 2. Các xí nghiệp khai thác phải bán hết số kim khí quý, đá quý khai thác được cho Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cùng với các cơ quan có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc khai thác và giao nộp, không để xảy ra lợi dụng, tham ô, mất mát.

Điều 3. Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, do nhu cầu công tác, cần giữ các loại dụng cụ chuyên dùng bằng vàng, bạc có trách nhiệm:

- Tiến hành kiểm kê xác định số lượng, khối lượng, chất lượng (vào dịp kiểm kê tài sản cuối năm), báo cáo lên Bộ chủ quản, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ngân hàng Nhà nước trung ương biết để theo dõi;

- Có nội quy bảo vệ và sử dụng chặt chẽ số vàng, bạc đó.

Điều 4. Các cơ quan công an, hải quan, thuế và các cơ quan chuyên chính khác của Nhà nước, trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu tạm giữ các tang vật bằng vàng, bạc thì phải niêm phong tang vật và lập biên bản; đồng thời báo ngay cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố biết. Trong khi chờ xử lý, các cơ quan nói trên phải giao tang vật cho Ngân hàng Nhà nước bảo quản.

Điều 5. Các nhà bảo tồn, bảo tàng không được trưng bày các hiện vật lịch sử bằng vàng, bạc mà chỉ được dùng phiên bản. Bản gốc phải gửi Ngân hàng Nhà nước bảo quản; nếu tự bảo quản thì phải có chế độ do Bộ chủ quản ban hành và phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Điều 6. Đối với những công việc nhất thiết phải dùng vàng, bạc (ở dạng nguyên liệu hay dụng cụ chuyên dùng) thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ phải tổng hợp nhu cầu toàn ngành, gửi đến Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ khi xét duyệt kế hoạch hàng năm.

Đối với những nhu cầu đột xuất trong năm về vàng, bạc theo đề nghị của các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ để dùng vào sản xuất kinh doanh, thì đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết trong phạm vi tối đa như sau:

- Vàng, bạch kim từ 19g trở xuống;

- Bạc từ 10 kilôgam trở xuống.

Quá phạm vi nói trên, đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước phải trình Thủ trưởng Chính phủ xét duyệt.

Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước phải chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc sử dụng vàng, bạc và phải làm quyết toán với Ngân hàng Nhà nước.

Điều 7. Đối với việc xuất nhập khẩu vàng, bạc, đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét và quyết định kế hoạch hàng năm theo các nguyên tắc sau đây:

- Ngoại tệ thu được do xuất khẩu các mặt hàng trang sức, mỹ nghệ bằng vàng, bạc không những phải đủ nhập nguyên liệu vàng, bạc, bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh mà còn có lãi bằng ngoại tệ.

- Cơ quan kinh doanh ngoại thương có quyền sử dụng ngoại tệ thu được do xuất khẩu các mặt hàng bằng vàng, bạc để nhập nguyên liệu vàng, bạc nhằm mở rộng việc kinh doanh xuất khẩu hàng bằng vàng, bạc.

- Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc xuất khẩu tại chỗ hàng trang sức, mỹ nghệ bằng vàng, bạc cho khách nước ngoài cũng phải theo nguyên tắc nói trên và phải hạch toán công việc kinh doanh này bằng ngoại tệ.

Các công ty du lịch, cung ứng tàu biển thực hiện việc xuất khẩu tại chỗ hàng trang sức, mỹ nghệ bằng vàng, bạc cũng phải theo các nguyên tắc nói trên và phải chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 8. Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước sử dụng các hiện vật bằng bạch kim, bạc, vàng hoặc các hóa chất có bạc, vàng phải tổ chức thu hồi phế liệu bán cho Ngân hàng Nhà nước. Tiền lãi do thu hồi về bán phế liệu dành 50% cho quỹ xí nghiệp, 50% nộp ngân sách Nhà nước.

Điều 9. Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước phải thi hành xong điều 1 của quyết định này trong quý I năm 1979 theo sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Từ quý II năm 1979 trở đi, nơi nào còn giữ vàng, bạc trái phép thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sẽ bị xử lý kỷ luật coi như giữ quỹ trái phép.

Điều 10.

(Không in một đoạn)

Điều 11. Đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Điều 12. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Tất cả các văn bản đã ban hành trước đây trái với quyết định này đều hủy bỏ.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG


 

 
Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38-CP năm 1979 về việc quản lý vàng, bạc, bạch kim, kim cương đối với các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 38-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/02/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 09/02/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản