Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2017/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 25 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CẦU PHAO DÂN SINH NGANG SÔNG VÀ NHÀ HÀNG NỔI DẠNG BÈ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật phòng cháy, chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 19/2005/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải Quy định điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị và Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý cầu phao dân sinh ngang sông và nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành Quy định về quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống và cầu phao dân sinh ngang sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu: VT, Sở GTVT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ QUẢN LÝ CẦU PHAO DÂN SINH NGANG SÔNG VÀ NHÀ HÀNG NỔI DẠNG BÈ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn; điều kiện, phạm vi hoạt động đối với cầu phao dân sinh ngang sông và các nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Quy định này không áp dụng đối với các nhà hàng nổi được quy định theo Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống và cầu phao dân sinh ngang sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cầu phao dân sinh ngang sông (sau đây gọi tt là cầu phao dân sinh): Là phương tiện nổi được kết nối với nhau bằng các phao nhựa và các vật liệu nổi khác lắp ghép trong khung cứng làm bằng thép định hình, đặt cố định tại một điểm ngang sông trên đường thủy nội địa nhằm phục vụ giao thông dành cho người đi bộ, xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ khác qua lại ngang sông.

2. Nhà hàng ni dạng bè (sau đây gọi tắt là nhà hàng nổi): Là nhà hàng được đặt trên phao nhựa và vật liệu nổi khác, neo đậu cố định tại một địa điểm trên đường thủy nội địa và có thể di chuyển từ địa điểm neo này tới địa điểm neo khác khi cần thiết, có đăng ký kinh doanh phục vụ ăn uống trên phương tiện mà không bố trí các buồng ngủ lưu trú và các dịch vụ vui chơi giải trí khác.

3. Sức chở của phương tiện:

a) Đối với phương tiện chở người: Sức chở là số lượng người tối đa được xếp đủ chỗ ngồi và cân bằng trên phương tiện.

b) Đối với phương tiện chở hàng: Sức chở là trọng tải toàn phần được xếp trực tiếp và cân bằng trên phương tiện.

4. Vạch dấu mớn nước an toàn: là vạch đánh dấu trên phương tiện để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động.

Chương II

YÊU CẦU KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 

Điều 4. Kích thước cơ bản, sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

1. Các kích thước cơ bản của nhà bè và cầu phao:

Các kích thước cơ bản của cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi phải đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Sức chở người của phương tiện:

a) Đối với cầu phao dân sinh với yêu cầu thiết kế cầu cho người đi bộ, xe máy, xe đạp, xe thô sơ tải trọng qua cầu quy đổi là 150 kg/m2; trong trường hợp bất lợi nhất là người, xe chất đầy cầu thì hoạt tải chất lên một khung phao là: 2,55m x 2m x 150 kg/ m2 = 765 kg; Tổng tải trọng chất lên một khung phao là: Q= Q1 + Q2 = 576,98 + 765 = 1341,98 kg (Q1 là trọng lượng bản thân của khung phao; Q2 là hoạt tải chất lên một khung phao; khi thiết kế Qtk chịu tải không nhỏ hơn Q).

b) Đối với nhà hàng nổi kinh doanh phục vụ ăn uống được chứa lượng khách (kể cả người phục vụ) đảm bảo mạn khô tối thiểu và không vượt quá 0,6 người/m2 sàn nhưng không quá 120 người trên một nhà hàng nổi dạng bè.

c) Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện: Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu trắng, vạch sơn có chiều rộng 25 mm, chiều dài 250 mm nằm ngang trên hai mạn tại vị trí giữa của chiều dài Lmax, cách mặt trên mép boong ít nhất 400 mm.

Điều 5. Điều kiện an toàn

1. Vật liệu phần thân của phương tiện làm bằng gỗ hoặc vật liệu khác như tre, nứa, nhôm; phần chìm phía dưới nước bằng các phao nhựa được liên kết bằng biện pháp thủ công. Các phao phải được liên kết ghép nối chắc chắn; yêu cầu kết cấu của phương tiện phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

- Khung sườn đảm bảo chắc chắn, liên kết các thanh ngang và dọc bằng bu lông;

- Các phao nhựa được liên kết với nhau và với khung bằng dây cước ni lông, đảm bảo chắc chắn;

- Phương tiện phải đảm bảo ổn định trong quá trình hoạt động.

2. Tín hiệu giao thông:

- Đối với cầu phao dân sinh: Phải bố trí báo hiệu cảnh báo đảm bảo theo đúng quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa. Biển báo hướng dẫn người và phương tiện thô sơ qua lại đúng quy định về tải trọng;

- Đối với nhà hàng nổi khi hoạt động ban đêm phải thắp đèn chiếu sáng: Thắp một đèn đỏ đặt giữa tim nhà hàng cao hơn mặt nước ít nhất 1,5 m để quan sát, báo hiệu; thắp ở mỗi bên mạn một đèn trắng, thắp bốn đèn trắng ở bốn góc nhà hàng dạng bè, các đèn này đặt cao hơn mặt nước ít nhất 1,5 m.

3. Phương tiện phải được đo đạc, xác định kích thước, sức chở và được sơn vạch mớn nước an toàn.

4. Phao cứu sinh:

- Cầu phao dân sinh phải được trang bị số lượng phao nổi tối thiểu bằng số lượng người được phép hoạt động qua lại theo quy mô được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các phao đều phải có dây ném (chiều dài dây ném tối thiểu 15m); mỗi bên lan can cầu bố trí 40% cái có dây ném kèm theo, 20% số lượng phao dự phòng bố trí ở phòng trực. Các phao tròn phải đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và được đặt ở các vị trí thuận lợi, dễ dàng lấy ra sử dụng, không được buộc chặt;

- Nhà hàng nổi phải được trang bị số lượng phao nổi tối thiểu bằng số lượng người được phép hoạt động trên nhà hàng nổi tùy theo quy mô được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bố trí 50% số lượng phao mỗi bên, mỗi bên có 25% số lượng phao có dây ném (chiều dài dây ném tối thiểu 8 mét). Các phao tròn phải đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và được đặt ở các vị trí thuận lợi, dễ dàng lấy ra sử dụng, không được buộc chặt.

5. Trang bị cứu đắm:

a) Cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi phải có phao dự phòng được liên kết, đảm bảo sức nâng không nhỏ hơn 1.000kg. Khi có hiện tượng chìm thì cụm phao dự phòng có thể dễ dàng liên kết với góc chìm của cầu phao, nhà hàng nổi để hỗ trợ chống chìm.

b) Đối với nhà hàng nổi trên các hướng phải bố trí đường thoát hiểm và hướng dẫn thoát hiểm, các cửa trên đường thoát hiểm phải thiết kế đảm bảo không sử dụng chìa khóa vẫn có thể mở được cửa khi di chuyển theo đường thoát hiểm. Đối với cầu phao dân sinh phải có phương tiện ≥ 24CV neo đậu tại vị trí phòng trực khi có người rơi xuống nước phải kịp thời cứu hộ, cứu nạn.

6. Cầu phao dân sinh và nhà hàng nổi phải được chằng buộc chắc chắn ở tất cả các hướng. Trụ và dây chằng buộc phải đảm bảo cho cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi chịu được sức gió cấp 7.

7. Phân khoang, đường dẫn lên nhà hàng nổi:

Phân khoang của nhà hàng nổi phải phù hợp và thuận tiện cho việc di chuyển của khách. Các khoang phải bố trí tối thiểu một cửa có kích thước 800mm x 1900mm (rộng x cao) để thuận tiện cho quá trình thoát nạn.

Đối với các khoang, buồng ăn uống có sức chứa trên 15 người, các cửa ra, cửa thoát nạn và các cửa khác trên đường thoát nạn phải mở theo chiều lối thoát từ trong phòng ra ngoài. Đối với các khoang, buồng ăn uống có sức chứa trên 50 người phải có ít nhất 02 lối thoát nạn và bố trí phân tán phù hợp với tiêu chuẩn quy định.

Mép ngoài của nhà hàng nổi ở khoang khách phải bố trí lan can bảo vệ có chiều cao tối thiểu tính từ mặt sàn đạt 850 mm.

Nhà hàng nổi phải có trang bị cầu dẫn cho khách lên xuống. Cầu dẫn phải có chiều rộng trong lòng từ 1,4m tới 2m, được lắp ghép chắc chắn, hai bên cầu dẫn phải có lan can bảo vệ với chiều cao ít nhất 850 mm tính từ mép trên sàn cầu dẫn. Cầu dẫn đưa, đón khách lên, xuống nhà hàng nổi đảm bảo tuyệt đối an toàn, thuận tiện.

8. Mố cầu, nhịp phao, đường dẫn xuống cầu và lan can cầu phao dân sinh:

a) Mố cầu phao được xây dựng bằng các loại kết cấu đảm bảo khai thác an toàn.

b) Nhịp phao là hệ nổi bằng các phao nhựa đường kính ≥ 0,5 m; dài ≥ 0,85m được lắp ghép trong khung cứng làm bằng thép định hình, mỗi khung phao chứa 6 phao nhựa.

c) Đường dẫn xuống cầu có nền rộng ≥ 5 m, mặt rộng ≥ 3 m, mặt đường làm bằng các loại vật liệu đảm bảo khai thác an toàn và êm thuận.

d) Các trụ lan can cầu phao dân sinh được làm bằng các loại vật liệu không rỉ có đường kính ≥ Ф40 mm, cao ≥ 1,2 m. Tay vịn, làm bằng thép hình hoặc thép sợi có đường kính >Ф10 mm. Hệ lan can cầu bố trí chắc chắn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại trên cầu.

9. Bố trí Barie và nội quy hai đầu cầu phao dân sinh:

- Barie ở hai đầu cầu có chức năng ngăn chặn người và phương tiện lưu thông qua cầu trong các trường hợp: Cắt cầu khi có trường hợp mưa lũ; sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ cầu hoặc khi có tàu thuyền lớn đi qua tại thời điểm không cho lưu hành qua cầu (từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau). Barie được làm bằng thép hình, đảm bảo ổn định, chắn chắn;

- Nội quy của cầu phao dân sinh được lắp ở hai đầu Barie; nội quy phải nêu rõ: Thời gian hoạt động cầu phao dân sinh, các loại xe được lưu thông qua cầu, giá vé của các loại xe qua cầu (nếu có).

Điều 6. Trang thiết bị.

1. Trang thiết bị điện của cầu phao dân sinh phải thỏa mãn các yêu cầu sau đây:

- Hai bên lan can cầu phải bố trí điện chiếu sáng khoảng cách ≤ 10 m một bóng đèn;

- Điện áp không lớn hơn 220V;

- Phải bố trí tại khoang thông thuyền và dọc lan can cầu phải có thiết bị bảo vệ bảo đảm chống giật, chống đứt dây;

- Tất cả các dây dẫn phải được luồn trong ống bảo vệ;

- Có 01 máy phát điện dự phòng, công suất không nhỏ hơn 5kw.

2. Trang thiết bị điện của nhà hàng nổi phải thỏa mãn các yêu cầu sau đây:

- Điện áp không lớn hơn 220V;

- Tất cả các thiết bị sử dụng điện phải có dây tiếp đất; phải có thiết bị bảo vệ bảo đảm chống giật và có thiết bị chống sét;

- Có 01 máy phát điện dự phòng, công suất không nhỏ hơn 5kw.

3. Thiết bị khác:

Tại các cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi phải bố trí thêm các thiết bị: Xích, hệ tời, pa lăng, dây cáp.

Điều 7. Phòng và chữa cháy

1. Tùy theo tính chất, quy mô của từng nhà hàng nổi, phải đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

2. Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với nhà hàng nổi phải thực hiện theo đúng Tiêu chuẩn hiện hành về trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình.

Điều 8. Yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường

1. Nhà hàng nổi trong quá trình hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa QCVN 17:2011/BGTVT được ban hành theo Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT ngày 20 tháng 12 năm 2011 và Thông tư số 08/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.

2. Ngoài các quy định tại Khoản 1 Điều này, việc trang bị các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm trên nhà hàng nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các yêu cầu sau:

a) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất thải và nước thải:

- Nhà hàng nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thiết bị vệ sinh tự hủy đạt tiêu chuẩn; tối thiểu 02 phòng vệ sinh cho nhà hàng có sức chở từ 50 khách trở xuống, trên 02 phòng vệ sinh đối với nhà hàng có sức chở trên 50 khách, không được thải ra trực tiếp ra sông hồ;

- Nhà hàng nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa nước thải để chuyển đến nơi tiếp nhận xử lý; thiết bị xử lý nước thải phải thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt;

b) Trang bị ngăn ngừa ô nhiễm rác: Nhà hàng nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thiết bị chứa rác để chuyển đến nơi tiếp nhận. Không được đổ, xả rác xuống sông, hồ;

3. Nhà hàng nổi phải chấp hành các quy định của pháp luật môi trường về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Điều 9. Yêu cầu về thẩm mỹ, tiện nghi

1. Đối với cầu phao dân sinh phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

a) Hai bên đầu cầu phải vệ sinh sạch sẽ, trục vớt thanh thải các rều rác vướng mắc ở các phao, trên sàn ván gỗ lót sàn.

b) Thường xuyên vệ sinh lan can cầu; bố trí nhà chờ, hành lang đi lại thuận tiện.

2. Đối với nhà hàng nổi, phòng phục vụ ăn uống phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

a) Phòng ăn phải thoáng mát, sạch sẽ, trang nhã; ngăn cách với khu chế biến đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói, mùi; sàn không bị trơn trượt, có độ nghiêng cần thiết để thoát nước; có đủ bàn và ghế ngồi đảm bảo an toàn.

b) Có đủ ghế ngồi theo sức chở của nhà bè và bàn đặt trước các hàng ghế. Ghế ngồi đảm bảo chất lượng, chiều rộng của ghế không nhỏ hơn 50cm/chỗ ngồi; bố trí hành lang đi lại thuận tiện.

c) Cửa sổ đóng mở thuận tiện, có ri - đô che nắng và các phương tiện chống nóng.

Chương III

ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Điều 10. Điều kiện hoạt động

1. Cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi khi đưa vào hoạt động phải tuân thủ đúng các yêu cầu về kỹ thuật và bảo vệ môi trường được quy định tại Chương II Quy định này và phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xác nhận bằng văn bản theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi đều phải đăng ký kinh doanh và thực hiện nộp thuế, các khoản phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi chỉ được hoạt động trong điều kiện không có mưa lũ lớn, áp thấp nhiệt đới, bão với sức gió từ dưới cấp 7, mức báo động lũ trên các sông dưới cấp 1. Trước 48 giờ khi có dự báo áp thấp nhiệt đới, bão đến với sức gió từ cấp 7 trở lên, báo động lũ từ cấp 1 trở lên hoặc trước 48 giờ khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi phải đưa phương tiện vào vị trí an toàn do UBND cấp huyện quy định.

Điều 11. Phạm vi hoạt động

1. Cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi chỉ được phép hoạt động trên sông, đường thủy nội địa tỉnh Quảng Trị cách cửa biển ít nhất 1000 m tại vị trí được UBND cấp huyện quy định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép hoạt động vùng nước.

2. Nhà hàng nổi được phép hoạt động từ 06 giờ 00 đến 23 giờ 30. Cầu phao dân sinh được phép hoạt động từ 05 giờ 00 đến 23 giờ 30, trừ các trường hợp khẩn cấp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Chủ phương tiện cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi có trách nhiệm thực hiện trang bị thiết bị phương tiện, duy trì và đảm bảo hoạt động theo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và điều kiện, phạm vi hoạt động theo Quy định này. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác quản lý khai thác và phòng, chống bão, lụt, cháy nổ.

2. Trong quá trình khai thác cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi phải bố trí người thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra; không được làm cản trở đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra chủ phương tiện cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi thực hiện các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi đưa phương tiện vào hoạt động.

b) Định kỳ 06 tháng kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi.

2. Công an tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

3. UBND cấp huyện:

Thực hiện việc quản lý cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi; theo dõi, lập sổ lưu trữ và quản lý hồ sơ, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh các cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn.

4. Sở Công Thương tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng tại các nhà hàng nổi.

5. Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện việc kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các nhà hàng nổi theo quy định này.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh môi trường đối với hoạt động của cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi hoạt động trên địa bàn.

7. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với cầu phao dân sinh, nhà hàng nổi hoạt động trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh các vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định pháp luật./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38/2017/QĐ-UBND về Quy định quản lý cầu phao dân sinh ngang sông và nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

  • Số hiệu: 38/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản