Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 377/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 08 tháng 5 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13/10/2006, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kì 2006-2020 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020;
Tiếp theo Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến 2020 (có đề án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Căn cứ Quyết định này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án đồng thời báo cáo kết quả hàng năm về UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số: 377/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2012 của UBND tỉnh Điện Biên)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng Đề án
1. Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.
- Về Điều kiện tự nhiên: Tỉnh Điện Biên nằm ở tây bắc Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2; phía Đông giáp tỉnh Sơn La; Phía Tây giáp Lào; phía Nam giáp Lào và tỉnh Sơn La; phía Bắc giáp Lai Châu và Trung Quốc. Tỉnh có đường biên giới quốc gia dài 400,861 km, trong đó: tiếp giáp với Lào là 360 km, tiếp giáp với Trung Quốc là 40,861 km. Trên tuyến biên giới với nước bạn Lào có cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, cửa khẩu phụ Si Pa Phìn (giáp với tỉnh Phong Xa Ly), cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc (giáp với tỉnh Luông Pra Băng); trên tuyến biên giới với Trung Quốc có lối mởi A Pa Chải tiếp giáp với huyện Giang Thành thuộc Thành phố Phổ Nhĩ - tỉnh Vân Nam. Với vị trí như vậy và hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, Điện Biên đã trở thành trung tâm, khá thuận lợi cho việc giao lưu trong khu vực và giữa các tỉnh tây bắc Việt Nam với các tỉnh bắc Lào, Vân Nam- Trung Quốc.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, Điện Biên có tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông suối, hang động, hồ nước, nước khoáng nóng,... thuận lợi cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch thiên nhiên.
- Về dân cư: Dân số của tỉnh có trên 51 vạn người, với 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc kinh chiếm 18,4%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có lịch sử cư trú và phong tục tập quán, truyền thống văn hóa lâu đời. Do vậy Điện Biên là vùng giầu bản sắc văn hóa dân tộc rất thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng.
- Về di tích lịch sử: Điện Biên tự hào có di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ (1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước) với các di tích tiêu biểu như: Đồi A1, C1, D1, E1, E2, Cầu Mường Thanh, Hầm Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi Him Lam, đường kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng…, cùng với các công trình Văn hóa như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 3 Nghĩa trang quốc gia,... là những chứng tích lịch sử ghi đậm chiến công chói lọi của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các di tích lịch sử gắn với quá trình giữ đất, giữ nước của cha ông, có giá trị tham quan, nghiên cứu như thành Bản Phủ và Đền Hoàng Công Chất, thành Sam Mứn… Điện Biên.
Những đặc điểm trên đã tạo cho Điện Biên tiềm năng, lợi thế rất quan trọng để phát triển du lịch.
2. Tình hình phát triển du lịch của tỉnh:
Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Điện Biên đã thu hút được sự chú ý ở cả trong và ngoài nước, từ đó đến nay lượng du khách trong và ngoài nước đến Điện Biên tăng liên tục hàng năm. Tỉnh đã tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ, Du lịch Điện Biên đã có bước phát triển nhanh, đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành dịch vụ, giải quyết việc làm cho người người dân địa phương, cải thiện đời sống nhân dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bước đầu được quan tâm đầu tư, các khu du lịch được hình thành và phát triển.
Lượng khách du lịch đến Điện Biên trong giai đoạn 2004-2010 đạt 1.392.000 lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,14 %/năm. Trong đó khách quốc tế đạt 184.000 lượt (chiếm 13,21% tổng lượng khách). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch giai đoạn 2004-2010 đạt 574,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,8%/năm. Năm 2010, ngành Du lịch Điện Biên đón 305 ngàn lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 52 ngàn lượt, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 150 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Năm 2011 đón 353 ngàn lượt, tăng 15,7 % so với năm 2010. Trong đó khách quốc tế đạt 64 ngàn lượt, tăng 23% so với năm 2010.
Tuy nhiên, Du lịch Điện Biên hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiều mặt hạn chế, yếu kém đã làm giảm khả năng thu hút khách du lịch. Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; hiệu quả của các hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao; Quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch chưa được triển khai đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch chưa hoàn chỉnh, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và Vân Nam - Trung Quốc còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, dẫn đến lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt thấp so với các tỉnh trong khu vực và bình quân chung của cả nước, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Từ đánh giá tiềm năng, thành công bước đầu và những thách thức hiện nay, để thúc đẩy các hoạt động du lịch của tỉnh, cần thiết phải xây dựng và phê duyệt Đề án Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, trên cơ sở đó đưa các hoạt động du lịch của tỉnh phát triển đúng theo định hướng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
II. Các căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án
1. Luật Du lịch số 44.2005/QH11 ngày 14/6/2005.
2. Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 89/2008/TT- BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch.
3. Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
4. Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
5. Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006-2020.
6. Nghị Quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XII Đảng bộ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2010-2015.
7. Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 3 năm 2007 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại đến năm 2010, định hướng những năm tiếp theo;
8. Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH TẠI TỈNH
I. Kết quả hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch Điện Biên
1. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động du lịch
Công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã được quan tâm. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đối với du lịch đã có bước chuyển biến tích cực. Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 3 năm 2007 của BCH Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại đến năm 2010 và những năm tiếp theo đã thể thiện rõ điều này, đồng thời định hướng và thúc đẩy hoạt động du lịch từng bước phát triển.
Các ngành, các cấp cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí đã thường xuyên chú trọng tuyên truyền về vai trò, vị trí của hoạt động du lịch.
Duy trì tổ chức các hoạt động Liên hoan ẩm thực truyền thống, Hội thi Thuyết minh viên du lịch, các hoạt động thể dục thể thao tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh du lịch, các Bản văn hóa du lịch tham gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tạo sự gắn kết…. Trong thời gian qua, văn hóa, giao tiếp ứng xử, ý thức về bảo vệ môi trường, trật tự trị an trong hoạt động du lịch của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại các khu điểm du lịch đã có tiến bộ đáng kể.
2. Về tuyên truyền, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài
2.1. Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá trong nước:
Hàng năm, tỉnh tổ chức khá nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Điện Biên Phủ. Các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch tham gia tích cực các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch tại các địa phương và trung tâm du lịch của cả nước như Hà Nội, Vũng Tàu, Lào Cai, Quảng Ninh… để quảng bá giới thiệu du lịch Điện Biên đến với đông đảo du khách và nhân dân, đồng thời tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, trong đó nổi bật là sự kiện Năm du lịch Điện Biên Phủ 2004, Tuần Văn hóa Du lịch Quốc gia Điện Biên năm 2009 để thu hút khách du lịch. Sản xuất và phát hành hàng vạn ấn phẩm phục vụ công tác giới thiệu quảng bá du lịch bao gồm: 10.000 Sách ảnh du lịch Điện Biên, 10.000 tập gấp du lịch, 10.000 Bản đồ du lịch, 5.000 đĩa phim Du lịch Điện Biên. Bên cạnh đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị tài trợ in ấn phát hành trên 10.000 tập gấp các loại, hàng nghìn băng rôn, cờ phướn quảng bá tại các chương trình sự kiện lớn của tỉnh; Xây dựng lắp đặt các biển quảng cáo tấm lớn tại các đầu mối giao thông như: Sân bay Điện Biên Phủ, Cầu Hang Tôm, Đèo Pha Đin, Hồ Huổi Phạ, Cửa khẩu quốc tế Tây Trang….
2.2. Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá ở nước ngoài:
Tỉnh đã thành lập Văn phòng Đại diện Thương mại và Du lịch Điện Biên tại tỉnh LuangPraBang, đồng thời tỉnh LuangPraBang đã thành lập Văn phòng đại diện Sở Công thương và Sở Du lịch tỉnh LuangPraBang tại Điện Biên. Đã tổ chức đón các Đoàn khảo sát du lịch do một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Lào, Thái Lan đến nghiên cứu các sản phẩm du lịch để hình thành các tour du lịch đến Điện Biên.
Ngoài các hoạt động trên công tác tuyên truyền quảng bá qua hệ thống thông tin điện tử ngày càng được chú trọng. UBND tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử, thông tin về du lịch Điện Biên bước đầu được cung cấp tới khách du lịch và các công ty lữ hành. Duy trì được các bài báo giới thiệu tiềm năng, sản phẩm và phản ánh hoạt động du lịch trên các báo, tạp chí, đài truyền hình trung ương, địa phương.
- Hàng năm tổ chức đón và làm việc với các đoàn khảo sát tiếp xúc điểm đến du lịch do Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các cơ quan báo chí tổ chức. Bước đầu đã hình thành tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khai thác, thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
3. Hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch
Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, lập danh mục các dự án ưu tiên đầu tư về du lịch, phát hành các ấn phẩm dự án đầu tư về du lịch phục vụ cho các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, có trên 20 dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực du lịch được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh.
Đối với việc xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch: Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch để làm cơ sở cho công tác quản lý và khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, đồng thời nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung trên địa bàn tỉnh Điện Biên (hiện Quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Hang động Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đã được xem xét và trình phê duyệt để thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới).
Đối với Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng:
Tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống Cầu treo bắc qua hồ Pá Khoang và hệ thống đường dạo, ngắm cảnh xung quanh hồ, phê duyệt mở rộng diện tích bảo tồn khu rừng đặc dụng Mường Phăng, đồng thời đang hoàn thiện các bước ban đầu để tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết trình Chính phủ phê duyệt.
Rà soát, đề xuất bổ sung sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh trong đó cơ chế thu hút đầu tư trong hoạt động du lịch để hỗ trợ cho các hoạt động du lịch. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, cấp thoát nước trên cơ sở hàng năm lồng ghép các nguồn vốn khác nhau nhằm tạo ra môi trường thuận lợi phát triển du lịch địa phương.
4. Hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp
Trên cơ sở các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, du lịch, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc đưa đón, trao đổi khách du lịch. Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tỉnh và các ngành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm với định hướng “Nhà nước xúc tiến điểm đến, doanh nghiệp xúc tiến sản phẩm”. Tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, quốc tế, đồng thời tiếp cận các thị trường khách du lịch trong nước, quốc tế góp phần định hình thị trường khách cho du lịch của tỉnh; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, người lao động trong ngành về chuyên môn, nghiệp vụ được triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
II. Những tồn tại, hạn chế của hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch
1. Những tồn tại, hạn chế
- Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với hoạt động du lịch chưa được tổ chức thường xuyên, hình thức chưa phong phú, thiếu sức hấp dẫn về nội dung. Số lượng và chất lượng sản phẩm tuyên truyền quảng bá chưa cao, hình thức còn đơn điệu. Trình độ dân trí của người dân tại các Bản văn hóa du lịch, các khu, điểm du lịch nhìn chung còn thấp, chưa xem du lịch là hoạt động đem lại thu nhập ổn định; các cấp các ngành chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động du lịch. Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh đã được thành lập năm 2005 nhưng chưa tổ chức được các các cuộc họp và chưa được kiện toàn khi nhân sự thay đổi.
- Hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường khách du lịch còn hạn chế. Thị trường khách du lịch hiện nay chủ yếu là thị trường nội địa và thị trường khách du lịch truyền thống như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Chưa tiếp cận được các thị trường khách có khả năng thanh toán cao, thời gian lưu trú dài.
- Các khu, điểm du lịch chậm được đầu tư phát triển, sản phẩm du lịch đơn điệu, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch còn yếu, sức hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế chưa cao. Do vậy khách du lịch chủ yếu là khách nội địa, mức chi tiêu thấp (chỉ tiêu dùng cho đi lại, ăn uống và lưu trú), chi tiêu cho mua sắm và các dịch vụ khác còn nhiều hạn chế.
- Kết quả thu hút đầu tư về du lịch triển khai thực hiện các dự án chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, đa số là dự án có quy mô nhỏ, chưa có dự án đầu tư của nước ngoài, các dự án ít sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế xã hội (đóng góp về ngân sách, tạo việc làm mới, thu nhập cho người lao động…) chưa cao. Tỷ lệ đầu tư vào các công trình vui chơi giải trí có quy mô lớn, các khu điểm du lịch chưa nhiều. Tiến độ triển khai một số dự án về du lịch sau quy hoạch còn chậm.
- Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai song hình thức và hiệu quả đạt được còn nhiều hạn chế; Chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xúc tiến du lịch chung của tỉnh.
- Tới nay, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư du lịch, các hội chợ, liên hoan chuyên ngành về hoạt động du lịch… tại tỉnh còn nhiều hạn chế.
- Mặc dù đã tổ chức đón các Đoàn khảo sát du lịch do một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Lào, Thái Lan đến nghiên cứu các sản phẩm du lịch để hình thành các tour du lịch đến Điện Biên. Tuy nhiên hoạt động này không thường xuyên được duy trì do không có nguồn kinh phí, ngoài ra chưa tổ chức được các hoạt động giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch tại các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Vân Nam Trung Quốc và các thị trường du lịch trọng điểm khác.
2. Nguyên nhân của những tồn tại
- Điện Biên nằm ở vị trí cách xa các trung tâm du lịch, các đầu mối nhận khách du lịch lớn của cả nước: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng...
- Nhận thức của một số cấp, ngành và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò và tác động hiệu quả của hoạt động du lịch tác động đến các ngành kinh tế-xã hội khác còn nhiều hạn chế, đặc biệt ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch….
- Nguồn ngân sách cung cấp cho hoạt động xúc tiến du lịch hàng năm chưa cân đối được và chưa có cơ chế chính sách điều chỉnh các hoạt động xúc tiến để từng bước đáp ứng theo nhu cầu ngày càng tăng. Mức độ đầu tư (từ các thành phần kinh tế) cho phát triển các sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển du lịch.
Hạ tầng cơ sở phục vụ cho hoạt động du lịch nhìn chung còn nhiều yếu kém, sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu.
- Các doanh nghiệp du lịch phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tài chính còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác quảng bá tiếp thị du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao.
1. Mục tiêu tổng quát
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch và dịch vụ của tỉnh phát triển toàn diện về mọi mặt theo chủ trương đã đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015: “Tổ chức hợp lý không gian du lịch toàn tỉnh; tăng cường quảng bá, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Bắc. Tập trung đầu tư một số khu, tuyến, điểm du lịch có tầm cỡ quốc gia, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có sức cạnh tranh. Khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết hình thành các tour du lịch trong nước, quốc tế qua Điện Biên; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, từng bước đưa tỉnh Điện Biên trở thành một trọng điểm du lịch của vùng, của Quốc gia. Phấn đấu đến năm 2015 đón 450 - 500 ngàn lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 100 ngàn lượt khách quốc tế”.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với quốc phòng an ninh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc và là một trong những trọng điểm của vùng Du lịch Trung du, miền núi bắc bộ. Qua đó thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn,... Góp phần thu hút và tăng nhanh lượng khách du lịch đến Điện Biên.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong việc tiếp cận các thông tin về du lịch Điện Biên, sử dụng các sản phẩm dịch vụ du lịch, giải quyết nhanh chóng các thủ tục xuất nhập cảnh… Phấn đấu từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 15%/năm; tổng sản phẩm du lịch năm 2020 đạt trên 900 tỷ đồng.
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, định hướng mục tiêu và nhiệm vụ, yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Qua đó đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa phát triển du lịch, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các vùng, địa phương trong tỉnh. Phấn đấu năm 2015, thu hút được 8.000-10.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 2.500 người, lao động gián tiếp là 5.500-7.500 người. Năm 2020 phấn đấu tạo việc làm cho 24.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp đạt trên 7.500 người.
II. Nội dung hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
1. Tuyên truyền, quảng bá du lịch Điện Biên đến các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và nước ngoài
1.1. Nội dung
- Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đối với việc bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa phi vật thể và vật thể để phát triển du lịch; Nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hoá các hoạt động du lịch.
- Tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh con người và mảnh đất Điện Biên tới các doanh nghiệp du lịch, các thị trường khách du lịch mục tiêu;
- Giới thiệu thông tin và sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo đài, internet, tạp chí chuyên ngành, website văn hóa, thể thao, du lịch Điện Biên..) là điểm đến của loại hình du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái…
1.2. Hoạt động cụ thể
a) Nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, tạo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, thân thiện đối với khách du lịch
- Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp dân cư tại các điểm du lịch về vai trò, nhiệm vụ và sự cần thiết phải phát triển du lịch cũng như những tác động và đóng góp tích cực của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về trách nhiệm của mỗi đơn vị và cá nhân trong việc phát triển du lịch, hoạt động du lịch thực sự góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất kinh tế xã hội phát triển là công cụ xóa đói, giảm nghèo và hài hòa xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ an ninh, an toàn, tạo ấn tượng tốt với khách du lịch. Hình thức tuyên truyền: đẩy mạnh việc thông tin trên báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh-Truyền hình, mạng thông tin điện tử, sản xuất các ấn phẩm, tổ chức các lớp tập huấn, phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
- Hàng năm tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm quản lý du lịch của các tỉnh bạn có hoạt động du lịch phát triển hoặc kinh nghiệm của nước ngoài có tiềm năng, lợi thế du lịch như Điện Biên để tiếp thu kinh nghiệm tốt của các tỉnh, thành phố trong nước và các nước trong khu vực về phát triển du lịch.
b) Tuyên truyền quảng bá trong nước và ngoài nước
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người Điện Biên nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Điện Biên du lịch. Hình thức tuyên truyền, quảng bá: thiết kế và xây dựng gian hàng để tham gia các hội chợ, hội thảo, liên hoan và các sự kiện du lịch trong nước, ngoài nước. Hàng năm sẽ tổ chức 1-2 chương trình xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm của du lịch Điện Biên ở trong nước và nước ngoài (trong thời gian tới định hướng thị trường trọng điểm vẫn là Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp).
+ Tham gia Hội chợ du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE) hàng năm
(Hội chợ Du lịch quốc tế lớn nhất Việt Nam được tổ chức hàng năm)
+ Tổ chức giới thiệu các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 105 năm thành lập tỉnh và tiềm năng du lịch Điện Biên tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Paris (Pháp).
+ Hàng năm, phối hợp với tỉnh LuôngPraBang và các tỉnh Bắc Lào (CHDCND Lào) tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch của hai bên.
- Nâng cao chất lượng các sản phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch:
+ Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch Điện Biên dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú hấp dẫn phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, thị trường bao gồm: CD tuyển chọn các ca khúc hay viết về mảnh đất, con người Điện Biên, Bản đồ du lịch, sách cẩm nang du lịch, bưu ảnh du lịch, danh bạ cơ sở lưu trú du lịch Điện Biên, các chương trình du lịch chuyên đề dành cho khách du lịch nội địa, khách quốc tế. Các ấn phẩm quảng bá tập trung giới thiệu mảnh đất, con người Điện Biên, các tài nguyên sản phẩm du lịch Điện Biên (trọng tâm đi vào các sản phẩm đang có lợi thế của tỉnh như du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…)
+ Lắp đặt, sửa chữa và quản lý hệ thống biển quảng cáo tấm lớn, duy trì các bảng, biển hướng dẫn cho khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch hiện có và làm mới ở một số điểm du lịch mới.
+ Xây dựng phim giới thiệu về du lịch Điện Biên, các phim chuyên đề về du lịch (du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, cộng đồng …).
- Quảng bá du lịch thông qua hệ thống thông tin điện tử: Bổ sung thông tin, nâng cấp Website văn hóa, thể thao và du lịch Điện Biên hàng năm.
- Quảng bá du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng chuyên mục du lịch trên báo Điện Biên Phủ, đài truyền hình trung ương và địa phương hàng tháng, quý.
- Định kỳ tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng đặc trưng của tỉnh Điện Biên phục vụ khách du lịch.
2. Nghiên cứu, tổng hợp thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường khách du lịch
2.1. Nội dung
- Nghiên cứu, củng cố, mở rộng và khai thác có hiệu quả những thị trường du lịch quốc tế trọng điểm, kết hợp với phát triển thị trường du lịch nội địa, nhất là đối với các thị trường du lịch truyền thống, mở rộng tìm kiếm các thị trường du lịch mới.
- Cung cấp kịp thời các thông tin về du lịch cho khách du lịch, các hãng lữ hành quốc tế và nội địa.
2.2. Hoạt động cụ thể
a) Thực hiện thống kê, nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển mở rộng thị trường khách du lịch trong nước, quốc tế, đồng thời đánh giá nhu cầu, thị hiếu du lịch của từng thị trường, có kế hoạch tiếp cận và điều chỉnh sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khách du lịch, cụ thể là:
- Thị trường khách nội địa: Trọng tâm là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thủ đô Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đông bắc Quảng Ninh và xúc tiến dần đến các thị trường phía Nam.
- Thị trường khách quốc tế: Tập trung vào thị trường các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, từng bước mở rộng đến các thị trường khác như: Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
b) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch:
- Dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử, văn hóa…
- Dữ liệu về cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành, các dịch vụ khác, số liệu thống kê kết quả hoạt động du lịch;
- Dữ liệu về pháp luật, cơ chế chính sách, các dự án đầu tư về du lịch…
- Dữ liệu về các tour, tuyến du lịch trọng điểm của Điện Biên, Vòng cung Tây – Đông Bắc, quốc tế.
c) Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho khách du lịch: Qua website du lịch, tổ chức các điểm cung cấp thông tin miễn phí cho khách du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, sân bay Điện Biên Phủ….
d) Hợp tác phát triển về du lịch với các địa phương trong nước và ngoài nước:
Xây dựng sản phẩm du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Điện Biên – Phong Sa Ly – Luang Pra Bang, các tuyến du lịch đi Vân Nam Trung Quốc…
đ) Hàng năm tổ chức cho các hãng lữ hành (Farmtrip), các đoàn phóng viên báo chí (Presstrip) trong nước và ngoài nước khảo sát các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch của tỉnh…
3. Xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm du lịch
3.1. Nội dung
- Xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, những sản phẩm du lịch độc đáo, có chất lượng cao, mang tính đặc thù của địa phương, có khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc, đặc trưng là lịch sử và văn hóa.
- Nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm phục vụ tốt cho khách du lịch khi đến tham quan, du lịch tại Điện Biên;
- Khuyến khích thu hút các đối tác ở trong và ngoài nước vào đầu tư xây dựng các dự án du lịch có quy mô lớn tại Điện Biên nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch Điện Biên, đặc biệt là sản phẩm liên quan đến di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực dân tộc, lễ hội...
3.2. Hoạt động cụ thể
- Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, lập các dự án về du lịch để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung các dự án ở thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, hồ Pá Khoang…
- In ấn và phát hành các tài liệu, các dự án đầu tư về du lịch; Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch ở trong và ngoài nước như tổ chức, tham gia các hội chợ, hội thảo…
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn; Chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch đã được phê duyệt.
4. Tư vấn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch
4.1. Nội dung
- Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, lao động trong lĩnh vực du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Điện Biên về sản phẩm du lịch, về công tác nghiên cứu thị trường, mở rộng các mối quan hệ hợp tác đầu tư, đào tạo, chuyển giao công nghệ, trang thiết bị phục vụ khách du lịch…
- Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn mở rộng hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm thu hút khách du lịch.
4.2. Hình thức
- Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch:
+ Tư vấn, hỗ trợ về xây dựng tour, tuyến du lịch, cung cấp các thông tin liên quan về khách du lịch cho các doanh nghiệp trên địa bàn;
+ Tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch Điện Biên đi khảo sát, nghiên cứu thị trường;
+ Phối hợp nghiên cứu khảo sát môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch:
+ Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ marketing, xúc tiến du lịch cho cán bộ của các đơn vị kinh doanh du lịch theo hình thức xã hội hóa.
+ Tranh thủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng của “Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho 1000 giám đốc khách sạn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức về kiến thức, kỹ năng, trình độ quản lý điều hành đáp ứng yêu cầu của ngành, của doanh nghiệp và đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
+ Tổ chức các lớp tập huấn về phổ biến pháp luật, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về các chuyên đề xúc tiến du lịch, marketing, lữ hành, khách sạn, các nghiệp vụ phục vụ khách du lịch: bàn, bếp, buồng, lễ tân, an ninh…
III. Khái toán nguồn vốn thực hiện Đề án
Tổng vốn đầu tư để thực hiện Đề án: 34.027.500.000đ (Ba mươi tư tỷ hai mươi bảy triệu năm trăm ngàn đồng), trong đó:
1. Ngân sách nhà nước: 26.527.500.000đ (Hai mươi sáu tỷ năm trăm hai mươi bảy triệu năm trăm ngàn đồng).
(có dự toán kinh phí kèm theo)
- Phân kỳ đầu tư:
+ Năm 2012: 2.935 triệu đồng;
+ Năm 2013: 10.900 triệu đồng;
+ Năm 2014: 1.910 triệu đồng;
+ Năm 2015: 1.770 triệu đồng;
+ Năm 2016: 1.670 triệu đồng;
+ Năm 2017: 1.270 triệu đồng;
+ Năm 2018: 1.780 triệu đồng;
+ Năm 2018: 940 triệu đồng;
+ Năm 2020: 940 triệu đồng;
+ Dự phòng phát sinh: 2.411,5 triệu đồng.
2. Kinh phí xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch: 7.500 triệu đồng, trong đó:
- Tổ chức sản xuất các ấn phẩm của đơn vị để tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến với khách du lịch: 1.000 triệu đồng.
- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tham gia các sự kiện, Hội chợ du lịch trong nước và quốc tế: 2.000 triệu đồng.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức sản xuất các phim, phóng sự giới thiệu về du lịch Điện Biên, đồng thời đón các Đoàn khảo sát trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu thông tin, sản phẩm để hình thành các tour du lịch đưa khách đến Điện Biên: 2.500 triệu đồng.
- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhằm từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần thu hút khách du lịch đến Điện Biên: 2.000 triệu đồng.
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Xúc tiến việc thành lập Hiệp hội du lịch tỉnh Điện Biên để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn liên kết, hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn kinh tế- kỹ thuật trong kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên….
2. Rà soát cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, như ưu đãi về thuế, vốn, đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng…
3. Xây dựng và phê duyệt các quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.
4. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong đó chú trọng đến các nghiệp vụ marketing, lữ hành, bàn, bar, bếp, lễ tân, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, lái xe phục vụ khách du lịch… Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đầu tư phát triển và áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tuyên truyền, xúc tiến du lịch. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm quản lý và áp dụng các mô hình, hình thức xúc tiến du lịch có hiệu quả trên thế giới.
5. Hàng năm lựa chọn tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh mảnh đất, con người Điện Biên tại các liên hoan, sự kiện du lịch do các tỉnh, thành phố trong nước, các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Vân Nam Trung Quốc tổ chức. Tổ chức sản xuất các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch đến Điện Biên: Bản đồ du lịch Điện Biên, sách cẩm nang du lịch Điện Biên, các bưu ảnh du lịch, phim phóng sự, các xuất bản phẩm giới thiệu về các dự án ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức cung cấp một cách có hệ thống, khoa học các thông tin về du lịch Điện Biên đến khách du lịch tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, cửa khẩu Tây Trang….
6. Xây dựng Trung tâm giới thiệu thông tin về du lịch Điện Biên tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hàng năm tổ chức đón và làm việc với các đoàn khảo sát tiếp xúc điểm đến du lịch do Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các cơ quan báo chí tổ chức. Tổ chức Hội thi thiết kế mẫu hàng lưu niệm và quà tặng du lịch Điện Biên, lựa chọn được mẫu hàng lưu niệm và quà tặng đặc sắc để tổ chức sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
7. Tổ chức giới thiệu tiềm năng du lịch của Điện Biên và các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 105 năm thành lập tỉnh tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Paris (Pháp).
1. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Chủ trì tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch Điện Biên Giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo từng năm và chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện. Theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, những vướng mắc trong quá trình tiến hành thực hiện Đề án.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan trong công tác hỗ trợ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến quảng bá.
- Tăng cường công tác quản lý, phân cấp quản lý và chỉ đạo việc thực hiện chương trình xúc tiến du lịch đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan (Biên phòng, Hải Quan, Hàng không…) tổ chức các điểm cung cấp thông tin miễn phí cho khách du lịch.
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở VH,TT&DL và các sở, ban ngành liên quan rà soát, tham mưu về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn;
- Phối hợp chỉ đạo lập các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Phối hợp tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong hoạt động xúc tiến đầu tư chung của tỉnh.
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành bố trí kế hoạch kinh phí, cấp phát đảm bảo ngân sách hàng năm cho thực hiện Đề án. Hướng dẫn, giám sát việc sử dụng kinh phí. Phối hợp với các ngành, địa phương trong việc tham gia xây dựng, đề xuất các chính sách, giải pháp trong quá trình thực hiện.
4. Sở Giao thông-Vận tải
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan xúc tiến nghiên cứu, khảo sát xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển khách mở tuyến xe buýt Điện Biên Phủ - Pá Khoang – Mường Phăng phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch; xây dựng Đề án mở tuyến cố định vận chuyển khách Điện Biên Phủ - Luông Pra Băng qua cửa khẩu Huổi Puốc- Na Son.
- Tham mưu với UBND tỉnh đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam VietNam Airlines nghiên cứu mở lại đường bay kết nối LuangPrabang - Điện Biên Phủ phục vụ nhu cầu vận chuyển khách.
5. Sở Thông tin – Truyền thông, Đài PT-TH, Báo Điện Biên Phủ
- Phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền, giới thiệu du lịch Điện Biên trên các phương tiện thông tin để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về hoạt động du lịch cũng như công tác bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường sinh thái.
- Chủ trì xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về hoạt động du lịch trên các ấn phẩm báo chí.
6. Các ngành Công an, Biên phòng, Hải quan, Ngoại vụ
- Phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức công tác cung cấp thông tin cho khách du lịch tại các cửa khẩu, đồng thời tiếp tục thực hiện đơn giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hãng lữ hành quốc tế trong hoạt động đón, dẫn khách du lịch, tham quan bản làng dân tộc và tham gia các hoạt động cộng đồng. tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực để đủ điều kiện thực hiện nhanh chóng các thủ tục liên quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và sân bay theo đúng quy định về tiêu chuẩn cửa khẩu.
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đảm bảo thuận tiện trong việc cấp Thị thực cho khách du lịch quốc tế tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
7. Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động- Thương binh và Xã hội.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ một số Bản khôi phục các nghề thủ công truyền thống sản xuất các sản phẩm lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nông dân nông thôn để người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch một cách có hiệu quả.
8. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý nguồn tài nguyên du lịch, gìn giữ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch tại địa phương.
- Chủ động tham gia quy hoạch, xây dựng các khu, điểm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn; tạo điều kiện phát triển các nghề, sản phẩm thủ công truyền thống cung cấp cho thị trường các hàng hóa lưu niệm của địa phương đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị hiếu của du khách.
9. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; Tích cực tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp, hình ảnh du lịch của tỉnh đến khách du lịch trong và ngoài nước.
- Chủ động xây dựng thương hiệu, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu các dịch vụ đến các thị trường khách.
Các Sở, ban ngành, địa phương, căn cứ nội dung có liên quan, chủ động phối hợp tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ để góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm./.
- 1Quyết định 571/QĐ-UBND về Chương trình xúc tiến du lịch năm 2014 tỉnh Cà Mau
- 2Kế hoạch 29/KH-UBND năm 2016 tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020
- 3Kế hoạch 155/KH-UBND triển khai hoạt động tuyên truyền và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN năm 2017 do tỉnh An Giang ban hành
- 4Kế hoạch 1811/KH-UBND năm 2018 về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018-2020
- 5Quyết định 2396/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025
- 1Luật du lịch 2005
- 2Quyết định 230/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 92/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Du lịch
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Quyết định 91/2008/QĐ-BVHTTDL phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành
- 6Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định 92/2007/NĐ-CP thi hành một số điều Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành
- 7Quyết định 2473/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 150/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020
- 9Quyết định 571/QĐ-UBND về Chương trình xúc tiến du lịch năm 2014 tỉnh Cà Mau
- 10Kế hoạch 29/KH-UBND năm 2016 tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020
- 11Kế hoạch 155/KH-UBND triển khai hoạt động tuyên truyền và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN năm 2017 do tỉnh An Giang ban hành
- 12Kế hoạch 1811/KH-UBND năm 2018 về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018-2020
- 13Quyết định 2396/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025
Quyết định 377/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến 2020
- Số hiệu: 377/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/05/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Người ký: Giàng Thị Hoa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra