Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2396/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 19 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 25/5/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 09/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 101/TTr-SVHTTDL ngày 12/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025.

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Thực trạng công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch Hưng Yên giai đoạn 2016-2020

Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch chịu nhiều tác động bởi quá trình hội nhập hóa, toàn cầu hóa; sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ; cùng với các tác động lớn của sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 hiện nay. Trước những cơ hội, thách thức đó, đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hưng Yên nói riêng cần có những định hướng, chiến lược phát triển. Đặc biệt hoạt động tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch, cần phải quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch, những tác động của bối cảnh mới để có những thay đổi cho phù hợp.

Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, với hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, dày đặc; các lễ hội, làng nghề, loại hình nghệ thuật truyền thống, cùng nhiều đặc sản ẩm thực hấp dẫn. Đây là những giá trị quan trọng để tỉnh Hưng Yên khai thác, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương với những nét độc đáo riêng biệt, tạo sức hút đối với du khách. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 phê duyệt Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020. Qua 05 năm thực hiện Đề án, du lịch Hưng Yên đã có những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:

a) Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng

Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch Hưng Yên được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung phối hợp với các cơ quan báo, đài, tạp chí trung ương và địa phương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch, các điểm di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống và các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh như: Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2), Đài truyền hình kỹ thuật số VTC10, VTC4, Đài Phát thanh - Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên, Tạp chí Du lịch Việt Nam thực hiện các chương trình quảng bá về du lịch Hưng Yên, chương trình trải nghiệm thực tế, phim du lịch Hưng Yên như: Chương trình “Hành trình di sản - Tết làng”, Hưng Yên - báu vật trăm năm của đất Việt...

Xuất bản và tái bản hàng vạn ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch như: sách Hưng Yên - vùng quê văn hiến, cẩm nang du lịch Hưng Yên, tập gấp, Bản đồ du lịch, đĩa DVD du lịch Hưng Yên... Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 04 bảng quảng cáo tấm lớn, trong đó có xây dựng mới 02 bảng (tại cầu Hưng Hà và đầu đường cao tốc thuộc huyện Khoái Châu) và 02 bảng sửa chữa, nâng cấp tại đầu thành phố Hưng Yên và quốc lộ 5 huyện Văn Lâm. Trang web về du lịch Hưng Yên (www.hungyentourism.com.vn) được hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả đã thu hút được đông đảo khách du lịch, nhà đầu tư quan tâm truy cập....

Ký kết thỏa thuận hợp tác với Viễn thông Hưng Yên (VNPT Hưng Yên) triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hưng Yên.

b) Tham gia tổ chức hội chợ, hội thảo, triển lãm và các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế

Tổ chức 04 cuộc hội nghị, hội thảo như: Chương trình khảo sát tour du lịch nông thôn và Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên tại Văn Giang 2016; Hội thảo “Phát triển du lịch làng nghề Hưng Yên” năm 2017 Hội thảo “Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Hưng Yên” năm 2019 và “Hội nghị xúc tiến điểm đến và Chương trình kích cầu du lịch nội địa tỉnh Hưng Yên” năm 2020, với trên 500 đại biểu. Tổ chức Cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Hưng Yên lần thứ I năm 2017; Cuộc thi sáng tác logo và slogan du lịch Hưng Yên; Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Hưng Yên năm 2020. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, giới thiệu, quảng bá du lịch tỉnh Hưng Yên trên tuyến phố đi bộ tại Hà Nội năm 2018, 2020....

Quảng bá du lịch Hưng Yên tại các hội chợ, sự kiện du lịch do Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố tổ chức như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM-Hanoi các năm 2017, 2018, 2019, 2020; Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, 2018, 2019, 2020; Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội; Lễ hội ẩm thực nhân dịp Festival Nghề truyền thống Huế; Hội chợ Du lịch - Ẩm thực, Làng nghề thủ công, Thương mại tỉnh Thái Nguyên; Hội chợ Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 17 trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Lào Cai 2017; Liên hoan Ẩm thực Quốc tế lần thứ III - Huế; Liên hoan Ẩm thực toàn quốc - Quảng Ninh 2018; Hội thi nghiệp vụ Buồng toàn quốc năm 2018; Festival ẩm thực - du lịch quốc tế tại Nghệ An 2019; Festival làng nghề truyền thống Huế 2019; Triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch biển đảo Việt Nam 2019” tại Nha Trang; Liên hoan Ẩm thực Bắc Ninh 2020...

Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa và Hội chợ đặc sản vùng miền; Lễ hội tôn vinh Nhãn lồng Hưng Yên năm 2017, 2018; các huyện, thành phố tổ chức đón các đoàn khách trong nước và quốc tế về tham quan tìm hiểu thị trường kết hợp du lịch tại tỉnh.

c) Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ; trao đổi học tập kinh nghiệm

Tổ chức 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về du lịch cho cán bộ Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thành phố, các khu di tích, điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác trên địa bàn tỉnh, với gần 200 người/lớp. Tổ chức 04 lớp bồi dưỡng nhận thức về du lịch và văn hóa ứng xử cho cộng đồng dân cư tại huyện Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm, Phù Cừ, Yên Mỹ; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; 01 lớp tập huấn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và khảo sát học tập kinh nghiệm tại tỉnh Ninh Bình; 01 lớp Bồi dưỡng kiến thức xúc tiến quảng bá du lịch Hưng Yên.

Liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước như: ký kết Chương trình hợp tác về phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020 giữa Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội- Bắc Ninh- Hải Dương- Hưng Yên- Vĩnh Phúc; Hợp tác phát triển du lịch giữa Hưng Yên và Hải Dương; hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên... đưa khách du lịch về tham quan du lịch tại Hưng Yên. Ngoài ra, tích cực tham gia khảo sát điểm đến, kết nối tour du lịch với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng như: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương, Lạng Sơn....

d) Tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tài liệu phục vụ hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch

Công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Đến hết tháng 12/2020, toàn tỉnh có 256 cơ sở lưu trú du lịch với 3.092 phòng, trong đó có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 18 khách sạn 1 sao. Chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản được đảm bảo.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch: Hiện tại chủ yếu tập trung nâng cấp một số tuyến đường, bến cảng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác một số khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, Cây đa và đền thờ La Tiến, di tích đền Phù Ủng, di tích Chùa Nôm, đền Đậu An, đền Đa Hòa, Triệu Việt Vương, Lạc Long Quân....

đ) Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nghiên cứu thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm

Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh thông qua tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh của doanh nghiệp trên website: www.hungyentourism.com.vn, ấn phẩm thông tin du lịch (bản đồ, bản tin, sách cẩm nang du lịch Hưng Yên...); hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện du lịch lớn trong toàn quốc như: Công ty cổ phần Đồng Chiêm (Chí Tân, Khoái Châu) chuyên quảng bá về sản phẩm tinh bột nghệ; Hợp tác xã nhãn Miền (Khoái Châu); Công ty TNHH Mây tre xuất khẩu Phú Minh (Khách sạn Phú Mỹ và nhà hàng Cố đô Hội quán)... tham gia quảng bá và bán sản phẩm tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM-Hanoi, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Làng nghề truyền thống Hà Nội, Liên hoan ẩm thực toàn quốc- Quảng Ninh 2018; Hội thi nghiệp vụ Buồng toàn quốc năm 2018.

e) Kinh phí thực hiện và tăng trưởng du lịch

Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí nhà nước cấp cho hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch Hưng Yên là: 11.241 triệu đồng (đạt khoảng 61,66% so với Đề án): Năm 2016: 1.910 triệu đồng; năm 2017: 1.855 triệu đồng; năm 2018: 2.040 triệu đồng; năm 2019: 2.175 triệu đồng; năm 2020: 3.261 triệu đồng.

Lượng khách và doanh thu du lịch Hưng Yên tăng qua các năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và tình hình thiên tai lũ lụt cuối năm nên lượng khách và doanh thu giảm 70%-80% so với năm 2019.

TT

Nội dung

ĐVT

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

1

Lượt khách

người

700.000

750.000

900.000

1.000.000

300.000

- Nội địa

người

688.000

731.000

880.000

979.500

250.000

- Quốc tế

người

12.000

19.000

20.000

20.500

5.000

Tăng trưởng

%

9,04

10,7

12

11,1

-

2

Doanh thu

Tr.đồng

105.000

150.000

200.000

220.000

70.000

Nhìn chung, giai đoạn 2016-2020 công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh được quan tâm thực hiện. Ngành du lịch Hưng Yên từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút khách du lịch và đạt một số kết quả tích cực: Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân trong tỉnh về vai trò, vị trí của ngành du lịch được nâng lên; hình ảnh du lịch Hưng Yên dần được tạo dựng với các điểm đến thu hút du khách như: khu Phố Hiến, khu Đa Hòa-Dạ Trạch, khu đền Ủng, làng cổ Đại Đồng, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, các Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến...; đã thu hút được các nhà đầu tư dự án du lịch cũng như phát huy các nguồn lực trong xã hội để phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch như: lưu trú, lữ hành, vận chuyển, ăn uống,... từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách; hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy thuận lợi tạo điều kiện cho Hưng Yên dễ dàng liên kết với các tỉnh trong vùng du lịch Bắc Bộ, nối tour, tuyến du lịch, mở rộng khai thác thị trường phát triển du lịch.

2. Tồn tại, hạn chế

- Hoạt động tuyên truyền, quảng bá chưa thực sự phong phú về hình thức, hấp dẫn về nội dung; việc cung cấp thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, công ty lữ hành và khách du lịch; ấn phẩm du lịch mới chỉ sử dụng 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh;

- Chưa tham gia nhiều các sự kiện xúc tiến, quảng bá trong nước, quốc tế; hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường khách du lịch còn hạn chế, thị trường khách chủ yếu là khách du lịch nội địa, chưa tiếp cận được với thị trường khách có khả năng thanh toán cao, thời gian lưu trú dài;

- Sản phẩm du lịch, dịch vụ còn nghèo nàn, du lịch Hưng Yên mới chỉ khai thác các di tích lịch sử và lễ hội, còn cảnh quan sông Hồng, các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể chưa được khai thác thường xuyên; thiếu cơ chế đồng bộ giữa các huyện, thị xã, thành phố dẫn đến khai thác tài nguyên còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch;

- Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu;

- Lực lượng trực tiếp triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu kinh nghiệm hoạt động đối với thị trường quốc tế.

- Ngân sách cấp cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn hẹp; các địa phương chưa quan tâm dành nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

- Cơ chế xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch chưa có; chưa huy động được các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xúc tiến du lịch chung của tỉnh; thu hút đầu tư và xã hội hóa trong ngành du lịch kết quả khiêm tốn: Số dự án đầu tư không nhiều, nguồn kinh phí ít, chưa có khu, điểm du lịch được đầu tư xứng tầm với tiềm năng du lịch của tỉnh, mới chủ yếu tập trung phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống (khách sạn, nhà hàng,...); số vốn đầu tư nhỏ, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao; nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp và tư nhân trong và ngoài tỉnh, chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhìn chung, du lịch Hưng Yên hiện đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, dẫn đến tăng trưởng du lịch Hưng Yên đạt thấp so với các tỉnh trong khu vực. Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch nhằm đưa du lịch Hưng Yên phát triển bền vững thì việc xây dựng Đề án “Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025” trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

II. MỤC TIÊU TUYÊN TRUYỀN QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch Hưng Yên trong và ngoài nước; thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa về số lượng và chất lượng; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025. Xây dựng hình ảnh du lịch Hưng Yên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đề xuất các giải pháp và lộ trình thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch giai đoạn 2021-2025;

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch, các khu, điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thông tin, quảng bá tại các hội chợ, hội thảo, triển lãm du lịch, ấn phẩm...

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang bị thiết bị phục vụ hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch cho các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trong ngành du lịch.

- Thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến; thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh: Khu du lịch Phố Hiến, điểm du lịch đền Đa Hòa - Dạ Trạch, điểm du lịch Đậu An, điểm du lịch đền Phù Ủng; làng nghề đan đó, rọ Thủ Sỹ, cụm di tích lịch sử văn hóa làng cổ Đại Đồng...

- Nghiên cứu thị trường và xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng của Hưng Yên.

- Phấn đấu đến năm 2025 (trong bối cảnh không còn dịch Covid-19, ngành du lịch phục hồi nhanh) thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó: 50 nghìn lượt khách quốc tế, 1,25 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 300 tỷ đồng. Duy trì mức tăng trưởng bình quân từ 10% - 12%/năm.

III. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch

a) Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Khảo sát và làm biển chỉ dẫn, pano đến khu, điểm du lịch quan trọng trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp, sửa chữa thay thế một số biển quảng cáo tấm lớn (hướng đến xây dựng biển quảng cáo màn hình led).

- Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh, biên tập và khai thác thông tin để làm các ấn phẩm giới thiệu du lịch: tờ gấp, bản đồ, sách cẩm nang du lịch; làm các vật phẩm, quà tặng lưu niệm cho khách du lịch.

- Phối hợp với cơ quan Báo, Đài trung ương và địa phương giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng các phim tư liệu, phim chuyên đề giới thiệu về du lịch Hưng Yên.

- Tổ chức các hoạt động quảng bá tuyên truyền cho logo, slogan du lịch Hưng Yên; xây dựng quầy cung cấp thông tin và hỗ trợ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch

- Tập trung đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) như: Hệ thống thông tin quản lý du lịch thông minh, Cổng thông tin du lịch thông minh, Website du lịch Hưng Yên; Cổng thông tin UBND tỉnh và Cổng thông tin UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đổi mới công tác biên tập, xuất bản, phát hành, số hóa các tài liệu, ấn phẩm phù hợp với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiện nay.

- Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá, xúc tiến du lịch như: Ứng dụng mô hình 3D các hiện vật trong bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, giới thiệu ảo các di tích lịch sử văn hóa, các khu điểm du lịch trong tỉnh, duy trì hoạt động có hiệu quả của app mobile du lịch Hưng Yên....

- Phát triển marketing điện tử phục vụ công tác quảng bá xúc tiến du lịch: quảng cáo website, thuê chỗ đặt logo, banner quảng cáo website du lịch Hưng Yên, quảng bá du lịch Hưng Yên trên các trang mạng xã hội (facebook...), xây dựng các ấn phẩm điện tử: bản tin du lịch...

2. Tham gia, tổ chức các hội chợ, hội thảo, triển lãm và hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế

- Tổ chức lồng ghép hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn và sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh;

- Lồng ghép chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại của tỉnh với các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến Hưng Yên tại một số thị trường trọng điểm ở các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Châu Âu... trong dịp lãnh đạo tỉnh có hoạt động ngoại giao, văn hóa với các nước.

- Tham gia hoạt động xúc tiến du lịch dược tổ chức định kỳ hằng năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phát động và các sự kiện lớn ở một số địa phương như: Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE), Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam- VITM Hà Nội, các hoạt động quảng bá tại sự kiện “Năm Du lịch quốc gia”...;

- Hằng năm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch tỉnh Hưng Yên trên tuyến phố đi bộ Hà Nội;

- Hằng năm phối hợp với Tổng cục Du lịch, các địa phương tổ chức các chương trình khảo sát xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch cho một số doanh nghiệp lữ hành, phóng viên báo chí trong nước, quốc tế; tập trung vào:

+ Tour, tuyến du lịch liên tỉnh: Hà Hội- Hưng Yên- Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội- Hưng Yên- Hải Dương- Quảng Ninh; Hà Nội- Hưng Yên- Thái Bình- Hải Phòng; Hà Nội- Bắc Ninh - Hải Dương- Hưng Yên; Hà Nội- Hưng Yên- Hà Nam- Ninh Bình; Hà Nội- Hưng Yên (tour du lịch sông Hồng)...

+ Tour du lịch trong tỉnh: Du lịch văn hóa tâm linh; du lịch tham quan hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống kết hợp giáo dục, tri ân; du lịch văn hóa ẩm thực gắn với các làng nghề truyền thống, đặc sản tự nhiên; du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông nghiệp gắn với vùng cây ăn quả các huyện, Phù Cừ, Khoái Châu, Văn Giang và thành phố Hưng Yên.

- Tranh thủ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức để liên kết giới thiệu quảng bá về du lịch Hưng Yên thông qua các tư liệu, ấn phẩm.

- Tổ chức, tham gia hội thảo, hội nghị chuyên đề xúc tiến du lịch.

3. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường học tập trao đổi kinh nghiệm

- Hằng năm tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng dân cư, trong đó trọng tâm là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch.

- Có kế hoạch tổ chức các đoàn đi khảo sát, trao đổi học tập kinh nghiệm du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm tìm hiểu, nắm bắt thị trường du lịch, nhu cầu du khách; xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá đối với từng địa phương cụ thể; trao đổi học hỏi, liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch với các địa phương.

4. Tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

- Hằng năm có kế hoạch đầu tư trang bị cần thiết phục vụ hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư.

- Tăng cường hỗ trợ các khu, điểm du lịch về một số trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá; Hỗ trợ các khu, điểm du lịch làm ấn phẩm tuyên truyền: tờ rơi, tờ gấp, bản đồ du lịch...

5. Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nghiên cứu thị trường, xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước

- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề truyền thống tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm trong việc tham gia các hội chợ, hội thảo nhằm duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ thông tin, tư vấn giúp doanh nghiệp trong công tác quảng bá, xúc tiến khảo sát, thâm nhập thị trường trong và ngoài nước.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Định hướng công tác xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá trở thành một trong những công tác chủ đạo của các cấp chính quyền, hiệp hội, các doanh nghiệp kinh doanh cũng như người dân địa phương.

2. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao vai trò hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh về đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch Hưng Yên.

Tăng cường hoạt động của Hiệp hội Du lịch tỉnh với mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp về kinh tế - kỹ thuật nghề nghiệp và bình ổn thị trường, trong kinh doanh dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh; đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

3. Huy động sức mạnh tổng hợp của các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của Hưng Yên.

Quan tâm nguồn ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch. Trong đó ưu tiên đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như tham quan di tích lịch sử- văn hóa gắn với du lịch sinh thái đường sông....

4. Nâng cao nhận thức cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch về tầm quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và huy động đầu tư kinh phí cho công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Tăng cường tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nghiệp vụ quảng bá, xúc tiến du lịch.

5. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, lựa chọn địa điểm và đối tượng quảng bá, xúc tiến phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất.

6. Xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, cơ chế tham gia và huy động vốn đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí triển khai thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách tỉnh và từ nguồn xã hội hóa của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

2. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 là 26.640 triệu đồng (Hai mươi sáu tỷ, sáu trăm bốn mươi triệu đồng), trong đó:

- Kinh phí từ ngân sách tỉnh: 18.350 triệu đồng;

- Kinh phí từ ngân sách huyện: 3.900 triệu đồng;

- Kinh phí xã hội hóa: 4.390 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, chịu trách nhiệm triển khai và phối hợp, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các mục tiêu của đề án tuyên truyền, quảng bá du lịch Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; định kỳ báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án;

- Chủ trì và phối hợp thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các khu, điểm du lịch, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; xuất bản các ấn phẩm thông tin du lịch; sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch;

- Phối hợp với các Sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và các hoạt động nhằm giới thiệu tiềm năng, các sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao vị thế và hình ảnh du lịch Hưng Yên.

2. Sở Tài chính

- Căn cứ nhiệm vụ tại Đề án, dự toán chi tiết của đơn vị và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì tham mưu và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch; tham mưu cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù để thúc đẩy, đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh.

- Lồng ghép hoạt động xúc tiến du lịch trong các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh.

4. Sở Công Thương

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua hoạt động hội chợ trong và ngoài nước. Lồng ghép hoạt động xúc tiến du lịch trong các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh để giới thiệu điểm đến với du khách trong và ngoài nước.

- Chỉ đạo, hỗ trợ huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng của tỉnh, phục vụ khách du lịch;

5. Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan tăng cường chất lượng các tuyến vận tải khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy nhằm nâng cao năng lực phục vụ, khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh;

6. Sở Thông tin và truyền thông

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, quảng bá du lịch Hưng Yên ra toàn quốc và nước ngoài thông qua các sản phẩm báo chí, truyền thông, đa phương tiện, đa ngôn ngữ của các Báo, Tạp chí, kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại quốc gia, mạng xã hội và các sản phẩm thông tin đối ngoại.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá làng nghề, sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống, các sản phẩm nông sản đặc sản an toàn, sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP tiềm năng thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong, ngoài nước và các hoạt động xúc tiến thương mại khác.

- Chủ trì tham mưu hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm nông sản đặc sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề.

- Chủ trì tham mưu xây dựng các đề án, dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng Yên.

- Chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng tới các dự án kết hợp phát triển nông nghiệp, nông thôn với du lịch trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn.

8. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các bài viết, chương trình phóng sự, video clip giới thiệu về các di tích, thắng cảnh, các khu điểm du lịch, các sản phẩm du lịch và làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương thực hiện tuyên truyền, vận động thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh du lịch Hưng Yên.

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là ở cơ sở về nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch.

9. Các sở, ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

10. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch của địa phương. Hằng năm, ưu tiên ngân sách cho hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương, đặc biệt là các điểm thu hút khách du lịch ở các huyện, thành phố như: khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (TP. Hưng Yên); cụm di tích Đa Hòa- Dạ Trạch gắn với tuyến du lịch sông Hồng (huyện Khoái Châu); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với khu đô thị Ecopark và vườn hoa cây cảnh, thăm quan nhà cổ (huyện Văn Giang), cụm di tích Tống Trân- Cúc Hoa (huyện Phù Cừ)....;

- Đầu tư, quản lý, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền xúc tiến du lịch. Phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, đầu tư du lịch tại địa phương.

- Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

11. Hiệp hội Du lịch tỉnh Hưng Yên

Tích cực tham gia và phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp, sản phẩm du lịch đặc sắc của Hưng Yên đến du khách trong nước và quốc tế.

Phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết, hợp tác, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao nhằm thu hút du khách và tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Hưng Yên.

12. Các Doanh nghiệp kinh doanh Du lịch trên địa bàn tỉnh

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch để giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm du lịch của tỉnh đến du khách trong nước và quốc tế;

- Chủ động kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lớn trên cả nước nhằm giới thiệu các sản phẩm dịch vụ đến các thị trường khách du lịch trọng điểm và tiềm năng.

13. Công tác sơ kết, tổng kết, báo cáo

Năm 2023, sơ kết 3 năm thực hiện Đề án; năm 2025 tổng kết Đề án.

Công tác báo cáo:

- Báo cáo hằng năm trước ngày 10/11.

- Báo cáo sơ kết 3 năm trước ngày 05/11/2023.

- Báo cáo Tổng kết trước ngày 05/11/2025.

- Nơi nhận báo cáo: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hưng Yên và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVXPh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Quốc Văn

 

PHỤ LỤC:

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Dự kiến tổng kinh phí 26.640 triệu đồng, gồm:

- Ngân sách tỉnh: 18.350 triệu đồng;

- Ngân sách huyện: 3.900 triệu đồng;

- Xã hội hóa: 4.390 triệu đồng.

(ĐVT: 1.000 đồng)

TT

Nội dung công việc

Phân kỳ thực hiện

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

NS tỉnh

NS huyện

XH hóa

NS tỉnh

NS huyện

XH hóa

NS tỉnh

NS huyện

XH hóa

NS tỉnh

NS huyện

XH hóa

I

Mua sắm cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch

1

Bảng Led giới thiệu di tích (Đền Đa Hòa, Đền Phù Ủng, Đậu An, Đền La Tiên, Chùa Nôm)

500

 

100

500

 

100

1.000

 

100

500

 

100

2

Loa thuyết minh tại điểm

 

 

30

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Trang phục HDV tại điểm

80

 

 

 

 

 

 

 

 

100

 

 

II

Hoạt động quảng bá xúc tiến

1

Làm mới bảng quảng cáo (màn hình led)

 

 

 

4.000

 

500

 

 

 

 

 

 

2

Biển chỉ dẫn di tích tại một số huyện

 

500

150

 

 

 

 

600

150

 

 

 

3

Bảng thông tin (cung cấp hình ảnh, thông tin điểm đến)

100

 

50

100

 

50

100

 

50

200

 

100

4

Ấn phẩm thông tin du lịch (bản điện tử và bản giấy)

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

5

Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch

250

150

100

250

150

100

250

150

100

250

150

100

6

Quảng bá điểm đến trên báo, tạp chí, internet (google, facebook....)

100

50

100

100

50

100

100

50

100

100

50

100

7

Xây dựng, duy trì công nghệ thực tế ảo giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch

2.300

 

200

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Tổ chức sự kiện du lịch (liên hoan du lịch, ẩm thực....) trong tỉnh

 

 

 

 

 

 

5.500

1.000

1.000

 

 

 

9

Mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch

300

100

50

300

100

50

300

100

50

300

100

50

10

Tổ chức đoàn khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch

100

50

70

100

50

70

70

50

100

70

50

100

 

Tổng cộng

3.830

950

920

5.480

450

1070

7.420

2.050

1750

1.620

450

650