Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3763/QĐ-UBND

An Giang, ngày 18 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về việc thông qua Điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 276/TTr-SKHĐT ngày 18/12/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

- Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho người dân nông thôn, góp phần đảm bảo sức khỏe Nhân dân.

- Khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên để góp phần bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu đến năm 2020:

+ 100% dân số nông thôn được sử dụng nước HVS trong đó 90% dân số nông thôn sử dụng nước đạt QCVN 02:2009/BYT với số lượng 100 lít/người/ngày.

+ Tỷ lệ trường học có nước hợp vệ sinh: 100%.

- Định hướng đến năm 2030: đảm bảo 100% người dân được sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT với số lượng 100 lít/người/ngày.

2. Nội dung điều chỉnh quy hoạch

a) Giai đoạn đến năm 2020:

- Xây mới 6 công trình cấp nước với công suất 32.150 m3/ngày đêm, cấp nước cho 198.975 người tương đương 11,1% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Cải tạo nâng cấp, mở rộng, đấu nối với nhà máy nước hiện có 13 công trình cấp nước với công suất 54.400 m3/ngày đêm, cấp nước tăng thêm cho 244.979 người, tương đương 13,67% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Xây mới và cải tạo 810 công trình nhỏ lẻ cấp nước cho 3.242 người, tương đương 0,18% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

b) Giai đoạn đến năm 2030:

- Xây mới 7 công trình cấp nước với công suất 38.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 241.166 người tương đương 12,26% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Nâng cấp, mở rộng, đấu nối với nhà máy nước hiện có 15 công trình cấp nước với công suất 17.500 m3/ngày đêm, cấp nước tăng thêm cho 502.539 người, tương đương 25,55% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Cải tạo 333 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình, cấp nước cho 1.330 người, tương đương 0,067% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

3. Các giải pháp chủ yếu thực hiện điều chỉnh quy hoạch

a) Giải pháp cấp nước trong điều kiện biến đổi khí hậu:

- Đối với vùng ngập lũ: Cải tạo, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có bị ảnh hưởng bởi ngập lũ, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục trong thời gian ngập lũ; Áp dụng công nghệ lọc nước tại chỗ, quản lý chất lượng nước sinh hoạt sau lũ cho các cụm dân cư khi các trạm cấp nước tập trung hoặc khai thác nước hộ gia đình phải ngừng hoạt động; Công trình dự trữ nước phải đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi nước lũ trong mùa lũ.

- Đối với vùng bị hạn hán: Xây dựng các công trình thủy lợi, các hồ chứa nước dự trữ; Xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa để bổ sung nước cho những thời kỳ khô hạn, cần cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm. Tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, xây dựng các công trình thu trữ nước mưa hợp vệ sinh để cấp nước sinh hoạt vào thời điểm hạn hán.

- Đối với vùng nguồn nước nhiễm mặn: Xây dựng các công trình liên vùng khai thác nước mặn được ngọt hóa. Lựa chọn nguồn nước trên các sông chính, có chất lượng tốt, quanh năm không bị nhiễm mặn; Tăng cường nghiên cứu và áp dụng các mô hình xử lý nước mặn; Phát triển công trình thu hứng nước mưa hộ gia đình đối với hộ dân ở phân tán.

b) Giải pháp về truyền thông, tuyên truyền:

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường, chú trọng vào việc cải thiện hành vi trong sử dụng và khai thác tài nguyên nước sạch một cách tiết kiệm, hợp lý. Lồng ghép nhiều phương pháp, phổ biến các mô hình tốt và điển hình tiên tiến về cấp nước sạch.

- Tuyên truyền cho người dân ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nước cấp hiện có để đảm bảo cấp nước bền vững. Tuyên truyền về cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình nước sạch nông thôn.

c) Giải pháp về đầu tư và huy động vốn:

- Huy động và thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế có hiệu quả, các Doanh nghiệp tư nhân có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực nước sinh hoạt. Tiếp cận nhiều hơn nữa các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ theo hình thức viện trợ không hoàn lại hoặc vay ưu đãi.

- Đẩy mạnh huy động đóng góp nguồn vốn từ Nhân dân thông qua các hình thức đóng góp như vật tư, công sức, tiền mặt,... Huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân, các thành phần kinh tế khác, phát triển nước sạch nông thôn theo hướng thị trường hóa.

d) Giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo đội ngũ các cán bộ chuyên môn, quản lý về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ cấp xã đến ấp cho các địa phương trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ này phải được trang bị các kiến thức cơ bản về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phải có năng lực quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Riêng đội ngũ cán bộ cấp huyện trở lên phải được trang bị thêm về năng lực lập kế hoạch và quản lý, kỹ năng tư vấn và truyền thông, kỹ năng đánh giá toàn diện các dự án.

- Tập huấn nâng cao kiến thức, hiểu biết cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực cấp nước.

đ) Giải pháp về chính sách:

- Chú trọng chính sách xã hội đối với những vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách, các hộ nông dân nghèo và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

- Lồng ghép các chương trình, dự án có cùng mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác đầu tư, quản lý, vận hành.

- Ban hành các cơ chế, chính sách triển khai xã hội hóa phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng công trình cấp nước. Cần có chính sách trợ giá, hoặc cho vay dài hạn, với lãi suất thấp (hoặc không tính lãi) cho các đơn vị tiếp nhận công trình.

e) Giải pháp về công trình:

- Đề xuất nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước các công trình, đặc biệt là phát triển công trình theo kiểu vệ tinh xung quanh thị trấn. Khi nâng cấp, mở rộng mạng lưới, các trạm cấp nước trong vùng có thể thực hiện hòa mạng chung để hỗ trợ hoặc thực hiện chuyển đổi trạm xử lý thành trạm bơm tăng áp, trạm quản lý khu vực, còn tận dụng mạng lưới cấp nước.

- Đề xuất xây mới công trình cấp nước tập trung căn cứ vào nguồn nước, quy mô công suất, công nghệ xử lý phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, bám sát các công trình thủy lợi như hồ chứa, trạm bơm điện vùng cao hay nạo vét, công trình nạo vét kênh, bồi trúc bờ ao, công trình thủy lợi khác.

g) Giải pháp về công nghệ:

- Nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý nước phù hợp, giá thành hợp lý, ít chiếm đất, đảm bảo đạt chất lượng nước đầu ra đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống hoặc cao hơn và có thể đầu tư theo phương thức module để tiết kiệm kinh phí, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả.

- Thực hiện đầu tư xây dựng thí điểm các mô hình công nghệ thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu đã được thí điểm thành công ở các địa phương khác như: Sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng: trạm cấp nước xử dụng bơm dùng năng lượng mặt trời, tấm panel carocell xử lý nước bằng năng lượng mặt trời,….

- Ưu tiên sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương để xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh. Sử dụng ống HDPE và các loại phụ kiện chất lượng nước tốt để hạn chế các sự cố rò rỉ đường ống cấp nước, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đáp ứng mục tiêu quy định của Chính phủ.

4. Danh mục các dự án ưu tiên: (Phụ lục đính kèm)

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức công khai "Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu" sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hằng năm, 5 năm về nước sạch nông thôn theo quy hoạch được duyệt và trên cơ sở hiện trạng cấp nước nông thôn của tỉnh, phân chia các khu vực cấp nước, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định về phân chia các khu vực cấp nước, triển khai cho các đơn vị hiện đang thực hiện cấp nước cam kết cấp nước theo khu vực trên tinh thần Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết tự bỏ vốn đầu tư phát triển nước sạch tại khu vực, không sử dụng vốn ngân sách nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch tại các vùng khô hạn, các vùng bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện quy hoạch.

- Phối hợp với các huyện, thị xã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan đến phát triển cấp nước nông thôn tại các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thường xuyên kiểm tra tình hình nguồn nước, thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, lũ và sạt lở ở các trạm cấp nước đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho Nhân dân.

2. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực cung cấp tiêu thụ nước sạch phù hợp với điều kiện của địa phương trong tình hình mới, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để trình UBND ban hành thực hiện.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các nhà tài trợ quốc tế và các nguồn vốn khác để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình cấp nước theo Quy hoạch được phê duyệt.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Quản lý bảo vệ nguồn nước, kiểm tra giám sát việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép khai thác nguồn nước, giấy phép sử dụng đất để xây dựng công trình cấp nước tập trung. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang nên triển khai công tác quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích đánh giá chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, đánh giá các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua cũng như đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho các vấn đề này trong thời gian tới.

4. Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt các dự án về cấp nước theo quy định của pháp luật về xây dựng.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Đề xuất các giải pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nước sạch nông thôn. Bố trí thực hiện các đề án về khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ xử lý nước cấp đặc biệt nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong điều kiện biến đổi khí hậu.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh:

- UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền vận động và khuyến khích các thành phần kinh tế triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định. Hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án cấp nước nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn và đường thủy nội địa địa phương do huyện quản lý.

- Xây dựng các kế hoạch cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cung cấp nước sạch tại địa phương, xây dựng kế hoạch cung cấp nước sạch trên địa bàn hàng năm và giai đoạn. Triển khai đồng bộ các chương trình dự án có liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các dự án liên quan đến nước sạch nông thôn.

- Chỉ đạo các ban ngành ở địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng các dự án về nước sạch nông thôn. Chỉ đạo các trạm cấp nước có các giải pháp khẩn cấp để ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát và sử dụng lãng phí nước. Các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc cần quản lý chặt chẽ các hồ chứa không để thất thoát nước.

7. Đơn vị quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước:

Đơn vị quản lý công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh: Kiểm tra rà soát các hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý, khai thác. Xây dựng và đề xuất các phương án kỹ thuật, tài chính, phối hợp với các ngành đề xuất UBND tỉnh để thực hiện các công trình cấp nước đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt để ứng phó hạn hán nhất là các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Trung tâm QG NS&VSMTNT;
- UBND tỉnh: CT và các PCT;
- Các Sở: NNPTNT, XD, KHĐT, TC, TNMT, KHCN;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh;
- Công ty CP Điện nước AG;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN ĐẾN 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030
(Kèm theo Quyết định số 3763 /QĐ-UBND ngày 18/12/2017 của UBND tỉnh An Giang)

TT

Tên dự án

Năm dự kiến xây dựng

Huyện

Thông tin công trình

A. GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

I. Công trình sửa chữa, nâng công suất, mở rộng và đấu nối mạng lưới đường ống

1

Nâng công suất, mở rộng CTCNTT thị trấn Nhà Bàng

Quý IV 2017-2020

Tịnh Biên

Vị trí đặt trạm xử lý TT. Nhà Bàng, cấp thêm cho 2 xã Văn Giáo, Thới Sơn. Công suất là 2.400 m3/ngđ cấp thêm cho 14.601 người.

2

Nâng công suất, mở rộng CTCN tuyến dân cư An Lập, xã Lê Trì

Quý IV 2017-2020

Tri Tôn

Vị trí đặt trạm xử lý xã Lê Trì, cấp thêm cho xã Lương Phi. Công suất là 1.000 m3/ngđ cấp thêm cho 5.500 người.

3

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN thị trấn Tri Tôn

Quý IV 2017-2020

Tri Tôn

Vị trí đặt trạm xử lý thị trấn Tri Tôn, cấp thêm cho các xã An Tức, Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm. Công suất là 5.000 m3/ngđ cấp thêm cho 6.500 người.

4

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới nhà máy nước thị trấn Phú Hòa

2018-2020

Thoại Sơn

Vị trí đặt trạm xử lý thị trấn Phú Hòa, cấp thêm cho xã Vĩnh Trạch. Công suất là 7.000 m3/ngđ cấp thêm cho 18.192 người.

5

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN Cái Dầu

2018-2020

Châu Phú

Vị trí đặt trạm xử lý Thị trấn Cái Dầu, cấp thêm cho xã Vĩnh Thạnh Trung, Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây, Bình Phú. Công suất là 7.000 m3/ngđ cấp thêm cho 43.000 người.

6

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN thị trấn Chợ Mới

2018-2020

Chợ Mới

Vị trí đặt trạm xử lý Thị trấn Chợ Mới, cấp thêm cho xã Long Điền A và Long Điền B. Công suất là 5.000 m3/ngđ cấp thêm cho 20.000 người.

7

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN thị trấn Mỹ Luông

2018-2020

Chợ mới

Vị trí đặt trạm xử lý Thị trấn Mỹ Luông, cấp thêm cho 3 xã Hội An, Mỹ An, Long Kiến. Công suất là 5.000 m3/ngđ cấp thêm cho 20.500 người.

8

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN thị trấn Phú Mỹ

2018-2020

Phú Tân

Vị trí đặt trạm xử lý Thị trấn Phú Mỹ, cấp cho thêm 4 xã Tân Trung, Tân Hòa, Phú Xuân, Phú Thọ. Công suất là 5.000 m3/ngđ cấp thêm cho 31.000 người.

9

Đấu nối CTCN xã Phú Long

2018-2020

Phú Tân

Đấu nối với CTCN thị xã Tân Châu. Cấp thêm cho 326 người.

10

Nâng cấp, mở rộng mạng CTCN Cái Đầm, xã Bình Thạnh Đông

2018-2020

Phú Tân

Vị trí đặt trạm xử lý xã Bình Thạnh Đông, cấp thêm cho xã Phú Hưng. Công suất là 5.000 m3/ngđ cấp thêm cho 31.000 người.

11

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN xã Vĩnh Xương

2018-2020

TX Tân Châu

Vị trí đặt trạm xử lý xã Vĩnh Xương, cấp thêm cho xã Vĩnh Hòa. Công suất là 4.000 m3/ngđ cấp thêm cho 25.202 người.

12

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN xã Phú Vĩnh

2018-2020

TX Tân Châu

Vị trí đặt trạm xử lý xã Phú Vĩnh, cấp thêm cho xã Lê Chánh. Công suất là 3.500 m3/ngđ cấp thêm cho 25.512 người.

13

Nâng cấp, mở rộng CTCN ấp Vĩnh Lợi, Vĩnh Hậu

 2018-2020

An Phú

Vị trí đặt trạm xử lý xã Vĩnh Hậu, cấp thêm cho xã Phú Hữu và Vĩnh Lộc. Công suất là 4.000 m3/ngđ cấp thêm cho 6.646 người.

II. CTCN xây mới

1

Xây mới CTCN liên xã Tà Đảnh và Tân Tuyến

Quý IV 2017-2020

Tri Tôn

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Tân Tuyến, lấy nước Kênh số 1. Công suất thiết kế là 2.200 m3/ngđ cấp cho 13.875 người.

2

Xây mới CTCN liên xã Vĩnh Hanh, Vĩnh Bình, Vĩnh An, Tân Phú, Vĩnh Nhuận

Quý IV 2017-2020

Châu Thành

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Bình Hòa, lấy nước Kênh Xáng Mới Ba Thê. Công suất thiết kế là 5.500 m3/ngđ cấp cho 34.000 người.

3

Xây mới CTCN liên xã Kiến An và Kiến Thành

Quý IV 2017-2020

Chợ mới

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Kiến Thành, lấy nước Rạch Ông Chưởng. Công suất thiết kế là 6.000 m3/ngđ cấp cho 37.100 người.

4

Xây mới CTCN liên xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang

2018-2020

Chợ mới

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Nhơn Mỹ, lấy nước Sông Hậu. Công suất thiết kế là 8.400 m3/ngđ cấp cho 52.000 người.

5

Xây mới CTCN liên xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân

2018-2020

Chợ mới

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Bình Phước Xuân, lấy nước Sông Tiền. Công suất thiết kế là 6.000 m3/ngđ cấp cho 37.000 người.

6

Xây mới CTCN liên xã Phú Lâm, Phú Thạnh và Long Hòa

2018-2020

Phú Tân

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Phú Lâm, lấy nước Sông Tiền. Công suất thiết kế là 4.050 m3/ngđ cấp cho 25.000 người.

B. GIAI ĐOẠN 2021-2030

I. CT sửa chữa, nâng công suất, mở rộng và đấu nối mạng lưới đường ống

1

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu III cấp cho Thị Trấn Tịnh Biên và các xã An Cư, An Nông, An Phú, Nhơn Hưng

2020-2030

Tịnh Biên

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu III, cấp thêm cho 49.923 người.

2

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu III cấp nước cho Thị trấn Ba Chúc và các xã Vĩnh Phước, Lạc Quới, Vĩnh Gia

2020-2030

Tri Tôn

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu III, cấp thêm cho 31.553 người.

3

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN Châu Lăng

2020-2030

Tri Tôn

Vị trí đặt trạm xử lý tại xã Châu Lăng, công suất 2.500 m3/ngđ cấp thêm cho 7.500 người.

4

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN Lương An Trà

2020-2030

Tri Tôn

Vị trí đặt trạm xử lý tại xã Lương An Trà, công suất tăng thêm 1.400 m3/ngđ cấp thêm cho 9.014 người.

5

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú

2020-2030

Thoại Sơn

Vị trí đặt trạm xử lý tại xã Vĩnh Phú, công suất 2.000 m3/ngđ cấp thêm cho 3.000 người.

6

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu II cấp cho Thị trấn Phú Hòa, Thị trấn Núi Sập, Thị trấn Óc Eo và các xã Vĩnh Chánh, Vĩnh Trạch, Phú Thuận, Vĩnh Khánh, Định Thành, Bình Thành, Thoại Giang

2020-2030

Thoại Sơn

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu II cấp cho 141.118 người.

7

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN tây kênh Mướp Văn Tây Phú

2020-2030

Thoại Sơn

Vị trí đặt trạm xử lý tại xã Tây Phú, công suất 1.500 m3/ngđ cấp thêm cho 3.000 người.

8

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới CTCN xã Vọng Thê

2020-2030

Thoại Sơn

Vị trí đặt trạm xử lý tại xã Vọng Thê, công suất 3.000 m3/ngđ cấp thêm cho 27.972 người.

9

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu II cấp nước cho Thị trấn An Châu và các xã Bình Hòa, Hòa Bình Thạnh, Cần Đăng, An Hòa, Vĩnh Lợi

2020-2030

Châu Thành

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu II cấp cho 113.168 người.

10

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước CTCN xã Bình Thạnh

2020-2030

Châu Thành

Trạm xử lý tại xã Bình Thạnh, công suất 1.100 m3/ngđ cấp thêm cho 7.455 người.

11

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước CTCN xã Vĩnh Thành

2020-2030

Châu Thành

Trạm xử lý tại xã Bình Hòa cấp nước cho xã Vĩnh Thành, số người tăng thêm là 16.369.

12

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu II cấp thêm cho 3 xã Bình Long, Bình Mỹ, Bình Chánh

2020-2030

Châu Phú

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu II cấp cho 42.162 người.

13

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu III cấp nước cho các xã Mỹ Đức, Mỹ Phú và Khánh Hòa

2020-2030

Châu Phú

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu III, cấp cho 75.602 người.

14

Đấu nối từ CTCN Cái Đầm xã Hiệp Xương

2020-2030

Phú Tân

Trạm xử lý CTCN Cái Đầm xã Hiệp Xương cấp thêm cho xã Bình Thạnh Đông, Phú Hưng. Dự kiến cấp thêm cho 1.935 người.

15

Nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước CTCN thị trấn An Phú

2020-2030

An Phú

Cấp thêm cho xã Vĩnh Trường và Đa Phước. Công suất là 6.000m3/ngđ cấp thêm cho 20.000 người.

16

Đấu nối sử dụng nước thành phố Châu Đốc (NMN sông Hậu III) cấp cho xã Vĩnh Hội Đông

2020-2030

An Phú

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu III, cấp cho 2.691 người.

17

Đấu nối sử dụng từ nhà máy nước Sông Hậu III cấp cho 2 xã Vĩnh Tế và Vĩnh Châu

2020-2030

TP. Châu Đốc

Vị trí dự kiến đặt trạm xử lý tại nhà máy nước Sông Hậu III, cấp cho 12.026 người.

II. CTCN xây mới

1

Xây mới CTCN liên xã Thị trấn Chi Lăng và các xã An Hảo, Núi Voi, Vĩnh Trung, Tân Lập, Tân Lợi

2020-2030

Tịnh Biên

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại TT. Chi Lăng, lấy nước Kênh số 6. Công suất thiết kế là 5.000 m3/ngđ cấp cho 31.000 người.

2

Xây mới CTCN liên xã An Thạnh Trung, Hòa Bình và Hòa An

2020-2030

Chợ mới

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Hòa Bình, lấy nước sông Hậu. Công suất thiết kế là 6.500 m3/ngđ cấp cho 40.500 người.

3

Xây mới CTCN liên xã Hòa Lạc, Phú Hiệp, Phú Thành và Phú Bình

2020-2030

Phú Tân

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Hòa Lạc, lấy nước sông Hậu. Công suất thiết kế là 7.800 m3/ngđ cấp cho 51.608 người.

4

Xây mới CTCN liên xã Phú An và Thị trấn Chợ Vàm

2020-2030

Phú Tân

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại Thị trấn Chợ Vàm, lấy nước Sông Tiền. Công suất thiết kế là 4.800 m3/ngđ cấp cho 32.158 người.

5

Xây mới CTCN liên xã Phú Lộc, Tân Thạnh, Tân An, Long An, Châu Phong

2020-2030

TX Tân Châu

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Tân An, lấy nước Sông Tiền. Công suất thiết kế là 5.000 m3/ngđ cấp cho 30.900 người.

6

Xây mới CTCN liên xã Khánh An, Khánh Bình và Thị trấn Long Bình

2020-2030

An Phú

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại Thị trấn Long Bình, lấy nước Sông Hậu. Công suất thiết kế là 3.200 m3/ngđ cấp cho 20.000 người.

7

Xây mới CTCN liên xã Quốc Thái, Phú Hội, Nhơn Hội, Phước Hưng

2020-2030

An Phú

Vị trí đặt trạm xử lý dự kiến tại xã Phú Hội, lấy nước Sông Hậu. Công suất thiết kế là 5.700 m3/ngđ cấp cho 35.000 người.