Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3741/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 29 tháng 10 năm 2018 |
BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Văn bản số 326/TTr-PCTT ngày 11/10/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ỨNG PHÓ VỚI SIÊU BÃO MẠNH, SIÊU BÃO NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3741/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Bình Định là một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên 6.071 km2, bờ biển dài 134 km. Bình Định có khá nhiều sông, độ dốc cao; có 4 sông lớn là Lại Giang, La Tinh, Kôn và Hà Thanh. Dân số 1,52 triệu người, trong đó dân số sống ở đô thị chiếm 31%, nông thôn chiếm 69%, mật độ 250 người/km2. Bình Định có hơn 37% hộ có nhà bán kiên cố, nhà tạm là đối tượng dễ bị tác động do gió mạnh của siêu bão.
Bão là thiên tai nguy hiểm, gây ra gió mạnh, kèm theo mưa lớn, lũ; vùng ven biển có sóng biển cao, nước biển dâng. Thiệt hại về người và tài sản do bão rất nghiêm trọng và trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 1999 - 2014, tỉnh Bình Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của 10 cơn bão, 368 người bị chết, 279 người bị thương, 6.970 ngôi nhà bị sập, 56.530 ngôi nhà bị hư hỏng, gần 500 tàu bị chìm và hư hỏng nặng, giá trị thiệt hại 6.600 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2013, bão lũ làm 31 người chết, thiệt hại 2.200 tỷ đồng.
Mùa mưa bão ở Bình Định được xác định từ tháng 9 đến tháng 12 với 70 - 77% tổng lượng mưa năm (khoảng 2.200mm), tháng mưa lớn tập trung vào hai tháng là tháng 10 và 11 chiếm 45-50% tổng lượng mưa năm. Trung bình mỗi năm Bình Định chịu tác động trực tiếp của 1 - 2 cơn bão thường xuất hiện vào tháng 10, 11. Phạm vi ảnh hưởng của bão trên diện rộng, gây mưa lớn và gió rất mạnh, kèm theo nước biển dâng do gió xoáy của bão gây ra.
Đã quan trắc được tốc độ gió siêu bão 40 m/s tại Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn vào năm 1984, 1995. Trước năm 1975, đã quan trắc được gió siêu bão 59 m/s tại Quy Nhơn vào ngày 16/9/1972. Hướng gió mạnh ở phía Bắc tỉnh chủ yếu là Bắc đến Tây Bắc; phía Nam tỉnh hướng Tây, Bắc, Tây Bắc. Gió mạnh thường xuất hiện tại vị trí siêu bão đổ bộ không có địa hình che chắn; tại khe núi, thung lũng sông gió cũng mạnh hơn.
Khi đổ bộ vào đất liền, siêu bão thường gây mưa từ 200 - 300mm trong 2 - 3 ngày; bán kính 100 - 200km; phía Bắc tâm siêu bão mưa nhiều hơn. Khi kết hợp với không khí lạnh diện mưa sẽ mở rộng, thời gian mưa tới 5 - 6 ngày, lượng mưa có thể tới 700mm. Đặc biệt, nơi có địa hình đón gió siêu bão thường có mưa rất lớn.
Trong thời gian gần đây, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận bão mạnh, siêu bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản như siêu bão Katrina đổ bộ vào Hoa Kỳ năm 2005, siêu bão Nargis vào Mianmar năm 2008, siêu bão Bopha vào Philippin năm 2012. Đặc biệt, siêu bão Haiyan năm 2013 đổ bộ vào Philippin với gió cấp 17, nước dâng 7 m, làm chết hơn 6.000 người, tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng nơi siêu bão đổ bộ. Sau khi tàn phá Philippin, siêu bão Haiyan tiếp tục di chuyển vào biển Đông và uy hiếp trực tiếp các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Bình Định. Đầu năm 2015, trên vùng biển ngoài khơi Philippin đã xuất hiện hai siêu bão Maysak và Noul. Nguy cơ siêu bão đi vào biển Đông và ảnh hưởng tới Bình Định là rất lớn.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã nghiên cứu 05 kịch bản tổ hợp từ 4 cấp bão (từ cấp 13 đến cấp 16) và xác định kịch bản bất lợi nhất với Bình Định là siêu bão cấp 16 đổ bộ cách thành phố Quy Nhơn 30 - 70km về phía Nam, nước biển dâng cao nhất do bão là 2,0m. Mùa mưa bão ảnh hưởng đến Bình Định thường xảy ra vào tháng 10 đến 12 hàng năm, khi mà các hồ chứa phần lớn đã tích đủ nước. Khi có ảnh hưởng siêu bão, các hồ chứa lớn phải xả nước phòng lũ nên có nguy cơ làm gia tăng mực nước ngập bởi sự kết hợp lũ thượng nguồn và nước dâng do bão ở các vùng hạ du các lưu vực sông.
Bên cạnh việc gây ra nước dâng, chiều cao sóng tại các vị trí ven bờ có thể đạt 5÷7m trong bão cấp 16. Bên cạnh những nguy cơ từ nước biển dâng do bão, công tác phòng tránh thiên tai cần phải hết sức lưu ý đến các nguy cơ do tác động của sóng và tác động của gió với vận tốc rất lớn trong bão từ 50 - 60m/s (Phụ lục 1A).
Với tác động của siêu bão như trên, nếu không có phương án ứng phó phù hợp, khi siêu bão ảnh hưởng trực tiếp sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão là rất cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiên quyết chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó với siêu bão mạnh, siêu bão, trước hết là cho 28 tỉnh, thành ven biển. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dựng phương án ứng phó với siêu bão mạnh, siêu bão nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng trong tỉnh.
2. Các căn cứ xây dựng phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão
- Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
- Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;
- Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;
- Các Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng phương án ứng phó với siêu bão: số 171/TB-VPCP ngày 23/4/2014, số 3912/VPCP-KTN ngày 30/5/2014, số 410/TB-VPCP ngày 13/10/2014, số 479/VPCP-KTN ngày 21/01/2015;
- Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT ngày 29/8/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng siêu bão và xác định nguy cơ siêu bão, nước dâng do siêu bão cho khu vực ven biển Việt Nam;
- Quyết định số 442a/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2014 của Tổng cục Thủy sản về việc ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú và neo đậu khi có siêu bão, áp thấp nhiệt đới;
- Các Văn bản của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương về xây dựng phương án ứng phó với siêu bão mạnh, siêu bão: số 274/PCLBTW ngày 06/12/2014, số 16/PCLBTW ngày 11/3/2015;
- Văn bản số 1145/BXD-KHCN ngày 28/5/2015 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão;
- Văn bản 136/TWPCTT ngày 25/9/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về hoàn thiện phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão;
- Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 01/03/2016 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- Quyết định số 64/QĐ-PCTT ngày 25/03/2016 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 06/04/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016;
- Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 23/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão;
- Quyết định số 4176/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định năm 2015;
- Phương án PCTT và TKCN năm 2016 của các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh;
- Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão do Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam lập;
- Giúp chính quyền và nhân dân chủ động triển khai các hành động, biện pháp cần thiết trước, trong và sau siêu bão nhằm hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu.
- Nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý tình huống; tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống bão mạnh, siêu bão. Có kế hoạch chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi trú tránh an toàn, nhất là đối với người già, phụ nữ và trẻ em.
- Các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và có hiệu quả trong ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
- Tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão mạnh,siêu bão gây ra.
CƠ SỞ HẠ TẦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ KỊCH BẢN
1. Cơ sở hạ tầng và nguy cơ tổn thương
a. Nhà ở, khu đô thị, kinh tế, công nghiệp
Toàn tỉnh có 246.270 nhà kiên cố trên tổng số 392.850 nhà, chiếm 63%; còn 37% là nhà bán kiên cố và đơn sơ tập trung vùng nông thôn, ven biển. Nhà bán kiên cố chỉ chịu được gió bão cấp 8, nhà đơn sơ chỉ chịu được gió bão cấp 6. Vùng ven biển Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn có hơn 36.000 người dân với 8.060 hộ cần có nhà ở kiên cố hoặc tái định cư về nơi an toàn.
Trên toàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1, trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá của tỉnh. Các khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang được xây dựng như: Khu kinh tế Nhơn Hội 12.000ha; Khu công nghiệp Phú Tài 328ha, Long Mỹ 200ha, Nhơn Hòa 314ha; Cụm công nghiệp Quang Trung, Nhơn Bình, Phước An, Bình Định, Gò Đá Trắng, Cát Nhơn…
Sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp và các công trình xây dựng mới thiếu sự đồng bộ với việc tiêu thoát lũ, gây nên sự úng ngập trong thành phố và vùng ngoại ô. Thiệt hại về tính mạng, tài sản của dân và đặc biệt thiệt hại của các khu kinh tế, công nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân là mối quan tâm lo lắng về trình trạng mưa bão, lũ lụt hiện nay.
b. Cơ sở giáo dục đào tạo
Toàn tỉnh có 439 trường học, với 8.510 lớp học, 14.120 giáo viên. Trong đó, 244 trường tiểu học, 4.500 lớp học, 6.270 giáo viên; 145 trường Trung học cơ sở, 2.660 lớp học, 5.200 giáo viên; 50 trường Trung học phổ thông, 1.350 lớp học, 2.650 giáo viên. Còn trên 22% phòng học bán kiên cố, đang xuống cấp, không an toàn trước gió, bão.
Ngoài ra, còn có trường Đại học Quy Nhơn, Đại học Quang Trung, Trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ, một số trường Trung cấp và Trung tâm đào tạo nghề.
c. Hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế
Hệ thống cơ sở y tế toàn tỉnh có 22 bệnh viện, 159 trạm y tế xã, phường, với 4.030 giường bệnh. Đội ngũ y bác sĩ 4.900 người đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Trong các năm gần đây từ các nguồn ngân sách khác nhau, các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực, tuyến huyện, các trung tâm y tế huyện, trạm xá xã đã được kiên cố hóa, là nơi khám chữa bệnh kết hợp tránh trú gió bão cho nhân dân.
d. Hệ thống đường giao thông
Bình Định có đủ các hình thức giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường biển. Hệ thống giao thông đường bộ có trên 9.437km, mật độ phân bố 0,87km/km2. Đường quốc lộ 308km, gồm Quốc lộ 1A, 1D, 19, 19B, 19C. Đường địa phương gồm 455km đường tỉnh, 490km đường huyện, 613km đường đô thị, 207km đường chuyên dùng và 7.363km đường giao thông nông thôn.
Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đã đạt chuẩn; các đường trục thôn, xóm được bê tông hóa khoảng 70% ở đồng bằng, 50% ở miền núi.
Tuy nhiên một số tuyến tỉnh lộ thường bị ngập và chia cắt tại các vị trí ngầm tràn cần quan tâm. Tuyến 629 Bồng Sơn - An Lão, Bồng Sơn - Hoài Hương; Tuyến 636A Đập Đá - Nhơn Hạnh; Tuyến 636B Tây Sơn - Tuy Phước; Tuyến 639 Nhơn Hội - Tam Quan; Tuyến 640 Tuy Phước - Gò Bồi - Cát Chánh (Phụ lục 1B); Giao thông các xã vùng cao của huyện An Lão, Vân Canh, Hoài Ân cũng bị chia cắt khi mưa lũ.
Hiện nay tuyến đường quốc lộ 19B đang thi công từ cầu Bà Di đến Nhơn Hội; Tuyến đường trục khu kinh tế Nhơn Hội nối dài (từ xã Gò Găng về xã Cát Tiến) sẽ gây úng ngập cục bộ nếu không thông thoáng dòng chảy lũ.
đ. Hệ thống thuỷ lợi
Toàn tỉnh có 563 công trình thủy lợi. Trong đó 165 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa là 585 triệu m3 nước; 212 đập dâng và 186 trạm bơm, với tổng diện tích tưới 68.585ha. Nguồn nước đảm bảo tưới ổn định cho 112.000 ÷ 117.000ha, 77% diện tích gieo trồng hàng năm, trong đó 90% là diện tích lúa.
Các hồ chứa cũng là mối hiểm họa cho dân cư vùng hạ lưu nếu xảy ra sự cố công trình. Qua kiểm tra, có 46 hồ chứa không bảo đảm an toàn, trong đó có 11 hồ chứa cần ưu tiên nâng cấp sửa chữa.
Đa số các đập dâng xây dựng từ trước năm 1990, kết cấu đập là bê tông, đá xây, cửa thả phai gỗ. Nhiều đập đã bị xuống cấp, hư hỏng, vận hành khó khăn. Cần tiến hành tu bổ, gia cố các hư hỏng để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Toàn tỉnh có 657km đê kè, trong đó có 185 km đê kè trên dòng chính, 64km đê biển và đê cửa sông. Đê, kè đã được đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa 230km chiếm 35%. Hiện nay, có 61 km đê kè xung yếu, sạt lở nguy hiểm cần sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn khi mưa bão.
Hệ thống đê, kè bảo vệ dân cư, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng những khu vực xung yếu vùng trung du, vùng đồng bằng dọc theo 4 sông lớn Lại Giang, La Tinh, sông Kôn và Hà Thanh. Khi bão mạnh kèm theo mưa lũ lớn diện rộng, kết hợp với triều cường thì vùng hạ lưu của bốn sông lớn, vùng ven biển xảy ra ngập lụt kể cả nơi có hệ thống đê, kè bảo vệ.
Có 5.304km kênh, chủ yếu là kênh đất 3.543km chiếm 67%. Hàng năm lũ lụt gây sạt lở, bồi lấp kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân.
e. Hệ thống điện
Hệ thống điện trong tỉnh được cấp từ hệ thống điện Quốc gia khu vực Miền Trung. Lưới truyền tải điện có các cấp điện áp 220kv, 110kv tải điện từ điện lưới Quốc gia và các nhà máy thủy điện trên địa bàn.
Tổng đường dây 110kv là 320km; tổng số trạm biến áp 110kv là 13 trạm/19 máy/565 mvA;
Tổng đường dây 35kv là 216km, đường dây 22kv là 2.343km.
Tổng đường dây hạ áp là 2.556km. Có 158/159 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia.
Hệ thống điện đang vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên cần quan tâm sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện xuống cấp để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão.
g. Hệ thống nước sinh hoạt
Đã xây dựng được 139 công trình cấp nước tập trung, bao gồm: Nhà máy cấp nước sạch cho thành phố Quy Nhơn; 12 công trình cấp nước sinh hoạt cho các cụm dân cư thị trấn, thị tứ và 126 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Nhà máy nước sạch Quy Nhơn có công suất 54.300 m3/ngày đêm, đang cấp nước cho 349.400 người. Tổng công suất của 138 công trình cấp nước còn lại là 44.920 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho 403.910 người dân. Ngoài ra các hộ gia đình đã xây dựng 56.129 giếng khoan, 165.160 giếng đào và bể chứa nước, tự cấp nước sinh hoạt 803.240 người.
Khi xảy ra bão lũ cần đặc biệt quan tâm đến an toàn công trình cấp nước và đường dẫn, bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân nhằm bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh bùng phát.
h. Hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo
Mạng lưới trạm KTTV cơ bản tỉnh Bình Định gồm có 7 Trạm KTTV bao gồm: An Hòa (trạm Thủy văn cấp 1), Quy Nhơn, Hoài Nhơn (trạm Khí tượng cấp 1), Vĩnh Sơn, Bình Nghi (trạm Thủy văn cấp 3), An Nhơn (trạm Khí tượng nông nghiệp cấp 3) và trạm Hải văn Môi trường Quy Nhơn (cấp 3).
Các trạm đo mưa: Bồng Sơn (có đo mực nước sông), Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Đề Gi, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Ngoài ra còn có 45 trạm đo mưa nhân dân, 600 điểm gắn vết lũ trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, 38 trạm đo mưa tự động trên phạm vi toàn tỉnh.
i. Hệ thống thông tin liên lạc
Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ, điện thoại cố định, điện thoại di động mạng vinaphone, mobiphone, viettel, thông tin di động sóng ngắn, thông tin chuyên dùng Inmarsat có thể đáp ứng nhanh chóng thông tin, liên lạc.Năng lực mạng lưới tại VNPT Bình Định như sau:
- Mạng truy nhập băng rộng cố định có tổng số 216 bộ thiết bị IPDSLAM, MSAN và 234 SW L2; số cổng ADSL, FE/GE và thiết bị OLT đáp ứng nhu cầu sử dụng.
- Mạng truyền tải IP có hệ thống MAN E kết nối thiết bị PE-AGG và UPE thu gom lưu lượng của các thiết bị truy nhập.
- Mạng di động với 217 trạm BRS, 134 node B, 02 BSC và 01 NRC được cáp quang hoá hơn 95% số trạm. Có 6 trạm BTS phát sóng biển đảo.
- Mạng cáp đồng 3.308km, 167 km cống bể và hơn 3.500 cột bê tông.
- Mạng cáp quang 2.344km và 240km cáp quang truy nhập.
- Mạng truyền dẫn có 11 tuyến Ring trục bao gồm tuyến Ring STM-16 huawei, Ring STM-4 huawei, Ring STM-4, Ring STM-1 NEC, Ring FLX và 19 tuyến truyền dẫn quang điểm.
Hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông tin liên lạc chỉ huy, điều hành phòng chống thiên tai trên toàn tỉnh và phục vụ các nhu cầu của khách hàng.
k. Các cơ sở tôn giáo
Phật giáo: Có 283 Chùa, 21 Tịnh xá, 6 Tịnh thất, 30 Niệm Phật đường và 01 trường Trung cấp Phật học.
Công giáo: Có 94 Nhà thờ bao gồm tại thành phố Quy Nhơn (31), huyện Tuy phước (29), Tây Sơn (4), Phù Cát (7), Phù Mỹ (2), Hoài Nhơn (3), Hoài Ân (1),Vân Canh (1) và thị xã An Nhơn (16).
Ngoài ra còn có 8 cơ sở đạo Tin Lành; 54 cơ sở đạo Cao Đài, 6 cơ sở Đạo Minh Sư.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng tôn giáo những năm gần đây được trùng tu, xây cất kiên cố. Bên cạnh việc tín ngưỡng, các cơ sở tôn giáo còn là nơi trú tránh bão, lũ lụt của nhân dân.
l. Khu neo đậu tàu thuyền
Toàn tỉnh có 6.333 tàu thuyền và 43.255 ngư dân thường xuyên di chuyển hoạt động đánh bắt trên biển, đánh bắt xa bờ 2.200 tàu. Khi xuất hiện bão, gió mạnh trên Biển Đông là có nguy cơ đối với tàu thuyền của tỉnh. Có 3 khu neo đậu, tránh trú gió bão cho tàu thuyền. Cảng Tam Quan sức chứa 1.400 tàu, đầm Đề Gi 1.500 tàu, Cảng Quy Nhơn 2.500 tàu. Các bến bãi, khu neo đậu chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp, không bảo đảm an toàn cho tàu thuyền khi trú tránh. Cửa biển Tam Quan, Đề Gi bị bồi lấp, luồng lạch không ổn định gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng.
m. Vùng có nguy cơ
Các huyện miền núi An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh có tổng diện tích tự nhiên 297.100ha chiếm 49% đất tự nhiên toàn tỉnh, đa số là đồi núi. Dân số 164.900 người chiếm 11 % dân số cả tỉnh. Trong các đợt mưa lũ hàng năm mức độ thiệt hại so với các vùng khác ít hơn vì cơ sở hạ tầng ít, mật độ dân số thưa thớt, nhà ở đơn sơ. Tuy nhiên hậu quả đối với đời sống người dân lại nặng nề hơn vì khả năng cứu trợ và khắc phục hậu quả khó khăn.
Các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn có tổng diện tích tự nhiên 310.000ha chiếm 51% đất tự nhiên, dân số 1.354.800 người chiếm 89% dân số cả tỉnh. Trong các đợt mưa lũ hàng năm mức độ thiệt hại so với vùng núi thường trầm trọng hơn. Đây là nơi tập trung các khu dân cư, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, du lịch, công nghiệp, các đầu mối giao thông và toàn bộ vùng đồng bằng trù phú của tỉnh.
2. Kịch bản xây dựng phương án
Giả sử có một cơn bão hình thành trên vùng biển phía Đông Philippin với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 15 - 16 (từ 52 - 60 m/s), di chuyển theo hướng Tây hướng vào Biển Đông.
07 giờ sau khi hình thành, bão đã vượt qua đảo Min Đô Rô miền Trung Philippin vào Biển Đông, cơn bão số 03. Tâm siêu bão lúc này ở tọa độ 13,2 độ Vĩ Bắc, 119,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Trường Sa 500km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng tâm siêu bão cấp 16 (từ 184 - 201 km/h), giật trên cấp 17, tốc độ di chuyển 20 km/h. Vùng biển Giữa và phía Đông Biển Đông có gió mạnh cấp 15 - 16, giật cấp 16 - 17. Biển động dữ dội.
24 giờ sau khi vào Biển Đông, tâm siêu bão ở vùng biển có tọa độ 13,3 độ Vĩ Bắc, 115,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định - Phú Yên khoảng 650km. Siêu bão vẫn nguyên cấp độ 16, giật cấp 17, di chuyển 20 km/h về hướng Tây. Vùng biển phía Đông tỉnh Bình Định - Phú Yên có gió mạnh cấp 16, giật cấp 17. Biển động dữ dội.
48 giờ sau khi vào Biển Đông, tâm siêu bão ở tọa độ 13,2 độ Vĩ Bắc, 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định - Phú Yên 170 km. Sức gió mạnh nhất vùng tâm siêu bão cấp 16, giật cấp 17 và di chuyển vào đất liền theo hướng Tây. Biển động dữ dội, nước biển dâng cao từ 1,0 - 1,50m.Vùng ven biển Bình Định - Phú Yên ảnh hưởng gió mạnh từ 52 - 60 m/s.
57 giờ sau khi vào Biển Đông (64 giờ sau khi hình thành), tâm siêu bão ở tọa độ 13,2 độ Vĩ Bắc, 109,1độ Kinh Đông, trên đất liền giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên, sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17.
Sau khi đổ bộ vào đất liền, siêu bão gây ra gió giật trên cấp 16 ở thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh. Nước biển dâng cao ngay sau khi bão đổ bộ. Nước biển dâng cao 2,0m kết hợp triều cường +1.15, cao trình mực nước biển đạt +3.15. Sau 2 giờ, nước biển dâng gây ngập nặng khu vực ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Có 38 xã, phường bị ngập sâu do nước biển dâng cao bao gồm: phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Đống Đa, Hải Cảng, Thị Nại, Ghềnh Ráng, Nhơn Hội, Nhơn Hải, Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Văn Cừ (thành phố Quy Nhơn); xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước); xã Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải,Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh (huyện Phù Cát); xã Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ), xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn).
Sau khi bão đổ bộ 12 giờ, bắt đầu có mưa lớn. Trong vòng 3 ngày có mưa từ 200 mm ở thượng nguồn sông Kôn; mưa đến 300mm trên lưu vực sông La Tinh, sông An Lão. Mưa lớn gây lũ trên các sông, làm đầy các hồ chứa nước. Nước từ một số hồ chứa nhỏ đã bắt đầu qua tràn. Mực nước lũ tại các sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh và Lại Giang mức báo động III, có nơi trên báo động III sau 03 ngày siêu bão đổ bộ.
PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI SIÊU BÃO
1. Phương án chỉ đạo phòng tránh ứng phó và tìm kiếm cứu nạn
Thực hiện chỉ huy tập trung, thống nhất:
- Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trực tiếp chỉ huy, điều hành, phân công các lực lượng có mặt trên địa bàn trong quá trình phòng tránh, ứng phó với siêu bão.
- Các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến siêu bão. Triển khai lực lượng tại chỗ ứng phó theo Lệnh của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN. Chủ tịch UBND cấp huyện, xã phối hợp Chỉ huy trưởng quân sự, Công an cứu hộ, cứu nạn người hoặc xử lý sự cố công trình do siêu bão.
a. Siêu bão trên Biển Đông: Vị trí tâm siêu bão trên biển Đông (vượt qua đảo Min Đô Rô, kinh tuyến 1200), cách điểm gần nhất thuộc bờ biển Bình Định - Phú Yên trên 1000km.
- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp:
+ Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi sát diễn biến của siêu bão.
+ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành công điện cảnh báo siêu bão, chỉ đạo, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn. (Phụ lục 2A).
+ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã:
Đôn đốc gia đình ngư dân liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên các vùng biển, kêu gọi về nơi tránh trú siêu bão;
Phối hợp đồn Biên phòng, trạm Thủy sản trên địa bàn kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão; hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu bảo đảm an toàn.
Chỉ đạo tổ Truyền thanh - Truyền hình cập nhật và đưa tin về siêu bão, thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện về phòng chống siêu bão.
Triển khai chằng chống nhà cửa, chặt cây, tỉa cành có nguy cơ đổ ngã ở các khu dân cư, cơ sở công cộng;
Khẩn trương thu hoạch nông lâm thủy sản, bảo vệ lương thực, vật nuôi.
- Các sở, ngành:
+ Sở Nông nghiệp và PTNT cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh khẩn trương thực hiện:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão;
Phối hợp Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông báo các chủ tàu thuyền biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; đối với tàu thuyền đang neo đậu tại bến không cho ra khơi để bảo đảm an toàn (Chi cục Thủy sản thông báo);
Rà soát, kiểm tra kế hoạch sơ tán dân vùng ven biển khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ và báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trước 32 giờ (Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện);
Chỉ đạo các chủ hồ chứa nước lưu vực sông Kôn - Hà Thanh vận hành điều tiết hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/10/2015 (Chi cục Thủy lợi thực hiện).
Phối hợp UBND cấp huyện triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, đập dâng, đê, kè, kênh mương trên địa bàn.
+ Đài Khí tượng thủy văn Bình Định theo dõi tốc độ và hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng, thời gian đổ bộ vào đất liền của siêu bão; cung cấp kịp thời diễn biến của siêu bão, mỗi ngày 4 bản tin chính và bổ sung một số bản tin xen kẽ để UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động chỉ đạo ứng phó.
+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động lực lượng trực thuộc phối hợp với lực lượng địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa, cơ sở công cộng. Bố trí một phần lực lượng tại các công trình phòng chống thiên tai, cùng lực lượng tại chỗ tiến hành gia cố khẩn cấp các hư hỏng, sạt lở bảo đảm an toàn công trình. Các lực lượng, thiết bị, phương tiện còn lại sẵn sàng chờ lệnh.
+ Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển kiểm đếm số lượng tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên các ngư trường. Thông báo cho gia đình và thuyền trưởng biết diễn biến của siêu bão; hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi khỏi vùng biển nguy hiểm, nhanh chóng về nơi trú tránh gần nhất. Vùng biển nguy hiểm trong 24 giờ tới thuộc phía Tây 120 kinh độ Đông, từ 12,2 đến 14,2 vĩ độ Bắc (theo kịch bản). Phối hợp cùng chính quyền địa phương bảo đảm an toàn tàu thuyền và ngư dân ở các khu neo đậu trú tránh siêu bão tại cảng Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn.
+ Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kiểm tra trang thiết bị, hệ thống thông tin, thiết bị truyền dẫn chuyển mạch, cột anten, máy nổ...đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ chỉ huy, điều hành phòng chống siêu bão. Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình giành thời lượng đưa tin cảnh báo siêu bão, công điện khẩn, công tác chỉ đạo, đối phó của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
+ Sở Công thương chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị ứng phó với siêu bão:
Yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các chủ các doanh nghiệp dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu; yêu cầu các hộ dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bão, lũ (nhất là vùng ven biển, hải đảo) dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng trong 07 ngày.
Yêu cầu Công ty Điện lực Bình Định kiểm tra hệ thống điện, phát quang hành lang tuyến, bảo đảm an toàn hệ thống điện.
Yêu cầu các Công ty thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Trà Xom 1, Vĩnh Sơn 5 kiểm tra, đánh giá trình trạng công trình đầu mối, các thiết bị, khắc phục các hư hỏng, tổ chức vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường ngăn chặn việc đầu cơ, nâng giá; đồng thời sẵn sàng giúp dân phòng tránh siêu bão ở những vùng bị ảnh hưởng.
- Trách nhiệm của cộng đồng dân cư:
+ Theo dõi các bản tin cảnh báo về diễn biến của siêu bão trên các phương tiện thông tin. Thực hiện ngay các nội dung công điện của Trung ương, của UBND Tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương về phòng, tránh siêu bão.
+ Thu hoạch nông lâm thủy sản, chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gia đình. Tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt cây tỉa cành xung quanh nhà để tránh đổ ngã khi siêu bão đổ bộ.
b. Siêu bão gần bờ: Vị trí tâm siêu bão cách bờ biển Bình Định - Phú Yên từ 650 km và di chuyển về phía đất liền trong 48 giờ tới.
- Trách nhiệm của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp:
+ Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành công điện khẩn cảnh báo siêu bão (Phụ lục 2B), chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các sở, ngành:
Thông báo, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của siêu bão để vào bờ gần nhất. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của siêu bão được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 11 đến vĩ tuyến 15 (theo kịch bản).
Nghiêm cấm tàu thuyền hoạt động ven cửa sông, ven biển; tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu; di chuyển các lồng bè khu nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên các tàu thuyền, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Chủ động sơ tán, di dời dân vùng ven biển, hải đảo đến nơi trú tránh an toàn; kiểm tra vùng thường bị ngập sâu, sạt lở do mưa lũ, sẵn sàng phương án di dời dân.
Bố trí lực lượng trực canh, phương tiện tại các ngầm, tràn, bến đò, cầu cống để hướng dẫn, ứng cứu bảo đảm an toàn người, phương tiện trong bão lũ.
Đối với các hồ chứa nước phải bố trí lực lượng thường trực; theo dõi và sẵn sàng phương án xả lũ đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
+ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã:
Đôn đốc gia đình ngư dân liên lạc, kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng về bờ trú tránh siêu bão;
Phối hợp đồn Biên phòng, trạm Thủy sản trên địa bàn hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu bảo đảm an toàn.
Chỉ đạo đài Truyền thanh - Truyền hình đưa tin về siêu bão, thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện về phòng chống siêu bão.
Khẩn trương chằng chống nhà cửa, bệnh viện, cơ quan, kho tàng; tổ chức lực lượng bảo vệ dân cư nơi trú tránh siêu bão.
- Sở Nông nghiệp và PTNT:
+ Phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về bờ tránh trú siêu bão; ra lệnh cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi (Chi cục Thủy sản).
+ Kiểm tra việc sơ tán dân các huyện, thành phố ven biển trước khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ trong 24 giờ tới (Chi cục Phát triển nông thôn).
+ Chỉ đạo các chủ hồ chứa nước lưu vực sông Kôn - Hà Thanh vận hành hạ thấp mực nước hồ đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ trường hợp thời tiết nguy hiểm khẩn cấp (Chi cục Thủy lợi).
+ Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị, kho tàng nhằm giảm thiệt hại do siêu bão.
- Đài Khí tượng thủy văn Bình Định cung cấp kịp thời về diễn biến của siêu bão, mỗi ngày có 8 bản tin chính và bổ sung một số bản tin xen kẽ để UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động chỉ đạo ứng phó.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động lực lượng trực thuộc phối hợp các đơn vị hiệp đồng của Bộ, Quân khu thực hiện:
+ Đưa nhân dân vùng ven biển sơ tán đến nơi trú tránh an toàn trước khi siêu bão đổ bộ 24 giờ.
+ Bố trí một phần lực lượng, phương tiện tại các công trình phòng chống thiên tai, cùng lực lượng tại chỗ trực canh, xử lý sự cố bảo vệ an toàn công trình.
+ Bố trí lực lượng trực thuộc bảo vệ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, kho tàng của đơn vị nhằm giảm thiệt hại do siêu bão.
- Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn cấp thực hiện:
+ Bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy định.
+Thông báo gia đình và thuyền trưởng biết diễn biến của siêu bão;
+ Hướng dẫn tàu thuyền thoát ra vùng biển nguy hiểm do siêu bão, nhanh chóng về nơi trú tránh gần nhất.
+ Cùng chính quyền địa phương bảo đảm an toàn tàu thuyền ở các khu neo đậu tại cảng Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông:
+ Đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ chỉ huy, điều hành phòng tránh siêu bão của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
+ Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình, đài thông tin duyên hải đưa tin cảnh báo siêu bão, công điện khẩn của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
+ Triển khai các máy thông tin di dộng vô tuyến sóng ngắn; mạng thông tin chuyên dùng Inmarsat để phục vụ thông tin chỉ huy điều hành.
- Sở Công Thương:
+ Kiểm tra việc dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng ở các doanh nghiệp; việc chằng chống bảo vệ kho hàng, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
+ Kiểm tra bảo đảm an toàn hệ thống điện. Yêu cầu các Công ty thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Trà Xom 1, Vĩnh Sơn 5 vận hành hạ thấp mực nước hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh trường hợp mưa bão nguy hiểm khẩn cấp.
+ Cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nước uống tại nơi trú tránh siêu bão cho nhân dân.
- Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện:
+ Phối hợp với chính quyền địa phương điều động phương tiện đảm bảo vận chuyển người dân sơ tán đến trú tránh an toàn.
+ Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông, bảo vệ cầu trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, Tỉnh lộ và hệ thống giao thông đô thị trong tỉnh.
+ Nghiêm cấm các chuyến tàu biển xuất bến.
+ Cùng lực lượng vũ trang bảo đảm an ninh tại các bến xe, bến tàu, bến cảng, sân bay.
- Sở Xây dựng chỉ đạo thực hiện:
+ Việc chằng chống nhà ở, công trình công cộng trước khi siêu bão đổ bộ 24 giờ.
+ Kiểm tra công trình, đường dẫn, thiết bị cấp nước bảo đảm cung cấp nước sạch cho dân cư khi siêu bão đổ bộ.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện:
+ Chằng chống phòng học, bảo quản tài liệu, giáo trình, trang thiết bị, phương tiện nhằm giảm thiệt hại do siêu bão.
+ Cho học sinh nghỉ học trước khi siêu bão đổ bộ 24 giờ.
+ Bố trí người bảo vệ trường học khi siêu bão đổ bộ.
- Các hội, đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương vận động tuyên truyền và giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo quản lương thực, vật nuôi hạn chế thiệt hại do siêu bão gây ra. Chăm sóc người cao tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em tại các điểm trú tránh siêu bão.
- Trách nhiệm của cộng đồng dân cư: Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương về phòng, chống siêu bão:
+ Khẩn trương chằng chống nhà cửa, bảo vệ lúa thóc, vật nuôi;
+ Bảo quản giấy tờ, tài sản có giá trị;
+ Sơ tán đến nơi trú tránh an toàn khi có lệnh.
c. Siêu bão khẩn cấp: Vị trí tâm siêu bão cách bờ biển Bình Định - Phú Yên 170 km và tiếp tục di chuyển theo hướng Tây về đất liền trong 9 giờ tới.
- Trách nhiệm của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp:
+ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh ban hành công điện khẩn chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành (Phụ lục 2C):
Tiếp tục kêu gọi khẩn cấp chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển di chuyển vào bờ gần nhất. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của siêu bão được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 11 đến vĩ tuyến 15, phía Tây kinh tuyến 112.
Kiểm tra tàu thuyền neo đậu tại các cảng, vùng biển trú tránh siêu bão; kiên quyết không để người trên các tàu thuyền, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Kiểm tra việc sơ tán dân tại các xã, phường ven biển; việc chuẩn bị lương thực, nước uống tại nơi trú tránh siêu bão.
Kiểm tra việc bố trí lực lượng trực canh tại các ngầm, tràn, bến đò, cầu cống để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông.
Kiểm tra việc bố trí lực lượng tại các hồ chứa nước, vận hành hạ thấp mực nước hồ đón lũ theo quy trình.
Kiểm tra việc bố trí lực lượng tại các hệ thống thông tin, điện lực, cấp nước sạch, bảo đảm các hệ thống vận hành an toàn theo phương án.
+ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã:
Khẩn cấp kêu gọi tàu thuyền về bờ trú tránh siêu bão;
Phối hợp đồn Biên phòng, trạm Thủy sản trên địa bàn kiểm tra tàu thuyền neo đậu bảo đảm an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trông coi tàu thuyền.
Kiểm tra việc chằng chống nhà cửa, cơ sở công cộng; việc tổ chức lực lượng bảo vệ dân cư nơi trú tránh.
Đài truyền thanh, truyền hình đưa tin về siêu bão, thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện về phòng tránh siêu bão.
- Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện:
+ Phối hợp Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra tàu thuyền trên biển, tàu thuyền neo đậu tại các cảng, vùng biển tránh trú; tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ra lệnh cấm biển.
+ Kiểm tra việc sơ tán dân các huyện, thành phố ven biển; việc bảo đảm an toàn người dân nơi trú tránh siêu bão.
+ Kiểm tra việc các chủ hồ chứa nước vận hành hạ thấp mực nước hồ đón lũ theo quy trình vận hành.
+ Kiểm tra việc bố trí lực lượng bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị, kho tàng ở các đơn vị trực thuộc nhằm giảm thiệt hại.
- Đài Khí tượng thủy văn Bình Định ban hành 8 bản tin chính và bổ sung một số bản tin xen kẽ trong ngày để UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ động chỉ đạo ứng phó.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các đơn vị hiệp đồng của Bộ, Quân khu kiểm tra:
+ Việc sơ tán nhân dân vùng ven biển đến nơi trú tránh an toàn.
+ Việc bố trí một phần lực lượng, phương tiện tại các công trình phòng chống thiên tai để xử lý sự cố bảo vệ an toàn công trình.
+ Việc bố trí lực lượng trực thuộc bảo vệ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, kho tàng của đơn vị nhằm giảm thiệt hại.
- Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện:
+ Bắn pháo hiệu cảnh báo siêu bão khẩn cấp theo quy định;
+ Kiểm tra việc trực canh trên các phương tiện thông tin liên lạc;
+ Kiểm đếm tàu thuyền trên các vùng biển; cùng chính quyền địa phương bảo đảm an toàn tàu thuyền neo đậu tại cảng Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn và các vùng biển trú tránh.
- Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện:
+ Đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ chỉ huy, điều hành phòng tránh siêu bão của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các sở, ngành;
+ Đưa tin siêu bão khẩn cấp, công điện khẩn của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh liên tục cả trên đất liền và trên biển.
+ Triển khai hệ thống thông tin di dộng vô tuyến sóng ngắn, mạng thông tin chuyên dùng Inmarsat đảm bảo thông tin chỉ huy điều hành của Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
- Sở Công Thương kiểm tra:
+ Việc dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng ở các doanh nghiệp; việc chằng chống bảo vệ kho hàng, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
+ Việc bảo đảm an toàn hệ thống điện; việc vận hành hạ thấp mực nước hồ đón lũ của nhà máy thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ.
+ Cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nước uống tại nơi trú tránh siêu bão cho nhân dân.
- Sở Giao thông Vận tải kiểm tra:
+ Việc vận chuyển người dân sơ tán đến trú tránh an toàn;
+ Việc kiểm soát giao thông, bảo vệ cầu trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và hệ thống giao thông đô thị trong tỉnh;
+ Việc hủy các chuyến tàu biển xuất bến;
+ Việc bảo đảm an ninh, trật trự tại các bến xe, bến tàu, bến cảng, sân bay.
- Sở Xây dựng kiểm tra:
+ Việc chằng chống nhà ở, nhà xưởng, kho tàng; bảo đảm an toàn công trình trước khi siêu bão đổ bộ.
+ Việc bảo đảm an toàn công trình, đường dẫn, thiết bị cấp nước bảo đảm cung cấp nước sạch cho dân cư.
- Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra Nhà trường, Phòng giáo dục cấp huyện:
+ Việc chằng chống phòng học, bảo quản tài liệu, giáo trình, trang thiết bị;
+ Việc cho học sinh nghỉ học;
+ Việc bảo vệ trường học khi siêu bão đổ bộ.
- Các hội, đoàn thể tham gia giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo quản lương thực, vật nuôi. Tổ chức chăm sóc người cao tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em tại các điểm trú tránh.
- Trách nhiệm của cộng đồng dân cư: Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương:
+ Kiểm tra việc chằng chống nhà cửa, bảo vệ lúa thóc, vật nuôi;
+ Bảo quản giấy tờ, tài sản quý;
+ Giữ gìn trật trự nơi sơ tán.
d. Siêu bão đổ bộ vào đất liền: Tâm siêu bão thuộc vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 17.
- Trách nhiệm Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp:
+ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo sát diễn biến và thiệt hại do siêu bão. Ban hành công điện khẩn chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp (Phụ lục 2D):
Thực hiện trực chỉ huy, trực ban 24/24 giờ, nắm chắc diễn biến của siêu bão và tình hình để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến, ảnh hưởng của siêu bão. Kịp thời báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh những diễn biến và thiệt hại do siêu bão để có chỉ đạo xử lý.
Thực hiện cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất do Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện trực tiếp chỉ huy, điều hành ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
- Công việc chính tuyệt đối hoàn thành:
+ Không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè;
+ Đảm bảo an ninh, lương thực, thực phẩm, thuốc men tại nơi sơ tán dân;
+ Thường trực lực lượng, phương tiện, vật tư tại các trọng điểm xung yếu để sẵn sàng cứu hộ công trình đê điều, hồ đập, cầu cống giao thông, kho tàng.
+ Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó;
+ Cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực siêu bão đổ bộ (trừ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão).
+ Cắt điện khi siêu bão đổ bộ.
+ Tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
- Trách nhiệm của cộng đồng dân cư:
+ Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Không được đi ra ngoài khi siêu bão chuẩn bị đổ bộ; không được ở lại trên các tàu thuyền nơi neo đậu, trên các chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản.
+ Có trách nhiệm giữ gìn an ninh nơi sơ tán.
Siêu bão vượt kinh tuyến 1200 Đông vào Biển Đông, tốc độ di chuyển 20 km/giờ. 48 giờ sau khi vào Biển Đông, siêu bão đến kinh tuyến 110,70 Đông, cách bờ biển Bình Định - Phú Yên 170 km. Siêu bão sẽ đổ bộ vào vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên trong 9 giờ tiếp theo. Siêu bão với gió mạnh cấp 16, giật cấp 17 sẽ ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng các huyện, thị xã, thành phố phía Nam tỉnh, nhất là vùng trũng ven biển. Các hộ gia đình không có nhà kiên cố sẽ không bảo đảm an toàn trong siêu bão, cần sơ tán tới nơi an toàn theo Lệnh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp. Có 198.011 người dân của 136 xã, phường bị ảnh hưởng bão mạnh, siêu bão cần sơ tán. Trong đó cần đặc biệt chú ý sơ tán, bảo đảm an toàn cho 164.708 người dân thuộc 85 xã, phường ven biển bị ngập do nước biển dâng.
a. Vùng bị ảnh hưởng bão mạnh, siêu bão và nước biển dâng:
- Vùng bị ảnh hưởng do bão mạnh, siêu bão đổ bộ:
TT | Cấp huyện | Số xã/ số dân | Xã, phường ảnh hưởng siêu bão, lũ cần sơ tán dân |
01 | Quy Nhơn | 18/61.132 | Phường Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Ngô Mây, Nhơn Bình, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Diệu. |
02 | An Nhơn | 15/8.989 | Phường Bình Định, Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Thọ, Nhơn Hòa, Nhơn Lộc, Nhơn Tân, Nhơn Mỹ. |
03 | Hoài Nhơn | 16/25.660 | TT. Tam Quan, TT. Bồng Sơn, Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Mỹ, Hoài Đức. |
04 | Phù Cát | 18/10.788 | TT. Ngô Mây, Cát Sơn, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Tài, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Thành, Cát Trinh, Cát Hải, Cát Hiệp, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tường, Cát Tân, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh. |
05 | Phù Mỹ | 19/7.392 | TT. Phù Mỹ, TT. Bình Dương, Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ An, Mỹ Phong, Mỹ Trinh, Mỹ Thọ, Mỹ Hòa, Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây. |
06 | Tuy Phước | 14/59.736 | TT. Tuy Phước, TT. Diêu Trì, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước Quang, Phước Hưng, Phước An, Phước Thành, Phước Mỹ. |
07 | Vân Canh | 7/2.900 | Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp, T.Tr Vân Canh, Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Liên. |
08 | Vĩnh Thạnh | 4/1.104 | Vĩnh Thạnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp. |
09 | Hoài Ân | 12/4.254 | Ân Hảo, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Thạnh, Ân Phong, Ân Nghĩa, Ân Tường, Ân Hữu, Ân Đức, TT Tăng Bạt Hổ |
10 | An Lão | 3/2.988 | An Hòa, An Tân, thị trấn An Lão. |
11 | Tây Sơn | 10/13.068 | Tây Vinh, Bình Hòa, Bình Thành, Bình Nghi, Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Tây Giang, Tây Bình, Tây An, Tây Thuận. |
Tổng cộng | 136/198.011 |
|
Chi tiết xem Phụ lục 3 Kế hoạch sơ tán dân trú tránh siêu bão.
- Vùng bị ảnh hưởng do nước biển dâng:
STT | Cấp huyện | Số xã/số dân | Xã, phường bị ảnh hưởng do nước biển dâng cần sơ tán dân |
01 | Quy Nhơn | 11/58.240 | Nhơn Bình, Nhơn Phú, Đống Đa, Trần Quang Diệu, Hải Cảng, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Cừ, Ghềnh Ráng, Nhơn Hội. |
02 | Tuy Phước | 11/58.992 | TT. Tuy Phước, TT. Diêu Trì, Phước Thắng, Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hóa, Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Thuận. |
03 | Phù Cát: | 11/6.860 | Ngô Mây, Cát Sơn, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Tài, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Thành, Cát Trinh, Cát Hải, Cát Hiệp, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tường, Cát Tân, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh. |
04 | Phù Mỹ | 4/1.768 | Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây. |
05 | Hoài Nhơn | 10/2.016 | Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Xuân, Hoài Mỹ, Hoài Đức. |
Tổng cộng | 47/127.876 |
|
b. Nhà dân không đảm bảo an toàn khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ: Theo hướng dẫn phân loại nhà an toàn với các cấp bão của Bộ Xây dựng, Bình Định có số lượng nhà không an toàn khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ tương đối lớn, cụ thể như sau:
STT | Cấp huyện | Số lượng nhà | Thuộc các xã, phường |
01 | Quy Nhơn | 4.552 | Phước Mỹ: 711; Nhơn Châu: 1.559; Nhơn Hội: 1.046; Nhơn Lý: 6; Nhơn Hải: 1.276. |
02 | Phù Mỹ | 42.470 | Mỹ Tài: 2.657; Mỹ Hòa: 2.256; Mỹ Thọ: 3.610; Mỹ Trinh: 1.752; Mỹ Chánh: 3067; thị trấn Bình Dương: 1.262; Mỹ Chánh Tây: 1.131; Mỹ Thắng: 2.800; Mỹ Lợi: 2.229; thị trấn Phù Mỹ: 1.964; Mỹ Hiệp: 2.722; Mỹ Lộc: 1.879; Mỹ Quang: 1.731; Mỹ Cát: 1.537; Mỹ An: 2.052; Mỹ Đức: 1.353; Mỹ Thành: 2.382; Mỹ Phong: 2.088; Mỹ Châu: 1.991. |
03 | Tuy Phước | 45.497 | Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Lộc, T.T Tuy Phước. |
04 | Vân Canh | 7.315 | Canh Vinh: 2.355; Canh Hiển: 735; Canh Hiệp: 603; T.T Vân Canh: 1.659; Canh Thuận: 1.002; Canh Hòa: 502; Canh Liên: 558. |
05 | Vĩnh Thạnh | 8.469 | Vĩnh Quang: 1.073; Vĩnh Hòa: 489; Vĩnh Thuận: 405; Vĩnh Hảo: 682; Vĩnh Kim: 558; Vĩnh Hiệp: 953; TT Vĩnh Thạnh: 1.687; Vĩnh Sơn: 806; Vĩnh Thịnh: 1.816. |
06 | Hoài Ân | 22.716 | Ân Hảo, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Thạnh, Ân Phong, Ân Nghĩa, Ân Tường, Ân Hữu, Ân Đức, T.T Tăng Bạt Hổ |
07 | An Lão | 6.057 | An Trung: 90; An Toàn: 210; An Nghĩa: 182; An Vinh: 508; An Hòa: 2.920; T.T An Lão: 1.110 |
Tổng số | 137.076 |
|
Chi tiết xem Phụ lục 4 Kết quả phân loại nhà an toàn theo các cấp bão.
c. Quá trình sơ tán dân:
- Phát lệnh sơ tán dân: Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Đài KTTV Bình Định theo dõi sát diễn biến của siêu bão đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh sơ tán dân trước khi siêu bão đổ bộ 36 giờ, kết thúc trước 12 giờ.
+ Chỉ huy công tác sơ tán dân: Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã chỉ huy công tác sơ tán dân trên địa bàn.
+ Lực lượng hỗ trợ sơ tán dân:
Lực lượng vũ trang tại UBND cấp huyện, xã là chủ yếu.Các lực lượng vũ trang đã hiệp đồng với UBND cấp huyện và của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ.
Lực lượng tuần tra, bảo vệ nơi sơ tán: Sử dụng lực lượng dân quân phối hợp với công an địa phương nơi sơ tán.
+ Hình thức sơ tán dân:
Người dân tự di dời, sơ tán vào các nhà kiên cố tại chỗ là chính. Trường hợp không đủ, sơ tán vào các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, khách sạn, công trình công cộng, các cơ sở tôn giáo. Ưu tiên sơ tán trước cho người già, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Chú ý không để sót người tạm trú, sinh viên, công nhân trong các nhà trọ; khách dừng chân tại các bến xe, bến tàu; người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền đang neo đậu.
Người sơ tán phải mang theo thức ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh, vật dụng cần thiết để sử dụng trong thời gian sơ tán.
Chính quyền địa phương nơi tiếp nhận dân tới trú tránh bão phải chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, bảo đảm an ninh, vệ sinh môi trường.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố huy động các đội cấp cứu tại chỗ và lưu động sẵn sàng ứng cứu dân; phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp theo dõi tình hình tại các nơi đang sơ tán dân để bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư, thuốc chữa bệnh cho phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán đối với các tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành.
+ Một số nguyên tắc trong chỉ huy sơ tán dân:
Phải đảm bảo thông tin liên lạc và chế độ báo cáo: Các địa phương, đơn vị phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Trường hợp có sự cố về đường truyền phải nhanh chóng xử lý hoặc thiết lập kênh thông tin khác.Đồng thời phải duy trì chế độ báo cáo liên tục 2 giờ/lần về kết quả thực hiện cho cấp chỉ huy trực tiếp để chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Phải bảo đảm tính cơ động: Công tác chuẩn bị phải được thực hiện chu đáo. Các điểm tập kết dân phải gần các trục đường vận chuyển và phương tiện cơ giới phải phù hợp với địa hình thực tế, hoạt động bình thường. Tuyên truyền, vận động nhân dân ý thức tự bảo vệ và đoàn kết giúp đỡ nhau để việc sơ tán đảm bảo nhanh chóng và an toàn.
Phải bảo đảm tính tự giác, nghiêm túc: Người dân di dời, sơ tán đến các nơi trú tránh dưới sự tổ chức, hướng dẫn của lực lượng bộ đội, công an và dân quân. Phải chấp hành mọi chỉ dẫn, điều động của lực lượng hỗ trợ để việc sơ tán là tự giác, an ninh và kịp thời gian quy định.
Phải bảo đảm điều kiện sinh hoạt nơi sơ tán đến: Các nhà kiên cố, cơ sở công cộng, tôn giáo, doanh nghiệp, khách sạn… phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân trong thời gian trú tránh siêu bão. Phải có lương thực, nước uống, chăn màn và nhân viên y tế phục vụ sức khỏe nhân dân.
3. Phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền
Bình Định hiện có khoảng 6.400 tàu thuyền/44.500 ngư dân thường xuyên di chuyển hoạt động đánh bắt trên biển. Tình hình hoạt động tàu thuyền trên các ngư trường: Hoạt động khu vực ngư trường miền Trung khoảng 4.400 tàu/33.400 người; khu vực ngư trường miền Nam 1.800 tàu/10.200 người; khu vực ngư trường miền Bắc 200 tàu/900 người. Ngoài ra, còn có 2.840 lồng bè nuôi thủy sản, chủ yếu ở ven biển Quy Nhơn. Phương án bảo đảm an toàn tàu thuyền như sau:
a. Khi có cảnh báo siêu bão gần biển Đông, công điện chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện ven biển, thành phố Quy Nhơn thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển:
- Vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của siêu bão để thuyền trưởng chủ động phòng tránh; đồng thời hướng dẫn tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn cho tàu thuyền di chuyển vào vùng cảng biển gần nhất,cụ thể:
+ Tàu thuyền khu vực Hoàng Sa, Trường Sa trên vĩ độ 13,2 di chuyển lên phía Bắc hoặc vào bờ; dưới vĩ độ 13,2 di chuyển xuống phía Nam hoặc vào bờ.
+ Tàu thuyền gần bờ từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh, từ Phú Yên đến Kiên Giang nhanh chóng di chuyển vào bờ.
+ Đối với tàu thuyền hoạt động gần bờ trong tỉnh di chuyển vào bờ.
- Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo đồn Biên phòng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, thành phố Quy Nhơn bắn pháo hiệu cảnh báo bão theo quy định.
- Kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển. Liên lạc với chủ các phương tiện, gia đình ngư dân để xác minh vụ việc tàu thuyền, xử lý và báo cáo cấp trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
b. Đài thông tin Duyên hải Quy Nhơn thông báo liên tục diễn biến siêu bão, liên lạc với tàu thuyền trên biển để hướng dẫn di chuyển tránh trú.
c. Chi cục Thủy sản phối hợp với Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, thành phố Quy Nhơn:
- Kiểm đếm tàu thuyền đã về nơi trú tránh tại cảng Tam Quan, đầm Đề Gi, đầm Thị Nại; cập nhật tàu thuyền của tỉnh đang trú tránh ở các tỉnh bạn.
- Kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên các ngư trường, thông báo diễn biến siêu bão và hướng dẫn tàu thuyền di chuyển trú tránh.
- Liên lạc với chủ các phương tiện, gia đình ngư dân để xác minh vụ việc tàu thuyền, thông báo cho các tàu trong tổ đội hỗ trợ, giúp đỡ và báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
c. Công an, Bộ đội Biên phòng và UBND cấp huyện, xã ven biển:
- Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn;
- Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh khi siêu bão ảnh hưởng đến đất liền.
- Đảm bảo an ninh tại các bến, cảng tàu thuyền neo đậu.
d. Số lượng tàu thuyền có thể vào neo đậu: Từ cầu Hàm Tử đến đường Phan Chu Trinh 850 tàu; Bắc sông Hà Thanh 430 tàu; Đông Nam xã Nhơn Hội 1.050 tàu; đầm Đề Gi 4.200 tàu; cửa Tam Quan Bắc 1.350 tàu. Đối với các tàu thuyền nhỏ thì đưa lên bờ hoặc nhận chìm.
đ. Đối với lồng bè nuôi trồng trên biển: UBND các huyện ven biển, thành phố Quy Nhơn hướng dẫn các chủ nuôi di chuyển 2.750 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản đến nơi an toàn (các đầm, vịnh kín gió) hoặc vận động các chủ nuôi thu hoạch, chế biến, cất giữ thủy sản.
Chi tiết xem Phụ lục 5 danh sách các điểm neo đậu tránh trú siêu bão.
4. Phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước
Bình Định có 165 hồ chứa nước (chưa kể các hồ chứa thủy điện ). Công ty Khai thác CTTL Bình Định quản lý 15 hồ. Các địa phương quản lý 150 hồ chứa nhỏ. Đảm bảo an toàn hồ chứa nước và vùng hạ du là mục tiêu quan trọng hàng đầu đồng thời tích đủ nước phục vụ cho sản xuất. Đây là một nội dung trọng tâm của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trong chỉ đạo ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phải trực tiếp đôn đốc việc kiểm tra, tổng hợp tình hình các hồ chứa lớn Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn A, Trà Xôm 1, Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn, Vạn Hội để báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT. Chủ hồ phải thực hiện trực ban và báo cáo theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh trong mùa lũ.
Đài Khí tượng thủy văn Bình Định theo dõi, cung cấp kịp thời thông tin về diễn biến của siêu bão, bản tin dự báo mưa lũ do siêu bão để Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chỉ đạo vận hành điều tiết hồ, ứng phó với siêu bão.
a. Khi siêu bão gần và trên biển Đông, chủ hồ thực hiện ngay một số công việc sau:
- Kiểm tra và báo cáo ngay tình trạng của các hồ chứa, đập dâng, trang thiết bị vận hành, quản lý;
- Sửa chữa, gia cố hư hỏng của đập, cống, thiết bị đóng mở cửa tràn, cống;
- Vận hành thử cửa van, thiết bị đóng mở của các tràn xả lũ, cống;
- Giải phóng vật cản trên cửa vào, ngưỡng tràn, hành lang thoát lũ hạ lưu;
- Bố trí lực lượng, tập kết vật tư, phương tiện, chuẩn bị hậu cần để sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”;
- Theo dõi diễn biến siêu bão, mưa lũ; thực hiện chế độ quan trắc dự báo mực nước hồ, dung tích, lưu lượng đến, lưu lượng xả theo quy định.
b. Khi siêu bão gần bờ và khẩn cấp:
- Các hồ chứa nhỏ do UBND cấp huyện quản lý, chủ hồ thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để đón lũ theo quy trình. Đối với các hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, khi có lệnh của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, chủ hồ vận hành hạ mực nước hồ đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ.
- Thực hiện chế độ quan trắc dự báo trong trường hợp có bão khẩn cấp.
- Chính quyền địa phương thông báo ngay việc vận hành hồ chứa hạ mực nước hồ đón lũ để nhân dân vùng hạ lưu kịp thời ứng phó với lũ lụt.
- Tổ chức lực lượng thường trực, khắc phục sự cố bảo đảm an toàn đập.
- Bố trí lực lượng, phân luồng không cho người và phương tiện giao thông đi vào khu vực sẽ ngập lụt,
- Báo cáo, đề xuất ngay với cấp trên những vấn đề vượt quá khả năng.
c. Khi siêu bão đổ bộ:
- Chủ hồ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các hồ chứa phải phân công trực ban liên tục 24/24giờ; tổ chức quan trắc mưa, mực nước hồ; kiểm tra đập, tràn, cống để kịp thời phát hiện và xử lý ngay sự cố; duy trì thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo tình hình kịp thời. Bố trí dân quân tự vệ, lực lượng xung kích tại địa điểm tập kết để sẵn sàng ứng cứu, bảo đảm an toàn hồ đập.
- Khi thời tiết diễn biến bất lợi (sau khi siêu bão đổ bộ 12 giờ), mưa lớn, mực nước hồ lên nhanh và vượt ngưỡng tràn, chủ hồ phải báo cáo ngay diễn biến tình hình và dự báo khả năng xả lũ cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã vùng hạ du để chuẩn bị ứng phó.
- Sở Nông nghiệp và PTNT phải theo dõi sát tình hình, chuẩn bị cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm để chỉ đạo vận hành điều tiết hồ; hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời các sự cố phát sinh.
- Khi mực nước hạ lưu đến mức báo động 2, mực nước trong hồ chứa tiếp tục lên, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh với hạ lưu liên huyện, hoặc UBND cấp huyện với hạ lưu liên xã, hoặc UBND cấp xã quyết định thực hiện phương án sơ tán dân trong phạm vi hành lang thoát lũ. Việc sơ tán dân chủ yếu là dân tự di chuyển đến các địa điểm sơ tán với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, tình nguyện viên. Lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ các hộ neo đơn, người già, phụ nữ, trẻ em; bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn tài sản của dân tại nơi đi và nơi đến.
- Khi mực nước hồ vượt cao trình mực nước dâng gia cường và tiếp tục lên, hoặc khi thân đập có sự cố nguy hiểm không xử lý được có nguy cơ dẫn đến vỡ đập thì phát lệnh sơ tán dân trong vùng hạ lưu đập. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn huy động nguồn lực hỗ trợ ứng phó. Các lực lượng ứng cứu tại hồ thực hiện phương án đảm bảo an toàn đập. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai lực lượng hỗ trợ sơ tán; đồng thời triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn ở vùng hạ du.
Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần thực hiện phân luồng, hướng dẫn không để người, phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ bị ngập.
d. Khắc phục hậu quả sau siêu bão:
- Sửa chữa ngay những hư hỏng mới phát sinh để bảo đảm an toàn hồ chứa, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Xác định nhu cầu về vật chất, tài chính để khắc phục khẩn cấp bảo đảm an toàn hồ chứa, trình cấp có thẩm quyền.
- Lập kế hoạch hỗ trợ trung hạn và dài hạn để sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn đập và hạ du.
5. Phương án đảm bảo an toàn đê kè
Bình Định có 828km đê kè, trong đó có 164km đê kè biển và đê cửa sông có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng khi siêu bão. Những tuyến đê, kè trọng điểm cần quan tâm: Đê Tam Quan - Chương Hòa, Đê Hoài Hương - Hoài Mỹ - Hoài Hải, Đê ven đầm Đề Gi, Đê cửa sông La Tinh, Hệ thống Đê Đông ven đầm Thị Nại và Đê Nhơn Lý.
Đê Tam Quan - Chương Hòa, Đê Hoài Hương - Hoài Mỹ - Hoài Hải là những đoạn đê nhỏ, bờ vùng chắp vá chưa được sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay các tuyến đê này có cao trình +1.00, chiều rộng mặt đê từ 0,80 đến 1m, nhiều chỗ sạt lở không còn mái đê, chưa được kiên cố hóa.
Hệ thống đê LaTinh được nâng cấp năm 2012, có chiều dài 26,4 km gồm đê La Tinh, đê sông Cạn qua địa phận các xã: Cát Tài, Cát Minh, Mỹ Tài, Mỹ Cát và Mỹ Chánh. Mặt đê rộng từ 3,5 - 5m, cao trình đỉnh đê từ +3.20 đến +9.00, mái sông bằng đá lát khan, mái đồng trồng cỏ liền mặt. Hệ thống đê có 05 tràn phân lũ chiều dài 150m, 57 cống dưới đê chiều rộng tiêu thoát 41m.
Hệ thống Đê Đông ven đầm Thị Nại qua các cửa sông Hà Thanh - sông Kôn thuộc 11 xã, phường của thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát. Trên toàn tuyến có 24 tràn thoát lũ có cao trình từ +0.50 đến +0.80 với chiều dài 2,70km; 31 cống có cao trình đáy cống từ -1.00 đến ±0.00 với chiều rộng tiêu úng 163m. Đây là hệ thống đê ngăn mặn quan trọng của tỉnh được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh. Cao trình mặt đê từ +1.30 đến +4.20, chiều rộng 3,0 đến 5,0m; hệ số mái đê từ 1,0 đến 2,50m được kiên cố hóa ba mặt.
Siêu bão cấp 16 đổ bộ vào vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên, nước biển dâng 2m, cộng với cao trình mực nước biển thời điểm bão đổ bộ là +1.15, thì toàn bộ hệ thống đê ven biển bị tràn ngập. Vì vậy, khi siêu bão cấp 16 vào Biển Đông (theo kịch bản), nhân dân sinh sống ven đê biển và đê cửa sông phải thực hiện Lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Chỉ có một bộ phận lực lượng bộ đội, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ ở lại thực hiện nhiệm vụ và gia cố đê, kè vùng trọng điểm.
a. Khi siêu bão gần và trên Biển Đông:
- Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã, trạm Thủy lợi Hà Thanh, trạm Thủy lợi La Tinh tổ chức lực lượng kiểm tra, gia cố đê kè theo phương án Phòng chống thiên tai và TKCN của địa phương.
- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã huy động lực lượng, phương tiện, vật liệu sửa chữa, gia cố ngay các đoạn đê kè xung yếu. Nâng cao trình mặt đê những đoạn đê có nguy cơ bị vỡ khi nước biển dâng tràn qua.
- Kiểm tra, bổ sung vật tư, vật liệu, dụng cụ, phương tiện phòng chống lụt bão tại các tuyến đê xung yếu.
b. Khi siêu bão gần bờ và khẩn cấp:
- Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã, trạm Thủy lợi vùng tổ chức trực canh 24/24 giờ trên các tuyến đê cửa sông, đê biển.
- Tổ chức kiểm tra, phát hiện các sự cố giờ đầu trên hệ thống đê; kịp thời xử lý sự cố bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.
- Hạ các cửa tràn trên đê, mở cửa các cống tiêu để thông thoáng dòng chảy thoát lũ kịp thời.
- Không cho người và phương tiện lưu thông trên đê ngoài lực lượng và xe hộ đê.
- Duy trì thông tin liên lạc giữa các tổ đội quản lý đê, UBND và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
c. Khi siêu bão đổ bộ:
- Tăng cường lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích cùng lực lượng quản lý đê tổ chức ứng trực tại các điểm canh đê trọng điểm.
- Tăng cường tuần tra, kiểm tra đê để phát hiện kịp thời và xử lý ngay các sự cố.
- Báo cáo ngay các sự cố vượt khả năng để cấp trên kịp thời hỗ trợ.
- Duy trì thông tin liên lạc để báo cáo kịp thời tình hình và tiếp nhận các thông tin về bão lũ, chỉ đạo ứng phó của cấp trên.
d. Khắc phục hậu quả sau siêu bão:
- Sửa chữa ngay những hư hỏng để bảo đảm an toàn đê điều. Xác định nhu cầu về vật chất, tài chính để khắc phục khẩn cấp bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất, trình cấp có thẩm quyền.
- Lập kế hoạch hỗ trợ trung hạn và dài hạn để sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển.
6. Phương án đảm bảo thông tin liên lạc
Sở Thông tin và Truyền thông, Chi nhánh Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội trên địa bàn tỉnh thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BTTTT, ngày 05/11/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
a. Trước khi siêu bão đổ bộ
Thông tin liên lạc từ Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đến UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh, cấp huyện được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động, cố định mặt đất công cộng, mạng bưu chính công cộng.
Thông tin liên lạc cho các đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT trong trường hợp cần thiết, được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng.
Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông Viettel, Mobiphone, Vinaphone… điều chỉnh phương án PCTT và TKCN của ngành mình cho phù hợp với tình hình thực tế; kiểm tra, đánh giá chất lượng mạng lưới bưu chính, viễn thông để kịp thời sửa chữa, khắc phục các hư hỏng đảm bảo hoạt động liên tục; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
b. Khi siêu bão đổ bộ: Tại các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của siêu bão:
- Thông tin liên lạc từ Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đến các khu vực bị ảnh hưởng siêu bão của tỉnh, huyện được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông cố định vệ tinh (VSAT) chuyên dùng và hệ thống viễn thông vô tuyến điện chuyên dùng.
- Thông tin liên lạc cho các đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng.
- Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn chủ động phát tin cảnh báo siêu bão khẩn cấp và đổ bộ theo quy định. Viễn thông Bình Định phải đảm bảo hệ thống giao ban trực tuyến phục vụ chỉ đạo trực tuyến triển khai công tác PCTT và TKCN, đồng thời triển khai mạng thông tin chuyên dùng;
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sử dụng mạng thông tin nội bộ phục vụ thông tin chỉ huy, điều hành công tác ứng phó.
- Các phương tiện thông tin, truyền thông tăng cường phát thanh, truyền hình liên tục trên các phương tiện về tình hình siêu bão khẩn cấp, đổ bộ vào đất liền cho chính quyền và nhân dân được biết và ứng phó.
- Phải ưu tiên xử lý sự cố thông tin và duy trì thông tin liên lạc tại các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành và công trình PCTT bằng các hệ thống điện thoại cố định, máy điện thoại di động của các mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel. Nếu các mạng không liên lạc được thì dùng các máy thông tin di động vô tuyến sóng ngắn Codan; hoặc sử dụng mạng thông tin chuyên dùng Inmarsat để phục vụ.
c. Khắc phục hậu quả siêu bão
Sau siêu bão, các đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông Viettel, Mobiphone, Vinaphone, … phải nỗ lực xử lý sự cố hư hỏng thiết bị truyền tin, khôi phục các hệ thống thông tin liên lạc. Tiến hành thống kê thiệt hại về người, phương tiện, trang thiết bị thông tin báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, đề xuất.
7. Phương án đảm bảo an toàn giao thông
a. Trước khi siêu bão đổ bộ: Sở Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty cổ phần Giao thông thủy bộ, Công ty cổ phần Quản lý xây dựng đường bộ, Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Thanh tra giao thông và các Hạt quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền các cấp:
- Kiểm tra tình hình công trình giao thông đang thi công. Yêu cầu nhà thầu thu dọn hiện trường, chuyển vật liệu, trang thiết bị tới nơi an toàn; gia cố lán trại, kho tàng; tháo dỡ công trình tạm, thông thoát dòng chảy.
- Nghiêm cấm không để người và phương tiện lưu thông khi có gió mạnh trên các tuyến đường bộ, đường thủy.
- Bố trí lực lượng trực tại các nút giao thông, cầu vượt quốc lộ, tỉnh lộ để xử lý sạt lở đất, cây cối ngã đổ, hướng dẫn người dân đi lại trật trự, an toàn.
b. Khi siêu bão đổ bộ
- Tổ chức lực lượng xung kích tại các công trình trọng yếu và duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ.
- Các Hạt quản lý đường bộ tổ chức kiểm tra để phát hiện xói lở, đất sụt, cây đổ có thể gây hư hỏng cầu đường ách tắc giao thông, kịp thời xử lý bảo đảm giao thông thông suốt.
- Bố trí các tổ, đội theo dõi diễn biến an toàn giao thông tại những vị trí trọng yếu như đèo Cù Mông, đèo Bình Đê, cầu Gành hay các tuyến đường thường bị ngập lụt như ĐT.636 Đập Đá - Phước Thắng, ĐT.636B Gò Bồi - Lai Nghi, ĐT.639 Nhơn Hội - Tam Quan, ĐT.640 Ông Đô - Cát Tiến; cập nhật tình hình giao thông, ngập lụt các tuyến đường, thực hiện chế độ báo cáo khẩn cấp.
- Thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông điều hành, phân luồng giao thông.
- Các huyện, thị xã, thành phố bố trí tổ, đội xung kích thường trực đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, ngăn ngừa chia cắt giao thông khi có lũ lớn.
- Gia cố, sửa chữa ngay các hư hỏng của đường và công trình để giảm nhẹ thiệt hại, bảo đảm giao thông đường bộ. Trong trường hợp sự cố xảy ra ngoài khả năng của địa phương, đơn vị mình thì phải báo cáo, đề xuất ngay về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để được hỗ trợ.
- Lực lượng tại hiện trường phải phát huy năng lực cứu người bị nạn.Trong trường hợp vượt quá khả năng phải thông báo ngay cho các lực lượng chuyên nghiệp tìm kiếm, cứu nạn hoặc cấp cứu y tế gần nhất để cứu nạn kịp thời.
- Khi xảy ra ách tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện xác định tình trạng hư hỏng, tổ chức cảnh báo và khắc phục tạm bảo đảm giao thông bước 1. Báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và phòng tránh.
c. Khắc phục hậu quả sau siêu bão
- Triển khai phương tiện, lực lượng, vật tư khắc phục khẩn trương sự cố; báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo, chi viện.
- Bố trí lực lượng tuần đường tại các điểm nút giao thông, các cầu vượt quốc lộ, tỉnh lộ để hướng dẫn người dân đi lại trật trự, an toàn.
- Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đảm bảo an toàn giao thông bước 1, không để chia cắt do siêu bão.
- Tổng hợp thiệt hại trên hệ thống giao thông và báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
8. Phương án huy động nguồn nhân lực ứng phó
Khi xảy ra siêu bão, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chủ động huy động lực lượng tại chỗ để ứng phó.
a. Thành phần lực lượng
- Lực lượng tại địa phương
+ Lực lượng thường trực:
Cơ quan 4 phòng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
Các tiểu đoàn, đại đội trực thuộc Bộ CHQS tỉnh, Trường QS tỉnh;
Lực lượng quân sự tại 11 huyện, thị xã, thành phố;
Lực lượng dân quân tự vệ.
+ Lực lượng dự bị động viên huy động khẩn cấp.
+ Cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
- Lực lượng hiệp đồng của Bộ, Quân khu: Các Sư đoàn,Trung đoàn, Lữ đoàn của các quân chủng trong hiệp đồng ứng phó với thiên tai. Chi tiết xem Phụ lục 6 Kế hoạch hiệp đồng các đơn vị quân sự.
b. Nhu cầu về bố trí lực lượng ở vùng trọng điểm: Khi bão mạnh, siêu bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền trong 24 giờ tới, các lực lượng vũ trang của tỉnh và hiệp đồng cơ động đến các địa bàn được phân công giúp đỡ nhân dân di dời theo phương án được duyệt. Các vùng trọng điểm ven biển cần tập trung di dời trước:
- Thành phố Quy Nhơn có 15.283 hộ/61.132 người dân phải đi sơ tán, cần bố trí 2.040 cán bộ, chiến sĩ.
- Huyện Tuy Phước có 14.934 hộ/ 59.736 người dân phải đi sơ tán, cần bố trí 2.980 cán bộ chiến sĩ.
- Huyện Phù Cát có 2.697 hộ/10.788 người dân phải đi sơ tán, cần bố trí 540 cán bộ chiến sĩ.
- Huyện Phù Mỹ có 1.848 hộ/7.392 người dân phải đi sơ tán, cần bố trí 370 cán bộ chiến sĩ
- Huyện Hoài Nhơn có 6.415 hộ/25.660người dân phải đi sơ tán, cần bố trí 1.280 cán bộ, chiến sĩ.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí lực lượng ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chú ý ở phía Nam tỉnh và vùng trũng, ven sông suối, ven biển theo phương án đã duyệt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí lực lượng phối hợp tham gia di dời dân vùng ven biển.
Viện Quân y 13 bố trí lực lượng lưu động cấp cứu người bị nạn trên địa bàn tỉnh. Khi lực lượng tại địa phương không đủ khả năng di dời dân, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và UBQG Tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 5 chi viện lực lượng kịp thời di dời dân trú tránh siêu bão.
Chi tiết xem Phụ lục 7 Kế hoạch huy động lực lượng ứng phó siêu bão.
9. Phương án dự trữ lương thực, trang thiết bị
a. Dự trữ lương thực, thực phẩm và nhiên liệu: Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá phục vụ công tác phòng chống bão mạnh, siêu bão trước 30/8/2018:
- Công ty lương thực, doanh nghiệp thương mại dự trữ các mặt hàng chủ yếu là mì gói ăn liền, bánh tráng, gạo, nước uống đóng chai, muối, dầu ăn.
- Công ty Xăng dầu và các cửa hàng bán lẻ dự trữ xăng, dầu diesel, dầu hoả nhằm cung ứng kịp thời khi được điều động.
- Số lượng dự trữ gạo, mì tôm gói, nước uống ở các địa phương phải đủ dùng trong 07 ngày tránh trú siêu bão của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, cụ thể:
STT | Địa phương | Dân sơ tán | Gạo | Mì tôm | Nước uống |
(người) | (Tấn) | (gói) | (chai 500ml) | ||
1 | Quy Nhơn | 61.132 | 213,99 | 855.848 | 1.711.696 |
2 | Tuy Phước | 59.736 | 209,09 | 836.304 | 1.672.608 |
3 | Phù Cát | 10.788 | 37,76 | 151.032 | 302.064 |
4 | Phù Mỹ | 7.392 | 25,88 | 103.488 | 206.976 |
5 | Hoài Nhơn | 25.660 | 89,81 | 359.240 | 718.480 |
6 | Hoài Ân | 4.254 | 14,89 | 59.556 | 119.112 |
7 | An Lão | 2.988 | 10,46 | 41.832 | 83.664 |
8 | Tây Sơn | 13.068 | 45,74 | 182.952 | 365.904 |
9 | An Nhơn | 8.989 | 31,46 | 125.846 | 251.692 |
10 | Vĩnh Thạnh | 1.104 | 3,86 | 15.456 | 30.912 |
11 | Vân Canh | 2.900 | 10,15 | 40.600 | 81.200 |
12 | Cán bộ chiến sĩ | 7.210 | 25,24 | 100.940 | 201.880 |
Tổng | 205.221 | 718,32 | 2.873.094 | 5.746.188 |
b. Kiểm tra, vận hành thử phương tiện, trang thiết bị TKCN
- Khi có tin bão gần Biển Đông, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các sở, ban, ngành chỉ đạo kiểm tra, vận hành thử phương tiện, trang thiết bị TKCN hiện có. Kịp thời thay sửa những phụ tùng hư hỏng, sẵn sàng hoạt động; chuẩn bị phương tiện, vật tư thiết bị tại chỗ trước khi siêu bão đổ bộ 36 giờ để sẵn sàng ứng phó.
- Khi có Lệnh sơ tán của UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã chủ động huy động vật tư phương tiện, trang thiết bị của địa phương để giúp đỡ nhân dân sơ tán trú tránh siêu bão. Trường hợp vật tư phương tiện, trang thiết bị của địa phương không đáp ứng được, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để được hỗ trợ.
- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tập kết lực lượng, phương tiện, trang thiết bị vào các bến bãi, vị trí khi có tin bão mạnh, siêu bão gần bờ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sơ tán dân khi có lệnh.
10. Phương án bảo vệ sức khỏe nhân dân
Trước khi siêu bão vào biển Đông, Giám đốc Sở Y tế khẩn trương tổ chức công tác chuẩn bị phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn các bệnh viện, cơ sở điều trị, kho dự trữ thuốc, trang thiết bị y tế của ngành.
- Triển khai chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã, chằng chống, neo buộc đối với các cơ sở y tế bán kiên cố, lập phương án di dời bệnh nhân, thuốc, trang thiết bị đến nơi an toàn.
- Các đơn vị phải đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra lại cơ số thuốc, hoá chất phòng chống lụt bão, sẵn sàng cấp cứu kịp thời các trường hợp bị nạn, cũng như dịch bệnh.
- Củng cố các Đội cấp cứu lưu động, tổ kỹ thuật với trang thiết bị, thuốc điều trị sẵn sàng cấp cứu người dân ở các địa phương khi được điều động (BVĐK tỉnh 04 đội; BVĐK khu vực Bồng Sơn, Phú Phong 02 đội/khu vực; Trung tâm Y tế cấp huyện: 02 đội/trung tâm; các đơn vị 01 đội/đơn vị).
- Các bệnh viện, trung tâm điều trị cử cán bộ, y bác sĩ tăng cường trạm y tế cấp xã, nơi nhân dân trú tránh bão, xã đảo Nhơn Châu.
- Nắm chắc số dân, người già, phụ nữ, trẻ em nơi trú tránh. Bố trí y bác sỹ, thuốc, hóa chất điều trị người dân bị nạn. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh những khó khăn về nhân lực, thuốc men, phương tiện di chuyển để được hỗ trợ.
- Khi phát hiện người dân có dấu hiệu các loại dịch bệnh tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết thì tiến hành cách ly, xử lý cấp cứu theo quy định.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, khử trùng giếng nước, thực hiện ăn chín, uống sôi, đề phòng dịch bệnh.
Thuốc, hoá chất hiện có tại các địa phương, đơn vị: Cơ số thuốc PCLB 166 cơ số; ChloraminB (viên) 624.126 viên; ChloraminB (bột) 4,439 tấn; Viên khử khuẩn Aquatabs: 1.012.900 viên. Ngoài số lượng thuốc, hoá chất trên, Sở Y tế cần có phương án đề nghị Trung ương hỗ trợ khi cần thiết.
Chi tiết xem Phụ lục 8 Kế hoạch dự trữ cơ số thuốc PCTT, hóa chất xử lý môi trường.
11. Phương án khắc phục hậu quả
a. Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác
- Sau bão lũ, UBND các địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ đối với các gia đình có người chết, người bị thương do thiên tai; phân phát gạo cứu trợ, nhu yếu phẩm, hàng hóa cho nhân dân bị thiệt hại, không để người dân bị đói, bị rét.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp UBND cấp huyện, tìm kiếm người bị nạn trên đất liền, sơ cấp cứu và đưa về cơ sở y tế điều trị; Cùng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ địa phương giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, làm nhà ở tạm, ổn định đời sống.
- Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp UBND các huyện ven biển tìm kiếm ngư dân bị mất tích, hỗ trợ cứu nạn ngư dân và tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; cùng chính quyền hỗ trợ ổn định cuộc sống ngư dân.
- Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phối hợp với đồn Biên phòng cửa khẩu đón nhận thuyền viên, tàu bị nạn được lai dắt về cảng.
- Sở Y tế khám chữa bệnh cho nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai; cung cấp thuốc chữa bệnh, thuốc tiêu độc, khử trùng và hướng dẫn nhân dân làm sạch nguồn nước, vệ sinh môi trường không để dịch bệnh bùng phát.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất phân bổ lúa giống cho nông dân, kinh phí khắc phục sa bồi thủy phá, tu sửa hệ thống kênh mương, hồ đập, hàn khẩu đê điều, khôi phục trạm bơm phục vụ sản xuất. Triển khai công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, không để phát sinh dịch bệnh.
- Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo tu bổ những đoạn đường bị sạt lở, các cầu, cống bị hư hỏng, đảm bảo giao thông bước 1 cho người và phương tiện. Đối với đoạn đường nguy hiểm, tổ chức cắm biển cảnh báo cho người và phương tiện biết để chủ động phòng tránh.
- Công ty Điện lực Bình Định tổ chức khắc phục sự cố đường dây tải điện, trạm biến thế ngay sau lụt, bão; vận hành đảm bảo an toàn hệ thống điện phục vụ đời sống và sản xuất cho nhân dân.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chính quyền địa phương tổ chức phân phối lương thực, cứu trợ cho nhân dân.
- Sở Công Thương tổ chức xuất các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho nhân dân, không để dân bị đói, bị rét.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với UBND các cấp tổ chức cứu trợ, phân phối hàng, tiền cho người dân bị thiệt hại, nhất là gia đình liệt sĩ, thương binh và hộ nghèo, sớm ổn định cuộc sống người dân.
b. Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra: UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đơn vị thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn và các lĩnh vực phụ trách, cụ thể:
- UBND cấp huyện tổ chức đánh giá, xác định thiệt hại ở địa phương về con người, nhà cửa, về giáo dục, y tế, nông lâm nghiệp, thủy lợi, giao thông, thủy sản, thông tin liên lạc, công nghiệp, xây dựng, nước sạch, vệ sinh môi trường và các công trình khác trên địa bàn và báo cáo về UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, thống kê báo cáo thiệt hại về người, nhà cửa nhân dân. Nắm rõ số người chết, người mất tích, người bị thương; số hộ và số người bị ảnh hưởng thiên tai; số nhà sập đổ, nhà bị hư hỏng, nhà bị ngập nước. Trên cơ sở đánh giá thiệt hại về người và nhà ở, đề xuất UBND tỉnh cứu trợ khẩn cấp cho gia đình bị thiệt hại, chú ý gia đình chính sách và hộ nghèo.
- Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp tình hình thiệt hại về nông lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản. Đánh giá thiệt hại đê kè, kênh mương, hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, diện tích cây trồng, vật nuôi, tàu thuyền. Lập báo cáo tổng hợp sau thiên tai và đề xuất Trung ương hỗ trợ.
- Sở Giao thông Vận tải tiến hành đánh giá thiệt hại các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường sắt, bến cảng, sân bay; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và đề xuất hỗ trợ khắc phục.
- Sở Xây dựng đánh giá thiệt hại các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, kho tàng, nhà máy, … theo lĩnh vực quản lý ngành; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và đề xuất giải pháp khắc phục.
- Các chủ doanh nghiệp kiểm tra, đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp báo cáo chính quyền địa phương và đề nghị hỗ trợ.
- Cục thống kê đánh giá, thống kê thiệt hại về các lĩnh vực, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Các sở, ngành, đơn vị theo lĩnh vực quản lý đánh giá, thống kê thiệt hại báo cáo UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và đề xuất hỗ trợ sau 03 ngày khi kết thúc bão lũ.
- Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp thiệt hại chung của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh và đề xuất hỗ trợ.
- Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách dự phòng tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp, cứu đói cho nhân dân; phân bổ kinh phí hàn khẩu đê điều, khôi phục nước sạch, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
1. Căn cứ Phương án này các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành, đơn vị, địa phương mình để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
2. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thực hiện nhiệm vụ được phân công và địa bàn phụ trách theo quyết định của Trưởng ban. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trực tiếp chỉ đạo địa phương mình thực hiện nhiệm vụ theo phương án để ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
3. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các sở, ngành, đơn vị thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Trên đây là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão đổ bộ vào tỉnh Bình Định. Trong quá trình thực hiện Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các cấp kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi, chỉ đạo thực hiện./.
- 1Quyết định 1869/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2Quyết định 2520/QĐ-UBND năm 2015 về Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
- 3Quyết định 3358/QĐ-UBND năm 2015 về Phương án phòng, tránh, ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 1669/QĐ-UBND về phê duyệt Phương án phòng ngừa, ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh
- 1Thông tư 17/2012/TT-BTTTT quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 3Thông báo 171/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 3912/VPCP-KTN năm 2014 triển khai nhiệm vụ nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với tình huống siêu bão do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 44/2014/QĐ-TTg hướng dẫn về cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông báo 410/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến về ứng phó với bão mạnh, siêu bão do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Công văn 1145/BXD-KHCN năm 2015 hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão do Bộ Xây dựng ban hành
- 9Quyết định 1857/QĐ-BTNMT năm 2014 phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Quyết định 442a/QĐ-TCTS-KTBVNL năm 2014 hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú và neo đậu khi có bão, áp thấp nhiệt đới do Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản ban hành
- 11Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 12Quyết định 1869/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 13Quyết định 2520/QĐ-UBND năm 2015 về Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
- 14Quyết định 3358/QĐ-UBND năm 2015 về Phương án phòng, tránh, ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 15Quyết định 1669/QĐ-UBND về phê duyệt Phương án phòng ngừa, ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh
Quyết định 3741/QĐ-UBND về Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 3741/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/10/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Trần Châu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra