Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

SỐ: 373-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1979

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG.

Để khuyến khích sản xuất phát triển, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, đấu tranh hạ giá thị trường không có tổ chức, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, đồng thời tăng cường quản lý thị trường trong cả nước, Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Người sản xuất có nghĩa vụ nộp đầy đủ thuế nông nghiệp (đối với người sản xuất nông nghiệp), thuế công thương nghiệp (đối với người sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp) và bán đủ sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều; người sản xuất được đưa số sản phẩm còn lại (kể cả lương thực và thực phẩm) hoặc sản phẩm mà Nhà nước không tiêu thụ ra trao đổi ở thị trường, không phải nộp thuế. Ngành thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán tổ chức việc mua thêm số sản phẩm này theo giá thỏa thuận.

 Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trong cả nước đều phải bãi bỏ việc kiểm soát, khám xét làm ngăn trở việc lưu thông các hàng hóa kể trên ở các tuyến đường và đầu mối giao thông.

2. Những người buôn bán nhỏ, kể cả những người buôn chuyến được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký kinh doanh những mặt hàng cho phép, được hoạt động bình thường. Những người được phép buôn chuyến phải đến nộp thuế buôn chuyến tại các trạm thu thuế do Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định lập tại những nơi cần thiết, và chỉ phải nộp thuế buôn chuyến một lần (bao gồm cả phần tạm thu trước khi bán hàng và phần thanh toán sau khi bán hàng). Khi nộp thuế phải có giấy biên lai; khi đã có giấy biên lai nộp thuế, thì nơi khác không được thu thuế lần thứ hai.

3. Nhà nước cấm tư nhân buôn bán những vật tư, hàng hóa do Nhà nước thống nhất quản lý và kinh doanh được nêu trong danh mục kèm theo quyết định này. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải niêm yết cho mọi người biết danh mục về những vật tư, hàng hóa kể trên. Cán bộ, nhân viên quản lý thị trường (hay nhân viên kiểm soát kinh tế) có trách nhiệm kiểm tra và ngăn ngừa các hành động tàng trữ, lưu thông trái phép những vật tư, hàng hóa mà Nhà nước đã cấm tư nhân buôn bán, nhưng không vì thế mà ngăn cản, gây phiền hà cho người sản xuất, người tiêu dùng và người buôn bán nhỏ làm ăn hợp pháp.

4. Đối với những người buôn bán trái phép những mặt hàng mà Nhà nước cấm tư nhân kinh doanh, phải kiên quyết xử lý theo pháp luật; tùy theo từng trường hợp vi phạm nặng, nhẹ, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tịch thu, trưng mua, trưng thu, phạt tiền hoặc truy tố trước tòa án. Đối với bọn gian thương đầu cơ tích trữ, nâng giá để tranh mua với Nhà nước, phá rối thị trường, làm cản trở việc mua bán theo hợp đồng kinh tế hai chiều giữa Nhà nước và nông dân, nhất là làm cản trở việc thu mua những mặt hàng lúa, gạo, ngô, lạc, đậu tương, đậu xanh, dừa quả và dầu dừa, thịt lợn, cá biển, thuốc lào, thuốc lá, chè, mía đường, cà-phê, hồ tiêu, hoa hồi, thầu dầu, quế, đay, cói, thì phải kiên quyết trừng trị theo pháp luật.

5. Căn cứ vào các quy định kể trên, các Bộ Tài chính, Nội thương, Lương thực và thực phẩm, Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần hướng dẫn cụ thể các ngành ở địa phương thi hành; phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác của cán bộ, nhân viên thu thuế và quản lý thị trường, biểu dương những người làm việc tốt và liêm khiết, xử lý nghiêm khắc những người làm sai chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng chức trách của mình hạch sách nhân dân, làm ngơ cho bọn gian thương, buôn lậu, bọn chuyên sống về nghề buôn bán trái phép, xử lý nghiêm khắc những người tham ô tiền thuế và hàng hóa đã tịch thu.

 Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý thị trường tại gốc; phải thông qua công tác quản lý lao động, quản lý việc phân phối vật tư, hàng hóa và thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều với hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất và tổ đoàn kết sản xuất… mà nắm hàng hóa nông sản. Các tổ chức tài chính, thương nghiệp, công an ở địa phương phải dựa vào quần chúng và các đoàn thể ở cơ sở mình, tổ chức mạng lưới phát hiện bọn gian thương, đầu cơ, nắm đúng đối tượng để kiểm soát và xử lý kịp thời, không được vì bãi bỏ những việc làm phiền hà cho người sản xuất, người tiêu dùng và người buôn bán nhỏ hợp pháp mà để ngơ cho bọn gian thương đầu cơ, buôn bán trái phép làm hại đời sống của nhân dân và công tác quản lý của Nhà nước.

Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG CẤM TƯ NHÂN BUÔN BÁN TRÁI PHÉP.
(ban hành kèm theo quyết định số 373-CP ngày 13-10-1979 của Hội đồng Chính phủ).

 1. Tất cả các loại tư liệu sản xuất của Nhà nước kinh doanh như xăng dầu, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, xi-măng, gỗ (không kể gỗ vườn), các loại vật liệu điện, phụ tùng, máy móc, các loại hóa chất, kim loại, quặng mỏ, v.v…

 2. Các loại nông sản đặc biệt do Nhà nước thống nhất quản lý gồm thuốc lá, thuốc lào, cà phê, hoa hồi, thầu dầu, quế, chè búp khô, đay, cói, mía trong các khu vực do Nhà nước khoanh vùng thu mua.

 3. Đối với hàng tiêu dùng, Nhà nước nghiêm cấm các hoạt động đầu cơ, buôn lậu hàng hóa của Nhà nước, buôn bán các loại tem phiếu; kiên quyết trừng trị bọn gian thương phá rối thị trường và bắt buộc lao động để cải tạo những người chuyên sống bằng những hoạt động buôn bán trái phép.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 373-CP năm 1979 về chủ trương, chính sách quản lý thị trường do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 373-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 31/10/1979
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 28/10/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản