Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3692/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 09 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA ĐƯỜNG NÔNG CỐNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ các Quyết định: số 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; số 114/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020;

Căn cứ các Thông tư: số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ các Quyết định: số 2003/QĐ-CT ngày 28/6/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt rà soát, bổ sung quy hoạch vùng mía Tây Nam tỉnh Thanh Hoá (phục vụ Nhà máy đường Nông Cống công suất 2.000 tấn mía/ngày); số 1190/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015 và định hướng 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 128/TTr-SNN&PTNT ngày 31/10/2011 về việc đề nghị phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống đến năm 2020, kèm theo Biên bản hội nghị thẩm định ngày 27/7/2011 của Hội đồng thẩm định Dự án “Rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống đến năm 2020”; đề nghị của Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống tại tờ trình số 476 TTr/CPMĐNC-NL ngày 03/10/2011 về việc xin phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống đến năm 2020; ý kiến tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các Công văn: số 1697/SKHĐT-QH ngày 21/9/2010, số 1866/SKHĐT-KTNN ngày 11/10/2010 và Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 2243/STNMT-QLĐĐ ngày 05/11/2010 về việc rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt rà soát, bổ sung, quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015 và định hướng 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt tại Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 23/4/2007; không chồng lấn diện tích đã quy hoạch các cây trồng khác.

2. Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu mía đường phải gắn với thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân trong vùng nguyên liệu. Hình thành và phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững lâu dài giữa Công ty cổ phần mía đường Nông Cống với các địa phương, các tổ chức, cá nhân trồng mía nguyên liệu trên cơ sở thoả thuận và hài hoà lợi ích, hai bên cùng có lợi.

3. Kế thừa và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng nguyên liệu hiện có; đồng thời đẩy mạnh thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng mía nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; gắn phát triển vùng nguyên liệu mía đường với tổ chức quản lý, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu.

4. Việc phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu mía phải theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống phải phân định rõ trách nhiệm của của các ngành; UBND các huyện, xã; doanh nghiệp và người trồng mía.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

Rà soát, bổ sung quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu mía cho chế biến đường hiện tại và lâu dài đến năm 2020. Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ, tập trung thâm canh tăng năng suất mía; đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến đường và nhu cầu thị trường. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu quản lý được đồng bộ, góp phần phát triển sản xuất, bổ sung cho nhóm ngành hàng chế biến, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trong vùng quy hoạch.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2015

- Tổng diện tích đất trồng mía là 7.143,6 ha; trong đó: diện tích mía đứng 6.123,1 ha, diện tích mía luân phiên 1.020,5 ha.

- Diện tích mía thâm canh chiếm 35% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất mía nguyên liệu toàn vùng bình quân đạt 75 tấn/ha trở lên, trong đó năng suất mía thâm canh đạt 100 tấn/ha.

- Chữ đường bình quân đạt 10,8 ccs trở lên.

b) Mục tiêu đến năm 2020

Tiếp tục đầu tư thâm canh tăng năng suất, giảm dần diện tích mía ở các vùng xa nhà máy để giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.

- Tổng diện tích đất trồng mía là 6.000 ha; trong đó: diện tích mía đứng 5.150 ha, diện tích mía luân phiên 850 ha.

- Diện tích mía thâm canh chiếm 50% tổng diện tích mía vùng nguyên liệu.

- Năng suất bình quân toàn vùng đạt trên 90 tấn/ha; trong đó năng suất mía thâm canh đạt 100 tấn/ha trở lên.

- Chữ đường bình quân đạt trên 11 ccs.

III. NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020

1. Quỹ đất bố trí trồng mía

Quỹ đất quy hoạch để trồng mía gồm: đất chuyên màu (đồi, bãi); đất có độ dốc thấp, đang canh tác các cây trồng khác kém hiệu quả; đất rừng sản xuất nghèo kiệt; đất 1 vụ lúa, màu năng suất thấp, kém hiệu quả.

Diện tích đất quy hoạch trồng mía vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống tại các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Tĩnh Gia và xã Thái Hoà (huyện Triệu Sơn), xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hoá). Tổng quỹ đất đầu kỳ quy hoạch là 7.143,6 ha; trong đó: diện tích đã trồng mía nguyên liệu 4.692,5 ha, diện tích mở rộng thêm 2.451,1 ha.

2. Quy hoạch chi tiết phát triển vùng mía nguyên liệu đến năm 2020

a) Đến năm 2015: Tổng diện tích đất trồng mía 7.143,6 ha; trong đó diện tích mía đứng 6.123,1 ha, diện tích mía luân phiên 1.020,5 ha; cụ thể tại các huyện như sau:

- Huyện Như Xuân: Tổng diện tích đất trồng mía 1.874 ha, gồm: trên đất đang trồng mía 1.411 ha, diện tích mở rộng thêm 463 ha (đất lúa màu 7 ha, đất chuyên màu 354 ha, đất nông nghiệp khác 102 ha). Trong đó, diện tích mía đứng 1.606,3 ha, diện tích mía luân phiên 267,7 ha.

- Huyện Như Thanh: Tổng diện tích đất trồng mía 4.192,8 ha, gồm: trên đất đang trồng mía 2.622,2 ha, diện tích mở rộng thêm 1.570,6 ha (đất lúa màu 119,5 ha, đất chuyên màu 138,1 ha, đất rừng sản xuất nghèo kiệt 1.313 ha). Trong đó, diện tích mía đứng 3.593,8 ha, diện tích mía luân phiên 599 ha.

- Huyện Nông Cống: Tổng diện tích đất trồng mía 906,8 ha, gồm: trên đất đang trồng mía 624,2 ha, diện tích mở rộng thêm 282,6 ha (đất lúa màu 10 ha, đất chuyên màu 217,6 ha, đất nông nghiệp khác 55 ha). Trong đó, diện tích mía đứng 777,3 ha; diện tích mía luân phiên 129,5 ha.

- Huyện Tĩnh Gia: Tổng diện tích đất trồng mía 46 ha, gồm: trên đất đang trồng mía 22,5 ha, diện tích mở rộng thêm 23,5 ha (trên đất chuyên màu). Trong đó, diện tích mía đứng 39,4 ha; diện tích mía luân phiên 6,6 ha;

- Xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn: Tổng diện tích đất trồng mía 24 ha, gồm: trên đất đang trồng mía 3 ha, diện tích mở rộng thêm 21 ha (trên đất lúa màu 10 ha, đất chuyên màu 11 ha). Trong đó, diện tích mía đứng 20,6 ha; diện tích mía luân phiên 3,4 ha.

- Xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa: Tổng diện tích đất trồng mía 100 ha; gồm: trên đất đang trồng mía 9,6 ha, diện tích mở rộng thêm 90,4 ha (trên đất chuyên màu). Trong đó, diện tích mía đứng 85,7 ha; diện tích mía luân phiên 14,3 ha.

b) Đến năm 2020: Tổng diện tích đất trồng mía 6.000 ha; trong đó diện tích mía đứng 5.150 ha, diện tích mía luân phiên 850 ha; cụ thể tại các huyện như sau:

- Huyện Như Xuân: Tổng diện tích đất trồng mía 1.500 ha; trong đó diện tích mía đứng 1.287 ha, diện tích mía luân phiên 213 ha

- Huyện Như Thanh: Tổng diện tích đất trồng mía 3.600 ha; trong đó diện tích mía đứng 3.088 ha, diện tích mía luân phiên 512 ha.

- Huyện Nông Cống: Tổng diện tích đất trồng mía 900 ha; trong đó diện tích mía đứng 775 ha, diện tích mía luân phiên 125 ha.

3. Quy hoạch sản xuất mía giống

Đất sản xuất mía giống được quy hoạch tại 3 huyện trọng điểm của vùng nguyên liệu với diện tích 400 ha; cụ thể như sau:

- Huyện Như Xuân:         100 ha;

- Huyện Như Thanh:       200 ha;

- Huyện Nông Cống:       100 ha.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Công tác triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch

- Sau khi rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống được phê duyệt, tiến hành công bố công khai quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Không bố trí, quy hoạch các cây trồng khác chồng lấn lên diện tích đất đã quy hoạch cho vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống.

- Công ty cổ phần mía đường Nông Cống phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã vùng nguyên liệu để triển khai thực hiện tốt quy hoạch.

2. Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp

- Đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư chăm sóc và vận chuyển sản phẩm; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại trồng mía. Bố trí quỹ đất thuận lợi, thích hợp để sản xuất mía giống cung cấp cho vùng nguyên liệu. Lựa chọn những vùng có điều kiện thuận lợi và tăng cường đầu tư để hình thành, phát triển vùng sản xuất mía thâm canh. Xây dựng chế độ canh tác hợp lý để bảo vệ và cải tạo đất trồng mía. Những vùng đất đã bị bạc màu phải có chế độ luân canh bắt buộc để khôi phục độ phì của đất.

- Chuyển diện tích mía trên đất có độ dốc trên 15o sang trồng các cây trồng khác (cao su, cây lâm nghiệp,…); chuyển diện tích đất 1 vụ lúa, màu năng suất thấp, kém hiệu quả; diện tích đất có độ dốc thấp đang canh tác các cây trồng khác nhưng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía thâm canh. Không quy hoạch đất trồng mía trên những diện tích đất có độ dốc lớn hơn 15o. Việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng nghèo kiệt sang trồng mía theo quy hoạch phải được các cấp, các ngành quản lý, giám sát chặt chẽ, phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục và được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

3. Tăng cường đầu tư, áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển vùng mía nguyên liệu

- Nâng cao năng lực sản xuất mía giống của trung tâm giống, đảm bảo cung ứng đủ các loại giống tốt, chất lượng cao, phục vụ sản xuất. Tiếp tục du nhập, khảo nghiệm, chọn lọc giống phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, tiểu vùng trong vùng nguyên liệu; phục tráng và nhân nhanh giống đạt tiêu chuẩn cung cấp cho sản xuất đại trà. Phấn đấu đến năm 2015, toàn vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống có 80% diện tích mía trồng bằng các giống mới, năng suất, chất lượng cao. Công ty cổ phần mía đường Nông Cống chủ động bố trí cơ cấu giống chín sớm, chín trung bình, chín muộn, phù hợp với điều kiện đất đai và kế hoạch chế biến của nhà máy.

- Tăng cường đầu tư, củng cố và hoàn thiện hệ thống các công trình thuỷ lợi; hệ thống giao thông nội vùng phục vụ sản xuất mía nguyên liệu. Hoàn thành việc cơ giới hoá khâu làm đất, từng bước đẩy mạnh cơ giới hoá các khâu chăm sóc và thu hoạch.

- Xây dựng và áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh hợp lý; áp dụng hệ thống quản lý dinh dưỡng tổng hợp và quản lý dịch hại tổng hợp trong trồng và chăm sóc mía; xây dựng và mở rộng mô hình áp dụng công nghệ cao trong thâm canh mía; tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất, chế biến, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.

- Tăng cường đào tạo cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cho sản xuất mía trong thời kỳ hội nhập. Thường xuyên mở các lớp tập huấn để hướng dẫn, phổ biến quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh mía cho các hộ trồng mía nguyên liệu.

4. Rà soát, bổ sung chính sách phát triển vùng nguyên liệu và thực hiện việc ký kết hợp đồng theo đúng quy định

- Công ty cổ phần mía đường Nông Cống nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các hộ trồng mía đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

- Lồng ghép việc phát triển vùng nguyên liệu với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng mía nguyên liệu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự khu vực nông thôn miền núi.

- Thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa Công ty với các tổ chức, cá nhân sản xuất mía nguyên liệu theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên.

5. Vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

Nguồn vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu được huy động từ nguồn vốn của các hộ, doanh nghiệp trồng mía; vốn của Công ty cổ phần mía đường Nông Cống; vốn liên doanh, liên kết giữa các đơn vị; vốn tín dụng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. UBND các huyện trong vùng quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống đã được phê duyệt, xây dựng kế hoạch phát triển mía nguyên liệu của địa phương phù hợp với quy hoạch chung của vùng. Không quy hoạch, bố trí các cây trồng khác chồng lấn lên diện tích đất đã quy hoạch cho vùng mía nguyên liệu khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần mía đường Nông Cống quản lý, triển khai thực hiện tốt các giải pháp, nội dung quy hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch trồng mía và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

2. Công ty cổ phần mía đường Nông Cống phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện vùng nguyên liệu và các ngành, đơn vị có liên quan cụ thể hóa các giải pháp, nội dung quy hoạch nêu trên; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp trong vùng tổ chức thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu theo tiến độ quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng; thực hiện đầy đủ các điều khoản của hợp đồng; chịu trách nhiệm bao tiêu mía nguyên liệu do công ty đã đầu tư thuộc vùng quy hoạch; phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu xây dựng chế độ canh tác hợp lý, chế độ luân canh bắt buộc phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, kinh tế - xã hội của từng vùng, tiểu vùng trong vùng nguyên liệu của công ty để đảm bảo vùng nguyên liệu phát triển bền vững.

3. Các sở, ban, ngành:

a) Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện vùng nguyên liệu và các đơn vị có liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch; tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch; cụ thể hoá và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch về UBND tỉnh.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện vùng nguyên liệu tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất hợp lý trong quá trình thực hiện quy hoạch để nhắc nhở, điều chỉnh, chấn chỉnh; hướng dẫn thực hiện việc chuyển đất lâm nghiệp, đất trồng lúa sang trồng mía theo quy hoạch, đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trên cơ sở quy hoạch, chương trình dự án đầu tư, cơ chế chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch; lồng ghép các dự án, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trên địa bàn để phát triển vùng nguyên liệu mía. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thực hiện các giải pháp và nội dung quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

4. Đề nghị các ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình được vay vốn phát triển vùng nguyên liệu, cải thiện đời sống nhân dân.

5. Đối với diện tích đất rừng sản xuất nghèo kiệt, diện tích đất lúa năng suất, hiệu quả kém được quy hoạch trồng mía, trước khi triển khai kế hoạch trồng mía phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền. Các tổ chức, cá nhân không tự chuyển đổi đất đã quy hoạch là đất rừng, đất đã quy hoạch các cây trồng khác sang trồng mía khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện trong vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ (để t/h);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền