Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 362/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2020 CỦA BỘ TƯ PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN VỀ NỘI DUNG CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN”

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”;

Căn cứ Quyết định số 235/QĐ-BTP ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch năm 2020 của Bộ Tư pháp thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Thường trực CP Trương Hòa Bình (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam (để phối hợp);
- UBND, STP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng TTĐT Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Tịnh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN VỀ NỘI DUNG CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN” NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 362/QĐ-BTP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Thực hiện Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” (sau đây gọi tắt là Đề án), Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2020 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án theo đúng tiến độ nhằm từng bước đạt được các mục tiêu của Đề án;

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn; các văn bản về việc phê chuẩn, triển khai thực hiện Công ước; các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; các hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; các biện pháp nghiệp vụ mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được áp dụng trong quá trình tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định có liên quan tới cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thông qua các hình thức, biện pháp hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

2. Yêu cầu

- Bám sát các chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Chính phủ (ban hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ);

- Các hoạt động phải đúng mục tiêu, sát với nội dung của Đề án, yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các đối tượng của Đề án, hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng và hiệu quả;

- Kết hợp các hoạt động của Đề án với việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch khác đang được triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực;

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện Đề án ở Trung ương; phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện Đề án.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Hoạt động chỉ đạo, điều hành chung

a) Nội dung hoạt động:

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2020;

- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án;

- Theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2020;

- Quản lý, theo dõi việc sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.

b) Thời gian thực hiện: Quý I - IV/2020.

c) Phân công trách nhiệm:

Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.

d) Kết quả công việc:

- Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2020;

- Công văn của Bộ Tư pháp hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án;

- Báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2020;

- Dự toán kinh phí thực hiện Đề án được duyệt và triển khai thực hiện.

2. Hoạt động thực hiện các nội dung của Đề án

2.1. Biên soạn và đăng tải, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến

a) Tổ chức biên soạn các tài liệu phổ biến đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp phục vụ cán bộ, công chức và nhân dân tìm hiểu, vận dụng và giám sát việc thực thi Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

- Nội dung hoạt động: Biên soạn Sổ tay “Một số kiến thức pháp luật về phòng, chống tra tấn” phục vụ việc dạy và học pháp luật trong trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và tài liệu phục vụ công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tra tấn trên hệ thống truyền thanh cơ sở

- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

- Đơn vị phối hợp: các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp, Hành chính (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan của Bộ, ngành.

- Thời gian thực hiện: Quý II-IV/2020.

- Kết quả công việc: Sổ tay kiến thức pháp luật được phát hành đến một số trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; Tài liệu truyền thanh cơ sở đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

b) Phát hành và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bộ Tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

- Nội dung hoạt động: đăng tải Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn lên cổng thông tin điện tử các cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp).

- Thời gian thực hiện: Quý I-IV/2020.

- Kết quả công việc: Bộ tài liệu được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2.2. Tư vấn, hướng dẫn, khai thác tủ sách pháp luật về phòng, chống tra tấn

- Nội dung: Hướng dẫn rà soát, tổng hợp, phân loại, bổ sung danh mục các sách, tài liệu pháp luật, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tra tấn cho Tủ sách.

- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Thời gian thực hiện: Quý II/2019.

- Kết quả công việc: Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

2.3. Đẩy mạnh phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Nội dung: Tổ chức thực hiện một số chuyên mục, tin, bài viết trên các báo, tạp chí; tổ chức Tọa đàm giao lưu trực tuyến trên Báo Pháp luật Việt Nam tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước CAT, các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về phòng, chống tra tấn và tình hình phòng, ngừa, đấu tranh, xử lý của các cơ quan nhà nước đối với hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo; vô nhân đạo, hạ nhục con người.

- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

- Đơn vị phối hợp: Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp), Thông tấn xã Việt Nam.

- Thời gian thực hiện: Cả năm.

- Kết quả công việc: Chương trình, chuyên mục, tin, bài trên báo, tạp chí, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

2.4. Tổ chức giới thiệu, bồi dưỡng, tập huấn Bộ Tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, công chức tư pháp hộ tịch cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tại 02 huyện thuộc 02 tỉnh đại diện cho 02 khu vực (Bắc, Nam).

- Nội dung: Tổ chức 02 hội nghị bồi dưỡng, tập huấn, giới thiệu Bộ Tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; các hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; các biện pháp nghiệp vụ mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được áp dụng trong quá trình tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định có liên quan; tình hình phòng, ngừa, đấu tranh, xử lý của các cơ quan nhà nước đối với hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo; vô nhân đạo, hạ nhục con người.

- Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có huyện được chọn.

- Thời gian thực hiện: Quý II-IV/2020.

- Kết quả công việc: Các lớp tập huấn được tổ chức và Báo cáo kết quả tập huấn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu tổ chức thực hiện Kế hoạch.

2. Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai các hoạt động được phân công tại Kế hoạch.

3. Đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp thực hiện Kế hoạch.

4. Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ có trách nhiệm bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch này theo quy định của pháp luật và tình hình quản lý ngân sách của Bộ năm 2020./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 362/QĐ-BTP về Kế hoạch năm 2020 thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 362/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/02/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản