Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3574/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 01 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 22-CTR/TU NGÀY 19/8/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ “PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA XỨ ĐÔNG VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI HẢI DƯƠNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 27/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ Trình số 1687/TTr-SVHTTDL ngày 08 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch;
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban VHXH - HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Trung tâm Công nghệ thông tin;
- Lưu VT, KGVX, H. (20)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Triệu Thế Hùng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 22-CTR/TU NGÀY 19/8/2021 CỦA TỈNH ỦY VỀ “PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA XỨ ĐÔNG VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI HẢI DƯƠNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số 3574/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy về Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đảm bảo tiến độ và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

- Tập trung quán triệt và tuyên truyền nội dung Chương trình nhằm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

- Phân công rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Chương trình.

2. Yêu cầu

- Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình và thực tế tại địa phương, đơn vị, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

- Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ban, ngành, địa phương và quy định rõ chế độ thông tin báo cáo trong quá trình thực hiện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kết luận số 76 KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho phù hợp. Trong đó, cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau:

1. Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch

1.1. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa: Đến năm 2025: Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 100 di tích; lập hồ sơ xếp hạng 35 - 40 di tích; từ 03 - 05 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2030: Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 200 di tích; lập hồ sơ xếp hạng 30 - 35 di tích; từ 02 - 03 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng tiêu biểu, nhất là các Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Gắn kết giữa bảo tồn với phát huy giá trị di sản văn hóa và đẩy mạnh phát triển du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển đồng bộ, hài hòa giữa đầu tư cho văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với một số hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một số di sản tiêu biểu thuộc loại hình lễ hội truyền thống và tập quán xã hội đặc sắc. Tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với các di tích có đủ tiêu chí.

- Tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là di sản thế giới theo đúng thời gian, tiến độ hoàn thành hồ sơ đã được duyệt(1).

- Phục hồi và truyền dạy để giữ gìn, phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận như hát ca trù, hát văn và loại hình nghệ thuật được Bộ VHTTDL ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản nằm trong danh mục bảo vệ đang có nguy cơ mai một như: hát trống quân, múa rối nước, tuồng cổ, hát chèo...

- Đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

* UBND huyện Cẩm Giàng và thị xã Kinh Môn chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài Nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan: Đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với hai di tích quốc gia đặc biệt: Cụm di tích Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia và Văn miếu Mao Điền; hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt đối với Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch để làm căn cứ thực hiện.

* Sở Công thương chủ trì: Xây dựng Đề án vinh danh các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có tay nghề xuất sắc đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”.

* Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan: Tổ chức lập Quy hoạch chi tiết và triển khai dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hải Dương theo quy định của pháp luật, tương xứng với vị thế của tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ.

* Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Huy động các nguồn lực đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống theo hướng xã hội hóa. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng các bảo tàng tư nhân về văn hóa(2).

1.2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh:

Xây dựng các kế hoạch, giải pháp thực hiện các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Hằng năm, 90% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 90% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu "Làng, khu dân cư văn hóa"; 85% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

- Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đưa các phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, nếp sống văn minh, giáo dục truyền thống văn hiến và những nét đặc trưng của đất và người xứ Đông - Hải Dương.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:

- Hướng dẫn các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải trở thành những đơn vị tiền phong, gương mẫu trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh.

- Phối hợp với các địa phương, làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản sạch của các địa phương trong tỉnh đến các doanh nghiệp và sàn giao dịch điện tử trong, ngoài nước.

* UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo: Mỗi địa phương (thôn, cấp xã, cấp huyện) xây dựng ít nhất một khu công viên, vườn hoa gắn với hồ nước, tượng vườn, tượng công viên, tượng đài (nếu có điều kiện) làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm nhấn về môi trường, cảnh quan văn hóa của địa phương.

* Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh:

- Phát động phong trào các cơ quan Đảng, bộ máy cơ quan nhà nước gương mẫu xây dựng và thực hiện môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp.

- Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội.

* Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp; tinh thần và khát vọng vươn lên, nhằm đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

1.3. Phát triển công nghiệp văn hóa

* Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa(3) cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để mọi người cùng tích cực hưởng ứng và thực hiện.

* Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống(4) có tầm cỡ quốc gia trên địa bàn tỉnh.

* Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan:

- Xây dựng cơ chế hợp lý để khuyến khích sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa lớn, được đầu tư công nghệ cao hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch(5).

- Xây dựng cơ chế phù hợp để khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh, nhằm duy trì, nâng cấp và có nhiều dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng cao phục vụ tốt nhu cầu các tầng lớp nhân dân(6).

1.4. Tập trung nguồn lực phát triển du lịch

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh:

Triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu: Đến năm 2025, đón và phục vụ 6,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón và phục vụ 8,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,4 triệu lượt khách quốc tế.

- Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đưa du lịch Hải Dương thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

- Xây dựng Dự án hệ thống du lịch thông minh giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tập trung vào các nền tảng, giải pháp quản lý thông minh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch...

- Huy động tối đa các nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng du lịch, tạo sự kết nối thuận lợi, hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch trọng điểm. Xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực trong khai thác, phát triển các loại hình du lịch phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương trong tỉnh(7). Phấn đấu đến năm 2030, chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh Hải Dương đạt các tiêu chuẩn quốc gia.

* UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì: Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin và UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức trên địa bàn lập hồ sơ công nhận khu, điểm du lịch cấp tỉnh nhằm nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực… nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bền vững. Chủ động triển khai, mở rộng liên kết trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn; khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

1.5. Duy trì và phát triển các phong trào thể dục, thể thao

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

Triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nhóm chỉ tiêu về phát triển thể dục thể thao: Đến năm 2025, tỷ lệ số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hàng năm đạt 34-36% dân số. Tỷ lệ số gia đình thể thao hàng năm đạt 24-26%. Số câu lạc bộ, nhóm tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hằng năm từ 3800 Câu lạc bộ trở lên.

- Đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Mở rộng các phong trào thể dục thể thao, các loại hình tập luyện và thi đấu thể thao; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

- Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao, nhất là trong các môn thể thao thành tích cao.

- Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển mạnh thể thao thành tích cao theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên phát triển những môn thế mạnh trọng điểm (loại I, loại II) của tỉnh(8). Phấn đấu giữ vững vị trí tốp 10 tỉnh, thành, ngành dẫn đầu cả nước tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.

- Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ, khuyến khích về vật chất, tinh thần đối với đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên và chuyên gia thể thao thành tích cao. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y sinh học thể thao hiện đại vào việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng thể thao của tỉnh.

* Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, dự án:

- Giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh trong quy hoạch tổng thể Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao của tỉnh ở phía Nam cầu Lộ Cương, thành phố Hải Dương(9). Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao tại Nhà Thi đấu TDTT tỉnh đáp ứng yêu cầu tổ chức thành công các giải thể thao tầm cỡ Quốc gia và khu vực.

- Giai đoạn 2025 - 2030, triển khai đầu tư xây dựng Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao tỉnh.

* Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan: Xây dựng cơ chế phù hợp tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân có tiềm lực, kinh nghiệm để đầu tư, xây dựng các các công trình, cơ sở vật chất thể thao đa năng, hiện đại và đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh.

1.6. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền

* Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên hệ thống thông tin đại chúng ở Trung ương và tỉnh. Từng bước xây dựng hình ảnh “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý báo chí, xuất bản, thông tin điện tử; đội ngũ nhà báo, biên tập viên; đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, trọng tâm là người phụ trách đài truyền thanh cấp xã; nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Đổi mới về phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện cơ sở theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm tăng cường các hoạt động phát triển văn hóa đọc; xây dựng và phát triển phong trào, thói quen, nhu cầu đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên.

- Đổi mới về phương thức hoạt động của Trung tâm văn hóa nghệ thuật, đặc biệt về hoạt động triển lãm, tuyên truyền. Chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng về phương thức chuyển tải các hoạt động triển lãm nhằm tăng sức thu hút đối với công chúng.

- Thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, di sản văn hóa của Bảo tàng Hải Dương thông qua các phương thức: hoạt động trải nghiệm, hiện vật bảo tàng, các cuộc trưng bày, triển lãm, trên các ứng dụng công nghệ số… nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan.

1.7. Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

* Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Đẩy mạnh quan hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia làm cầu nối quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về đất và người Hải Dương với bạn bè quốc tế, nhằm thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Trước hết đối với các địa phương ở các nước có quan hệ kết nghĩa với tỉnh Hải Dương(10).

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Chủ động, sáng tạo trong hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch; duy trì mối quan hệ hợp tác quốc tế về thể dục thể thao với một số tỉnh, địa phương ở các nước: Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào… nhằm tăng cường giao lưu, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn thi đấu cho các vận động viên và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên của tỉnh; góp phần đưa quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Từng bước đưa Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn về hợp tác, giao lưu, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong nước và quốc tế.

- Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Đăng cai tổ chức một số giải thi đấu thể thao uy tín quốc tế và khu vực.

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

2.1. Giáo dục phổ thông

* Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì:

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học; trình độ đào tạo và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước nâng cao thể lực và tầm vóc cho học sinh Hải Dương. Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, thân thiện, không có bạo lực học đường.

- Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 2410/KH-UBND ngày 19/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong đó tập trung thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học giáo dục nghề nghiệp.

- Đa dạng hoá hình thức giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, lịch sử Đảng bộ tỉnh và lịch sử địa phương trong nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa. Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, nhân cách và giá trị văn hóa truyền thống của đất và người xứ Đông - Hải Dương. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường(11). Tiếp tục thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Chính phủ phê duyệt.

* Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì: Triển khai các bước nâng cao năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho thế hệ trẻ nhằm xây dựng “Thế hệ trẻ sáng tạo”, có ý chí phấn đấu với tinh thần “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”.

2.2. Giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm

* Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì:

- Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp giáo dục phổ thông. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh.

- Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định; đẩy mạnh xuất khẩu lao động cùng với nâng cao chất lượng lao động.

- Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số cơ sở đào tạo nghề; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ; phấn đấu trường Cao đẳng nghề tỉnh đạt tiêu chí trường chất lượng cao vào năm 2025.

2.3. Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Sở Nội vụ chủ trì:

- Tham mưu xây dựng kế hoạch để thực hiện có hiệu quả Đề án số 02- ĐA/TU ngày 15/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2030.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”

3.1. Xây dựng những tiêu chí cơ bản

* Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

Tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học về giá trị văn hóa truyền thống của đất và người xứ Đông - Hải Dương nhằm đánh giá, đúc rút những giá trị cốt lõi, nét đặc trưng về đất và người xứ Đông - Hải Dương.

* Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì:

Phát động các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của người xứ Đông xưa - Hải Dương nay trên địa bàn toàn tỉnh(12).

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và các đơn vị liên quan:

Tuyên truyền để toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, kiên trì mục tiêu xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa của người Hải Dương phù hợp với xu thế thời đại, gắn với phát huy những giá trị truyền thống văn hiến của đất và người xứ Đông.

3.2. Bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, cùng ý chí và khát vọng vươn lên

* Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; truyền thống hiếu học, thông minh, cần cù, khéo léo, năng động, có đạo đức, nhân cách và khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên, cùng lối sống có trách nhiệm với cộng đồng, tôn trọng luật pháp của người xứ Đông - Hải Dương.

- Tăng cường giáo dục, nâng cao thể chất, thẩm mỹ, tri thức, kỹ năng ứng xử văn minh đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”.

* Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

Phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật bằng nhiều hình thức phong phú có nội dung cổ vũ, động viên phong trào: Xây dựng người xứ Đông - Hải Dương giàu nghị lực, ý chí, khát vọng vươn lên trong học tập, lao động, khởi nghiệp nhằm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; có nhiều cống hiến có giá trị cho quê hương, đất nước.

3.3. Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa

* Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả “Bộ Tiêu chí ứng xử văn hóa công sở, doanh nghiệp” trên địa bàn toàn tỉnh. Đề cao tính tiền phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường.

- Xây dựng quy chế vinh danh danh hiệu “Công dân tỉnh Đông ưu tú” nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong: học tập, lao động sản xuất, sáng tạo, hành động dũng cảm... làm rạng danh đất và người xứ Đông - Hải Dương. Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong thực hiện quy tắc ứng xử, gương người tốt, việc tốt; biểu dương các danh hiệu, các mô hình văn hóa tiêu biểu.

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả "Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng” trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xây dựng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc thực hiện "Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng” và “Bộ Tiêu chí ứng xử văn hóa công sở, doanh nghiệp”. Rà soát, bổ sung các tiêu chí nâng cao và chuẩn hoá quy trình bình xét, công nhận, tôn vinh các danh hiệu văn hóa phù hợp với đặc thù của Hải Dương.

- Xây dựng và ban hành khung chương trình tổ chức các hoạt động trong các thiết chế văn hóa cơ sở, trọng tâm là nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Khuyến khích xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao cơ sở với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực.

* Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 ban hành Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử tại cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nếp sống văn minh, gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường, bảo đảm vừa có tính thời đại, tính dân tộc và đặc trưng của đất và người xứ Đông - Hải Dương.

3.4. Phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, nâng cao chất lượng các quy ước, hương ước trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy lùi và loại bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội, các hành vi tiêu cực, tư tưởng, lối sống trái với thuần phong mỹ tục.

- Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử; xây dựng mô hình mỗi cơ quan, công sở, trường học là một địa chỉ văn hóa bền vững.

- Thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”, lấy "xây" làm nền tảng, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, hướng tới chân - thiện - mỹ và thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

4. Tổ chức một số sự kiện quy mô lớn mang đậm dấu ấn Hải Dương

4.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì

- Sự kiện văn hóa, du lịch: Tổ chức lễ hội ở các di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Festival Sinh vật cảnh xứ Đông (mở rộng) đầu xuân hằng năm. Đăng cai tổ chức một số sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực(13). Tổ chức tốt các hội diễn (liên hoan, hội thi): Văn nghệ quần chúng; Gia đình văn hóa tiêu biểu với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh.

- Sự kiện thể thao: Tổ chức Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hải Dương, Giải khiêu vũ thể thao Hải Dương mở rộng, Giải Vật truyền thống mùa Xuân Côn Sơn, Giải đua thuyền truyền thống. Đăng cai tổ chức một số giải (môn) thể thao thế mạnh truyền thống của tỉnh ở cấp độ quốc gia, quốc tế, khu vực(14).

4.2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì: Tổ chức Hội khỏe Phù đổng tỉnh Hải Dương (theo Điều lệ của Trung ương), Các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh.

4.3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì: Tổ chức ngày hội Công nghệ thông tin

4.4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì: Tổ chức các Hội thi Tay nghề giỏi một số lĩnh vực thế mạnh của Hải Dương.

4.5. Báo Hải Dương chủ trì: Tổ chức "Ngày chạy Olympic" và Giải việt dã Báo Hải Dương mở rộng.

4.6. Hội Nông dân tỉnh chủ trì: Tổ chức Giải bóng chuyền Bông lúa vàng với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh.

4.7. Liên đoàn Lao động chủ trì: Tổ chức liên hoan văn nghệ và các giải thể thao cầu lông, bóng bàn của công nhân viên chức, người lao động với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh.

4.8. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì

- Huyện Cẩm Giàng: Tổ chức lễ hội ở các di tích quốc gia đặc biệt: Văn miếu Mao Điền, Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia.

- Thị xã Kinh Môn: Tổ chức lễ hội ở quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.

- Thành phố Hải Dương: Tổ chức Lễ hội Ẩm thực - Carnival đường phố Hải Dương, Lễ hội dân gian truyền thống đền - đình Sượt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Huyện Thanh Hà: Tổ chức Lễ hội dân gian truyền thống chùa Hào Xá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Vải thiều Thanh Hà.

- Huyện Gia Lộc: Tổ chức Lễ hội dân gian truyền thống đền Quát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Huyện Ninh Giang: Lễ hội dân gian truyền thống đình Trịnh Xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các lễ hội truyền thống được ghi danh khác (Lễ hội đền Tranh, chùa Trông)(15).

- Thành phố Chí Linh: Tổ chức Lễ khai bút đầu Xuân, Lễ hội về nguồn tại đền thờ Chu Văn An, Lễ hội Quần thể di tích đền Cao An Lạc.

- Huyện Tứ Kỳ: Tổ chức Hội thi Pháo đất với quy mô liên tỉnh (Hải Dương - Hải Phòng - Thái Bình). Lễ hội truyền thống đền - đình Ô Mễ (xã Hưng Đạo).

- Huyện Bình Giang: Tổ chức lễ hội truyền thống đình - miếu Mộ Trạch (Lễ hội truyền thống Làng Tiến sĩ Mộ Trạch, xã Tân Hồng).

- Huyện Nam Sách: Tổ chức lễ hội truyền thống đền Long Động (đền thờ Mạc Đĩnh Chi).

- Huyện Kim Thành: Tổ chức lễ hội truyền thống chùa Muống (xã Ngũ Phúc).

- Huyện Thanh Miện: Tổ chức lễ hội du lịch Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

- Năm 2021: Tổ chức triển khai và quán triệt nội dung Chương trình đến các ban, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian xong trước ngày 30/11/2021. Triển khai xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và cụ thể hoá nội dung Chương trình theo phụ lục đã phân công.

- Từ năm 2021 đến 2024: Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các đề án, chuyên đề, kế hoạch công tác. Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện để rút kinh nghiệm hàng năm. Tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện các nội dung chương trình theo chương trình toàn khoá của Tỉnh ủy Hải Dương khoá XVII.

- Năm 2025: Tổ chức kiểm tra, đánh giá, đưa ra bài học kinh nghiệm của cả nhiệm kỳ trước khi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

2. Phân công nhiệm vụ

2.1. Các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức triển khai và quán triệt nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình đến cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, địa phương, đơn vị nhằm thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình, Kế hoạch.

- Hoàn thành xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế chính sách được giao tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Kế hoạch này, trình cấp có thẩm quyền ban hành đúng thời hạn.

- Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch, thực hiện các chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi trách nhiệm đơn vị quản lý, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình theo nguyên tắc 5 rõ trong các nhiệm vụ của từng sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/6) và hằng năm (trước ngày 30/11) báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch. Kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải quyết gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

2.2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền Chương trình số 22/CTr-TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch thực hiện Chương trình của UBND tỉnh tới hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Kế hoạch gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

2.3. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy

Triển khai tổ chức công tác dân vận khéo trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

2.4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên

Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các mục tiêu, nội dung Chương trình, Kế hoạch và giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch đã đề ra.

2.5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cơ quan thường trực)

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kế hoạch và đề xuất UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.

- Định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, sơ kết, tổng kết Chương trình và tham mưu UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình theo quy định.

2.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các nguồn tài trợ khác.

2.7. Sở Tài chính

- Hằng năm, tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách và thẩm định kinh phí thực hiện các dự án theo Kế hoạch.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.

2.8. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh

- Báo Hải Dương, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh tăng cường tuyên truyền nội dung Chương trình, Kế hoạch thực hiện Chương trình của tỉnh; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

- Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương để tuyên truyền các nội dung trên.

2.9. Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp

Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng và doanh nghiệp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình, Kế hoạch thực hiện Chương trình của tỉnh nhằm sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị các ban của Đảng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện tốt các nội dung trên./.

 

PHỤ LỤC 1

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 22/CTR-TU NGÀY 19/8/2021 CỦA TỈNH ỦY VỀ “PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA XỨ ĐÔNG VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI HẢI DƯƠNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số 3574/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

NỘI DUNG

Đơn vị tính

Kết quả đến năm 2020

Chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025

Định hướng giai đoạn 2026-2030

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP

I

NHÓM MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1.

Tỷ lệ số “Gia đình văn hóa” hằng năm

%

90

90 (16)

90

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2.

Tỷ lệ số làng, khu dân cư đạt danh hiệu "Làng, khu dân cư văn hóa" hằng năm

%

96

90

90

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3.

Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa hằng năm (tính trên tổng số đăng ký)

%

86,4

85

90

Liên đoàn Lao động tỉnh

UBND các huyện, thị xã, thành phố

4.

Số di tích được xếp hạng, trong đó:

Di tích

385

35-40

27-33

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

 

- Di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt và xếp hạng quốc gia

Di tích

146

3-5

2-3

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

 

- Di tích xếp hạng cấp tỉnh

Di tích

239

32-35

25-30

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

5.

Số di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp

Di tích

326(17)

100

200

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

6.

Số di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Di sản

09

03-05

02-03

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

7.

Bảo vật quốc gia

Hiện vật, nhóm hiện vật

08

02

02

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

8.

Tỷ lệ số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hằng năm

%

31

34

36

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

9.

Tỷ lệ số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao hằng năm

%

22

24

26

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

10.

Tổng số câu lạc bộ, nhóm tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hằng năm

CLB

3.500

3.800

4.100

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

11.

Số lượt khách du lịch nội địa đón và phục vụ hằng năm

Lượt

> 1,5 triệu(18)

Từ 2,5-3,7 triệu

>4,8 triệu

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành; UBND các huyện, TX, TP; Hiệp hội du lịch tỉnh.

12.

Số lượt khách du lịch quốc tế đón và phục vụ hằng năm

Lượt

> 0,25(19)

Từ 1,6-2,5 triệu

>3,4 triệu

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành; UBND các huyện, TX, TP; Hiệp hội du lịch tỉnh.

13.

Khu du lịch quốc gia

Khu

-

01

02

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành; UBND các huyện, TX, TP; Hiệp hội du lịch tỉnh.

14.

Khu du lịch cấp tỉnh

Khu

03

02 - 03

05 – 07

UBND các huyện, TX: Kinh Môn, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Thanh Miện

Sở, ban, ngành; Hiệp hội du lịch tỉnh.

II

NHÓM MỤC TIÊU XÂY DỰNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CƠ SỞ (2021-2025), ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1.

Cấp tỉnh

 

 

 

 

 

 

1.1

Xây dựng Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao tỉnh tại khu vực phía Nam cầu Lộ Cương, thành phố Hải Dương

Công trình

0

0

01

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan và UBND TP Hải Dương

1.2

Xây dựng Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao thuộc Khu Liên hợp thể thao tỉnh

Công trình

0

01

-

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND TP Hải Dương

1.3

Qui hoạch và xây dựng Nhà hát chèo xứ Đông

Công trình

0

0

01

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND TP Hải Dương

1.4

Qui hoạch và xây dựng Bảo tàng tỉnh Hải Dương

Công trình

0

01

-

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND TP Hải Dương

1.5

Quy hoạch bảo quản tu bổ, phục hồi cụm di tích quốc gia đặc biệt Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia

Công trình

 

01

01 (tiếp theo)

UBND huyện Cẩm Giàng

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan

1.6

Quy hoạch bảo quản tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền

Công trình

 

01

01 (tiếp theo)

UBND huyện Cẩm Giàng

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan

1.7

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương

Công trình

 

01

01 (tiếp theo)

UBND TX Kinh Môn

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan

1.8

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Bảo tồn khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương (giai đoạn 2021- 2030) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch

Công trình

 

01

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Chí Linh

1.9

Quy hoạch và xây dựng Khu công viên Vạn trì Kiếp Bạc, phía sau núi Nam Tào (khu B-VI, khu khai thác đặc biệt, diện tích 213,7ha).

Công trình

 

01

01 (tiếp theo)

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Chí Linh

1.10

Quy hoạch và xây dựng Khu núi Trán Rồng, Nam Tào, Bắc Đẩu (khu B-VII, khu khai thác đặc biệt, diện tích 161,8ha).

Công trình

 

01

01 (tiếp theo)

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Chí Linh

1.11

Quy hoạch và xây dựng Khu Bắc Núi Bắc Đẩu (khu B-VIII, khu khai thác đặc biệt, diện tích 159ha).

Công trình

 

01

01 (tiếp theo)

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND TP Chí Linh

2.

Cấp huyện

 

 

 

 

 

 

2.1

Sân vận động

Công trình

10

02

-

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

2.2

Nhà tập luyện, thi đấu thể dục thể thao

Công trình

07

05

-

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

2.3

Bể bơi đạt chuẩn

Công trình

02

10

12

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

2.4

Công viên(20)

Công trình

02(21)

03-04

05-06

Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

2.5

Tượng đài, đài kỷ niệm

Công trình

03(22)

02-03

03-04

Ban Quản lý dự án tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Sở, ban, ngành

3.

Cấp xã

 

 

 

 

 

 

3.1

Nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng

%

93

100

-

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

3.2

Thư viện

Công trình

31

05

10

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

3.3

Sân vận động

%

91

95

100

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

3.4

Bể bơi đơn giản, ao bơi hợp vệ sinh

%

27

60

`80

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

3.5

Công viên, vườn hoa(23)

%

0

30

60

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

4.

Thôn, khu dân cư

 

 

 

 

 

 

4.1

Thôn, khu dân cư có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng

%

97,6

99

100

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

4.2

Thôn, khu dân cư có sân thể thao

%

39

50

80

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

4.3

Vườn hoa thôn(24)

%

0

20

60

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Sở, ban, ngành

 

PHỤ LỤC 2

MỘT SỐ ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH CỤ THỂ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 22/CTR-TU NGÀY 19/8/2021 CỦA TỈNH ỦY VỀ “PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA XỨ ĐÔNG VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI HẢI DƯƠNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số 3574/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

NỘI DUNG

Cơ quan ban hành

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian xây dựng đề án, kế hoạch

I

CÁC ĐỀ ÁN

 

 

 

 

1.

Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

(Đã ký ban hành, đang thực hiện)

2.

Đề án Phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

(Đã ký ban hành, đang thực hiện)

3.

Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố

(Đã ký ban hành, đang thực hiện)

4.

Đề án vinh danh các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có tay nghề xuất sắc đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Công thương

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, hội nghề nghiệp liên quan;

2021-2022

5.

Đề án Phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030

UBND tỉnh

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Giáo dục - Đào tạo và các sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

6.

Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030

UBND tỉnh

Sở Nội vụ

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

Năm 2021

II

CÁC KẾ HOẠCH

 

 

 

 

1.

Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố; Hội khoa học lịch sử tỉnh

Năm 2021

2.

Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục lịch sử văn hóa, cách mạng, lịch sử Đảng bộ và lịch sử tỉnh Hải Dương trong các nhà trường giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Sở Giáo dục-Đào tạo và các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

3.

Kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh giai đoạn 2021-2025

UBND tỉnh

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

4.

Kế hoạch xây dựng “Bộ Tiêu chí ứng xử văn hóa công sở, doanh nghiệp”

UBND tỉnh

Sở Nội vụ

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

5.

Kế hoạch xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng địa bàn tỉnh Hải Dương

BCĐ phong trào TDĐKXD ĐSVH

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

6.

Kế hoạch tuyên truyền, vận động thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương

BCĐ phong trào TDĐKXD ĐSVH

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TX, TP

Năm 2022

7.

Kế hoạch phát động phong trào “Tuổi trẻ Hải Dương giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, con người xứ Đông - Hải Dương”

BCĐ phong trào TDĐKXD ĐSVH

Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

8.

Kế hoạch rà soát việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

BCĐ phong trào TDĐKXD ĐSVH

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã, thành phố

2021-2030

9.

Kế hoạch Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

10.

Kế hoạch Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về đất và người Hải Dương với bạn bè quốc tế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

11.

Kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, TX, TP

2021-2022

12.

Kế hoạch Xây dựng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với việc thực hiện "Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng” và “Bộ Tiêu chí ứng xử văn hóa công sở, doanh nghiệp”

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

13.

Kế hoạch Phục hồi và truyền dạy một số loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

14.

Kế hoạch tổ chức Lễ hội Ẩm thực - Carnival đường phố Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

UBND thành phố Hải Dương

Sở, ban, ngành liên quan

2021-2022

15.

Kế hoạch tổ chức Lễ hội Vải thiều Thanh Hà giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

UBND huyện Thanh Hà

Sở, ban, ngành liên quan

2021-2022

16.

Kế hoạch tổ chức Festival Sinh vật cảnh xứ Đông (mở rộng) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ngành liên quan, UBND TP Hải Dương và Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương

2021-2022

17.

Kế hoạch Đăng cai tổ chức một số sự kiện văn hóa thể thao cấp quốc gia, khu vực

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ngành liên quan, UBND TP Hải Dương

2021-2022

III

MỘT SỐ NHIỆM VỤ KHÁC

 

 

 

 

1.

Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là di sản thế giới.

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang

2021-2025

2.

Dự án nâng cấp trang thiết bị nội thất và ngoại thất Thư viện tỉnh

UBND tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở VHTTDL và các sở, ngành liên quan, UBND TP Hải Dương

2022-2024

3.

Dự án xây dựng Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở TTTT và các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố

2021-2025

4.

Dự án xây dựng công trình: Tượng đài tiếng sấm đường 5

UBND tỉnh

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL, UBND huyện Kim Thành

2021-2023

5.

Dự án xây dựng: Công trình biểu tượng tỉnh

UBND tỉnh

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh

Sở VHTTDL, UBND huyện Gia Lộc

2021-2025

6.

Xây dựng Quy chế vinh danh danh hiệu “Công dân tỉnh Đông ưu tú” tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025

UBND tỉnh

Sở Nội vụ

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

7.

Xây dựng khung chương trình tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao đối với các thiết chế văn hóa cơ sở, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

8.

Xây dựng Quy định của tỉnh về khuyến khích đầu tư, xã hội hóa xây dựng các bảo tàng về văn hóa xứ Đông - Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Kế hoạch - Đầu tư

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, TX, TP

2021-2022

9.

Xây dựng cơ chế khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Tài chính

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

10.

Xây dựng Quy định của tỉnh về khuyến khích sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

UBND tỉnh

Sở Kế hoạch - Đầu tư

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố

2021-2022

 



(1) Thực hiện theo Kế hoạch xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới ban hành kèm theo Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 31/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

(2) Ví dụ như: Bảo tàng tư nhân về văn hóa xứ Đông, về nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng, về công tác bảo tồn, tôn vinh các làng nghề thủ công truyền thống…

(3) Theo Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016 (Cơ quan nghiên cứu và ngôn luận khoa học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có 10 lĩnh vực chung nhất thuộc công nghiệp văn hóa mà gần như tất cả các tổ chức, các nước đều liệt kê đó là: di sản, lưu trữ, thư viện, sách và xuất bản, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, truyền thông nghe nhìn và đa phương tiện, kiến trúc, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ.

(4) Một số sản phẩm công nghiệp văn hóa của tỉnh có tiếng trong và ngoài nước như: Gốm Chu Đậu (Nam Sách); mộc mỹ nghệ Đông Giao (Cẩm Giàng); đúc đồng mỹ nghệ, thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), sân golf Ngôi sao (Chí Linh), Chạm khắc vàng bạc Châu Khê...

(5) Như: trung tâm chiếu phim, khu liên hợp thể thao, sân golf, khu vui chơi giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến du lịch...

(6) Xây dựng cơ chế phù hợp để khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao như: Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, Thư viện tỉnh, Nhà Thi đấu TDTT tỉnh, các di tích lịch sử văn hóa…

(7) Như: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch ẩm thực, du lịch leo núi…

(8) Nhóm các môn thể thao trọng điểm loại 1 gồm: Bóng bàn, Bắn súng, Bóng chuyền nữ, Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Đấu kiếm, Pencaksilat, Canoeing, Rowing, Lặn, Wushu, Bắn cung.

Nhóm các môn thể thao trọng điểm loại 2 gồm: Cầu lông, Karatedo, Quần vợt, Vật, Nhảy cầu, Bóng đá U11- U13, Bóng chuyền bãi biển, Bóng chuyền nam, Muay Thái, Aerobic, Boxing, Võ thuật cổ truyền, Cờ vua.

(9) Gồm những hạng mục công trình: Sân vận động Thành Đông (35.000 - 45.000 chỗ ngồi), nhà thi đấu đa năng (3000 - 5000 chỗ ngồi), trường bắn thể thao (bắn súng, bắn cung), bể bơi - nhảy cầu, đường đua thuyền, nhà tập luyện bóng bàn, khu làm việc các phòng, ban chuyên môn, khách sạn thể thao, bệnh viện thể thao, khu sân thể thao ngoài trời (bóng đá, quần vợt, bóng rổ...).

(10) Một số địa phương như: tỉnh Viêng Chăn (CHDCND Lào), tỉnh Seine-Saint-Denis (Cộng hòa Pháp), thành phố Suwon (Hàn Quốc), tỉnh Kagoshima (Nhật Bản)...

(11) Từng bước đưa nghệ thuật hát chèo truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa trong hệ thống các trường học trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của “Chiếng chèo Đông”.

(12) Phát động các cuộc thi với chủ đề như: “Người Hải Dương phát huy giá trị văn hóa xứ Đông”; “Tuổi trẻ Hải Dương giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, con người xứ Đông - Hải Dương”…

(13) Ví dụ như: Liên hoan Ca trù toàn quốc, Liên hoan Phim Việt Nam, Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc, Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc, Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan Rối nước toàn quốc...

(14) Ví dụ như: Giải Bóng bàn Quốc tế cúp Hoàng Thạch, một số môn thi đấu thuộc Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31), Giải Bóng chuyền VTV Cup…

(15) Lễ hội đền Tranh: Đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2020. Lễ hội chùa Trông: Đang xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VHTTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2021.

(16) Giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo Nghị định số: 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (Đầu năm đăng ký, cuối năm bình xét, không tính lũy tiến hàng năm).

(17) Từ năm 2001-2020, tổng số di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp là 326 di tích.

(18) Số lượt khách du lịch nội địa đón và phục vụ năm 2020 bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2019: đạt 4,3 triệu lượt khách).

(19) Số lượt khách du lịch quốc tế đón và phục vụ năm 2020 bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2019: đạt 1,6 triệu lượt khách).

(20) Công viên cấp huyện có diện tích ít nhất từ 1,5 Ha trở lên.

(21) Gồm: Công viên Bạch Đằng (TP Hải Dương), Công viên khu quảng trường hồ Mật Sơn (Chí Linh).

(22) Hiện có: Tượng đài Trần Hưng Đạo (Kinh Môn), tượng đài Bác Hồ về thăm Hiệp Lực (Ninh Giang), tượng đài Mạc Thị Bưởi (TP Hải Dương).

(23) Công viên, vườn hoa cấp xã có diện tích ít nhất từ 5000m2 trở lên (toàn tỉnh hiện có 178 xã và 57 phường, thị trấn).

(24) Vườn hoa thôn có diện tích ít nhất từ 1000m2 trở lên (toàn tỉnh hiện có: 973 thôn và 361 khu dân cư).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3574/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 22-CTr/TU về “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 3574/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Triệu Thế Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản