Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3463/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁ CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011;

Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 949/TTr-SNN-TS ngày 01 tháng 7 năm 2011 về phê duyệt Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển cá cảnh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các tổ chức kinh tế, cá nhân triển khai chương trình được phê duyệt, đảm bảo các mục tiêu phát triển cá cảnh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÁ CẢNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3463/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CẢ CẢNH 2004 - 2010

1. Kết quả đạt được đến năm 2010:

Chương trình phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2004 - 2010 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo Quyết định số 718/QĐ-UB ngày 25 tháng 02 năm 2004 với mục tiêu định hướng phát triển cá cảnh như sau:

- Sản lượng sản xuất: năm 2005 là 20 triệu con, đến năm 2010 đạt 30 - 35 triệu con;

- Sản lượng cá cảnh xuất khẩu: năm 2005 là 3 triệu con, đến năm 2010 đạt 6 triệu con; Kim ngạch xuất khẩu: năm 2005 là 1,5 triệu USD, ước đạt 10 triệu USD.

Kết quả đạt được đến năm 2010 như sau:

- Sản lượng sản xuất đạt 60 triệu con, tăng hơn 3 lần so với năm 2005 và gấp 2 lần so với kế hoạch.

- Sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 7,5 triệu con, tăng hơn 2 lần so với năm 2005 và tăng 1,25 lần so với kế hoạch.

Ngoài ra, số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh cá cảnh tăng về số lượng và quy mô, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng.

- Số lượng cơ sở sản xuất cá cảnh đã phát triển 283 cơ sở, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Trước đây khu vực sản xuất cá cảnh tập trung ở các quận 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức… và hiện nay phát triển mạnh và tập trung ở các quận 9, 12 và huyện Bình Chánh, Củ Chi…

Số lượng cửa hàng kinh doanh cá cảnh đã phát triển 263 cửa hàng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Trước đây các cửa hàng tập trung ở một số khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh như ở các quận 3, 5, 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận thì hiện nay nhiều cửa hàng mua bán cá cảnh được hình thành ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Dịch vụ cho nuôi, sản xuất và người chơi cá cảnh khá phong phú như bể kiếng, máy thổi khí, đá bọt khí, máy lọc nước tuần hoàn, đèn trang trí, cây cảnh giả, hòn non bộ… cho đến thuốc thủy sản, thức ăn tổng hợp dạng viên, dạng bột… đây là lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận cao.

Cá cảnh được đưa vào tham gia lễ hội sinh vật cảnh hàng năm để giới thiệu cá cảnh ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia các kỳ Hội chợ, Triển lãm quốc tế về cá cảnh (Aquarama) tại Singapore, Đức nhằm giới thiệu, quảng bá cá cảnh Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là cá Đĩa Việt Nam đoạt được nhiều giải cao trong các hội chợ quốc tế.

2. Những mặt hạn chế:

- Sản xuất cá cảnh thành phố còn mang tính tự phát nên quy mô sản xuất phần lớn còn nhỏ lẻ, gia đình nên không đáp ứng được các đơn hàng có số lượng lớn, chất lượng đồng đều nhất là các đơn hàng xuất khẩu.

- Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ các các điều kiện về giám sát an toàn dịch bệnh.

- Quy trình sản xuất, chọn giống và lai tạo để tạo ra giống mới phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế, chủ yếu là truyền thống.

- Tổ chức sản xuất chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các của Hội, Chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, hội viên phân tán, chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết.

- Chưa đánh giá hết tiềm năng của ngành sản xuất cá cảnh.

- Thị trường xuất khẩu rộng nhưng không tập trung, số lượng xuất khẩu có tăng nhưng chưa mạnh.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁ CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Định hướng:

- Duy trì khu vực sản xuất cá cảnh ở các quận nội thành và quận ven quận 8, quận 12, quận 9 và Gò Vấp đồng thời phát triển mạnh nuôi cá cảnh ở các khu vực có khả năng tập trung cao tại các huyện: Củ Chi, Bình Chánh.

- Hình thành khu vực chuyên sâu về nghiên cứu lai tạo cá cảnh trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại huyện Củ Chi.

- Nghiên cứu phát triển cá tự nhiên dùng làm cá cảnh (chọn lọc, thuần dưỡng, sinh sản nhân tạo) và lai tạo giống loài mới có giá trị kinh tế cao.

- Xây dựng hệ thống sản xuất cá cảnh thân thiện với môi trường, an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2015: sản lượng cá cảnh đạt 100 triệu con, xuất khẩu 20 - 30 triệu con; kim ngạch ước 30 - 40 triệu USD.

- Tất cả các cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu đều được giám sát dịch bệnh, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đối với những đối tượng bắt buộc phải giám sát.

- Hình thành trung tâm giao dịch hoặc siêu thị cá cảnh từ 2 chợ cá cảnh hiện nay là khu vực đường Nguyễn Thông - Lý Chính Thắng, quận 3 và đường Lưu Xuân Tín, quận 5.

3. Các giải pháp chủ yếu:

3.1. Giải pháp về quy hoạch:

- Đối với huyện Củ Chi: Ngoài làng nghề cá cảnh Trung An - Phú Hòa Đông đã có chủ trương chung của thành phố, huyện Củ Chi quy hoạch các khu vực ven các hệ thống kênh Đông như xã Phước Hiệp rất thuận lợi cho việc cấp nước sạch ươm, nuôi cá cảnh.

- Đối với huyện Bình Chánh: Hiện nay, đa số các nghệ nhân cá cảnh ở quận 8 đang di dời đến sản xuất tập trung ở một số xã: Bình Lợi, Hưng Long, Phong Phú, Tân Nhựt. Vì vậy Ủy ban nhân dân huyện cần quy hoạch cụ thể ở các khu vực này.

- Duy trì các cơ sở hiện hữu sản xuất cá cảnh trong bể kiếng và bể xi măng đối với các quận nội thành, huyện ven gồm các phường: 14, 15, 16 (quận 8), phường: Thạnh Xuân, An Phú Đông (quận 12); xã Đông Thạnh (Hóc Môn).

3.2. Giải pháp về giống và khoa học kỹ thuật:

- Tiếp tục nghiên cứu khai thác, thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo một số loài cá tự nhiên dùng làm cá cảnh; Nghiên cứu sinh sản nhân tạo một số loài cá cảnh thuộc loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (cá Dĩa, Còm, Chạch, Thái Hổ, Neon…). Đồng thời nhập nội một số giống cá cảnh mới dùng làm bố mẹ sinh sản cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; Tập trung nghiên cứu lai tạo và sản xuất một số giống loài mới nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu.

- Xây dựng danh mục cá cảnh nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, từng hệ thống nuôi; cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm; định mức các yếu về kỹ thuật, kinh tế - xã hội trong sản xuất. Tổ chức tham quan học tập, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và lai tạo cá cảnh ở một số nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Trung Quốc). Nghiên cứu các biện pháp phòng và điều trị hiệu quả một số bệnh thường gặp trên cá cảnh.

- Xây dựng hệ thống sản xuất phù hợp với môi trường, an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

- Tăng cường quản lý nhà nước và hướng dẫn các cơ sở sản xuất bảo đảm quy trình nuôi an toàn - bền vững. Xây dựng vùng cơ sở giám sát dịch bệnh đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU.

3.3. Giải pháp thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại:

- Xây dựng Danh mục cá cảnh thành phố, lập trang thông tin điện tử về cá cảnh để quảng bá, giới thiệu danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh để khách hàng trong và ngoài nước tiện giao dịch mua bán. Giới thiệu tiến bộ, nghiên cứu khoa học kỹ thuật về sản phẩm mới ra nước ngoài và ngược lại, cập nhật những giống, loài mới sinh sản nhân tạo thành công, tiến bộ khoa học - kỹ thuật giới thiệu đến người nuôi.

- Thành phố tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí tham gia một số hội chợ cá cảnh quốc tế ở Singapore, Cộng hòa Liên bang Đức để học tập rút kinh nghiệm tiến tới tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ cá cảnh.

- Xây dựng siêu thị nông nghiệp kết hợp với trung tâm giới thiệu, giao dịch, tư vấn về hoa, cây kiểng, cá cảnh; các khu phố chuyên kinh doanh cá cảnh ở các quận nội thành như: quận 1, 3 và 5..., đồng thời kết hợp tổ chức hội thi cá cảnh đẹp và lai tạo giống mới, triển lãm cá cảnh tại các phiên chợ hoa, cây kiểng hàng năm vào dịp lễ, tết, v.v..

- Củng cố tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp như Hội, Chi hội cá cảnh. Tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, làng nghề, hợp tác xã cá cảnh trên các địa bàn trọng điểm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh.

3.4. Về tổ chức sản xuất:

- Đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, đầu mối xuất khẩu thông qua Hội, Hiệp hội.

- Về lâu dài, thực hiện liên kết với các tỉnh có lợi thế về nghề nuôi và giàu tiềm năng về đất, nước… như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Sản xuất một số đối tượng nuôi trong ao đất như cá Vàng, Chép Nhật, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, Bảy Màu, v.v.. Các cơ sở sản suất tại thành phố tập trung sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh và sản xuất một số cá cảnh thương phẩm có giá trị cao.

III. MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1. Xây dựng Chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh phù hợp với yêu cầu xuất khẩu ở thị trường Mỹ, Châu Âu:

- Tổng kinh phí thực hiện: 2,0 tỷ đồng (xây dựng và phát triển hệ thống giám sát an toàn dịch bệnh bình quân hàng năm: 500 triệu đồng).

- Thời gian: xây dựng chương trình (trình duyệt năm 2011), triển khai 4 năm (từ 2012 - 2015)

- Nguồn kinh phí: Xây dựng theo kế hoạch hàng năm của đơn vị từ nguồn ngân sách cấp thành phố và đóng góp của các đơn vị trong hệ thống xuất khẩu cá cảnh liên quan.

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Thú y, các cơ sở cá cảnh trong hệ thống.

- Đơn vị phối hợp: Phòng Thủy sản, Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá cảnh trên địa bàn thành phố.

2. Xây dựng mô hình thực hành quản lý tốt trong nuôi cá cảnh (Good Management Practices - GMPs)

- Tổng kinh phí thực hiện: 1,2 tỷ đồng (xây dựng và phát triển các mô hình nuôi tốt bình quân hàng năm là 300 triệu đồng).

- Thời gian: xây dựng chương trình (trình duyệt năm 2011), triển khai thực hiện 4 năm (từ 2012 - 2015).

- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố.

- Nguồn kinh phí: Xây dựng theo kế hoạch hàng năm của đơn vị từ nguồn ngân sách cấp thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Phòng Thủy sản, Chi Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông, các hộ sản xuất.

3. Chương trình nghiên cứu khai thác, thuần dưỡng một số loài cá tự nhiên làm cảnh và sinh sản nhân tạo phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Chọn lọc lại tạo một số loài cá cảnh nhập nội có giá trị kinh tế.

- Tổng kinh phí thực hiện: 3 tỷ đồng (kinh phí từ 300 triệu - 500 triệu đồng/đề tài thông qua Hội đồng Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ).

- Thời gian: 2011 - 2015.

- Nguồn kinh phí: Đăng ký theo kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị thực hiện: Tất cả cá nhân, đơn vị như Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Sinh học, Viện Nghiên cứu, Trường Đại học… có đủ năng lực nghiên cứu.

4. Đề án xây dựng siêu thị hoặc trung tâm cá cảnh bao gồm mua bán, trao đổi các loài cá cảnh, cây thủy sinh, vật tư thiết bị, thức ăn, thuốc thú y cho cá cảnh… và tư vấn thiết kế hồ cá cảnh - hoa.

- Kinh phí:

+ Xây dựng đề án: 300 triệu đồng,

+ Thời gian thực hiện: năm 2012 xây dựng dự án, thực hiện đầu tư từ năm 2013.

+ Đơn vị thực hiện dự án: Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp. Nguồn ngân sách thành phố cấp theo kế hoạch hàng năm của đơn vị.

+ Đầu tư: kinh phí đầu tư theo dự toán đề án từ nguồn vốn nhà nước đầu tư, vốn vay và vốn tự có của tất cả các cá nhân, đơn vị có đủ năng lực tài chính.

5. Xây dựng các Dự án xúc tiến thương mại tiêu thụ cá cảnh, chủ yếu là phát triển xuất khẩu (tham gia các Hội chợ, Hội thi cá cảnh quốc tế).

- Tổng kinh phí thực hiện: 1,5 tỷ đồng.

- Thời gian thực hiện: 3 năm (2012 - 2014).

- Nguồn kinh phí: Ngân sách thành phố cấp theo dự toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Tư vấn Nông nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu cá cảnh trên địa bàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: 2011 - 2015.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015, Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực.

3. Cơ quan đơn vị thực hiện:

- Ủy ban nhân dân các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; các quận: 8, 9, 12, Gò Vấp và các quận - huyện có sản xuất kinh doanh cá cảnh.

- Các đơn vị liên quan trực thuộc Sở: Chi Cục Thú y, Chi Cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông…

- Các doanh nghiệp, nông hộ, nông trại sản xuất kinh doanh cá cảnh.

4. Cơ quan phối hợp:

- Các Sở, ngành liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ.

- Các Đoàn thể: Hội Nông dân và các đoàn thể các cấp,…

- Các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học Nông Lâm,…

5. Nhiệm vụ cụ thể:

5.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quận, huyện thực hiện quy hoạch, xác định cụ thể vùng sản xuất - kinh doanh cá cảnh phù hợp với quy hoạch chung về sản xuất nông nghiệp đô thị.

- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các Chương trình, Đề án liên quan đến nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cá cảnh.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các quận - huyện có sản xuất kinh doanh cá cảnh đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích sản xuất kinh doanh cá cảnh trên địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các Đề án, Chương trình trọng điểm đã được phê duyệt theo Chương trình.

- Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ thực hiện Chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011 - 2015.

5.2. Sở Khoa học và Công nghệ: chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học Nông Lâm… tổ chức triển khai nghiên cứu khoa học kỹ thuật các vấn đề có liên quan đến sản xuất kinh doanh cá cảnh.

5.3. Sở Quy hoạch - Kiến trúc: chủ trì phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các quận - huyện rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch sao cho phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

5.4. Ủy ban nhân dân các quận - huyện: điều chỉnh và quy hoạch các vùng sản xuất - kinh doanh cá cảnh trên cơ sở Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố).

5.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các quận - huyện giải quyết, cân đối và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện các Chương trình, Đề án và nghiên cứu khoa học có liên quan đến sản xuất kinh doanh cá cảnh.

5.6. Hội Nông dân, Hội Sinh vật cảnh và các Hội, Chi hội cá cảnh: phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đến các hộ nông dân tham gia sản xuất kinh doanh cá cảnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3463/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình phát triển cá cảnh thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3463/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/07/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 50
  • Ngày hiệu lực: 12/07/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản