Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 345/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 03 tháng 03 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 52/TTr-SVHTTDL ngày 11/01/2023; Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 141/BC-SKHĐT ngày 30/01/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung
Tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu đến năm 2025
+ Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân 15%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2025 đạt trên 2.380 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,0 ngày.
+ Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch cấp quốc gia; có từ 01 khu du lịch cấp tỉnh và 07 điểm du lịch được công nhận nhằm tạo ra đa dạng tuyến, điểm du lịch góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn cho tỉnh Điện Biên.
+ Lễ hội Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang thương hiệu riêng có của tỉnh Điện Biên.
+ Hoạt động du lịch tạo việc làm cho trên 15.000 lao động, trong đó có 5.000 lao động trực tiếp và có trên 55% nguồn lao động trực tiếp được đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn để có thêm các khách sạn cao cấp, nâng tổng số phòng nghỉ các hạng lên 4.000 phòng, tăng 35% so với năm 2020. Đưa vào khai thác các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp.
- Mục tiêu đến năm 2030
+ Lượng khách du lịch năm 2030 đạt trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó 600 nghìn lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 14%/năm; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,5 ngày, tăng 0,5 ngày so với giai đoạn 2021-2025.
+ Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP bình quân của tỉnh; có hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng; các khu, điểm du lịch được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại. Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang thực sự trở thành Khu du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ và cả nước.
+ Từng bước xây dựng Khu du lịch Tủa Chùa cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia gắn với phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa. Có thêm từ 05 khu du lịch cấp tỉnh và 08 điểm du lịch được công nhận nhằm tạo ra đa dạng tuyến, điểm tham quan, điểm du lịch.
+ Hoạt động du lịch tạo tạo việc làm cho trên 30.000 lao động, trong đó có 10.000 lao động trực tiếp. Có trên 75% số lao động trực tiếp được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.
+ Thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm năng và có thêm từ 02 tổ hợp khách sạn cao cấp đi vào hoạt động, nâng tổng số phòng nghỉ các hạng lên trên 5.200 phòng, tăng 23% so với năm 2025, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp.
1. Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch
1.1. Về hạ tầng giao thông
1.2. Về hạ tầng khách sạn, cơ sở lưu trú
1.3. Nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm
- Hạ tầng Nhà hàng.
- Cơ sở hạ tầng phục vụ vui chơi giải trí, mua sắm.
- Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động trung gian.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bổ sung.
1.4. Tôn tạo các di tích lịch sử, tâm linh
2. Đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch
Đối với phát triển các sản phẩm du lịch trong giai đoạn tới, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung vào 3 khu vực chính: Khu vực I gắn với du lịch lịch sử - tâm linh, Khu vực II gắn với du lịch sinh thái - văn hóa, Khu vực III gắn với du lịch địa học. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh theo 3 trụ cột chính, cụ thể là:
(1) Sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh: Xây dựng các sản phẩm trải nghiệm tìm hiểu lịch sử chiến tranh với các hoạt cảnh, minh họa thực tế, trực tiếp, sử dụng các công nghệ tiên tiến về âm thanh, ánh sáng, tạo những cảm giác chân thực cho khách du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch văn hóa hiện có. Nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh.
(2) Sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái: Tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình ca, múa, nhạc dân gian; thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc, các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - khám phá trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái rừng, sông, hồ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm hàng năm như: Lễ hội Hoa Ban, kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lễ hội thành bản Phủ, lễ hội hoa Anh Đào,...
(3) Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Tập trung thu hút du khách bằng các dịch vụ du lịch có chất lượng cao, như chơi golf, đua thuyền, các môn thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, ngắm cảnh, chụp ảnh tại các công viên chuyên đề, xem biểu diễn thực cảnh, tắm nước khoáng nóng và trị liệu..., chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải, các chợ phiên vùng cao, biên giới, tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch. Trong đó cần chú trọng phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tại các khu vực có các mỏ khoáng nóng như U Va, Hua Pe nhằm tạo ra sự khác biệt cho du khách khi đến với Điện Biên.
Các sản phẩm du lịch trọng tâm gắn với từng phân vùng du lịch sẽ được phân tích và làm rõ tại phần định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Điện Biên trong đó xoay quanh trụ cột 3 loại sản phẩm chính gồm sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh; Sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1. Định hướng phát triển không gian du lịch
1.1. Định hướng phân vùng du lịch
Định hướng phân vùng không gian du lịch tỉnh Điện Biên thành 3 khu vực tiêu biểu, cụ thể như sau:
- Khu vực I, bao gồm thành phố Điện Biên Phủ và 4 huyện (huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo).
- Khu vực II, bao gồm 3 huyện: Huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và huyện Mường Nhé.
- Khu vực III: huyện Tủa Chùa, Thị xã Mường Lay và xã Sá Tổng (huyện Mường Chà).
1.2. Định hướng phát triển 14 điểm dừng chân, gồm:
- Thành phố Điện Biên Phủ: Bản Kê Nênh, xã Thanh Minh.
- Huyện Điện Biên:
+ Khu vực đèo Tây Trang, xã Na Ư.
+ Cánh đồng Mường Thanh, xã Thanh Xương.
- Huyện Điện Biên Đông: Đỉnh Chóp Ly, xã Keo Lôm.
- Huyện Mường Ảng: Tằng Quái Lầu, Đèo Tằng Quái, quốc lộ 279.
- Huyện Tuần Giáo:
+ Pha Đin Pass, xã Tỏa Tình.
+ Tượng đài Thanh niên xung phong, xã Quài Tở.
- Huyện Tủa Chùa:
+ Điểm dừng chân ngắm Đồi Con Rùa, xã Tả Phìn.
+ Cao nguyên đá Tả Phìn, Thôn Tả Phìn 2, xã Tả Phìn.
- Thị xã Mường Lay: Điểm cầu nối từ quốc lộ 12 lên Khu Văn hóa tâm linh thị xã Mường Lay (QL12 Mk93+50), Phường Na Lay.
- Huyện Nậm Pồ: Điểm dừng chân gần bản Nà Sự, xã Chà Nưa.
- Huyện Mường Chà: Bản Cổng Trời Sa Lông, xã Sa Lông.
- Huyện Mường Nhé:
+ Tượng đài anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, xã Leng Su Sìn.
+ Bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu.
2. Định hướng phát triển các khu, điểm du lịch
2.1. Định hướng phát triển các khu du lịch
2.1.1. Khu du lịch quốc gia
a) Khu du lịch cấp quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang
Đến năm 2025, Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng được các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Trên cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch, để trở thành một điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị lịch sử hào hùng của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Việc phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang cần bám sát “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015.
- Đến năm 2030, Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang phát triển với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc và Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, cảnh quan thiên nhiên khu vực hồ Pá Khoang và Rừng văn hóa - lịch sử Mường Phăng. Từ đó, đưa Điện Biên trở thành điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội và khẳng định được hình ảnh trên bản đồ du lịch cả nước và quốc tế.
b) Khu du lịch cấp quốc gia huyện Tủa Chùa
Định hướng đến năm 2030 từng bước xây dựng Khu du lịch Tủa Chùa cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia gắn với phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với lợi thế của tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa. Phấn đấu đến năm 2040 trở thành Khu du lịch cấp Quốc gia với hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có thương hiệu và sức cạnh tranh, liên kết chặt chẽ với Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang và các khu, điểm du lịch trong tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc, tạo động lực trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
2.1.2. Khu du lịch cấp tỉnh
Định hướng đến năm 2030 có 06 Khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn 4 huyện và thị xã được công nhận:
- Khu du lịch hang động Pa Thơm/hang động Chua Ta, huyện Điện Biên;
- Khu du lịch thành Bản Phủ, huyện Điện Biên.
- Khu du lịch thành Vàng Lồng và Cao nguyên đá Tả Phìn, huyện Tủa Chùa;
- Khu du lịch sinh thái Mường Nhé (lấy khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, huyện Mường Nhé làm trọng tâm).
- Khu du lịch đèo Pha Đin, huyện Tuần Giáo.
- Khu du lịch di tích lịch sử Pú Vạp, phường Sông Đà và xã Nay Lưa, thị xã Mường Lay.
2.1.3. Điểm du lịch
Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 16 điểm du lịch trên địa bàn trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố được công nhận. Cụ thể:
- Điểm du lịch Tượng đài Chiến thắng, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
- Điểm du lịch Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên Phủ, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ.
- Điểm du lịch sinh thái Him Lam, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Che Căn, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.
- Điểm du lịch Nước khoáng nóng U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Quan Chiêng, phường Na Lay thị xã Mường Lay.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Nậm Cản, phường Na Lay thị xã Mường Lay.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Bắc 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay.
- Điểm du lịch Hồ Noong U, bản Tìa Ló B, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông.
- Điểm du lịch Pha Đin Pass/ Pu Pha Đin, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.
- Điểm du lịch chợ phiên thị trấn Tủa Chùa.
- Điểm du lịch hang động Huổi Cang - Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà.
- Điểm du lịch hồ Ẳng Cang, xã Ẳng Cang huyện Mường Ảng.
2.2. Định hướng phát triển các điểm du lịch, điểm tham quan
Định hướng phát triển các điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên được sắp xếp theo định hướng quy hoạch phân vùng du lịch và được chia làm 3 phân khu. Mỗi phân khu sẽ tập trung phát triển các trụ cột du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
2.2.1. Phân khu I (thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và 3 huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo): Sẽ phát triển trọng tâm cả 3 trụ cột du lịch du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
a) Định hướng phát triển du lịch thành phố Điện Biên Phủ
- Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh), bản Che Căn (xã Mường Phăng), bản Kéo (xã Pá Khoang).
- Điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Tà Lèng, xã Thanh Minh.
- Khu du lịch sinh thái ven sông Nậm Rốm, Phường Mường Thanh.
b) Định hướng phát triển du lịch huyện Điện Biên
- Khu du lịch sinh thái hồ Pe Luông, xã Thanh Luông.
- Điểm du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng U Va, xã Noong Luống.
- Điểm du lịch khoáng nóng Hua Pe, xã Thanh Luông.
- Khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm, xã Pa Thơm.
- Khu du lịch hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông.
- Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phức hợp Hoong Lếch, xã Thanh Hưng.
c) Định hướng phát triển du lịch quan huyện Điện Biên Đông
- Điểm du lịch sinh thái hồ Noong U, xã Noong U.
- Điểm tham quan chợ phiên Chóp Ly, xã Keo Lôm.
d) Định hướng phát triển du lịch huyện Mường Ảng
- Khu du lịch nông nghiệp cà phê Mường Ảng, thị trấn Mường Ảng và xã Ẳng Nưa, xã Ẳng Cang và Ẳng Tở.
- Điểm du lịch sinh thái hồ Ẳng Cang, xã Ẳng Cang.
đ) Định hướng phát triển du lịch huyện Tuần Giáo
- Điểm du lịch cộng đồng bản Có, xã Quài Tở.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Lồng, xã Tỏa Tình
- Điểm du lịch khoáng nóng Bản Sáng, xã Quài Cang
- Điểm du lịch vùng núi cao Tênh Phông, xã Tênh Phông
2.2.2. Phân khu II (thuộc địa bàn 3 huyện Nậm Pồ, Mường Chà và Mường Nhé): Khu vực này sẽ khai thác trọng tâm loại hình du lịch văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên.
a) Huyện Nậm Pồ
- Điểm du lịch văn hóa cộng đồng và điểm dừng chân bản Nà Sự, xã Chà Nưa.
- Điểm tham quan thác 5 tầng bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn.
- Điểm du lịch sinh thái lòng hồ Nậm Khăn, xã Nậm Khăn.
b) Huyện Mường Chà
- Điểm du lịch cộng đồng bản Cổng Trời, xã Sa Lông.
- Điểm du lịch cộng đồng, sinh thái xã Pa Ham.
- Điểm tham quan rừng Ban cổ, xã Sa Lông.
- Điểm du lịch hang động Huổi Cang - Huôi Đáp, xã Pa Ham.
c) Huyện Mường Nhé
- Điểm du lịch lối mở A Pa Chải và ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, Xã Sín Thầu.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu.
- Điểm tham quan săn mây, bản Chuyên Gia 2, huyện Mường Nhé.
- Điểm du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, huyện Mường Nhé.
2.2.3. Phân khu III (thuộc địa bàn huyện Tủa Chùa và Thị xã Mường Lay), sẽ khai thác trọng tâm loại hình du lịch văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch địa học.
a) Huyện Tủa Chùa
- Điểm tham quan hang động Khó Chua La và hang động Pê Răng Ky, xã Huổi Só.
- Điểm tham quan Thành Vàng Lồng, xã Tả Phìn.
- Điểm du lịch cộng đồng thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só.
- Điểm tham quan bến thủy Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng.
- Điểm tham quan chợ phiên Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng và chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè.
b) Thị xã Mường Lay
- Khu du lịch văn hóa lịch sử Pú Vạp, Phường sông Đà và Phường Lay Nưa.
- Điểm du lịch sông nước lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa phận thị xã Mường Lay.
- Điểm tham quan di tích nhà tù Lai Châu, kết hợp với điểm dừng chân, Phường Sông Đà.
- Điểm tham quan hang Bản Bắc, xã Lay Nưa.
- Điểm du lịch cộng đồng bản Quan Chiêng, Phường Na Lay.
- Điểm tham quan Khu văn hóa tâm linh, Phường Sông Đà.
- Điểm Lễ hội đua thuyền đuôi Én, gắn với trải nghiệm hoạt động Dù lượn, Phường Na Lay và xã Lay Nưa.
3. Định hướng phát triển các tuyến du lịch
3.1. Tuyến du lịch nội vùng
Tập trung kết nối các khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh gắn với các sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch sinh thái - văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch địa học,... lấy thành phố Điện Biên Phủ làm trung tâm kết nối với các huyện, thị xã tạo thành những tuyến du lịch đặc trưng, độc đáo. Cụ thể chia thành 5 tuyến du lịch chính như sau:
- Tuyến 1: Khám phá thành phố Điện Biên Phủ.
- Tuyến 2: Thành phố Điện Biên Phủ - Mường Chà - Nậm Pồ - Mường Nhé.
- Tuyến 3: Thành phố Điện Biên Phủ - Mường Ảng - Tuần Giáo - Tủa Chùa - Mường Lay.
- Tuyến 4: Thành phố Điện Biên Phủ - Mường Chà - Mường Lay - Tủa Chùa.
- Tuyến 5: Thành phố Điện Biên Phủ - Điện Biên - Điện Biên Đông.
3.2. Tuyến du lịch liên vùng
a) Tuyến du lịch trong nước
- Tuyến du lịch đường thủy:
+ Thị xã Mường Lay - Sơn La - Hoà Bình và ngược lại.
- Tuyến du lịch đường bộ:
+ Tuyến Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên Phủ - Thị xã Mường Lay - Lai Châu - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội và ngược lại.
+ Tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Điện Biên.
- Tuyến du lịch đường hàng không:
+ Tuyến Hà Nội - Thành phố Điện Biên Phủ (Sân bay Nội Bài - Sân bay Điện Biên).
+ Tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ (Sân bay Tân Sơn Nhất - Sân bay Điện Biên).
+ Tuyến Cần Thơ - Điện Biên Phủ (Sân bay Cần Thơ - Sân bay Điện Biên).
+ Tuyến Đà Nẵng - Điện Biên (Sân bay Đà Nẵng - Sân bay Điện Biên).
+ Tuyến Hải Phòng - Điện Biên (Sân bay Cát Bi - Sân bay Điện Biên).
b) Tuyến du lịch quốc tế
- Tuyến từ Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng - Thị xã Mường Lay - thành phố Điện Biên Phủ.
- Tuyến từ Trung Quốc qua cửa khẩu A Pa Chải - Mường Nhé - Mường Chà - Thành phố Điện Biên Phủ.
- Tuyến từ Lào qua cửa khẩu Tây Trang - thành phố Điện Biên Phủ.
- Tuyến từ Lào qua cửa khẩu Huổi Puốc - thành phố Điện Biên Phủ.
Sau khi nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên Phủ, mở rộng khai thác các tuyến du lịch quốc tế như:
- Tuyến thành phố Luông Pha Băng/Viên Chăn - thành phố Điện Biên Phủ (Sân bay Luông Pha Băng/Viên Chăn - Sân bay Điện Biên).
- Tuyến tỉnh Chiềng Mai - Điện Biên Phủ (Sân bay Chiềng Mai - Sân bay Điện Biên).
- Tuyến du lịch từ Đông Nam Á: Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... - thành phố Điện Biên Phủ.
- Tuyến du lịch từ Đông Bắc Á: Hàn Quốc - Nhật Bản - thành phố Điện Biên Phủ.
4. Định hướng phát triển loại hình và sản phẩm du lịch
4.1. Định hướng phát triển loại hình du lịch thành 3 khu vực chính:
- Khu vực I (Du lịch lịch sử - tâm linh), thuộc địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ; các huyện: Biện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng.
- Khu vực II (Du lịch sinh thái, văn hóa), thuộc địa bàn các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé; thị xã Mường Lay.
- Khu vực III (Du lịch địa học), thuộc địa bàn các huyện Tủa Chùa, Thị xã Mường Lay và xã Sá Tổng huyện Mường Chà.
4.2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh.
- Sản phẩm du lịch văn hóa.
- Sản phẩm du lịch lễ hội, như:
+ Lễ hội Hoa Ban (Thành phố Điện Biên Phủ).
+ Lễ hội hoa Anh Đào - Pá Khoang (Thành phố Điện Biên Phủ).
+ Lễ hội đua thuyền đuôi Én (Thị xã Mường Lay).
+ Lễ hội Thành Bản Phủ (huyện Điện Biên).
- Sản phẩm du lịch sinh thái, như:
+ Thăm vườn chè Shan Tuyết cổ thụ (xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa).
+ Tham quan và chụp ảnh check-in tại rừng bản Cổ Thụ huyện Mường Chà.
+ Du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.
+ Du lịch sinh thái hồ Pá Khoang, Hồ Noong U, hồ Pe Luông, Đào Viên Sơn, đèo Tằng Quái Lầu, cao nguyên đá Tả Phìn.
+ Du lịch sinh thái lòng hồ sông Đà, lòng hồ thủy điện Lai Châu.
- Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như: Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, Khu du lịch sinh thái Pa Thơm, Khu du lịch Him Lam, Khu vực suối khoáng nóng U VA, Hua Pe...
- Sản phẩm du lịch mua sắm, như các sản phẩm OCOP, các sản phẩm thủ công truyền thống,...
- Sản phẩm du lịch MICE, như: Khách sạn Mường Thanh Grand Điện Biên Phủ, khách sạn Him Lam,... Tổ chức kết nối, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển lãm nhằm thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, khách du lịch đến Điện Biên, một mặt phát triển loại hình du lịch MICE, mặt khác góp phần trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá cho du lịch tỉnh.
- Sản phẩm du lịch cộng đồng ở các bản văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh cần được nghiên cứu, xây dựng mang đặc sắc của cộng đồng như các mô hình lưu trú homestay với kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc nhưng được cải tạo trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm văn hóa văn nghệ, sản phẩm trải nghiệm nghề truyền thống, trải nghiệm nông nghiệp,... là những sản phẩm du lịch cộng đồng cần được tỉnh nghiên cứu phát triển ở các bản văn hóa du lịch giàu tiềm năng như: bản Phiêng Lơi, bản Che Căn, bản Kéo (thành phố Điện Biên Phủ), bản Tả Kố Khừ (huyện Mường Nhé), bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ), bản Na Sang II (huyện Điện Biên),...
- Sản phẩm du lịch nông nghiệp.
- Sản phẩm du lịch sông nước.
- Sản phẩm du lịch địa học.
- Sản phẩm du lịch mạo hiểm.
- Sản phẩm du lịch biên mậu.
- Một số sản phẩm du lịch cụ thể khác.
+ Sản phẩm “Phố đi bộ Điện Biên Phủ”.
+ Sản phẩm tham quan Vườn thú Safari Mường Nhé.
+ Sản phẩm đánh golf.
5. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng du lịch
5.1. Phát triển hạ tầng giao thông
- Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, tập trung hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Sân bay Điện Biên Phủ, các tuyến giao thông kết nối vùng, khu vực. Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến các huyện và các điểm, khu du lịch trọng điểm được xác định trong quy hoạch theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối ngân sách.
- Tiếp tục thực hiện hoàn thiện hạ tầng giao thông theo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đặc biệt ưu tiên các dự án giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, các tuyến đường kết nối các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé,... với thành phố Điện Biên Phủ.
- Quy hoạch, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường Quốc lộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tuyến đường tỉnh lộ cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V, nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 80% đường xã gắn với xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện quy hoạch với các dự án trọng điểm như phát triển giao thông quan trọng trên các tuyến đường QL279, QL12, QL6. Trong đó trọng tâm thực hiện các tuyến đường kết nối với các quốc lộ như xây dựng đường Si Pha Phìn - Mường Nhé, cải tạo nâng cấp QL279B,...
- Tiếp tục thực hiện nâng cấp, mở rộng, cải tạo các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã như các nhánh đường đi Cửa khẩu Si Pa Phìn, lối mở A Pa Chải, nâng cấp kết nối với QL279, QL12 tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, liên hoàn đóng vai trò động lực chính trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch.
- Thường xuyên bảo dưỡng các tuyến đường trọng yếu, đặc biệt vào mùa mưa do địa hình đồi núi thường xuyên xảy ra sạt lở, cần có những biện pháp lâu dài đảm bảo an toàn trên các tuyến đường giao thông quan trọng như san gạt, xử lý hạ ta luy,...
5.2. Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
- Chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trên địa bàn tỉnh như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, sân golf, các khu đô thị nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí,... phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và vận hành được ít nhất 02 khách sạn cao cấp, 02 khu nghỉ dưỡng cao cấp, đến năm 2030 có thêm 02 khách sạn cao cấp đi vào hoạt động.
- Theo đó, cần đẩy mạnh đầu tư các dự án như dự án khu đô thị sân bay Mường Thanh với quy mô khoảng 23,41ha, khu đô thị mới ở trung tâm hành chính với quy mô 6,79ha, khu đô thị phía Tây Bắc thành phố Điện Biên Phủ, Khu đô thị mới Him Lam của Tập đoàn Hải Phát Invest. Các dự của Tập đoàn Flamingo tại xã Thanh Minh và phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, khu vực hồ Co Củ, khu vực xã Tà Lèng với dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái với quy mô 200ha. Các dự án trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, nhà ở thương mại tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, khu nghỉ dưỡng, sân golf, khu thương mại dịch vụ tại xã Thanh Nưa, Thanh Luông, huyện Điện Biên.
- Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình và bình dân. Quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng các thôn, bản văn hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
- Thu hút đầu tư xây dựng một số khu vui chơi giải trí đa chức năng tại các phân khu đô thị thành phố Điện Biên Phủ mở rộng; quy hoạch vị trí, đề xuất, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khu biểu diễn thực cảnh chiến trường Điện Biên Phủ, vườn thú - safari.
- Quy hoạch, xây dựng các khu vực nhà hàng ẩm thực chuyên đề, phố đi bộ, chợ truyền thống, chợ đêm tại thành phố Điện Biên Phủ. Thu hút đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống các điểm dừng chân trên các tuyến giao thông, nhất là trên các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.
- Nâng cấp hạ tầng, thay thế cây lâm nghiệp trên các đồi di tích trong khu vực thành phố Điện Biên Phủ bằng các loài cây lâu năm có hoa, để chuyển đổi thành các công viên chuyên đề, công viên văn hóa, cây xanh.
- Thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực ngân sách để tôn tạo các hang động, thắng cảnh thiên nhiên, các địa danh lịch sử, địa danh đặc trưng; xây dựng sân golf, các khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp.
- Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ và phát triển cây hoa Ban, cây hoa Anh đào tại tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; nghiên cứu trồng, phát triển thêm một số loài hoa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, tạo các điểm đến cho khách du lịch.
5.3. Tôn tạo các di tích lịch sử, tâm linh
- Tập trung khai thác nguồn lực hỗ trợ để thực hiện Đề án Trùng tu, tôn tạo, phục chế di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn đến năm 2025 với các hạng mục tôn tạo di tích theo Đề án đã được phê duyệt.
- Thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích Thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất, di tích Pú Vạp (thị xã Mường Lay), di tích Đồn Pháp (huyện Mường Nhé), di tích Pú Nhung (huyện Tuần Giáo), Thành Vàng Lồng (huyện Tủa Chùa),... từng bước bảo tồn và gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa góp phần trong phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.
- Thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn như đầu tư hệ thống đường vào các hang động, hệ thống chiếu sáng trong hang động như: Động Pa Thơm (huyện Điện Biên), hang động Hắt Chuông, hang động Huổi Cang - Huổi Đáp (huyện Mường Chà), hang động Chua Ta (huyện Điện Biên), hang động Xá Nhè, hang động Thẳm Khến (huyện Tủa Chùa), hang động Há Chớ, hang động Mùn Chung (huyện Tuần Giáo),... tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.
- Thường xuyên tu bổ, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt là các nghĩa trang liệt sĩ: A1, Him Lam, Độc Lập nhằm đảm bảo tôn nghiêm, sạch đẹp, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử đồng thời góp phần tích cực trong phát triển các hoạt động du lịch như du lịch nghĩa trang, du lịch thăm viếng chiến trường, du lịch lịch sử...
6. Định hướng về xúc tiến, quảng bá
Tập trung triển khai công tác xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, khai thác tối ưu công nghệ thông tin, truyền thông. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch hướng tới các thị trường trong nước và quốc tế. Định vị Điện Biên là điểm đến du lịch an toàn - hấp dẫn - thân thiện dựa trên các sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch lịch sử, du lịch du lịch địa học, du lịch sinh thái - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,... của vùng Tây Bắc.
Tăng cường giới thiệu về du lịch tại các hội thảo chuyên đề, hội chợ xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt chú trọng để việc quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết du lịch ở nước ngoài. Các thị trường khách mục tiêu, quan trọng cần đẩy mạnh quảng bá về các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn của thành phố. Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá xúc tiến, xây dựng đưa vào khai thác các ứng dụng số về du lịch Điện Biên, nhằm quảng bá và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch khi đến với tỉnh Điện Biên.
7. Định hướng về quản lý, khai thác và giám sát hoạt động du lịch
8. Định hướng về hợp tác phát triển du lịch
9. Định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
10. Định hướng phát triển nguồn nhân lực
11. Định hướng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
12. Định hướng về chuyển đổi số trong du lịch
Đề án xác định 13 nhóm giải pháp thực hiện như sau:
1. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch.
2. Nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch.
3. Ban hành Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
4. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch.
5. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
6. Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
7. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
8. Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
9. Xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật.
10. Ứng dụng khoa học công nghệ.
11. Phát triển sản phẩm du lịch.
12. Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
13. Bố trí lồng ghép, huy động, thu hút, kêu gọi các nguồn lực để phát triển du lịch.
- Việc thực hiện Đề án sẽ giúp tạo ra các sản phẩm và loại hình du lịch mới gắn với khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Điện Biên, qua đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Nguồn thu từ các hoạt động du lịch trực tiếp đóng góp vào ngân sách của tỉnh, đồng thời sẽ tạo đà kích thích các ngành kinh tế khác phát triển như công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, vận chuyển...
- Lượng khách đến Điện Biên đến năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân 15%/năm, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 15%/năm, đạt trên 2.380 tỉ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh. Số ngày lưu trú của du khách bình quân đạt 3,0 ngày.
- Lượng khách du lịch đến năm 2030 ước đạt trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 600 nghìn lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 5.000 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15% /năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 14%/năm, số ngày lưu trú bình quân đạt 3,5 ngày tăng 0,5 ngày so với giai đoạn 2021-2025.
- Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tiềm năng như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn VinGroup,... và có thêm các khách sạn cao cấp, nâng tổng số phòng nghỉ các hạng lên 4.000 phòng, tăng 35% so với năm 2020. Ngoài ra đưa vào khai thác các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp như khu đô thị ven sông Nậm Rốm; khu du lịch sinh thái khoáng nóng Hua Pe; Khu đô thị nghỉ dưỡng núi Tà Lèng; tổ hợp đô thị, du lịch, vui chơi, giải trí khu vực hồ Pá Khoang; khu đô thị mới, phố đi bộ sân bay Mường Thanh; khu đô thị Dịch vụ thương mại Thanh Trường C; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phức hợp Hoong Lếch; Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Hồng Khếnh. Đến năm 2030 có thêm 02 tổ hợp khách sạn cao cấp đi vào hoạt động, nâng tổng số phòng nghỉ các hạng lên trên 5.200 phòng, tăng 23% so với năm 2025 và đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp cho khách hạng sang cũng như khách phổ thông khi đến Điện Biên.
- Đến năm 2025 hoạt động du lịch đào tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 15.000 lao động, trong đó có khoảng 5.000 lao động trực tiếp và có trên 55% nguồn lao động trực tiếp được đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Đến năm 2030 hoạt động du lịch đào tạo việc làm cho trên 27.000 lao động. Trong đó có khoảng 10.000 lao động trực tiếp. Có trên 75% số lao động trực tiếp được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ du lịch.
- Nhờ các hoạt động du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, các công trình phúc lợi sẽ được đầu tư xây dựng, các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục hồi và duy trì. Điều này góp phần gìn giữ và duy trì văn hóa và kiến thức của người dân địa phương theo hướng bền vững;
- Hoạt động du lịch, tăng cường tiếp xúc và giao lưu với khách cũng giúp nâng cao dân trí của nhân dân trong vùng, góp phần nâng cao nếp sống văn minh, lành mạnh. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát triển thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
- Các hoạt động du lịch nói chung đều dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục và diễn giải về môi trường. Do đó, khi tham gia vào hoạt động du lịch du khách sẽ hiểu và trân trọng hơn các giá trị của thiên nhiên, đa dạng sinh học. Hoạt động du lịch không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế, văn hóa xã hội mà còn có tác dụng giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường, đa dạng sinh học đặc biệt là khu vực có hệ sinh thái rừng quan trọng như Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Rừng đặc dụng Mường Phăng hay các hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái sông nước...
- Hoạt động du lịch sinh thái góp phần tạo ra nguồn thu bền vững cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt trên 50%. Khi du lịch phát triển đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch sẽ được đầu tư đồng bộ và hiện đại hơn vì vậy tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90% và trên 95% các hộ dân sử dụng nhà vệ sinh tự hoại.
- Thực hiện Đề án nói chung sẽ mang lại những hiệu quả trong công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường, cảnh quan. Người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường cảnh quan, giữ gìn vệ sinh tại các điểm công cộng. Các hoạt động bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái hiệu quả góp phần quan trọng trong việc phát triển hoạt động du lịch của Điện Biên.
4. Về mục tiêu chung phát triển du lịch tỉnh Điện Biên
Việc thực hiện Đề án có hiệu quả sâu và rộng, lan tỏa đến các địa phương và các ngành kinh tế của tỉnh Điện Biên. Đề án giúp cụ thể hóa các mục tiêu về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, phát triển du lịch Điện Biên mang tính đột phá, toàn diện, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Định hướng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, theo đó phát triển và khai thác các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế, tiềm năng của tỉnh, bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
VI. TỔNG NHU CẦU VỐN VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Khái toán tổng nhu cầu kinh phí: 1.307.387 triệu đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước (vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh và cấp huyện quản lý), vốn xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác trong giai đoạn từ 2023-2030; dự kiến theo phân kỳ đầu tư như sau:
- Giai đoạn 2023-2025: 860.915 triệu đồng, chiếm 65,8%.
- Giai đoạn 2026-2030: 446.472 triệu đồng, chiếm 34,2%.
2. Dự kiến huy động nguồn vốn thực hiện
- Ngân sách Nhà nước: 552.287 triệu đồng, chiếm 42,2%.
- Xã hội hóa: 738.700 triệu đồng, chiếm 56,6%.
- Các nguồn vốn hợp pháp khác: 16.400 triệu đồng, chiếm 1,2%.
(Có Đề án chi tiết kèm theo)
1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh
1.1. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Điện Biên
- Chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung trong Đề án du lịch của tỉnh đã phê duyệt.
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
1.2. Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch
- Là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phân công thực hiện các nội dung Đề án; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
- Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, người dân đầu tư vào các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hội thảo chuyên đề, hội nghị du lịch, đối thoại, famtrip nhằm tăng cường giao lưu, kết nối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị báo chí trong và ngoài nước để thúc đẩy kết nối sản phẩm giữa các địa phương cũng như thu hút đầu tư vào phát triển du lịch tỉnh.
- Tham mưu xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết với các địa phương hội nhập giữa các nước trong khu vực. Phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại Vụ, Bộ đội Biên phòng cũng như chính quyền các địa phương quản lý đón khách tại một số điểm tham quan, du lịch vùng biên giới.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đoàn công tác liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, thiết lập đường dây nóng tại các khu, điểm du lịch, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, chuyên nghiệp.
- Lập hồ sơ xếp hạng các di tích, khoanh vùng bảo vệ di tích, lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong nghiên cứu, quản lý, bảo tồn, phát phát huy giá trị, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, địa điểm khảo cổ, phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các sự kiện văn hóa thường niên (Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Thành Bản Phủ...) nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, linh động đổi mới cách tổ chức, nội dung tổ chức nhằm đem đến cảm nhận đa dạng cho du khách.
- Nghiên cứu triển khai các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, riêng có, mang dấu ấn du lịch Điện Biên như show diễn thực cảnh “Điện Biên - vang vọng mọi miền”, các lễ hội, sản phẩm du lịch đêm, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm...
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động du lịch (xây dựng trung tâm điều hành thông minh, chuyển đổi hình thức thanh toán, mô hình thẻ thông minh, bản đồ số, thuyết minh tự động...).
- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên và các trường, các cơ sở đào tạo để tổ chức lớp đào tạo, định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng du lịch cho cán bộ quản lý và lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia hằng năm người dân địa phương.
- Phối hợp với các Sở, ngành xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch tới du khách trong và ngoài nước.
- Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án đến các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, cộng đồng địa phương, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh.
- Cung cấp và duy trì số điện thoại đường dây nóng phục vụ giải đáp thắc mắc, liên hệ khẩn cấp và tiếp nhận ý kiến đề xuất dành cho người dân và khách du lịch.
- Xây dựng, vận hành hệ thống quản lý, số hóa các di tích lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể và hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên.
- Xây dựng, triển khai phần mềm du lịch thông minh phục vụ phát triển du lịch tỉnh; hoàn thiện Dự án hiện đại hóa phòng trưng bày giới thiệu tổng thể Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
1.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp danh mục dự án ưu tiên, tham mưu cho UBND tỉnh phương án bố trí, phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển, lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của tỉnh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án phát triển du lịch, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành của pháp luật về Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trong đó bao gồm dự án đầu tư phát triển du lịch; tham gia xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
1.4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các chính sách của Trung ương về hỗ trợ người dân và địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.
- Hướng dẫn các chính sách phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và hỗ trợ giá thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển hoạt động du lịch của tỉnh.
1.5. Sở Công Thương
- Hỗ trợ các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
- Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tới nhân dân và du khách trong và ngoài nước.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hình thành chuỗi liên kết giữa các trung tâm du lịch, thương mại với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng sản phẩm phục vụ du lịch.
1.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu các mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn với chuỗi sản phẩm OCOP nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng mang màu sắc riêng của Điện Biên đến với du khách.
- Quản lý, khai thác tốt hệ thống hồ, đập, các khu rừng cảnh quan, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch.
- Chủ trì, phối hợp thực hiện các đề tài khoa học, dự án phát bảo tồn và phát triển bền vững gắn với du lịch tại những địa điểm có tính đa dạng sinh học cao như rừng đặc dụng Mường Phăng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé...
1.7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tham mưu tổ chức thực hiện các chính sách đào tạo nghề, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động và người dân tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn.
- Tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách tiền lương cho người dân tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn.
1.8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Thực hiện các chức năng nhiệm vụ liên quan đến quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông, quảng bá về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, truyền thống trên nền tảng mạng xã hội.
- Chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng, sản xuất các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá về du lịch của tỉnh; hỗ trợ kết nối với các đơn vị báo, đài trong nước về các sự kiện truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản ấn phẩm quảng bá, sản phẩm truyền thông về du lịch hấp dẫn.
- Hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, quản lý tài nguyên, cơ sở du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch, khách du lịch và tuyên truyền quảng bá du lịch.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ tại các vùng, điểm, tuyến khu vực tham quan du lịch phục vụ phát triển hoạt động du lịch.
1.9. Sở Giao thông Vận tải
- Tham mưu UBND tỉnh trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch ngành giao thông vận tải, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và địa phương đề xuất, tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng các công trình giao thông liên kết vùng, tăng cường kết nối các khu, điểm du lịch theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
- Báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ưu tiên đầu tư các công trình giao thông có tính cấp bách, trọng điểm, các công trình bảo đảm tính đồng bộ, kết nối cao, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nghiên cứu sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện...) tại những nơi đủ điều kiện khai thác; tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền mở các đường bay mới để tăng cường kết nối với các trung tâm kinh tế lớn ngay sau khi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành.
1.10. Sở Xây dựng
Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các nhà đầu tư trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
1.11. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý Nhà nước về đất đai, giao đất cho các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu di tích, khu du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc đo đạc bản đồ địa chính và cắm mốc quy hoạch đối với các điểm di tích, danh thắng, thực hiện việc công nhận, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các vị trí thửa đất chưa được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng, đầu tư du lịch có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi, chương trình hành động vì môi trường.
1.12. Sở Ngoại vụ
- Hỗ trợ phát triển kinh tế đối ngoại và du lịch thông qua các chương trình hợp tác, liên kết quốc tế, thúc đẩy liên kết, hợp tác về du lịch, đầu tư vào du lịch của Tỉnh.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, con người; xúc tiến quảng bá và chia sẻ thông tin du lịch tỉnh ra nước ngoài. Phối hợp tổ chức các hội thảo, ký kết các chương trình hợp tác du lịch quốc tế.
1.13. Ban Dân tộc
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hỗ trợ UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức giảng dạy, đào tạo kiến thức, kỹ năng du lịch cho cộng đồng địa phương.
- Phối hợp tuyên truyền, khuyến khích người dân địa phương, đồng bào các dân tộc tham gia phát triển du lịch nhằm ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
1.14. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương trong công tác kiểm tra đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền biên giới trong hoạt động đón khách quốc tế. Tổ chức kiểm tra các thông tin du lịch trong khu vực biên giới như tại khu vực A Pa Chải, cửa khẩu Tây Trang để đảm bảo về an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
1.15. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trong các hoạt động tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Thực hiện kiểm tra, tuần tra thường xuyên đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và du khách đặc biệt vào các dịp lễ hội, sự kiện lớn của Tỉnh. Thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch, đảm bảo an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố.
1.16. Các sở, ban, ngành liên quan khác
Các sở ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án, xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp, giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện Đề án theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
2. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Ưu tiên thực hiện các nội dung của Đề án, có các biện pháp quản lý và bảo vệ tốt tài nguyên du lịch, cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và đặc biệt là có trách nhiệm, thực hiện gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường du lịch xanh, thân thiện, có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng trong khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
- Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện, triển khai Đề án đồng thời có trách nhiệm huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc Gia.
- Phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành, đơn vị có liên quan khảo sát, nghiên cứu, lập kế hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng du lịch, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, chủ động đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển du lịch hàng năm. Phối hợp với các cơ quan, sở ngành triển khai thực hiện phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, viễn thông,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du lịch.
3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan
3.1. Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Điện Biên trong xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh. Tổ chức liên kết, hợp tác với các Hiệp hội du lịch của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... trong liên kết vùng du lịch giữa Điện Biên và các địa phương.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, đánh giá, thẩm định chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dịch vụ cho các doanh nghiệp và người lao động du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh cho các hội viên, huy động nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trong kiểm tra, xử lý vi phạm về pháp luật du lịch, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
3.2. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh
- Tổ chức thực hiện theo dự án, các tuyến du lịch được duyệt dưới sự hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng có liên quan;
- Đầu tư các hạng mục công trình phục vụ du lịch đúng theo quy định của Luật Du lịch và các Nghị định liên quan, đặc biệt chú trọng đầu tư các công trình đảm bảo về môi trường, cảnh quan chung của tỉnh;
- Tôn trọng các cộng đồng địa phương và văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2761/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện công nhận” do tỉnh Sơn La ban hành
- 2Quyết định 2800/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Sơn La ban hành
- 3Quyết định 569/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Quyết định 1465/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Du lịch 2017
- 5Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 6Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2761/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện công nhận” do tỉnh Sơn La ban hành
- 8Quyết định 2800/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai trở thành Khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Sơn La ban hành
- 9Quyết định 569/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030
Quyết định 345/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 345/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/03/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Người ký: Lê Thành Đô
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra