Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 345/2016/QĐ-CA

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG BỘ MÁY GIÚP VIỆC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG; TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội khóa XIII;

Căn cứ vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh)

1. Thành lập bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm:

a) Văn phòng;

b) Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án;

c) Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng.

2. Biên chế của Văn phòng và các phòng trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định trên cơ sở biên chế được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân bổ.

3. Việc thành lập mới, sáp nhập hoặc chia tách các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

Điều 2. Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ cấu tổ chức

Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh văn phòng, không quá 02 Phó Chánh Văn phòng và các công chức, người lao động khác.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

b) Thực hiện công tác hành chính quản trị, kế toán tài chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

c) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý công sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý theo phân cấp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

d) Thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; phối hợp với các đơn vị chức năng khác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

đ) Tham mưu cho lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc phân công các Thẩm phán giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền;

e) Tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng;

g) Thực hiện công tác tổng hợp, thống kê tình hình hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý;

h) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xây dựng các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý để báo cáo Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan khác;

i) Làm đầu mối thực hiện việc rà soát, tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp;

k) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quản lý, tổ chức áp dụng thống nhất các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Tham mưu giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, khai thác, duy trì và phát triển Trang thông tin điện tử;

l) Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Điều 3. Phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ cấu tổ chức

Phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các công chức khác.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Kiểm tra các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý để phát hiện, đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc tổ chức rút kinh nghiệm; tham mưu cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng kết kinh nghiệm xét xử.

b) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác thi hành án hình sự, theo dõi công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

c) Là đầu mối trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu, tổng hợp và đề xuất hướng giải quyết đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

d) Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Điều 4. Phòng Tổ chức - Cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ cấu tổ chức

Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua-khen thưởng Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các công chức khác.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ; thực hiện chính sách đối với công chức và người lao động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và quyết định phân cấp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

b) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh công chức khác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý.

c) Thực hiện các nhiệm vụ về thanh tra và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; giải quyết tố cáo đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện trực thuộc tỉnh theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

d) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổ chức và theo dõi hoạt động thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc quyền quản lý.

đ) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan tới hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các Tòa án nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý.

e) Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Điều 5. Bộ máy giúp việc của các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) là Văn phòng.

1. Cơ cấu tổ chức

Văn phòng Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh Văn phòng, 01 Phó Chánh Văn phòng, các công chức và người lao động khác.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện các công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, công tác kế toán - quản trị, bảo vệ; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Tòa án nhân dân cấp huyện;

b) Thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện;

c) Tham mưu cho lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc phân công các Thẩm phán giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền;

d) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện tổ chức công tác xét xử; tổ chức công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện công tác thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện; giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện xây dựng các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp huyện để báo cáo Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp huyện và các cơ quan hữu quan khác;

e) Thực hiện công tác theo dõi thi hành án theo quy định của pháp luật;

g) Làm đầu mối thực hiện công việc rà soát, tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp;

l) Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện.

Điều 6. Việc tổ chức các Tòa chuyên trách

Việc tổ chức các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện được thực hiện theo Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 7. Điều Khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây liên quan đến bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

2. Vụ Trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội; (để báo cáo)
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; (để báo cáo)
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; (để báo cáo)
- Ban Nội chính Trung ương; (để báo cáo)
- Văn phòng Chủ tịch nước; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (để biết và phối hợp)
- Bộ Nội vụ; (để biết và phối hợp)
- Các đ/c PCA TAND tối cao; (để biết và phối hợp)
- Các đơn vị thuộc TANDTC; các TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc TW, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Lưu: VP, P.TMTH

CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 345/2016/QĐ-CA về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 345/2016/QĐ-CA
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2016
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Trương Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản