UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 345/2003/QĐ-UB | Lào Cai, ngày 06 tháng 8 năm 2003 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hóa ban hành kèm theo Nghị định số 141/HĐBT ngày 24/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT Lào Cai, tại tờ trình số 332/TT-NLN ngày 07/4/2003,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Nay Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình kỹ thuật trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai: bao gồm trồng rừng hỗn giao đa loài; trồng rừng bằng cây chè tuyết Shan cổ thụ và trồng rừng cảnh quan, môi trường - du lịch.
Điều 2. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, các dự án có liên quan thực hiện đúng các quy định của qui trình này.
Căn cứ vào qui trình này và các định mức kinh tế - kỹ thuật Nhà nước ban hành, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị lập thiết kế & dự toán cụ thể cho từng công thức trồng rừng phòng hộ, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND & UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Tài nguyên & Môi trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chi cục trưởng Chi cục PTLN, Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI |
TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 345/2003/QĐ-UB ngày 06/8/2003 của UBND tỉnh Lào Cai)
Điều 1. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở quy phạm kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn (QPN 13-91) ngày 4/4/1991, nhằm xây dựng hệ thống rừng phòng hộ bền vững và ổn định có tác dụng điều tiết nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ đất, cải thiện môi sinh, môi trường, thu hút lao động, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống và trình độ dân trí người lao động tham gia dự án.
Điều 2. Đối tượng thực hiện gồm:
1. Trồng rừng hỗn giao.
2. Trồng chè Tuyết Shan cổ thụ
3. Trồng rừng cảnh quan, môi trường - du lịch.
Điều 3. Quy trình này là cơ sở pháp lý về kỹ thuật để thiết kế cụ thể cho từng công thức trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật thi công các công trình xây dựng cơ bản lâm sinh như: trồng rừng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ theo các phương thức nêu tại Điều 2 của quy trình này.
Điều 4. Đối với Trồng rừng hỗn giao
1. Phương thức: Trồng hỗn giao đa loài cây theo băng, giải, đám hoặc xen kẽ tùy theo điều kiện cụ thể là nhằm tạo ra kết cấu nhiều tầng kín để tăng cường khả năng che phủ đất, phòng hộ và tăng hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất.
2. Mật độ và kết cấu: Mật độ chung là 1600 cây/ ha.
- Tầng cây cao (A) cây phòng hộ chính là cây lâm nghiệp chiếm khoảng 40% mật độ trồng rừng để mật độ cuối cùng tối thiểu là 600 cây/ha thành thục gồm những loài sống lâu năm, thường xanh vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng phòng hộ ổn định lâu dài, phải có ít nhất 3 loại.
- Cây tầng trung (B) cây phù trợ tỷ lệ gồm khoảng 60% - gồm những loài cây mọc nhanh sớm cho sản phẩm gồm cả cây lấy gỗ, đặc sản, cây ăn quả cây công nghiệp dài ngày... ( có tác dụng phòng hộ như cây rừng) vừa cải tạo đất, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn vừa có giá trị kinh tế (có thể 5 - 7 năm được khai thác).
- Cây tầng thấp (C) - cây trồng xen dưới tầng A - B gồm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu, cây cỏ. Cây trồng xen không tính vào cơ cấu mật độ trồng.
Căn cứ vào thực tế của mỗi lô đất mà bố trí cho sát hợp với điều kiện tự nhiên của từng dự án. Phương thức kết hợp A+B+C theo băng, đám hoặc xen kẽ tùy thuộc điều kiện cụ thể.
3. Phương pháp trồng: Trồng rừng theo phương pháp thủ công.
- Trồng bằng cây con có bầu: Trám, đinh, keo, muỗng, thông, Ba la mít...
- Trồng bằng cây con rễ trần hoặc bầu: Sa mộc, tống quá sủ, xuân sủ...
- Trồng bằng cây con chiết ghép : Xoài, hồng, cam, quýt...
4. Thời vụ trồng:
- Vụ xuân hè: Từ tháng 2 đến tháng 5.
- Vụ hè thu: Từ tháng 6 đến tháng 8.
- Vụ thu đông: Từ tháng 9 đến tháng 11.
Ngoài những thời vụ chính nêu trên, tùy theo cơ cấu cây trồng, điều kiện khí hậu đất đai từng vùng mà bố trí thời vụ trồng cho phù hợp, cụ thể trong thiết kế kỹ thuật. Những tháng khô nóng không nên trồng.
5. Phương pháp xử lý thực bì:
Tùy theo mức độ che phủ của thảm thực vật và độ dốc địa hình mà xử lý thực bì được quy định sau:
- Xử lý phát, dọn thực bì theo băng: Băng phát chiếm 60%, băng chừa 40% diện tích đối với nơi thực bì có độ che phủ > 30%, độc dốc > 15°.
- Phát trắng toàn diện đối với nơi thực bì có độ che phủ < 30%, độ dốc < 15°, thực bì được phát sạch, băm thành đoạn < 1m, không đốt mà xếp vào băng chừa.
6. Phương pháp làm đất: Làm đất theo phương pháp thủ công
- Đào hố với kích thước 40 cm x 40 cm x 40 cm - khoảng cách giữa các hố trong hàng là 2 m, hàng cách hàng 3 m. Hố đào bố trí so le hình nanh sấu theo đường đồng mức. Dãy cỏ 1 m2 xung quanh hố đào trước khi đào hố.
- Lấp hố: Trước khi trồng 15 đến 20 ngày, lấp đầy hố bằng lớp đất nhỏ, mịn, không lẫn sỏi, đá, cành cây...
7. Kỹ thuật trồng:
- Dùng cuốc trộn lại đất trong hố cho đều, lấy thêm đất tơi xốp cho vào hố vun thành mui rùa. Đào một lỗ nhỏ đặt cây đứng thẳng giữa hố, lấp đất kín cổ rễ, nén chặt xung quanh, dùng cỏ rác che đậy để giữ ẩm cho câv trồng. Tuyệt đối không được làm vỡ bầu, dập nát, gẫy ngọn cây trồng khi vận chuyển, phải tháo bỏ vỏ bầu trước khi lấp đất, chọn ngày mưa hoặc trời dâm mát để vận chuyển, trồng cây là tốt nhất.
- Trồng dặm phải thực hiện ngay từ lần chăm sóc đầu tiên và hoàn thành trong năm thứ 2 tại các lần chăm sóc rừng để đảm bảo mật độ quy định.
8. Tiêu chuẩn cây trồng:
Thực hiện theo các Quyết định phê duyệt về giá và tiêu chuẩn cây giống của UBND tỉnh hiện hành.
9. Kỹ thuật chăm sóc rừng trồng:
* Việc chăm sóc rừng được thực hiện từ sau khi trồng khoảng 1 tháng đến hết 36 tháng, với tổng số 8 lần chăm sóc. Bao gồm:
+ Chăm sóc lần 1: Thực hiện sau khi trồng 1 tháng. Nội dung công việc: Rẫy cỏ, xới đất vun gốc cây trồng, ĐK xới 0,6 - 0,8 m xung quanh gốc cây, ủ cỏ khô xung quanh gốc để giữ ẩm.
+ Chăm sóc lần 2: Thực hiện sau khi trồng 6 tháng. Nội dung công việc: Phát thực bì, dây leo, cây bụi, cỏ dại chèn ép, xâm lấn cây trồng theo băng, chiều rộng tối thiểu 2m.
+ Chăm sóc lần 3: Thực hiện sau khi trồng 10 tháng. Nội dung công việc: Rẫy cỏ, xới đất vun gốc cây trồng ĐK xới 0,6 - 0,8 m xung quanh gốc cây.
+ Chăm sóc lần 4: Thực hiện sau khi trồng 14 tháng. Nội dung công việc: Phát thực bì, dây leo, cây bụi, cỏ dại chèn ép, xâm lấn cây trồng theo băng, chiều rộng tối thiểu 2m.
+ Chăm sóc lần 5: Thực hiện sau khi trồng 18 tháng. Nội dung công việc: Nội dung công việc: Rẫy cỏ, xới đất vun gốc cây trồng, ĐK xới 0,8 - 1,0 m xung quanh gốc cây.
+ Chăm sóc lần 6: Thực hiện sau khi trồng 22 tháng. Nội dung công việc: Phát thực bì, dây leo, cây bụi, cỏ dại chèn ép, xâm lấn cây trồng theo băng, chiều rộng tối thiểu 2m.
+ Chăm sóc lần 7: Thực hiện sau khi trồng 28 tháng. Nội dung công việc: Nội dung công việc: Rẫy cỏ, xới đất vun gốc cây trồng, ĐK xới 0,8- 1,0 m xung quanh gốc cây.
+ Chăm sóc lần 8: Thực hiện sau khi trồng 36 tháng. Nội dung công việc: Phát thực bì, dây leo, cây bụi, cỏ dại chèn ép, xâm lấn cây trồng theo băng, chiều rộng tối thiểu 2m.
Điều 5. Trồng chè Tuyết Shan cổ thụ
1. Phương thức trồng:
Cây chè tuyết Shan cổ thụ là cây thường xanh, sống lâu năm, vừa có tác dụng phòng hộ vừa có giá trị kinh tế được đưa vào trồng chính trong rừng phòng hộ, trồng thuần loài có xen cây cốt khí hoặc muồng muồng để tạo tán che nắng, giữ ẩm cho cây trồng giai đoạn đầu, đồng thời tăng độ phì cho đất trồng chè. Kết hợp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực trong thời gian 2 - 3 năm đầu.
2. Phương pháp trồng:
Trồng thủ công, trồng bằng cây con giâm hom.
3. Mật độ trồng: 1.100 cây/ ha
4. Thời vụ trồng trong năm:
- Vụ xuân hè: Từ tháng 2 đến tháng 5
- Vụ thu: Từ tháng 8 đến tháng 9
Ngoài những thời vụ chính nêu trên, tùy theo cơ cấu cây trồng, điều kiện khí hậu đất đai mà bố trí thời vụ trồng cho phù hợp, trừ những tháng khô nóng.
5. Phương pháp xử lý thực bì:
Tùy theo mức độ che phủ của thảm thực vật và độ dốc địa hình mà xử lý thực bì được quy định như sau:
- Xử lý phát, dọn thực bì theo băng: Băng trồng phát rộng 50 %, băng chừa 50 % diện tích đối với nơi thực bì có độ che phủ > 30%, độc dốc > 15°.
- Phát trắng toàn diện đối với nơi thực bì có độ che phủ < 30%, độ dốc < 15°, thực bì được phát sạch, băm thành đoạn < 1m, không đốt mà xếp vào băng chừa.
6. Phương pháp làm đất: Làm đất thủ công
- Đào hố kích thước: 50 cm x 50 cm x 40 xm; Khoảng cách giữa các hố trồng là 3 m. Bố trí đào hố theo hình nanh sấu theo đường đồng mức (các hố giữa 2 hàng liên tiếp được đào so le nhau). Dãy sạch cỏ diện tích 1 m2 trước khi cuốc hố.
- Lấp hố: Trước khi trồng từ 15 đến 20 ngày, lấp đầy hố bằng lớp đất nhỏ mịn không lẫn sỏi, đá, cành cây ...
7. Kỹ thuật trồng:
- Dùng cuốc trộn lại đất trong hố với 0,3 kg phân NPK hoặc phân vi sinh cho đều (nếu có phân chuồn càng tốt), vun thành mui rùa. Đào lỗ, đặt cây thẳng đứng giữa hố, rút bỏ vỏ bầu, lấp đất kín cổ rễ, nén chặt xung quanh, dùng cỏ khô, rác che đậy giữ ẩm cho cây chè.
Trong quá trình vận chuyển và trồng tuyệt đối không được làm vỡ bầu, gẫy ngọn, dập nát. Chọn ngày mưa hoặc trời dâm mát để vận chuyển trồng cây là tốt nhất.
- Đối với cây trồng xen cải tạo đất và che bóng: Gồm các loài cây Cốt khí, Muồng muồng, trồng bằng phương pháp gieo hạt thẳng trên băng cách gốc chè 1 -1,5 m.
- Trồng dặm: Thời gian thực hiện ngay hoặc trong năm thứ 2 vào các lần chăm sóc rừng.
8. Bón phân cho cây chè:
- Bón lót bằng phân vô cơ ( NPK hoặc vi sinh) trộn đều với đất bón cùng lúc với khi trồng, liều lượng 0,3 kg/ hố trồng. Nếu có phân chuồng mục ải bón 3kg/hố.
- Bón thúc cho cây chè (NPK hoặc vi sinh) liều lượng 0,2 kg/cây trồng, thời gian vào năm thứ 2 khí thực hiện biện pháp chăm sóc rẫy cỏ xới đất, xung quanh cây trồng. Đào rãnh xung quanh cách gốc cây trồng 15 - 20 cm, kích thước rãnh sâu 10 -15 cm, cho phân xuống rồi lấp kín đất.
93 Tiêu chuẩn cây trồng:
+ Cây con giâm hom, có bầu, không sâu bệnh, cụt ngọn, sinh trưởng tốt. Đường kính túi bầu 7 cm.
+ Thời gian trong vườn: 11-12 tháng tuổi; chiều cao vút ngọn > 35 cm; đường kính cổ rễ > 0,5 cm.
10. Chăm sóc rừng chè:
* Thực hiện từ sau khi trồng khoảng 1 tháng đến hết 36 tháng, với tổng số 8 lần chăm sóc; kết hợp bón thúc cho chè sau trồng 10 tháng, bao gồm:
(Thực hiện như đối với chăm sóc rừng trồng hỗn giao đa loài cây)
Điều 6. Trồng rừng cảnh quan, môi trường du lịch
1. Phương thức trồng: Trồng rừng thuần loại hoặc trồng hỗn giao theo lô, theo đám (gọi chung là theo đám) mỗi đám có diện tích từ 5- 10 ha.
2. Phương pháp trồng: Trồng thủ công, trồng bằng cây con có bầu.
3. Mật độ trồng: 2.500 cây/ 01 ha, hàng cách hàng 2 m; cây cách cây 2 m.
4. Loài cây trồng: Thông mã vĩ, Sa mộc...
5. Thời vụ trồng:
a) Trồng thông: Vụ xuân hè: Từ tháng 2 đến tháng 5; Vụ hè thu: Từ tháng 6 đến tháng 8.
b) Trồng sa mộc: Vụ hè thu: Từ tháng 8 đến tháng 10; vụ đông xuân tháng 11- hết tháng 2 năm sau.
6. Phương pháp xử lý thực bì:
Tùy theo mức độ che phủ của thảm thực vật và độ dốc địa hình mà xử lý thực bì được quy định như sau:
- Xử lý phát, dọn thực bì theo băng: Băng trồng phát rộng 1 m, băng chừa 1 m đối với nơi thực bì có độ che phủ > 30%, độc dốc > 15°.
- Phát trắng toàn diện đối với nơi thực bì có độ che phủ < 30%, độ dốc < 15°, thực bì được phát sạch, băm thành đoạn < 1 m, không đốt mà xếp vào băng chừa.
7. Phương pháp làm đất: Làm đất thủ công:
- Đào hố kích thước 40 cm x 40 cm x 40 cm, khoảng cách giữa các hố trong hàng là 2 m. Bố trí đào hố theo hình nanh sấu theo đường đồng mức (các hố giữa 2 hàng liên tiếp được đào so le nhau). Dãy sạch cỏ diện tích 1 m2 trước khi đào.
- Lấp hố: Trước khi trồng từ 15 đến 20 ngày lấp đầy hố bằng lớp đất nhỏ mịn không lẫn sỏi, đá, cành cây ...
8. Kỹ thuật trồng:
- Dùng cuốc trộn lại đất trong hố vun thành mui rùa. Đào lỗ, đặt cây thẳng đứng giữa hố, rút bỏ vỏ bầu, lấp đất kín cổ rễ, nén chặt xung quanh, dùng cỏ khô, rác che đậy giữ ẩm cho cây.
Trong quá trình vận chuyển và trồng tuyệt đối không được làm vỡ bầu, gẫy ngọn, dập nát. Chọn những ngày mưa hoặc thời tiết dâm mát để vận chuyển, trồng cây là tốt nhất.
- Trồng dặm: được thực hiện ngay từ lần chăm sóc thứ nhất và hoàn thành trong năm thứ 2 tại các lần chăm sóc rừng để đảm bảo mật độ quy định.
9. Tiêu chuẩn cây giống:
- Tiêu chuẩn cây: Thực hiện theo Quyết định số: 63/QĐ-UB ngày 17/02/2003 của UBND tỉnh Lào Cai và tiêu chuẩn được UBND tỉnh phê duyệt.
+ Cây con có bầu, thời gian trong vườn >12 tháng tuổi, đường kính vỏ bầu 12cm (túi bầu có đáy).
+ Chiều cao vút ngọn > 60 cm; Đường kính cổ rễ ≥ 1 cm.
10. Chăm sóc rừng cảnh quan:
Thực hiện từ sau khi trồng khoảng; 1 tháng đến hết 36 tháng, với tổng số là 8 lần chăm sóc và trong từng năm phải thực hiện đủ số lần chăm sóc theo Quy định. Bao gồm:
- Rẫy cỏ, xới đất; vun gốc cây trồng đường kính từ 0,6 đến 1m (4 lần).
- Phát cỏ dại, dây leo, cây bụi xâm lấn, chèn ép cây trồng (4 lần).
(Thực hiện như chăm sóc đối với trồng rừng hỗn giao đa loài cây)
Điều 7. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện việc trồng rừng phòng hộ trên địa phận tỉnh Lào Cai đều phải chấp hành Quy trình này. Những nội dung quy định trước đây trái với các nội dung quy định trong Quy trình này đều bãi bỏ.
Điều 8. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các chủ dự án, các tổ chức, đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện của từng trạng thái đất trồng rừng; đồng thời làm căn cứ để thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật cho từng công trình XDCB lâm sinh./.
- 1Quyết định 07/2013/QĐ-UBND quy định định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015
- 2Quyết định 39/2013/QĐ-UBND phê duyệt định mức kỹ thuật và suất đầu tư cho dự án lâm sinh trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ thuộc Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị định 141-HĐBT năm 1982 về Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 07/2013/QĐ-UBND quy định định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015
- 4Quyết định 39/2013/QĐ-UBND phê duyệt định mức kỹ thuật và suất đầu tư cho dự án lâm sinh trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ thuộc Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Quyết định 345/2003/QĐ-UB ban hành quy trình kỹ thuật trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- Số hiệu: 345/2003/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/08/2003
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Đặng Quốc Lộng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/08/2003
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực