Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3359-QĐ/TCCB-LĐ

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ THI VÀ CẤP BẰNG LÁI XE 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải.
Căn cứ Điều 31 của "Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị" ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ.
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và ông Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và lao động
.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Điều lệ thi cấp bằng lái xe".

Điều 2: Bản Điều lệ này có hiệu lực áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam kể từ ngày 01 tháng 8 năm 1995. Những văn bản hoặc quy định trước đây đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông: Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam. Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và lao động. Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Thủ trưởng các cơ quan liên quan, các ngành, đơn vị, cá nhân có phương tiện cơ giới đường bộ và Ông Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải căn cứ phạm vi trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Lã Ngọc Khuê

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

THI, CẤP BẰNG LÁI XE
(Ban hành kèm theo Quyết định số....

Ngày................ của Bộ trưởng Bộ GTVT)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Điều lệ này quy định về việc thi cấp bằng lái xe cơ giới đường bộ trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.

Điều lệ này không áp dụng đối với người lái xe cơ giới đường bộ thuộc ngành Công an và Quốc phòng (trừ người lái xe cơ giới của ngành Công an và Quốc phòng tham gia hoạt động kinh tế).

Điều 2: Các thuật ngữ trong Điều lệ này được hiểu như sau:

1. Xe cơ giới đường bộ bao gồm các loại xe di chuyển trên đường bộ bằng sức kéo của động cơ, bao gồm:

- Mô tô, xe máy 2-3 bánh, xích lô máy, xe lam.

- Ô tô các loại như ô tô du lịch, ôtô con, ôtô tải, ôtô khách, ôtô chuyên dùng, kể cả ô tô kéo moóc, bản moóc, moóc sàn.

- Máy kéo và các loại cần cẩu tự hành.

2. Bằng lái xe: Là chứng chỉ duy nhất cho phép điều khiển (lái) loại xe cơ giới đường bộ tương ứng và có giá trị sử dụng trong thời hạn được cấp.

3. Lái xe chuyên nghiệp là người sinh sống bằng nghề lái xe vận tải hàng hoá, hành khách hoặc các loại xe chuyên dùng.

Lái xe không chuyên nghiệp là người lái xe không kinh doanh vận tải.

4. Thời gian hành nghề: là thời gian người có bằng đã trực tiếp lái loại xe tương ứng mà không có người giám sát.

- Thời gian tập sự: là thời gian lái xe dưới sự giám sát của người lái có bằng phù hợp trên loại xe tương ứng.

Điều 3: Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN); cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải giao thực hiện việc thống nhất quản lý tổ chức thi, cấp bằng lái xe cơ giới đường bộ trong phạm vi cả nước.

Chương 2:

BẰNG LÁI XE

Điều 4:

1. Bằng lái xe được phân hạng theo quy cách kỹ thuật của xe, bao gồm các hạng bằng sau đây:

Hạng Quy cách kỹ thuật của xe

A1. - Xe máy, mô tô 2 bánh, dung tích xi lanh trên 50cm3 đến dưới 125cm3

A2 - Xe máy, mô tô 2 bánh (có hoặc không có thùng hoặc có thêm thùng xe và bánh thứ 3) Dung tích xi lanh từ 125cm3 trở lên

B - Các loại xe 3 bánh (có 2 bánh đồng trục) chở người, chở hàng, ôtô và máy kéo chở hàng trọng tải thiết kế dưới 3500kg, ôtô chở người đến 9 chỗ (kể cả ghế lái) trừ các loại xe quy định cho bằng lái xe hạng A1 và A2

C - Ô tô và máy kéo chở hàng, trọng tải thiết kế từ 3500kg trở lên

D - Ô tô chở người có từ 10 đến 30 chỗ (kể cả ghế lái)

E - Ô tô chở người có từ trên 30 chỗ ngồi trở lên (kể cả ghế lái)

F - Xe hạng B.C.D.E kéo thêm moóc có trọng tải lớn hơn 750kg

2. Bằng lái xe hạng B.C.D.E. được lái các xe tương ứng có kéo theo moóc trọng tải không quá 750kg.

3. Bằng lái xe hạng A1 và A2 chỉ có loại bằng không chuyên nghiệp.

Bằng lái xe hạng B có hai loại:

- Bằng không chuyên nghiệp.

- Bằng chuyên nghiệp.

Bằng lái xe các hạng C.D.E.F. chỉ có bằng chuyên nghiệp.

4. Bằng lái xe không chuyên nghiệp không được sử dụng để lái xe kinh doanh.

Bằng lái xe chuyên nghiệp được sử dụng để lái xe không kinh doanh tương ứng.

5. Bằng lái xe hạng A2 có hiệu lực để lái xe hạng bằng A1.

Bằng lái xe hạng C.D.E.F. có hiệu lực để lái xe hạng bằng B.

Điều 5: Giấy phép chứng nhận đã hoàn thành khoá học về luật giao thông là chứng chỉ cấp cho người lái xe mô tô, xe máy có dung tích xi lanh đến 50cm3.

Điều 6: Các loại bằng lái xe và giấy chứng nhận lái xe do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải duyệt mẫu. Cục ĐBVN là cơ quan duy nhất có quyền in, phát hành, hướng dẫn, quản lý, kiểm tra và thanh tra việc cấp, đổi và sử dụng các loại bằng, chứng chỉ kể trên trong phạm vi toàn quốc.

Điều 7:

1. Người có bằng lái xe chỉ được phép điều khiển (lái) xe đúng loại tương ứng như quy định tại Điều 4.

2. Người có bằng lái xe không chuyên nghiệp muốn lái xe kinh doanh thì phải thi lấy bằng để lái xe chuyên nghiệp.

3. Bằng lái xe phải luôn luôn mang theo người khi điều khiển xe để tiện xuất trình với nhà chức trách khi cần thiết.

Điều 8: Bằng lái xe chuyên nghiệp có giá trị sử dụng 3 năm tính từ ngày cấp.

Bằng lái xe không chuyên nghiệp có giá trị sử dụng 5 năm tính từ ngày cấp. Riêng bằng lái xe hạng A1, A2 được sử dụng không kỳ hạn.

Bằng lái xe có thể bị hết hiệu lực sử dụng trước thời hạn theo xử lý vi phạm pháp luật hoặc bị huỷ bỏ hiệu lực theo quyết định của Cục trưởng Cục ĐBVN.

Điều 9: Trong thời hạn 60 ngày trước khi hết hạn, người có bằng phải làm đơn kèm theo giấy chứng nhận sức khoẻ quy định gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp bằng lái xe để xin cấp lại bằng.

Riêng đối với bằng lái xe chuyên nghiệp, người xin cấp lại bằng còn phải qua kiểm tra lý thuyết về luật lệ giao thông đường bộ.

Điều 10: Người nước ngoài cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam có bằng lái xe Quốc tế hay Quốc gia, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam phải làm thủ tục xin đổi bằng tương ứng ở Việt Nam.

Người nước ngoài lái xe nước ngoài vào Việt Nam được điều chỉnh theo các Hiệp định Chính phủ về vận tải đường bộ. Trong trường hợp chưa có hiệp định chính phủ thì phải làm thủ tục xin đổi bằng tương ứng của Việt Nam.

Chương 3:

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN DỰ THI

Điều 11: Người muốn được dự thi lấy bằng lái xe phải có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Có quyền công dân, có nơi cư trú hợp pháp, không ở diện đang bị điều tra hình sự hoặc thi hành án. Tuổi phù hợp với hạng xe theo quy định của Bộ Y tế.

- Có sức khoẻ tốt, phù hợp với hạng, loại xe theo quy định của Bộ Y tế, Giấy chứng nhận sức khoẻ phải do bệnh viện đa khoa từ cấp huyện hoặc tương đương trở lên cấp.

- Học xong lớp đào tạo, bổ túc tại cơ sở được phép đào tạo lái xe theo chương trình quy định.

- Nộp đủ hồ sơ thủ tục dự thi theo quy định và mẫu của Cục ĐBVN.

- Riêng đối với người muốn thi lấy bằng lái xe hạng D.E thì ngoài các điều kiện trên phải có bằng hạng B.C còn hiệu lực và có thời gian hành nghề lái xe tương ứng với bằng đã có là 3 năm.

Chương 4:

THI VÀ CẤP BẰNG

Điều 12: Hội đồng thi và cấp bằng lái xe được tổ chức theo cơ cấu như sau:

1. Hội đồng quốc gia về thi và cấp bằng lái xe do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập.

2. Ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc TW có một Hội đồng thi và cấp bằng lái xe (gọi tắt là Hội đồng cấp tỉnh) do Giám đốc Sở GTVT (GTCC) quyết định thành lập sau khi có văn bản thoả thuận của Cục trưởng Cục ĐBVN.

3. Hội đồng cấp tỉnh chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Hội đồng Quốc gia về chuyên môn nghiệp vụ thi và cấp bằng lái xe.

Điều 13: Hội đồng Quốc gia về thi và cấp bằng lái xe gồm các thành viên chính sau đây:

Chủ tịch Hội đồng: - Cục trưởng Cục ĐBVN

Phó Chủ tịch: - Phó Cục trưởng Cục ĐBVN

- Lãnh đạo Vụ TCCB-LĐ Bộ GTVT.

Uỷ viên thường trực và thư ký là Trưởng ban quản lý xe và lái xe thuộc Cục ĐBVN và chuyên viên đào tạo thuộc Vụ TCCB-LĐ Bộ GTVT.

Hội đồng quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Nghiên cứu để tư vấn cho Cục trưởng Cục ĐBVN về quy hoạch, kế hoạch chỉ đạo, đào tạo lái xe các loại trong toàn quốc để Cục trưởng Cục ĐBNV trình Bộ GTVT duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Nghiên cứu xây dựng hoặc bổ sung sửa đổi mục tiêu, chương trình đào tạo mới và các chương trình bổ túc chuyển hạng, nâng hạng lái xe để Cục trưởng Cục ĐBVN trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

3. Thông qua đề cương các giáo trình, các bộ câu hỏi - đáp án và quy trình thi để tổ chức thi lấy bằng lái các phương tiện cơ giới đường bộ để Cục trưởng Cục ĐBVN xét duyệt và ban hành áp dụng thống nhất trong cả nước.

4. Xét chọn các trường để Cục ĐBVN xác định là trường điểm làm vai trò trung tâm đào tạo chuẩn về chuyên nghề lái xe. Hội đồng thường xuyên có kế hoạch chỉ đạo các trường điểm về mọi mặt, nhất là về cải tiến nội dung và phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng. Định kỳ giúp trường điểm đúc rút kinh nghiệm và tổ chức phổ biến cho các trường khác tham khảo, áp dụng.

5. Chọn các loại mẫu bằng, chứng chỉ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải duyệt để Cục Đường bộ Việt Nam in, phát hành và quản lý thống nhất trong cả nước.

- Tư vấn về vấn đề đổi bằng để Cục trưởng Cục ĐBVN quyết định.

- Duyệt các mẫu hồ sơ, thủ tục tuyển sinh, nội quy thi để Cục trưởng Cục ĐBVN quyết định ban hành.

6. Nghiên cứu đề xuất những vấn đề mới có liên quan đến Điều lệ thi, cấp bằng lái xe và những điểm cần bổ sung, sửa đổi để báo cáo Bộ GTVT xét, quyết định.

7. Tư vấn cho Cục trưởng Cục ĐBVN về việc thành lập Hội đồng cấp tỉnh. Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của Hội đồng cấp tỉnh. Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ thi và cấp bằng lái xe của Bộ GTVT, kiến nghị với Cục ĐBVN và Bộ GTVT biện pháp xử lý các hiện tượng vi phạm.

8. Tư vấn cho Cục trưởng Cục ĐBVN thành lập ban Sát hạch để tổ chức các kỳ thi ở các trường điểm và phụ trách thi lái xe cho các đối tượng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu xin cấp, đổi bằng Việt Nam, cho cán bộ công tác ở các cơ quan TW do Cục trưởng Cục ĐBVN quy định.

9. Hội đồng quốc gia cử ra Ban thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực và thư ký để điều hành và giải quyết các công việc thường xuyên như:

a. Tổ chức tập huấn cán bộ sát hạch thuộc Hội đồng các cấp để Cục trưởng Cục ĐBVN cấp chứng chỉ.

b. Duyệt các kế hoạch mở khoá đào tạo tại trường điểm.

c. Duyệt lịch thi và đề thi các khoá, chỉ đạo cuộc thi, xử lý các vụ việc vi phạm đến nội quy, kỷ luật thi.

d. Xem xét thông qua kết quả kỳ thi do Ban sát hạch thuộc Hội đồng thi Quốc gia báo cáo để Cục trưởng Cục ĐBVN quyết định công nhận trúng tuyển và cấp bằng.

e. Giải quyết các công việc về thi, cấp và đổi bằng đối với người nước ngoài và các đối tượng theo quy định.

g. Lưu trữ các hồ sơ, lưu biên bản và thông báo các cuộc họp toàn thể Hội đồng làm các văn bản báo cáo Bộ GTVT và các việc khác do Hội đồng phân công.

Điều 14: Hội đồng cấp tỉnh gồm 5-7 thành viên trong đó Chủ tịch là Giám đốc Sở GTVT (GTCC), các Phó Chủ tịch là Trưởng phòng quản lý xe và lái xe. Trưởng phòng về đào tạo thuộc sở.

Hội đồng cấp tỉnh có nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng kế hoạch về đào tạo, bổ túc đội ngũ lái xe.

2. Kiểm tra hoặc tham gia kiểm tra các cơ sở có yêu cầu đào tạo lái xe tại địa phương, lập hồ sơ đề nghị Bộ GTVT cấp phép đào tạo lái xe.

3. Quản lý trực tiếp công tác đào tạo, bổ túc lái xe tại các cơ sở đào tạo ở địa phương đã được cấp phép đào tạo, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định, điều lệ của Bộ, bảo đảm chất lượng đào tạo quy định.

4. Thành lập và chỉ đạo ban sát hạch lái xe của địa phương để tổ chức các kỳ thi ở các trường, cơ sở đào tạo lái xe địa phương, xét duyệt kết quả thi để báo cáo Giám đốc Sở quyết định công nhận trúng tuyển và cấp bằng.

5. Kiểm tra tình hình đào tạo, bồi dưỡng lái xe các loại và các vấn đề liên quan đến việc cấp và thu hồi bằng, quản lý bằng ở địa phương để tư vấn cho giám đốc sở giải quyết và báo cáo Cục ĐBVN, Bộ GTVT những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên.

6. Chủ tịch Hội đồng cử ra Ban thường trực Hội đồng để giúp việc Hội đồng giải quyết công việc thường xuyên của Hội đồng.

Điều 15:

1. Ban sát hạch giúp việc cho Hội đồng cấp nào do Chủ tịch Hội đồng cấp đó quyết định thành lập để tổ chức thực hiện các kỳ thi. Ban sát hạch là một tập thể các nhà chuyên môn có trình độ và kinh nghiệm cao, có uy tín về khoa học kỹ thuật ôtô, nghiệp vụ lái xe, sư phạm.

Ban sát hạch có thể có thành viên là Hiệu trưởng, Trưởng phòng đào tạo của trường đào tạo lái xe, nhưng các thành viên Ban sát hạch đều không phải là giáo viên trực tiếp dạy khoá đào tạo có thí sinh dự thi.

Thành viên của Ban sát hạch giúp việc cho Hội đồng các cấp đều phải qua tập huấn và được Cục trưởng Cục ĐBVN cấp chứng chỉ làm cán bộ sát hạch lái xe. Người nào không có chứng chỉ kể trên đều không đủ tư cách tham gia Ban sát hạch các kỳ thi.

2. Ban sát hạch có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a. Tổ chức thực hiện các kỳ thi theo đúng quy trình và quy chế thi do Cục trưởng Cục ĐBVN ban hành.

b. Phổ biến, kiểm tra và xử lý việc chấp hành quy trình và quy chế thi.

c. Kiểm tra sự chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, trường thi bảo đảm đúng quy cách và an toàn.

d. Chấm thi và tổng hợp kết quả, đánh giá khoá thi báo cáo Thường trực Hội đồng.

e. Lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm nội quy thi để báo cáo Thường trực Hội đồng giải quyết.

Điều 16: Các môn thi và phương pháp thi (viết hay vấn đáp) thực hiện đúng theo quy định tại bản mục tiêu, chương trình đào tạo và bổ túc được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Điều 17: Xét cấp bằng lái xe.

1. Các thí sinh đạt yêu cầu các môn thi sẽ được xét cấp bằng lái xe theo hạng xe mà thí sinh dự thi và không xét vớt.

2. Những thí sinh trúng tuyển, sau khi có quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền sẽ được cấp bằng lái xe. Riêng thí sinh trúng tuyển lái xe khách công cộng có trên 9 chỗ ngồi phải qua thời gian tập sự theo quy định của Cục trưởng Cục ĐBVN. Chủ tịch Hội đồng cấp chứng chỉ cho những thí sinh này để được quyền tập sự lái xe, hết thời hạn tập sự làm báo cáo kết quả, có xác nhận của người kèm cặp và cơ quan sử dụng hoặc chính quyền phường, xã để được Hội đồng xét cấp bằng chính thức.

Điều 18: Quy định phân cấp về cấp và đổi bằng:

1. Cụ trưởng Cục ĐBVN chỉ đạo và hướng dẫn toàn bộ các công việc về cấp, đổi và thu hồi bằng, chứng chỉ lái xe cơ giới đường bộ và trực tiếp cấp bằng cho các đối tượng dự thi và đạt yêu cầu thi tại Hội đồng Quốc gia.

2. Giám đốc Sở GTVT (GTCC) cấp và đổi bằng lái xe cơ giới đường bộ cho các đối tượng dự thi và đạt yêu cầu thi tại Hội đồng cấp tỉnh.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19:

1. Cụ trưởng cục ĐBVN căn cứ vào tình hình thực tế và chức năng, quyền hạn để hướng dẫn và quy định chi tiết việc thi hành Điều lệ này (có sự phối hợp của Vụ trưởng Vụ TCCB-LĐ Bộ GTVT).

2. Cục trưởng Cục ĐBVN hướng dẫn và quy định việc sử dụng và đổi các loại bằng, giấy phép lái xe cấp trước ngày 1-8-1995.

Điều 20: Những điều quy định về thi, đổi bằng, cấp bằng hoặc giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trước đây đều bãi bỏ.

Điều lệ này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-1995.