Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 335/2003/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VỤ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ THUỘC BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

- Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp.

Vụ Pháp luật quốc tế có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Vụ Pháp luật quốc tế có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Đề xuất chủ trương phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế ;

2. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế được phân công để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;

3. Đề xuất kế hoạch, phương án ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực vực quản lý nhà nước của Bộ ; theo dõi việc thực hiện các kế hoạch, phương án đó sau khi được phê duyệt;

Chủ trì soạn thảo, đàm phán, hoàn thiện thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp và các điều ước quốc tế khác thuộc lĩnh vực được phân công;

4. Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực được phân công ;

5. Chủ trì, hoặc tham gia thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công; thẩm định, góp ý kiến đối với dự thảo các điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật ;

6. Chuẩn bị văn bản cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA, hồ sơ dự án vay vốn nước ngoài, xử lý nợ nước ngoài và các ý kiến pháp lý khác theo quy định của pháp luật ;

7. Rà soát, hệ thống hoá các điều ước quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế và pháp luật thương mại quốc tế ;

8. Tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế theo sự phân công của Bộ trưởng;

9. Tham gia giải quyết về mặt pháp lý các tranh chấp quốc tế có liên quan đến Việt Nam theo sự phân công của Bộ trưởng; 

10. Thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế theo quy định;

11. Quản lý đội ngũ công chức, tài sản của Vụ;

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Vụ Pháp luật quốc tế gồm có Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng và các công chức chuyên môn nghiệp vụ.

Biên chế của Vụ thuộc biên chế hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế.

Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế có trách nhiệm phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng Quy chế Tổ chức và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế trình Bộ trưởng ban hành.

Điều 4. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm hoàn tất việc bàn giao nội dung công việc và các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 của Quyết định này cho Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế trước ngày 15/8/2003.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các đồng chí Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận :
- Như điều 5;
- Bộ trưởng,
- Các Thứ trưởng,
- Lưu VP, Vụ PLQT, Vụ TCCB

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP




Uông Chu Lưu