Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3344/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 03 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, AN SINH XÃ HỘI NHẰM GÓP PHẦN KHẮC PHỤC, GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16/11/2013;
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 461/TTr-SLĐTBXH ngày 30/11/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm góp phần khắc phục, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
(Kèm theo Phương án số 01/PA-SLĐTBXH, ngày 30/11/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).
Điều 2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
UBND TỈNH VĨNH LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/PA-SLĐTBXH | Vĩnh Long, ngày 30 tháng 11 năm 2021 |
PHƯƠNG ÁN
HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, AN SINH XÃ HỘI NHẰM GÓP PHẦN KHẮC PHỤC, GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, làm gia tăng số lao động mất việc làm và nhu cầu trợ giúp xã hội của người dân. Trong bối cảnh đó công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 24.007 người (chỉ đạt 70,2% kế hoạch năm), trong đó: cao đẳng 342 người (đạt 76%), trung cấp 1.313 người (đạt 87,53%), sơ cấp 5.484 người (đạt 44,76%), đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên 16.868 người (đạt 84,34%); Trong đó chi tổ chức mở được 25 lớp hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động với 473 học viên (đạt 9,46% kế hoạch năm); Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 55,97% (chỉ đạt 70,3% kế hoạch năm), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 16,78% (chỉ đạt 32,92 % kế hoạch năm).
Từ ngày 01/8/2021 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đảm bảo theo phương án 3 tại chỗ phải tạm dừng hoạt động, do đó có trên 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đến ngày 15/9/2021, trong tổng số 46 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp thì có 13 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 33 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 03 tại chỗ phải cắt giảm lao động dẫn đến 40.769 lao động trong khu công nghiệp đang phải tạm ngưng làm việc; Trong tổng số 2.709 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thì có 2.681 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 28 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 03 tại chỗ phải cắt giảm lao động dẫn đến 30.097 lao động ngoài khu công nghiệp phải tạm ngừng làm việc. Dự kiến sau thời gian giãn cách xã hội các doanh nghiệp dần hoạt động trở lại, tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn trong hoạt động, hoạt động không ổn định dẫn đến một bộ phận người lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm hoặc việc làm không ổn định. Ngoài ra, ở các tỉnh thành có nhiều lao động của tỉnh Vĩnh Long đến làm việc như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên dự kiến có khoảng 7.300 lao động của tỉnh gặp khó khăn phải trở về địa phương; Một bộ phận lao động tự do, người tự kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh và lao động làm việc kèm theo cũng bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập trong thời gian diễn ra dịch bệnh và có thể còn tiếp tục gặp khó khăn sau đại dịch, dự kiến có trên 27.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập;
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 72.000 đối tượng người có công với cách mạng[1]. Trong đó có 170 hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, 431 hộ cận nghèo[2]. Có trên 900 người có công, thân nhân người có công mắc bệnh hiểm nghèo, đa số đã lớn tuổi, sức khỏe kém, có bệnh tật, không có lao động, không có vốn và các điều kiện làm kinh tế, từ đó đời sống càng khó khăn hơn trước đại dịch Covid-19;
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 5.875 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,97%/tổng số hộ dân; 10.757 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,61%; số trẻ em dưới 16 tuổi là 200.926 em chiếm tỷ lệ 19,64% trên tổng số dân, trong đó: có 92.546 trẻ em dưới 6 tuổi, chiếm 9,04% dân số, 1.844 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 13.523 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 49.593 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Tình hình dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng bảo trợ xã hội; nguy cơ tái nghèo, số hộ nghèo, cận nghèo có thể tăng, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng trong đó có nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ bị tử vong vi Covid-19; nhiều trẻ em thuộc gia đình khó khăn, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt không có khả năng trang thiết bị hỗ trợ học online; tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng do gia đình giãn cách xã hội, bố mẹ, người nuôi dưỡng mất, gặp khó khăn về việc làm và thu nhập ..v..v.. Các ảnh hưởng của đại dịch cũng làm tăng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, việc kiểm soát ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý đối tượng nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua cùng với các giải pháp, nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Long cũng tập trung triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó:
- Đến ngày 25/11/2021, đã quyết định hỗ trợ các chế độ chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ- TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho 26.686 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, với kinh phí 73.065,2 triệu đồng; hỗ trợ 19.329 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với kinh phí 71.457,7 triệu đồng; hỗ trợ 29.800 người lao động ngừng việc, với kinh phí 36.300 triệu đồng; hỗ trợ 19 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với kinh phí 82,49 triệu đồng; hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.182 doanh nghiệp, 72.997 người lao động, với kinh phí 4.494,222 triệu đồng; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 04 doanh nghiệp, 738 lao động, với kinh phí 3.410,42 triệu đồng; hỗ trợ 08 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 2.074 lao động, với kinh phí 7.080 triệu đồng; hỗ trợ cho 11.021 hộ kinh doanh, với kinh phí 33.068 triệu đồng; tổ chức thẩm định, phê duyệt cho 16 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và 03 doanh nghiệp thí điểm hoạt động theo phương án “2 tại chỗ - vùng xanh”; xây dựng chính sách hỗ trợ cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ: ước hỗ trợ cho 68.841 lao động có tên trong danh sách tham gia BHTN đến thời điểm 30/9/2021 tại 1.145 đơn vị sử dụng lao động (bao gồm ốm đau, thai sản, nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động) và 48.715 lao động nghỉ việc từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 được bảo lưu thời gian tham gia BHTN, tổng kinh phí hỗ trợ là 276.530 triệu đồng từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
- Hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 1.029 người có công và thân nhân người có công mắc bệnh hiểm nghèo, đời sống khó khăn với kinh phí 1.128,3 triệu đồng.
- Hỗ trợ cho 7.496 người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 21.738,4 triệu đồng; hỗ trợ 13.789 hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 6.899 triệu đồng; đề xuất hỗ trợ hơn 2.103 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 73.546 người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 08 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ cho 156 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và 150 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Vĩnh Long đang cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn có nhu cầu trở về địa phương với tổng số tiền 229,5 triệu 2.679 đồng (750.000 đồng/suất); Hỗ trợ cho lượt trẻ em là F0, F1 (nhu yếu phẩm: sữa, tiền mặt...) trong các khu cách ly trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 471,1 triệu đồng từ “Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long”; Hỗ trợ 24 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, cha hoặc mẹ chết do nhiễm Covid-19, với số tiền 120 triệu đồng và các em được Công ty Cổ phần sữa Quốc tế ICP nhận hỗ trợ dài hạn, với số tiền 3 triệu đồng/tháng. Tổ chức đón 07 đợt với 1.519 công dân tỉnh Vĩnh Long đang cư trú tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch trở về địa phương.
- Tăng cường tuyên truyền, thông tin phổ biến các chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021, chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thông tin kết nối việc làm ..v..v.. cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, người lao động và người dân; trong đó đã trực tiếp tiếp cận, cung cấp thông tin chính sách cho trên 759 đơn vị, thông tin cho trên 17.933 lượt người thông qua các ứng dụng mạng xã hội.
Từ tình hình, thực trạng nêu trên và dự báo trong thời gian tới các tác động, hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, kể cả sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, việc làm, sinh kế, thu nhập của người lao động, đời sống của các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế khác .... sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần thiết phải xây dựng và triển khai thực hiện phương án tăng cường huy động, tập trung, phối kết hợp các nguồn lực nhằm hỗ trợ đẩy mạnh đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội, góp phần khắc phục, giảm thiểu tác động của đại dịch, phục hồi và tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng trang bị, nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, duy trì, chuyển đổi, nâng cao hiệu quả việc làm cho người lao động, góp phần hỗ trợ duy trì, khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng Người có công và gia đình Người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng trợ giúp xã hội, người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
1.2. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2022
a) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trang bị, nâng cao kỹ năng nghề
Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho từ 5.500 lao động trở lên.
b) Hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ các chế độ chính sách cho người lao động và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ
- Đến 31/01/2022, 100% các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ, đúng quy định theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, được quyết định hỗ trợ[3].
- Phối hợp triển khai các giải pháp góp phần tạo việc làm mới cho 20.000 lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 1.700 lao động.
- Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long tư vấn (việc làm, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp) cho 47.000 lượt người lao động; giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 2.500 lao động (trong đó giới thiệu việc làm trong nước là 2.300 lao động, đưa 200 lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giải quyết chính sách BHTN cho 9.000 người.
c) Hỗ trợ thực hiện an sinh xã hội:
- Huy động nguồn lực ngân sách, vận động các nguồn tài trợ, nguồn đóng góp từ xã hội để thực hiện các chế độ chính sách, giải pháp hỗ trợ, trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 129.727 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách 85.009 triệu đồng; nguồn tài trợ, đóng góp từ xã hội 44.718 triệu đồng.
- Hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân:
+ Đảm bảo chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 100% người có công, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng chế độ trên địa bàn tỉnh.
+ 100% Người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo, cận nghèo được xem xét hỗ trợ các khó khăn về đời sống khi có phát sinh nhu cầu cấp thiết. Huy động ngân sách và các nguồn xã hội hóa cho tổ chức thăm viếng, tặng quà, hỗ trợ khó khăn đột xuất dịp Tết Nguyên đán năm 2022, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2022) và kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022).
+ Trong năm 2022 phấn đấu vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh đạt 7,7 tỷ đồng.
2. Yêu cầu
- Tiếp tục triển khai, xúc tiến thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với các đối tượng gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ chủ động linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện, nhu cầu thực tế của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức phối hợp khảo sát, rà soát, thống kê đầy đủ thông tin về đối tượng, nhu cầu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ.
- Huy động đủ nguồn lực, thực hiện tốt việc phối hợp lồng ghép các chế độ chính sách, nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo với công tác hỗ trợ khó khăn, khắc phục các ảnh hưởng, hậu quả của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục tăng cường phát huy vai trò trách nhiệm, huy động sự tham gia phối hợp của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể, các đơn vị tổ chức có liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội góp phần giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
- Xây dựng, triển khai tài liệu tuyên truyền cho các ban ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố, các khu, cụm tuyến công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng[4], chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong các doanh nghiệp theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Đăng tải các nội dung, chuyên mục tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách pháp luật về lao động - việc làm; các chính sách, giải pháp hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội trên trang Thông tin tư tưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, các website thông tin tuyên truyền của tỉnh, các ứng dụng mạng xã hội ..v..v..
- Đẩy mạnh, thực hiện nhiều hình thức thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động để cung cấp, cập nhật thông tin tuyển dụng lao động, đăng ký tìm việc làm như: Kết nối trực tuyến qua website Sàn giao dịch việc làm, Zalo page, app ứng dụng trên điện thoại; Tổ chức mở Ngày hội việc làm tại Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ.
- Tiếp tục tăng cường tổ chức tiếp cận cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động, các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 được hưởng các chế độ chính sách, hoạt động hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
2. Về chỉ đạo điều hành, triển khai tổ chức thực hiện
2.1. Lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp
- Tăng cường tổ chức phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề nghiệp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ với chính quyền, đoàn thể các địa phương để thực hiện khảo sát, nắm bắt, đề xuất nhu cầu và tổ chức các lớp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề gắn với giải quyết việc làm, duy trì, mở rộng, nâng cao hiệu quả việc làm cho người lao động.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động linh hoạt, phù hợp với tình hình, đặc điểm nhu cầu việc làm và yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho cóc cơ sở đào tạo tham gia hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho lao động thất nghiệp. Phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp cho lao động của tỉnh.
2.2. Lĩnh vực lao động - việc làm
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai giải quyết nhanh chóng, kịp thời các chính sách, thủ tục hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy khôi phục sản xuất, ổn định việc làm, đời sống người lao động.
- Nâng cao chất lượng điều tra khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh hàng năm. Tăng cường rà soát, thu thập thông tin số liệu về nhu cầu tìm việc làm của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm phục vụ công tác tư vấn, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm; Đẩy mạnh khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Tổ chức rà soát, thu thập thông tin các đối tượng lao động tự do trên địa bàn tỉnh và người lao động từ các tỉnh trở về địa phương.
- Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan ban ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cho vay ưu đãi hỗ trợ duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, các nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Tăng cường tạo thuận lợi, giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục hành chính về tuyển chuyên gia, người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện để 100% người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiêm vắcxin ngừa Covid-19 đầy đủ.
- Tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc đảm bảo chấp hành các quy định pháp luật lao động, việc thực hiện các chế độ tiền lương, thường và các quyền lợi, chế độ của người lao động theo quy định.
2.3. Lĩnh vực an sinh xã hội
- Tổ chức khảo sát thu thập, thường xuyên cập nhật thông tin về các đối tượng Người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng bảo trợ xã hội, người dân có hoàn cảnh khó khăn ..v..v.. để kịp thời có giải pháp huy động, vận động các nguồn lực hỗ trợ.
- Tăng cường tổ chức phối hợp, lồng ghép, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất, kỹ thuật, đào tạo tay nghề, tiêu thụ sản phẩm ..v..vv.. để xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, các mô hình tạo việc làm, phát triển sinh kế cho người dân; Tiếp tục chú trọng tuyên truyền vận động, khuyến khích, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập thấp tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Xúc tiến triển khai thực hiện nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho các chương trình, dự án hỗ trợ an sinh xã hội, đảm bảo kịp thời và có hiệu quả.
- Thành lập và triển khai hoạt động của Quỹ An sinh xã hội tỉnh Vĩnh Long nhằm thực hiện hỗ trợ các đối tượng thuộc diện khó khăn, yếu thế, các hoạt động, chương trình trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục tăng cường vận động đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh nhằm hỗ trợ trẻ em mồ côi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn góp phần ổn định cuộc sống giúp các em an tâm hơn trong cuộc sống
- Tiếp tục tăng cường vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân và cộng đồng xã hội đóng góp nguồn lực cho hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có hỗ trợ, kịp thời ổn định đời sống cho trẻ em mồ côi, trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; Người có công có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nặng; người nghèo, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ xã hội ..v..v.. gặp khó khăn, bị ảnh hưởng sinh kế do đại dịch Covid-19.
- Tăng cường phối hợp khảo sát, kiểm tra, chấn chỉnh xử lý các điểm nóng về tệ nạn xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Phát huy trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành đoàn thể và gia đình trong phối hợp kiểm soát quản lý các đối tượng nghiện ma túy; tổ chức phối hợp triển khai các giải pháp quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập với cộng đồng, trong đó chú trọng hỗ trợ ổn định nghề nghiệp, việc làm cho các đối tượng.
IV. NGUỒN LỰC KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo.
- Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Nguồn kinh phí Trung ương và địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay hỗ trợ doanh nghiệp ..v..v..
- Kinh phí quản lý, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
- Kinh phí ngân sách đầu tư cho Chương trình giảm nghèo và các chương trình, dự án trợ giúp xã hội.
- Kinh phí vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ An sinh xã hội và các nguồn vận động, tài trợ, đóng góp của xã hội.
(Chi tiết các nguồn lực kinh phí tham gia hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội theo Phụ lục đính kèm).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể, các tổ chức, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp của Phương án.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm, Trung tâm Công tác xã hội, Cơ sở Cai nghiện ma túy, Nghĩa trang liệt sỹ - Nhà tang lễ triển khai các hoạt động, giải pháp cụ thể để tham gia hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, các đối tượng cần trợ giúp an sinh, góp phần khắc phục, giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp của Phương án; Định kỳ tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để phối hợp điều chỉnh bổ sung các nhiệm vụ giải pháp và kiến nghị đề xuất các cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ.
2. Đề nghị Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, phân bổ các nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để tạo điều kiện triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Phương án.
3. Đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan
Theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ tăng cường thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, lồng ghép thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp của Phương án này với các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội do các cơ quan, đơn vị triển khai hoặc phối hợp triển khai. Quan tâm tham gia huy động, vận động các nguồn lực; phát động phong trào thi đua trong cán bộ công chức, viên chức và người lao động cơ quan, đơn vị tham gia hỗ trợ an sinh xã hội, chung tay khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
4. Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương về đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn quản lý. Trong đó ưu tiên bố trí, huy động các nguồn lực của địa phương cho thực hiện các công tác, nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19.
- Chỉ đạo, huy động các cơ quan, ban ngành đoàn thể, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tập trung thông tin tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách hỗ trợ; thực hiện rà soát, khảo sát thống kê đầy đủ thông tin, nhu cầu hỗ trợ của các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn làm cơ sở phối hợp triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ có hiệu quả, sát với tình hình thực tế địa phương.
- Kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội ở địa phương; Định kỳ tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để phối hợp điều chỉnh bổ sung các nhiệm vụ giải pháp và kiến nghị đề xuất các cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ.
Phối hợp, tham gia xây dựng, phát hành, đăng tải các nội dung, hình ảnh thông tin tuyên truyền về các chế độ chính sách, về tình hình, kết quả, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
| GIÁM ĐỐC |
NỘI DUNG NHIỆM VỤ, CÁC NGUỒN LỰC THAM GIA HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, AN SINH XÃ HỘI NĂM 2022
(Kèm theo Phương án số 01/PA-SLĐTBXH ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long)
TT | NỘI DUNG NHIỆM VỤ | Kế hoạch kinh phí (Triệu đồng) | Ghi chú | |||
Tổng kinh phí | NSTW | NSĐP | Vận động XHH | |||
I | LĨNH VỰC ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP | 24.350 | 21.250 | 3.100 | 0 |
|
1 | Tuyên truyền phổ biến các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp; hoạt động tư vấn học nghề, hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm cho người lao động | 400 | 300 | 100 |
|
|
2 | Hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025 | 10.500 | 7.500 | 3.000 |
|
|
3 | Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp | 1.700 | 1.700 |
|
| Kinh phí Quỹ Bảo hiểm nghiệp |
4 | Đầu tư bổ sung trang thiết bị cho các Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố | 11.750 | 11.750 |
|
|
|
II | LĨNH VỰC LAO ĐỘNG VIỆC LÀM |
|
|
|
|
|
1 | Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở SXKD, người lao động vay vốn |
|
|
| ||
1,1 | Thực hiện Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long |
| Nguồn vốn 60.000 triệu đồng (nguồn Trung ương: 30.000 tr. đồng; nguồn địa phương 30.000 tr. đồng) | dự kiến hỗ trợ 2.000 lượt lao động vay vốn | ||
1,2 | Thực hiện Đề án cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 |
| Nguồn vốn giai đoạn 2021-2025: 400.000 triệu đồng (nguồn Trung ương: 231.000 tr. đồng; nguồn địa phương 169.000 tr. đồng) | dự kiến hỗ trợ 12.000 lượt lao động vay vốn. Bình quân mỗi năm 2.000 lao động được vay. | ||
1,3 | Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. |
| đến 25/3/22 dự kiến cho vay 20.000 triệu đồng (vốn Ngân hàng CSXH) | dự kiến hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp, với 5.900 lao động | ||
2 | Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NĐ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg |
|
|
| ||
2,1 | Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
| dự kiến đến 30/6/2022 giảm 21.186 triệu đồng | dự kiến hỗ trợ cho 1.182 doanh nghiệp, với 72.997 lao động | ||
2,2 | Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất |
| dự kiến đến 30/6/2022 hỗ trợ tạm dừng đóng 10.231 triệu đồng | dự kiến hỗ trợ cho 12 doanh nghiệp, với 2.214 lao động | ||
2,3 | Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (bao gồm chính sách chính và chính sách bổ sung) |
| dự kiến đến 31/01/2022 hỗ trợ 142.835 triệu đồng | dự kiến hỗ trợ cho 800 doanh nghiệp, với 35.000 lao động | ||
2,4 | Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc (bao gồm chính sách chính và chính sách bổ sung) |
| dự kiến đến 31/01/2022 hỗ trợ 37.200 triệu đồng | dự kiến hỗ trợ cho 50 doanh nghiệp, với 31.000 lao động | ||
2,5 | Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp |
| dự kiến đến 31/01/2022 hỗ trợ 1.855 triệu đồng | dự kiến hỗ trợ cho 500 lao động | ||
2,6 | Hỗ trợ hộ kinh doanh |
| dự kiến đến 31/1/22 dự kiến hỗ trợ 42.000 triệu đồng | dự kiến hỗ trợ cho 14.000 hộ KD | ||
3 | Thu thập thông tin việc làm trống, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động |
| 100 |
|
| Kinh phí Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp |
4 | Tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người lao động |
| 100 |
|
| Kinh phí Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp |
5 | Hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 116/NĐ-CP |
| dự kiến đến 30/9/2022 hỗ trợ giảm 21.272 triệu đồng | Dự kiến tại 947 đơn vị sử dụng lao động | ||
III | LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG | 209.800 | 201.000 | 500 | 8.300 |
|
1 | Chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng người có công, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng chế độ trên địa bàn tỉnh | 190.000 | 190.000 |
|
|
|
2 | Thăm viếng, tặng quà các đối tượng có công với cách mạng theo quy định nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2022) và kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). | 12.100 | 11.000 | 500 | 600 |
|
3 | Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh | 7.700 |
|
| 7.700 |
|
IV | CÁC LĨNH VỰC AN SINH XÃ HỘI KHÁC | 129.727 | 63.200 | 21.809 | 44.718 |
|
1 | Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất | 7.000 | 5.000 | 2.000 |
|
|
2 | Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo | 7.000 | 5.000 | 2.000 |
|
|
3 | Hỗ trợ đường dal các xã, ấp vùng khó khăn, vùng sâu | 13.000 | 10.000 | 3.000 |
|
|
4 | Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường mẫu giáo ở vùng sâu, khó khăn | 3.000 | 3.000 |
|
|
|
5 | Hỗ trợ hộ nghèo thuộc chính sách BTXH: 1.500 hộ x 400.000đ/tháng x 12 tháng | 14.400 | 7.200 | 7.200 |
|
|
6 | Hỗ trợ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh | 3.000 | 2.000 | 1.000 |
|
|
7 | Hỗ trợ bảo hiểm y tế hộ cận nghèo: 63.231 thẻ x 241.380đ | 15.263 |
|
| 15.263 |
|
8 | Hồ bơi di động cho trẻ em (xã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo): 50 triệu/hồ bơi | 2.000 | 1.000 |
| 1.000 |
|
9 | Hỗ trợ khẩu trang: 720.000 cái | 145 |
|
| 145 |
|
10 | Hỗ trợ quà tết cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người có hoàn cảnh khó khăn (cả tỉnh) | 1.500 |
|
| 1.500 |
|
11 | Hỗ trợ cho trẻ em có HCĐBKK và trẻ em có cha hoặc mẹ mất do Covid-I9: xe đạp, học bổng, dụng cụ học tập, chăm sóc nuôi dưỡng... | 10.000 |
|
| 10.000 |
|
| Hỗ trợ xây dựng cầu bắt qua sông tại các xã, ấp có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo | 1.000 |
|
| 1.000 |
|
13 | Xây dựng lò thiêu hỏa táng đốt điện | 2.500 | 2.000 |
| 500 |
|
14 | Hỗ trợ nhà ở hộ nghèo | 11.000 |
|
| 11.000 |
|
15 | Hỗ trợ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh | 1.000 |
|
| 1.000 |
|
16 | Vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em | 13.000 | 13.000 |
|
|
|
17 | Vận động Quỹ An sinh xã hội | 15.000 | 15000 |
|
|
|
18 | Hoạt động vận động nguồn lực của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long | 0 |
|
|
|
|
| - Hỗ trợ cho đối tượng mổ tim | 0 |
|
|
|
|
| - Hỗ trợ khẩu trang, trang thiết bị y tế cho cộng đồng; cho Trung tâm CTXH | 0 |
|
|
|
|
| - Hỗ trợ xây nhà cho người nghèo | 0 |
|
|
|
|
| - Hỗ trợ quà cho người già, trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK | 0 |
|
|
|
|
| - Vận động nguồn lực cho đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế ngoài cộng đồng | 3.250 |
|
| 3.250 |
|
| - Dự án hỗ trợ tích hợp người cao tuổi | 0 |
|
|
|
|
| - Dự án trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao phổi giai đoạn 2021- 2023 (thực tế: 358.386.000 đ) | 0 |
|
|
|
|
19 | Kiểm tra, giám sát tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh | 122 |
| 122 |
|
|
20 | Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cai nghiện ma túy; phòng ngừa tệ nạn buôn bán người cho lực lượng cán bộ cơ sở | 340 |
| 340 |
|
|
[1] Trong đó có trên 8.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
[2] Gồm: 97 hộ nghèo và 219 hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo Pháp lệnh người có công; 73 hộ nghèo và 212 hộ cận nghèo thuộc đối tượng hưởng trợ cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
[3] Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đến ngày 30/6/2022.
[4] Theo Quyết định 2355/QĐ-UBND, ngày 06/9/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025.
- 1Quyết định 3836/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Việc làm thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa
- 2Kế hoạch 640/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025
- 3Quyết định 1870/QĐ-UBND năm 2021 công bố danh mục thủ tục hành chính mới, được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ và phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực việc làm; lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng
- 4Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025
- 5Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND quy định về chế độ trợ cấp, trợ giúp xã hội cho đối tượng được tiếp nhận vào Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục dạy nghề và tạo việc làm cho người mù thuộc Hội Người mù tỉnh Hải Dương
- 6Kế hoạch 867/KH-UBND năm 2022 về đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 1Luật việc làm 2013
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 4Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020
- 5Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2355/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng (theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025
- 8Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 28/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 126/NQ-CP năm 2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 3836/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Việc làm thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa
- 12Kế hoạch 640/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025
- 13Quyết định 1870/QĐ-UBND năm 2021 công bố danh mục thủ tục hành chính mới, được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ và phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực việc làm; lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng
- 14Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025
- 15Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND quy định về chế độ trợ cấp, trợ giúp xã hội cho đối tượng được tiếp nhận vào Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục dạy nghề và tạo việc làm cho người mù thuộc Hội Người mù tỉnh Hải Dương
- 16Kế hoạch 867/KH-UBND năm 2022 về đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Quyết định 3344/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm góp phần khắc phục, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 3344/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/12/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Thị Quyên Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/12/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra