Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3343/2003/QĐ-UB

Quảng Ninh, ngày 23 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC CỨU TRỢ XÃ HỘI ĐỘT XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994.

- Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ và Thông tư số 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28/7/2000 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội.

- Xét đề nghị của liên ngành Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính -Vật giá tại tờ trình số 1347/TT-LĐTBXH ngày 27/8/2003 về việc ban hành định mức cứu trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về định mức cứu trợ xã hội đột xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 2: Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các ngành có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (b/cáo)
- CT, P1, P2, P3
- Như điều 2 (thực hiện).
- V0, V4, VX2
- Lưu: VX2, VP/UB.
 bản, H-QĐ37

T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nhữ Thị Hồng Liên

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐỊNH MỨC CỨU TRỢ XÃ HỘI ĐỘT XUẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 23/9/2003 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Chính sách cứu trợ xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật nặng, người gặp rủi ro thiên tai và những lý do bất khả kháng khác mà bản thân họ và người thân của họ không có khả năng tự khắc phục được.

Điều 2: Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế xã hội, cá nhân trong nước và nước ngoài tự nguyện giúp đỡ người thuộc diện cứu trợ xã hội.

Điều 3: Việc cứu trợ xã hội chủ yếu thực hiện đối với từng đối tượng, từng gia đình và tại cộng đồng nơi cư trú.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Những người, hộ gia đình được xét cứu trợ xã hội đột xuất (một lần) là những người, hộ gia đình khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra bao gồm:

1/ Hộ gia đình có người bị chết, mất tích.

2/ Người bị thương nặng.

3/ Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng.

4/ Người thiếu đói do giáp hạt.

5/ Hộ gia đình mất phương tiện sản xuất lâm vào cảnh bị thiếu đói tại cộng đồng.

6/ Những người hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên, người vô gia cư chết.

7/ Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú.

Điều 5: Định mức cứu trợ đột xuất:

1/ Hỗ trợ cứu đói giáp hạt từ 1 đến 3 tháng với mức 20 kg gạo/người/tháng, thời gian trợ cấp tối đa không quá 3 tháng hoặc bằng tiền tương ứng tại thời điểm.

2/ Hỗ trợ cho người bị thương nặng (phải vào viện) từ 500.000đ đến 1.000.000đ/người.

3/ Hỗ trợ cho hộ gia đình có người chết từ 1.500.000đ - 3.000.000đồng.

4/ Hỗ trợ hộ quá nghèo bị mất nhà ở (nhà đổ, nhà trôi, nhà cháy) và tài sản, phương tiện sản xuất (tầu, thuyền đánh cá...), nhà ở bị hư hỏng nặng hoặc phải dịch chuyển chỗ ở đến nơi an toàn với mức từ 2.500.000đ - 5.000.000đ/hộ.

5/ Đối với đối tượng người lang thang trong thời gian tập trung chờ phân loại đưa về nơi cư trú được trợ cấp tiền ăn 10.000đ/người/ngày, thời gian trợ cấp không quá 15 ngày.

6/ Hỗ trợ mai táng phí cho đối tượng hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên, người vô gia cư chết mức 1.500.000đồng.

7/ Đối với các đối tượng khó khăn đặc biệt, tuỳ vào điều kiện hoàn cảnh từng trường hợp, căn cứ khả năng cụ thể của địa phương có thể xem xét quyết định mức trợ cấp cao hơn.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định mức trợ cấp cụ thể đối với từng trường hợp.

Điều 6: Nguồn kinh phí thực hiện cứu trợ đột xuất bao gồm:

1/ Nguồn từ ngân sách đã bố trí cho địa phương:

Kinh phí đảm bảo xã hội.

Kinh phí dự phòng.

2/ Nguồn ngoài ngân sách:

Huy động từ các tổ chức kinh tế xã hội và nhân dân trong địa phương.

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trợ giúp của nước ngoài, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho địa phương hoặc thông qua Chính phủ, các đoàn thể xã hội.

Trường hợp các nguồn kinh phí trên không đủ để thực hiện cứu trợ đột xuất thì Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ.

Điều 7: Sở Lao động Thương binh và Xã hội giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công tác cứu trợ xã hội, chủ trì và phối hợp với các ban, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Điều 8: Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

1/ Quản lý người thuộc diện cứu trợ xã hội.

2/ Tổ chức thực hiện cứu trợ xã hội đối với từng nhóm đối tượng thuộc diện cứu trợ xã hội của quy định này.

3/ Hàng năm Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập dự toán kinh phí cứu trợ đột xuất theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hiện hành, hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân cấp xã xây dựng và tổng hợp kế hoạch kinh phí cứu trợ xã hội đột xuất của địa phương.

4/ Cuối đợt cứu trợ đột xuất các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả về Uỷ ban Nhân dân tỉnh qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9: Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai việc cứu trợ xã hội đột xuất theo các quy định tại Quyết định này. Trong quá trình thực hiện, có điều gì vướng mắc cần phản ảnh kịp thời về Uỷ ban Nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để điều chỉnh cho phù hợp./.