Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3330/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 27 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1530/TTr-SCT ngày 26 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu và phạm vi quy hoạch

a) Mục tiêu quy hoạch

Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2030 nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật khoáng sản năm 2010 và các quy định liên quan khác; quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và của nhân dân; đảm bảo an ninh quốc phòng; bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng; cải thiện đời sống nhân dân địa phương.

b) Phạm vi quy hoạch

Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, có tính đến năm 2030 gồm các loại: Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; than bùn; khoáng sản ở khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa.

2. Nội dung quy hoạch

a) Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020

- Đối với quy hoạch khoáng sản cát sỏi đến năm 2020.

+ Quy hoạch khai thác, sử dụng đến năm 2020 đối với 22 diện tích thuộc 15 điểm mỏ cát sỏi làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích 177,08 ha. Trong đó: Sông Bến Hải 2 điểm mỏ; sông Sa Lung 1 điểm mỏ; sông Mỹ Chánh 1 điểm mỏ; sông Thạch Hãn 7 điểm mỏ; sông Nhùng 3 điểm mỏ và 1 mỏ cát tại Vĩnh Tú.

Tổng trữ lượng cát sỏi được phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng đến năm 2020 là 5.553,53 ngàn m3.

+ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đến năm 2020 đối với 28 diện tích thuộc 23 điểm mỏ cát sỏi làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích 226,65 ha. Trong đó: Sông Bến Hải 1 điểm mỏ; sông Sa Lung 1 điểm mỏ; sông Mỹ Chánh 3 điểm mỏ; sông Thạch Hãn 9 điểm mỏ; sông Hiếu 3 điểm mỏ; sông Nhùng 2 điểm mỏ và sông Đakrông 4 điểm mỏ.

Tổng tài nguyên được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đến năm 2020 là 7.602,28 ngàn m3.

- Đối với quy hoạch khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020.

+ Quy hoạch khai thác, sử dụng đến năm 2020 đối với 9 diện tích thuộc 7 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích là 338 ha.

Tổng trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường được phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng đến năm 2020 là 94.076,73 ngàn m3;

+ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đến năm 2020 đối với 10 diện tích thuộc 10 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích các điểm mỏ là 470,74 ha. Tổng tài nguyên của các điểm mỏ là 209.923,70 ngàn m3.

- Đối với quy hoạch sét gạch ngói đến năm 2020

+ Quy hoạch khai thác, sử dụng đến năm 2020 đối với 2 điểm mỏ sét gạch ngói là điểm mỏ Tân Trúc và điểm mỏ Dốc Son với tổng diện tích các điểm mỏ là 38,0 ha; tổng trữ lượng sét gạch ngói là 1.064,09 ngàn m3.

+ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đến năm 2020 đối với 5 điểm mỏ sét gạch ngói với tổng diện tích là 540,75 ha. Tổng tài nguyên của 5 điểm mỏ là 8.652,0 ngàn m3.

- Đối với quy hoạch khoáng sản than bùn đến năm 2020

Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng 2 điểm mỏ than bùn: Điểm mỏ thị trấn Hải Lăng và điểm mỏ xã Hải Thọ với tổng diện tích các điểm mỏ là 74,59 ha. Tổng tài nguyên của các điểm mỏ là 391,14 ngàn m3.

- Quy hoạch khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đến năm 2020

+ Quy hoạch khai thác, sử dụng 01 điểm mỏ titan ở Thủy Khê;

+ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng 02 điểm mỏ: Điểm mỏ vàng A Bung và điểm mỏ sắt Làng Hồ.

Ngoài ra, trong giai đoạn đến năm 2020 có thể kêu gọi đầu tư điều tra làm rõ một số điểm mỏ, lập hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với các điểm mỏ: sắt Khe Bạc, quặng sắt limonit Hải Phú và sét gốm sứ Phú Hưng.

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030

Tiếp tục khảo sát các điểm mỏ đã quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 chưa thực hiện khai thác, sử dụng hoặc mới thực hiện khai thác, sử dụng một phần của mỏ để rà soát chọn lựa đưa vào quy hoạch giai đoạn năm 2021-2030.

+ Đối với khoáng sản cát sỏi: Quy hoạch 13 điểm với tổng diện tích là 82,40 ha; tổng tài nguyên là 1.455,32 ngàn m3.

+ Đối với khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường: Quy hoạch 2 điểm mỏ với tổng diện tích là 21,58 ha; tổng tài nguyên các điểm mỏ đá là 21.827,06 ngàn m3.

+ Đối với khoáng sản sét gạch ngói: Quy hoạch 7 điểm mỏ với tổng diện tích là 985,74 ha; tổng tài nguyên các điểm mỏ là 15.941,7 ngàn m3.

+ Đối với khoáng sản than bùn: Quy hoạch 5 điểm mỏ với tổng diện tích các điểm mỏ là 98,06 ha; tổng tài nguyên các điểm mỏ là 246,05 ngàn m3.

+ Đối với khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ: Tiếp tục bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản các điểm mỏ, khu vực chứa khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh khi các cấp có thẩm quyền công bố.

c) Danh mục các điểm mỏ quy hoạch đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030 (Có Phụ lục chi tiết kèm theo).

3. Những giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Các giải pháp về quản lý nhà nước

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với những vùng, khu vực có mỏ khoáng sản và hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.

Đối với các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền quy hoạch và cấp phép hoạt động của bộ, ngành Trung ương: Trước khi chấp thuận thực hiện thăm dò, cấp phép tại các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lấy ý kiến của nơi có mỏ khoáng sản; đồng thời báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét chủ trương thu hồi đất khai thác khoáng sản theo từng giai đoạn để đảm bảo sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả và đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Đối với các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền quy hoạch của Hội đồng nhân dân tỉnh: Trước khi thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác, tổ chức đấu thầu mỏ phải có ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh. Dành nguồn thu thuế và phí Bảo vệ môi trường phân cấp cho cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ chi bảo vệ tài nguyên môi trường tại địa phương.

- Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, tổ chức công bố rộng rãi, công khai quy hoạch để các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết và thực hiện; định kỳ cập nhập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản cho phù hợp với thực tế.

- Thực hiện nghiêm quy định về cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản. Chỉ cấp giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có đầy đủ kết quả thăm dò và khắc phục tình trạng khai thác không có thiết kế, chống lãng phí và thất thoát tài nguyên. Triển khai, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đủ điều kiện.

- Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ quan, các cấp quản lý hoạt động khoáng sản, cũng như công tác phối hợp giữa các sở, ngành với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm.

- Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật, đảm bảo không chồng chéo với các quy hoạch khác.

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản sau khi kết thúc khai thác.

b) Các giải pháp về vốn

Tiến hành xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đấu thầu quyền thăm dò và khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, than bùn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Giai đoạn đến năm 2020: Tổng vốn đầu tư khoảng 490 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư cho thăm dò làm cơ sở phát triển các dự án khai thác vào giai đoạn sau năm 2020 là 325 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Tổng vốn đầu tư khoảng 435 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là đầu tư các dự án khai thác, chế biến 373 tỷ đồng; vốn đầu tư cho thăm dò 62 tỷ đồng.

c) Các giải pháp về chế độ, chính sách

- Thực hiện việc đấu giá thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, than bùn để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực, có công nghệ tiên tiến tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại vào khai thác, chế biến khoáng sản để nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Thu hút đầu tư công nghệ xay nghiền đá xây dựng thành cát thay thế nguồn cát tự nhiên đang dần cạn kiệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Nhằm quản lý, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành như sau:

1. Sở Công Thương

- Công bố và phối hợp tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.

- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng).

- Phối hợp nghiên cứu đề xuất công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, phù hợp với đặc điểm khoáng sản của tỉnh để khuyến cáo các doanh nghiệp áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường.

- Thực hiện thường xuyên công tác giám sát nổ mìn, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ nổ mìn khai thác đá tiên tiến để giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy trình an toàn trong bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Cập nhập, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để làm cơ sở tổ chức công tác đấu giá, thăm dò, khai thác khoáng sản kịp thời và hợp lý. Thường xuyên cập nhật thông tin, thống kê, tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép hoạt động khoáng sản.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh rà soát, điều chỉnh khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khoanh vùng khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trình UBND tỉnh phê duyệt; lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với Sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác đối với các trường hợp hoạt động khoáng sản vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép trên lĩnh vực hoạt động khoáng sản, đảm bảo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật. Đối với những cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động khoáng sản đã vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng thì kiên quyết không xem xét gia hạn hay bổ sung, cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản.

- Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác thanh tra khoáng sản, đẩy mạnh công tác hậu kiểm, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong quản lý và thực hiện thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhằm bảo đảm khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, an toàn cảnh quan, môi trường và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Sở Xây dựng

- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

- Hướng dẫn áp dụng và quy định chi tiết các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản VLXD thông thường phù hợp với đặc điểm địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất khoáng sản. Nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng khoáng sản VLXD thông thường của tỉnh một cách hợp lý, hiệu quả nhất.

- Tăng cường việc giám sát khai thác theo đúng thiết kế và quy chuẩn đã quy định; xử lý dứt điểm việc khai thác bị chập tầng (nhất là trong khai thác đá), gây mất an toàn trong khai thác khoáng sản.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

4. Sở Giao thông Vận tải

- Rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại các bến đổ khoáng sản dọc các con sông chảy qua tỉnh.

- Phối hợp với cơ quan Công an thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển khoáng sản vi phạm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nhất là các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải, không thực hiện việc vệ sinh xe trước khi ra khỏi mỏ làm rơi vãi đất, cát trên đường.

- Thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, khơi thông luồng thuộc thẩm quyền; kiên quyết đình chỉ các đơn vị lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát, sỏi, không thực hiện đúng thiết kế, thời gian nạo vét.

5. Công an tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản. Đồng thời tích cực phối hợp cùng cơ quan thuế, quản lý thị trường, cơ quan tài nguyên và môi trường đẩy mạnh việc kiểm tra và ngăn chặn, xử lý triệt để việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

6. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch thuộc trách nhiệm của đơn vị mình phụ trách; đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý các vấn đề liên quan.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khoáng sản trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đối với sự phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, từ đó huy động sự tham gia của mọi người dân trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

- Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản liên ngành của huyện, thị xã, thành phố; thực hiện việc trang bị máy móc, thiết bị, công cụ hỗ trợ đảm bảo gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả.

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến khoáng sản. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn, bảo đảm môi trường, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, tính mạng và sức khoẻ của nhân dân. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với UBND cấp trên có biện pháp xử lý phù hợp.

8. UBND các xã, phường, thị trấn

- Nắm vững địa bàn, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mình quản lý. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện công tác vận động, tuyên truyền người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân để có giải pháp đề xuất Doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân phù hợp nhất.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khai thác mỏ góp chi phí thi công lòng đường vận chuyển trong và ngoài mỏ bằng vật liệu bê tông xi măng cốt thép, cần nhắc nhở các đơn vị xem xét lại thiết kế, nếu chưa có thiết kế xây dựng lề đường thì UBND các xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ bổ sung thiết kế xây dựng lề đường có hố lắng theo quy định.

- Thành lập đội vệ sinh mặt đường, xe tưới nước rửa đường để phối hợp hoạt động, làm vệ sinh mặt đường sau khi bơm nước làm ướt đường chống bụi, lắp đặt các trạm bơm xịt xe tại các đầu đường từ mỏ ra đường chung.

- Giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động tại các mỏ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: Công Thương, TNMT, XD;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- TT Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3330/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, có tính đến năm 2030

  • Số hiệu: 3330/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản