Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 333-CTHĐBT

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 333-CTHĐBT NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 1991 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, THĂM DÒ - KHAI THÁC MỎ, CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty;
Căn cứ Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ngày 28 tháng 7 năm 1989, Pháp lệnh Ngân hàng ngày 23 tháng 5 năm 1990;
Xét yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh đá quý;

QUYẾT ĐỊNH

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đá quý nói trong Quyết định này bao gồm các loại: kim cương, rubi, sapia, emơrôt và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.

Điều 2: Tài nguyên đá quý, không phân biệt quy mô tập trung lớn hay nhỏ, là khoáng sản chính hoặc khoáng sản đi kèm với các khoáng sản khác, ở trên mặt hay ở sâu trong lòng đất, đã được hoặc chưa được điều tra thăm dò địa chất, đang hoặc chưa được khai thác trong phạm vi cả nước, đều là tài nguyên quý thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.

Mọi hoạt động điều tra địa chất, thăm dò và khai thác mỏ, chế tác, buôn bán, xuất nhập khẩu đá quý đều phải tuân theo pháp luật, các quy định tại Quyết định này và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3: Bộ Công nghiệp nặng thống nhất quản lý Nhà nước công tác điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên đá quý, bảo vệ môi trường có liên quan đến khai thác đá quý, bảo vệ lợi ích chính đáng cho những người khai thác đá quý hợp pháp.

Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý Nhà nước các hoạt động chế tác, buôn bán, xuất nhập khẩu đá quý, tổ chức và quản lý thị trường đá quý ở trong nước và quản lý việc xuất nhập khẩu đá quý (dưới đây gọi tắt là thị trường đá quý có tổ chức); bảo đảm trật tự thị trường và bảo vệ lợi ích chính đáng cho những người chế tác, buôn bán đá quý hợp pháp.

Bộ Tài chính trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền của Bộ hoặc liên Bộ các quy định cụ thể về các loại thuế, lệ phí, chế độ kế toán tài chính về nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh đá quý phù hợp với các quy định tại Quyết định này.

Bộ Nội vụ ban hành và kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy chế về bảo đảm an ninh kinh tế và trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động điều tra địa chất và sản xuất - kinh doanh đá quý, phối hợp với các địa phương, các ngành có liên quan tổ chức và chỉ đạo thực hiện các quy chế đó.

Các bộ, các cơ quan Nhà nước khác có liên quan phối hợp với các cơ quan nói trên ban hành các quy định theo chức năng quản lý của mình và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định đó.

Điều 4: Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo địa bàn lãnh thổ, có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật và xử lý theo pháp luật các hoạt động trái phép trong điều tra địa chất, thăm dò - khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý theo các quy định tại Quyết định này; giáo dục, vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên đá quý, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an ninh.

Điều 5: Các tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam có năng lực pháp lý, đủ những điều kiện về tài chính, nghề nghiệp và khả năng kinh doanh theo các quy định của Bộ Công nghiệp nặng và Ngân hàng Nhà nước muốn khai thác, chế tác, buôn bán đá quý phải làm đủ thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề.

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đã được Nhà nước cho phép khai thác, chế tác, buôn bán đá quý.

II- CÔNG TÁC ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG VÀ PHÂN HẠNG MỎ ĐÁ QUÝ

Điều 6: Cục Địa chất Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nặng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các công tác điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng và đá quý trong phạm vi cả nước bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng giao.

Các tổ chức địa chất được giao thực hiện nhiệm vụ nói trên không được kết hợp tổ chức sản xuất kinh doanh đá quý.

Các tài liệu về địa chất và tài nguyên đá quý được quản lý và sử dụng theo chế độ tài liệu Mật của Nhà nước.

Điều 7: Theo kết quả điều tra địa chất nói tại Điều 6, Bộ Công nghiệp nặng phân hạng triển vọng các mỏ đá quý. Những mỏ có triển vọng lớn thì phân lô - đấu thầu. Những mỏ có triển vọng thấp hơn thì định giá - bán khoán.

Tiêu chuẩn phân hạng mỏ do Bộ Công nghiệp nặng quyết định.

Mức giá chuẩn để đấu thầu, mức giá cụ thể bán khoán do Bộ Công nghiệp nặng cùng Bộ Tài chính quyết định.

Quy chế đấu thầu, tổ chức và điều hành đấu thầu do Bộ Công nghiệp nặng chủ trì với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, cơ quan Trọng tài Kinh tế và Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi có mỏ.

III- KHAI THÁC ĐÁ QUÝ

Điều 8: Các doanh nghiệp đá quý (tổ chức hoặc cá nhân) nói tại Điều 5 Quyết định này đều có quyền dự thầu hoặc mua khoán mỏ đá quý để tiến hành khai thác.

Doanh nghiệp trúng thầu được mua khoán, sau khi làm xong thủ tục tài chính, được Bộ Công nghiệp nặng cấp ngay giấy phép sử dụng tài nguyên.

Doanh nghiệp chỉ được bắt đầu khai thác mỏ sau khi đã được cấp giấy phép sử dụng tài nguyên.

Điều 8: Các tổ chức và cá nhân nước ngoài không được dự thầu và mua khoán mỏ đá quý để khai thác đá quý, không được tham gia các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò và khai thác đá quý dưới bất cứ hình thức nào.

IV- GIA CÔNG, CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ

Điều 10: Mọi tổ chức kinh tế và cá nhân có đủ điều kiện hành nghề gia công, chế tác, buôn bán đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh đều có thể chế tác, làm đồ trang sức có gắn đá quý và buôn bán đá quý.

Nguồn đá quý nguyên liệu để gia công, chế tác phải là nguồn hợp pháp (do tự khai thác, mua tại thị trường đá quý có tổ chức, nhận gia công, chế tác cho các tổ chức, cá nhân khác có nguồn đá quý nguyên liệu hợp pháp).

Điều 11- Các tổ chức kinh tế và cá nhân nước ngoài được phép đầu tư vào lĩnh vực gia công, chế tác buôn bán đá quý dưới các hình thức theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 12- Các tổ chức kinh tế và cá nhân được phép hành nghề khai thác, gia công, chế tác, buôn bán đá quý, được phép mua bán đá quý trong nước hoặc tham gia xuất khẩu đá quý ra nước ngoài tại những nơi nhất định do Ngân hàng Nhà nước tổ chức; việc mua bán ngoài những nơi đó đều bị coi là buôn bán đá quý bất hợp pháp.

Điều 13: Tại những nơi mua bán, xuất khẩu đá quý do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, người mua bán có quyền lợi và nghĩa vụ:

- Tự định đoạt giá cả thông qua cơ chế đấu giá.

- Được chuyên viên thẩm định của Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho ý kiến thẩm định nếu có yêu cầu.

- Nộp lệ phí vào cửa và các chi phí dịch vụ khác, nếu có.

- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

- Làm các thủ tục vay mượn tín dụng Ngân hàng.

- Được cấp giấy phép chứng nhận quyền sở hữu đá quý vừa được mua.

- Được nhận giấy phép đưa đá quý ra nước ngoài khi mua đá quý tại nơi Ngân hàng Nhà nước tổ chức việc mua bán đá quý để xuất khẩu.

Điều 14: Việc xuất nhập khẩu đá quý và mở cửa hàng kinh doanh đá quý ở nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý.

Các tổ chức sản xuất - kinh doanh đá quý nếu có đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đều được xem xét để cấp giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp đá quý và mở cửa hàng đá quý ở nước ngoài.

Các tổ chức không có giấy phép và các cá nhân muốn tham gia xuất nhập khẩu đá quý và tham gia bán đá quý ở nước ngoài phải uỷ thác cho các tổ chức có giấy phép.

Điều 15: Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế tổ chức quản lý những nơi mua bán, xuất nhập khẩu đá quý và mở cửa hàng đá quý ở nước ngoài; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện từng bước, có trọng điểm kế hoạch đó, tổ chức các dịch vụ về tiền tệ phục vụ cho các hoạt động thăm dò, khai thác, chế tác và buôn bán đá quý.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bị bãi bỏ.

Các tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra địa chất, thăm dò - khai thác, chế tác buôn bán, xuất nhập khẩu đá quý trái với những quy định tại Quyết định này thì tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ phải chịu xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật. Trong mọi trường hợp, số đá quý khai thác, mua bán, xuất nhập khẩu bất hợp pháp đều bị tịch thu; người vi phạm có thể còn bị phạt tiền đến ba lần giá trị của số đá quý bị tịch thu.

Điều 17: Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày ký Quyết định này, Bộ trưởng các Bộ: Công nghiệp nặng, Tài chính, Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác có liên quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc theo thẩm quyền của mình ban hành các quy chế và văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký Quyết định này, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan kể trên phải rà xét lại các tổ chức và cá nhân đang khai thác, chế tác, buôn bán đá quý không có giấy phép, hướng dẫn họ làm các thủ tục cần thiết để xem xét cấp giấy phép; giúp đỡ các cá nhân đang khai thác, chế tác, buôn bán đá quý không đủ những điều kiện quy định trong Quyết định này và các văn bản kèm theo, lập ra các tổ chức tự nguyện hội đủ điều kiện để được xem xét cấp giấy phép tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Sau thời hạn đó phải đình chỉ hoạt động của các tổ chức và cá nhân khai thác, chế tác buôn bán đá quý bất hợp pháp.

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 333-CTHĐBT năm 1991 về việc tổ chức, quản lý các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 333-CTHĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/10/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản