Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 332/2005/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 31 tháng 01 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG NƯỚC SINH HOẠT Ở NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 -11- 2003;

- Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30-12-1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;

- Căn cứ Chỉ thị số 04/2004/CT-TTg ngày 20-01-2004 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch;

- Căn cứ Quyết định số: 149/2004/NĐ-CP ngày 27-7-2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

- Căn cứ Quyết định số 2530/2004/QĐ-UB ngày 29-6-2004 của UBND tỉnh v/v ban hành quy định về cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm, nước mặt và hành nghề khoan nước ngầm;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 977/CV-SNN-PTNT ngày 16-11-2004 và Công văn số 549/CV-TP ngày 25-11-2004,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Quy định này thi hành thống nhất trong toàn tỉnh và có hiệu lực kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre và những người được cung cấp sử dụng nước sinh hoạt nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Bảo

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG NƯỚC SINH HOẠT Ở NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 332/2005/QĐ-UB ngày 31 tháng 01 năm 2005 của UBND tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản qui đinh này quy định về trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị sự nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, được cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là bên cấp nước); trách nhiệm, quyền hạn của đối tượng sử dụng nước, hộ cá thể từ các hệ thống cung cấp nước nông thôn (gọi tắt là bên sử dụng nước) và các đối tượng khác có liên quan trong hoạt động cung cấp nước sinh hoạt nông thôn tại tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Hoạt động cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt ở nông thôn phải tuân thủ Quy đinh này, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan. Nước cung cấp phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam

Điều 3. Bên cấp nước có chức năng khai thác có hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật trên toàn bộ hệ thống cấp nước do đơn vị mình quản lý.

Việc xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn phải tuân thủ theo quy định hiện hành và thực hiện đúng qui hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG NƯỚC

Điều 4. Nguồn nước mặt, hoặc nước ngầm dùng để sản xuất, cung cấp cho các nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt phải đảm bảo yêu cầu về trữ lượng, chất lượng và phải phù hợp với qui hoạch sử dụng nguồn nước, phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, vi sinh, lý hoá do Nhà nước quy định. Đơn vị, tổ chức khai thác nước để khai thác cho các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt phải có đủ các điều kiện quy định tại Quyết định số 2530/2004/QĐ-UB ngày 29-6-2004 của UBND tỉnh. Chung quanh điểm lấy nước nguồn phải có khu vực bảo vệ nguồn nước theo quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành năm 1996. Tiêu chuẩn cấp nước bên ngoài và công trình TCN 33-85 của Bộ Xây dựng và tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành kèm theo Quyết định số 1329/2002/QĐ-BYT ngày 18-4-2002 của Bộ Y tế đối với các công trình cung cấp nước. Việc quy hoạch xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp (nếu có) cũng như xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt không được gây ô nhiễm nguồn nước.

Điều 5. Hệ thống cung cấp nước bao gồm: máy móc, thiết bị, các trạm bơm, bể chứa nước, mạng lưới đường ống cấp nước,… phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối, quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc bất khả xâm phạm. Mọi hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, vi phạm hệ thống sản xuất cung cấp nước nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 6. Trên hệ thống mạng lưới cung cấp nước, kể cả đường ống nhánh nối từ đường ống chính để đồng hồ nước của bên sử dụng đều do bên cung cấp nước quản lý và thực hiện các công tác, thiết kế, thi công lắp đặt mới cũng như cải tạo, sửa chữa.

Điều 7. Việc cung cấp và sử dụng nước phải được lập thành hợp đồng giữa bên cung cấp nước và bên sử dụng nước. Hợp đồng phải nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trên cơ sở bản Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan. Thời hạn lắp đặt đường ống nhánh, đồng hồ nước và cung cấp nước do bên cấp nước thoả thuận nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày bên sử dụng nước có yêu cầu.

Điều 8. Quản lý, lắp đặt sử dụng đồng hồ nước.

1) Việc lắp đặt, tháo gỡ, sửa chữa, thay thế hoặc chuyển đổi vị trí đồng hồ nước do bên cấp nước thực hiện theo yêu cầu của bên sử dụng nước hoặc vì mục đích sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước.

2) Bên cấp nước chịu trách nhiệm cung cấp đồng hồ nước theo tiêu chuẩn quy định, cho phép sai số lớn hơn hoặc nhỏ hơn 5%, thời gian bảo hành 6 tháng.

3) Vị trí đặt đồng hồ nước do bên sử dụng nước đề nghị nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn, thuận tiện cho việc kiểm tra, sửa chữa và ghi chỉ số tiêu thụ. Đồng hồ nước phải có hộp bảo vệ hoặc thiết bị bảo vệ.

4) Trường hợp nhượng quyền sử dụng hệ thống cấp nước cho người khác:

- Bên sử dụng nước phải liên hệ với bên cấp nước để thanh toán đầy đủ tiền nước đã sử dụng đến ngày thôi sử dụng nước, huỷ bỏ hợp đồng cung cấp và sử dụng nước.

- Người được nhưỡng quyền sử dụng hệ thống cấp nước phải liên hệ với bên cấp nước để ký hợp đồng mới.

- Bên cấp nước được quyền tạm ngưng cung cấp nước nếu bên sử dụng nước không đáp ứng đầy đủ các nhu cầu trên.

Điều 9. Xử lý đồng hồ nước trong các trường hợp:

1) Đồng hồ bị đứt niêm chì, bể mặt kiếng, không hoạt động hoặc bị mất mà bên sử dụng không báo cho bên cấp nước biết hoặc bên sử dụng nước tự ý thay đổi vị trí đồng hồ nước thì bên cấp nước có quyền truy thu một kỳ tiền nước nhân lên 1,5 lần. Một kỳ tiền nước được tính như sau: lấy tổng số tiền của ba kỳ liền trước đó chia cho ba.

2) Đồng hồ nước không hoạt động, bị mất hoặc mờ mặt số, bên sử dụng phải báo cho bên cấp nước biết để kịp thời sửa chữa, thay mới. chi phí sửa chữa, thay mới trong thời gian bảo hành thì do bên cấp nước chịu, ngoài thời gian bảo hành thì do bên sử dụng nước chịu.

3) Bên cấp nước phải tiến hành kiểm tra, khảo sát để xử lý không quá 5 ngày kể từ khi nhận được thông báo của bên sử dụng nước về các sự cố liên quan đến đồng hồ nước.

4) Đồng hồ nước đo sai: Căn cứ vào kết quả kiểm định của cơ quan kiểm định, nếu đồng hồ đo sai vượt quá phạm vi sai số cho phép lớn hoặc nhỏ hơn 5% thì bên cấp nước sẽ truy thu hoặc truy hoàn không vượt quá 30 ngày kể từ ngày đồng hồ nước được kiểm định trở về trước.

Điều 10. Quản lý tiêu thụ nước.

1) Tất cả các đối tượng sử dụng nước từ hệ thống cung cấp nước phải được lắp đồng hồ nước (trừ họng chữa cháy).

Cơ quan phòng cháy, chữa cháy có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực về khối lượng nước máy thực tế sử dụng cho việc PCCC bằng văn bản cho bên cấp nước với Nhà nước.

2) Chỉ số đồng hồ nước ghi vào sổ theo dõi do bên cấp nước quản lý và trên hoá đơn tiền nước, theo chu kỳ ghi: 1 tháng/lần để tính lượng nước tiêu thụ trong kỳ.

3) Trường hợp đồng hồ nước bị hỏng, mất thì lượng nước tiêu thụ trong kỳ được tính bằng mức tiêu thụ bình quân của 3 kỳ liền trước đó.

Điều 11. Đơn vị quản lý hệ thống cung cấp nước:

Giao cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre tổ chức quản lý, vận hành và khai thác theo quy định các nhà máy cấp nước nông thôn có quy mô tập trung trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Các công trình cấp nước nông thôn có nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có sự tài trợ của nước ngoài như: nguồn vốn UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc), ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á), AFD (Tổ chức phát triển Pháp), WB (Ngân hàng Thế giới). Riêng chương trình cấp nước nông thôn do Chính phủ Úc và Việt Nam đồng tài trợ: sau khi xây dựng xong sẽ thống nhất cùng nhà tài trợ quyết định,… và các nguồn tài trợ khác (nếu có).

Các nhà máy nước có quy mô nhỏ (không nằm trong các đối tượng quản lý nêu trên như: trạm cấp nước, hệ nối mạng, các bể chứa nước nông thôn…) Ủy ban nhân dân huyện, thị phải có trách nhiệm chỉ đạo cho xã ấp quản lý tốt (do UBND huyện quyết định), không để tình trạng xuống cấp như hiện nay, phải đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đúng như mục tiêu của từng dự án đề ra khi đầu tư xây dựng, nước cung cấp phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng đề ra ban đầu, thường xuyên hoặc định kỳ hàng năm cần thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý vận hành cơ sở này.

Chương III

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN CẤP NƯỚC

Điều 12. Bên cấp nước có nghĩa vụ:

1) Cung cấp đủ nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế quy định hiện hành cho bên sử dụng nước.

2) Thường xuyên kiểm tra, xử lý để đảm bảo cung cấp nước; khi phát hiện hoặc khi bên sử dụng nước thông báo không có nước; ống bị vỡ rò rỉ. đồng hồ nước bị sự cố kỹ thuật trong thời hạn 5 ngày, thông tắc và súc xả ống nước theo định kỳ.

3) Tuyên truyền, giáo dục ý thức của nhân dân trong việc sử dụng và bảo quản hệ thống sản xuất và cung cấp nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, cũng như bảo vệ tốt nước đầu nguồn.

4) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người sử dụng nước về các hành vi của nhân viên thuộc đơn vị mình.

Nếu các khiếu nại đúng thực tế có thiệt hại do bên cấp nước gây ra thì bên cấp nước sẽ bồi thường kịp thời và tương xứng với giá trị thiệt hại.

5) Chi phí lắp đặt đồng hồ nước, sửa chữa, lắp đặt đường ống chính (bên cấp nước quản lý) đến đường ống nhánh (bên sử dụng nước quản lý) trong trường hợp đặc biệt (hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cán bộ, công chức thật sự khó khăn, hộ chính sách) được cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận thì đơn vị cấp nước sẽ đầu tư hoặc sửa chữa bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản để lại hoặc từ nguồn tích lũy tái đầu tư, mở rộng.

Điều 13. Bên cấp nước không phải bồi thường thiệt hại do ngưng cung cấp nước trong những trường hợp sau đây:

- Bị sự cố về điện, máy móc, đường ống…

- Ngưng cung cấp nước tạm thời để bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

- Cải tạo, nâng cấp công suất nhà máy cấp nước.

Trường hợp có kế hoạch ngưng cấp nước, bên cấp nước phải thông báo trước 24 giờ trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 14. Bên cấp nước được quyền ngưng cấp nước mà không phải thông báo trước trong các trường hợp sau:

1) Bên sử dụng nước tự ý mắc nối đường ống nhánh không qua đồng hồ nước hoặc để mất đồng hồ nước không báo cho đơn vị cấp nước biết.

2) Đường ống nhánh và đồng hồ nước bị hư hỏng mà bên sử dụng không báo bên cấp nước đến sửa chữa kịp thời trong thời hạn tối đa là 3 ngày, để lãng phí nước, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước trong mạng đường ống.

3) Bên sử dụng nước không trả tiền nước đã tiêu thụ, sau 10 ngày kể từ ngày có giấy báo thanh toán tiền nước.

4) Bên sử dụng nước không thực hiện đúng trách nhiệm tại khoản 4 Điều 16 của Quy định này.

5) Bên sử dụng nước vi phạm các Điều 5, 6, 7, 8 của bản Quy định này.

Điều 15. Công tác kiểm tra của bên cấp nước

- Bên cấp nước được quyền tổ chức kiểm tra hệ thống đường ống cấp nước, hướng dẫn bên sử dụng nước quản lý ống nhánh, đồng hồ nước, các thiết bị dùng nước hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.

- Thường xuyên kiểm tra ngăn chặn việc sử dụng nước bất hợp pháp như tự ý khoan đường ống chính để lấy nước, lập biên bản tạm giữ các tang vật vi phạm nhằm chống thất thoát và lãng phí nước. Nhân viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải xuất trình giấy công tác cho bên sử dụng nước biết.

Chương IV

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA BÊN SỬ DỤNG NƯỚC

Điều 16. Bên sử dụng nước có nghĩa vụ:

1) Thực hiện đúng hợp đồng đã ký với bên cấp nước. Chi phí lắp đặt mới, sửa chữa đường ống nhánh cho bên sử dụng nước thì bên sử dụng phải chịu.

2) Thanh toán tiền nước và khoản chi phí theo chứng từ hoá đơn của bên cấp nước phát hành, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận giấy báo.

3) Quản lý tốt ống nhánh và đồng hồ nước; thông báo kịp thời những hư hỏng, rò rỉ trên ống nhánh và đồng hồ nước.

4) Bên sử dụng nước không được:

- Sử dụng nước không qua đồng hồ nước.

- Sử dụng nước sai mục đích, bán lại nước để thu tiền lãi.

- Dùng máy bơm hút nước trực tiếp từ đường ống nhánh.

- Tự ý cải tạo, điều chỉnh đồng hồ nước hoặc các thiết bị dùng nước gây thất thoát nước hoặc làm tổn thất áp lực trong đường ống.

5) Tạo điều kiện thuận lợi cho bên cấp nước kiểm tra đường ống, đồng hồ nước và các thiết bị sử dụng nước, đo chỉ số đồng hồ nước.

6) Khi không còn nhu cầu sử dụng nước, thay đổi mục đích sử dụng nước, chuyển tên hợp đồng bên sử dụng nước phải báo cho bên cấp nước bằng văn bản và thanh toán dứt điểm các khoản tiền còn nợ (nếu có).

Điều 17. Bên sử dụng nước có quyền:

1) Yêu cầu bên cấp nước cung cấp đầy đủ nước đúng theo hợp đồng đã ký.

2) Yêu cầu bên cấp nước kiểm tra, lắp đặt, sửa chữa chuyển dời đường ống nước và đồng hồ nước.

3) Khiếu nại, tố cáo mọi hành vi vi phạm hợp đồng sử dụng nước và các quy định của bản Quy định này.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Khen thưởng

Tổ chức hoặc cá nhân có một trong các thành tích sau đây sẽ được xét khen thưởng theo quy định Nhà nước:

Phát hiện thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền, bên cấp nước những trường hợp vi phạm bản Quy định này; những hư hỏng, sự cố… trên hệ thống sản xuất và cung cấp nước.

Phát hiện và tố giác những cá nhân hoặc tập thể thuộc bên cấp nước quản lý có hành vi vi phạm bản quy định, sách nhiễu gây khó khăn trong việc cấp nước và hoạt động liên quan khác, thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại tài sản Nhà nước và công dân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn giải quyết công việc trái pháp luật.

Điều 19. Xử lý vi phạm

1)Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác; cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt nông thôn và nội dung bản Quy định này tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2) Khi phát hiện hành vi vi phạm, nhân viên được giao nhiệm vụ kiểm tra của bên cấp nước kịp thời lập biên bản và chuyển giao cho cấp có thẩm quyền xử lý.

3) Nếu cá nhân, tập thể nào có hành vi cố ý phá hoại các công trình cấp nước công cộng thì tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm, cá nhân, tập thể đó sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật hiện hành./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 332/2005/QĐ-UB về quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng nước sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 332/2005/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/01/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Quốc Bảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 10/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản