Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3300/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”;

Căn cứ Quyết định số 3273/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2021 về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Công văn số 3464/UBND-ĐT ngày 18 tháng 10 năm 2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Xét Tờ trình số 4782/TTr-STNMT-KTTV ngày 17 tháng 6 năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022 - 2030, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

Giao Thủ trưởng các Sở, ngành; các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị nhằm thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trưởng Ban Quản lý Khu Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; Thủ trưởng các các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Đoàn thể; Báo đài TP;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Phòng: ĐT, DA, KT, TH;
- Lưu: VT, (ĐT/TrHieu).

CHỦ TỊCH




Phan Văn Mãi

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3300/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. MỤC TIÊU

- Tăng cường sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị góp phần từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế

- Hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu;

- Nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ ngành và Thành phố trong điều hành quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu;

II. GIẢI PHÁP

- Rà soát quy hoạch, thực tế phát triển đô thị và các điểm dân cư xác định vị trí mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas Đô thị và Khí hậu;

- Phối hợp triển khai các dự án mang tính liên vùng, liên đô thị.

III. NỘI DUNG

Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng nhằm thực hiện các nhiệm vụ thuộc các Chương trình của Đề án, bao gồm:

1. Chương trình: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu)

- Triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn Thành phố;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng và chuyển giao cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu);

- Điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị có nguy cơ chịu tác động (đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2022 - 2030) nhằm khắc phục, cải tạo và thích nghi với bối cảnh biến đổi khí hậu;

- Khảo sát, đánh giá mức phát thải khí nhà kính từ dòng chảy, đề xuất giải pháp quy hoạch đô thị đối với hệ thống kênh rạch Thành phố.

2. Chương trình: Bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu và quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị

- Xây dựng hướng dẫn thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

- Phân tích đánh giá rủi ro ngập nước tại khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp thích ứng;

- Rà soát Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Phương án phát triển thủy lợi giảm ngập Thành phố Hồ Chí Minh nhằm khép kín toàn bộ hệ thống thoát nước, ngăn triều, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho Thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Chương trình: Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai

Để triển khai nhiệm vụ Nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh thích ứng biến đổi khí hậu, các giải pháp cần thực hiện như sau:

- Xây dựng đề án thí điểm Đề án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế công trình trong đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố, áp dụng cho thành phố Thủ Đức;

- Phân tích đánh giá rủi ro, ngập nước tại khu vực phía Nam Thành phố và đề xuất các giải pháp thích ứng;

- Phối hợp với Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu về phát triển đô thị và biến đổi khí hậu. Trong đó, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chọn Công viên Tam Phú, thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu điển hình về Đánh giá lợi ích các giải pháp vào thiên nhiên trong quản lý tổng hợp ngập đô thị;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường quản lý các khu đất, diện tích mặt nước, hệ thống sông, kênh, rạch theo đúng các quy hoạch, điều lệ quản lý quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định hiện hành nhằm phục vụ cho công tác thoát nước và chống ngập của Thành phố, đồng thời rà soát, kiến nghị điều chỉnh các đồ án quy hoạch để phù hợp với định hướng mới về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để triển khai nhiệm vụ “Thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của biến đổi khí hậu”, các giải pháp cần thực hiện như sau:

- Cập nhật nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào Chương trình phát triển đô thị của Thành phố, nhằm xây dựng cơ sở thực hiện các dự án nâng cấp, phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Để triển khai nhiệm vụ “Chương trình, dự án liên quan đến thoát nước và chống ngập, đặc biệt quan tâm đến vùng chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thường xuyên xảy ra lũ lụt”, các giải pháp cần thực hiện như sau:

- Triển khai Đề án chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 -2030 (đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2021).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vai trò các đơn vị liên quan

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Kế hoạch, các nhiệm vụ được phân công thực hiện như sau:

a) Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn, điều phối việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động theo quy định;

- Chủ trì, triển khai các nội dung được phân công, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu;

- Chủ trì báo cáo kết quả Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân Thành phố theo định kỳ hằng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.

b) Trách nhiệm các Sở ngành

- Chủ động triển khai các nội dung công việc được phân công, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu;

- Vận động, thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng hỗ trợ kế hoạch;

- Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu.

2. Nguồn lực tài chính

a) Đối với chương trình thuộc nguồn chi sự nghiệp của Thành phố

Đối với chương trình thuộc nguồn chi sự nghiệp khoa học:

- Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, quận huyện và các đơn vị liên quan thẩm định, phê duyệt, giám sát triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, các định hướng công nghệ liên quan đến ứng phó với BĐKH;

- Giao các Sở, ban, ngành chủ trì các chương trình, nhiệm vụ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để đăng ký thực hiện theo quy định.

Đối với chương trình thuộc nguồn chi sự nghiệp khác:

- Các Sở, ngành căn cứ nhiệm vụ được phân công, hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí theo phân cấp ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

b) Đối với chương trình, nhiệm vụ và dự án thuộc nguồn chi đầu tư phát triển của Thành phố

Đối với các dự án đầu tư công sử dụng nguồn ngân sách Thành phố: trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách cho kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố danh mục các dự án đầu tư công sử dụng nguồn ngân sách thành phố trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

3. Chế độ báo cáo

Các cơ quan, đơn vị theo từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố:

- Báo cáo định kỳ: thực hiện trước ngày 15 tháng 12 hàng năm;

- Báo cáo sơ kết: thực hiện trước 15 tháng 6 năm 2023, ngày 15 tháng 12 năm 2025 và 15 tháng 6 năm 2028;

- Báo cáo tổng kết: thực hiện trước ngày 15 tháng 12 năm 2030;

- Báo cáo đột xuất công tác ứng phó biến đổi khí hậu khi có yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành; các đơn vị có liên quan cần phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm Quyết định số 3300/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chương trình

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Ghi chú

Chương trình 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu)

1.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng Atlat đô thị và khí hậu cho 5 đô thị trọng điểm: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Xây dựng

2022-2030

 

2.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển giao quản lý và khai thác Atlas đô thị khí hậu tại địa phương

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở ngành liên quan

Sở ngành liên quan

 

Chương trình: Bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu và quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị

8.

Xây dựng hướng dẫn thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì

Sở ngành liên quan

2022-2025

Đã đăng ký thực hiện tại Quyết định số 3273/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố, về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

9.

Phân tích đánh giá rủi ro ngập nước tại khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp thích ứng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì

Sở ngành liên quan

2022-2025

10.

Phương án phát triển thủy lợi giảm ngập Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan

2022-2023

Công văn số 5212/UBND-KT ngày 13/12/2019 và Công văn số 936/UBND-KT ngày 29/03/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố

Chương trình: Phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai

11.

Xây dựng đề án thí điểm Đề án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế công trình trong đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố, áp dụng cho thành phố Thủ Đức.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì

Sở ngành liên quan

2022-2025

 

12.

Phân tích đánh giá rủi ro, ngập nước tại khu vực phía Nam Thành phố và đề xuất các giải pháp thích ứng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì

Sở ngành liên quan

2022-2025

 

13.

Phối hợp với Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu về phát triển đô thị và biến đổi khí hậu. Trong đó, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chọn Công viên Tam Phú, thành phố Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu điển hình về Đánh giá lợi ích các giải pháp vào thiên nhiên trong quản lý tổng hợp ngập đô thị.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì

Sở ngành liên quan

2022

 

14.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường quản lý các khu đất, diện tích mặt nước, hệ thống sông, kênh, rạch theo đúng các quy hoạch, điều lệ quản lý quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định hiện hành nhằm phục vụ cho công tác thoát nước và chống ngập của Thành phố, đồng thời rà soát, kiến nghị điều chỉnh các đồ án quy hoạch để phù hợp với định hướng mới về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì

Sở ngành liên quan

2022-2025

 

15.

Lồng phép, cập nhật các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Xây dựng

Sở ngành liên quan

2022-2030

 

16.

Đề án chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030

Sở Xây dựng

Sở ngành liên quan

2022-2030

Đã đăng ký thực hiện tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/01/2021

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU” GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm Quyết định số 3300/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Chương trình

Mục tiêu

Sản phẩm cần đạt

Đơn vị chủ trì

Đơn vị đặt hàng

Thời gian thực hiện

1.

Điều tra đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị có nguy cơ chịu tác động đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030

Mục tiêu tổng quát:

Đánh giá được tác động cụ thể của các biểu hiện của biến đổi khí hậu đến các đô thị hiện hữu và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu cụ thể

- Đánh giá được mức độ ảnh hưởng do ngập, nắng nóng, mưa lớn... đến các đô thị hiện hữu và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh;

- Đề xuất giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho các đô thị mới;

- Bộ dữ liệu thu thập;

- Báo cáo đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến đô thị hiện có của Thành phố Hồ Chí Minh;

- Báo cáo đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh;

- Đề xuất giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho các đô thị mới.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài nguyên và Môi trường

2022-2030

2.

Khảo sát, đánh giá mức phát thải khí nhà kính từ dòng chảy, đề xuất giải pháp quy hoạch đô thị đối với hệ thống kênh rạch Thành phố

Mục tiêu tổng quát: Đánh giá hiện trạng phát thải CH4 từ hệ thống kênh rạch trong Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng chương trình quan trắc phát thải CH4 từ dòng chảy trong thành phố.

Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá hiện trạng phát thải CH4 từ hệ thống kênh rạch và phần đóng góp của phát thải từ nền đáy vào tổng lượng phát thải.

- Xây dựng hệ số phát thải CH4 từ dòng chảy trong thành phố.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải CH4 từ hệ thống kênh rạch trong thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm tổng lượng phát thải và lượng phát thải từ nền đáy dưới dạng bọt khí.

- Phân tích mối quan hệ giữa phát thải CH4 với điều kiện môi trường - dinh dưỡng của khối nước và nền đáy.

- Xây dựng giải pháp quản lý CH4 từ dòng chảy trong thành phố.

- Bộ cơ sở dữ liệu về phát thải CH4 từ dòng chảy trong thành phố Hồ Chí Minh.

- Báo cáo khoa học xây dựng hệ số phát thải CH4 từ dòng chảy trong thành phố Hồ Chí Minh.

- Báo cáo khoa học phân tích mối quan hệ giữa phát thải CH4 với điều kiện môi trường - dinh dưỡng của khối nước và nền đáy.

- Chương trình quan trắc phát thải CH4 từ dòng chảy kèm sổ tay hướng dẫn.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài nguyên và Môi trường

2022-2030

3.

Nghiên cứu xây dựng mốc báo động lũ ứng với các cấp tại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng hệ thống mốc cảnh báo lũ, ngập lụt và đề xuất mực nước tương ứng với cấp báo động tại một số vị trí thường xảy ra ngập lụt, nhằm nâng cao hiệu quả của các thông tin thông báo, cảnh báo, góp phần giảm nhẹ thiên tai phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu cụ thể

- Đề xuất giá trị mực nước tương ứng với từng cấp báo động lũ loại I, II, III;

- Đề xuất được các vị trí cần đặt trạm thủy văn và mốc báo lũ;

- Xây dựng phương án cảnh báo lũ theo cấp báo động và đề xuất biện pháp ứng phó với các cấp báo động lũ cho Thành phố Hồ Chí Minh;

- Xây dựng phần mềm hỗ trợ cung cấp thông tin, quản lý lũ lụt theo cấp báo động.

- Bộ dữ liệu thu thập;

- Báo cáo xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đề xuất quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ;

- Báo cáo đề xuất một số vị trí trạm và mốc cảnh báo lũ cần thiết theo cấp báo động lũ;

- Đề xuất biện pháp ứng phó theo cấp báo động lũ tại các vị trí ngập;

- Báo cáo xây dựng công cụ hỗ trợ cung cấp thông tin, quản lý lũ lụt cho thành phố thông minh (phần mềm quản lý lũ lụt);

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài nguyên và Môi trường

2022-2030

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3300/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch triển khai Đề án "Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu" giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 3300/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Mãi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản